Thursday, May 2, 2024

Bắc Kinh và Hà Nội tiếp tục khẳng định ‘4 tốt’ và ‘16 chữ vàng’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Lãnh tụ hai nước cộng sản anh em Việt Nam và Trung Quốc gọi điện thoại chúc tết, kỷ niệm bang giao, đưa những lời lẽ nồng ấm bề ngoài có vẻ muốn kêu gọi cải thiện mối quan hệ song phương.

Hôm Thứ Bảy, Tân Hoa Xã đưa tin chủ tịch Tập Cận Bình gọi điện thoại chúc mừng Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước CSVN Nguyễn Phú Trọng nhân dịp kỷ niệm 70 năm hai nước Cộng Sản anh em thiết lập bang giao.

Ông Tập Cận Bình thấy lập lại mấy khẩu hiệu tuyên truyền quen thuộc “4 tốt” và “16 chữ vàng” mà ông ta cũng đã nhắc đến ba ngày trước đó trong cuộc điện đàm chúc tết.

Lãnh đạo Trung Quốc đưa ra 16 chữ khẩu hiệu xác định đường hướng phát triển quan hệ hai nước Việt-Trung trong thế kỷ mới là “Sơn thủy tương liên, lý tưởng tương thông, văn hóa tương đồng, vận mệnh tương quan” (nghĩa là sông núi gắn liền, cùng chung lý tưởng, hòa nhập văn hóa, có chung định mệnh), được diễn dịch là “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai.” Bên cạnh đó là khẩu hiệu “4 tốt” gồm “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”

Những khẩu hiệu này thường được nhắc đi nhắc lại mỗi khi các lãnh đạo cấp cao hai nước gặp nhau. Tuy nhiên, người ta chỉ thấy Tân Hoa Xã đưa tin ông Tập Cận Bình gọi điện thoại cho ông Nguyễn Phú Trọng hôm Thứ Bảy, 18 Tháng Giêng, 2020 trong khi không thấy Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin gì. Đây là lần thứ hai trong ba ngày có cuộc điện thoại giữa hai ông lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc.

Trước đó, ngày Thứ Năm, 16 Tháng Giêng, 2020, Thông Tấn Xã Việt Nam  đưa tin, nhân dịp tết Canh Tý sắp đến, ông Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nói chuyện, chúc tết qua điện thoại với Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đương nhiên, cả Thông Tấn Xã Việt Nam và Tân Hoa Xã đều đưa tin như những tin chính, nổi bật trong ngày đó, nhưng cách đưa tin khác nhau theo chủ đích tuyên truyền khác nhau.

Người dân Hà Nội trong một cuộc biểu tình tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh bảo vệ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. (Hình: AFP/Getty Images)

Cuộc điện đàm diễn ra sau một loạt những biến có liên tiếp từ nửa năm nay, từ trên Biển Đông đến các diễn đàn chính trị quốc tế, cho người ta thấy mối quan hệ “đồng chí anh em” giữa hai nước Cộng Sản Việt Nam và Trung Quốc “núi liền núi, sông liền sông” có các khẩu hiệu “4 tốt” và “16 chữ vàng” không lấy gì làm tốt đẹp.

Thông Tấn Xã Việt Nam nói rằng trong cuộc điện đàm, ông Trọng, ngoài những lời chúc tụng thường lệ, đã kêu gọi “hai bên cần gìn giữ tốt truyền thống hữu nghị tốt đẹp; đẩy mạnh hợp tác thực chất, cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực; tăng cường giao lưu nhân dân, tạo nền tảng xã hội vững chắc cho quan hệ song phương.”

Dịp này, ông còn kêu gọi “kiên trì thông qua các biện pháp hòa bình để xử lý thỏa đáng những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ hai nước trên cơ sở nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, phù hợp với luật pháp quốc tế, qua đó thúc đẩy quan hệ Việt-Trung phát triển ổn định, lành mạnh, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.”

Đáp lại, Thông Tấn Xã Việt Nam nói, ông Tập Cận Bình sau những lời chúc tụng đã “sẵn sàng cùng với đảng, chính phủ và nhân dân Việt Nam tăng cường sự tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác thực chất và hiệu quả trên các lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước.”

Trong khi đó, Tân Hoa Xã nói ông Tập Cận Bình nhắc lại khẩu hiệu “4 tốt” rồi cho rằng “Chúng ta cần tiếp tuc củng cố lòng tin cậy chính trị, tiến hành tình hữu nghị truyền thống và tăng cường nền tảng cho mối quan hệ.” Đồng thời ông ta kêu gọi “hai nước láng giềng nên xử lý đúng cách và giải quyết những bất đồng (ám chỉ Biển Đông) dựa trên viễn ảnh lớn hơn về lâu về dài để đạt được hoàn cảnh ngoại tại thuận lợi cho hai nước phát triển.”

Dịp này, Tân Hoa Xã cho thấy ông Tập Cận Bình không quên hô hào ông Trọng hợp tác, cổ võ cho cái tham vọng kinh tế chính trị “Vành đai và con đường” để mối quan hệ giữa hai nước ngày một phát triển hơn.

Bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam không thấy đề cập gì nhưng Tân Hoa Xã lại viết rằng ông Nguyễn Phú Trọng cảm ơn Trung Quốc đã hậu thuẫn và viện trợ quý giá cho Cộng Sản Việt Nam “nhuộm đỏ được cả nước.” Ông Trọng được thuật lời “hy vọng hợp tác với Trung Quốc thúc đẩy phát triển hơn nữa mối quan hệ của hai nước.”

Đồng thời ông Trọng, theo Tân Hoa Xã, kêu gọi “nỗ lực chung để tăng cường lòng tin cậy chính trị” bên cạnh các mặt hợp tác khác.

Những lời chúc tết nồng ấm và kêu gọi cải thiện quan hệ của hai lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam và Trung Quốc liệu có dẫn đến “lòng tin cậy chính trị” được cải thiện hay không? Những gì diễn ra qua các biến cố vừa qua cho thấy những lời hô hào cải thiện quan hệ có vẻ trống rỗng, không thật lòng, chỉ nhằm tuyên truyền.

Dù vậy, bề ngoài, hôm Thứ Sáu, 17 Tháng Giêng, 2020, khi đưa tin tất cả ba lãnh tụ đảng, nhà nước và Quốc Hội CSVN gửi điện văn kỷ niệm 70 năm thiết lập bang giao với Trung Cộng, thấy Thông Tấn Xã Việt Nam thuật lại là “Chủ trương nhất quán, lâu dài của đảng, nhà nước Việt Nam là hết sức coi trọng, sẵn sàng làm hết sức mình và ưu tiên hàng đầu phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với đảng, nhà nước và nhân dân Trung Quốc.” (TN)

ASEAN kêu gọi kiềm chế trên Biển Đông

NHA TRANG, Việt Nam (NV) – Các nước thành viên ASEAN kêu gọi các bên liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông “kiềm chế các hoạt động” và “tránh làm phức tạp thêm tình hình.”

Trong một bản thông cáo báo chí gồm 19 điểm, hội nghị cấp ngoại trưởng của 10 nước ASEAN họp tại Nha Trang vào hai ngày 16 và 17 Tháng Giêng, 2020, tổ chức ASEAN nói.

“Chúng tôi trao đổi về tình hình Biển Đông, trong đó quan ngại đã được bày tỏ về hoạt động tôn tạo bồi đắp, những diễn biến gần đây và các sự cố nghiêm trọng, đã làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy, làm gia tăng căng thẳng và có thể đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.”

Năm nay, Việt Nam là chủ tịch luân phiên Hiệp Hội 10 nước Đông Nam Á. Một số nhà phân tích thời sự chính trị khu vực cho rằng Hà Nội sẽ tận dụng cơ hội này để vận động các nước khác liên kết với nhau hầu chống lại tham vọng bá quyền bành trướng của Bắc Kinh.

Người ta thấy nổi bật trong bản thông cáo báo chí 19 điểm nói trên là vấn đề Biển Đông được chú trọng đặc biệt. Dù không nêu đích danh, nhưng lời lẽ của hai điểm 14 và 15 của bản thông cáo báo chí cho người ta hiểu là nhắm vào Bắc Kinh, tuy lên án nhưng bằng những lời lẽ nhẹ nhàng kiểu “nói dỗi.”

Bản thông cáo báo chí viết: “Chúng tôi tái khẳng định sự cần thiết thúc đẩy lòng tin và sự tin cậy, tự kiềm chế trong tiến hành các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, và giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.”

Các nước ASEAN qua bản thông cáo báo chí “tái khẳng định rằng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, là cơ sở để xác định chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích chính đáng đối với các vùng biển. Chúng tôi tái khẳng định rằng UNCLOS 1982 là khung pháp lý cơ bản cho các vùng biển và phải được tất cả các quốc gia tôn trọng.”

Từ đó ASEAN “nhấn mạnh tầm quan trọng của phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động bởi các bên có tuyên bố chủ quyền và tất cả các quốc gia khác, bao gồm các hoạt động được đề cập đến trong DOC có thể làm phức tạp thêm tình hình và leo thang căng thẳng ở Biển Đông.”

Hiện các nước ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (Code of Conducts) vốn được kêu gọi tiến hành đàm phán gần hai chục năm qua, đến nay mới chỉ thỏa thuận được cái khung đàm phán. Các chi tiết điều khoản thỏa thuận thì vẫn còn đang cù cưa mà mấu chốt vẫn là có hay không có sự ràng buộc pháp lý.

Hà Nội muốn cột sự ràng buộc pháp lý vào thỏa hiệp trong khi Bắc Kinh chống lại với sự toa rập của một số nước mà họ đã mua chuộc được bằng viện trợ kinh tế, quân sự.

Những ngày cuối năm 2019, người ta thấy Indonesia đưa cả chiến hạm và chiến đấu cơ tới áp lực đuổi nhóm tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của họ quanh quần đảo Natuna. Trước đó, nhóm tàu khảo sát địa chất Trung Quốc cũng xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của Malaysia đồng thời với các hoạt động xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Một số nhà phân tích đặt nghi vấn không rõ các nước đó có liên kết với Hà Nội chống lại Bắc Kinh hay không.

Mấy năm gần đây, Bắc Kinh áp lực Hà Nội phải từ bỏ các cuộc khảo sát, dò tìm dầu khí trong vùng biển đặc quyền kinh tế của mình, lấy cớ có cái chủ quyền “Lưỡi bò” ngang ngược.

Các ngoại trưởng ASEAN họp tại Nha Trang ngày 17 Tháng Giêng, 2020. (Hình: NHAC NGUYEN/AFP/Getty Images)

Tướng Phạm Trường Long, phó quân ủy trung ương Trung Quốc hồi năm 2017 từng đến Hà Nội đe dọa nếu Việt Nam không hủy bỏ dò tìm dầu khí tại lô 118 (ngoài khơi Quảng Nam-Quảng Ngãi) và lô 136-3 (Đông Nam Vũng Tàu 200 hải lý) thì sẽ xua quân đánh chiếm các đảo Trường Sa của Việt Nam.

