You are on page 1of 4

Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)


Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?
Đó là những vần thơ mà Thanh Thảo dùng như lời tự bạch của những chiến sĩ áo xanh thể hiện
một tinh thần đáng quý là tinh thần tự nguyện, sẵn sàng hy sinh tuổi trẻ của mình để bảo vệ non sông
đất nước. Theo chiều lịch sử, năm 1947 có một mùa như thế, mùa mà tầng lớp từ học sinh, sinh viên
đến tầng lớp tri thức công nhân cùng nhau khăn gói đến mặt trận Tây Bắc bảo vệ biên giới Việt - Lào.
Họ ra đi không hẹn ngày trở về chiến đấu với mục đích “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Hòa cùng
tinh thần của những con người nhiệt huyết ấy, Quang Dũng - một trái tim thơ ca chưa bao giờ tắt lửa đã
viết lên Tây Tiến, đặc biệt là khổ thơ thứ ba khắc họa vẻ đẹp bi tráng của người lính Tây Tiến. “…”
Hình ảnh người lính từ lâu đã trở thành hình tượng quen thuộc trong thơ ca kháng chiến chống
Pháp. Nếu đến với Đồng Chí của Chính Hữu người đọc cảm nhận được vẻ đẹp chân chất giản dị của
những người anh hùng áo vải xuất thân từ giếng nước gốc đa (Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng
tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”). Họ vốn là những người nông dân “cui cút làm ăn” quanh năm bên lũy tre
làng, nhưng khi đất nước bị xâm lăng những con người thầm lặng ấy “Ôm đất nước những người áo vải/
Đã đứng lên thành những anh hùng” (Nguyễn Đình Thi). Còn đến với những người lính Tây Tiến, họ vốn
xuất thân từ những thanh niên trí thức đất Hà thành, theo tiếng gọi của Tổ quốc “Xếp bút nghiên theo việc
binh đao”. Chính vì vậy người lính Tây Tiến trong thơ Quang Dũng, đặc biệt qua khổ thơ thứ ba mang vẻ
đẹp riêng vừa hào hoa lãng mạn, vừa hào hùng bi tráng.
Hai câu thơ đầu của khổ thơ là nét vẽ về ngoại hình của những chàng lính Tây Tiến:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Trước hết, đây là những câu thơ tả thực — thực một cách trần trụi: chiến sĩ Tây Tiến hồi ấy hoạt động ở
những vùng núi rừng hiểm trở, rừng thiêng nước độc, chết trận thì ít mà chết vì bệnh tật thì nhiều, có
những con suối rửa chân rụng lông, gội đầu rụng tóc. Người lính Tây Tiến phải đối mặt với hoàn cảnh
chiến đầu vô cũng khốc liệt: thiếu thốn về cơ sở vật chất, đối mặt với thiên nhiên hoang sơ chứa đầy
những hiểm nguy rình rập. Họ phải hành quân xuyên đêm suốt ngày này sang tháng nọ nên mắc phải căn
bệnh sốt rét rừng. Không riêng Quang Dũng, rất nhiều những văn nghệ sĩ trong giai đoạn này cũng ám
ảnh bởi căn bệnh này. Ta cũng từng bắt gặp trong thơ Chính Hữu trong “Đồng Chí".
