Thursday, May 2, 2024

Đ/U Từ Đức Tài

Dân Biểu Lou Correa đưa Tết Việt Nam 2020 Canh Tý vào văn khố Hạ Viện Mỹ

WESTMINSTER, California (NV) – “Tết là thời gian rất huyền diệu ở Orange County, nhất là ở Little Saigon. New Year không chỉ riêng của người Trung Hoa mà còn của người Việt Nam nữa. Khi tôi đi chúc Tết, tôi cũng chúc mừng lịch sử và truyền thống của cộng đồng người Việt và những cống hiến của các bạn trong 45 năm qua.”

Dân Biểu Liên Bang Lou Correa, đại diện Địa Hạt 46 của Hạ Viện Hoa Kỳ và là chủ tịch Tiểu Ban Giao Thông và Hàng Hải Nội An Mỹ, nói như vậy khi đến chúc Tết nhật báo Người Việt vào sáng Thứ Tư, 22 Tháng Giêng, tức 28 Tết Canh Tý.

Giống như những quen biết chỉ gặp được nhau vào dịp Tết, bà con thường hay hoài niệm về những cái Tết xưa và nay, những câu chuyện trong nhà ngoài ngõ, ông Lou Correa cũng hoài niệm về lịch sử của người Mỹ gốc Việt khi sống và lớn lên ở vùng Orange County.

“Tôi học ở đại học California State University khoảng năm 1977, 1978 và một trong những người Việt tị nạn đầu tiên là bạn học cùng lớp với tôi,” ông chia sẻ thêm.

Dân Biểu Liên Bang Lou Correa (thứ hai, phải) tặng hoa và chứng từ mừng Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020 được lưu vào văn khố Hạ Viện Mỹ cho nhà báo Đỗ Tài Thắng (phải), tổng thư ký nhật báo Người Việt. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Đặc biệt năm nay, Dân Biểu Lou Correa đề cử Tết Việt Nam 2020 Canh Tý để lưu vào văn khố của Hạ Viện Mỹ. Ông trao tặng chứng từ lưu trữ này cho nhật báo Người Việt, cùng với nhiều cơ quan truyền thông người Việt khác trong cộng đồng.

Trong chứng từ này có ghi: “Năm mươi ngàn người Việt cũng như hơn 60 tổ chức sẽ hội tụ để ăn mừng Tết với thức ăn, ca nhạc, múa, và nhiều nhiều nữa. Họ bày tỏ lòng biết ơn đối với ông bà, những người đã hy sinh để con cháu có tương lai sáng hơn trong dịp mừng này. Và đây cũng là một cách mà cộng đồng bày tỏ lòng cảm ơn đối với nước Mỹ.”

Chứng từ được lưu trữ trong văn khố của Hạ Viện hôm Thứ Năm, 16 Tháng Giêng, 2020. (Titi Mary Trần)

Bà Nguyễn Thị Bảy

Virus Corona và nỗi lo đến từ Trung Quốc

Ít nhất 17 người chết và hơn 500 người đã nhiễm virus Corona gây dịch bệnh lây lan qua “đường hô hấp”. Nguy cơ nhiễm bệnh đang đe dọa hàng triệu người Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Hoa Kỳ và Việt Nam.

EU ‘muốn giúp CSVN điều tra độc lập’ vụ Đồng Tâm

BRUSSELS, Bỉ (NV) – Hôm 21 Tháng Giêng, Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế của Nghị Viện Châu Âu thông qua khuyến nghị phê chuẩn Hiệp Định Tự Do Thương Mại Việt Nam-Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA) và Hiệp Định Bảo Hộ Đầu Tư Việt Nam-Liên Hiệp Châu Âu (EVIPA).

Sau khi khuyến nghị được thông qua, hai hiệp định nêu trên dự trù sẽ được biểu quyết để phê chuẩn trong phiên họp toàn thể của Nghị Viện Châu Âu vào giữa Tháng Hai, 2020.

Hầu hết báo nhà nước Việt Nam đưa tin này theo chiều hướng EVFTA “được kỳ vọng là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam” nhưng không nhắc gì đến thông báo do Phái Đoàn Liên Minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam phát đi hôm 22 Tháng Giêng, trong đó đề cập vụ tấn công Đồng Tâm.

Theo văn bản này, trong cuộc gặp gần nhất với ông Bùi Thanh Sơn, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao CSVN, Đại Sứ EU Giorgio Aliberti “nhắc lại mối quan ngại sâu sắc của EU về sự kiện diễn ra ở xã Đồng Tâm và việc sử dụng bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào.”

“EU lấy làm tiếc về sự thương vong xảy ra trong cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người dân và yêu cầu tính minh bạch đầy đủ trong việc đánh giá nguyên nhân và bối cảnh của sự kiện. EU sẽ tiếp tục theo sát tình hình và sẵn sàng giúp đỡ chính quyền Việt Nam trong quá trình điều tra độc lập và minh bạch,” thông cáo của Phái Đoàn Liên Minh Châu Âu, viết.

Trước đó, tin cho hay, một phái đoàn ngoại giao của  Liên Minh Châu Âu và Canada, Úc, Mỹ… đã có cuộc gặp đại diện Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại chùa Giác Hoa ở Sài Gòn để tìm hiểu về tình hình nhân quyền tại Việt Nam hôm 16 Tháng Giêng.

Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc ghé thăm Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Cơ Động hôm 21 Tháng Giêng, sau khi lực lượng này được điều động tấn công Đồng Tâm. (Hình: Thông Tin Chính Phủ)

Thông cáo do Hội Đồng Liên Tôn phát đi nói vụ xung đột giữa công an và người dân ở xã Đồng Tâm, hôm 9 Tháng Giêng được đề cập trong cuộc gặp.

Trong một diễn biến khác, một nhóm gồm 12 người hoạt động vận động dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam vừa đòi hỏi cơ quan tư pháp khởi tố vụ án hình sự vụ sát hại ông Lê Đình Kình ở Đồng Tâm.

Bản phóng ảnh “Đơn tố giác tội phạm” được chia sẻ nhiều trên Facebook Chú Tễu hôm Thứ Ba, 21 Tháng Giêng, với chữ ký của 12 nhà hoạt động nhân quyền, đấu tranh dân chủ gồm ông Nguyễn Xuân Diện, Vũ Hùng, nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Chi, kiến trúc sư Trần Thanh Vân, bà Nguyễn Thúy Hạnh, ông Huỳnh Ngọc Chênh… gửi “Viện Kiểm Sát Nhân Dân” và “Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra” thành phố Hà Nội “tố giác hành vi vi phạm pháp luật hình sự” khi lực lượng võ trang của nhà cầm quyền bắn chết ông Lê Đình Kình.

Ở chiều ngược lại, đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy nhà cầm quyền CSVN có ý định tiến hành một cuộc điều tra độc lập về vụ Đồng Tâm.

Theo trang Thông Tin Chính Phủ [CSVN], trong lúc ghé thăm Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Cơ Động hôm 21 Tháng Giêng, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc nói “sự việc Đồng Tâm là điều đáng tiếc, nhưng đến nay tình hình đã trở lại ổn định bình thường” và rằng “sẽ sớm đưa các đối tượng vi phạm [ám chỉ 22 người dân Đồng Tâm bị bắt, khởi tố trong vụ này] ra xét xử nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.”

