Wednesday, May 8, 2024

Tình báo Nga giả ‘thợ sửa ống nước’ định đặt máy nghe lén ở Thụy Sĩ

DAVOS, Thụy Sĩ (NV) – Các giới chức Thụy Sĩ tiết lộ rằng đã phá vỡ được một âm mưu do thám của tình báo Nga, khi đang giả dạng làm thợ sửa ống nước để đột nhập vào Davos, nơi có cuộc họp thường niên của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (WEF), theo bản tin của một tờ báo địa phương hôm Thứ Ba, 21 Tháng Giêng.

Báo Tages-Anzeiger cho hay hai người Nga bị cảnh sát Thụy Sĩ chặn lại hồi Tháng Tám năm ngoái tại khu nghỉ mát trượt tuyết này, vốn cũng là nơi tổ chức cuộc họp WEF mỗi năm. Hai người “thợ sửa ống nước” này cuối cùng xuất trình sổ thông hành ngoại giao và sau đó rời khỏi Thụy Sĩ.

Cảnh sát tại tỉnh Grisons của Thụy Sĩ cho biết có hai người đàn ông mang sổ thông hành ngoại giao Nga đã bị chặn lại trong một cuộc xét hỏi giấy tờ thường lệ ở Davos hồi Tháng Tám, 2019, nhưng không thấy có sự liên hệ về hiện diện của hai người này tại Davos và WEF.

Một nữ phát ngôn viên cảnh sát Thụy Sĩ xác nhận rằng có chặn xét hai công dân Nga ở Davos và họ xuất trình sổ thông hành ngoại giao, và giới chức công lực không có lý do gì để bắt giữ họ nên đã để cho đi.

Một phát ngôn viên tòa đại sứ Nga ở Bern bác bỏ nguồn tin nhân viên tình báo của họ bị chặn bắt. Người này nói rằng có hai nhà ngoại giao Nga, làm việc ở một quốc gia bên ngoài Thụy Sĩ đã bị hỏi giấy tờ nhưng được để cho đi.

Maria Zakharova, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Nga ở Moscow, nói không hay biết gì về việc này. (V.Giang)

Chồng tôi… hý Điêu Thuyền

LTS:Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Thưa cô, vợ chồng tôi tuổi hưu, chồng tôi nghỉ hưu cũng được 2 năm nay. Ông ấy rảnh rỗi nên hay đi đây đó. Tôi thì không thích đi, vì tôi không muốn xa các cháu, riết rồi cũng quen. Hằng năm, mùa vé sale ông nhà tôi lại mua vé về VN thăm bà con bạn bè. Tôi thì thích ở nhà vui với con cháu, vườn tược hơn, tôi sợ đi rồi không ai tưới cây.

Thấy ông đi hoài, nhiều người cũng cảnh cáo, không nên thả chồng đi một mình, nhưng tôi nghĩ cái gì của mình thì của mình, cái gì không phải của mình, có giữ cũng bay đi. Tôi sống bình an tại thế.

Và tôi “tại thế bình an” như thế khoảng 2 năm thì có biến. Trước đây còn chờ vé rẻ chồng tôi mới đi VN, bây giờ rẻ mắc gì cũng mua, không thèm chờ đợi nữa.

Ổng có bồ nhí, không cần hỏi cũng đoán ra, mấy ông già về VN như đi chợ chỉ có một bài thôi, bài “…hý Điêu Thuyền” đó mà. Điêu Thuyền đầy đường thì có thánh cũng không chạy thoát. Tôi chả thèm tra hỏi, cũng biết tỏng tòng tong. Tôi chả thèm chì chiết, chỉ nói một lời là, từ đây khỏe mạnh cũng như già yếu cứ nhờ một tay Điêu Thuyền lo đi nha, còn “Gấu mẹ vĩ đại” thì phủi tay. Cũng hên, tiền hưu ổng lớn nên tha hồ tung tẩy.

Nhưng thiên bất dung gian, mấy tháng trước bị strocke, nằm liệt giường, đành xuống nước với tôi. Nói thì nói chứ dù sao cũng nghĩa tình, tôi chăm sóc lo lắng chu đáo, ngày hai lần vào nhà thương với ổng. Những hôm nào ông yếu quá thì tôi ở lại đêm luôn, có khi ở lại trong bệnh viện cà tuần. Cứ tối tối là kê cái ghế sát giường, nằm ké đầu trên giường hai chân thòng qua cái ghế, ngủ vật ngủ vạ cho đỡ mệt. Giận thì giận nhưng sao thấy ổng yếu ớt lòng mình cũng không đành. Bởi người ta nói lòng đàn bà cạn như cơi trầu đúng quá không sai. Suốt mấy tháng trời mấy mẹ con thay nhau chăm sóc, ông lúc khỏe lúc than mệt. Tôi cũng nẫu người!

Nhưng ngay khi tôi viết lá thư này cho cô thì lòng tôi chỉ còn căm giận. Số là một người bạn cũ ghé nhà thương thăm, lúc ấy có tôi và đứa con gái út, cháu tên Kim. Ông thấy bạn cũ thì mừng lắm, vội chỉ ngay con gái nói: Con Hoàng Kim nè, anh nhớ nó không?

Hoàng Kim là tên con bồ nhí của ổng, nỡ lòng nào ổng lộn tên con gái với tên con bồ!? Tôi quay lại hỏi, Hoàng Kim nào? Ổng biết mình hố nên giả lả chuyện khác. Chừng 5 phút sau, như để chuộc lỗi, ổng lại nhắc lại tên con, lần này cũng nhắc lộn là Hoàng Kim. Quả thật lúc đó tôi muốn hét lên, Ông gọi tên con là gì vậy? Ông theo cái con Hoàng Kim, Hoàng Kiết gì của ông đi, mẹ con tôi về đây, không hầu ông nữa.

Tôi bỏ nhà thương không lên nữa, nhưng sau đó, nhà thương gọi nói ông mệt. Mẹ con tôi lại cong đuôi, hì hục bới xách. Ngu dại như thế là cùng!

Dù tôi vẫn lại lên chăm sóc, nhưng tôi sẽ không cho ông về nhà tôi. Cô thấy thế nào thưa cô, tôi đúng quá phải không?

Bà Chu

*Góp ý của độc giả:

-GY

Chuyện như của bà Chu xảy ra ở Bolsa đầy. Mấy ông tuổi hưu, nhàn rảnh, có vợ dễ dãi nên chạy về VN kiếm chát, quậy quá nên rụng sớm. Khi nằm bẹp giường thì kêu cứu vợ. Mấy bà vợ không cản nổi nên kệ, nhưng đến khi ôm sô thì la ơi ới. Bà Chu không chăm sóc thì áy náy, bỏ nhiều công sức mà ông cứ gọi tên bồ nhí thì cũng tức, thôi thì bà liệu cơm gắp mắm. Đừng ở lại bịnh viện, vào thăm 1, 2 tiếng mỗi ngày, bà cứ lấy cớ đau ốm như: lo lắng quá, mất ngủ, ăn không được, hay chóng mặt, đau đầu… Cứ vậy mà né, khỏi nói nặng nhẹ làm ông ấy tức, lên tăng xông, mình cũng mệt. Bà cứ bớt chăm sóc, để ổng tự lo bớt, cho chừa tội trăng hoa. Và bà cũng đừng lo, bịnh viện có y tá, bác sỹ mà, chỉ là ông nhõng nhẽo thôi.

-Phú Hiên

Thưa chị, “trai gái” như một bản năng của người đàn ông, trời sinh ra thế, hiếm thấy chung quanh mình có người đàn ông không trai gái. Trai gái như một sắc tố có sẵn trong máu của họ. Chị cứ nhìn quanh trong gia đình của mình, từ ông, cha, chú, bác, anh em trai… tìm một ông chung thủy, một chồng một vợ khó hơn tìm kim đáy biển, tìm không ra. Cho nên chuyện ông nhà trai gái, nhất là dấn thân về VN, nơi Điêu Thuyền đầy đường thì thánh cũng khó tránh huống chi người thường.

Tuy nhiên, cách cư xử của ông nhà về chuyện cứ nhầm lẫn giữa tên con gái của mình với tên người tình nhí, thì không tha thứ được. Tại sao chị không nói thẳng với ông nhà là việc nhầm lẫn của ông rất đáng bị “chém đầu”

Còn việc chị hỏi nên cho ông ấy về nhà hay không? Theo tôi thì chị còn phải tùy vào lòng chị và thái độ của ông nhà sau khi làm thương tổn chị và gia đình như vậy. Tha hay trảm là tùy lòng chị. Chị suy nghĩ trước khi xuống dao hay cất dao đi. Chúc chị may mắn.

-Bà Chi:

Sao mà làm đàn bà VN khổ thế, chồng lỗi sờ sờ, chẳng phải chỉ lỗi là trai gái, mà cái lỗi to đùng là đã nhầm lẫn tên con và bồ, mà nhầm đến hai lần. Người vợ lại không bỏ ngay mà còn thư hỏi có nên bỏ không? Đối với phụ nữ Tây Phương là không có màn này. Li dị ngày tức khắc. Chị đuổi ổng ra khỏi nhà, làm gương cho đám phụ nữ của mình đi.

*Vấn đề mới

Thưa cô, cháu có một đồng nghiệp, chúng cháu làm chung trong một deparment. Tuy trong phòng chỉ có hai nữ là cháu và cô ấy, nhưng không làm sao cháu chịu nổi tính cách của cô. Rất nhiều lần cháu lấy chín làm mười, nhẫn nhịn hết sức, nhưng những tính kỳ cục của cô làm cháu cứ điên lên. Cháu là một đứa hiền lành, nhút nhát, lại hay sĩ diện hảo… Chắc cô ấy cũng thấy và hiểu tâm lý cháu nên thường đẩy cháu vào tình trạng ngậm bồ hòn làm ngọt, vào tình huống khó xử.