Sau vụ đối đầu căng thẳng với đám tàu Trung Quốc kéo dài từ đầu Tháng Bảy đến Tháng Mười, 2019 ở khu vực bãi Tư Chính, Hà Nội đã nhiều lần lên án Bắc Kinh ngang ngược trên Biển Đông. Tuy vậy, cũng chỉ dám ám chỉ chứ không nêu đích danh Trung Quốc.

Hồi Tháng Mười Một, 2019, Thứ Trưởng Ngoại Giao CSVN Lê Hoài Trung bắn tiếng không chính thức trong một cuộc hội thảo tại Hà Nội rằng Việt Nam có thể tính tới chuyện kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng Hà Nội chỉ coi đó là giải pháp cuối cùng.

Đồng thời, hành động của Trung Quốc cũng thúc đẩy Indonesia nghiêng về phía lập trường của Việt Nam, kêu gọi phải có một bộ COC ràng buộc pháp lý để tránh sự ngang ngược cậy sức mạnh quân sự của Bắc Kinh.

Nếu cả Hà Nội, Jakarta và Kuala Lumpur cùng một lập trường và cương quyết chống hành vi Trung Quốc trên Biển Đông, Bắc Kinh không muốn bị cộng đồng ASEAN liên kết chống lại mình nên đã nhiều lần mua chuộc một số nước để chia rẽ khối này.

Cambodia là thành viên ASEAN được Bắc Kinh tận dụng cho mưu đồ vừa kể.

Philippines từng quyết liệt chống Bắc Kinh thời tổng thống trước, nhưng khi ông Duterte lên cầm quyền từ 2016 thì đổi chiều ve vãn Bắc Kinh lấy viện trợ và đầu tư kinh tế. Không những vậy, còn bắn tiếng muốn xé Hiệp Ước Phòng Thủ Hỗ Tương (Mỹ-Philippines) ký từ năm 1951. (TN)

Texas: Cãi cọ trong nhà, cha dượng bắn vào bụng con riêng của vợ

HARRIS COUNTY, Texas (NV) – Một người đàn ông 38 tuổi hiện đang trong tình trạng thương tích trầm trọng sau khi bị cha dượng bắn vào bụng, do có cuộc tranh chấp trong gia đình tại nhà.

Theo bản tin của đài truyền hình địa phương KTRK, thuộc hệ thống ABC, thì vụ này xảy ra vào tối ngày Thứ Bảy, 18 Tháng Giêng.

Cảnh sát đã đến một căn nhà trong quận Harris County, sau khi nhận được báo cáo là có người bị bắn vào bụng, theo các cơ quan truyền thông.

Các cảnh sát viên khi đến nơi thấy một người đàn ông bị trúng đạn và đã nhanh chóng chở người này vào bệnh viện. Các bác sĩ nơi đây tiến hành cuộc mổ khẩn cấp và người này dự trù sẽ sống sót.

Giới chức công lực cho biết vụ nổ súng có thể là một hành động tự vệ.

Một người trong căn nhà có nổ súng được cảnh sát thẩm vấn. (Hình: KTRK)

Người trong gia đình khai với cảnh sát rằng người đàn ông bị trúng đạn là con riêng của bà vợ và ở cùng nhà với hai vợ chồng cao niên này.

Theo lời gia đình thì kẻ bị bắn đã nhiều lần có hành vi bạo động, đe dọa hai vợ chồng lớn tuổi kia. Khi cuộc cãi cọ trở nên trầm trọng vào tối ngày Thứ Bảy, người cha dượng rút súng bắn con riêng của vợ một phát vào bụng.

Cha mẹ của nạn nhân hiện đang hợp tác với cuộc điều tra của cảnh sát.

Vụ này có thể được chuyển sang một đại bồi thẩm đoàn để xét xem cho truy tố người cha dượng về tội nổ súng hay không. (V.Giang)

Đồng Tâm, những điều chưa nói hết!

Qua tin tức báo chí ngay trong nước, chúng ta cũng  biết thời đại này là thời đại những kẻ có quyền lực sống mạnh, sống giàu nhờ đất và đám dân đen khốn khổ vì mất đất, suốt đời mang khăn gói đi khiếu oan vì đất hay chết vì giữ đất. Câu chuyện quanh quẩn theo từng bước: chính quyền cướp đất, đền bù rẻ mạt, đền một thì bán ra năm. Dân không chịu di dời thì dùng biện pháp “cưỡng chế,” cưỡng chế không được thì bố ráp, tấn công. Trong những cuộc tấn công bằng xe ủi đất, súng đạn này, phía nhân dân đứng về phần chịu thiệt, vì gậy gộc không chống lại được vũ khí và nhân lực hùng hổ, nên đã nhiều người vào nhà tù, thậm chí là bị kêu án tử hình, như nhà ngụ ngôn La Fontaine, Pháp đã nói: “Lý kẻ mạnh bao giờ cũng đúng! (La raison du plus fort est toujour la meilleur).

Dân Đồng Tâm đã khẳng định ý đồ của quyền lực là muốn chiếm đất Đồng Tâm vì nó đã được chính quyền huyện Mỹ Đức bán cho tập đoàn Viettel, nên bằng mọi giá chính quyền phải thâu tóm mảnh đất này, thời gian lấy đất chỉ là chóng hay chầy mà thôi.

Ngày 31 Tháng Mười Hai, 2019, lực lượng của Bộ Quốc Phòng triển khai xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn, không có sự ngăn cản, chống đối mà chỉ nghe “tuyên bố sẵn sàng đổ máu để giữ đất, chuẩn bị lựu đạn, bom xăng, vũ khí tự chế, đe dọa cho nổ cây xăng Miếu Môn, đốt nhà chủ tịch xã chống đối việc xây tường bảo vệ khu vực sân bay Miếu Môn.” Đây chỉ là tin tình báo, nghĩa là ngày bộ đội bắt đầu vào xây tường rào, chưa thấy dân Đồng Tâm manh động ra mặt tấn công.

Nhưng vì sao vào đêm ngày 9 Tháng Giêng, vào lúc 3 giờ sáng, lực lượng công an lại bao vây, tấn công vào nhà ông Lê Đình Kình, mà công an coi như là bộ chỉ huy đầu não của một cuộc bạo loạn sắp nổ ra. Không một công an nào trong lực lượng đột kích bị thương hay chết vì lựu đạn hay gươm giáo của dân làng, mà theo thông cáo chính thức, chỉ có ba sĩ quan, trong đó có một cấp tá, bị rơi xuống hầm ga, sâu 4 mét gần nhà ông Lê Đình Kình, trong khi gia đình ông Kình có hai người chết vì súng đạn của lực lượng chính phủ.

Theo nguyên tắc ba sĩ quan công an này chỉ được xem là chết vì tai nạn “trong khi thi hành” công vụ, thường là được cấp tiền tử tuất 12 tháng lương. Nhưng trong trường hợp này, những người chết về phía công an được “thần thánh hóa” thành những anh hùng, “chết vì dân, xã thân vì nước,” được phong liệt sĩ, truy thăng một cấp bậc, được ân thưởng Huân Chương Chiến Công Hạng I, và long trọng hơn nữa “quốc táng!” Lễ tang và truy điệu ba công an đã được tổ chức theo nghi thức trọng thể vào sáng 16 Tháng Giêng tại Nhà Tang Lễ Quốc Gia-Hà Nội, nơi đã quàng xác Võ Nguyên Giáp và Trần Đại Quang, với sự có mặt viếng tang của các giới cao cấp của đảng và chính phủ!

Trong quá khứ, quân đội bỏ mình trong trận chiến biên giới Việt-Trung, lính hải quân chết tức tưởi ở Gạc-Ma chưa hề được vinh dự truy tặng, tôn vinh lên bậc Thánh như ba vị công an “sa chân” ở Đồng Tâm. Năm nào lễ tưởng niệm 64 công binh hải quân Việt Nam hy sinh tại đảo Gạc Ma đều bị chính quyền quấy phá một cách hạ tiện, bằng cách cho người đến ca hát, múa nhảy xen lẫn trong buổi lễ.

Phải chăng trong giai đoạn này, kẻ thù phải nhắm bắn là quần chúng nên phải đề cao ngành công an, còn quân đội chống ngoại xâm cần được ngủ yên trên tấm giường nệm “hữu hảo!”

Nên nhớ theo định nghĩa công an nhân dân Việt Nam là một lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng Cộng Sản Việt Nam (sau đó mới đến nhà nước CXHCNVN), và công an nhân dân Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng Sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch Nước. Nói chung công an là công cụ bạo lực giúp giai cấp thống trị bảo vệ quyền lợi của mình từ bên trong, khác với quân đội là bảo vệ từ bên ngoài, nên danh nghĩa “chết vì dân, xã thân vì nước,” chỉ là lời tâng bốc dối trá. Tướng Công An Tô Lâm đã không ngần ngại tô son, trát phấn cho thuộc hạ, cho rằng, đây là “sự dũng cảm, không quản ngại hy sinh, quyết tâm bảo vệ kỷ cương, phép nước và sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân của các liệt sỹ là tấm gương sáng về tinh thần ‘vì nước quên thân, vì dân phục vụ’ để tô thắm thêm truyền thống anh hùng vẻ vang của lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam!”

Đó là phía những anh hùng “giữ nước,” còn về phía những anh hùng “giữ đất” thì sao?

Nếu những công an chết được xem như “vị quốc vong thân,” thì cụ Lê Đình Kình được xem như là một người phản quốc, sau khi bị bắn chết, ngày đám tang cử hành, người Đồng Tâm bị cô lập, không ai có thể đến để chia buồn với gia đình Cụ.

Điều này nhắc cho chúng ta nhớ lại trong ngày tang lễ của ông Lê Hiếu Đằng, công an đã gỡ những lời chúc tụng trên vòng hoa và khi ban tổ chức đặt những băng-rôn khác thay thế thì đã bị cướp giật thô bạo ngay tại chỗ, không khác gì những điều đã xẩy ra trong tang lễ của Tướng Trần Độ trước đây.

Hèn hạ hơn nữa là sau khi cụ Lê Đình Kình mất, một số nhà hoạt động xã hội dân sự đã loan báo rộng rãi sẽ tiếp nhận tiền phúng điếu, giúp đỡ gia đình ông Kình, cũng như các nhạn nhân Đồng Tâm hôm 9 Tháng Giêng, 2020, qua trương mục “5K.” của bà Nguyễn Thúy Hạnh ở Ngân Hàng Vietcombank. Số tiền này do những blogger, Facebooker đóng góp tính đến hôm 17 Tháng Giêng, 2020 là 528,453,669 đồng ($22,757). Trong ngày này, bà Nguyễn Thúy Hạnh đến ngân hàng rút số tiền này để chuyển cho gia đình nạn nhân, thì được thông báo tài khoản của bà đã bị chính phủ phong tỏa.

Chúng ta không biết phải dùng chữ nghĩa nào để mô tả chuyện phi pháp và bần tiện của cái tập thể côn đồ này.

Không phải từ kẻ thù mà từ ngay Dương Đức Hoàng Quân, một người công an đã thiệt mạng đêm 9 Tháng Giêng tại Đồng Tâm cũng đã viết trên Facebook của mình, những dòng cuối cùng như một điềm báo, và lòng hối hận: “Chiến tranh bảo vệ tổ quốc không đáng sợ. Nhưng đáng sợ là máu đổ chính vì người dân mình.” Sinh thời, Lê Đức Anh khi làm bộ trưởng Quốc Phòng đã trả lời phỏng vấn của báo chí: “Cưỡng chế đã sai mà dùng quân đội cưỡng chế lại càng sai hơn!”