Giới quan sát dự báo vụ tấn công Đồng Tâm sẽ tiếp tục là chủ đề nóng tại sự kiện “Đối thoại nhân quyền Việt Nam-EU” dự định diễn ra vào ngày 17 Tháng Hai. (N.H.K)

Rớt máy bay vừa cất cánh ở Corona, 4 người thiệt mạng

CORONA, California (NV) – Một chiếc máy bay rớt sau khi cất cánh rời phi trường Corona hôm Thứ Tư, 22 Tháng Giêng, làm 4 người thiệt mạng.

Theo đài KTLA, Sở Cứu Hỏa Corona cho biết chiếc máy bay nhỏ chở 4 người vừa cất cánh ở phi trường lúc 12 giờ 10 phút trưa thì rớt xuống ở cuối đường bay.

Máy bay lúc đó có đầy bình xăng 80 gallon và xăng đổ ra ngoài, gây cháy cây cỏ gần phi trường.

Sở Cảnh Sát Corona cho biết, nhân viên công lực có mặt tại hiện trường và phát hiện một máy bay nhỏ bị lửa bao trùm ở mặt phía Đông của phi trường.

Đám cháy do máy bay gây ra lan ra khoảng 1/4 mẫu đất thì bị lính cứu hỏa nhanh chóng dập tắt. Sở cứu hỏa cho hay bốn người trên máy bay đều bị phỏng nặng và đã qua đời.

Cơ quan này chưa cho biết thông tin gì về bốn nạn nhân và chỉ nói nhân viên giảo nghiệm đang làm việc.

Tuy chưa biết lý do máy bay rớt, nhân chứng Dorothe Voll kể bà thấy máy bay bay lên, sau đó bay thấp xuống vài lần và không nghe thấy tiếng động cơ nữa. Lúc đó, bà và một người bạn la lên “máy bay sắp rớt.”

Ông Ian Gregor, phát ngôn viên của Cơ Quan Hàng Không Liên Bang (FAA) xác nhận chiếc máy bay bị hư hoại hoàn toàn sau khi rớt. Ông còn cho hay FAA và Sở An Toàn Giao Thông Hoa Kỳ (NTSB) sẽ điều tra sự việc này.

Phi trường Corona phải đang tạm đóng cửa và chưa thông báo bao giờ hoạt động lại. (TL)

Tinh thần đảng phái thỏa mãn nhu cầu cộng đồng của người Mỹ

Chính trị tại Mỹ đã được so sánh nhiều với thể thao trong sự trung thành của các “fan.” Thế nhưng so sánh như vậy thì oan cho thể thao.

Một “fan” thật sự có một cái nhìn rất “thẳng thắn” về đội banh mình ủng hộ. Hăng say ủng hộ một cách mù quáng là đặc trưng của một “tay mơ.” Chỉ có một đảng chính trị mới có thể tạo ra trong những ủng hộ viên của mình một sự trung thành mù quáng vuợt xa khả năng một đội banh như Manchester United hay New England Patriot có thể tạo ra trong các “fan” của mình.

Chúng ta có thể thấy rõ chuyện này trong việc đàn hạch Tổng Thống Donald Trump. Khi Hạ Viện bỏ phiếu đàn hạch thì số phiếu bỏ hầu như theo đúng như đường phân chia giữa hai đảng.

Còn về phần quần chúng, mà các nhà lập pháp tùy thuộc vào, thì các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy hầu hết những người Dân Chủ ủng hộ việc đàn hạch và hầu hết người Cộng Hòa chống. Thành ra có thể nói khuynh hướng chính trị của một cử tri cho thấy rõ nhất thái độ của họ với vấn đề này.

Các bằng chứng cũng như là ngay cả lời hầu như thú nhận của ông tổng thống trước ống kính truyền hình khi vụ bê bối Ukraine nổ ra không đóng vai trò gì trong việc quyết định ủng hộ hay chống của họ.

Tầm mức sâu đậm của tinh thần đảng phái của dân Mỹ thì đã được nói đến nhiều. Nhưng lý do tạo ra nó thì ít được nói đến. Chúng ta biết rằng nó mới xảy ra lúc gần đây. Chúng ta biết là kể từ 1988 không có một vị tổng thống nào được trên 400 phiếu cử tri đoàn; không có một vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện nào được Thượng Viện thông qua mà không qua một cuộc đấu tranh gay gắt. Chúng ta biết những người Cộng Hòa đã có lúc từ bỏ tổng thống của chính mình, ông Richard Nixon một cách mà ta khó có thể tưởng tượng 45 năm sau.

Chúng ta chỉ không biết tại sao.

Những giải thích đuợc đưa ra bao gồm từ việc thiếu một đối thủ địa chính trị để đoàn kết dân Mỹ kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ, cho đến việc nới lỏng và mở rộng số kênh phát thanh, phát hình trong những năm của thập niên 1980 dẫn đến một tình trạng nổ bùng các tiếng nói từ siêu bảo thủ cho đến siêu cấp tiến.

Thế nhưng câu trả lời có thể nằm trong một lãnh vực hoàn toàn khác. Vào lúc chính trị Mỹ càng ngày càng trở nên đảng phái trong những năm 1990, một giáo sư của Đại Học Harvard, ông Robert Putnam đã ghi nhận một sự sụp đổ trong sinh hoạt cộng đồng tại Mỹ. Người Mỹ mà trong những năm trước đó thấy ý nghĩa cuộc sống và một cảm giác hội nhập qua những cơ cấu như nghiệp đoàn, câu lạc bộ bowling và những tổ chức thiện nguyện khác càng ngày càng ít gia nhập vào những tổ chức này.

Hoa Kỳ có một thị trường khổng lồ và một guồng máy nhà nước khổng lồ và hữu hiệu, nhưng thiếu môt cơ cấu xã hội dân sự để lấp đầy khoảng giữa đó. Và tiến trình đó xảy ra trước sự suy thoái của tôn giáo mà có lẽ là chiều hướng xã hội đóng góp lớn nhất trong việc phân hóa của xã hội Mỹ.

Nhìn từ trên quan điểm này thì tình trạng chính trị đảng phái có thể được hiểu rõ hơn. Trên một phương diện nào đó, nó là thay thế cho những hình thức tiếp xúc xã hội đã mất đi. Nó cho phép một cá nhân cô đơn hội nhập vào một cái gì có thể nói là sự đồng hành.

Nó lập ra một “Kẻ Khác” (Other) mà qua sự đối kháng ta có thể định được bản tính ta. Điều mà tình trạng này thiếu là cái sự tiếp xúc thân cận thì được thay thế bởi một thế giới đóng của những phương tiện truyền thông một chiều qua đó, một cá nhân có thể không bao giờ cần tách ra khỏi những người có cùng một quan điểm.