(Hình minh họa: Getty Images)

Một hôm sinh nhật sếp chung của hai đứa. Cô ấy thông báo với sếp, cô ấy mời cơm tối, cô ấy cũng mời luôn cả cháu, ba người đi ăn rất vui. Đến khi tính tiền, cô ấy nói nhỏ với cháu, cô ấy quên ví tiền. Chuyện cũng chẳng có gì mà ầm ĩ. Cháu dúi tiền cho cô dưới bàn không cho người sếp thấy. Mọi sự cũng rất vui vẻ, và hơn 3 tháng trôi qua, cô ấy không nhắc gì đến chuyện trả lại tiền cho cháu, dù rằng có một lần sếp nhắc lại chuyện cô mời đi ăn trước mặt cháu, và đề nghị đi ăn nữa và sẽ thay phiên nhau trả tiền. Cháu tưởng sau lần nhắc đó, cô ấy trả tiền cho cháu, nhưng im lặng vẫn hoàn im lặng. Cháu tức lắm, đòi thì ngại vì số tiền không đáng là bao, nhưng bỏ qua thì tức.

Rồi một lần nữa, cháu lại ngu dại sau khi đã tự hứa không bao giờ đi ăn với cô ấy. Một buổi trưa, cô ấy gọi cháu ra quán ăn, nói rằng mới khám phá một quán Việt Nam ngon cực kỳ, ra ăn với cô đi, cam đoan cháu sẽ mê. Cháu lại ra, thấy cô đi với người con lớn năm nay sắp thi vào đại học. Ba người gọi thức ăn và câu chuyện qua lại cũng rất vui vẻ. Đến khi tính tiền, cô ấy tuyên bố, mình theo lối Mỹ nha, chia đều, và cô chia… 2. Cô ấy cùng cậu con trai to bằng cô ấy và cháu cộng lại, trả ½ và cháu trả ½. Ôi cháu phải làm sao, chẳng lẽ kèn cựa vài đồng trước mặt con cô ấy. Nhưng mà cháu tức ói cơm.

Thưa cô, cháu muốn đòi lại tiền, đòi thẳng thừng nhưng lại nghĩ hay mình bỏ qua và không bao giờ dại dột đi với cô lần thứ 3, là xong. Nhưng mà mới đây, cháu lại nghe cô ấy cũng làm như thế với một người bạn khác. Cháu có nên đòi thẳng không? Nó chỉ hơn 30 đồng. Có phải là cô ấy đang giở trò với nhiều người không? Nếu chỉ vì 30 đồng mà cháu đòi thì cháu có phải là người bần tiện không? Quá quắt không?

Cháu Nu

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi về: Biết tỏ cùng ai 14771 Moran Street. Westminster, CA 92683, hoặc [email protected]

Mỹ tìm cách ngăn chặn tình trạng “du lịch đẻ con” để có quốc tịch

Điểm tin buổi sáng 21/01/2020:
-Bắc Hàn cảnh cáo ‘tìm hướng đi mới’ sau khi Mỹ không đưa ra giải pháp trước hạn định
-Công ty điện thoại của Samsung có giám đốc mới
-Mỹ tìm cách ngăn chặn tình trạng “du lịch đẻ con” để có quốc tịch
-California thất thu hơn $30 triệu tiền ‘sửa đường’ mỗi năm vì xe hơi điện
-Nghi đòi nợ phóng hỏa đốt nhà, 5 người ở Sài Gòn thiệt mạng

Chiếc Mercedes 300SL đời 1961 ‘rỉ sét’ được bán với giá $800,000

BEVERLY HILLS, California (NV) – Thị trường Mỹ có những vụ mua bán “điên rồ” và đây là một trong số đó: chiếc Mercedes 300SL đời 1961 ‘rỉ sét’ vừa được bán với giá $800,000.

Trang tin chuyên về xe hơi The Drive vào tuần thứ 2 của Tháng Giêng cho biết chiếc xe này được Beverly Hills Car Club bán với giá cao như thế cho một khách hàng không công khai danh tánh.

Nhưng dù là ai mua chiếc xe này đi nữa thì cũng cần phải mất thời gian và công sức để phục hồi nó.

Chiếc Mercedes 300SL đời 1961 ‘rỉ sét’ này được tìm thấy trong một nhà kho cũ và là một trong những kiểu xe hiếm có trên thế giới. Chỉ có 256 chiếc như thế này từng được sản xuất từ năm 1961.

Còn nếu tính riêng với màu xanh nhạt giống y chang thế này thì chỉ có 101 chiếc được sản xuất và bán ra thị trường.

Vị khách hàng mua chiếc Mercedes 300SL đời 1961 này ngoài chiếc xe cũng sẽ có thêm các giấy tờ liên quan đến vụ mua bán xe lần đầu tiên diễn ra cách đây 59 năm đồng thời cũng được nhận cuốn sách hướng dẫn “owner’s manual”, các giấy tờ liên quan đến thời gian, “record” của những lần bảo trì xe từ năm 1968.

Người mua chiếc xe này sẽ mất thời gian và công sức để phục hồi nó. (Hình: Beverly Hills Car Club)
Bên trong chiếc Mercedes 300SL đời 1961 “rỉ sét.” (Hình: Beverly Hills Car Club)

The Drive dẫn thông tin từ các giấy tờ này cho biết chủ đầu tiên của chiếc xe hơi này đã mua nó vào ngày 20 Tháng Sáu năm 1961.

Khi được cất vào nhà kho, đồng hồ “mileage” của xe dừng tại con số 75,629 dặm. (C. Thành)

Phước Lộc Thọ đón Xuân bằng cuộc thi áo dài, gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Cuộc thi nấu gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả và thi áo dài Việt Nam truyền thống do đài truyền hình Little Saigon TV phối hợp cùng thương xá Phước Lộc Thọ tổ chức hôm Chủ Nhật, 19 Tháng Giêng, tức ngày 25 Tết, đã thu hút đông đảo đồng hương đến tham dự.

Chương trình cuộc thi do các MC Hoàng Trọng Thụy, Lê Thái và Sophie Bảo Trân điều hợp.

Cuộc thi nấu gói bánh chưng bánh tét và chưng bày mâm ngũ quả năm nay có sự tham gia của 5 đội, gồm Thiếu Nhi Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, Thiếu Nhi Hoa Hâu Từ Thiện, Trường Việt Ngữ Ca Dao, Rose Pageant, và Anaheim Union High School District.

Toàn cảnh cuộc thi gói bánh chưng, trưng bày mâm ngũ quả và thi áo dài truyền thống Việt Nam năm Canh Tý. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Mỗi đội có 10 phút để trổ tài gói một cái bánh chưng, từ lúc xếp lá, đổ nếp vào khuôn, sắp nhân đậu xanh, cho thịt vào, gói bánh và cột dây. Tất cả các thí sinh đều trình bày cách gói và nấu bánh bằng tiếng Việt. Bên cạnh đó, mỗi đội phải chuẩn bị sẵn sáu chiếc bánh đã được nấu chín ở nhà mang tới trình bày. Các giám khảo sẽ chọn 1 chiếc bất kỳ trong 6 chiếc bánh đó để thưởng thức và chấm điểm.

Có 3 tiêu chuẩn được bình chọn cho cuộc thi là trình diễn cách gói bánh chưng, hương vị bánh, và trình bày ý nghĩa của mâm ngũ quả.

Trường Việt Ngữ Ca Dao có lực lượng cổ động viên hùng hậu, đặc biệt là khi 2 em trai trổ tài gói bánh, và em gái Đỗ Phương Tina trình bày bằng tiếng Việt cách gói và nấu bánh chưng một cách lưu loát.

Đội giải nhất kỳ thi nấu bánh chưng, bày mâm ngũ quả của Trường Việt Ngữ Ca Dao. Từ phải: Đỗ Phương Tina, Trịnh Tân Raymond, Trần Nguyễn Quốc Việt Eric. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nghệ thuật nấu bánh chưng bánh tét truyền thống của người Việt, được lưu truyền và đến ngày hôm nay vẫn tiếp tục giữ gìn qua tài năng khéo léo của thế hệ hậu duệ sinh trưởng tại hải ngoại đã khiến tất cả người xem thán phục lẫn tự hào.

Ba đội thắng giải cuộc thi nấu bánh chưng bánh tét và mâm ngũ quả gồm Trường Việt Ngữ Ca Dao giải nhất, ngoài giải thưởng $1,000 của ban tổ chức, được thêm $1,000 do Nhà Hàng Pho Filet 2 trao tặng. Giải nhì thuộc về đội Rose Pageant với giải thưởng $500. Giải Ba thuộc về Đội Thiếu Nhi Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ với giải thưởng 300$.

Giải People’s Choice thuộc về Đội Thiếu Nhi Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ.

Đội Rose Pageant thắng giải nhì cuộc thi nấu bánh chưng, bày mâm ngũ quả. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nói với Người Việt, cô Nguyễn Thị Hà, hiệu trưởng Trường Việt Ngữ Ca Dao, chia sẻ niềm vui khi nghe tin thắng giải: “Từ Tháng Bảy sau khi ghi danh tham gia cuộc thi, nhà trường đã tổ chức cho các em học cách nấu bánh chưng, từ cách gói, nêm nếm hương vị bánh, và trình bày mâm ngũ quả ngày Tết, dưới sự hướng dẫn của cô giáo Phạm Hải Quế Phương và 2 cô phụ huynh Nguyễn Thị Thục Trinh và Phan Đào Liễu Chi.”

