Cái riêng của nó là bàn sâu về mối quan hệ giữa văn học với tự nhiên để con người hiểu sâu hơn giá trị của ngôi nhà mình đang sống mà trân trọng, nâng niu, giữ gìn. Hiểu giản dị, nó là một cách đưa con người đi xa đến mức lãng quên trở về với ngôi nhà tự nhiên của mình. Cuốn sách “Văn học dân gian miền núi phía Bắc từ góc nhìn phê bình sinh thái” của Trần Mạnh Tiến (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020) tiêu biểu cho hướng nghiên cứu này. Tác giả Trần Mạnh Tiến hiện là phó giáo sư, tiến sĩ, công tác tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Không chỉ là cái nôi, là mạch nguồn, là địa bàn mang tính chiến lược, miền núi phía Bắc cùng môi trường sinh thái đặc trưng còn mang tính chi phối, điều hòa môi sinh, khí hậu, thời tiết của cả vùng đồng bằng. Thế nên nghiên cứu văn học dân gian miền núi là làm sống lại những quan niệm cổ xưa, nguyên thủy và cũng bền vững nhất của con người với các phép ứng xử, tận dụng và dung hòa tự nhiên. Công trình đã kết hợp, vận dụng những ánh sáng mới nhất về phê bình sinh thái cùng những quan niệm dân gian của đồng bào các dân tộc rồi soi vào kho tàng văn học dân gian đa dạng, phong phú để có những khám phá, tìm tòi khoa học đáng biểu dương. Chương 1 mang tính so sánh tạo ra sự ngạc nhiên ở người đọc về sự gặp gỡ giữa minh triết dân gian và lý thuyết hiện đại. Ví như triết lý từ một câu tục ngữ của đồng bào Sán Chay: “Giết một con trăn ăn chuột, bản mất ba vụ thóc/ Giết con cáo bắt gà, người già sống thêm ba tuổi”. Nếu giết bỏ một con trăn ăn chuột, chuột sẽ sinh sôi phá hoại hoa màu. Trừ được con cáo mới có thể nuôi thêm gà làm nguồn thức ăn bổ dưỡng... Ý nghĩa của nó cũng là hạt nhân của phê bình sinh thái hiện đại: Hướng đến sự cân bằng môi sinh. Con người chỉ có thể phát triển và sống hạnh phúc trong sự hài hòa với môi trường đã có từ ngàn đời!

leftcenterrightdel
      Trang bìa cuốn sách.

Đi sâu vào các hoạt động tín ngưỡng, tác giả tìm ra mối quan hệ mang tính bản chất giữa con người với tự nhiên thể hiện qua các lễ cầu mùa, cầu an, cầu phúc. Khảo sát các bài hát nghi lễ của nhiều dân tộc đều cho thấy có nét gặp nhau là con người tin vào tự nhiên, tự nhiên bao dung với con người. Một mẫu số chung trong văn hóa các dân tộc là đều coi thiên nhiên là mạch nguồn sinh ra, là nơi nuôi dưỡng, là mái nhà che chở. Đây cũng là cái đích mà phê bình sinh thái hướng đến!

Các bức tranh sinh hoạt được công trình phác thảo trong thể văn xuôi đều thấy con người ở giữa thiên nhiên, gắn liền với thiên nhiên, con người đã rất có ý thức tôn trọng và biết ơn tự nhiên. Những điều ấy lại được kết tinh trong các tập quán sinh sống, các bài học đạo lý thể hiện trong lời ăn tiếng nói dân gian mà ngày nay rất nên học tập, kế thừa. Nội hàm của “đạo đức sinh thái”- khái niệm trung tâm của phê bình sinh thái, thực ra đã có trong kho tàng văn hóa các dân tộc miền núi Việt Nam từ rất lâu, được tồn tại và biểu hiện qua các hình tượng nghệ thuật văn hóa sinh động, cụ thể. Cuốn sách còn hấp dẫn ở cách giới thiệu nguồn gốc các hang động, các miền rừng nổi tiếng, tái hiện phong phú hình ảnh các con vật, loài vật từng có nhưng ngày nay không còn trong thực tế...

Công trình dành chương cuối khảo sát các phương thức, phương tiện biểu hiện về sinh thái trong văn học dân gian. Với lợi thế là người sinh ra, lớn lên ở miền núi, sau này là nhà nghiên cứu nên tác giả có những kiến giải tinh tế về các thể loại hát đố, hát ru, đồng dao, hát giao duyên... của nhiều dân tộc. Nắm bắt được cái thần thái chung nhất của văn học dân gian miền núi chính là nhịp giao hòa đầy chất thơ, đậm đà tinh thần nhân văn giữa con người và thiên nhiên nên cuốn sách có những trang viết đầy cảm xúc như thôi thúc, như nhắn nhủ bạn đọc cần có những ứng xử văn hóa, coi thiên nhiên như người mẹ thân thiết của mình.

NGUYÊN THANH