Thursday, May 2, 2024

Mỹ sẽ giới hạn visa đối với phụ nữ mang thai để tránh ‘du lịch sinh con’

WASHINGTON, D.C. (AP) – Chính phủ của Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư, 22 Tháng Giêng, dự trù sẽ công bố các giới hạn mới về việc cấp visa, nhằm ngăn chặn tình trạng “du lịch sinh con” (birth tourism) của các bà bầu đến Hoa Kỳ sinh con, để con của họ sau đó đương nhiên có được quốc tịch Mỹ.

Những người nộp đơn xin visa, nếu bị các giới chức tòa đại sứ hay lãnh sự coi là có ý định đến Hoa Kỳ chỉ nhằm mục đích sinh con, nay sẽ bị đưa vào thành phần người ngoại quốc tới Mỹ để trị bệnh, theo các hướng dẫn được Bộ Ngoại Giao Mỹ gửi ra hôm Thứ Tư.

Những người nộp đơn xin visa này sẽ phải chứng minh rằng họ sang Hoa Kỳ để trị bệnh và có đủ khả năng tài chánh để chi trả cho việc này.

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ dự trù sẽ công bố các quy định mới vào ngày Thứ Năm, theo hai giới chức thông thạo vấn đề này. Quy định mới sẽ có hiệu lực vào ngày Thứ Sáu.

Việc đến Hoa Kỳ để sinh con trên căn bản là điều hợp pháp, dù rằng đã có một số vụ giới hữu trách bắt những người điều hành đường dây du lịch sinh con, với lý do là gian lận visa hay trốn thuế.

Việc đưa ra các quy định mới về visa đối với các phụ nữ mang bầu là một cách để ngăn chặn tình trạng du lịch sinh con, tuy nhiên điều này cũng tạo ra các câu hỏi là làm cách nào mà nhân viên tòa đại sứ có thể biết là người nộp đơn có bầu, và liệu rằng tất cả các phụ nữ đều có thể bị giới chức ở biên giới không cho nhập cảnh chỉ vì nghi ngờ có bầu?

Các giới chức tòa đại sứ lúc này không phải hỏi trong cuộc phỏng vấn cấp visa là người phụ nữ có bầu hay không, hoặc có ý định mang bầu không. Tuy nhiên, họ sẽ phải có nhận định là người xin visa này có sẽ đến Hoa Kỳ với mục đích duy nhất là sinh con hay không.

Du lịch sinh con là một dịch vụ béo bở ở Hoa Kỳ cũng như thành phần môi giới ở các quốc gia khác.

Có nhiều công ty đã quảng cáo và ra giá cho dịch vụ của họ, có khi lên tới $80,000, để lo đủ mọi thứ từ nơi ở cho đến việc săn sóc sức khỏe thai phụ.

Hiện chưa có con số rõ rệt là có bao nhiêu phụ nữ ngoại quốc đến Hoa Kỳ chỉ để sinh con. (V.Giang)

Luận tội TT Trump: Hạ Viện kêu gọi Thượng Viện ‘bảo vệ nền dân chủ Mỹ’

WASHINGTON, D.C. (AP) – Các công tố viên phía đảng Dân Chủ tại Hạ Viện hôm Thứ Tư, 22 Tháng Giêng, khởi sự phần trình bày lập luận cáo buộc trong phiên luận tội Tổng Thống Donald Trump trước các thượng nghị sĩ Thượng Viện, kêu gọi phía Cộng Hòa, đang ở thế đa số, hãy bỏ phiếu đưa ông Trump ra khỏi Tòa Bạch Ốc, để “bảo vệ nền dân chủ của chúng ta.”

Dân Biểu Adam Schiff (Dân Chủ, California), chủ tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện, cũng là công tố viên chính, đã có phần phát biểu kéo dài hơn hai giờ đồng hồ, đưa ra các lý luận chính về việc phải bãi nhiệm Tổng Thống Donald Trump.

Ông Schiff nói Tổng Thống Trump đã có “âm mưu xấu xa” để lạm dụng quyền hạn tổng thống và sau đó làm đủ mọi cách để cản trở cuộc điều tra của Quốc Hội.

Ông Schiff kêu gọi các thượng nghị sĩ đừng coi thường cuộc luận tội, nhắc cho họ nhớ về ý định của các Tổ Phụ Lập Quốc (Founding Fathers).

Theo ông Schiff, các Tổ Phụ Lập Quốc “lo ngại rằng một tổng thống có thể phá hoại nền dân chủ của chúng ta qua việc lạm dụng quyền hạn lớn lao của chức vụ, cho quyền lợi cá nhân hay chính trị của ông ta. Do vậy họ bày ra phương cách để đối phó với tình trạng ghê gớm đó là tiến trình luận tội.”

Khó khăn mà ông Schiff cũng như các công tố viên Hạ Viện khác phải vượt qua không chỉ là thuyết phục được các thượng nghị sĩ trong phòng họp mà cũng là quần chúng Mỹ, hiện đang có sự chia rẽ rõ ràng.

Tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ sáng đèn vào buổi chiều tà. Các thượng nghị sĩ sẽ phải họp cho tới khuya trong thời gian có phiên luận tội. (Hình: Win McNamee/Getty Images)

Sau 12 giờ họp ngày hôm trước, kéo dài tới 2 giờ sáng, các thượng nghị sĩ hôm Thứ Tư tỏ ra bồn chồn, đứng ngồi không yên.

Tình trạng này thấy rõ ràng trong phần trình bày của Dân Biểu Jason Crow (Dân Chủ, Colorado), một cựu quân nhân, mới đắc cử vào Hạ Viện năm ngoái, và có nhiệm vụ nói về sự nguy hiểm của việc giữ lại viện trợ quân sự cho Ukraine trong lúc quốc gia này đang phải đối phó với sự đe dọa của Nga và thành phần dân quân ly khai được Nga hỗ trợ.