Nguyễn Xuân Phúc cũng đã từng lưu ý cán bộ chức quyền: “Không được coi thường những đốm lửa nhỏ, nhiều đốm lửa nhỏ sẽ bùng lên thành đống lửa lớn…” Theo báo cáo của Ban Dân vận trung ương, năm 2019 có hơn 478,000 lượt công dân đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (tăng 4.3% so với năm 2018.) Trong này có bao nhiêu phần trăm liên quan đến những vụ cướp đất!

Những đốm lửa nhỏ sẽ thành đống lửa lớn (như những vụ cháy rừng)!

Góp gió sẽ thành bão!

Cũng có ngày chính quyền CSVN sẽ biết sợ, đó là ngày “Bão nổi…!” (Huy Phương)

Vladimir Putin: ‘Không có ý duy trì truyền thống lãnh tụ trọn đời ở Nga’

MOSCOW, Nga (NV) – Tổng Thống Nga Vladimir Putin hôm Thứ Bảy, 18 Tháng Giêng, nói rằng ông không muốn Nga trở lại truyền thống có từ thời Liên Xô là có các nhà lãnh đạo trọn đời, chết khi đang cầm quyền mà không có một chiến lược thay thế nhân sự rõ ràng.

Theo hãng thông tấn Reuters, lời phát biểu này của Putin được đưa ra trong bài diễn văn đọc trước các cựu chiến binh thời Đệ Nhị Thế Chiến tại St. Petersburg, chỉ ít ngày sau khi ông công bố việc thay đổi hệ thống chính trị ở Nga, khiến Thủ Tướng Dmitry Medvedev phải từ chức cùng với nội các của ông này.

Tổng Thống Putin, trong một quyết định bất ngờ, đã chọn Mikhail Mishustin, người đứng đầu cơ quan thuế vụ nhà nước, nhưng được ít người biết đến, làm tân thủ tướng. Người dân Nga nay đang chờ đợi việc ai đi ai ở trong số các bộ trưởng hiện nay.

Các thay đổi do Putin đưa ra, vốn gồm cả việc sửa đổi hiến pháp để thành lập một trung tâm quyền lực bên ngoài vòng kiểm soát của tổng thống, được coi là biện pháp dọn đường để tổng thống 67 tuổi này tiếp tục lãnh đạo nước Nga, khi ông rời khỏi chức vụ tổng thống năm 2024.

Trong bài phát biểu hôm Thứ Bảy, Putin, người đã giữ chức tổng thống trong 4 nhiệm kỳ, nói rằng ông muốn giới hạn thời gian phục vụ của các tổng thống Nga tương lai chỉ ở 2 nhiệm kỳ, bác bỏ ý tưởng sẽ có một tổng thống Nga cầm quyền trọn đời.

Các phát biểu mới nhất của Putin có vẻ khẳng định rằng ông ta sẽ rời khỏi chức vụ tổng thống vào năm 2024, theo như quy định của hiến pháp hiện hành.

Tuy nhiên điều này sẽ không làm hài lòng những người chỉ trích ông, vốn cho rằng ông sẽ tìm cách để giữ chặt quyền hành, dù là ở sau hậu trường, trong một vai trò khác. (V.Giang)

Chùa Bát Nhã và buổi chiều tất niên trong tinh thần bảo tồn văn hóa Việt

SANTA ANA, California (NV) – Chiều Thứ Bảy, 18 Tháng Giêng, nhiều đồng hương, Phật tử và gia đình cùng các em nhỏ quy tụ về chùa Bát Nhã ở Santa Ana dự tất niên, chuẩn bị đón Tết Canh Tý với nhiều tiết mục vui tươi hấp dẫn.

Tràn ngập khuôn viên chùa là một không khí rộn ràng Xuân mới với các gian hàng quà Tết, bên hông chùa là khu chụp ảnh lưu niệm mừng năm mới với cảnh chùa Một Cột thu nhỏ, và mái cổng tam quan chùa cổ kính được các gia đình có em nhỏ thích nhất.

Nơi đây cũng diễn ra một chương trình Tết dành cho thiếu nhi với các màn văn nghệ, biểu diễn võ thuật của Võ Đường Bình Định. Đặc biệt là cuộc thi em mặc quốc phục đẹp, thi viết chữ đố vui để học, vẽ mặt, và mọi người được mời bữa cơm chay thân mật.

Các em dự thi vẽ mặt trong buổi lễ Tất Niên chùa Bát Nhã. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Hòa Thượng Thích Nguyên Trí, viện chủ chùa Bát Nhã, trong lời khai mạc buổi lễ Tất Niên cũng gửi lời chúc Tết đến mọi Phật tử năm mới an lạc, nhất là các ông bà nấu nướng ở nhà bếp, và các cụ dù tuổi cao vẫn cố gắng làm những vật thực ở nhà mang tới cúng dường. Hòa Thượng cũng dạy rằng người Phật tử đến chùa dùng tâm hỉ xã để sống với nhau để tiến tới an lạc giải thoát, càng già càng nên cố gắng tu nhiều hơn.

Hòa Thượng cho biết thêm, “Đến nay dù đã qua 4 năm, nhưng tâm nguyện xây dựng tăng xá làm nơi ở cho chư tăng tại địa điểm mới vẫn chưa thành tựu, phải thuê lại địa điểm chùa cũ để tăng ni có nơi trú ngụ. Hàng ngày quý thầy, quý sư cô phải di chuyển giữa hai nơi để ở và hướng dẫn Phật tử tu học. Nay hội đủ nhân duyên, chùa Bát Nhã sẽ trang nghiêm tổ chức lễ động thổ, khởi công xây dựng tăng xá vào lúc 11 giờ sáng, Chủ Nhật, 16 Tháng Hai, 2020, tại địa điểm chùa mới ở 4717 W. 1st., Santa Ana, CA 92703, và buổi tiệc chay văn nghệ gây quỹ xây dựng tăng xá sẽ tổ chức lúc 5 giờ chiều Chủ Nhật, 15 Tháng Ba, 2020 tại Diamond Seafood Palace 3, 6731 Westminster Blvd, #122, Wesstminster, CA 92683.”

Hòa Thượng Thích Nguyên Trí, viện chủ chùa Bát Nhã ban đạo từ trong buổi Lễ Tất Niên tại chùa. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ni sư Như Thuận phụ trách gian hàng bánh chuối chiên để đãi Phật tử, cho hay, “Theo truyền thống từ lâu, hồi chùa Bát Nhã còn ở địa chỉ cũ, tôi tự tay nhồi bột và chiên bánh tiêu để đãi Phật tử ngày Tết, có năm chiên hàng ngàn cái bánh mỗi ngày. Bây giờ tuổi lớn rồi làm không nổi nữa, chỉ còn chiên chuối thôi.”

“Chiên bánh cũng là một nhân duyên, Phật tử đến chùa thấy mình chiên bánh và chỉ dẫn họ làm, giúp được hưởng phước do họ làm ra. Nhân đây Hòa Thượng Bát Nhã lớn tuổi, sức khỏe không còn mạnh như xưa, nếu Phật tử và các vị mạnh thường quân nào có thương thầy thì về giúp mỗi người một chút, về công sức, tịnh vật và cả tịnh tài nữa, theo lời Phật dạy ‘Cúng dường chúng sanh cũng chính là cúng dường chư Phật.’ Tôi cũng thường đi qua nhiều chùa khác để làm Phật sự, nhưng chùa Bát Nhã luôn là nơi tôi về thường xuyên, chính vì tình cảm dành cho sư phụ Bát Nhã là người luôn sống với tình nghĩa và đạo tâm,” ni sư chia sẻ.

Từ trái: Đại Đức Quảng Hiếu, em Vincent Nguyễn, giải nhất cuộc thi “Quốc Phục Đẹp”, hai em còn lại thuộc giải nhì và ba. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Thầy Nguyễn Đăng Khoa, phụ trách võ đường Bình Định của Trung Tâm Huấn Luyện Võ Cổ Truyền Việt Nam Nam California, bày tỏ, “Người Việt chúng ta ra đi luôn mang theo quê hương, trong những lễ Tết cổ truyền, những ngôi chùa hay nhà thờ đều có tổ chức lễ Tết văn hóa cổ truyền. Chúng tôi cũng xin góp một bàn tay, các em trong võ đường hàng năm đều góp sức vào việc bảo tồn và phát huy văn hóa Việt ở xứ người, qua các màn biểu diễn.”

Cô Phương Mai, một huynh trưởng Gia Đình Phật tử chùa Bát Nhã, cũng là một trong 3 vị giám khảo cuộc thi dành cho thiếu nhi “Em mặc quốc phục đẹp,” gửi lời cám ơn đến các phụ huynh vì “đã thường xuyên đưa con em đến sinh hoạt tại chùa Bát Nhã, giúp các em tiếp tục giữ gìn các truyền thống văn hóa tốt đẹp của nguời Việt, nhất là những văn hóa ngày Tết cổ truyền Việt Nam.”

Toàn thể các em thiếu nhi trong giải “Quốc Phục Đẹp” trong ngày Lễ Tất Niên chùa Bát Nhã. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Cuộc thi ‘Em Mặc Quốc Phục Đẹp’ hôm nay cũng là dịp để các em học thêm được một nét văn hóa của người Việt, đó là văn hóa ngày Tết cần phải được gìn giữ cho các thế hệ sau tiếp nối, giúp các em biết được quốc phục của mình là áo dài, là quốc hồn quốc túy của người Việt Nam,” cô Phương Mai nói thêm.

Ông Tâm Hòa Lê Quang Dật, niên trưởng Gia Đình Phật tử Quảng Đức, miền Tây Nam Hoa Kỳ, cho hay: “Là Phật tử, bất cứ chùa nào tôi cũng đến, đặc biệt là chùa Bát Nhã đây, cũng là văn phòng trung ương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ. Nhân dịp ngày Tất Niên, hôm nay chúng tôi đến tham dự chúc khánh thọ đến quý ôn, sau là kính chúc quý đạo hữu Đạo Tràng Bát Nhã một mùa Xuân được vạn sự cát tường, nhất là các em Gia Đình Phật Tử Bát Nhã chân cứng đá mềm, tinh tấn tu học để phục vụ chúng sanh nhiều hơn nữa.”

Càng về trưa không khí càng sôi nổi hào hứng hơn nữa, với cuộc thi “Em Mặc Quốc Phục Đẹp,” gồm  21 thí sinh từ 2 tuổi cho đến 11 tuổi. Mỗi em đều có một phong cách chững chạc, tự tin khi bước lên sân khấu.

Có những em nói tiếng Việt rất lưu loát, trả lời các câu hỏi của ban giám khảo rõ ràng mạch lạc, nhưng cũng có những em hơi khớp vì lần đầu tiên lên sân khấu. Hơn năm mươi phần trăm các thí sinh đều nghe, hiểu và trả lời được bằng tiếng Việt.

Số còn lại nghe nói trả lời cũng rất giỏi, đa số đều do ông bà, cha mẹ dạy và cùng nhau nói tiếng Việt thường xuyên ở nhà.