Anh với tôi đôi người xa lạ
Sốt run người vẫn trần ướt mồ hôi
Hay trong bài thơ "Những tháng năm ở rừng" của Nguyễn Anh Nông cũng có viết:
Sốt rét mấy màu da
Đồng đội mấy người gục ngã
Hồn thiêng gửi lại là cây rừng
Bằng hai nét vẽ "không mọc tóc" và "quân xanh màu lá" nhà thơ Quang Dũng đã tái hiện được một cách
chân thực và sống động hiện trạng quân đội ta những năm đầu kháng chiến đầy gian khổ. Bệnh tật, những
cơn sốt rét rừng khủng khiếp đã hành hạ những người lính chiến, để lại một hình ảnh có vẻ hơi kỳ dị
"đoàn quân không mọc tóc", cùng với làn da xanh xao, xám ngắt như màu lá lạnh lẽo chốn núi rừng hoang
vu. Có thể nói rằng Quang Dũng thường phát huy cảm hứng lãng mạn trong thơ mình một cách dày đặc
thế nhưng chỉ riêng những nét vẽ này Quang Dũng lại thẳng thắn, không trốn tránh sự thật mà phơi bày ra
cái khắc nghiệt của chiến trường miền Tây Bắc những năm 1947-1948. Mà sự khắc nghiệt này cũng đã
nhiều lần được các nhà thơ cùng thời tái hiện, ví như Chính Hữu "Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh/Rét
run người vầng trán ướt mồ hôi" hay Tố Hữu với vần thơ "Giọt mồ hôi rơi trên má anh vàng nghệ", đó là
ký ức không thể nào quên đối với người lính Tây Tiến. Và trong cái hiện thực vẫn tồn tại cái lãng mạn,
Quang Dũng không để hình tượng người lính chiến ở vị trí bị động trước khó khăn thay vào đó bằng bút
pháp lãng mạn, phóng khoáng ông đã đặt hình ảnh người lính Tây Tiến vào tầm vóc chủ động. Không
phải là sốt rét đến nỗi không mọc tóc mà bằng ngòi bút tinh tế ông đã vẽ lại một nét thành "không mọc
tóc", đoàn quân chủ động không mọc tóc để tạo cho mình một hình hài đặc biệt, dữ dằn đương đầu với
chiến sự. Màu xanh xao của da dẫu là vì bệnh tật hành hạ thế nhưng nó vẫn ẩn chứa một vẻ mạnh mẽ,
kiên cường, oai hùng, khiến cho kẻ thù phải khiếp sợ. Hiện thực đau thương nhưng bằng đôi mắt tài hoa,
phóng khoáng, lãng mạn của Quang Dũng, nó đã khoác lên mình một vẻ hào hùng, bi tráng và mang tầm
vóc sử thi của thời đại. Ẩn chứa bên trong cái ngoại hình bi tráng, dữ dằn ấy là sức mạnh nội tâm của
người lính chiến, bắt nguồn từ hình ảnh "đoàn binh" gợi sự đông đúc, tinh thần đoàn kết, khí thế ra trận
mạnh mẽ.
Khó khăn, gian khổ là thế nhưng các chiến sĩ Tây Tiến vẫn không nguôi, không vơi đi những tình
cảm lãng mạn:
Mặt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
“Mắt trừng” là cách nói cường điệu của bút pháp lãng mạn để chỉ sự trằn trọc khó ngủ vì nhớ nhà, nhớ
quê, nhớ người thương của các chiến sĩ Tây Tiến. Đó cũng là ánh nhìn căm giận, thề giết giặc lập công
của người lính.“Mộng” và “mơ” của người lính được gửi về hai phương trời: Biên cương, nơi có đầy
bóng giặc, mộng giết giặc lập công và Hà Nội, quê hương yêu dấu, mơ những bóng dáng thân yêu. “Dáng
kiều thơm”, ấy là vầng sáng lung linh trong kí ức, gợi ra nét đa tình của người lính khi nhớ về những thiếu
nữ Hà Thành với vẻ đẹp “sắc nước hương trời”. Nhưng với các chiến sĩ Tây Tiến, nỗi nhớ ấy là sự cân
bằng, thư thái trong tâm hồn sau mỗi chặng hành binh vất vả, chứ không phải để thối chí nản lòng. Ta
bỗng nhớ đến câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ:
Từ thuở mang gươm đi mở nước
Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long.