Cần để ý rằng ý thức hệ không có đóng vai trò quan trọng nào tại đây. Ông Trump gạt bỏ một loạt các giáo điều về kinh tế “laissez faire” và ngoại giao can thiệp vốn là những tín điều căn bản của đảng Cộng Hòa nhưng những đảng viên Cộng Hòa vẫn ủng hộ ông chống lại những người khác. Và nếu ông có đổi nữa thì họ cũng vẫn sẽ tiếp tục theo ông. Điều quan trọng là sự hung hăng của ông trong việc chống lại “bộ lạc” kia. Người ta thèm sự hội nhập vào một tập thể hơn là nội dung của các chính sách.

Tình trạng phân hóa xã hội mà ông Putnam ghi nhận được xảy ra bắt đầu từ giữa thập niên 1970 và kéo dài cho đến cuối thế kỷ. Chính trị tương đối không phân biệt đảng phái của Mỹ tan rã cũng trong khoảng thời gian này, bắt đầu từ việc lật đổ tổng thống Nixon cho đến việc phân chia thành hai phe cứng rắn của thập niên 1990. Việc đàn hạch ông Trump là điểm chót của một quá trình kéo dài ít nhất là ba thập niên của cái tinh thần “my-party-right-or-wrong.”

Muốn đẩy ngược chiều hướng này đòi hỏi phải thấu hiểu ít nhất là vì sao nó xuất hiện. Nếu ông Putnam đúng thì vấn đề không phải chỉ nằm trong tầng lớp lãnh đạo chính trị. Đối với hàng triệu người Mỹ, chính trị nay không còn chỉ là một phương tiện đạt đến mục tiêu mà là một nguồn của cái bản thể của mình (identity) và một sự hội nhập vào một tập thể mà trước đó có thể đến từ nhiều cái khác.

Thành ra điều cần thiết là làm sao làm sống lại những cơ cấu xã hội vốn đã từng cung cấp cho người dân Mỹ một con đường khác với con đường chính trị. Năm 1974, những người Cộng Hòa có thể quay sang chống lại lãnh tụ của họ vì đảng Cộng Hòa không phải là toàn bộ cơ sở xác định bản thể của họ. Tình trạng này không còn đúng với năm 2020 nữa. (Lê Mạnh Hùng)

Kon Tum: Nợ tiền dân không trả, nhà máy đường bị bao vây

KON TUM, Việt Nam (NV) – Người dân bán mía, chở hàng thuê, đã lâu nhưng Công Ty Cổ Phần Đường Kon Tum ở xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum, không trả tiền, khiến hàng trăm người dân kéo đến bao vây để đòi tiền mua sắm Tết.

Báo Người Lao Động ngày 22 Tháng Giêng, 2020, cho hay nhiều ngày qua, hàng trăm người dân đã bao vây nhà máy của Công Ty Cổ Phần Đường Kon Tum để đòi tiền.

Theo những người đòi nợ, vụ mía vừa qua công ty này đã thu mua mía rất nhiều của người dân nhưng đến nay vẫn không chịu trả tiền.

Anh Trần Nguyên Vũ (ở xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum) đã bán cho công ty hàng chục tấn mía từ Tháng Mười Một, 2019. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được trả tiền trong khi gia đình anh chỉ biết trông chờ vào khoản tiền này để mua sắm Tết. “Không được trả tiền thì coi như mất Tết nên tôi quyết đòi cho bằng được,” anh Vũ tức giận nói.

Trong khi đó anh Thân (ở phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) cũng bán cho Công Ty Cổ Phần Đường Kon Tum 50 tấn mía nhưng đến đòi cũng chỉ mới nhận được chín triệu đồng ($387). Số tiền này anh cũng chỉ đủ mang về trả một phần cho người làm thuê.

Nhiều tài xế cũng kéo tới đòi tiền. (Hình: Hoàng Thanh/Người Lao Động)

“Công ty không trả tiền cho tôi nên tôi không có tiền để trả cho công nhân. Tết gần đến rồi, ai ai cũng cần tiền để sắm Tết. Bị đòi quá, tôi đành phải vay ngoài để trả tiền cho công nhân,” anh Thân cho biết.

Ngoài những người bán mía, rất nhiều tài xế lái xe chở mía cho công ty cũng bị nợ tiền công. Trong đó có hàng chục người từ tỉnh Phú Yên lên Kon Tum để chở mía thuê.

Giải thích với báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hữu Quảng, phó tổng giám đốc Công Ty Cổ Phần Đường Kon Tum, cho biết việc chậm trả tiền là do khó khăn về tài chính khi nhà máy đầu tư nâng công suất từ 1,700 tấn/ngày lên 2,500 trấn/ngày.

Cùng với đó, do không thu hồi được nợ nên công ty không có tiền trả cho người dân. Để giải quyết, công ty đã phải đi vay tiền trả cho người dân nhưng cũng đang khó khăn trong việc chờ ngân hàng giải ngân.

“Trước mắt, công ty sẽ cố gắng trả tiền cho người dân làm hai đợt. Đợt một, công ty sẽ chi trả trước Tết cho những người bán mía cho công ty trước ngày 9 Tháng Giêng. Đợt hai sẽ trả sau Tết cho những nông dân bán mía tiếp theo,” ông Quảng nói. (Tr.N)

Công nhân xây dựng giết sếp ủng hộ Trump, rồi quăng cờ Mỹ lên thi thể

Tin Tổng Hợp 22/12/2019:
-Cô gái bảo vệ môi trường nói trồng cây chưa đủ để bảo vệ môi trường
-Dân Thượng Hải đua nhau mua khẩu trang chống vi khuẩn ‘coronavirus’
-Công nhân xây dựng giết sếp ủng hộ Trump, rồi quăng cờ Mỹ lên thi thể
-Thượng Viện đổi điều lệ, cho hai bên chống và bênh Trump thêm thời gian
-TT Trump đồng ý để nhân chứng khai trong vụ truất phế

Bầu cử Đài Loan, một cái tát vào mặt Tập Cận Bình

Những người yêu chuộng tự do, chống đế quốc đỏ thở dài nhẹ nhõm: bà Thái Anh Văn vừa tái đắc cử tổng thống Đài Loan. Đây là cái tát thứ hai của “đám đông thầm lặng” dành cho Tập Cận Bình, chủ tịch nhà nước Trung Quốc, vài tuần lễ sau khi cử tri Hồng Kông dồn phiếu cho phe dân chủ, trong cuộc bầu cử quận.

Từ Đài Loan tới Hồng Kông, người dân đã gào cho cả thế giới nghe: chúng tôi không muốn trở thành Tàu.

Hai triệu phiếu 

Chưa bao giờ lá phiếu trở thành một thông điệp rõ ràng, minh bạch, dứt khoát như vậy.

Cử tri Đài Loan bày tỏ cùng một ý nghĩ với nhiều người vô danh viết trên bảng gắn sau xe đạp, xe gắn máy, xe hơi: “Tôi bầu Thái Anh Văn vì không muốn thấy xác con tôi trên biển như ở Hồng Kông,” “Tôi bầu Thái Anh Văn vì không muốn làm nô lệ.”

Trên 14 triệu người trên 19 triệu cử tri (74%) đã tham dự cuộc bầu cử tổng thống và dân biểu Quốc Hội hôm Thứ Bảy, 11 Tháng Mười. Cũng như ở Hồng Kông, 3 triệu cử tri trẻ lần đầu tới phòng phiếu để quyết định vận mạng, tương lai của chính mình.

