Điều này đòi hỏi đội ngũ LLPB cần phải nâng cao năng lực chuyên môn, tích cực thực hành theo hướng chuyên nghiệp hóa. Để tìm hiểu rõ về vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trò chuyện với PGS, TS Trần Khánh Thành, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng LLPB VHNT Trung ương.

Phóng viên (PV): Với thâm niên hàng chục năm giảng dạy, nghiên cứu văn chương và hiện nay là Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng LLPB VHNT Trung ương, ông có thể đưa ra cái nhìn khái quát về đội ngũ LLPB hiện nay?

PGS, TS Trần Khánh Thành: Theo quan sát của tôi, đội ngũ LLPB VHNT hiện nay khá đông đảo; tuy nhiên đang có sự phân bố không đồng đều. Văn học là khu vực có đội ngũ LLPB khá hùng hậu và phát huy được năng lực, vai trò của mình; cũng vì vậy mà LLPB văn học hiện nay có khá nhiều thành tựu. Còn các lĩnh vực khác như mỹ thuật, kiến trúc, điện ảnh... số lượng có thể không phải là hiếm nhưng hoạt động thực tế còn ít. Một số chuyên ngành như múa, âm nhạc thì quả thực rất ít người làm LLPB.

leftcenterrightdel
PGS, TS Trần Khánh Thành.Ảnh: VƯƠNG HÀ 

Sự nối tiếp thế hệ đội ngũ hoạt động LLPB cũng không có sự đồng đều. Trong văn học, những người bắt đầu viết từ thập niên 1960, 1970, đến nay tuổi đời cũng trên 80 tuổi vẫn viết về kỷ niệm, ký ức văn chương. Thế hệ thứ hai xuất hiện từ thập niên 1980, 1990, đây là lực lượng chủ đạo hiện nay, họ cũng ở tầm trên dưới 70 tuổi và cũng có rất nhiều công trình, đặc biệt là lý luận và nghiên cứu văn học. Còn lực lượng trẻ xuất hiện từ 20 năm trở lại đây, khoảng 40 tuổi trở xuống, khá đông đảo, nhất là ở các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan báo chí... Ở những lĩnh vực khác thì xảy ra tình trạng đứt gãy thế hệ. Sau thế hệ những nhà LLPB được đào tạo ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây rất bài bản, trong khi giáo dục trong nước chưa đáp ứng được đào tạo LLPB thì việc đứt gãy là hiển nhiên.

Về thực hành LLPB hiện nay có hai xu hướng. Thứ nhất là xu hướng hàn lâm, vận dụng trường phái LLPB nước ngoài để đi vào các vấn đề văn học sử, phê bình cụ thể. Những người làm LLPB hàn lâm được đào tạo bài bản, song nguy cơ là nặng về lý thuyết, kém về thực tiễn và cảm thụ; cho nên nhiều khi áp dụng lý thuyết hơi phiến diện, chưa hiểu đúng hoàn toàn về bản chất tác giả-tác phẩm. Xu hướng còn lại là phê bình trên báo chí, truyền thông lại thiên về cảm thụ nên thiếu nền tảng lý luận, chưa đi vào chuyên sâu, khám phá bản chất vấn đề.

PV: Ông phân tích những nguyên nhân tác động đến môi trường và hiệu quả hoạt động của LLPB hiện nay?

PGS, TS Trần Khánh Thành: LLPB VHNT là công việc nghiên cứu mất nhiều thời gian và công sức nhưng không thể nuôi sống người làm nghề; “không gian” để thể hiện sản phẩm nghiên cứu ngày càng bị thu hẹp, rõ nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng; chưa có môi trường khoa học, dân chủ, lành mạnh kích thích những người nghiên cứu tham gia vào đời sống VHNT. Ở đây, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém của đội ngũ LLPB có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.

leftcenterrightdel
 Các báo cáo viên trao đổi với học viên tham gia lớp tập huấn do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức tháng 6-2023 tại Thanh Hóa.Ảnh: VƯƠNG HÀ 

Về nguyên nhân khách quan, rõ nhất là kinh tế thị trường phát triển quá nhanh và sôi động, mở ra cơ hội công việc cho những người có chuyên môn, được đào tạo bài bản trong khối văn hóa, văn nghệ nhiều hơn. Một người có chuyên môn âm nhạc lẽ thường sẽ chọn làm ca sĩ, nhạc sĩ, bầu sô... để có tiếng, có tiền; thay vì đi làm công việc LLPB âm nhạc đầy nhạy cảm và động chạm, dễ mất lòng đồng nghiệp. Điều này rất khác trước đây trong xã hội kế hoạch hóa, Nhà nước cử người đi học, định hướng để trở thành nhà LLPB và bố trí công việc sau khi tốt nghiệp. Cho nên đội ngũ LLPB trước đây dù không quá đông nhưng rất tinh. Một ví dụ về nguyên nhân chủ quan, đó là các cơ quan chức năng chưa có những dự án, kế hoạch dài hơi đào tạo những “hạt nhân” cho lĩnh vực LLPB.

Việc nhiều cơ quan báo chí, truyền thông thu hẹp “đất đai” liên quan đến chuyên mục và bài viết LLPB khiến chất lượng chức năng LLPB trên báo chí, truyền thông giảm sút. Thay vào đó chạy theo các sự kiện giải trí, các vấn đề giật gân câu khách trong văn hóa, văn nghệ khiến “đất dụng võ” của những người thực hành LLPB ngày càng ít.