Cô Hà nói thêm: “Ngoài học tiếng Việt, các học sinh còn được học về lịch sử Việt Nam, nhất là qua kỳ thi này, các em được học thêm cách nấu bánh chưng và ôn lại ý nghĩa của chiếc bánh truyền thống ngày Tết của dân tộc mình. Có những cơ hội nào được học hỏi, được thực tập và phổ biến kiến thức, nhà trường đều muốn cho các em tham gia để làm quen, học hỏi và hiểu biết thêm.”

Toàn thể các thí sinh từ 5 tuổi đến 60 tuổi thắng giải trong cuộc thi áo dài truyền thống Việt Nam. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Đến phần thi áo dài truyền thống Việt Nam, không khí hào hứng không kém với một rừng áo dài, đủ các sắc màu và kiểu dáng, từ cổ điển đến cách tân, được các thí sinh từ 5 tuổi đến 60 tuổi cùng đua tài trình diễn trên sân khấu.

Ban giám khảo chọn thí sinh được giải với các tiêu chuẩn trình diễn mặc áo dài đẹp và trả lời ứng xử rất hay, có những em nhỏ đã cảm ơn mẹ và bà nội đã đích thân chọn lựa vải và màu sắc, tự đo cắt may cho các em, có những em đã cảm ơn mẹ đã dạy em cách trả lời và cung cách chào hỏi rất lịch sự với ban giám khảo và khán giả.

Các em nhỏ đã trả lời ứng xử thật xuất sắc khi cho biết em thích áo dài màu trắng vì luôn tỏa sáng, hoặc em thích mặc áo dài vì nữ sinh mặc rất đẹp, nhất là ngày Tết, hoặc áo dài màu tím luôn dịu dàng.

Hai thí sinh nhỏ tuổi nhất trong kỳ thi áo dài truyền thống Việt Nam năm Canh Tý 2020. Từ trái Hannaly Do và Jennifer Tạ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Kết quả cuộc thi áo dài như sau: Độ tuổi từ 5 đến 8 tuổi: Jennifer Tạ giải nhất, Hannaly Do giải duyên dáng. Độ tuổi 9-15 tuổi: Sandy Võ giải nhất, Mika Đinh giải duyên dáng. Độ tuổi 18 tuổi trở lên, Bảo Hiên Nguyễn giải nhất, Sandy Phạm giải duyên dáng.

Trong cuộc thi, thí sinh Việt Trinh Vũ chia sẻ: “Em mới qua Mỹ được một tháng 2 ngày, vẫn luôn nhớ về chiếc áo dài truyền thống tuyệt vời Việt Nam, nét tự hào của dân tộc khi dự thi trang phục thế giới, và em thích nhất là màu đỏ vì chính đó là màu chiếc áo ngày cưới của em.”

Anh Trần Xuân Khoa đến từ thành phố Stuttgart nước Đức, cho biết: “Lần đầu tiên về Little Saigon ăn Tết, tôi thật khâm phục cộng đồng người Việt mình ở đây luôn giữ gìn truyền thống Việt sau bao năm xa xứ, đó là niềm hãnh diện của người Việt nơi hải ngoại.”

“Tôi thấy truyền thống dân tộc được bảo tồn và lưu truyền cho các thế hệ mai sau qua cuộc thi nấu bánh chưng bánh tét, cách chưng bày và ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết, và nhất là khi nghe các em nhỏ sinh trưởng ở Mỹ nói tiếng Việt thật lưu loát. Tất cả nói lên tinh thần hy sinh rất lớn của các bậc phụ huynh chăm sóc đưa đón con em mình đi học tiếng Việt lẫn văn hóa Việt,” anh Khoa nói thêm.

Ông bà Ngọc Huyến đến từ Florida, nói: “Đây là lần thứ ba chúng tôi về Quận Cam ăn Tết. Bà con mình ở Orange County, nhất là ở Little Saigon luôn ăn Tết lớn. Còn 3 năm nữa chúng tôi về hưu, chắc chắn sẽ về sống ở đây, được gần đồng hương với nhiều sắc thái về văn hóa dân tộc rất hay, nhất là những điều kiện sinh sống, ăn uống, văn hóa không thua kém gì trong nước.” (Văn Lan)

Sài Gòn: Mứt Tết không còn như xưa nữa

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Có một vị Việt kiều đứng tuổi về Việt Nam ăn Tết Canh Tý, ông dạo một vòng Sài Gòn trong ngày “đưa ông Táo về Trời,” rồi bật hỏi: “Sao không thấy mấy sạp hàng bày bán bánh mứt, trà rượu Tết như ngày xưa?”

Thật vậy, cái cảnh Tết đặc trưng dựng rạp quanh các chợ lớn nhỏ ở Sài Gòn với các sạp bán đủ loại bánh mứt ở Chợ Bến Thành, Chợ Lớn, Chợ Tân Định… đèn đuốc sáng trưng, người đi chợ Tết nườm nượp hầu như không còn nữa.

Nhắc đến chuyện dựng rạp, cất sạp bán bánh mứt ngày Tết xưa, nhiều người cũng nhắc luôn chuyện ngày nay, chuyện từng gia đình chộn rộn trong không khí sum vầy, cùng nhau chuẩn bị làm bánh, làm mứt Tết cũng mất dần.

Những loại bánh mứt truyền thống luôn là thứ không thể thiếu trong ngày Tết của từng gia đình người miền Nam. Những chiếc bánh bông lan vàng tươi, thơm và mềm mịn, những sợi mứt dừa ngào ngọt lịm với nhiều màu bắt mắt, những miếng mứt chuối ép khô, mứt gừng, mứt dừa, mứt khoai lang, mứt me, mứt mãng cầu, mứt chùm ruột… Có nhà còn cất công làm đậu phộng da cá, đậu phộng ngào đường…

Món mứt tắc (quấc) một thời ngon nổi tiếng giờ cũng ít thấy nhà nào làm để ăn Tết. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Mứt là món ăn ngọt được nâng lên hàng món ăn tiếp khách, từ ngày xửa xưa đã làm nên hương vị ngày Tết cổ truyền của người miền Nam.

Từ khoảng rằm Tháng Chạp trở đi, nhà nhà tùy theo gia cảnh mà chuẩn bị nguyên liệu làm mứt Tết. Những gia đình họ hàng có nhà ở gần nhau thường tập trung lại làm, rồi chia ra mỗi nhà một ít để cúng và ăn. Mỗi năm đến ngày đưa ông Táo thì các mâm phơi mứt đều bày đầy trong sân nhà tạo nên sắc màu giàu cảm xúc nhất. Những ngày đó, dù gia đình có mức sống nghèo hay khá giả thì mứt họ làm đều ngon, đủ hương vị ngọt ngào. Cũng đôi khi do công đoạn làm hay sên mứt do vụng tay nghề khiến món mứt không đúng vị ngon, việc đó làm cả nhà lo lắng.

Bên cạnh đó, việc dùng giấy kiếng màu gói mứt sao cho đẹp mắt, sao cho ra sắc màu ngày Xuân cũng là việc quan trọng. Bởi khay mứt ngon gia chủ bày trên bàn tiếp khách là có ý mong người thân hay thân hữu đến chúc Tết mở lời khen lấy hên trong ba ngày Tết, nên việc tự tay làm mứt, bánh để dâng cúng ông bà là cách mong cầu chư hương linh chứng giám phù hộ cho cả năm no ấm, an lành, hạnh phúc.

Chuẩn bị mứt Tết luôn là thời điểm khiến trẻ con trong mỗi gia đình nôn nao, là vết son sâu đậm trong ký ức ăn Tết của người Việt Nam. Một cô nhà báo trẻ, tự kết luận rằng, ở Sài Gòn không tìm đâu ra món mứt khế, năm nào cô cũng dự định về quê sớm để tự tay làm lại món mứt khế như hồi bé, nhưng công việc ở Sài Gòn khiến cô thất hứa với món mứt khế hết năm này tới năm khác.

Món mứt khế ngọt thanh hương vị đất lành miền Nam cũng khó tìm thấy ở khay mứt ngày Tết gia đình. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Cô kể: “Tôi vẫn còn nhớ ngày bé, cùng chị gái hái lượm những quả khế chua, cắt bỏ diềm, loay hoay làm mứt khế. Những quả khế chua ngắt là thế, chỉ cần khéo léo một chút là có ngay món mứt ngọt thanh, chua nhẹ. Có những lần hì hụi mãi mới xong mẻ mứt, vậy mà ở công đoạn nào đó lỡ tay ép khế khô hay bỏ quá chút đường, quên vài miếng gừng là coi như thất bại nguyên mẻ.”

Không khí làm mứt Tết trong gia đình người miền Nam xưa không đơn giản là tạo ra món đặc sản ăn Tết, mà còn là biểu tượng cho giá trị công, dung, ngôn, hạnh của người phụ nữ. Làm mứt Tết gia đình còn hơn cả một lớp học truyền lại sự khéo tay và nghệ thuật thẩm định khẩu vị.

Mứt tết trong từng gia đình vốn muôn màu muôn sắc. Nếu ai đó gợi nhớ về món mứt Tết mà họ được mời lúc đi chúc Tết, chắc rằng sẽ biết thực đơn mứt Tết miền Nam phong phú vô kể, món mứt quen ai cũng biết nhưng nếu được gia chủ mời ăn mứt trái tắc (quấc) dẻo, thơm, có vị chua nhẹ và hơi the the, mứt trái thơm (dứa) ngọt thanh lạ miệng, mức hột sen thơm, bùi… hẳn sẽ do vị ngon ngọt lạ miệng mà luôn miệng nói lời cám ơn.