Có lúc trong khi ông Crow đang nói thì có khoảng hơn 10 thượng nghị sĩ rời khỏi ghế của họ, đứng ngáp dài ở phía sau.

Luật của Thượng Viện trong cuộc luận tội là các thượng nghị sĩ phải ngồi tại chỗ, giữ yên lặng và không được dùng điện thoại hay các phương tiện điện tử nào khác.

Trưởng Khối Đa Số Cộng Hòa tại Thượng Viện, Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell, nói rằng phiên họp sẽ tiếp tục đến 6 giờ 30 phút chiều giờ miền Đông Hoa Kỳ, để ăn tối, rồi sau đó lại họp tiếp.

Các công tố viên của Hạ Viện, nơi đảng Dân Chủ chiếm đa số, sẽ tiếp tục trình bày lập luận kết tội Tổng Thống Donald Trump của họ cho tới ngày Thứ Sáu. Các luật sư của Tổng Thống Donald Trump sau đó sẽ có ba ngày để đáp trả các lập luận cáo buộc này. (V.Giang)

Chánh Lục Sự Quận Cam mong phá kỷ lục làm lễ kết hôn ngày Valentine

WESTMINSTER, California (NV) – Chiều Thứ Tư, 22 Tháng Giêng, Chánh Lục Sự Quận Cam Hugh Nguyễn đến chúc Tết Canh Tý nhật báo Người Việt. Dịp này ông thông báo văn phòng ông sẽ thêm giờ làm việc, mở cửa đến 5 giờ 30 phút chiều trong ngày Lễ Tình Yêu, Thứ Sáu, 14 Tháng Hai (Valentine), thay vì đóng cửa.

Mục đích trong ngày này là mong phá kỷ lục của những năm trước đây về số người ghi danh làm lễ kết hôn.

“Văn phòng chúng tôi đang tìm cách để phá vỡ kỷ lục năm năm và khuyến khích những cặp tình nhân dự định kết hôn vào Tháng Giêng hoặc cuối Tháng Hai hãy xem xét việc làm lễ kết hôn ngay trong ngày Lễ Tình Yêu để giúp làm nên lịch sử cho văn phòng chúng tôi,” ông Hugh Nguyễn nói với nhật báo Người Việt.

“Các cặp tình nhân nên lấy hẹn trước để có thể giành chỗ cho ngày đặc biệt này. Xin vào trang nhà OCRecorder.com và lấy hẹn trên mạng, hoặc tải xuống ứng dụng di động có tên là OC Weddings,” ông hướng dẫn.

“Ngày Lễ Tình Yêu luôn luôn là một trong những ngày bận rộn và hạnh phúc nhất trong năm của văn phòng, vì vậy chúng tôi cố gắng làm cho ngày đó dễ dàng hơn cho những cặp tình nhân,” chánh lục sự gốc Việt nói. “Tôi rất háo hức và mong muốn phá vỡ kỷ lục của những năm trước cho ngày Lễ Tình Yêu và khuyến khích các cặp tình nhân tham gia và giúp chúng tôi làm nên lịch sử.”

Vì Lễ Tình Yêu năm nay rơi vào ngày Thứ Sáu và thêm giờ làm việc, văn phòng sẽ có khả năng phá kỷ lục của ngày Lễ Tình Yêu những năm trước. Kỷ lục năm 2014 là 266 cặp tình nhân kết hôn và 310 giấy phép được cấp trong một ngày. Ngày Lễ Tình Yêu vẫn tiếp tục là một trong những ngày bận rộn nhất trong năm cho văn phòng và năm nay sẽ không ngoại lệ.

“Một lý do khác để tham gia vào ngày đặc biệt này là vì văn phòng chúng tôi có chi phí thấp nhất cho giấy phép kết hôn và lễ kết hôn trong tiểu bang California. Riêng trong quận Cam, cặp tình nhân có thể lấy giấy phép kết hôn công khai với giá là $61, và giấy phép kết hôn kín với giá $66. Muốn thực hiện một lễ kết hôn dân sự, chỉ phải trả thêm $28,” ông giải thích.

Trong ngày Lễ Tình Yêu sắp tới, các văn phòng trong thành phố Anaheim, Laguna Hills và tại Tòa Án Cũ (Old County Courthouse) ở Santa Ana sẽ thêm thời gian làm việc. Thay vì đóng cửa theo thường lệ, văn phòng sẽ mở đến 5 giờ 30 phút chiều trong ngày đó để cấp giấy phép kết hôn và làm lễ cưới.

Lưu ý văn phòng tại địa điểm Westminster chỉ cấp giấy phép kết hôn và sẽ không thực hiện các nghi lễ kết hôn. Địa điểm Westminster sẽ đóng cửa vào lúc 4 giờ 30 phút chiều. Để tiết kiệm thời gian, đơn xin phép kết hôn có thể hoàn thành trên trang nhà OCRecorder.com và trên ứng dụng di động OC Weddings, trước khi đến văn phòng. Để biết thêm chi tiết, xin gọi (714) 834-2500.

Cùng tháp tùng phái đoàn có anh Billy Lê, một khuôn mặt quen thuộc, phụ trách giao tế cộng đồng. (Nguyễn Việt Linh)

Tai nạn xe trượt tuyết ở Quebec: Hướng dẫn viên thiệt mạng, 5 du khách mất tích

TORONTO, Canada (NV) – Một hướng dẫn viên du lịch thiệt mạng và 5 du khách người Pháp mất tích khi một nhóm người đi ngoạn cảnh bằng xe trượt tuyết (snowmobile) đâm xuống hồ nước đóng băng Lac-Saint-Jean ở Québec vào tối ngày Thứ Ba, 21 Tháng Giêng, theo tin cảnh sát.

Hãng thông tấn Reuters trích lời cảnh sát Canada cho biết qua Twitter hôm Thứ Tư, có 8 du khách Pháp, cùng người hướng dẫn viên, đã dùng xe trượt tuyết đi ngoạn cảnh gần St-Henri-de-Taillon thì tai nạn xảy ra.