Với trên 2 triệu phiếu cách biệt, bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), 8.2 triệu phiếu (57%), bỏ xa ứng cử ứng cử viên thân Bắc Kinh Hàn Quốc Du (Han Kuo-yu), 5.2 triệu (39%). Ứng cử viên thứ ba, Tống Sở Du (James Soong), cũng thân Tàu, 600 ngàn phiếu.

Cùng một lúc, Đài Loan bỏ phiếu bầu dân biểu Quốc Hội.

Đảng Dân Tiến (DPP, Democratic Progressive Party) của bà Thái Anh Văn chiếm 61 ghế (57%), cũng bỏ xa Quốc Dân Đảng (KMT, Koumingtang) của Hàn Quốc Du, 38 ghế. Bà Thái Anh Văn không những tái đắc cử vẻ vang, còn có dư đa số tại Quốc Hội để tiếp tục chính sách độc lập táo bạo, trước sự thán phục của thế giới.

Chiến thắng của bà Thái Anh Văn là một cái tát choáng váng dành cho Tập Cận Bình, đầu năm ngoái đã đọc một bài diễn văn nghiêm trọng cảnh cáo hoặc Đài Loan lựa chọn sáp nhập Trung Cộng theo nguyên tắc “một quốc gia hai chế độ,” hoặc Bắc Kinh dùng võ lực nếu cần để thống nhất đất nước.

Những tuần lễ trước ngày bầu cử, các quan chức và media Bắc Kinh không ngớt đe dọa cử tri về những hậu quả không lường được nếu không biết bỏ phiếu, nếu chọn con đường phiêu lưu. Báo chí đảng dựng đứng những fake news để bôi nhọ các ứng cử viên đảng Dân Tiến. Từ khi bà Thái Anh Văn xác định lập trường “tự do hay là chết,” Bắc Kinh đã cắt đứt mọi liên hệ với Đài Loan.

Bắc Kinh cũng tổ chức những cuộc diễn binh, tập trận rầm rộ trước ngưỡng cửa Đài Loan để thị uy.

Mười tuần lễ trước ngày bầu cử, những cuộc thăm dò dư luận đều bị cấm để cử tri khỏi bị ảnh hưởng, nhưng mọi người đều đoán được kết quả, chỉ hồi hộp chờ mức chênh lệch giữa hai ứng cử viên.

Những ai đã có dịp ghé Đài Loan thường được nghe câu này, như đã  nghe ở Hồng Kông: “Tôi không phải là người Tàu, tôi là người Đài Loan.”

Cũng như đối với Hồng Kông, những người Cộng Sản Tàu là nạn nhân của luận điệu tuyên truyền của chính họ, tin rằng không có lý do gì dân Hồng Kông hay Đài Loan tìm cách lánh xa “đất mẹ,” đang trở thành cường quốc nhất nhì thế giới.

Họ thực sự không hiểu rằng dân Hồng Kông, với mức sống vào loại cao nhất thế giới, sống tự do trong một chế độ dân chủ, không ngu dại, điên khùng gì chui đầu vào cái rọ độc tài.

Chỉ có 5% dân Đài Loan trả lời muốn Đài Loan sáp nhập lãnh thổ Trung Cộng.

Yếu tố Hồng Kông 

Có thể nói Hồng Kông đã giúp bà Thái Anh Văn thắng cử.

Cách đây một năm, không ai đánh cá một xu chuyện bà tái đắc cử. Bà bị thua nặng trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương, phải từ chức chủ tịch đảng Dân Tiến.

Tất cả các cuộc thăm dò dư luận đều cho Hàn Quốc Du sẽ thắng trong khi ngồi chơi xơi nước, khỏi cần tranh cử, Quốc Dân Đảng (KMT) sẽ trở lại nắm quyền, vì chính sách của bà Thái Anh Văn làm mất lòng một số cử tri bảo thủ, vì Quốc Dân Đảng có tiền và media Trung Cộng hỗ trợ, nhất là vì rất khó tái đắc cử tại các quốc gia dân chủ trong một thời đại bất ổn.

Hàn Quốc Du thắng cử dễ dàng, trở thành thị trưởng thành phố quan trọng Kaohsiung (Cao Hùng), là ngôi sao mới nổi, được coi như tổng thống tương lai.

Người dân ủng hộ bà Thái Anh Văn. (Hình: Carl Court/Getty Images)

Dù sao Quốc Dân Đảng cũng có hào quang của quá khứ, đã lãnh đạo Đài Loan 50 năm liên tiếp, từ ngày lập quốc, 1950, cho tới năm 2000, và sau một thời gian gián đoạn, đã trở lại chính quyền từ 2008 tới 2016, trước khi nhường chỗ bà Thái Anh Văn.

Phong trào đòi tự do dân chủ ở Hồng Kông đã lật ngược thế cờ. Dân Hồng Kông chứng kiến sự tàn bạo của công an, binh lính Hoa Lục mỗi ngày, càng ngày càng khiếp sợ cái bánh vẽ “một quốc gia, hai chế độ.”

Bà Thái Anh Văn, dứt khoát chống Tàu từ những ngày bắt đầu làm chính trị, lại trở thành “the right woman in the right place.”

Là một người rất khiêm nhượng, sống đơn giản như một thường dân, bà có thái độ dứt khoát, công khai chống sự bành trướng của Trung Cộng, tuyên bố những câu tố cáo Trung Cộng mà những lãnh tụ các cường quốc, sợ bóng sợ gió, không dám nói ra, mặc dù cùng một ý nghĩ.

Bà quyết định đón tiếp những “dissidents” Hồng Kông bị lùng bắt, ra luật ngăn chặn ảnh hưởng của Tàu trên mọi phương diện tại Đài Loan.

Bài học Đài Loan 

Đài Loan, từ 1990, đã thoát xác từ một chế độ độc tài, trở thành một quốc gia dân chủ kiểu mẫu, nếu không hơn, chắc chắn không thua gì các nước dân chủ Tây phương.

Đài Loan là câu trả lời dứt khoát cho những người rêu rao rằng dân chủ là một mô hình của Tây phương, không thích hợp với các “giá trị tinh thần” của Đông phương, và xây dựng nhanh chóng một mô hình chính trị mà Tây phương đã bỏ ra hàng thế kỷ để thực hiện chỉ đưa tới hỗn loạn.

Đài Loan không những là một chế độ dân chủ kiểu mẫu, còn thực hiện những cải cách xã hội mà nhiều nước Tây phương tân tiến nhất chưa làm nổi, thí dụ công nhận hôn nhân đồng tính, tôn trọng nam nữ bình quyền, tới mức đưa một phụ nữ lên ngồi ghế tổng thống.

Đài Loan, một hòn đảo với 23 triệu dân, cũng phủ nhận lập luận cho rằng muốn thịnh vượng, một quốc gia nhỏ không có mô hình nào khác hơn là Singapore, dân chủ nửa vời, tự do về kinh tế nhưng độc tài chính trị, hy sinh tự do cá nhân cho phát triển kinh tế.