Ngày nay, không hề lạ khi nhiều người Việt ăn hết cả chục cái Tết mà vẫn không thèm thò tay lấy một món mứt nào đó trong khay mứt gia đình, thành ra không thể cậy nhờ món mứt khéo tay, kỳ công mà có cớ cất lời khen các điều hay, vẻ đẹp khác của chủ gia trong ngày Tết.

Cái hương vị ngọt ngào, thơm ngon của món mứt coi đơn giản vậy mà bao đời nay vẫn là đầu mối để ngày Xuân tránh được sự nhạt nhẽo. Nhưng đáng buồn thay giờ đây, làm mứt, ăn mứt, cúng mứt, nói chung là mứt Tết không còn như xưa nữa, huống gì là không khí làm mứt Tết trong mỗi gia đình. (Trần Tiến Dũng)

‘Sài Gòn Ngày Tháng Cũ’ trong khu chợ Tết ở Little Saigon

WETSMINSTER, California (NV) – Xuân về Tết đến, người Việt tại Little Saigon và nhiều nơi đã tấp nập về thủ đô tinh thần của người Việt tại hải ngoại, người thì du xuân, kẻ thì mua sắm những thứ cần thiết để trưng bày trong nhà và ăn uống, tiệc tùng trong mấy ngày đầu năm. Đặc biệt năm nay, trong khu chợ ABC, đồng hương được dịp chiêm ngưỡng những loại xe cũ đã lưu hành ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, qua chủ đề “Sài Gòn Ngày Tháng Cũ,” vừa diễn ra hôm Chủ Nhật, 19 Tháng Giêng, 2020, trong bãi đậu xe siêu thị ABC, trước Bank of America, góc đại lộ Bolsa Trần Hưng Đạo và Magnolia ở Westminster.

Khoảng 8 giờ sáng, ban tổ chức đã trưng bày một số xe hơi trong đó có chiếc được sản xuất năm 1933, mang nhãn hiệu Renault, Citroen, Austin, Peugeot, xe taxi xưa, còn có xe Jeep lính mui trần, xe hiệu Chevrolet, một số xe gắn máy cổ, hai bánh, như xe scooter, Mobylette, Honda, và Velo Solex, Vespa, và Lambretta,… Vì lòng hiếu kỳ đã có một số đồng hương đến ngắm nhìn những chiếc xe cổ này.

Ông Tô Phạm Thái, thành viên trong ban tổ chức cho hay: “Tôi và anh Lê Văn Quang cùng một số bạn trẻ nữa bày ra vụ này để cho đồng hương ở đây cũng như phương xa về đây ăn Tết có dịp nhìn thấy được những chiếc xe cổ đã được lưu hành trước năm 1975. Đây là lần thứ hai, kể từ sau Lễ Tạ Ơn vừa qua, chúng tôi tổ chức triển lãm theo yêu cầu của đông đảo đồng hương, nhất là giới trẻ hiếu kỳ, muốn thấy tận mắt các loại xe cổ này.”

Ngoài những chiếc xe cổ còn có những quần áo, những xe thiết giáp và trực thăng làm bằng nhựa và nhiều cà rá kỷ niệm của quân binh chủng trong Quân Lực VNCH.

Ông Bảo Nguyễn và chiếc Honda 50 tại triển lãm ‘Sài Gòn Ngày Tháng Cũ’ trong khu chợ Tết ở Little Saigon. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông Thái cho biết thêm: “Tôi thấy những hình ảnh máy bay, xe thiết giáp cũng giống như thời chiến tranh Việt Nam bày bán tại Mỹ, nên tôi mới mua về để trưng bày trong buổi triển lãm này. Không phải dễ để ghép nối những loại này đâu, vì khi mới mua về, những máy bay và thiết giáp này chỉ là những mảnh ghép lại, tôi phải tự cắt ra rồi mới dán keo lại thì mới có hình thù đẹp mắt như quý vị đã thấy. Còn những cà rá này là có để phù hiệu của những binh chủng của Quân Lực VNCH rất quý hiếm mà tôi đã sưu tầm trong hơn 20 năm trời mới có được.”

Ngoài ra còn có những hình ảnh kỷ niệm của thời xưa cũ tại Sài Gòn. Bác Sĩ Quách Nhất Trí, người giúp ban tổ chức về những bức ảnh này, nói: “Thật ra ở đây cũng có nhiều người có một hoặc vài chiếc xe cổ, nhưng họ không có điều kiện để trưng bày cho đồng hương thấy được, thì tổ chức này cũng là dịp để cho họ mang đến đây để cho bà con ngắm nhìn những sưu tầm xe cổ của họ, chớ không phải riêng của ban tổ chức.”

Từ trái, anh Lê Văn Quang, hai bác sĩ: Quách Nhất Trí và Alan Trần tại triển lãm ‘Sài Gòn Ngày Tháng Cũ’ trong khu chợ Tết ở Little Saigon. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Mới sáng sớm, trời còn lạnh nên chỉ có vài mươi người đến để ngắm nhìn những loại xe cổ.

Ông Nguyễn Hoài Cát, cựu quân nhân Quân Lực VNCH chia sẻ: “Trước khi sang định cư tại Hoa Kỳ thì tôi đã từng dùng chiếc Honda 90 này của một cố vấn Mỹ bán lại cho tôi. Thật ra thì tôi sử dụng chiếc xe này ít thôi, vì ngày xưa mình cũng là quân nhân, nên phải ở đơn vị ngoài tiền tuyến nhiều hơn ở Sài Gòn. Có khi nào được về phép thì mới dùng đến chiếc xe này. Hơn mấy mươi năm rồi mới nhìn thấy được những chiếc xe cũ này thì hàng chữ ‘Sài Gòn Ngày Tháng Cũ’ rất là hợp lý đối với tôi.”

Ông Nhan Hữu Hậu, cũng là cựu quân nhân, bày tỏ: “Thật ra, khi nhìn lại những chiếc xe của thời xa xưa thì tôi rất cảm động, vì đã có thời gian mình cũng đã nhờ chúng nó để làm phương tiện đi lại. Tôi thấy có nhiều loại xe hai bánh, kể cả taxi và xe Jeep của quân đội nữa, những thứ này mà muốn sưu tầm thì rất là khó. Nhưng theo tôi, chỉ còn thiếu một loại xe mà ban tổ chức không có đó là chiếc xe xích lô đạp.”

Anh Lê Văn Quang và hai chiếc taxi của anh tại triển lãm ‘Sài Gòn Ngày Tháng Cũ’ trong khu chợ Tết ở Little Saigon. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Còn ông Nguyễn Bảo thì tâm tình: “Những hình bóng cũ này làm cho tôi xúc động vô cùng. Tôi còn nhớ lúc tôi mới 14 tuổi, vừa đậu xong bằng trung học thì bố của tôi đã thưởng cho tôi một chiếc Velo Solex này, và sau này tôi cũng có chiếc Honda Dame 50 cho đến bây giờ đã trên 50 năm thì tôi mới được thấy được hình ảnh của chiếc Velo Solex và Honda này tại đây.”

Đến chừng 10 giờ sáng, trời đã bắt đầu lên nắng, khu phố chợ ABC giờ đã tấp nập xe cộ qua lại và khu triển lãm xe cũ cũng đông đảo đồng hương.

Chiếc Citroen (trái) và chiếc Peugeot cùng ông Thu Nguyễn (trái) và Bác Sĩ Alan Trần tại triển lãm ‘Sài Gòn Ngày Tháng Cũ’ trong khu chợ Tết ở Little Saigon. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trong lúc này, nhiều loại xe cũ cũng được ban tổ chức cho mang đến để cho bà con xem.

Anh Trương Quốc Huy, chủ nhân của nhiều xe được trưng bày ở đây, cho biết: “Tôi có 20 chiếc gồm xe Honda 65, Buck, Mobylette, Velo Solex đã từng đưa chúng nó ra những cuộc triển lãm như thế này để cho bà con mình nhìn thấy được những kỷ niệm của ngày nào trên quê hương mình. Thật ra thì những loại xe này ở tại Mỹ cũng có trong thời xa xưa. Vì lòng yêu thích những hàng xe cổ nên tôi mới đi tìm chúng để sưu tầm.”

“Những chiếc xe của tôi hiện giờ vẫn còn chạy được. Còn những chiếc loại này ở Việt Nam bây giờ cũng đã hiếm rồi. Lý do là sau 1975, thứ nhất là họ pha xăng tầm bậỵ, thứ hai là chỉ xài nhớt tái sinh của Liên Xô nên máy móc nào mà còn nữa cho đến bây giờ,” anh nói thêm.

Ông Tô Phạm Thái và những tác phẩm của mình tại triển lãm ‘Sài Gòn Ngày Tháng Cũ’ trong khu chợ Tết ở Little Saigon. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Sau đó anh Huy cũng chạy thử vài chiếc xe của anh mang đến để biểu diễn cho bà con xem. Chẳng những vậy mà có những thiếu nữ cũng thích đến ngồi hoặc xin ban tổ chức cho chạy thử nữa.

Cô Trâm Nguyễn, cư dân Garden Grove, nói: “Tôi chuẩn bị đi dự thi Áo Dài Truyền Thống ở Phước Lộc Thọ tổ chức, thấy ở đây có mấy chiếc xe cũ nên mới ghé vào xem, vì ngày xưa tôi đã từng chạy chiếc xe này để đi học, nhưng tôi chưa từng ngồi trên chiếc Vespa cả. Hôm nay, được ngồi trên chiếc xe này thì thích quá đi thôi.”

