Ý nghĩa logo thương hiệu – Phần 18: Vans

Bài ELLE Team

Suốt nửa thế kỷ qua, Vans cùng logo thương hiệu của mình đã trở thành với một phần lịch sử của văn hoá ván trượt nước Mỹ nói riêng và cả thế giới thời trang đường phố nói chung. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu về lịch sử ra đời, ý nghĩa logo thương hiệu và quá trình phát triển của Vans trong bài viết này.

Chắc hẳn mỗi chúng ta đều đã quen thuộc với thương hiệu ván trượt tỉ đô đến từ Mỹ này. Không khó để bắt gặp hình ảnh của một ai đó bước ra đường cùng đôi Vans của mình. Vậy có bao giờ bạn tự hỏi về lịch sử ra đời của Vans đã trải qua những gì để đạt được thành tựu như ngày nay? Hay cả ý nghĩa logo thương hiệu và cả slogan “Off the Wall” đầy nổi tiếng của biểu tượng của giới skater lẫn thời trang đường phố thế giới. Để giải đáp thắc mắc đó, hãy theo chân ELLE Man cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

Lịch sử ra đời

Được thành lập bởi anh em Paul và Jim Van Doren cùng đối tác là Gordon Lee và Serge Delia, công ty Van Doren Rubber Company mở cửa vào ngày 16/3/1966 tại 704 E. Broadway, Anaheim thành phố California nước Mỹ. Điều đặc biệt ở công ty này là họ sản xuất giày ngay tại chỗ và bán trực tiếp cho công chúng. Trong buổi sáng khai trương, 12 vị khách đã đến đặt mua những đôi giày với mức giá trong khoảng từ $2.49 đến $4.99, được làm và xuất xưởng ngay vào buổi chiều. Đó chính là những viên gạch đầu tiên cho công ty Vans tỉ đô sau này và những đôi giày của 12 vị khách đầu tiên ấy chính là đôi Vans #95 cũng chính là Vans Authentic quen thuộc với chúng ta đến tận ngày nay.

Thương hiệu Vans ELLE Man 03
Ảnh: Vans
Thương hiệu Vans ELLE Man 04
Ảnh: Courtesy of Vans

Vào giữa thập niên 70, ván trượt trở thành một hiện tượng trong giới trẻ. Vans nhanh chóng “bắt tín hiệu” tới những ngôi sao đang lên trong làng ván trượt và dễ dàng giành được “tấm vé” xâm nhập vào cộng đồng này thông qua việc tài trợ giày miễn phí cho họ.

Vào năm 1976, Tony Alva và Stacy Peralta đã mang đến thiết kế Vans #95 hay còn được gọi là Vans Era. Cùng với một miếng đệm hỗ trợ ở phần gót giày và sự kết hợp màu sắc đầy mới lạ, Vans Era nhanh chóng thành sự lựa chọn hàng đầu cho dân trượt ván thời đó.

Thương hiệu Vans ELLE Man 10
Ảnh: Kitchendecor.club

Vào năm 1977, Vans #36 hay được gọi là Old Skool đã được ra đời. Với đường viền thân giày lấy cảm hứng từ một họa tiết được vẽ ngẫu nhiên của Paul Van Doren. Ban đầu được đặt tên là sọc “Jazz” và dần trở thành một dấu hiệu không thể nhầm lẫn của thương hiệu Vans. Vans #98 hay Vans Classic Slip-on cũng được trình làng vào cùng năm. Và theo sau đó là Vans Sk8-Hi ra đời vào năm 1978. Danh tiếng của Vans đã bay xa vang dội cùng những tay đua BMX và là lựa chọn không thể thiếu của các skater vào thời điểm này. Cuối những năm thập niên 70, Vans sở hữu 70 cửa hàng tại California và được bán thông qua các đại lý trong nước lẫn quốc tế.

Thương hiệu Vans ELLE Man 05
Ảnh: Courtesy of Vans
Thương hiệu Vans ELLE Man 02
Ảnh: Courtesy of Vans

Mặc dù giày Vans vẫn đang bán rất tốt nhưng số tiền Vans dùng để chi trả cho các hoạt động thiết kế mới đã vượt quá ngân sách cho phép, nên vào năm 1984, thương hiệu Vans đã đệ đơn xin phá sản

Tòa án phê duyệt kế hoạch cải cách của Vans và Paul Van Doren trở lại làm chủ tịch. Trong 3 năm dưới sự dẫn dắt của Paul, Vans không chỉ chi trả được hết nợ mà còn quay lại với con đường chinh phục thế giới.