Cảnh sát nói rằng nhóm người này không đi theo con đường đã được đánh dấu dành cho xe trượt tuyết và chạy vào khu vực băng mỏng gần Lac-Saint-Jean, sau đó xe của họ xuyên thủng băng đá, rơi xuống nước.

Có ba người trong đoàn lái lên bờ được và chạy tìm nơi gọi cấp cứu. Cả 3 người này hiện đang được điều trị tại một bệnh viện ở Alma.

Lời cầu cứu được chuyển đi lúc khoảng 19 giờ 30 phút, giờ địa phương, tại một cửa tiệm ở thành phố Saint-Henri-de-Taillon, nằm cách thành phố Quebec chừng 225 km (khoảng 140 dặm) về phía Bắc, theo lời phát ngôn viên của cảnh sát Sûreté du Québec, ông Hugues Beaulieu.

Cảnh sát và quân đội Canada được huy động để tìm kiếm các nạn nhân. Người hướng dẫn viên du lịch, 42 tuổi, được vớt lên và đưa vào bệnh viện. Các bác sĩ sau đó xác nhận nạn nhân đã tắt thở.

Hôm Thứ Tư, tám thợ lặn từ cảnh sát Sûreté du Québec và hai trực thăng được gởi tới để trợ giúp cuộc tìm kiếm, theo ông Beaulieu.

Ông Beaulieu cũng nói rằng việc 5 du khách mất tích có thể sống sót qua đêm trong nhiệt độ đóng băng là điều “có thể xảy ra nhưng rất khó.” (V.Giang)

Đọc sách ‘Yen Do and the Story of Nguoi Viet Daily News’

LTS: Trong những ngày cuối năm Âm Lịch, nhằm ôn lại một mảng sinh hoạt báo chí của cộng đồng Việt Nam trong quá khứ, mời quý độc giả đọc bài điểm cuốn sách “Yen Do and the Story of Nguoi Viet Daily News” của tác giả Jeffrey Brody, đã đăng trên tạp chí Thế Kỷ 21 số 169, Tháng Năm, 2003.

Tính đến năm 2003 thì chỉ còn hai năm nữa là tròn 30 năm người Việt Nam chính thức di dân đi cư trú ở nước ngoài sau khi miền Nam bị Cộng Sản chiếm đoạt vào Tháng Tư, 1975. Người Việt Nam chạy trốn Cộng Sản cư ngụ khắp nơi trên thế giới, nhưng Hoa Kỳ là nơi tập trung đông nhất và có lẽ thành công nhất về nhiều mặt. Một trong các thành tựu lớn của người Việt tại đây là báo chí Việt Ngữ, trong đó nhật báo Người Việt được xem là tờ báo tiếng Việt lớn nhất tại hải ngoại.

Tìm hiểu một tờ báo như thế từ bước đầu cho đến ngày nay kể ra là một việc thú vị và cần thiết, vì không ít thì nhiều tờ báo sẽ phản ảnh được đời sống vật chất, tinh thần, tình cảm của người Việt Nam trên bước đường tị nạn của mình, đồng thời cũng cho thấy những nỗi khó khăn cùng những kinh nghiệm của việc xây dựng một tờ báo đúng nghĩa bằng tiếng mẹ đẻ của những người bỗng dưng bị đẩy ra khỏi đất nước của mình để sống tại những phần đất xa lạ trên thế giới.

Tháng Tư năm nay đã xuất hiện một cuốn sách tìm hiểu tờ báo Người Việt và người sáng lập ra nó, nhưng lại do một người Mỹ thực hiện. Cuốn sách bằng tiếng Anh, nhan đề: “Yen Do and The Story of Nguoi Viet Daily News with Jeffrey Brody” (Đỗ Ngọc Yến và Câu Chuyện Về Nhật Báo Người Việt, do Jeffrey Brody thực hiện). “Thực hiện” đây có nghĩa là phỏng vấn, cuốn sách này ghi lại những cuộc trò chuyện giữa ký giả kiêm giáo sư về báo chí học (tại Đại Học Fullerton, Nam California) Jeffrey Brody với nhà báo Đỗ Ngọc Yến, người sáng lập ra tờ Người Việt từ năm 1978 và liên tục lèo lái, xây dựng nó từ một tờ tuần báo bốn trang đầu tiên sản xuất trong garage thành một nhật báo xuất bản bảy ngày một tuần, dày từ 30 đến ngoài 60 trang, và trong những ngày cao điểm số in đã lên đến gần 20,000 bản như ngày nay.

Đây là cuộc trò chuyện của hai người làm báo nhà nghề, họ có một mẫu số chung rất rõ rệt, cả hai đều hiểu biết sâu sắc những gì mình đang hỏi và đang trả lời. Đó là một thuận lợi lớn cho đối thoại. Hơn thế nữa, cuộc trao đổi này, ngoài khía cạnh nghề nghiệp còn ẩn chứa một vẻ gì như là “hữu tình ta lại gặp ta,” hay nói cách khác, một cuộc nói chuyện giữa hai người tri kỷ. Jeffrey Brody là người Mỹ, không lạ gì cái tính chất “hợp chủng” của quốc gia ông, và một lần nữa với tư cách nhà báo, ông nhìn vào sự hình thành của một cộng đồng mới trên đất nước của ông, và đặc biệt nhìn vào lịch sử của một tờ báo điển hình của cộng đồng ấy từ ngày phôi thai cho đến lúc trưởng thành.