Xe Jeep quân đội và xe taxi tại triển lãm ‘Sài Gòn Ngày Tháng Cũ’ trong khu chợ Tết ở Little Saigon. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Gia đình anh Trần Tâm, cư dân North Walk, cho biết: “Khi sang Mỹ thì tôi mới có ba tuổi nên chưa bao giờ biết những loại xe này. Tôi rất thích sưu tầm những loại xe cổ của Mỹ nên hôm nay, nhân dịp đi mua sắm hoa Tết, tôi thấy ở đây có triển lãm xe cổ ngày xưa ở Việt Nam nên chúng tối mới đến để được biết ông bà, cha mẹ của mình đã từng sử dụng những loại xe này ngày xưa.”

Ông Nguyễn Văn Ba đến từ Texas vui vẻ nói: “Năm nào vợ chồng tôi cũng đến Little Saigon để ăn Tết, nhưng đặc biệt kỳ này có cái vụ triển lãm xe cũ thì làm mình nhớ lại một thời ‘vàng son’ của tuổi trẻ. Ngày xưa, tôi cũng có một chiếc Honda 90 nầy, và cũng đã từng chạy chiếc Vespa, thậm chí đến chiếc xe Mobylette đời xưa của ba tôi thì tôi cũng đã từng chạy rồi nữa. Mấy anh ở Little Saigon tìm được những chiếc xe cũ này để cho đồng bào thấy lại những kỷ niệm cũ thì thật đáng khen.” (Lâm Hoài Thạch)

Mỹ tìm cách ngăn chặn tình trạng ‘du lịch đẻ con’ để có quốc tịch

WASHINGTON, D.C. (NV) – Chính phủ của Tổng Thống Donald Trump dự trù sẽ đưa ra các quy định mới nhằm ngăn chặn điều gọi là “birth tourism-du lịch đẻ con”, trong đó các bà bầu sang Mỹ đẻ con để đứa nhỏ có quốc tịch, theo một giới chức Bộ Ngoại Giao xác nhận với ABC News hôm Thứ Hai, 20 Tháng Giêng.

Theo bản tin của ABC News, viên chức này nói rằng “Sự thay đổi là để đối phó với các vấn đề an ninh quốc gia cũng như pháp luật liên hệ với tình trạng du lịch đẻ con, kể cả các hành vi phạm pháp hình sự trong kỹ nghệ này.”

Sự thay đổi trong các quy định của Bộ Ngoại Giao nhằm cấp visa du khách hay visa thương mại dự trù sẽ sớm xảy ra, theo lời viên chức này.

Các giới chức trong chính phủ của Tổng Thống Trump trong thời gian qua đã chỉ trích việc có quốc tịch chỉ vì sinh ra ở Mỹ, dù rằng đây là điều được Tu Chính Án 14 của Hiến Pháp Mỹ bảo đảm.

Ông Ken Cuccinelli, người từng là giám đốc Sở Quốc Tịch và Di Trú (USCIS), và nay là nhân vật hàng thứ nhì tại Bộ Nội An, nói rằng không cần thay đổi hiến pháp để có sự thay đổi về vấn đề quyền có quốc tịch khi sinh ra ở Mỹ.

“Tôi không tin rằng phải cần có việc tu chính Hiến Pháp,” ông Cuccinelli nói với giới truyền thông hồi Tháng Mười vừa qua. “Tôi nghĩ rằng chỉ cần có hành động của Quốc Hội hay một sắc lệnh của Tổng Thống,” cũng theo ông Cuccinelli.

Hồi năm ngoái, các công tố viên liên bang truy tố 19 người về việc tổ chức các đường dây đưa người sang Mỹ đẻ con, với các chi phí lên tới cả chục ngàn đô la.

Giới chức chính phủ hiện chưa cho biết là có bao nhiêu du khách sang Mỹ đẻ con và cũng chưa biết là chính phủ sẽ có hành động gì để ngăn chặn điều này.

Cựu giám đốc cơ quan cảnh sát di trú ICE, ông Tom Homan, nói rằng việc sang Mỹ đẻ con để đứa nhỏ có quốc tịch là một động lực chính thúc đẩy việc di dân bất hợp pháp.

Ông Homan cho rằng đây chính là điều tạo ra việc có sự tăng vọt trong số di dân đến biên giới phía Nam của Mỹ để xin tị nạn năm 2019. (V.Giang)

Bể ống dẫn nước nóng trong khách sạn ở Nga, 5 người chết phỏng

MOSCOW, Nga (AP) – Một đường ống dẫn nước nóng bất ngờ nứt bể hôm Thứ Hai, 20 Tháng Giêng, trong một khách sạn nhỏ ở Nga, khiến nước sôi tràn ra, làm ngập các căn phòng, làm 5 người chết và sáu người khác bị thương tích trầm trọng tại thành phố Perm, theo giới hữu trách Nga.

Khách sạn nhỏ chỉ có 9 phòng cho thuê này nằm ở tầng hầm của một tòa chúng cư, trong thành phố có khoảng 1 triệu dân nằm gần rặng núi Urals của Nga.

Tất cả các nạn nhân, gồm cả một em nhỏ, đều là khách đến thuê phòng khách sạn.

Có ba người bị thương là do các vết phỏng nặng.

Cảnh sát Nga đã mở cuộc điều tra về thảm họa này.

Vụ nổ đường ống khiến 20 tòa nhà, gồm cả một bệnh viện, một trường học cùng một vườn trẻ không có sưởi hay nước nóng vào giữa mùa Đông, theo các giới chức địa phương.

Một dân biểu Nga, bà Oleg Melnichenko, nói rằng trước những cái chết này, quốc hội Nga phải nghĩ đến việc đưa luật cấm các khách sạn hay nơi thuê phòng đặt dưới các tòa chúng cư.

“Không thể nào để cho thuê phòng dưới các tầng hầm, nơi có đặt đủ mọi đường ống,” theo lời bà Melnichenko.

Năm ngoái, quốc hội Nga đã ra luật cấm mở nơi cho thuê phòng ngủ trong các căn phòng ở các tòa nhà chúng cư. (V.Giang)

California thất thu hơn $30 triệu tiền ‘sửa đường’ mỗi năm vì xe hơi điện

LOS ANGELES, California (NV) – Trong lúc nhiều chủ xe hơi chạy bằng nhiên liệu xăng tại California phải trả tiền thuế mua xăng cao hơn để chính phủ tiểu bang này có thêm tiền sửa đường xá thì chủ của những chiếc xe hơi điện lại không cần phải đóng khoản tiền này.

Los Angeles Times vào ngày 19 Tháng Giêng cho biết từ năm 2017, thời của Thống Đốc Jerry Brown, California đã muốn tăng thuế xăng để có thêm tiền sửa sang đường xá, cầu cống còn các chủ xe điện vì không phải đổ xăng nên cần phải đóng thêm một khoản phí là $100 mỗi năm.

Tuy nhiên, vì muốn khuyến khích người dân chạy xe hơi điện nhằm bảo vệ môi trường nên chủ của những chiếc xe chạy hoàn toàn bằng điện (với lượng khí thải bằng không) sẽ không phải đóng khoản phí này cho tới ngày 1 Tháng Bảy năm 2020.

Điều này bị cho là đã làm cho tiểu bang California mất khoảng $32 triệu mỗi năm.

Những người phản đối cho rằng tất cả người dân California lái hơi xe dù là chạy bằng nhiên liệu xăng hay chạy điện đều cần phải trả tiền phí sửa đường xá cầu cống.

Những người phản đối cho rằng tất cả người dân California lái xe hơi đều cần phải trả tiền phí sửa đường xá cầu cống. (Hình minh họa: Getty Images)

Los Angeles Times dẫn lời ông Jon Coupal, chủ tịch Howard Jarvis Taxpayers Assn., cho rằng việc chỉ tăng thuế xăng mà không bắt người đi xe hơi điện đóng tiền cho thấy chính sách ủng hộ giới nhà giàu, thượng lưu hơn là tầng lớp lao động.

Theo ông Coupal, đa số người lao động nói chung sẽ không mua xe hơi điện vì các kiểu xe này có giá từ khoảng $36,000 đến hơn $124,000 được cho là mắc hơn xe hơi chạy bằng nhiên liệu xăng.

Ngoài việc chủ xe hơi điện được hoãn đóng khoản tiền $100 mỗi năm cho đến năm 2020 điều luật này còn không áp dụng cho những kiểu xe hơi điện có đời cũ hơn 2020.

Tức là chỉ những chủ xe điện có xe đời mới, từ đời 2020 trở lên mới phải đóng khoản tiền này.

Điều đó có nghĩa là khoảng 320,000 xe hơi điện đời cũ hơn mà trong đó có cả xe của những người tạo ra điều luật này được “thoát” khỏi việc đóng tiền.

Ông Coupal nói: “Tôi ‘sốc.’ Đạo đức giả trong chính trị chăng?”

Đường xá, xe cộ đông đúc thường xuyên xảy ra kẹt xe trong giờ cao điểm tại California. (Hình minh họa: Getty Images)

Trong khi đó, các nhà lập pháp khẳng định rằng việc tiếp tục tăng thuế xăng là cần thiết để giải quyết khoản tiền lên tới $78 tỷ dành cho việc sửa chữa và nâng cấp hệ thống đường xá, cầu cống tại California, tiểu bang tiêu thụ xe hơi điện nhiều nhất nước Mỹ. (C. Thành)

Bể ống nước, bệnh viện Kaiser Permanente ở Woodland Hills hủy hẹn bệnh nhân

WOODLAND HILLS, California (NV) – Bệnh viện Kaiser Permanente ở Woodland Hills bị bể ống nước hôm Thứ Hai, 20 Tháng Giêng, khiến nhiều ca giải phẫu và nhiều cuộc hẹn khám bệnh bị hủy.