Cuộc thi đến hồi gay cấn khi có những câu trả lời rất dễ thương, hồn nhiên khi ban giám khảo hỏi tuổi, và mọi người được trận cười thoải mái khi nghe một em giải thích vì thầy giáo ở chùa không có dạy đếm số bằng tiếng Việt, nên cô hỏi tuổi bằng tiếng Việt, em lại trả lời bằng tiếng Mỹ, hoặc có em cho biết hoa mai hoa đào là loài hoa đặc biệt ngày Tết ở Việt Nam, hoặc năm sắp tới là năm con Chuột, và loại bánh đặc biệt ngày Tết Việt Nam là bánh tét bánh chưng.

Kết quả là thí sinh mang số 11, tên Vincent Nguyễn, đạt giải nhất, với câu trả lời hay nhất là “Em rất vui khi được trúng giải nhất, xin cảm ơn ban giám khảo và mọi người đã chọn em. Kính chúc ông bà cô bác sống lâu trăm tuổi.” Em Vincent Nguyễn cho biết thêm em là học sinh Việt ngữ đã 4 năm trường ở Nguyễn Bá Tòng, thuộc nhà thờ Saint Barbara.

Buổi lễ Tất Niên chùa Bát Nhã kéo dài đến hơn 4 giờ chiều, với nhiều màn sôi nổi, mọi người đều hoan hỉ chúc nhau điều tốt lành năm mới, ngồi lại chung vui với buổi tiệc chay thân mật do bếp chùa khoản đãi. (Văn Lan)

Taliban sẽ ký thỏa thuận với Washington để quân đội triệt thoái khỏi Afghanistan

Điểm tin trong ngày 19/01/2020:
-Trung Quốc sẽ ‘gia tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ’
-Taliban có thể sẽ ký thỏa thuận với Washington để quân đội triệt thoái khỏi Afghanistan
-Ông Nguyễn Thiện Nhân lại ‘mất điểm’ vì màn ‘quét rác’ để chụp hình đăng báo
-Dân mạng góp hơn $20,000 giúp đỡ dân Đồng Tâm chỉ sau một ngày kêu gọi

Bị chỉ trích vụ bể kiếng chống đạn ‘Cybertruck,’ Tesla tung áo thun đáp trả

PALO ALTO, California (NV) – Hãng sản xuất xe hơi điện Mỹ Tesla tỏ ra không hề e ngại hay mắc cỡ sau khi phải nhận những chỉ trích và chê cười từ những người chứng kiến khoảnh khắc chiếc “pickup truck” điện của Tesla bị đập bể kiếng chống đạn trong buổi lễ ra mắt tại Los Angeles.

Trang tin chuyên về kỹ thuật TechCrunch vào ngày 14 Tháng Giêng cho biết Tesla bán ra thị trường kiểu áo thun để “kỷ niệm” khoảnh khắc “đáng nhớ” đó.

Khi ra mắt kiểu xe “pickup truck” chống đạn Cybertruck vào cuối năm ngoái, Giám Đốc Điều Hành của Tesla Elon Musk đã mời lãnh đạo thiết kế của Tesla Franz von Holzhausen lên sân khấu để dùng búa và một quả tạ để thử độ cứng và bền của thân xe cũng như kiếng chống đạn.

Thân xe Tesla khi đó chịu được lực đập mạnh của búa mà không để lại các dấu vết rõ ràng trong khi kiếng chống đạn bị bể nứt khi bị quả tạ ném trúng.

Công ty Tesla sau đó giải thích rằng vì bị ảnh hưởng từ cú đập của búa trước đó nên cấu trúc của kiếng chống đạn bị suy yếu, dẫn đến bị bể nứt sau cú va chạm với quả tạ.

Trục trặc xảy ra với kiếng chống đạn Cybertruck khi Giám Đốc Điều Hành của Tesla Elon Musk đang đứng giới thiệu xe trên sân khấu bị cho là ngoài ý muốn của Tesla. (Hình minh họa: Getty Images)

Kiểu áo thun vừa được Tesla tung ra thị trường có giá bán lẻ là $45. Mặt trước của áo cho thấy hình kiếng chống đạn của chiếc Cybertruck bị nứt bể. Mặt sau của áo thun là logo của kiểu xe pickup truck điện của Tesla.

TechCrunch cho hay khi họ lên trang mạng của Tesla để tìm mua kiểu áo thun này thì họ chưa thể mua được. Không biết có phải vì cái áo quá “hot” nên đã được bán hết một cách nhanh chóng hay không? (C. Thành)

Vietcombank bị tẩy chay vì phong tỏa tiền phúng điếu ông Lê Đình Kình

Điểm tin buổi sáng 19/01/2020:
-Bão mùa Đông di chuyển từ khu vực Trung Tây đến Đông Bắc Hoa Kỳ, gây ảnh hưởng đến hàng triệu người
-Facebook xin lỗi về dịch tên của Chủ tịch Trung Quốc thành “Ông Hố phân”
-Hoàng tử Harry và công nương Meghan từ bỏ tước hiệu Hoàng gia Anh để sống độc lập
-Cộng đồng mạng kêu gọi tẩy chay Ngân Hàng Vietcombank vì phong tỏa tài khoản phúng điếu cụ Kình

Hàng cứu trợ chất đầy kho trong khi dân cần, giới chức Puerto Rico bị giải nhiệm

SAN JUAN, Puerto Rico (NV) – Thống đốc Puerto Rico hôm Thứ Bảy, 18 Tháng Giêng, đã ra lệnh giải nhiệm giám đốc cơ quan điều hành trường hợp khẩn cấp ở vùng lãnh thổ này, và cũng yêu cầu có cuộc điều tra về việc phân phối hàng cứu trợ, sau khi có đoạn video được phổ biến cho thấy một kho hàng chất đầy phẩm vật cứu trợ không dùng tới.

Theo bản tin của hãng thông tấn UPI, Thống Đốc Puerto Rico, bà Wanda Vázquez Garced, nói rằng “Có hàng ngàn người không quản ngại khó khăn, hy sinh thời giờ và tiền bạc để mang phẩm vật cứu trợ đến nơi này, và sự kiện các món hàng này được cất vào kho, không dùng tới, là điều không thể tha thứ.”

Qua trang mạng xã hội, bà Vázquez Garced cũng nói là đã yêu cầu có cuộc điều tra toàn diện về tình trạng này.

“Theo yêu cầu của tôi, giới hữu trách đã được lệnh phải điều tra các cáo buộc liên quan đến việc điều hành phẩm vật cứu trợ trong một kho hàng ở khu vực phía Nam” theo một bản post trên Twitter và Facebook.

“Cuộc điều tra phải hoàn tất và các dữ kiện phải được báo cáo, cùng các biện pháp đề nghị, trong vòng 48 giờ,” cũng theo Thống Đốc Vázquez Garced.

Một đoạn video khác, được đưa lên vào tối ngày Thứ Bảy, cho thấy dân chúng kéo đến tụ tập trước kho hàng khi được biết rằng phẩm vật cứu trợ chất đầy nơi đây.

Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Năm tuần qua tuyên bố Puerto Rico là vùng thiên tai sau khi xảy ra hàng chục vụ động đất, với vụ đầu tiên vào hôm 28 Tháng Mười Hai, gây tình trạng mất điện và nhiều thiệt hại vật chất trên đảo. (V.Giang)

Bí thư thành ủy Sài Gòn đi quét rác để chụp hình đăng báo

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 19 Tháng Giêng, nhiều Facebooker cười nhạo tấm ảnh ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư Thành Ủy ở Sài Gòn, được báo Sài Gòn Giải Phóng đăng tải với chú thích: “Bí Thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tham gia dọn rác tại quận 10.”

Người ta thấy rõ sự dàn dựng lộ liễu trong ảnh, vì ông Nhân mặc áo sơ mi màu xanh dài tay, đeo găng tay trắng và cầm chổi với tư thế “đang quét rác,” đứng cạnh vài thuộc cấp cũng đang cầm chổi cho thêm phần xôm tụ.

Tờ báo của Đảng Bộ thành phố đăng tấm ảnh kèm theo thông điệp của Bí Thư Nhân rằng ông muốn Sài Gòn phải trở thành “thành phố sạch nhất nước” và việc quét rác cũng nằm trong hoạt động “mừng 90 thành lập đảng CSVN.”

Tấm ảnh ông Nhân quét rác cũng khiến công luận nhớ lại hình ông Đinh La Thăng, cựu bí thư Thành Ủy ở Sài Gòn, “đi vớt bèo” cùng hàng trăm đoàn viên, trước sự chứng kiến của hàng chục phóng viên ảnh hồi Tháng Ba, 2016. Điều đáng nói là chỉ một năm sau khi tạo dựng hình ảnh “gần dân,” ông Thăng bị bắt, khởi tố và bị tuyên phạt tổng cộng 30 năm tù.

Ông Nguyễn Thiện Nhân (giữa, áo trắng), “đi thăm” người dân Thủ Thiêm hồi Tháng Bảy, 2018, cùng đội an ninh mặc thường phục. (Hình: Tuổi Trẻ)

Sau hơn hai năm ngồi ghế bí thư Thành Ủy, hình ảnh và uy tín của ông Nhân càng lúc càng xấu đi trong mắt công luận. Hiện tại, ông này không còn nhắc gì đến vụ dân oan Thủ Thiêm mất đất sau vài lần dẫn bầu đoàn thê tử cùng đội an ninh hùng hậu “đi thăm” dân oan Thủ Thiêm kèm theo lời hứa “thành phố không gạt bà con đâu.”

Trong khi người dân Sài Gòn đang bức xúc vì nhiều vấn đề thời sự như vụ Vườn Rau Lộc Hưng, tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên không hẹn ngày vận hành, việc chống ngập không hiệu quả…, các phát ngôn gần đây nhất của ông Nhân được các báo nhà nước trích dẫn chỉ xoay quanh chuyện “tại sao phụ nữ ở Sài Gòn đẻ ít,” “ai giải được ‘bài toán lười sinh con’ chắc đoạt giải Nobel”…

Về tấm ảnh ông Nhân quét rác, Facebooker Nguyễn Quang bình luận trên trang cá nhân: “Cái chúng ta thấy là gì? Kinh tế không lo, môi trường không lo, đi làm chuyện tào lao. Dân Thủ Thiêm đã chính thức 21 năm không có nhà, dù Nguyễn Thiện Nhân hứa trong năm 2019 sẽ giải quyết xong. ‘Đầu tàu kinh tế cả nước’ mà bị bọn này lèo lái thì chỉ có bán tàu thôi đồng bào ạ!”

Ngoài những lần phát ngôn bị công luận chỉ trích, đến nay, ông Nhân còn bị cộng đồng mạng nhắc lại món nợ “dời lư hương Trần Hưng Đạo” gây căm phẫn hồi Tháng Hai, 2019. Ông Nhân bị cho là người chỉ đạo việc dời lư hương đặt ở công trường Mê Linh từ trước năm 1975 để giới xã hội dân sự ở Sài Gòn không còn chỗ thắp hương, tưởng niệm các tử sĩ chống Trung Cộng. (N.H.K)

Diễu dở mất job

Nguyên Giáo Sư Asheen Phansey, 39 tuổi, dạy trường Babson College, Massachusetts, mất job dạy học chỉ vì cái tội mà ông tự nhận là “diễu dở”; ông diễu bằng cách viết một lá thư cho Tổng Thống Iran Ayatollah Khamenei, bảo ông này là nên làm một danh sách những di tích văn hóa và lịch sử trên đất Mỹ để thả bom tấn công, trong giả thuyết chiến tranh xảy ra với Mỹ.