Ông chia những gì thu thập được từ các cuộc phỏng vấn ra làm 18 chương, sắp xếp theo một trình tự để người đọc hiểu được “câu chuyện” có đầu có đuôi. Chương đầu tiên mang tên “Starting Nguoi Viet” – báo Người Việt lúc khởi nghiệp, dĩ nhiên là như thế, rồi từ đó câu chuyện kéo dài mấy mươi năm, với biết bao nhiêu là biến cố, là quan niệm, là vấn đề…

Người trả lời phỏng vấn đã tỏ ra có một trí nhớ tinh tường và có một lối trình bày thông minh và rất rõ rệt, đã lần lượt kể lại cuộc đời mình từ ngày đến Hoa Kỳ năm 1975, trong hai năm đầu đã làm mười công việc khác nhau ở mười địa điểm khác nhau, và sau cùng ý tưởng làm một tờ báo tiếng Việt đã đến với ông như thế nào. “Tôi nghĩ là phải làm một tờ báo tuần thông tin những gì xảy ra ở Việt Nam và những chuyện dính dáng đến đời sống hằng ngày của người tị nạn, từ việc lái xe trên xa lộ, mua bán tại siêu thị, hoặc là việc bầu cử, nói chung là mọi chuyện của cuộc sống mới.”

Và “mọi chuyện của cuộc sống mới” cũng có nghĩa là lịch sử của dân tị nạn. Qua những trang sách ngắn ngủi, ông Yến đã mô tả những nét đặc thù của tâm lý, tình huống và công cuộc xây dựng đời sống của người dân Việt tị nạn miền Nam California, và những trang sách đó sẽ là những viên gạch vững chắc để góp phần viết lịch sử cho người Việt ở nước ngoài sau này. Và tờ Người Việt, như một phần của lịch sử ấy, như một cái bóng của cuộc sống ấy, đã buồn vui với nó, và lớn mạnh với nó.

Với kiến thức uyên bác trong hầu như mọi lãnh vực, ông Yến đề cập đến quan niệm làm báo của người Việt Nam giữa xã hội Mỹ, sự tiến triển của việc dùng máy móc trong tờ Người Việt, việc phiên dịch từ ngữ trong khi viết bài vở (ví dụ một chi tiết thú vị: “dịch” cho cộng đồng Việt Nam tại Mỹ khác với dịch cho người Việt tại Việt Nam, nghĩa là có nhiều khi cứ… để nguyên con chữ Anh thì lại hóa ra hay hơn, người ta dễ hiểu hơn là dịch sang tiếng thuần Việt hoặc Hán Việt)…

Hay ho nhất là việc kiên trì thực hiện một tờ báo theo đúng nghĩa “tự do ngôn luận” của xứ Mỹ giữa một đối tượng độc giả còn xa lạ với ý niệm ấy, hơn nữa, lại là sản phẩm của cuộc chiến tranh lạnh mấy mươi năm trên xứ sở của mình, chỉ muốn thấy báo chí nói một chiều theo quan niệm chính trị mà mình thích. Ông Yến cũng nói rằng tờ Người Việt tổ chức theo mô thức của tờ Le Monde bên Pháp, nghĩa là không có “chủ nhân,” mà lãnh đạo do một tập thể người đồng chí hướng với nhau về việc làm báo cũng như một số quan niệm khác về đời sống và xã hội.

Cuốn sách này là một trang sử sống động và sâu sắc về sự thành hình một cộng đồng tị nạn và thành hình một tờ báo xứng đáng cho cộng đồng ấy. Từ 1975, lần đầu tiên người Việt Nam thiên di đi sống tại nhiều vùng đất trên thế giới, lần đầu tiên họ tự viết nên những trang sử hoàn toàn mới mà từ ngày lập quốc đến nay chưa từng có.

Nhiều cộng đồng Việt Nam vững chắc đã xuất hiện tại các nước khác nhau trên thế giới. Đối với một dân tộc, những bước chân khai phá đều là những bước chân anh hùng, đều mang hình ảnh “từ thuở mang gươm đi mở nước.” Khi lập nên những cộng đồng trên xứ người, tuy là ăn nhờ ở đậu, nhưng biết gìn giữ những giá trị văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán thì trong một nghĩa nào đó, cũng là “đi mở nước,” và những bước chân khai phá ấy đều đáng được coi là những bước chân anh hùng.

Quan niệm như thế, cuốn sách này là một thiên anh hùng ca, nói lên bằng tình cảm và trí tuệ sự gầy dựng một Việt Nam tại hải ngoại, bởi một người ngay từ giờ phút đầu đã không ngừng góp phần tích cực nhất của mình để một nếp sống Việt Nam ở xa đất nước được thành hình. (Phạm Xuân Đài)


Sách viết bằng Anh Ngữ, do Người Việt xuất bản, giá $14.95 (kể cả cước phí trong nước Mỹ)
Liên lạc, chi phiếu: Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, USA.
Điện thoại: (714) 892-9414


 

Đ/U Từ Đức Tài

Dân Biểu Lou Correa đưa Tết Việt Nam 2020 Canh Tý vào văn khố Hạ Viện Mỹ

WESTMINSTER, California (NV) – “Tết là thời gian rất huyền diệu ở Orange County, nhất là ở Little Saigon. New Year không chỉ riêng của người Trung Hoa mà còn của người Việt Nam nữa. Khi tôi đi chúc Tết, tôi cũng chúc mừng lịch sử và truyền thống của cộng đồng người Việt và những cống hiến của các bạn trong 45 năm qua.”

Dân Biểu Liên Bang Lou Correa, đại diện Địa Hạt 46 của Hạ Viện Hoa Kỳ và là chủ tịch Tiểu Ban Giao Thông và Hàng Hải Nội An Mỹ, nói như vậy khi đến chúc Tết nhật báo Người Việt vào sáng Thứ Tư, 22 Tháng Giêng, tức 28 Tết Canh Tý.

Giống như những quen biết chỉ gặp được nhau vào dịp Tết, bà con thường hay hoài niệm về những cái Tết xưa và nay, những câu chuyện trong nhà ngoài ngõ, ông Lou Correa cũng hoài niệm về lịch sử của người Mỹ gốc Việt khi sống và lớn lên ở vùng Orange County.

“Tôi học ở đại học California State University khoảng năm 1977, 1978 và một trong những người Việt tị nạn đầu tiên là bạn học cùng lớp với tôi,” ông chia sẻ thêm.

