Vào nội dung chính
HÀN QUỐC - THẢM SÁT 1980

Hàn Quốc: TT Moon Jae In đòi làm sáng tỏ vụ thảm sát thường dân ở Gwangju năm 1980

40 năm trước, vào ngày 18/05/1980, quân đội Hàn Quốc dập tắt trong biển máu một cuộc nổi dậy đòi dân chủ ở Gwangju, chiếc nôi của phe tả. Một ngày trước lễ tưởng niệm, trong chương trình đặc biệt dành cho đài truyền hình địa phương MBC, tổng thống Hàn Quốc yêu cầu phải làm sáng tỏ danh tính, trách nhiệm của những người ra lệnh dùng quân đội đàn áp thường dân cách nay 40 năm.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, ngày 10/05/2020 tại Nhà Xanh.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, ngày 10/05/2020 tại Nhà Xanh. © REUTERS - KIM MIN HEE
Quảng cáo

Vào tháng 5 năm 1980, một năm sau khi tổng thống Park Chung Hee bị giám đốc mật vụ Nam Hàn KCIA hạ sát, chính quyền Hàn Quốc do tướng Chun Doo Hwan lãnh đạo. Tại Gwangju, 270 km ở phía nam thủ đô, xảy ra một cuộc nổi dậy của sinh viên và đông đảo dân cư địa phương chống chế độ quân phiệt. Trong vòng 10 ngày, hàng ngàn binh sĩ Nhảy Dù được điều động. Đàn áp được mô tả rất tàn bạo, có cả trực thăng võ trang, bắn vào đám đông. Số liệu chính thức nói có 200 người chết, 1.800 bị thương. Tuy nhiên, theo Yonhap, một số nguồn khác cho rằng thiệt hại nhân mạng thật sự còn cao hơn nhiều.

Theo yêu cầu của Seoul, một số tài liệu lịch sử  đã được Hoa Kỳ giải mật và công bố hôm thứ Sáu 15/05/2020.

Vào thời điểm xảy ra khủng hoảng Gwangju, đại sứ Mỹ William Gleysteen được tướng Lee Hui Sung, người trách nhiệm thi hành thiết quân luật tại Gwangju, cảnh báo : Ảnh hưởng Cộng sản rất mạnh trong giới sinh viên địa phương đe dọa sinh tồn của Nam Hàn. Nếu không dập tắt cuộc nổi dậy, Nam Hàn sẽ bị Cộng sản hóa như Việt Nam năm năm trước đó.

Ngoài tướng Lee Hui Sung còn ai nữa?

Đối với tổng thống Hàn Quốc, "vẫn còn nhiều mưu toan che giấu hay bóp méo sự thật". "Chưa biết ai là người ra lệnh nổ súng và dùng trực thăng bắn vào dân. Đâu là trách nhiệm pháp lý sau cùng của quyết định này".

Theo Yonhap, biến cố Gwangju cho đến nay vẫn là nguồn gây tranh cãi chính trị và ý thức hệ gây bất hòa trong nội bộ Hàn Quốc, kể cả trong giới khoa bảng và chính trị, cho dù đất nước đã dân chủ hóa. Nhiều vị cho rằng phong trào sinh viên Gwangju thân Cộng sản Bắc Triều Tiên.

Có lẽ một phần vì thế, tổng thống Moon Jae In tuyên bố thêm là ông muốn làm sáng tỏ sự thật, không phải để trừng phạt những người có trách nhiệm. Mục tiêu sâu xa là để thực hiện hòa giải dân tộc và đoàn kết quốc gia.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.