Phansey nhận có viết là thư, nhưng không trực tiếp gửi cho ông Khamenei, mà chỉ post nó lên Facebook hôm mùng 5 Tháng Giêng 2020, mục đích nói với thân hữu và độc giả quan niệm của ông ta là không được oanh tạc, tàn phá những di tích lịch sử, dù có chiến tranh.

Trong lá thư trên Facebook, ông đề nghị 2 địa điểm để thả bom là biệt thự của cô nữ diễn viên truyền hình Kardashian và thương xá Mall of America, một khu thương mại nằm ngoài ngoại ô thành phố Twin Cities, Minnesota.

Hai ngày sau ông Asheen Phansey gỡ lá thư viết trên mạng xuống, và xin lỗi độc giả vì lá thư thiếu chín chắn; nhưng một độc giả vẫn thắc mắc, viết email chất vấn trường Babson College, “Lý do nào khiến Babson College chứa chấp và trả lương cho một tên ‘ủng hộ khủng bố’; không biết tên đó là ai, thì cứ hỏi thẳng ban giám đốc Babson.”

Chỉ có ngần đó thôi cũng đủ để ông Phansey bị sa thải.

Bà Judy Rakowsky, phát ngôn viên của Phansey giải thích là Phansey muốn nêu lên việc Tổng Thống Trump đe dọa người Iran là nếu họ trả thù việc drone Mỹ bắn chết Tướng Qassim Suleimani, bằng cách sát hại một tướng lãnh Mỹ, thì ông sẽ oanh tạc tan nát lãnh thổ Iran, kể cả những khu di tích văn hóa và lịch sử.

Có thể ông Trump chỉ nói chơi cho người Iran sợ không dám trả thù; vì sau đó vài hôm ông đã để bộ trưởng Quốc Phòng đính chính là Mỹ sẽ không làm như vậy, vì không muốn vi phạm luật lệ chiến tranh ấn định việc tôn trọng những di tích văn hóa và lịch sử.

Phansey đậu thạc sĩ ngành quản trị thương mại tại đại học Babson College năm 2008, và được trường giữ lại giảng dạy những lớp sau; trường đại học này nằm trong thị trấn Wellesley, tiểu bang Massachusetts, gần Boston. Sĩ số sinh viên của trường khoảng 3,000.

Nguyên văn bức điện thư tai hại, Phansey viết:

(Dịch) Để trả đũa, ông Ayatollah Khomenei cần viết tweet nêu lên 52 mục tiêu loại di sản văn hóa mà người Mỹ yêu thích, để thả bom.

Phansey trả lời cái tweet của chính Tổng Thống Trump; ông viết, “... hundreds of Iranian protesters. He was already attacking our Embassy, and preparing for additional hits in other locations. Iran has been nothing but problems for many years. Let this serve as a WARNING that if Iran strikes any Americans, or American assets, we have…”

Donald J. Trump

@realDonaldTrump

….targeted 52 Iranian sites (representing the 52 American hostages taken by Iran many years ago), some at a very high level & important to Iran & the Iranian culture, and those targets, and Iran itself, WILL BE HIT VERY FAST AND VERY HARD. The USA wants no more threats!

4:52 PM -Jan 4, 2020

(Dịch) … vài trăm người biểu tình tấn công tòa đại sứ của chúng ta, và đang chuẩn bị tấn công nhiều vị trí khác nữa. Trong nhiều năm dài, Iran đã gây rối cho chúng ta. Lá thư này cảnh cáo họ là nếu họ tấn công bất cứ người Mỹ nào, hoặc bất cứ tài sản nào của Mỹ, là chúng ta sẽ tấn công 52 địa điểm, những địa điểm mà Iran quý trọng, những di tích văn hóa của họ. Con số 52 là số con tin người Mỹ bị họ bắt giữ trước đây.”

Tổng Thống Trump bảo phóng viên truyền thông, “Họ được quyền giết người Mỹ, hành hạ và tra tấn người Mỹ; họ được quyền gài bom trên trục lộ giao thông để giết người Mỹ. Vậy mà chúng ta không có quyền đụng chạm tới những thắng cảnh lịch sử và văn hóa của họ. Và chúng ta chấp nhận cái tương quan đó?”

Sau 2 ngày post lên mạng “lá thư điện tử” Phansey gỡ xuống; ông nói với truyền thông địa phương là trò đùa của ông vô duyên, và xin lỗi độc giả. Tuy nhiên ông khẳng định là ông không cổ võ bạo lực, mà chỉ muốn nêu lên tính phạm pháp của hành động tàn phá di sản văn hóa, mà ông Trump đe là ông ta sẽ làm.

Trường Babson College sa thải ông về tội cổ động bạo lực, cổ động việc Iran oanh tạc Hoa Kỳ. Đọc kỹ lá thư viết trên mạng, ai cũng thấy rõ là Phansey chỉ dụng ý chỉ trích tổng thống, và đó sẽ là quan điểm của tòa án, nếu nội vụ ra tòa.

Hơn nữa chỉ trích tổng thống là điều không tờ báo nào xuất bản tại Mỹ không phạm vào, phạm nhiều lần, không chỉ trong phần bình luận, mà cả trong phần thông tin nữa. Tình trạng đó khiến tòa có thể xử Phansey thắng và được Babson College bồi thường.

Giải pháp đẹp cho cả 3 bên (bên Phansey, bên Babson College, và bên Trump) là Trump viết một cái tweet nói lên quan điểm của ông chấp nhận quyền của quần chúng chỉ trích ông, vì ông là “một trong nhiều khuôn mặt công cộng” của xã hội Mỹ, (public figures), do đó phải chấp nhận chỉ trích.

Cái tweet đó sẽ đem lại cho ông hàng triệu phiếu trong cuộc tranh cử cuối năm nay, vì nó giúp ông nói lên tinh thần dân chủ mà quần chúng không nghĩ là ông có.

Phần Phansey cũng thoải mái, vì được trở lại job “godautre,” và trường Babson College tránh được vài triệu mỹ kim phí tổn vì kiện tụng.

Đừng “đáo tụng đình” vì con đường đó chưa làm ai vui. (Nguyễn Đạt Thịnh)

Toyota Mirai thế hệ mới: Kiểu dáng hấp dẫn, bảo vệ môi trường

TOKYO, Nhật Bản (NV) – Hãng sản xuất xe hơi Nhật Bản Toyota sẽ sản xuất kiểu xe Mirai thế hệ mới mà không có nhiều khác biệt so với Toyota Mirai “concept.”

Trang tin CNET thuộc CBS có trụ sở ở San Francisco cho biết Toyota Europe vào ngày 14 Tháng Giêng công bố những hình ảnh chính thức của kiểu xe này.

Toyota Mirai là kiểu xe chạy bằng nhiên liệu “hydrogen” hay còn gọi là “fuel cell vehicle” (FCV). Khi hoạt động, Mirai chỉ thải ra nước (H2O) và không khí ấm thay vì những loại khí thải độc hại như các kiểu xe chạy bằng xăng.

“Hydrogen” là loại nhiên liệu có giá thành khá đắt, trung bình khoảng $13.99 một kg. Đây là loại nhiên liệu thường được sử dụng cho hỏa tiễn.

CNET dẫn nguồn tin từ Toyota cho hay với một bình đầy hydrogen, Toyota Mirai thế hệ thứ 2 đời 2021 có thể chạy được 405 dặm.

Khác với thế hệ thứ nhất, Toyota Mirai thế hệ thứ 2 được thiết kế theo hướng muốn hấp dẫn khách hàng. (Hình: Getty Images)
Toyota Mirai thế hệ thứ nhất được cho là có phần thiên về thử nghiệm khoa học của Toyota (Hình minh họa: Getty Images)
Toyota Mirai thế hệ thứ nhất nhìn từ phía sau. (Hình: Getty Images)

Về mặt thiết kế, kiểu xe này gây chú ý với lưới cản gió bự ở phía trước. Đây cũng là phần gây nhiều “tranh cãi” với các ý kiến trái chiều giữa những người thích và không thích lưới cản gió của Toyota Mirai thế hệ thứ 2.

Bên trong xe có một màn hình lớn ở phía trước tài xế và một màn hình theo kiểu “tablet” 12.3 inch.

Khác với thế hệ thứ nhất dường như chỉ là một thử nghiệm mang tính khoa học nhiều hơn của hãng xe Nhật Bản, Toyota Mirai thế hệ thứ 2 được thiết kế theo hướng hấp dẫn khách hàng để chinh phục thị trường, theo CNET.

Toyota Mirai thế hệ thứ 2 đời 2021 sẽ ra mắt tại Bắc Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản cuối năm 2020. (C. Thành)

Big Ben, Bong và Brexit

Có lẽ ngay đến cả người Anh cũng phải rối trí khi được hỏi khi nào thì Liên Hiệp Vương Quốc chính thức rời khỏi Liên Hiệp Âu Châu. Thực ra, trên nguyên tắc, Liên Hiệp Vương Quốc sẽ chia tay với Liên Hiệp Âu Châu vào ngày 31 Tháng Giêng này. Khổ một nỗi cái ngày đó không có ý nghĩa gì cả vì cho đến ngày 31 Tháng Mười Hai năm 2020, trên mọi hình thức cũng như thực tế, Liên Hiệp Vương Quốc vẫn còn dính chặt vào với Âu Châu.

Và khi vào cuối tháng này, Anh Quốc, cái tên mà người Việt chúng ta thường quen gọi nước Anh, mà thực sự chỉ là phiên âm của chữ England, một phần trong bốn vương quốc kết hợp thành Liên Hiệp Vương Quốc, chính thức rời Liên Hiệp Âu Châu, công việc khó khăn điều đình một liên hệ mậu dịch với thị trường lớn nhất của mình cũng như lục địa to lớn mình sống cạnh, thay đổi các luật lệ về di dân mà phe Brexit đã mơ ước, và làm lại liên hệ với các đối tác toàn cầu như Hoa Kỳ chẳng hạn. Đó chỉ là một danh sách sơ khởi của những gì cần phải thực hiện.

Nhưng những chuyện quan trọng đó đã bị gác sang một bên trong khi điều đang làm bận tâm những ủng hộ viên cho Brexit là liệu vào giây phút ra đi đó, tiếng chuông đồng hồ Big Ben có điểm giờ hay không?

Điều bất tiện là vì cái đồng hồ nổi tiếng nhất nước hiện đang được sửa chữa. Sau mấy trăm năm, đã đến lúc phải đại tu sửa nếu không thì có ngày nó không còn rung chuông được nữa. Cũng như tòa lâu đài Westminster vốn là trụ sở Quốc Hội Anh, mọi sự đang rất cần phải đóng cửa để bảo trì nếu không thì tòa nhà quốc hội lâu đời này sắp sụp xuống sông Thames mất. Nhưng điều đó không làm cản trở cho một chương trình ồn ào đòi mang nó hoạt động trở lại chỉ để đánh dấu giây phút ngắn ngủi của lịch sử mà có khá nhiều người Anh muốn quên.