Còn nhiều ví dụ khác, từ đó để thấy rằng nếu không có những giải pháp kịp thời, chất lượng đội ngũ LLPB không bảo đảm, dẫn đến tình trạng “không gian” vốn dành cho người có chuyên môn LLPB thực hành sẽ bị những người không có chuyên môn lấn át. Một khi thiếu người làm nghề có chất lượng, hệ lụy để lại lớn, tạo ra sự nhiễu loạn các hệ giá trị trong sáng tác và tiếp nhận tác phẩm VHNT. Công chúng thông thường, nhất là giới trẻ, không có hiểu biết chuyên môn về VHNT lúng túng trong tiếp nhận, bị thao túng hấp thụ những tác phẩm VHNT thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến nhân cách, hành vi.

Tôi vẫn cho rằng, đội ngũ LLBP chúng ta không phải thiếu mà là chưa mạnh, tức là chưa vào cuộc, tức là chưa đi vào thực tiễn đời sống của VHNT, từ đó, để có những bài phê bình, khả năng định hướng, tiếp nhận. Từ định hướng tiếp nhận từ đó định hướng sáng tác, bởi vì quá trình sáng tác nhiều khi trong cơ chế thị trường, nó hướng về công chúng. Nhà LLPB là một cầu nối giữa bạn đọc và người sáng tạo, họ có khả năng giải mã được những vấn đề của VHNT và có khả năng định hướng, khen chê đúng và biết thị hiếu thẩm mỹ, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho bạn đọc.

PV: Theo ông, đâu là giải pháp xây dựng đội ngũ LLPB mạnh cả về số lượng và chất lượng?

PGS, TS Trần Khánh Thành: Giải pháp trước tiên là tiếp tục xây dựng hệ thống LLPB. Trong tiếp nhận lý luận nước ngoài đang mang tính chất tự phát, do cá nhân đọc được cái gì là làm việc ấy. Một số nước trong khu vực, cách đây 30 năm họ đã dịch hàng trăm tác phẩm LLPB kinh điển của nước ngoài. Từ việc hiểu nước ngoài, họ mới có thể đối thoại với những hệ thống lý luận ấy và chắt lọc để xây dựng được một nền văn nghệ của riêng mình.

Tôi cho rằng, chúng ta phải tiếp thu, dịch thuật, tiếp nhận và ứng dụng một cách có hệ thống, bài bản về lý luận văn nghệ thế giới. Tiếp tục kế thừa những tinh hoa lý luận từ dân tộc. Điều rất quan trọng là nghiên cứu, học tập tư tưởng văn nghệ của các nhà kinh điển mác xít và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ba trụ cột này vừa bảo đảm được tính dân tộc và hiện đại, đúng đường lối, định hướng của Đảng.

Một điều quan trọng khác phải tạo môi trường dân chủ ở trong phê bình. Hiện nay, môi trường không gian mạng mở ra điều rất tích cực là ai cũng có quyền nhận định, bình luận về tác phẩm một cách bình đẳng, minh bạch. Tất nhiên, hiện nay tình trạng cánh hẩu, khen “bốc trời” hay “dìm hàng” cũng không phải là ít. Chỉ khi dân chủ phát huy trong phê bình, nếu không tình trạng phê bình một chiều, chung chung, “bỏ bóng đá người” sẽ để lại nhiều hệ lụy lâu dài.

Muốn xây dựng đội ngũ LLPB phải có đào tạo hệ thống, trong đó có thể đào tạo ở nước ngoài hoặc trong nước, nhưng phải tìm mọi cách để những người có chuyên môn tích cực tham dự đời sống LLPB.

PV: Với chức năng là cơ quan tham mưu, tư vấn cho Đảng và Nhà nước về VHNT, thực hiện hoạt động LLPB, Hội đồng LLPB VHNT Trung ương sẽ có những việc làm nào để thúc đẩy LLPB VHNT phát triển tích cực?

PGS, TS Trần Khánh Thành: Hội đồng LLPB VHNT Trung ương sẽ tiếp tục duy trì tổ chức bồi dưỡng cho các cây bút LLPB trẻ, tập trung vào kiến thức lý luận, quan điểm lập trường và kỹ năng viết. Hội đồng cũng sẽ tiến hành dự án dịch thuật hiện nay có trong chương trình, để đưa hệ thống lý luận văn nghệ nước ngoài vào một cách toàn diện và hệ thống hơn. Hội đồng cũng tổng kết những kinh nghiệm thực tiễn từ VHNT nước ta từ 50 năm sau thống nhất đất nước; tổng kết 40 năm văn nghệ thời kỳ đổi mới; trước mắt là tổng kết 15 năm Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X (2008). Từ đó nhận diện được chuyển động của đời sống VHNT, nhất là lĩnh vực LLPB để tham mưu cho Đảng về đường lối văn nghệ, định hướng phát triển LLPB.

Một mình Hội đồng không thể làm hết mọi việc, cần chung tay góp sức của các ban, bộ, ngành, địa phương. Như công tác đào tạo, Hội đồng chỉ có thể bồi dưỡng ngắn hạn, còn đào tạo chuyên sâu, có tính nền tảng phải trông cậy vào chất lượng của hệ thống khối trường đại học văn hóa, nghệ thuật, để người học sau khi ra trường có khả năng thực hành LLPB. Chúng ta cần bố trí nguồn lực, cử một số người trẻ, có đủ năng lực, tư chất đưa đi đào tạo ở nước ngoài làm “hạt nhân” để chuyên tâm làm nghề LLPB một cách chuyên nghiệp.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HOÀNG HOÀNG - THÁI PHƯƠNG (thực hiện)