Tóm lại, Đài Loan của bà Thái Anh Văn  cho thế giới nhiều bài học. Đặc biệt là bài học cho tập đoàn cầm quyền Việt Nam, không ngớt bào chữa cho thái độ và tư cách điếu đóm đối với Trung Cộng, với lý luận: một nước nhỏ, có một nước láng giềng mạnh, hung bạo như Tàu phải biết chịu nhục, luồn cúi, triều cống để sống còn.

Đài Loan, trước khi trở thành một trung tâm kinh tế thế giới, chỉ là một hòn đảo cho dân chài lưới tránh bão.

Năm 1949, Tưởng Giới Thạch cầm đầu Quốc Dân Đảng chống Mao Trạch Đông thất trận. Tưởng mang tàn quân chạy qua Đài Loan. Từ 70 năm nay, Đài Loan tồn tại như một quốc gia với quốc kỳ riêng, quân đội riêng, tiền bạc riêng và trở thành một quốc gia hùng mạnh khiến Trung Cộng không xâm chiếm nổi, mặc dù chỉ cách Tàu 180 cây số.

Hai quốc gia đối nghịch, nhưng cả hai đều là những chế độ độc tài, một bên là độc tài khát máu Cộng Sản, một bên là độc tài chống Cộng.

Chỉ từ 1990, trong khi Trung Cộng càng ngày càng độc tài, Đài Loan thoát xác, lựa con đường dân chủ. Và phép lạ, chỉ trong trên hai thập niên, một hòn đảo 23 triệu người đã trở thành một quốc gia dân chủ kiểu mẫu, kiêu hãnh sống bên cạnh một nước độc tài 1 tỷ rưỡi nhân mạng

Nhiều quốc gia, đứng đầu là Hoa Kỳ, đã chính thức chào và mừng bà Thái Anh Văn và chúc bà thành công trong nghĩa vụ đã đặt ra, mặc dù không có liên hệ ngoại giao với Đài Loan. Hiện nay, chỉ có 16 quốc gia nhìn nhận Đài Loan, ở Âu Châu chỉ có Vatican, vì Trung Cộng chỉ tái lập ngoại giao với những nước chấp nhận một Trung Quốc duy nhất.

Những lời chúc mừng ngoài khuôn khổ ngoại giao là dấu hiệu của sự kính trọng đối với thái độ, lập trường can đảm, bất khuất của bà tân tổng thống. Người ta nghĩ tiếng nói của bà Thái Anh Văn sẽ gây thêm trở ngại cho Trung Cộng ở Biển Đông, mặc dù Đài Loan không phải là thành viên của ASEAN.

Một cách trớ trêu, buồn tủi: Người Việt Nam yêu tự do cảm phục bà tổng thống Đài Loan, bởi vì bà là hình ảnh đối nghịch với những nhân vật lãnh đạo đất nước, từ lối sống, tư cách lẫn chính sách đối với ngoại bang. (Từ Thức)

Chặn lây lan virus gây bệnh, Trung Quốc ngưng các chuyến bay, tàu hỏa ra khỏi Vũ Hán

BẮC KINH, Trung Quốc (AP) – Nguồn tin từ giới truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng thành phố Vũ Hán (Wuhan) đã ngưng các chuyến bay và tàu hỏa ra khỏi thành phố này, để ngăn không lan rộng loại virus gây bệnh sưng phổi nguy hiểm, khiến 17 người chết và hàng trăm người bị bệnh cho tới nay.

Bản tin của Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn nhà nước Trung Quốc, hôm Thứ Năm, 22 Tháng Giêng, cũng nói rằng giới chức thành phố cũng kêu gọi người dân không ra khỏi Vũ Hán nếu không có việc gì cần kíp.

Tuy nhiên, tờ báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc, lại cho thấy vấn đề có vẻ trầm trọng hơn khi gởi tweet ra nói rằng không một ai được ra khỏi thành phố bắt đầu từ 10 giờ sáng ngày Thứ Năm, các nhà ga xe lửa, phi trường đều sẽ đóng cửa.

Tờ Nhân Dân nói rằng các xe buýt, xe điện và xe chuyên chở đường dài cũng tạm thời phải ngưng hoạt động, theo giới chức thành phố Vũ Hán.

Nhân viên y tế đo thân nhiệt hành khách tại nhà ga xe lửa ở thành phố Nam Xương thuộc tỉnh Giang Tây. (Hình: Chinatopix via AP)

Tại Geneva, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) nói họ chưa thể quyết định là có nên gọi tình trạng hiện nay là vấn đề y tế khẩn trương toàn cầu hay không và yêu cầu các thành viên trong một ủy ban chuyên môn về vấn đề virus này hãy tiếp tục họp thêm một ngày nữa trong ngày Thứ Năm.

WHO định nghĩa khẩn trương toàn cầu là sự kiện “vô cùng bất thường,” được coi là mối đe dọa cho các quốc  gia khác và đòi hỏi phải có phản ứng được phối hợp của cả thế giới.

Giới chức y tế Trung Quốc kêu gọi người dân ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc (Hubei) hãy tránh các nơi tập trung đông người, nói rằng virus mới, vốn đã làm hơn 400 người mắc bệnh và ít nhất 17 người thiệt mạng, có thể còn lan rộng hơn nữa.

Li Bin, phó giám đốc Ủy Ban Y Tế Quốc Gia Trung Quốc, nói rằng đã xảy ra một số trường hợp lây lan từ người sang người, có thể là qua đường hô hấp.

Giới hữu trách ở Thái Lan hôm Thứ Tư xác nhận có bốn trường hợp bệnh, gồm một công dân Thái và ba du khách người Trung Quốc. Các quốc gia Nhật, Nam Hàn, Mỹ và Đài Loan, mỗi nơi loan báo có một trường hợp bệnh. Tất cả các bệnh nhân đều là người từ Vũ Hán hoặc đến nơi này trong thời gian gần đây.  (V.Giang)

17 người chết vì virus Corona, Trung Quốc khuyến cáo không đến Vũ Hán

Chính quyền Trung Quốc đã khuyến cáo người dân không đi đến và ra khỏi thành phố Vũ Hán, nơi bùng phát dịch viêm phổi mới khiến 17 người chết tính đến nay.

 

 

Ông Nguyễn Phú Trọng tái xuất hiện, ‘nhét chữ vào mồm nhân dân’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 22 Tháng Giêng, Thông Tấn Xã Việt Nam đăng hình ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, chủ tịch nước CSVN, xuất hiện trong cuộc gặp mặt, chúc Tết các cựu lãnh đạo đảng và nhà nước, Mặt Trận Tổ Quốc. Vài ngày trước, mạng xã hội râm ran tin đồn ông Trọng lại bị đột quỵ và đang phải nhập viện 108, nhưng tin này sau đó được ghi nhận không xác thực.

Trong bài phát biểu dài được tờ báo dẫn lại, ông Trọng nhận định rằng “đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên” cũng như bày tỏ hy vọng Việt Nam trong năm Canh Tý 2020 “sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa.”