Theo đài KTLA, phát ngôn viên Terry Kanarki của Kaiser Permanente cho biết ống nước chính của bệnh viện ở Woodland Hills bị bể và không có nước để sinh hoạt. Ông cho hay bệnh viện này phải sử dụng nguồn nước khẩn cấp.

Không chỉ vậy, bệnh viện này phải hủy hết mọi cuộc hẹn khám bệnh và mọi ca phẫu thuật cho ngày Thứ Hai.

Ông Kanarki cho biết phòng cấp cứu và khu vực chăm sóc khẩn cấp của bệnh viện vẫn hoạt động bình thường.

Cũng theo ông Kanarki, bệnh viện sẽ liên lạc với từng bệnh nhân bị hủy hẹn. Ông còn khuyên họ nên vào trang web của bệnh viện để kiểm tra.

Bệnh viện Kaiser Permanente không di tản bệnh nhân nội trú ra ngoài và đang theo dõi tình hình.

Vì bể ống nước, nhà bếp của bệnh viện không nấu ăn được và bệnh nhân phải ăn đồ đóng gói sẵn, nhưng vẫn đủ dinh dưỡng.

Đài KTLA cho biết một bệnh nhân nói ống nước bị trục trặc từ Thứ Bảy, 18 Tháng Giêng. (TL)

Giáo dân gây quỹ để xây lại nhà thờ bị cháy ở Whittier

WHITTIER, California (NV) – Hàng trăm người trong cộng đồng ở Whittier tụ họp hôm Chủ Nhật, 19 Tháng Mười, để gây quỹ giúp xây lại nhà thờ bị cháy hồi Tháng Mười năm ngoái.

Theo đài KTLA, buổi gây quỹ này được tổ chức ở Trung Học St. Paul tại Santa Fe Spring và nhà hàng California Grill cung cấp thức ăn miễn phí.

Mục Sư Samuel Alba nói với đài KTLA, nhà thờ Good Shepherd Bible Church tại địa chỉ số 6712 trên đường Washington bị lửa hủy hoại vào ngày 31 Tháng Mười. Tuy vậy, ông cho rằng đức tin của cộng đoàn vẫn rất mạnh mẽ.

“Nhiều người nghĩ đám cháy sẽ làm chúng tôi mất đi đức tin, nhưng nó làm chúng tôi mạnh mẽ hơn trước nữa,” ông cho hay.

Số tiền kiếm được từ buổi gây quỹ sẽ được dùng để xây một nhà thờ mới, nhưng Mục Sư Alba và các giáo dân chưa biết sẽ xây ở đâu. (TL)

Bão lại kéo đến miền Tây Hoa Kỳ, vài nơi ở California có tuyết

SAN FRANCISCO, California (NV) – Vào ngày lễ Martin Luther King Jr., hôm Thứ Hai, 20 Tháng Giêng, cả nửa khu vực phía Đông của Hoa Kỳ đang trong tình trạng thời tiết mùa Đông giá lạnh, với nhiều nơi có nhiệt độ ở dưới mức 0 độ F, nhất là ở vùng Northern Plains (Bình Nguyên phía Bắc) và vùng New England.

Bầu không khí rét buốt từ Bắc Cực cũng tràn đến vùng Trung-Nam Hoa Kỳ, nơi gió mạnh khiến nhiêt độ ở Atlanta, tiểu bang Georgia và Memphis ở  tiểu bang Tennessee chỉ ở gần 20 độ F (âm 6 độ C) vào sáng ngày Thứ Hai, theo tin ABC News.

Vào chiều tối ngày Thứ Hai cho đến sáng ngày Thứ Ba, bầu khí lạnh nhất sẽ kéo tới vùng Trung Florida, nơi dân chúng được báo động về thời tiết lạnh, với nhiệt độ ở thành phố Orlando có thể ở mức trên dưới 30 độ F (khoảng âm 1 độ C).

Trong khi đó, một trận bão mới đang hình thành ngoài khơi Thái Bình Dương vào sáng ngày Thứ Hai.

Đến sáng Thứ Ba, hệ thống bão này sẽ tiến vào khu vực phía Tây Hoa Kỳ, đem theo mưa lớn từ Seattle, tiểu bang Washington cho tới San Francisco ở California và nhiều tuyết ở vùng núi.

Tại một số nơi ở California, mức tuyết trút xuống có thể từ 1 đến 2 foot tuyết (30.48 cm tới 60.96 cm).

Tại vùng Bắc California, mưa sẽ khởi sự rơi xuống vào lúc khoảng 7 giờ sáng Thứ Ba, theo tiên đoán của Sở Khí Tượng Quốc Gia (NWS). Tuyết sẽ rơi xuống rặng Sierra Nevada chừng hai giờ sau đó.

Tin tức khí tượng cũng cho hay tuy có mưa và tuyết, trận bão này cũng không bù đắp được lượng nước cần có trong Tháng Giêng, vốn đã rất khô ráo.

Tuy California hiện không ở trong tình trạng hạn hán, vùng Bắc California cần có mưa và tuyết  trong Tháng Giêng, Hai và Tháng Ba để đổ đầy các hồ chứa thiên nhiên và bảo đảm rằng tiểu bang có đủ nước trong những tháng mùa Hè và Thu.

Ở vùng Nam California, xuống tới San Diego, mưa có thể khởi sự rơi xuống vào khuya ngày Thứ Hai và kéo dài tới sáng Thứ Ba.

Trận bão từ phía Tây  này sẽ tiến qua phía Đông và sẽ đem theo mưa, tuyết và băng đá tới vùng Trung Tây cũng như Đông Bắc Hoa Kỳ vào cuối tuần này. (V.Giang)

Cựu chiến binh 106 tuổi ở Sacramento bị trộm chiếc Cadillac kỷ vật

SACRAMENTO, California (NV) – Sở Cảnh Sát Sacramento cho biết kẻ trộm vào nhà cựu chiến binh 106 tuổi và lấy chiếc Cadillac kỷ vật của ông.

Theo đài KTLA, cựu chiến binh 106 tuổi là ông Curly Bunfill, từng nhận ba huân chương “Purple Hearts” và có nhiều câu chuyện cùng nhiều kỷ vật quý. Một trong những thứ quý nhất của ông là chiếc xe Cadillac Eldorado đời 1956 và đó là quà ông nhận được từ minh tinh Rita Hayworth.

Ông kể từng làm người đóng thế các pha mạo hiểm cho Hollywood và gặp minh tinh Hayworth tại một buổi tiệc.

“Tôi nhảy với bà và bà có rất nhiều xe đẹp, nên chúng tôi nhảy quanh mấy chiếc xe,” ông kể.

Minh tinh Hayworth hỏi ông thích chiếc xe nào nhất và ông nói chiếc Cadillac Eldorado. Khi bà qua đời, bà viết di chúc và tặng ông chiếc xe đó.

Ông lái chiếc xe này đi diễn hành rất nhiều lần trong hơn 30 năm và kẻ trộm lẻn vào nhà, lấy chiếc xe của ông hồi tuần trước.

“Tôi đi đâu cũng có chiếc xe đó. Mất nó rồi, tôi cảm thấy như mất một phần của mình,” ông chia sẻ.

Ông Bunfill đang treo tiền thưởng $7,000 cho người giúp ông tìm lại được chiếc xe.

Nhân viên công lực cũng kêu gọi công chúng giúp đỡ. Theo mô tả, chiếc xe màu xanh dương đó tên của cố minh tinh Rita Hayworth khác vào cửa, đuôi, đầu xe và có bảng số 2NSB909 của California.

Sở Cảnh Sát Sacramento kêu gọi công chúng cung cấp thông tin qua số điện thoại (916) 808-5471. (TL)

Seal Beach: Cháy cả khu chúng cư chỉ vì một cây nến

SEAL BEACH, California (NV) – Một gia đình để nến cháy trong phòng ngủ trong chúng cư ở Seal Beach và làm cháy nhà, làm hai người bị thương vào sáng sớm Thứ Hai, 20 Tháng Giêng.

Theo đài KTLA, có người gọi cứu hỏa lúc 12:40 phút sáng sớm, để báo khu 12200 trên đường Montecito bị cháy.

Chỉ Hủy Ron Roberts của Sở Cứu Hỏa Orange County cho biết lính cứu hỏa thấy tầng hai của khu chúng cư đang cháy và khói bốc dày đặc.

Cơ quan này cho hay có hai người phải nhập viện vì bị thương nhẹ.

Lính cứu hỏa nhanh chóng làm việc và dập tắt được đám cháy lúc 1 giờ 30 phút sáng.

Hai căn phòng bị hư hại nặng và ba phòng bị hư nhẹ. Một căn phòng chứa rất nhiều đồ, gây một số trở ngại cho lính cứu hỏa.

Đại Úy Tony Bommarito của Sở Cứu Hỏa Orange County cho biết sau khi điều tra, nhân viên công lực xác định lý do khu chúng cư bị cháy là do một cây nến.