“Big Ben Must Bong for Brexit,” tờ báo lá cải The Daily Express la lớn trên trang nhất, đè lên một tấm hình đồng hồ không có những giàn giáo và các ông thợ leo trèo khắp nơi đang che kín nó. Nhưng vấn đề là tiền đâu, vì muốn Big Ben Bong thì phải chi ra 500,000£ (cỡ $650,000).

Hôm Thứ Ba tuần trước, trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC, Thủ Tướng Boris Johnson đã đề nghị là chi phí tái dựng tạm đồng hồ để nó có thể rung vào đêm hôm đó có thể đạt được qua gây quỹ online. Nhưng văn phòng ông sau đó bẽn lẽn công nhận là không có cách chính thức nào cho công chúng đóng góp.

“Boris’ bonkers ‘bung a bob for Big Ben Brexit bongs’ bid bombs,” là lời phê bình chế nhạo của một tờ báo lá cải khác. The Daily Mirror, vốn dĩ nhiên không ủng hộ Brexit. (Xin tạm dịch để cho quý vị độc giả khỏi thắc mắc: Điên cuồng của Boris cho đề nghị ‘nộp một đồng cho Brexit bong của Big Ben’ đã bị chìm xuồng).

Trong khi đó, những tay Brexit điên cuồng tức giận lầm bầm là có một âm mưu chống lại họ và đề nghị các chuông nhà thờ reo thay. Hội Ðồng Trung Ương Những Người Rung Chuông Nhà Thờ đã bày tỏ nghi ngờ. Vâng, chuông nhà thờ thì phải có người rung chứ không tự động bởi nhà thờ ở Anh cả trăm năm, chuông vẫn là chuông cổ, không có chuông điện.

Cuộc tranh luận này đã cho thấy rõ sự vụng về đáng ngạc nhiên của chính phủ về cách nào để đánh dấu việc chấm dứt 47 năm liên kết với Âu Châu, một tham vọng đã đưa ông Johnson lên nắm quyền nhưng vẫn tiếp tục chia rẽ đất nước.

Cũng phải thêm là tuy ông Johnson đã thắng một cách đáng kể một đa số trong quốc hội trong cuộc bầu cử hôm tháng rồi, ông đã đạt được điều đó bằng một chiến lược khôn ngoan đoàn kết phe ủng hộ Brexit theo một cách bảo đảm chiến thắng theo lối bỏ phiếu kẻ thắng ăn cả của hệ thống bầu cử của Anh.

Thực sự, đa số cử tri ủng hộ những đảng muốn hoặc là một cuộc trưng cầu dân ý mới về Brexit hay bỏ Brexit luôn cho rồi. Họ chỉ không đồng ý nổi cùng một đối thủ nên ông Johnson mới thắng.

Trong nhiều ngày qua, số 10 đường Downing đã tìm cách chần chờ khi được hỏi chuyện gì sẽ xảy ra khi Anh Quốc chính thức rời khỏi khối, không phải vào nửa đêm ngày 31 Tháng Giêng mà vào lúc 11 giờ tối. Thời gian đã bị áp đặt, như tất cả hầu hết những điều đình khác về Brexit cho đến nay, bởi Brussels, vốn có múi giờ khác múi giờ Luân Đôn.

Ông Johnson lại còn đang lo là giây phút đó sẽ bị đánh cắp bởi ông Nigel Farage, lãnh tụ đảng Brexit, bạn thân của Tổng Thống Donald Trump, vốn đang dự định tổ chức một cuộc ăn mừng bên ngoài tòa nhà Quốc Hội.

Nhưng ông cũng có vẻ còn không biết chọn một thái độ như thế nào về một vấn đề đã chia rẽ đất nước trong ba năm. Brexit nguyên thủy đáng lẽ xảy ra hôm Tháng Ba năm ngoái, và những chuẩn bị trước đã bị hủy bỏ, với ngay cả đồng tiền kỷ niệm cũng đã phải nấu chảy đúc lại khi Anh quốc đã bị buộc phải yêu cầu thêm hai lần gia hạn nữa.

Những người chỉ trích cái ý kiến cho Big Ben kêu nghĩ là nó chứng minh cho họ điều họ sợ nhất về Brexit: đó là nó bị thúc đẩy bởi hoài niệm của quá khứ và một sự mơ tưởng đến hào quang của một đế quốc Anh đã mất hơn nửa thế kỷ nay.

Một số những người ủng hộ Brexit quả là mong ước tái lập lại quá khứ. Họ đang đòi chính phủ quay trở lại thông hành màu xanh mà họ đã mang thời thập niên 1970. Ngày nay, Anh Quốc, cũng như các quốc gia Âu Châu khác, đã chọn màu nâu hạt dẻ. Có người còn vận động xây lại một du thuyền cho hoàng gia.

Dân biểu Neil Gray, thuộc đảng Scottish National Party, đảng chống kịch liệt Brexit, tweet “Ám ảnh với Big Ben kêu cho Brexit thực sự làm nổi bật sự nông cạn của chiến dịch Vote Leave. Big Ben kêu (nhờ tiền công chúng đóng góp), nhưng không có bảo đảm cho các công dân EU, không bảo đảm Erasmus…” Cũng xin mở ngoặc Erasmus là một chương trình học bổng xuyên EU dành cho các sinh viên trong liên hiệp đi học cũng như các học giả đi làm việc ở các quốc gia trong liên hiệp.

Hầu hết các nhà phân tích đều nói họ tin là lá phiếu cho Brexit năm 2016 là về cá tính và cảm tưởng mất chủ quyền hơn là kinh tế, dầu ông Johnson có hứa hẹn giàu có hơn xưa. Một cuộc nghiên cứu của Bloomberg Economics đã cho thấy chi phí cho Brexit đã lên đến 130 tỷ bảng Anh, và thêm 70 tỷ nữa dự trù cho đến cuối năm nay.

Và chính vì vậy biểu tượng quan trọng cho những người ủng hộ Brexit, và những ai muốn Big Ben kêu, lý luận là mặc dầu đang sửa chữa, cái chuông đã rung trong những dịp quan trọng, kể cả đón năm mới.

Vài chục dân biểu, kể cả ông Mark Francois, mỉa mai thay, lại là ông dân biểu chủ trương Brexit ồn ào nhất, đã ký một bức thư ngỏ đăng trên tờ The Telegraph, tờ báo bảo thủ ủng hộ Brexit, yêu cầu đừng để Big Ben im tiếng vào ngày 31 Tháng Giêng.

Họ viết “Chúng tôi tin là điều này sẽ làm đau lòng những người trên toàn nước Anh muốn chào đón giây phút quan trọng này.” Ông Farage cũng nhảy vào, nói là cho cuộc ăn mừng dự trù của ông bên ngoài Điện Westminster, ông có thể phải chơi một bản thu thanh tiếng bong. Ông Farage bảo với đài phát thanh LBC Radio là nếu Big Ben không kêu thì thật là một trò hề làm nhục đất nước.

Nhưng Hạ viện nói bộ máy của cái đồng hồ vốn thường điều khiển cái búa khổng lồ đánh vào cái Chuông Lớn, như Big Ben thường quen được gọi, đã bị gỡ xuống để sửa. (Cũng xin thêm Big Ben là cái nickname của Cái Chuông Lớn, dựng trên đỉnh cái tòa tháp mà chính thức được gọi là Tòa Tháp Elizabeth, chứa nguyên hệ thống đồng hồ này).

Để cho chuông có thể kêu, một cái sàn tạm phải được dựng lên, chi phí làm sàn tạm và đặt, thử Big Ben tạm sẽ tốn 120,000£. Thêm vào đó, nó sẽ làm trì hoãn việc sửa chữa thêm hai đến bốn tuần, mà chi phí trì hoãn mỗi tuần là 100,000£.

Vả lại chỉ có mấy người Brexit mới làm ồn lên chứ đối với đại đa số dân chúng, nhất là dân Luân Đôn vốn bỏ phiếu áp đảo chống Brexit, chuyện có gì mà làm ầm ĩ. Sau ngày 31 Tháng Giêng, Anh Quốc sẽ vẫn còn trong Liên Hiệp Âu Châu cho đến cuối năm cơ mà. Có lẽ vì vậy ông Boris Johnson cũng không muốn làm ồn.

Nhưng những người Brexit vẫn chưa chịu bỏ cuộc. Tuy có một vài hứa hẹn ồn  ào nhưng cho đến nay trên trang quyên góp chỉ mới có 425£. Trong khi đó, ông Francois bảo với đài ITV là nếu cần ông và các dân biểu ủng hộ Brexit, “sẽ leo lên và đánh vào nó để đỡ tốn tiền.” Văn phòng Quốc Hội chỉ ra là nếu ông muốn làm vậy cũng không được vì không có sàn nên chả có chỗ nào cho ông đứng để mà “đánh vào nó” cả. (Lê Phan)

3 mẹo nhỏ để tăng chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn

NEW YORK CITY, New York (NV) – Làm sao để đem lại một bữa ăn ngon miệng, lành mạnh, giàu chất dinh dưỡng cho các thành viên trong gia đình và cho chính bản thân luôn là mối quan tâm hàng đầu của các chị em nội trợ.

Dưới đây là ba mẹo nhỏ giúp tăng cường dưỡng chất mà ai cũng cần phải biết, để nấu ăn không chỉ ngon mà còn tốt cho sức khỏe, theo trang mạng MindBodyGreen.

1. Nấu với chất béo tốt

Một số người không biết rằng, một số loại dầu ăn chiết xuất từ hạt như dầu hạt mè, dầu hạnh nhân, dầu lanh, dầu óc chó hay dầu macadamia nên được dùng sau khi chế biến thức ăn hơn là dùng để nấu lâu như chiên hay xào.

Các chất béo không bão hòa trong các loại dầu này thường dễ bị oxy hóa khi tiếp xúc với nhiệt độ, sẽ biến thành các hợp chất có hại. Tuy nhiên, khi được dùng để làm thức ăn sau khi nấu, chẳng hạn như làm sốt, làm salad dressing thì lại cung cấp nhiều chất dinh dưỡng có lợi và chất béo lành mạnh, cũng như làm tăng hương vị món ăn.

Vậy thì những loại dầu nào thì dùng để nấu nhiệt độ cao? Đó chính là dầu bơ, dầu dừa, và ghee do có chất béo bão hòa ổn định.

2. Dùng lửa thấp và hầm lâu tốt hơn

Phương pháp nấu ăn ở nhiệt độ quá cao có thể gây ung thư và biến thịt phẩm chất cao thành món ăn không lành mạnh. Khi chất béo và protein tiếp xúc với nhiệt độ cao, phản ứng hóa học sẽ xảy ra dẫn đến việc tạo ra các hợp chất glycation, đẩy nhanh quá trình oxy hóa và viêm trong cơ thể. Bên cạnh đó, việc chế biến, nêm nếm thêm với đường khi nấu ở nhiệt độ cao thậm chí còn làm tệ hơn quá trình oxy hóa, khiến cơ thể dễ bị hấp thu những chất độc hại.

