Cho phép người lao động thành lập các tổ chức đại diện ngoài Công đoàn

TPO - Với Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2019, Quốc hội đã chính thức thông qua điều khoản cho phép người lao động (NLĐ) thành lập các tổ chức đại diện cho mình tạo doanh nghiệp (DN) từ ngày 1/1/2021. Tổ chức này hoạt động song song và bình đẳng với tổ chức Công đoàn và người lao động có quyền lựa chọn tham gia 1 tổ chức đại diện cho mình.
Người lao động tại doanh nghiệp sẽ được lựa chọn tham gia Công đoàn Việt Nam hoặc thành lập một tổ chức riêng đại diện cho mình. Ảnh minh họa.

Theo đó, Bộ Luật LĐ 2019 có 1 chương riêng về Tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở bên cạnh tổ chức Công đoàn (chương 13). Chương này thay cho chương quy định về Công đoàn cơ sở trong Bộ Luật LĐ năm 2012. Tuy nhiên, Luật mới chỉ quy định khung về tổ chức đại diện NLĐ tại DN, thay vì quy định chi tiết như tại Dự thảo Luật đưa ra lấy ý kiến trước đó. Quy định chi tiết sẽ do Chính phủ ban hành.

Cụ thể, theo Điều 170 của Bộ Luật: NLĐ có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn hoặc có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của NLĐ tại DN theo quy định của Luật này.

Các tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở và Công đoàn bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ trong quan hệ LĐ.

Tổ chức của NLĐ tại DN được thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký (Điều 172). Hoạt động đảm bảo nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ; tự nguyện, tự quản, dân chủ, minh bạch. Nếu tổ chức này vi phạm các quy định, hoặc DN chia tách, dừng hoạt động, giải thể, phá sản... sẽ bị thu hồi đăng ký. Tổ chức này cũng có quyền thành lập và sau đó gia nhập Công đoàn Việt Nam.

Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký; thẩm quyền, thủ tục cấp đăng ký, thu hồi đăng ký; quản lý nhà nước đối với vấn đề tài chính, tài sản của tổ chức này; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, quyền liên kết của tổ chức của NLĐ tại DN.

Tại thời điểm đăng ký, tổ chức của NLĐ tại DN phải có số lượng tối thiểu thành viên là NLĐ làm việc tại DN theo quy định của Chính phủ (Điều 173).

Về Ban lãnh đạo, Luật quy định: Phải do các thành viên tham gia bầu lên; phải là NLĐ Việt Nam đang làm việc tại DN; không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích do phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, các tội xâm phạm sở hữu theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Tổ chức của NLĐ tại DN phải có Điều lệ hoạt động, với các nội dung như: Tên, địa chỉ của tổ chức, logo (nếu có); Tôn chỉ, mục đích và phạm vi hoạt động; Điều kiện, thủ tục gia nhập và ra khỏi tổ chức của NLĐ; Cơ cấu tổ chức... Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Luật cũng quy định cụ thể một số hành vi nghiêm cấm với người sử dụng LĐ liên quan đến thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở (Điều 175), như: Phân biệt đối xử giữa các tổ chức, người LĐ tham gia các tổ chức; Cản trở, gây khó khăn nhằm làm suy yếu hoạt động của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở...

Thành viên Ban lãnh đạo tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở được một số quyền (Điều 176), như: Tiếp cận NLĐ và người sử dụng LĐ; Được sử dụng một phần thời gian làm việc vẫn được trả lương để thực hiện công việc đại diện cho NLĐ... Chính phủ quy định thời gian tối thiểu người sử dụng LĐ phải dành cho các thành viên Ban lãnh đạo tổ chức NLĐ tại cơ sở.

Quyền và nghĩa vụ của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở (Điều 178) gồm: Tham gia thương lượng tập thể; Đối thoại tại nơi làm việc; Giám sát thực các quyền, lợi ích của NLĐ là thành viên tổ chức mình; Đại diện cho NLĐ trong quá trình giải quyết khiếu nại, tranh chấp lao động cá nhân khi được người lao động ủy quyền.

Đặc biệt, tổ chức của NLĐ tại DN được tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định; Được tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan, tổ chức đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam... 

Các quy định trên của Bộ Luật Lao động năm 2019 được Quốc hội thông qua có nhiều nội dung thay đổi so với bản Dự thảo Luật được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra lấy ý kiến trước đó. 

Theo đó, ngoài việc Luật không qua định quá chi tiết mà trao quyền cho Chính phủ, Luật được thông qua cũng bỏ quy định “Tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở không được là tổ chức có mục đích chính trị”.

Với việc từ ngày 1/1/2021 Bộ Luật Lao động năm 2019 có hiệu lực, NLĐ sẽ chính thức được thành lập các tổ chức đại diện cho mình, thay vì chỉ được lựa chọn tham gia vào tổ chức Công đoàn như lâu nay. Đây được xem là quy định đột phá trong Bộ Luật này, và thực hiện đúng cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã ký kết, gồm: FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA) và CP-TPP.

Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2019 cũng đơn giản hóa các thủ tục và quy trình tiến tới đình công. Theo đó, nếu xảy ra tranh chấp LĐ, sau khi thực hiện bước Hòa giải viên lao động bất thành, các tổ chức đại diện cho NLĐ, Công đoàn có quyền chọn bước thông qua Hội đồng trọng tài LĐ, hoặc tổ chức các bước để đình công. 

Điều này khác trước đây, khi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải không thành, Công đoàn phải thực hiện bước qua Hội đồng trọng tài, nếu bước này thất bại mới được thực hiện các bước đình công. Để 1 cuộc đình công đúng pháp luật, phải do Công đoàn lãnh đạo. Chính quy định như vậy nên hầu hết các cuộc đình công từ trước tới nay đều là bất hợp pháp vì không do Công đoàn lãnh đạo, hoặc mất nhiều thời gian (nhanh cũng phải 15 ngày).