Lính cứu hỏa gọi Hồng Thập Tự đến để giúp đỡ khoảng 20 người bị mất nhà ở do đám cháy. (TL)

Người dân quyên góp hơn $32,000 giúp dân Đồng Tâm

Tin tổng hợp 19/01/2020
-Người dân quyên góp hơn 32,000 USD giúp dân Đồng Tâm
-Facebooker ‘Chung Hoàng Chương’ bị khởi tố
-‘Giặc châu chấu’ bùng ra ở Đông Phi, đe dọa lương thực một số quốc gia nghèo nhất thế giới
-Virus gây bệnh viêm phổi, giống SARS, lan rộng ở Trung Quốc, với gần 140 ca bệnh mới

Một ông cố ý ủi vào chiếc xe Prius chở các thiếu niên ở California; 3 người thiệt mạng

TEMESCAL VALLEY, California (NV) – Cơ quan cảnh sát tuần lưu xa lộ California (CHP) sáng Thứ Hai, 20 Tháng Giêng, nói rằng một người đàn ông đã cố tình dùng xe của  mình ủi vào một chiếc Toyota Prius, khiến chiếc xe này lạc tay lái, đâm vào gốc cây bên lề đường, làm thiệt mạng ba thiếu niên bên trong.

Nghi can Anurag Chandra bị cảnh sát bắt. (Hình: NBC Los Angeles)

Theo bản tin của đài truyền hình địa phương KTLA 5 thì có ba người khác trong chiếc xe Prius được chở vào bệnh viện với các thương tích không gây nguy hiểm tới tính mạng.

Trung Úy David Yokley thuộc cơ quan CHP nói rằng các nạn nhân sống sót đều là nam giới, gồm hai thiếu niên và người lái xe 18 tuổi.

Các nhân chứng nói rằng họ lái theo nghi can đến một căn nhà và gọi báo cho nhân viên công lực, theo ông Yokley.

Người này sau đó được cho biết tên là Anurag Chandra, 43 tuổi, cư dân thành phố Corona.

Trung Úy Yokley nói nghi can Chandra bị bắt lúc 2 giờ 46 phút sáng Thứ Hai và bị giam về tội tình nghi sát nhân.

Vụ này xảy ra lúc khoảng 10 giờ 30 phút tối Chủ Nhật và cơ quan công lực hiện vẫn còn điều tra nguyên  nhân xảy ra việc ủi xe này.

Temescal Valley nằm ở vùng Nam California, thuộc quận Riverside County, có khoảng hơn 22,000 dân. (V.Giang)

Nhiều chương trình đặc sắc mừng Tết Nguyên Đán tại Disneyland Resort

“Diễn Hành Tết Chủ Đề Mulan”, nhạc nước “Về Nhà – Lunar New Year Celebration”, viết thư pháp… là những chương trình mừng Tết đặc sắc ở Disneyland Resort.
 
Những chương trình này kéo dài 24 ngày, từ ngày 17 Tháng Giêng đến ngày 09 Tháng Hai, tại Paradise Bay trong Disney California Adventure Park.

‘Giặc châu chấu’ bùng ra ở Đông Phi, đe dọa các quốc gia nghèo nhất thế giới

ADDIS ABABA, Ethiopia (AP) – Hàng đoàn “giặc châu chấu”, được coi là đông đảo nhất từ 25 năm nay, đang thấy xuất hiện khắp khu vực Đông Phi, và là mối đe dọa chưa từng thấy cho nguồn cung cấp lương thực tại khu vực có các quốc gia ở hàng nghèo nhất thế giới, theo giới hữu trách.

Các chuyên gia về côn trùng nói rằng tình hình thời tiết bất thường cũng góp phần tạo ra tình trạng hiện nay.

Các đàn châu chấu bay đen kịt như đám mây phủ khắp bầu trời. Mỗi con châu chấu có chiều dài trung bình bằng ngón tay và có hàng triệu con bay hợp đoàn cùng nhau. Mỗi khi chúng đậu xuống cánh đồng nào là nơi đó trở thành tan hoang.

Một giới chức kiểm soát côn trùng ở Kenya cầm trong tay con châu chấu. (Hình: AP Photo/Patrick Ngugi)

Người dân địa phương ra đồng, chen vào giữa đàn “giặc châu chấu” này, la hét, xua đuổi, vung gậy đập, nhưng thảy đều vô hiệu.

Chính phủ Kenya báo cáo “sự gia tăng cực kỳ nguy hiểm” về hoạt động của các đàn châu chấu. Quốc gia này nói rằng đã thấy một đàn châu chấu dài 60 km (khoảng 37 dặm), rộng 40 km (khoảng 25 dặm) bay ở vùng Đông Bắc nơi này.

Trong bản thông cáo gửi tới báo chí, cơ quan điều hành phát triển khu vực Đông Phi, có tên “Intergovernmental Authority on Development IGAD”, nói rằng một đàn châu chấu sa mạc trung bình có thể có tới 150 triệu con mỗi  một cây số vuông và “mỗi một đàn như thế này mỗi ngày có thể phá hủy nguồn cung cấp thực phẩm nuôi sống 2,500 người.”

Sự bùng phát của châu chấu sa mạc, được coi là giống châu chấu nguy hiểm nhất, cũng đang phá hủy nhiều nơi ở Somalia, Ethiopia, Sudan, Djibouti và Eritrea. IGAD cảnh cáo rằng giặc châu chấu này có thể sớm lan tới South Sudan và Uganda.

Châu chấu đang khiến tình trạng thiếu thực phẩm trong vùng trở nên trầm trọng hơn, theo Tổ Chức Lương Nông Quốc Tế (FAO) của Liên Hiệp Quốc. Cho đến nay, có hàng trăm ngàn mẫu lương thực đã bị phá hủy.

Một trận bùng phát châu chấu xảy ra từ năm 2003 tới 2005 tại 20 quốc gia ở vùng Bắc Phi Châu đã khiến gây phí tổn đến hơn $500 triệu để tiêu diệt, với hơn $2.5 tỉ lương thực bị tiêu hủy, cũng theo FAO.

Để ngăn chặn phát triển của các đàn châu chấu, giới hữu trách phải dùng đến không ảnh chụp từ vệ tinh, trữ sẵn thuốc diệt sâu bọ và mở ra các cuộc phun thuốc bằng phi cơ. Tại Ethiopia, giới hữu trách nói họ đã dùng tới 4 phi cơ cánh quạt loại nhỏ để dùng phun thuốc chống lại giặc châu chấu. (V.Giang)

Tin giả, tin thật, tin ai?

Chúng ta đang sống trong thời đại của thông tin (The age of information). Thông tin tràn ngập. Đến độ không ai trong chúng ta mà không ngụp lặn bởi thông tin.

Tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng, đứng đầu các cơ quan ban ngành, v.v… của mọi cơ quan chính phủ dân chủ cấp tiến đều rất bận, nên họ đều có một bộ phận riêng biệt chuyên thu thập các thông tin liên hệ, để có những truyền thông chính trị (political communication/public relations) thích ứng, nếu có nhu cầu. Nhưng chủ yếu là để biết giới truyền thông, và người dân, hiện đang nghĩ gì về mình.

Lẽ ra nhiều thông càng giúp cho chúng ta hiểu biết, đánh giá và quyết định vấn đề đúng đắn hơn (informed decisions)?

Nhưng không hẳn vậy.

Thời đại thông tin tràn ngập cũng có nghĩa tràn ngập mọi loại thông tin, trong đó có cả mọi loại thông tin giả (fake news): thông tin sai lệch/xuyên tạc (disinformation) và không tin không đúng sự thật (misinformation).

Ở đây cũng xét có nhu cầu để làm rõ vài định nghĩa. Theo tổ chức UNESCO thì tin sai (disinformation) là thông tin sai lệch và cố tình tạo ra để gây hại cho một người, nhóm xã hội, tổ chức hoặc quốc gia. Nên gọi loại tin này là tin xuyên tạc. Tin không thật (misinformation) là thông tin sai nhưng không tạo ra với mục đích gây hại. Tin giả (fake news) có ý nghĩa ngược với thông tin thật, bao gồm hai loại tin nêu trên.

UNESCO đã làm một công việc rất thực tiễn là phát hành một sổ tay giáo dục và đào tạo báo chí năm 2019, dầy 128 trang, có tự đề ‘Báo chí, “tin giả” và “tin xuyên tạc” với mục đích “tăng cường giáo dục báo chí, và ấn phẩm này là nỗ lực mới nhất nhằm cung cấp những nguồn lực tri thức hiện đại nhất.” UNESCO phát hành bằng nhiều ngôn ngữ, Anh, Việt,…

Giới truyền thông khắp nơi, đặc biệt tại Việt Nam, cũng như hải ngoại, nên tìm hiểu ấn phẩm này vì vai trò của truyền thông mang tính quan trọng để giúp người dân hiểu biết trung thực và đa chiều, bởi như thế người dân mới có thể có những quyết định đúng đắn cho cuộc sống của cá nhân mình và đời sống chính trị của quốc gia mình, tại Hoa Kỳ, Úc, Việt hay toàn thế giới. Khi tin tức mình trình bày được kiểm chứng, mang tính đa chiều, và không thiên vị, thì sự khả tín của chính mình, và cơ quan truyền thông mình phục vụ, sẽ gia tăng.

Tất nhiên vẫn có những người chỉ muốn nghe tin tức nào hợp với nhãn quan chính trị của mình, chẳng hạn, hoặc với mong đợi từ trong thầm kín lòng mình. Do đó họ chỉ chọn những nguồn thông tin đáp ứng nhu cầu riêng của họ, và không hề tiếp cận các loại thông tin khác. Bảo thủ hay cấp tiến cũng thế, tuy tất nhiên không phải tất cả. Do đó khó có thể nào thuyết phục được thành phần này thay đổi tư duy hay cách nhìn nhận vấn đề.