Khi bạn nấu bằng cách hầm hoặc nướng ở nhiệt độ thấp sẽ tốt hơn cho sức khỏe. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng phương pháp ướp với các gia vị có độ acid cao (như giấm hoặc chanh), để chống lại tác động tiêu cực của protein khi nấu ở nhiệt độ quá cao.

3. Một số thực phẩm nên ngâm trước khi nấu

Các loại hạt mầm, đậu, ngũ cốc đều tốt cho sức khỏe, nhưng chúng sẽ dễ dàng tiêu hóa hơn nếu bạn ngâm chúng trước khi nấu. Việc này sẽ giúp vô hiệu hóa một số chất ức chế dinh dưỡng như phytic acid, giải phóng lượng lớn chất dinh dưỡng và kích hoạt enzyme, hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn. (K.D)

Dân mạng góp hơn $20,000 giúp đỡ dân Đồng Tâm chỉ sau một ngày kêu gọi

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 19 Tháng Giêng, lời kêu gọi cộng đồng góp tiền giúp đỡ dân Đồng Tâm của blogger, nhà báo tự do Phạm Đoan Trang và nhóm bạn, đã mau chóng đạt mục tiêu gây quỹ $20,000 chỉ sau một ngày phát động.

Lời kêu gọi này được đưa ra trên trang web GoFundMe sau khi Bộ Công An CSVN chính thức thừa nhận ra lệnh phong tỏa tài khoản Vietcombank của nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh tiếp nhận tiền phúng điếu ông Lê Đình Kình. Trái ngược với các bài báo tuyên truyền về “hoạt động khủng bố,” cái chết của vị “thủ lĩnh tinh thần” của dân Đồng Tâm hôm 9 Tháng Giêng được đông đảo người dân thương xót và muốn đóng góp tiền phúng điếu để giúp đỡ gia đình ông trong cơn hoạn nạn.

Blogger, nhà báo tự do Phạm Đoan Trang giải thích việc kêu gọi trên trang web GoFundMe, nền tảng gây quỹ cộng đồng vì lợi nhuận của Mỹ: “Nam giới bị bắt giam hết, nhà cụ Lê Đình Kình hiện nay chỉ còn toàn phụ nữ, gồm cả người cao tuổi và trẻ nhỏ. Gia đình không còn một nguồn tiền nào để sinh sống, chưa nói tới việc thăm nuôi và tìm kiếm luật sư cho những người bị bắt. Đáng lo ngại nhất, công an vẫn tiếp tục đe dọa, thẩm vấn, ép cung những phụ nữ ‘còn tự do’ này, ngăn chặn mọi tiếp xúc của họ với bên ngoài và triệt tiêu mọi con đường sống của họ.”

Hàng trăm cảnh sát cơ động được ghi nhận vẫn đang đóng chốt tại Đồng Tâm trong những ngày cận Tết. (Hình: Facebook Nguyễn Thúy Hạnh)

Tác giả cuốn “Chính Trị Bình Dân” cùng nhóm blogger Đặng Bích Phượng, cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên… cam kết rằng toàn bộ số tiền đóng góp sẽ được dùng cho mục đích giúp đỡ, trợ giúp gia đình ông Lê Đình Kình và bà con dân oan mất đất ở Đồng Tâm, cũng như bảo vệ nhân chứng và góp phần vào các nỗ lực thực thi công lý.

Đáng nói là trong vụ này, do không thể chặn được nỗ lực gây quỹ giúp dân Đồng Tâm trên trang web GoFundMe, nhà cầm quyền CSVN lập tức chặn truy cập trang từ Việt Nam. Tuy vậy, sự ngăn chặn của chính quyền cũng không cản được đông đảo người dân tìm cách vượt tường lửa để vào trang web đóng góp tiền như một cách đứng về phía những người dân oan trong vụ này.

Một số blogger giải thích rằng sở dĩ họ góp tiền qua trang GoFundMe là nhằm cho thấy biện pháp phong tỏa tài chính giúp gia đình ông Lê Đình Kình của nhà cầm quyền Việt Nam “là phi lý, vô luân và vô ích.”

Bên cạnh đó, những người đóng góp tiền cũng bất chấp nguy cơ họ có thể bị công an đe dọa triệu tập, do “góp tiền tài trợ khủng bố” theo cảnh báo mang tính “chụp mũ” của Bộ Công An CSVN.

Trong vụ Đồng Tâm, việc cộng đồng mạng hưởng ứng lời kêu gọi của một nhóm nhỏ nhà hoạt động cũng cho thấy lòng dân đang hướng về những thân phận bị trấn áp ở Đồng Tâm và không còn mấy ai tin vào những luận điệu mà Đài Truyền Hình Quốc Gia cũng như các báo nhà nước đang “định hướng dư luận.” Hành động góp tiền cho dân Đồng Tâm cũng được ghi nhận tương phản với hình ảnh nhà cầm quyền bố trí hàng trăm công an đóng giả người dân đứng dọc hai bên đường tiễn đưa linh cữu ba công an “hy sinh vì té giếng” trong vụ tấn công. (N.H.K)

Chính quyền Thái Bình thất hứa, người dân 18 xã bị ngừng cấp nước

THÁI BÌNH, Việt Nam (NV) – Những ngày cận Tết Canh Tý, nhiều xã thuộc hai huyện Thái Thụy và Đông Hưng bất ngờ nhận được thông báo của chủ đầu tư một số dự án “Nước Sạch Nông Thôn” sẽ ngừng cấp nước cho người dân để tập trung lo thủ tục phá sản.

Nói với báo Đại Đoàn Kết ngày 18 Tháng Giêng, 2020, ông Phan Song Toàn, giám đốc Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Toàn Thịnh, chủ đầu tư một số nhà máy nước ở huyện Thái Thụy, xác nhận hôm 13 Tháng Giêng, công ty này đã gửi thông báo tới Ủy Ban Nhân Dân huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) và 12 xã trong huyện về việc sẽ dừng việc cấp nước phụ vụ người dân.

Theo thông báo, việc dừng cấp nước sẽ được công ty thực hiện sau 10 ngày ra thông báo và 12 xã gồm Thái An, Thái Học, Thái Thịnh, Thái Tân, Thái Thuần, Thái Thành, Thái Hồng, Thái Hưng, Thái Thủy, Thụy Dũng, Thụy Tân và Hồng Quỳnh của huyện Thái Thụy sẽ bị cắt sạch hoàn toàn.

Tương tự, hôm qua 17 Tháng Giêng, chính quyền và người dân sáu xã của huyện Đông Hưng, gồm Đông Động, Đông Quang, Đông Hà, Đông Xuân, Đông Vinh, Đông Các cũng bất ngờ nhận được thông báo của Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Thương Mại Đỗ Gia Bảo, chủ đầu tư dự án “Nước Sạch Nông Thôn” trên địa bàn, cũng với nội dung sẽ dừng cung cấp nước sạch cho người dân sau 10 ngày ra thông báo.

Theo nội dung các thông báo của hai công ty trên cho biết từ năm 2014, hưởng ứng phong trào cả nước “Chung sức xây dựng nông thôn mới,” hưởng ứng chủ trương “xã hội hóa đầu tư các công trình cung cấp nước sạch của tỉnh Thái Bình” với nhiều ưu đãi đã cùng nhiều doanh nghiệp khác đầu tư nhiều dự án cung cấp nước sạch cho người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Riêng công ty Toàn Thịnh đã làm bốn dự án nước sạch phục vụ người dân 13 xã của huyện Thái Thụy, bao gồm việc tiếp nhận hai nhà máy nước cũ, mở rộng một nhà máy và xây mới một nhà máy, với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, nội dung các thông báo cho biết: “Đến nay sau mấy năm đầu tư, phục vụ nước sạch cho người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh, các nhà đầu tư như công ty Toàn Thịnh, công ty Đỗ Gia Bảo… không nhận được kinh phí hỗ trợ sau đầu tư như Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Thái Bình đã cam kết.”

Cũng theo thông báo, người dân ở các xã thuộc dự án sử dụng nước sạch rất ít, doanh nghiệp lâm cảnh “thu không đủ chi” trong khi phải gánh chi phí lãi vay, do vậy không còn khả năng để duy trì hoạt động, lâm cảnh phá sản.

“Sau 10 ngày thông báo tới địa phương và người dân, công ty sẽ dừng cấp nước và báo cáo các cơ quan hữu trách của tỉnh công bố phá sản và xin giải thể doanh nghiệp theo luật định,” thông báo của công ty Toàn Thịnh viết.

Ông Bùi Văn Phú, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Thái Thịnh (huyện Thái Thụy), cho biết sau khi nhận được thông báo ngừng cấp nước của công ty Toàn Thịnh vào thời điểm Tết đang cận kề, người dân địa phương rất bất bình.

“Ủy Ban Nhân Dân xã đã có báo cáo gửi huyện, đề nghị cấp trên có biện pháp can thiệp, không thể để người dân thiếu nước sinh hoạt, nhất là trong dịp Tết,” ông Phú cho biết. (Tr.N)

Hệ thống UC muốn tăng học phí mỗi năm trong 5 năm tới

OAKLAND, California (NV) – Hệ thống đại học University of California (UC) đang cân nhắc tăng học phí vào mùa Thu năm nay và sẽ tăng nữa trong vài năm tới.

Theo EdSource, các nhà điều hành của UC đang đề nghị tăng học phí và lệ phí mỗi năm đối với tất cả các sinh viên, dựa trên mức lạm phát, được dự trù là 2.8%, nghĩa là tăng thêm $348 so với năm trước, lên tới $12,918 cho khóa mùa Thu năm 2020. Họ không có ý định tăng học phí cho sinh viên đang học tại chín trường cử nhân của hệ thống này, nhưng sẽ tăng học phí của sinh viên mới vào năm thứ nhất.

Hội Đồng Quản Trị của UC sẽ bỏ phiếu vào ngày Thứ Tư, 22 Tháng Giêng, để thông qua hai kế hoạch nói trên.

EdSource cho rằng họ có thể thông qua một kế hoạch hoặc hoãn lại việc bỏ phiếu cho đến khi California cho nhiều chi phí hơn so với kế hoạch ngân sách mới của Thống Đốc Gavin Newsom.

Trong kế hoạch ngân sách năm ngoái, thống đốc cấm các trường đại học của tiểu bang tăng học phí. Tuy nhiên, trong kế hoạch của năm 2020, ông không nói sẽ cấm các đại học tăng học phí và có thể đồng ý với kế hoạch tăng học phí của UC vì lạm phát.

Theo lịch trình họp của Hội Đồng Quản Trị UC, ông Newsom đề nghị tăng chi phí cho hệ thống đại học này lên 5%, tức là tăng $217.7 triệu. Họ cho rằng nếu chỉ dựa vào chi phí của California thì không đủ để làm phẩm chất giáo dục của UC không bị giảm.

Một cuộc họp của hội đồng quản trị UC. (Hình minh họa: theaggie.org)

EdSource cho rằng kế hoạch tăng học phí $348 không có gì lạ vì UC phải đối phó với lạm phát. Sau khi tăng, sinh viên cử nhân là cư dân California sẽ trả $12,570 cho niên khóa 2020-2021, cho học phí và nhiều chi phí khác của đại học.

