Đánh bom tự sát tại nhà thờ Indonesia trong ngày Lễ Lá

Scene of church bombing in Makassar

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Hiện chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công

Đã xảy ra vụ tấn công, nghi là đánh bom tự sát, ở bên ngoài một nhà thờ Thiên Chúa giáo tại thành phố Makassar của Indonesia, khiến ít nhất 14 người bị thương, cảnh sát nói.

Cảnh sát nói một thiết bị nổ đã kích hoạt khi hai kẻ tấn công tìm cách vào bên trong nhà thờ hôm Chủ Nhật Lễ Lá, ngày đầu tiên của kỳ Phục Sinh.

Một chiếc xe máy bị phá hủy, và các bộ phận cơ thể được tìm thấy vương vãi tại hiện trường. Cảnh sát nói hai kẻ tấn công đã thiệt mạng.

Các tay súng Hồi giáo cực đoan trước đây từng tấn công các nhà thờ, nhưng nhưng chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ mới nhất này.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo lên án vụ tấn công là "hành động khủng bố" và nói ông đã ra lệnh cho cảnh sát trưởng điều tra vụ về những kẻ phải chịu trách nhiệm.

"Tôi kêu gọi mọi người hãy chống lại chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, vốn đi ngược lại các giá trị tôn giáo," Tổng thống nói.

Bộ trưởng Tôn giáo Yaqut Cholil Qoumas thúc giục cảnh sát tăng các biện pháp an ninh tại các điểm thờ phụng.

Trong buổi lễ trọng của ngày Chủ nhật Lễ Lá tại Vatican, Giáo hoàng Francis đã cầu nguyện cho các nạn nhân vụ tấn công.

Vụ nổ xảy ra vào lúc khoảng 10:30 giờ địa phương (3:30 GMT), vào lúc kết thúc buổi lễ của ngày Chủ nhật Lễ Lá.

"Có hai kẻ đi xe máy khi vụ nổ xảy ra ở cổng chính của nhà thờ. Những kẻ thủ mưu tìm cách xông vào bên trong khu nhà," phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Argo Yuwono nói.

Sau đó, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Mahfud MD miêu tả đó là một vụ đánh bom tự sát do hai người thực hiện - cả hai nay đều đã chết.

Red Cross personnel carry a body bag following an explosion outside a Catholic church in Makassar

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Các mảnh thi thể được tìm thấy tại nơi xảy ra vụ đánh bom

Một giáo sĩ tại nhà thờ, Đức cha Wilhemus Tulak nói với kênh truyền hình Metro TV rằng các nhân viên an ninh đã chặn được một trong những nghi phạm đánh bom.

Kẻ tấn công, ông nói, tới bằng xe máy và tìm cách vào trong nhà thờ.

Cảnh sát nói có ít nhất 14 người bị thương, trong đó có hai viên chức của nhà thờ - những người đã chặn những kẻ tấn công, không để chúng tiến vào phía trong thánh đường.

A map showing where Makassar is in Indonesia
1px transparent line

Vụ nổ xảy ra ở phía cửa ngách nhà thờ.

Video do camera an ninh ghi lại cho thấy lửa cháy, khói bốc lên và các mảnh vụn văng lên từ giữa lòng đường.

Thị trưởng Makassar Danny Pomanto nói rằng nếu vụ nổ xảy ra ở cổng chính, có lẽ nó sẽ gây ra con số thương vong cao hơn nhiều.

"Có một số người bị thương ở trên đường phố. Tôi giúp một phụ nữ bị thương, người bà ấy đầy máu," một nhân chứng có tên là Yosi nói với hãng tin AFP.

"Đứa cháu của bà ấy cũng bị thương. Có những mảnh cơ thể văng vãi khắp nơi.

Gomar Gultom, người đứng đầu Hội đồng các Giáo hội Indonesia nói rằng vụ tấn công nhắm vào những người đang kỷ niệm ngày Chủ nhật Lễ Lá là "tàn ác".

Ông thúc giục mọi người bình tĩnh và tin tưởng vào giới chức.

Police counter-terrorism squad members stand guard outside the Sacred Heart of Jesus Cathedral

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh, Vụ tấn côgn xảy ra hôm Chủ Nhật Lễ lá, ngày đầu tiên của tuần lễ Phục sinh thiêng liêng đối với người Thiên Chúa giáo

Nhà thờ từng là đối tượng bị những kẻ khủng bố nhắm tới tại Indonesia, quốc gia lớn nhất thế giới có đa số dân là người Hồi giáo.

Hồi năm 2018, hàng chục người đã bị giết chết trong các vụ đánh bom nhằm vào các nhà thờ và một đồn cảnh sát ở thành phố cảng Surabaya.

Cảnh sát quy trách nhiệm cho mạng lưới liên quan tới tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi Giáo, nhóm Jamaah Ansharut Daulah (JAD) là đã thực hiện các vụ tấn công này.

Vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất xảy ra tại Indonesia là ở Bali hồi năm 2002: 202 người, hầu hết là người nước ngoài, bị giết chết trong vụ tấn công nhằm vào khu quận đông du khách, chuyên hoạt động về ban đêm.

Vụ tấn công đó do mạng lưới các tay súng Jemaah Islamiah (JI) thực hiện, và nó đã dẫn tới việc Indonesia mớ quá trình trấn áp kéo dài đối với các tay súng.