Dù sao, mọi cơ quan truyền thông đứng đắn phải có trách nhiệm kiểm chứng nguồn tin từ nhiều chiều, và cần có sự cân bằng (balance) và không thiên vị (impartial) trước khi đăng nó.

Facebook, nói riêng, và các truyền thông xã hội, nói chung, vào thời gian đầu đã là nơi cung cấp những nguồn thông tin cần thiết và quan trọng cho người dân của các quốc gia không có tự do ngôn luận và tự do báo chí. Tuy nhiên các chế độ cường quyền, vì không thể cấm cản hoàn toàn, nên đã khai dụng nó cho mặt trận tuyên truyền của họ.

Peter Pomerantsev cho rằng: “Nhưng ngôn ngữ, lý tưởng, chiến thuật và những câu chuyện duy trì cuộc đấu tranh cho dân chủ trong thế kỷ 20 hiện đang được sử dụng bởi chính các lực lượng mà họ có ý định chiến đấu.” Nói cách khác, các thế lực độc tài chuyên chính cũng khai thác phương thức và kẻ hở này, nhất là về luật đối với tự do ngôn luận của các chế độ dân chủ cấp tiến, để tung hỏa mù và gây hoang mang cho độc giả, người dân.

Peter Pomerantsev là một phóng viên, người viết sách, và sản xuất chương trình TV, và đang là thành viên cao cấp thỉnh giảng tại Viện Các Vấn Đề Toàn Cầu tại Trường Kinh Tế Luân Đôn.

Bố ông, Igor Pomerantsev, từng bị mật vụ KGB bắt năm 1976 vì tội phát tán các văn học chống Liên Xô. Ngày nay, Peter Pomerantsev nhận định rằng chúng ta đang sống trong một thế giới mà các phương tiện thao túng đã phát triển và nhân lên nhiều lần, một thế giới quảng cáo đen tối, đòn phép/hoạt động tâm lý (psy-op), chiếm máy/dữ liệu người khác (hack), chương trình máy móc tự động (bot), sự thật mềm (soft facts), giả mạo sâu sắc bằng kỹ thuật điện ảnh (deep fakes), tin tức giả mạo, Putin, người gây chiến/xuyên tạc trên mạng (troll) và Trump.

Pomerantsev đã thành lập các nhóm nghiên cứu tại trường Đại Học London để tìm hiểu chiến dịch ảnh hưởng độc hại mới hơn trên toàn thế giới và cố gắng tìm cách chống lại chúng. Pomerantsev đưa ra nhiều trường hợp mà nhóm ông đã nghiên cứu đã tìm hiểu, chẳng hạn như cơ quan truyền thông độc lập Rappler tại Phi, muốn truyền đạt các thông tin trung thực và đa chiều tại tại đây nhưng đang phải chịu bao áp lực, kể cả bắt cớ, từ chính quyền Duterte; Pomerantsev cũng đề cập đến chính trị tại Mexico, Nga, Anh, Mỹ, v.v… Và câu chuyện mà bố ông bị KBG bắt giam.

Ngày nay, tin giả tràn lan trên các mạng xã hội, làm người sử dụng hoặc tin hoàn toàn, hoặc bán tin bán nghi, ngoại trừ những người nắm rõ thông tin đa chiều. Những tác hại này rất lớn, đặc biệt đối với các nền dân chủ cấp tiến, cũng như đối với các phong trào đấu tranh cho dân chủ. Các chế độ cường quyền đã hy động hàng ngàn, hay hàng chục ngàn, dư luận viên, ngoài hàng trăm các cơ quan truyền thông thực thuộc nhà nước hoặc do họ kiểm soát hoàn toàn nên không dám lên tiếng, để tung tin không thật (misinformation) và tin xuyên tạc (disinformation), đến quảng đại công chúng. Vì không nắm vững vấn đề, vì thiếu thông tin đa chiều, vì thích hợp với nhãn quan của mình, vì các vấn đề chuyên môn và phức tạp ngoài khả năng nhận thức của mình, và vì thói quen cả tin không chịu kiểm chứng các nguồn thông tin từ đâu, có khả tín không, và vì thiếu tư duy độc lập, suy nghĩ phê phán, v.v… nên những người này vô hình trung không những tin tưởng các loại tin giả này, mà còn phổ biến nó đến người khác. Vô hình trung trở thành cái loa tuyên truyền cho các chế độ có mục tiêu vu khống, bóp méo, nhục mạ, tấn công cá nhân hay tổ chức nào đó đang có những hoạt động gây khó khăn cho thế lực cầm quyền.

Tháng Chín, năm 2019, Pomerantsev viết thêm một bài có tựa đề “Tôi rời Nga để thoát khỏi cuộc tấn công của Putin về lý luận. Bây giờ tôi sợ nước Anh đang trên con đường tương tự.”

Ngày nay, tôi có cảm tưởng rằng nhiều người sẳn sàng tin vào một vấn đề gì đó mà không cần kiểm chứng nguồn từ bất cứ đâu; và người ta sẳn sàng bỏ qua những thông tin khả tín, xác thực dù có bao nhiêu nguồn dẫn chứng đứng đắn.

Chúng ta đang ở thời đại tràn ngập nhiễu thông tin, nhiễu niềm tin, trong khi lý luận, tư duy phản biện và tính tôn trọng sự thật đang gặp khủng hoảng rất lớn.

Các quốc gia có nền dân chủ cấp tiến, vững chắc lo ngại về ảnh hưởng này. Cuộc bầu cử tại Mỹ năm 2016, hay Brexit tại Anh sau đó, và bao nhiêu sự tấn công hay coi thường sự thật đã diễn ra quá nhiều. Nếu nó trở thành bình thường thì đó là điều đáng quan ngại cho tương lai thế giới và văn minh nhân loại.

Chính phủ Úc và Quốc Hội Úc đã quan ngại sâu sắc sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016, và Brexit tại Anh, nên đã có những chính sách và hành động thực tiễn để đối phó với mối an nguy này. Úc quan niệm rằng thông tin giả là mối đe dọa to lớn đối với các định chế dân chủ và xã hội. Các biện pháp được đề nghị tiến hành bao gồm: luật chống lan truyền thông tin sai lệch trực tuyến; luật chống can thiệp nước ngoài trong bầu cử; tăng các quy định của phương tiện truyền thông xã hội (quảng cáo, bot); giám sát phương tiện truyền thông xã hội; quảng bá nội dung chính xác….

Năm 2017, ba học giả của ba trường đại học danh tiếng Mỹ, Gary King thuộc Harvard, Jenifer Pan thuộc Stanford, Margaret Roberts thuộc San Diego/California, đã cùng phối hợp nhau nghiên cứu bài viết trên tạp chí American Political Science Review, có tựa đề: “Chính phủ Trung Quốc ngụy tạo các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội như thế nào để đánh lạc hướng chiến lược, không tham gia vào tranh cãi.”

Bài nghiên cứu đã tóm tác các nhận định như sau:

“Chúng tôi ước tính rằng chính phủ (Trung Quốc) bịa đặt và đăng khoảng 448 triệu bình luận trên mạng xã hội mỗi năm. Trái ngược với tuyên bố trước đó, chúng tôi cho thấy chiến lược của chế độ Trung Quốc là tránh tranh cãi với những người hoài nghi về đảng và chính phủ, và thậm chí không thảo luận về các vấn đề gây tranh cãi.

Chúng tôi cho thấy rằng mục tiêu của hoạt động bí mật lớn này là thay vào đó đánh lạc hướng công chúng và thay đổi chủ đề, vì hầu hết các bài viết này liên quan đến cổ vũ cho Trung Quốc, lịch sử cách mạng của Đảng Cộng sản hoặc các biểu tượng khác của chế độ. Chúng tôi thảo luận làm thế nào những kết quả này phù hợp với những gì được biết về chương trình kiểm duyệt của Trung Quốc và đề nghị làm thế nào họ có thể thay đổi hiểu biết lý thuyết rộng hơn của chúng tôi về kiến thức phổ biến và kiểm soát thông tin trong chế độ độc đoán.”

Những ai quan tâm nên tìm hiểu về bài nghiên cứu giá trị này.

Ngày xưa, làm âm thanh và phim ảnh thì phải dựa vào âm thanh, hình ảnh, phim ảnh thật, dù có bị thay đổi một chút, hay được thiết kế và cắt bỏ phần nào, tùy theo quan điểm của người làm. Ngày nay, kỹ thuật tân tiến đến độ người ta có thể sử dụng cả những nhân vật đã chết lâu rồi, có thể làm cho họ sống lại (như bộ phim Star Wars), và có thể nói năng diễn xuất như thường. Nó gọi là Deepfakes. Tác giả Robert Chesney và Danielle Citron kết luận rằng trong thế giới hậu sự thật này (post-truth world), chúng ta cần học cách kiên nhẫn/trì hơn, không chấp nhận các âm thanh và phim ảnh bằng chỉ bề mặt của nó; nhưng đồng thời phải đấu tranh chống lại sự xuống cấp mà trong đó sẽ có nhiều người dân mà chỉ muốn tin vào những điều làm hợp với niềm tin sẵn có của họ. Tóm lại, chúng ta trong nền dân chủ cần phải chấp nhận một sự thật khó chịu: để sống sót trước mối đe dọa từ Deepfakes, chúng ta sẽ phải học cách sống với sự dối trá.

Vâng, cuộc sống con người có nhiều trái nghịch và mâu thuẫn không ngừng, phải không?

Tin mới cập nhật