Dân Biểu Liên Bang Lou Correa (thứ hai, phải) tặng hoa và chứng từ mừng Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020 được lưu vào văn khố Hạ Viện Mỹ cho nhà báo Đỗ Tài Thắng (phải), tổng thư ký nhật báo Người Việt. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Đặc biệt năm nay, Dân Biểu Lou Correa đề cử Tết Việt Nam 2020 Canh Tý để lưu vào văn khố của Hạ Viện Mỹ. Ông trao tặng chứng từ lưu trữ này cho nhật báo Người Việt, cùng với nhiều cơ quan truyền thông người Việt khác trong cộng đồng.

Trong chứng từ này có ghi: “Năm mươi ngàn người Việt cũng như hơn 60 tổ chức sẽ hội tụ để ăn mừng Tết với thức ăn, ca nhạc, múa, và nhiều nhiều nữa. Họ bày tỏ lòng biết ơn đối với ông bà, những người đã hy sinh để con cháu có tương lai sáng hơn trong dịp mừng này. Và đây cũng là một cách mà cộng đồng bày tỏ lòng cảm ơn đối với nước Mỹ.”

Chứng từ được lưu trữ trong văn khố của Hạ Viện hôm Thứ Năm, 16 Tháng Giêng, 2020. (Titi Mary Trần)

Bà Nguyễn Thị Bảy

Virus Corona và nỗi lo đến từ Trung Quốc

Ít nhất 17 người chết và hơn 500 người đã nhiễm virus Corona gây dịch bệnh lây lan qua “đường hô hấp”. Nguy cơ nhiễm bệnh đang đe dọa hàng triệu người Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Hoa Kỳ và Việt Nam.

EU ‘muốn giúp CSVN điều tra độc lập’ vụ Đồng Tâm

BRUSSELS, Bỉ (NV) – Hôm 21 Tháng Giêng, Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế của Nghị Viện Châu Âu thông qua khuyến nghị phê chuẩn Hiệp Định Tự Do Thương Mại Việt Nam-Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA) và Hiệp Định Bảo Hộ Đầu Tư Việt Nam-Liên Hiệp Châu Âu (EVIPA).

Sau khi khuyến nghị được thông qua, hai hiệp định nêu trên dự trù sẽ được biểu quyết để phê chuẩn trong phiên họp toàn thể của Nghị Viện Châu Âu vào giữa Tháng Hai, 2020.

Hầu hết báo nhà nước Việt Nam đưa tin này theo chiều hướng EVFTA “được kỳ vọng là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam” nhưng không nhắc gì đến thông báo do Phái Đoàn Liên Minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam phát đi hôm 22 Tháng Giêng, trong đó đề cập vụ tấn công Đồng Tâm.

Theo văn bản này, trong cuộc gặp gần nhất với ông Bùi Thanh Sơn, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao CSVN, Đại Sứ EU Giorgio Aliberti “nhắc lại mối quan ngại sâu sắc của EU về sự kiện diễn ra ở xã Đồng Tâm và việc sử dụng bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào.”

“EU lấy làm tiếc về sự thương vong xảy ra trong cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người dân và yêu cầu tính minh bạch đầy đủ trong việc đánh giá nguyên nhân và bối cảnh của sự kiện. EU sẽ tiếp tục theo sát tình hình và sẵn sàng giúp đỡ chính quyền Việt Nam trong quá trình điều tra độc lập và minh bạch,” thông cáo của Phái Đoàn Liên Minh Châu Âu, viết.

Trước đó, tin cho hay, một phái đoàn ngoại giao của  Liên Minh Châu Âu và Canada, Úc, Mỹ… đã có cuộc gặp đại diện Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại chùa Giác Hoa ở Sài Gòn để tìm hiểu về tình hình nhân quyền tại Việt Nam hôm 16 Tháng Giêng.

Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc ghé thăm Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Cơ Động hôm 21 Tháng Giêng, sau khi lực lượng này được điều động tấn công Đồng Tâm. (Hình: Thông Tin Chính Phủ)

Thông cáo do Hội Đồng Liên Tôn phát đi nói vụ xung đột giữa công an và người dân ở xã Đồng Tâm, hôm 9 Tháng Giêng được đề cập trong cuộc gặp.

Trong một diễn biến khác, một nhóm gồm 12 người hoạt động vận động dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam vừa đòi hỏi cơ quan tư pháp khởi tố vụ án hình sự vụ sát hại ông Lê Đình Kình ở Đồng Tâm.

Bản phóng ảnh “Đơn tố giác tội phạm” được chia sẻ nhiều trên Facebook Chú Tễu hôm Thứ Ba, 21 Tháng Giêng, với chữ ký của 12 nhà hoạt động nhân quyền, đấu tranh dân chủ gồm ông Nguyễn Xuân Diện, Vũ Hùng, nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Chi, kiến trúc sư Trần Thanh Vân, bà Nguyễn Thúy Hạnh, ông Huỳnh Ngọc Chênh… gửi “Viện Kiểm Sát Nhân Dân” và “Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra” thành phố Hà Nội “tố giác hành vi vi phạm pháp luật hình sự” khi lực lượng võ trang của nhà cầm quyền bắn chết ông Lê Đình Kình.

Ở chiều ngược lại, đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy nhà cầm quyền CSVN có ý định tiến hành một cuộc điều tra độc lập về vụ Đồng Tâm.

Theo trang Thông Tin Chính Phủ [CSVN], trong lúc ghé thăm Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Cơ Động hôm 21 Tháng Giêng, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc nói “sự việc Đồng Tâm là điều đáng tiếc, nhưng đến nay tình hình đã trở lại ổn định bình thường” và rằng “sẽ sớm đưa các đối tượng vi phạm [ám chỉ 22 người dân Đồng Tâm bị bắt, khởi tố trong vụ này] ra xét xử nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.”