Trước đó, bài phỏng vấn ông Trọng đăng trên báo Quân Đội Nhân Dân hôm 20 Tháng Giêng gây nhiều bàn luận trên mạng xã hội vì ông này nói: “Có lẽ hiếm có dân tộc nào trên thế giới khi nói đến đảng cầm quyền, nhân dân lại dành cho một sự trân trọng, tự hào, yêu thương như dân tộc Việt Nam đối với đảng CSVN.”

Luật Sư Đặng Đình Mạnh ở Sài Gòn bình luận trên trang cá nhân: “Một cuộc trưng cầu dân ý minh bạch hoặc một cuộc bầu cử tự do sẽ giúp chứng minh lời nói của ông tổng bí thư. Cơ sở pháp lý cho một trong hai lựa chọn trên đã có sẵn. Nếu tự tin, thì chẳng có gì khiến chế độ phải ngần ngại chứng minh bằng các phương cách văn minh ấy, và dường như, công chúng cũng đã rất sẵn sàng cho một cuộc biểu thị dân ý hợp pháp, ôn hòa.”

Ông Nguyễn Phú Trọng “chân đi không vững” trong clip truyền hình của đảng hồi cuối Tháng Mười, 2019. (Hình chụp qua màn hình)

Cùng thời điểm, Facebooker Phạm Minh Vũ, người thường đưa tin về giới đấu tranh, chỉ trích trên trang cá nhân rằng ông Trọng “với tư cách một vị lãnh tụ đảng mà nhìn nhận như thế là quá phiến diện, lố bịch, sai trái và hoàn toàn vu khống, nhét chữ vào mồm nhân dân.”

Tuy vậy, việc lãnh đạo CSVN mạnh miệng “nói thay” cho suy nghĩ của người dân về đảng và sự lãnh đạo của đảng là điều khá phổ biến. Báo điện tử Chính Phủ [CSVN] hôm 30 Tháng Mười Hai, 2019, dẫn lời ông Trương Hòa Bình, phó thủ tướng thường trực: “Cơ đồ đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày hôm nay” để ca ngợi “thành quả dẫn dắt” của đảng.

Điều kỳ lạ là giới chức CSVN đang tự cho mình quyền quyết định khái niệm “nhân dân” là từ chỉ dành cho những người “chấp hành chủ trương, đường lối của đảng,” còn những nhân vật bất đồng, chỉ trích hoặc dân oan mất đất thì không còn được xem là “dân,” thậm chí bị báo nhà nước bêu riếu là “đối tượng chống đối.”

Trong đợt khủng hoảng truyền thông về vụ tấn công Đồng Tâm, Ban Tuyên Giáo cũng lệnh cho các báo dán nhãn gia đình ông Lê Đình Kình “mạo danh người dân Đồng Tâm” và tuyên truyền rằng “đa số người dân Đồng Tâm chấp hành, ủng hộ [chủ trương của đảng về việc thu hồi đất], chỉ có một bộ phận nhỏ phản đối.” (N.H.K)

Rạp Nguyễn Văn Hảo năm xưa với những cái Tết tưng bừng

Trong khoảng 15 năm tính từ đầu thập niên 1950 dài đến giữa thập niên 1960, cứ đến Tết Nguyên Đán là rạp Nguyễn Văn Hảo lại tưng bừng náo nhiệt, khán giả đi coi không còn chỗ đứng.

Đây là rạp hát cải lương được coi như lớn nhất ở đô thành Sài Gòn thời bấy giờ, nên giới nghệ sĩ đã gọi là “hàng không mẫu hạm” Nguyễn Văn Hảo. Rạp có ba tầng lầu, khán giả hạng “cá kèo” ngồi ở tầng ba, ghế như chiếc băng dài uốn cong từ trái sang phải chứ không có ngăn riêng biệt nên tha hồ mà chen lấn giành chỗ ngồi.

Ở lầu ba này khán giả hạng đứng, họ đứng nghẹt không còn chỗ trống. Hạng đứng là hạng không có vé, chỉ cần đến cửa rạp đưa tiền (ngang với giá vé ngồi hạng ba) là đi vô. Ở tại cửa có cái thùng bỏ tiền khán giả không có vé gọi là “thùng tiền cửa.”

Các gánh hát hạng “B” ngày thường đã khó về đây rồi, huống chi là ngày Tết. Chỉ có các gánh đại ban hạng “A” như Thanh Minh Thanh Nga, Hoa Sen, Kim Chưởng, Kim Thanh, Thống Nhứt (Út Trà Ôn) thì hầu như chia nhau hát Tết ở rạp này.

Rạp nằm ở vị trí quá thuận lợi cho vấn đề khai thác thương mại ở lãnh vực cải lương, khó có rạp nào sánh được. Bởi vì trước mặt tiền là đại lộ Galiéni (Trần Hưng Đạo sau này); mặt sau là đường Bảo Hộ Thoại (Bùi Viện); bên phải là đường Dixmute (Đề Thám); bên trái ngó xéo qua là đường Kitchener (Nguyễn Thái Học). Sở dĩ chúng tôi ghi tên đường thời kỳ trước Hiệp Định Genève 1954 (tên Pháp) là muốn những ai là khán giả của thời ấy hình dung lại ký ức của ngày xưa.

Rạp nằm ở vị trí trên, có thể đón nhận khán giả từ miền Lục Tỉnh, họ đi ghe thương hồ cập bến sông Cầu Ông Lãnh. Trong thời gian đậu tại bến chờ lên hàng, tối đến thì giải trí của họ là đi coi hát cải lương, cùng với bạn hàng mua bán ở Chợ Cầu Muối, cũng có thể đi bộ đến rạp hát rất gần. Nếu khán giả ở về phía bến xe đò Lục Tỉnh đường Genéral Marchant (Nguyễn Cư Trinh) họ cũng đi bộ đến rạp chẳng bao xa.

Ngoài ra còn khán giả ở xóm Sáu Lèo đường Bùi Viện cạnh bên thôi. Xóm Sáu Lèo thời thập niên 1930 là đất trống, đầm lầy, cỏ mọc hoang, dân miền Tây lên đây cất nhà lá ở tạm lánh nạn chiến tranh, rồi dần dần định cư luôn.

Dân ở xóm Sáu Lèo rất mặn mà với cải lương, là khán giả thường xuyên của rạp Nguyễn Văn Hảo, cứ Tết đến là đổ ra đường, đi đứng chật các con đường phía trước, phía sau rạp, gần như là họ ăn Tết quanh rạp hát vậy.

Lúc đương thời này, phía sau rạp Nguyễn Văn Hảo có cái ngã tư đường Đề Thám-Bùi Viện là nơi tập trung giới nghệ sĩ, và giới này đã đặt tên là “Ngã Tư Quốc Tế.” Người ta muốn biết đoàn hát nào đang hoạt động ở đâu, ở tỉnh nào, kể cả ở ngoài miền Trung hay vùng Cao Nguyên Trung Phần thì cứ lại đây thì biết. Hoặc các gánh hát đang ở xa thiếu đào kép, cứ về đây tuyển mộ là có. Năm 1965 trở đi giới cải lương bỏ “Ngã Tư Quốc Tế,” chuyển qua bên hông rạp Quốc Thanh.