Trong khi đó, sinh viên ngoài tiểu bang sẽ trả nhiều hơn $1,188, tăng lên tổng cộng $43,512, chưa tính tiền nhà và các chi phí khác.

Một điểm khác biệt của kế hoạch tăng học phí này là UC muốn tăng mỗi năm từ đây cho đến năm 2024 và tăng dựa theo Chỉ Số Giá Tiêu Dùng California. UC muốn mỗi năm tăng học phí 3.3% và học phí của cư dân California vào năm 2024 lên đến $14,760. Sinh viên ngoài tiểu bang sẽ đóng $49,452.

Hội Đồng Quản Trị UC còn đưa ra một kế hoạch khác. Theo kế hoạch này, những sinh viên đang học ở hệ thống này sẽ không bị tăng học phí hay bất cứ chi phí nào khác. Những sinh viên mới vào sẽ đóng học phí cao hơn, nhưng UC bảo đảm sẽ không tăng học phí của họ trong vòng sáu năm.

Trong cuộc thảo luận năm ngoái, các nhà điều hành của UC đưa ra kế hoạch này để bảo đảm sinh viên và gia đình trả học phí ổn định hơn. Tuy vậy, nhiều nhà phê bình cho rằng kế hoạch này rất khó áp dụng vì sinh viên sẽ trả học phí khác nhau và gây ra nhiều phiền phức. Một số đại học ở các tiểu bang khác đã thử, nhưng không thành công và UC có thể thất bại giống họ.

Theo kế hoạch đó, sinh viên năm thứ nhất của UC vào mùa Thu 2020 sẽ đóng học phí nhiều hơn $606, tăng 4.8%. Những sinh viên mới của những năm sau đó sẽ đóng nhiều hơn từ 3.3% đến 4.8%, tùy theo lạm phát. Sinh viên năm thứ nhất của năm 2024 sẽ trả $15,414 đối với cư dân California và những sinh viên ngoài tiểu bang sẽ trả $51,936.

Sinh viên UC từng biểu tình phản đối tăng học phí. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)

Cô Varsha Sarveshwar, chủ tịch Hiệp Hội Sinh Viên UC, nói với EdSource, tổ chức của cô phản đối tăng học phí theo bất cứ cách nào. Cô rất ngạc nhiên vì UC không chỉ muốn tăng học phí cho năm học sắp tới mà còn muốn tăng cho năm năm tới.

Cô cho rằng kế hoạch tăng học phí cho sinh viên mới của UC gây một số trở ngại, nhất là đối với những sinh viên sắp vào hệ thống đại học này vì họ chưa chính thức là sinh viên UC và không có tiếng nói. Trong khi đó, những sinh viên đang học sẽ không quan tâm đến các vấn đề về học phí vì không ảnh hưởng đến họ.

Các nhà điều hành của UC cho hay 1/3 số tiền kiếm được từ học phí sẽ thành trợ cấp tài chánh cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập từ thấp đến vừa và nhiều sinh viên mới sẽ không bị việc tăng học phí gây ảnh hưởng. Thậm chí, chi phí của nhiều sinh viên sẽ giảm $140 sau khi nhận trợ cấp tài chánh và học bổng Cal Grant. (TL)

Ba buổi hội thảo về Thống Kê Dân Số 2020 tại Santa Ana

SANTA ANA, California (NV) – Thượng Nghị Sĩ Tom Umberg kêu gọi cư dân tham dự đông đảo các buổi hội thảo về Thống Kê Dân Số do Ủy Ban Thống Kê Dân Số Hoa Kỳ 2020, Ủy Ban Thống Kê Dân Số thành phố Santa Ana và Thư Viện Santa Ana hợp tác tổ chức.

Thông cáo báo chí của văn phòng Thượng Nghị Sĩ Tom Umberg cho biết, các buổi hội thảo bằng tiếng Việt sẽ tổ chức vào lúc 5 giờ chiều Thứ Ba, 28 Tháng Giêng, tại Thư Viện Newhope, 122 N. Newhope St., Meeting Room, Santa Ana, CA 92703.

Tiếp theo nữa là lúc 5 giờ chiều Thứ Tư, 5 Tháng Hai, tại Thư Viện Santa Ana, 26 Civic Center Plaza, Meeting Room A, Santa Ana, CA 92701.

Và sau cùng là lúc 6 giờ chiều Thứ Tư, 19 Tháng Hai, tại Thư Viện Newhope, 122 N. Newhope St., Meeting Room, Santa Ana, CA 92703.

Nói về tầm quan trọng của việc thống kê dân số, Thượng Nghị Sĩ Tom Umberg được trích lời nói: “Với vai trò chủ tịch Ủy Ban Bầu Cử và Thống Kê Dân Số tại Thượng Viện Quốc Hội California, tôi muốn nhấn mạnh rằng thống kê dân số là trách nhiệm và quyền lợi chung của mọi người dân và của toàn tiểu bang California chúng ta. Kết quả của việc thống kê dân số sẽ là một ảnh hưởng to lớn quyết định cho ngân sách của tiểu bang về mọi mặt. Bên cạnh đó, nó còn quyết định cho thế đứng và sức mạnh của tiểu bang California tại Quốc Hội Hoa Kỳ.”

“Tôi cũng ghi nhận và khen ngợi thành phố Santa Ana đã tổ chức các buổi hội thảo cho cư dân bằng các ngôn ngữ Anh, Việt và Tây Ban Nha. Nhờ vậy, việc hướng dẫn thông tin về thống kê dân số được mở rộng đến các cộng đồng của chúng ta,” theo thông cáo báo chí.

Đến với các buổi hội thảo trên, cư dân sẽ có cơ hội tìm hiểu những lợi ích về việc Thống Kê Dân Số 2020, cách thức tham gia thống kê dân số cũng như ghi danh làm nhân viên cho công việc thống kê dân số này.

Khi tham gia Thống Kê Dân Số, cư dân sẽ có những ảnh hưởng to lớn và tích cực đến cộng đồng, hệ thống trường học, đường sá, y tế và các dịch vụ công cộng.

Tham gia buổi hội thảo, cư dân còn có cơ hội trúng thưởng một thẻ quà tặng trị giá $100 hoặc tham gia bốc thăm trúng một máy vi tính xách tay (giải thưởng sẽ được công bố vào Thứ Bảy, 18 Tháng Tư, trong buổi lễ dành cho thiếu nhi (DIA DE LOS NIÑOS celebration) tại Thư Viện Công Cộng Santa Ana).

Muốn biết thêm chi tiết hoặc ghi danh tham dự, xin liên lạc Paul Eakins qua số điện thoại (714) 647-5200 hoặc email [email protected]. (ĐG)

Đối với nhiều giáo viên, xin nghỉ bệnh không phải là điều dễ dàng

McDONOUGH, Georgia (NV) – Đối với nhiều giáo viên, khi cảm thấy bị sốt nóng hay nhức mỏi trong người, có rất nhiều điều họ ngay lập tức phải nghĩ tới.

Theo Education Week, họ phải nghĩ tới là còn có đủ thời gian cho phép nghỉ bệnh hay không? Liệu người hiệu trưởng có bực bội khi gọi vào để xin nghỉ bệnh hay không? Liệu đây có phải là thời điểm quan trọng mà các học sinh trong lớp đang cần có sự hiện diện của họ ở lớp hay không? Liệu trường có kiếm được giáo viên dạy thế hay buộc một đồng nghiệp phải thay thế cho mình?

Trong mùa cúm dữ dằn năm nay, nhiều giáo viên đang phải vật lộn với những câu hỏi đó.

Mỗi lần cô giáo lớp 4 Allyson Robinson cảm thấy không khỏe khi thức dậy, “mặc cảm tội lỗi của nhà giáo” lại trỗi dậy trong cô.

Cô nghĩ đến nhiều điều: Nếu ở nhà cho bình phục, sẽ không có cơ hội gặp và an ủi một học sinh gặp nhiều trở ngại ngày hôm qua. Sẽ không kịp chuẩn bị học trò cho lần thi sắp tới đây. Sự vắng mặt của cô có thể ảnh hưởng tới điểm thi của bọn nhỏ. Như vậy, có nên gọi vào để xin nghỉ bệnh ở nhà hay không?

“Tôi ngồi trên giường, cảm thấy mệt mỏi, nhưng cùng lúc cũng thấy bứt rứt. Tôi cầm điện thoại trên tay, và cố thuyết phục chính mình là ‘phải nghỉ thôi, không có sao đâu,'” theo lời cô Robinson, một giáo viên tại Học Khu Henry County ở tiểu bang Georgia.

Có rất nhiều nhà giáo ở trong cùng hoàn cảnh như cô Robinson. Ngay cả khi được hướng dẫn, và ngay cả sự hiểu biết của họ, nói rằng phải lo cho bản thân của mình, các giáo viên cũng bị giằng co giữa sự quan tâm đến học trò, bổn phận của mình và ngay cả sự lo ngại về công việc, khiến họ phải đến trường.

Cô Eli Peyton, giáo viên lớp 7, ở Atlanta, nói rằng có nhiều giáo viên cảm thấy rất khó khăn khi xin nghỉ ở nhà vì bị bệnh.

“Cá nhân tôi, tôi cảm thấy may mắn vì làm việc ở nơi mà giới chức điều hành trường hỗ trợ giáo viên.. Nhưng ở các nơi khác, xin nghỉ là cả một vấn đề,” theo cô giáo Peyton.

Cô LaQuisha Hall, người từng được bầu là “Giáo Viên 2018 của Baltimore,” cho hay họ cảm thấy có bổn phận phải đi dạy, dù là đang bệnh, vì muốn chính mình đứng trước học trò, thay vì để kẻ khác làm thế.

“Có những khi chúng tôi đi làm trở lại và nghe thấy những câu chuyện ghê gớm về những giáo viên dạy thế ở ngoài vào,” theo cô Hall.

Dù vậy, cô Hall thấy rằng các nhà giáo phải lo cho bản thân của mình trước tiên.

“Các nhà giáo thường không quan tâm đến các vấn đề của chính mình. Nhưng một phần của việc là một giáo viên tốt, là biết chăm sóc cho chính mình. Trẻ nhỏ cũng cần phải thấy được điều đó, và cũng để có một nhà giáo khỏe mạnh về mọi mặt,” cô nói.

Một trong những lý do khiến các chuyên gia y tế khuyến cáo các nhà giáo hãy nghỉ ở nhà khi bệnh là họ dễ lây cho chính học trò của mình, nhất là ở các lớp nhỏ.

Bà Donna Mazyck, giám đốc điều hành tổ chức y tá nhà trường, National Association of School Nurses, nói rằng các giáo viên nên chuẩn bị kỹ càng các biện pháp để ngăn ngừa không để cho chính mình bị bệnh khi vào mùa Đông và sang mùa Xuân.

Nếu họ cảm thấy bị bệnh khi đang dạy học, các giáo viên nên xin về nhà, nhất là nếu họ bị sốt nóng, theo lời bà Mazyck.

“Điều tốt nhất là phải tự mình biết phải nghỉ ngơi để lo cho chính mình. Các giáo viên cũng không muốn là làm lây lan bệnh của mình cho những người khác,” cũng theo bà Mazyck. (Lê Tâm)

Tin mới cập nhật