Giới quan sát dự báo vụ tấn công Đồng Tâm sẽ tiếp tục là chủ đề nóng tại sự kiện “Đối thoại nhân quyền Việt Nam-EU” dự định diễn ra vào ngày 17 Tháng Hai. (N.H.K)

Rớt máy bay vừa cất cánh ở Corona, 4 người thiệt mạng

CORONA, California (NV) – Một chiếc máy bay rớt sau khi cất cánh rời phi trường Corona hôm Thứ Tư, 22 Tháng Giêng, làm 4 người thiệt mạng.

Theo đài KTLA, Sở Cứu Hỏa Corona cho biết chiếc máy bay nhỏ chở 4 người vừa cất cánh ở phi trường lúc 12 giờ 10 phút trưa thì rớt xuống ở cuối đường bay.

Máy bay lúc đó có đầy bình xăng 80 gallon và xăng đổ ra ngoài, gây cháy cây cỏ gần phi trường.

Sở Cảnh Sát Corona cho biết, nhân viên công lực có mặt tại hiện trường và phát hiện một máy bay nhỏ bị lửa bao trùm ở mặt phía Đông của phi trường.

Đám cháy do máy bay gây ra lan ra khoảng 1/4 mẫu đất thì bị lính cứu hỏa nhanh chóng dập tắt. Sở cứu hỏa cho hay bốn người trên máy bay đều bị phỏng nặng và đã qua đời.

Cơ quan này chưa cho biết thông tin gì về bốn nạn nhân và chỉ nói nhân viên giảo nghiệm đang làm việc.

Tuy chưa biết lý do máy bay rớt, nhân chứng Dorothe Voll kể bà thấy máy bay bay lên, sau đó bay thấp xuống vài lần và không nghe thấy tiếng động cơ nữa. Lúc đó, bà và một người bạn la lên “máy bay sắp rớt.”

Ông Ian Gregor, phát ngôn viên của Cơ Quan Hàng Không Liên Bang (FAA) xác nhận chiếc máy bay bị hư hoại hoàn toàn sau khi rớt. Ông còn cho hay FAA và Sở An Toàn Giao Thông Hoa Kỳ (NTSB) sẽ điều tra sự việc này.

Phi trường Corona phải đang tạm đóng cửa và chưa thông báo bao giờ hoạt động lại. (TL)

Tinh thần đảng phái thỏa mãn nhu cầu cộng đồng của người Mỹ

Chính trị tại Mỹ đã được so sánh nhiều với thể thao trong sự trung thành của các “fan.” Thế nhưng so sánh như vậy thì oan cho thể thao.

Một “fan” thật sự có một cái nhìn rất “thẳng thắn” về đội banh mình ủng hộ. Hăng say ủng hộ một cách mù quáng là đặc trưng của một “tay mơ.” Chỉ có một đảng chính trị mới có thể tạo ra trong những ủng hộ viên của mình một sự trung thành mù quáng vuợt xa khả năng một đội banh như Manchester United hay New England Patriot có thể tạo ra trong các “fan” của mình.

Chúng ta có thể thấy rõ chuyện này trong việc đàn hạch Tổng Thống Donald Trump. Khi Hạ Viện bỏ phiếu đàn hạch thì số phiếu bỏ hầu như theo đúng như đường phân chia giữa hai đảng.

Còn về phần quần chúng, mà các nhà lập pháp tùy thuộc vào, thì các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy hầu hết những người Dân Chủ ủng hộ việc đàn hạch và hầu hết người Cộng Hòa chống. Thành ra có thể nói khuynh hướng chính trị của một cử tri cho thấy rõ nhất thái độ của họ với vấn đề này.

Các bằng chứng cũng như là ngay cả lời hầu như thú nhận của ông tổng thống trước ống kính truyền hình khi vụ bê bối Ukraine nổ ra không đóng vai trò gì trong việc quyết định ủng hộ hay chống của họ.

Tầm mức sâu đậm của tinh thần đảng phái của dân Mỹ thì đã được nói đến nhiều. Nhưng lý do tạo ra nó thì ít được nói đến. Chúng ta biết rằng nó mới xảy ra lúc gần đây. Chúng ta biết là kể từ 1988 không có một vị tổng thống nào được trên 400 phiếu cử tri đoàn; không có một vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện nào được Thượng Viện thông qua mà không qua một cuộc đấu tranh gay gắt. Chúng ta biết những người Cộng Hòa đã có lúc từ bỏ tổng thống của chính mình, ông Richard Nixon một cách mà ta khó có thể tưởng tượng 45 năm sau.

Chúng ta chỉ không biết tại sao.

Những giải thích đuợc đưa ra bao gồm từ việc thiếu một đối thủ địa chính trị để đoàn kết dân Mỹ kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ, cho đến việc nới lỏng và mở rộng số kênh phát thanh, phát hình trong những năm của thập niên 1980 dẫn đến một tình trạng nổ bùng các tiếng nói từ siêu bảo thủ cho đến siêu cấp tiến.

Thế nhưng câu trả lời có thể nằm trong một lãnh vực hoàn toàn khác. Vào lúc chính trị Mỹ càng ngày càng trở nên đảng phái trong những năm 1990, một giáo sư của Đại Học Harvard, ông Robert Putnam đã ghi nhận một sự sụp đổ trong sinh hoạt cộng đồng tại Mỹ. Người Mỹ mà trong những năm trước đó thấy ý nghĩa cuộc sống và một cảm giác hội nhập qua những cơ cấu như nghiệp đoàn, câu lạc bộ bowling và những tổ chức thiện nguyện khác càng ngày càng ít gia nhập vào những tổ chức này.

Hoa Kỳ có một thị trường khổng lồ và một guồng máy nhà nước khổng lồ và hữu hiệu, nhưng thiếu môt cơ cấu xã hội dân sự để lấp đầy khoảng giữa đó. Và tiến trình đó xảy ra trước sự suy thoái của tôn giáo mà có lẽ là chiều hướng xã hội đóng góp lớn nhất trong việc phân hóa của xã hội Mỹ.