Đến khoảng 1966, rạp Nguyễn Văn Hảo mất đi danh hiệu “hàng không mẫu hạm,” không ai gọi nữa, bởi vì có hai rạp lớn hơn mới ra đời là Quốc Thanh và Hưng Đạo cũng ở gần đó. Thời điểm này cải lương đã đi xuống, không còn rầm rộ như thời gian 15 năm như đã nói ở trên. Đó là do phim Tàu nhập cảng tràn ngập, khán giả cải lương chuyển sang coi phim Tàu nên quen dần. Cải lương mất khán giả, hát ế phải thu hẹp hoạt động.

Câu nói nhân gian “đã nghèo còn mắc cái eo” đối với cải lương thời này chẳng sai vậy. Rạp Nguyễn Văn Hảo sau mấy chục năm gắn bó với cải lương, giờ đây lại chia tay từ giã bộ môn nghệ thuật sân khấu, rạp đã sửa sang lại cho chiếu phim Tàu.

Trong khi đó rạp Thành Xương ở cạnh Đình Cầu Quan, gần hàng rào tường nhà ga xe lửa, suốt mấy chục năm sống chết với cải lương, giờ đây cũng theo chân Nguyễn Văn Hảo “bái bai” cải lương, không luyến tiếc, đổi tên rạp là Diên Hồng rước Chú Ba kiếm hiệp vào.

Ngày nay “hàng không mẫu hạm” Nguyễn Văn Hảo đã không còn những cái Tết tưng bừng tràn đầy sức sống. Có còn chăng là trong ký ức giới cải lương, của thị dân Sài Gòn và của khách thương hồ xuôi ngược miền Tây sông nước. (Ngành Mai)


Đờn ca tài tử sinh hoạt vào Thứ Năm hằng tuần

Đờn ca tài tử hải ngoại sẽ sinh hoạt vào mỗi Thứ Năm hằng tuần, lúc 6 giờ chiều tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.

Ban tổ chức xin thông báo với tất cả giai nhân tài tử từng tham gia sinh hoạt thời gian qua, cũng như người tài tử ở các tiểu bang Hoa Kỳ về Nam California đến tham dự. Đồng thời cũng mời bà con mộ điệu. Vào cửa miễn phí.

Theo truyền thống tài tử thì những ai có đờn cổ nhạc bất cứ loại gì thì cứ mang đến để cùng hòa điệu tiếng tơ. Và những người biết ca cổ nhạc dù ít, ban tổ chức cũng mời lên ca chứ không phân biệt gì cả.


 

Điện thoại của ông chủ Amazon bị thái tử Saudi Arabia ‘hack’

DUBAI, United Arab Emirates (AP) – Điện thoại của nhà tỉ phú Hoa Kỳ, người sáng lập công ty Amazon và cũng là chủ tờ báo Washington Post, ông Jeff Bezos, bị “hack” sau khi nhận được một đoạn video gửi ra từ Thái Tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, theo các chuyên gia Liên Hiệp Quốc hôm Thứ Tư, 22 Tháng Giêng.

Các chuyên gia này kêu gọi có cuộc “điều tra ngay lập tức” của chính phủ Hoa Kỳ và các quốc gia khác về các dữ kiện mà họ có được, theo đó cho thấy rằng điện thoại của ông Bezos bị “hack” sau khi nhận được một đoạn video dưới dạng MP4, gửi từ tài khoản WhatsApp của bin Salman.

Ông Bezos tiết lộ việc bị hack ra trước công chúng, cáo buộc rằng bị tạp chí “lá cải” National Enquirer đòi tiền, nếu không sẽ bị tiết lộ ảnh nhạy cảm của cá nhân ông cũng như các tin nhắn về mối quan hệ của ông với một phụ nữ khác, trong lúc ông chưa chính thức ly dị bà vợ cũ.

Ông Bezos thuê người điều tra về việc máy điện thoại bị “hack” và toàn bộ chi tiết được chuyển cho các chuyên gia Liên Hiệp Quốc, vốn cũng đi đến kết luận rằng nhiều phần việc xâm nhập xảy ra sau khi ông Bezos mở đoạn video này ra xem.

Nhân vật đối lập với chế độ Saudi Arabia và cũng là một cộng tác viên với tờ Washington Post, ông Jamal Khashoggi đã bị các nhân viên an ninh của Saudi Arabia giết rồi thủ tiêu thi thể bên trong tòa lãnh sự Saudi ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi Tháng Mười cùng năm. Tờ Washington Post có các bài viết mạnh mẽ chỉ trích chính quyền Saudi Arabia sau khi ông Khashoggi bị giết.

“Các tin tức mà chúng tôi có được cho thấy có thể có sự dính líu của Thái Tử bin Salman trong việc theo dõi ông Bezos để ảnh hưởng, nếu không muốn nói là buộc ông phải chấm dứt các tường thuật của tờ The Washington Post về  Saudi Arabia,” theo lời các chuyên gia Liên Hiệp Quốc. (V.Giang)

17 người chết vì virus Corona

Điểm tin trong ngày 22/01/2020:
-17 người chết vì virus Corona
-Thượng Viện thông qua các quy định xét xử luận tội TT Trump
-Tổng tham mưu quân đội Việt Nam ‘hớ’ tin đặt Nga đóng thêm chiến hạm
-Cả vạn người vật vờ ở phi trường Tân Sơn Nhất chờ về quê ăn Tết

Hàng ngàn người vật vờ ở Tân Sơn Nhất chờ về quê ăn Tết

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Ngày 28 Tết, cả chục ngàn hành khách chờ đợi vật vờ nhiều giờ đồng hồ ở Tân Sơn Nhất để trở về quê đón Tết.

Theo báo Giao Thông, trưa 22 Tháng Giêng, 2020 (tức 28 Tết), phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất trở nên ngột ngạt. Hàng chục ngàn người xếp hàng từ ngoài vào trong khu vực check in để chở làm thủ tục.

Tại khu vực ngồi chờ của các hãng hàng không chen kín người. Các kios check-in online cũng có đông hành khách liên tục ra vào làm thủ tục.

Nhiều người đến sớm cả nửa ngày trời vì sợ kẹt đường hoặc các hãng thay đổi chuyến bay… Anh Nguyễn Văn Cường cùng với bạn ra phi trường từ 1 giờ trưa dù chuyến bay của anh là 7 giờ tối: “Tết nên mình sợ tắc đường ra trễ nên phải đi sớm. Ngày Tết ở đâu cũng hay tắc đường nên mình đi sớm cho chắc.”

Hành khách tận dụng bất cứ chỗ nào có thể ngồi nghỉ ngơi. (Hình: Duy Anh/Zing)

Tranh thủ chưa tới giờ bay, hành khách tận dụng bất cứ chỗ nào có thể ngồi nghỉ ngơi. Khi các cửa hàng ăn uống hết chỗ, họ đành ngồi sát bên ngoài. Nhiều người thậm chí ngủ ngon lành ngay trên sàn.

Tại khu vực làm thủ tục của Vietnam Airlines, Jetstar, Bamboo, hàng ngàn người xếp hàng từ ngoài sảnh rồng rắn vào đến bên trong. Ở khu vực của Vietjet, mặc dù có khu vực check in riêng, nhưng lượng hành khách tập trung quá đông khiến nơi này trở nên ngột ngạt.