Thương hiệu Vans ELLE Man 01
Ảnh: Neale Haynes/REX/Shutterstock, Robert Beck/Icon Sportswire via Getty Images, Doug Pensinger via Getty Images

Không chỉ sản xuất giày, quần áo và phụ kiện, logo thương hiệu Vans còn xuất hiện ở khắp các sự kiện âm nhạc, giải thể thao, và các sân chơi lớn cho giới trẻ… mà trong đó đáng chú ý nhất là “House of Vans”. Thương hiệu đã tổ chức hơn 10 chương trình “House of Vans” tại các thành phố lớn như Brooklyn, Hongkong, Tokyo… và gần nhất là Berlin của Đức.

Đây là một sân chơi mới đầy sức trẻ, nơi mà mọi người có thể giao lưu cùng nhau trượt ván, mua bán, chia sẻ âm nhạc, nghệ thuật và quan trọng hơn cả là chia sẻ niềm đam mê chung đó chính là Vans.

Thương hiệu Vans ELLE Man 08
Ảnh: Vans

Vans cũng cho thấy sự đi trước thời đại của mình trong việc ra mắt Vans Custom tại trang web chính thức là vans.com, là nơi khách hàng có thể thoả sức tự do sáng tạo đôi giày cho chính mình. Cùng những kết hợp đình đám với các hãng thời trang nổi tiếng như Kenzo, Supreme,… những người ca sĩ, ban nhạc đình đám như David Bowie, The  Beatle,… hay thậm chí cả những nghệ thuật cổ điển như Van Gogh. Vans như chứng minh rằng không có gì có thể là giới hạn và thương hiệu luôn sẵn sàng để “Off the Wall”.

Thương hiệu Vans ELLE Man 07
Vans Custom (Ảnh: Vans)
Thương hiệu Vans ELLE Man 15
Vans x Vincent Van Gogh (Ảnh: My Modern Met)

Chính nhờ những bước đi khôn ngoan và sự đầu tư thông minh này của mình mà Vans đã bùng nổ, nhận được sự yêu mến cũng như săn đón của khắp mọi nơi trên thế giới. Với một mức giá phải chăng, thiết kế cổ điển dễ dàng kết hợp trên mọi trang phục mà không hiếm để bắt gặp một người đang dạo bước trên đường trên một đôi giày Vans hay thương hiệu cũng luôn là những sự lựa chọn của những người nổi tiếng trên toàn cầu. Không chỉ dừng lại ở đó, Vans còn xuất hiện trên khắp những bộ phim kinh điển, những giải đấu thế giới và thậm chí Vans đã ghi danh vào lịch sử của mình khi vào năm 2016, Frank Ocean đã cùng đôi Vans Slip-on checkboard của mình bước vào Nhà Trắng.

Thương hiệu Vans ELLE Man 14
Frank Ocean và mẹ, Katonya Breaux, tại nhà trắng vào tháng 10/2016
(Ảnh: Cheriss May/NurPhotoGetty Images)

Thương hiệu Vans đã có những nốt thăng và trầm trong suốt chặng đường lịch sử dài 53 năm của mình. Đã có lúc thương hiệu phải đệ đơn phá sản nhưng Vans đã không bỏ cuộc mà tiếp tục bức phá trong chặng đường của mình. Dường như họ đã có được sự nhận thức sâu sắc cho sự thành công của mình đó là tính độc quyền mang đậm dấu ấn cá nhân thương hiệu. Chỉ với 5 bản thiết kế chính: Authentic, Era, Old Skool, Sk8-hi và Slip-on, Vans vẫn trung thành với vải, da và sự đơn giản. Thương hiệu đã biến nó thành những bản phối nghệ thuật sắc màu, một biểu tượng đậm tính cá nhân của riêng mình. Đó dường như là tôn chỉ nhất quán trong suốt chặng đường để biến sự độc quyền thành khác biệt duy nhất trong cơn bão hoà sneaker trên thị trường.