Nhìn từ trên quan điểm này thì tình trạng chính trị đảng phái có thể được hiểu rõ hơn. Trên một phương diện nào đó, nó là thay thế cho những hình thức tiếp xúc xã hội đã mất đi. Nó cho phép một cá nhân cô đơn hội nhập vào một cái gì có thể nói là sự đồng hành.

Nó lập ra một “Kẻ Khác” (Other) mà qua sự đối kháng ta có thể định được bản tính ta. Điều mà tình trạng này thiếu là cái sự tiếp xúc thân cận thì được thay thế bởi một thế giới đóng của những phương tiện truyền thông một chiều qua đó, một cá nhân có thể không bao giờ cần tách ra khỏi những người có cùng một quan điểm.

Cần để ý rằng ý thức hệ không có đóng vai trò quan trọng nào tại đây. Ông Trump gạt bỏ một loạt các giáo điều về kinh tế “laissez faire” và ngoại giao can thiệp vốn là những tín điều căn bản của đảng Cộng Hòa nhưng những đảng viên Cộng Hòa vẫn ủng hộ ông chống lại những người khác. Và nếu ông có đổi nữa thì họ cũng vẫn sẽ tiếp tục theo ông. Điều quan trọng là sự hung hăng của ông trong việc chống lại “bộ lạc” kia. Người ta thèm sự hội nhập vào một tập thể hơn là nội dung của các chính sách.

Tình trạng phân hóa xã hội mà ông Putnam ghi nhận được xảy ra bắt đầu từ giữa thập niên 1970 và kéo dài cho đến cuối thế kỷ. Chính trị tương đối không phân biệt đảng phái của Mỹ tan rã cũng trong khoảng thời gian này, bắt đầu từ việc lật đổ tổng thống Nixon cho đến việc phân chia thành hai phe cứng rắn của thập niên 1990. Việc đàn hạch ông Trump là điểm chót của một quá trình kéo dài ít nhất là ba thập niên của cái tinh thần “my-party-right-or-wrong.”

Muốn đẩy ngược chiều hướng này đòi hỏi phải thấu hiểu ít nhất là vì sao nó xuất hiện. Nếu ông Putnam đúng thì vấn đề không phải chỉ nằm trong tầng lớp lãnh đạo chính trị. Đối với hàng triệu người Mỹ, chính trị nay không còn chỉ là một phương tiện đạt đến mục tiêu mà là một nguồn của cái bản thể của mình (identity) và một sự hội nhập vào một tập thể mà trước đó có thể đến từ nhiều cái khác.

Thành ra điều cần thiết là làm sao làm sống lại những cơ cấu xã hội vốn đã từng cung cấp cho người dân Mỹ một con đường khác với con đường chính trị. Năm 1974, những người Cộng Hòa có thể quay sang chống lại lãnh tụ của họ vì đảng Cộng Hòa không phải là toàn bộ cơ sở xác định bản thể của họ. Tình trạng này không còn đúng với năm 2020 nữa. (Lê Mạnh Hùng)

Kon Tum: Nợ tiền dân không trả, nhà máy đường bị bao vây

KON TUM, Việt Nam (NV) – Người dân bán mía, chở hàng thuê, đã lâu nhưng Công Ty Cổ Phần Đường Kon Tum ở xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum, không trả tiền, khiến hàng trăm người dân kéo đến bao vây để đòi tiền mua sắm Tết.

Báo Người Lao Động ngày 22 Tháng Giêng, 2020, cho hay nhiều ngày qua, hàng trăm người dân đã bao vây nhà máy của Công Ty Cổ Phần Đường Kon Tum để đòi tiền.

Theo những người đòi nợ, vụ mía vừa qua công ty này đã thu mua mía rất nhiều của người dân nhưng đến nay vẫn không chịu trả tiền.

Anh Trần Nguyên Vũ (ở xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum) đã bán cho công ty hàng chục tấn mía từ Tháng Mười Một, 2019. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được trả tiền trong khi gia đình anh chỉ biết trông chờ vào khoản tiền này để mua sắm Tết. “Không được trả tiền thì coi như mất Tết nên tôi quyết đòi cho bằng được,” anh Vũ tức giận nói.

Trong khi đó anh Thân (ở phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) cũng bán cho Công Ty Cổ Phần Đường Kon Tum 50 tấn mía nhưng đến đòi cũng chỉ mới nhận được chín triệu đồng ($387). Số tiền này anh cũng chỉ đủ mang về trả một phần cho người làm thuê.

Nhiều tài xế cũng kéo tới đòi tiền. (Hình: Hoàng Thanh/Người Lao Động)

“Công ty không trả tiền cho tôi nên tôi không có tiền để trả cho công nhân. Tết gần đến rồi, ai ai cũng cần tiền để sắm Tết. Bị đòi quá, tôi đành phải vay ngoài để trả tiền cho công nhân,” anh Thân cho biết.

Ngoài những người bán mía, rất nhiều tài xế lái xe chở mía cho công ty cũng bị nợ tiền công. Trong đó có hàng chục người từ tỉnh Phú Yên lên Kon Tum để chở mía thuê.

Giải thích với báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hữu Quảng, phó tổng giám đốc Công Ty Cổ Phần Đường Kon Tum, cho biết việc chậm trả tiền là do khó khăn về tài chính khi nhà máy đầu tư nâng công suất từ 1,700 tấn/ngày lên 2,500 trấn/ngày.

Cùng với đó, do không thu hồi được nợ nên công ty không có tiền trả cho người dân. Để giải quyết, công ty đã phải đi vay tiền trả cho người dân nhưng cũng đang khó khăn trong việc chờ ngân hàng giải ngân.