Đã một thời, với cái nhìn ấu trĩ, người ta phê phán thói tiểu tư sản, thực ra nhờ vẻ đẹp ấy của tâm hồn mà
người lính có sức mạnh vượt qua mọi gian khổ, người lính trở thành một biểu tượng cho vẻ đẹp của con
người Việt Nam. Quang Dũng đã tạo nên một tương phản hết sức đặc sắc-những con người chiến đấu kiên
cường với ý chí sắt thép cũng chính là con người có một đời sống tâm hồn phong phú. Người lính Tây
Tiến không chỉ biết cầm súng cầm gươm theo tiếng gọi của non sông mà còn rất hào hoa, giữa bao nhiêu
gian khổ thiếu thốn trái tim họ vẫn rung động trong một nỗi nhớ về một dáng kiều thơm, nhớ về vẻ đẹp
của Hà Nội - Thăng Long xưa. Bức tượng đài người lính Tây Tiến đã được khắc tạc bằng những nguồn
ánh sáng tương phản lẫn nhau, vừa hiện thực vừa lãng mạn. Có thể nói, chiến tranh thật tàn khốc nhưng
chiến tranh không thể cướp được chất hào hoa của những chàng trai Hà thành. Không gì có thể ngăn được
những giây phút mộng mơ trong tâm hồn người lính. Đây cũng là bút pháp lãng mạn đặc trưng của thơ
Quang Dũng.

Quang Dũng không thể né tránh hiện thực, né tránh những đau thương mất mát mà nhìn thẳng vào
bi thương để viết nên những vần thơ thể hiện tư thế sẵn sàng lên đường vì lí tưởng:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,


Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Hình tượng người lính Tây Tiến tiếp tục được khắc họa bằng những nét vẽ về lý tưởng và khát vọng chiến
đấu cao đẹp, bất chấp sự hy sinh, mất mát để giành về cho Tổ quốc thân yêu sự độc lập và tự do. "Rải rác
biên cương mồ viễn xứ" đó là hiện thực tàn khốc của chiến trường. Phép đảo từ láy "rải rác" lên đầu câu,
hình ảnh "biên cương", "mồ viễn xứ" gợi không gian tử địa xa xôi, quạnh hiu, hoang lạnh. "Rải rác" đâu
đó nơi "biên cương" xã xôi của tổ quốc những nấm "mồ viễn xứ" không một vòng hoa, không một nén
hương. Dòng thơ như một nốt nhạc buồn gợi cho người đọc nhiều xót xa, gợi sự ảm đạm, thê lương.
Nhưng bằng việc dùng những từ Hán việt trong câu thơ của mình thì ý thơ trở nên trang trọng, cổ kính
hơn hẳn, nhẹ đi cái sự đau thương, kéo về sự hào hùng, bi tráng nhưng không bi lụy trong chiến đấu.
“Đời xanh” là quãng đời đẹp nhất, là tuổi trẻ, là tuổi xuân của mỗi người. Tuổi trẻ ai chẳng mang trong
mình khát vọng tình yêu hạnh phúc, ai chẳng muốn có những tháng ngày hoa mộng? Thế nhưng họ đã ra
đi “chẳng tiếc” đời mình. Hai tiếng “chẳng tiếc” vang lên chắc nịch khẳng khái với thái độ quyết tâm
thậm chí có phần bất cần thể hiện khí phách ngang tàng của tuổi trẻ. Những chàng trai Tây Tiến sẵn sàng
hiến dâng tuổi trẻ, thanh xuân của mình vì nền độc lập tự do của tổ quốc, vì sự bình yên của nhân dân. Họ
coi cái chết nhẹ tựa lông hồng “thà chết vinh còn hơn sống nhục”. Đó là lí tưởng sống cao đẹp của những
trang nam nhi thời loạn.