Hành khách sau khi làm thủ tục đều nhanh chóng vào khu vực cách ly. Tuy nhiên, phía bên trong là một biển người nằm, ngồi la liệt chờ chuyến bay. Nhiều chuyến bay vẫn tiếp tục chậm trễ do quá tải trên đường băng, máy bay về không kịp. Có chuyến bay đã chủ động thông báo cho hành khách trễ bảy tiếng đồng hồ so với giờ đã ghi trong vé.

Và ngủ vội vì phải đợi quá lâu nên mệt mỏi. (Hình: Ngô Bình/Tiền Phong)

Báo Tiền Phong tường thuật do số lượng hành khách quá đông, các dãy ghế đợi không đủ khiến người dân phải ngồi vật vờ dưới nền nhà ga.

Nhiều người chuẩn bị đồ ăn, nước uống từ nhà, sẵn sàng cho việc phải chờ đợi. “Đồ ăn trong phi trường mắc nên tôi mang thức ăn theo cho tiết kiệm lại đảm bảo vệ sinh,” hành khách tên Thanh nói với báo Zing.

Theo thông tin từ Cảng Hàng Không Quốc Tế Tân Sơn Nhất, trong ngày 22 Tháng Giêng, có khoảng 965 lượt máy bay cất hạ cánh với số lượng hành khách ước tính đạt 152,470 lượt. Đây cũng là ngày cao điểm nhất trong dịp Tết Canh Tý 2020 tại phi trường này. (Tr.N)

Tổng tham mưu trưởng quân đội CSVN ‘hớ’ tin mua thêm chiến hạm từ Nga

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tổng giám đốc Tập Đoàn Đóng Tàu Ak Bars, Cộng Hòa Tatarstan (Nga) phản bác tin cho rằng Việt Nam đặt đóng cặp chiến hạm Gepard 3.9 thứ ba và cho đến giờ “vẫn chưa có động tĩnh gì.”

Theo báo Đất Việt, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, Thượng Tướng Phan Văn Giang, tổng tham mưu trưởng, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, CSVN cho biết: “Trong khoảng năm năm tới, Việt Nam có thể chưa mua thêm tàu ngầm, nhưng tàu mặt nước thì sẽ tiếp tục được bổ sung. Hải Quân Việt Nam hiện nay được đánh giá là hiện đại nhất ASEAN.”

“Với lực lượng tàu mặt nước, theo thông tin từ phía Nga, Việt Nam đã có ý định nghiêm túc và sắp tiến tới ký hợp đồng chính thức để đóng cặp chiến hạm Gepard 3.9 thứ ba với ‘vũ khí mạnh hơn.’ Ngoài ra, dự án Molniya 1241.8 cũng đang trong giai đoạn đàm phán để chế tạo thêm.”

“Bên cạnh đó, một nguồn bổ sung tàu mặt nước nữa cho Hải Quân Việt Nam chính là nhận viện trợ từ ngoại quốc mà cụ thể ở đây là Hải Quân Nam Hàn, khi sắp tới nước này sẽ loại biên thêm nhiều tàu hộ vệ lớp Pohang và Ulsan để trao tặng đối tác chiến lược.”


Hải Quân CSVN tự cho là đang có đội tàu ngầm lớn và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. (Hình: Tùng Dương/Đất Việt)

Thế nhưng, báo Thanh Niên dẫn tin từ trang RealTime (Nga) ngày 17 Tháng Giêng, 2020, cho hay ông Renat Mistakhov, tổng giám đốc Tập Đoàn Đóng Tàu Ak Bars, cho biết việc đặt đóng thêm hai chiến hạm Gepard 3.9 cho Hải Quân Việt Nam vẫn chưa có đàm phán nào thêm, và tất cả đều rơi vào “im lặng.”

“Dĩ nhiên là trên truyền hình có đưa tin về việc đặt đóng hai chiếc Gepard thứ ba, chúng tôi hy vọng nếu họ mời thì chúng tôi sẽ thực hiện. Tuy nhiên đến nay vẫn không có đơn đặt hàng nào từ quốc gia ASEAN, chỉ có sự im lặng,” ông Mistakhov nói.

Ak Bars là tập đoàn làm chủ Nhà Máy Đóng Tàu Gorky ở Zelenodolsk (Cộng Hòa Tatarstan, Nga), nơi chuyên đóng các tàu tên lửa và đã đóng bốn chiến hạm Gepard 3.9 cho Việt Nam.

Trước đó, báo chí Nga cho hay trong chuyến thăm và làm việc của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc Hội CSVN với tổng thống Cộng Hòa Tatarstan hồi Tháng Mười Hai, 2019, truyền hình Tatarstan đưa tin “hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc Việt Nam đặt đóng thêm cặp chiến hạm Gepard 3.9 thứ 3.”

Tuy nhiên, các nguồn tin công nghiệp quốc phòng Nga cho hay việc đàm phán đặt đóng thêm chiến hạm Gepard thực tế đã chấm dứt sau thời gian kéo dài hơn hai năm, kể từ khi Việt Nam nhận cặp chiến hạm thứ hai.

Lý do của việc ngừng đàm phán này, theo các chuyên gia Nga là do cặp chiến hạm Gepard thứ ba “sẽ không được trang bị động cơ turbin khí như bốn chiếc trước đó, do loại động cơ này Nga vẫn chưa thể sản xuất được mà phụ thuộc nguồn cung từ Ukraine.”

Theo đó, kể từ sau khi Nga chiếm bán đảo Crimea, chính quyền Ukraine đã ngưng cung cấp động cơ turbin khí khiến ngành đóng tàu Nga lao đao. Cặp chiến hạm Gepard thứ hai của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng từ sự việc này, khiến thời gian giao tàu trễ gần hai năm.

Ngoài ra, ông Frolov nhận định, Việt Nam không chuộng đặt đóng thêm chiến hạm Gepard còn do lớp tàu này được phát triển từ “Dự Án Tàu Tuần Tra 11661” vào những năm 1980, và lớp tàu này đã được khai thác nhiều thông qua việc sản xuất đến sáu chiếc (hai chiếc thuộc Hải Đội Caspi và bốn chiếc của Hải Quân CSVN).

Theo các chuyên gia, tàu 11664 do dựa trên thiết kế của Gepard 3.9 có từ những năm 1980 rõ ràng không bằng các tàu hỏa tiễn lớp 20380 và 20385 mà các nhà máy đóng tàu Severnaya Verf và Amur (tại St.Petersburg, Nga) đang đóng cho Hải Quân Nga, với kích cỡ tương đương nhưng thiết kế thiên về tàng hình và có hệ thống phòng không Redut hiện đại (12-16 ống phóng thẳng đứng, tầm bắn từ 30 đến 150 cây số).

Chiến hạm lớp 11664 mà Việt Nam định đặt mua “vẫn yếu về phòng không như tàu Gepard 3.9 khi chỉ trang bị hệ thống pháo, hỏa tiễn tầm gần Palma chỉ có thể chống được UAV hay máy bay, hỏa tiễn hành trình riêng lẻ chứ không chống được cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hàng loạt.” (Tr.N)

Tin mới cập nhật