Thương hiệu Vans ELLE Man 16
Công ty Vans tại California (Ảnh: Vans)

Logo thương hiệu Vans

Không chỉ Vans mà logo thương hiệu của hãng thời trang đường phố này cũng có những thăng trầm và biến đổi theo thời gian. Thiết kế nguyên bản logo xuất hiện trên những đôi giày Vans đầu tiên được bán ra chỉ đơn giản là chữ Vans nằm trong một hình chữ nhật. Lúc đó thì không có slogan “Off The Wall” đi kèm với logo. Mãi đến thập niên 1970, logo của Vans mới có sự thay đổi và cách điệu về thiết kế, tạo tiền đề cho logo quen thuộc của Vans ngày nay.

Thương hiệu Vans ELLE Man 12
Ảnh: Vans

Logo thương hiệu Vans “Off The Wall” chính thức được ra mắt. Ban đầu logo thương hiệu đã được tạo ra bởi người con trai của nhà đồng sáng lập Vans là James Van Doren khi ấy mới 13 tuổi. Mark chỉ đơn thuần tạo ra bức tranh khuôn tô để trang trí lên chiếc ván trượt của mình. Và rồi bản logo ấy đã trở thành một phần của lịch sử.

Hiện tại logo của Vans đã thay đổi để có thiết kế hiện đại hơn với chữ Vans được nằm trong hình chữ nhật màu đỏ và slogan được viết bằng chữ đen ở phía dưới.

Thương hiệu Vans ELLE Man 16
Ảnh: Vans

Font chữ được sử dụng để thiết kế là mẫu font biến thể từ dạng font Helvetica quen thuộc. Vào thời điểm giữa thập niên 1960 thì font chữ này ra đời và được dùng phổ biến trong những thiết kế quảng cáo nhiều năm sau đó. Cùng với hình dạng in đậm, Logo thương hiệu là thể hiện cho sự mạnh mẽ, chắc chắn. Màu đỏ trong logo Vans là đại diện cho niềm đam mê, năng lượng và niềm vui – trong khi màu trắng lại là tượng trưng cho sự thanh lịch và tinh khiết trong các sản phẩm của công ty.

Cụm từ khẩu hiệu “Off The Wall” (tạm dịch: bật khỏi tường) xuất hiện trên logo thương hiệu của Vans được lấy cảm hứng trực tiếp từ văn hoá trượt ván thời bấy giờ. Vào thời điểm đó skater thường thích thực hành kĩ thuật bắt mắt được gọi là “off the wall” tại các hồ bơi trống họ thường chơi ở khu vực California. Hơn nữa cụm từ này cũng được sử dụng để mô tả những người (có cái tôi) khác biệt so với số đông, điều này hoàn toàn phù hợp với hình ảnh mà Vans muốn hướng tới.

Vào năm 2016, April Vitkus – giám đốc phụ trách marketing của thương hiệu – đã có câu trả lời chính thức cho bài phỏng vấn của tạp chí Hypebeast: “”Off the Wall” là trạng thái khi mà trí não của bạn có thể suy nghĩ một cách khác biệt, khi mà cá nhân bạn tự thúc đẩy tính sáng tạo của bản thân và tự bắt đầu con đường của riêng mình với những ý tưởng vượt qua khỏi mọi biên giới thông thường”. Có lẽ đấy cũng chính là vẻ đẹp của Vans, như muốn thúc đẩy không chỉ chính thương hiệu mà còn là cả cộng đồng Vanshollic hãy luôn không ngừng vươn lên, vượt qua mọi rào cản để cùng “Off the Wall”.

Thương hiệu Vans ELLE Man 13
Ảnh: Vinnicius Gut

Logo thương hiệu Vans đã và đang tiếp tục lan rộng phát triển ở khắp mọi nơi. Logo của Vans đã gắn liền với bao thăng trầm và phát triển cùng thương hiệu. Nhưng với tôn chỉ tối giản cùng thiết kế tôn trọng cổ điển của mình, Vans sẽ còn phát triển hơn nữa. Như lời của giám đốc thiết kế Rian Pozzebon cho biết: “Chúng ta có thể thay đổi, phát triển, có thêm niềm vui với nhiều đôi giày của mình. Nhưng mọi người sẽ chẳng bao giờ rời khỏi nền tảng cơ bản họ, như cái cách mà họ sẽ tiếp tục quay trở về với Vans”.

Xem thêm:

Ý nghĩa logo thương hiệu – Phần 17: Palace

Ý nghĩa logo thương hiêu – Phần 15: Chanel

Bài: Katelyn (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man. Kham khảo: Tổng hợp, Esquire, Vans)

No more