Hai câu thơ cuối vẫn tiếp tục nói đến cái chết trong âm hưởng sử thi hào hùng ấy:
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Sự thật bi thảm là những người lính Tây Tiến hi sinh trên đường hành quân không có đến một manh chiếu
để khâm liệm. Đây là sự khó khăn, gian khổ, thiếu thốn về vật chất ta vẫn thường gặp trong thơ ca giai
đoạn đầu của kháng chiến: "Ở đây không gỗ ván/ Vùi anh trong tấm chăn" ("Viếng bạn" – 1948). Thế
nhưng, xuất phát từ tình yêu đồng đội, hồn thơ hào hoa của Quang Dũng đã tìm được hình ảnh đẹp để
trang trọng hoá cái chết. "Áo bào" vốn là những chiến bào của các vua chúa, tướng lĩnh thuở xưa. Hình
ảnh ấy không chỉ làm mờ đi thực tế khó khăn, thiếu thốn của chiến trường mà còn tạo lên không khí cổ
kính, trang nghiêm cho sự hi sinh của người lính Tây Tiến. Nó cũng gợi được hào khí của những tráng chí
thời xưa “sẵn sàng chết giữa sa trường lấy da ngựa bọc thây”. Biện pháp nghệ thuật nói giảm, nói tránh
"anh về đất" không chỉ diễn tả được sự hi sinh của những người lính mà còn thể hiện được sự trân trọng,
yêu thương của nhà thơ đối với người ở lại. Người lính ngã xuống cũng là trở về với đất mẹ, trở về trong
lòng Tổ quốc yêu thương, hoà linh hồn vào hồn thiêng sông núi, để hóa thân làm nên dáng hình của xứ sở,
để trường tồn, bất tử cùng núi sông. Máu xương của họ đã gửi về đất mẹ làm cho lá cờ cách mạng thêm
đỏ thắm, làm cho tinh thần VN thêm bất khuất kiêu hùng. Chính những người anh hùng ấy đã làm nên
lịch sử, làm nên tượng đài VN bất tử. Thế cho nên, chúng ta hôm nay càng phải ghi nhớ, khắc sâu lời dặn
dò của thế hệ cha ông:
Em ơi em
ĐN là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên ĐN muôn đời
( Đất Nước- Nguyễn Khoa Điềm)
Kết thúc đoạn thơ là khúc hát bi tráng của dòng sông lịch sử “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Sông
Mã là chứng nhân lịch sử chứng kiến bao vui buồn được mất trên bước đường hành quân của những chiến
binh Tây Tiến. Dòng sông oai hùng qua biện pháp nhân hóa đã trở thành một sinh thể biết đau đớn đang
“gầm” lên khúc độc hành tiễn đưa người lính trở về với đất mẹ thiêng liêng. Trong âm vang hào hùng, dữ
dội của thiên nhiên, sự hi sinh của người lính không hề bi lụy mà ngược lại thấm đẫm chất anh hùng ca,
vang vọng cả đất trời.
Đọc đoạn thơ thứ ba, ngay những dòng đầu, độc giả đã thấy toát lên phong vị của cái tài hoa lãng
mạn cùng tinh thần bi tráng được thể hiện rõ nét qua cách khắc họa hình tượng người lính Tây Tiến với
đầy đủ các phương diện. Đoạn thơ không chỉ sâu sắc ở giá trị nội dung mà còn gây ấn tượng mạnh với
độc giả thông qua những đặc sắc giá trị nghệ thuật. Từ sự kết hợp hài hòa giữa cái nhìn hiện thực với cảm
hứng lãng mạn, ngôn ngữ thơ trang trọng, giọng thơ trầm hùng, thi sĩ đã dựng nên bức chân dung, một
bức tượng đài người lính cách mạng chân thực, tiêu biểu cho vẻ đẹp của người chiến sĩ trong thời đại cả
dân tộc đứng lên làm cuộc kháng chiến vệ quốc chống thực dân Pháp.
Bài thơ Tây Tiến nói chung và đoạn thơ nói riêng có thể nói đã để lại một dấu ấn đẹp đẽ về thơ ca
kháng chiến. Tám câu thơ của đoạn thơ thứ ba, Quang Dũng đã dùng những cảm xúc chân thành, những
tình cảm vời người đồng đội để rồi dựng nên một bức tượng đài bất từ về người lính vô danh vô cùng đẹp
đẽ với hào khí ngất trời trong chiến đấu và nét hào hoa lãng mạn trong tâm hồn.

You might also like