“Trước mắt, công ty sẽ cố gắng trả tiền cho người dân làm hai đợt. Đợt một, công ty sẽ chi trả trước Tết cho những người bán mía cho công ty trước ngày 9 Tháng Giêng. Đợt hai sẽ trả sau Tết cho những nông dân bán mía tiếp theo,” ông Quảng nói. (Tr.N)

Công nhân xây dựng giết sếp ủng hộ Trump, rồi quăng cờ Mỹ lên thi thể

Tin Tổng Hợp 22/12/2019:
-Cô gái bảo vệ môi trường nói trồng cây chưa đủ để bảo vệ môi trường
-Dân Thượng Hải đua nhau mua khẩu trang chống vi khuẩn ‘coronavirus’
-Công nhân xây dựng giết sếp ủng hộ Trump, rồi quăng cờ Mỹ lên thi thể
-Thượng Viện đổi điều lệ, cho hai bên chống và bênh Trump thêm thời gian
-TT Trump đồng ý để nhân chứng khai trong vụ truất phế

Bầu cử Đài Loan, một cái tát vào mặt Tập Cận Bình

Những người yêu chuộng tự do, chống đế quốc đỏ thở dài nhẹ nhõm: bà Thái Anh Văn vừa tái đắc cử tổng thống Đài Loan. Đây là cái tát thứ hai của “đám đông thầm lặng” dành cho Tập Cận Bình, chủ tịch nhà nước Trung Quốc, vài tuần lễ sau khi cử tri Hồng Kông dồn phiếu cho phe dân chủ, trong cuộc bầu cử quận.

Từ Đài Loan tới Hồng Kông, người dân đã gào cho cả thế giới nghe: chúng tôi không muốn trở thành Tàu.

Hai triệu phiếu 

Chưa bao giờ lá phiếu trở thành một thông điệp rõ ràng, minh bạch, dứt khoát như vậy.

Cử tri Đài Loan bày tỏ cùng một ý nghĩ với nhiều người vô danh viết trên bảng gắn sau xe đạp, xe gắn máy, xe hơi: “Tôi bầu Thái Anh Văn vì không muốn thấy xác con tôi trên biển như ở Hồng Kông,” “Tôi bầu Thái Anh Văn vì không muốn làm nô lệ.”

Trên 14 triệu người trên 19 triệu cử tri (74%) đã tham dự cuộc bầu cử tổng thống và dân biểu Quốc Hội hôm Thứ Bảy, 11 Tháng Mười. Cũng như ở Hồng Kông, 3 triệu cử tri trẻ lần đầu tới phòng phiếu để quyết định vận mạng, tương lai của chính mình.

Với trên 2 triệu phiếu cách biệt, bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), 8.2 triệu phiếu (57%), bỏ xa ứng cử ứng cử viên thân Bắc Kinh Hàn Quốc Du (Han Kuo-yu), 5.2 triệu (39%). Ứng cử viên thứ ba, Tống Sở Du (James Soong), cũng thân Tàu, 600 ngàn phiếu.

Cùng một lúc, Đài Loan bỏ phiếu bầu dân biểu Quốc Hội.

Đảng Dân Tiến (DPP, Democratic Progressive Party) của bà Thái Anh Văn chiếm 61 ghế (57%), cũng bỏ xa Quốc Dân Đảng (KMT, Koumingtang) của Hàn Quốc Du, 38 ghế. Bà Thái Anh Văn không những tái đắc cử vẻ vang, còn có dư đa số tại Quốc Hội để tiếp tục chính sách độc lập táo bạo, trước sự thán phục của thế giới.

Chiến thắng của bà Thái Anh Văn là một cái tát choáng váng dành cho Tập Cận Bình, đầu năm ngoái đã đọc một bài diễn văn nghiêm trọng cảnh cáo hoặc Đài Loan lựa chọn sáp nhập Trung Cộng theo nguyên tắc “một quốc gia hai chế độ,” hoặc Bắc Kinh dùng võ lực nếu cần để thống nhất đất nước.

Những tuần lễ trước ngày bầu cử, các quan chức và media Bắc Kinh không ngớt đe dọa cử tri về những hậu quả không lường được nếu không biết bỏ phiếu, nếu chọn con đường phiêu lưu. Báo chí đảng dựng đứng những fake news để bôi nhọ các ứng cử viên đảng Dân Tiến. Từ khi bà Thái Anh Văn xác định lập trường “tự do hay là chết,” Bắc Kinh đã cắt đứt mọi liên hệ với Đài Loan.

Bắc Kinh cũng tổ chức những cuộc diễn binh, tập trận rầm rộ trước ngưỡng cửa Đài Loan để thị uy.

Mười tuần lễ trước ngày bầu cử, những cuộc thăm dò dư luận đều bị cấm để cử tri khỏi bị ảnh hưởng, nhưng mọi người đều đoán được kết quả, chỉ hồi hộp chờ mức chênh lệch giữa hai ứng cử viên.

Những ai đã có dịp ghé Đài Loan thường được nghe câu này, như đã  nghe ở Hồng Kông: “Tôi không phải là người Tàu, tôi là người Đài Loan.”

Cũng như đối với Hồng Kông, những người Cộng Sản Tàu là nạn nhân của luận điệu tuyên truyền của chính họ, tin rằng không có lý do gì dân Hồng Kông hay Đài Loan tìm cách lánh xa “đất mẹ,” đang trở thành cường quốc nhất nhì thế giới.

Họ thực sự không hiểu rằng dân Hồng Kông, với mức sống vào loại cao nhất thế giới, sống tự do trong một chế độ dân chủ, không ngu dại, điên khùng gì chui đầu vào cái rọ độc tài.

Chỉ có 5% dân Đài Loan trả lời muốn Đài Loan sáp nhập lãnh thổ Trung Cộng.

Yếu tố Hồng Kông 

Có thể nói Hồng Kông đã giúp bà Thái Anh Văn thắng cử.

Cách đây một năm, không ai đánh cá một xu chuyện bà tái đắc cử. Bà bị thua nặng trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương, phải từ chức chủ tịch đảng Dân Tiến.

Tất cả các cuộc thăm dò dư luận đều cho Hàn Quốc Du sẽ thắng trong khi ngồi chơi xơi nước, khỏi cần tranh cử, Quốc Dân Đảng (KMT) sẽ trở lại nắm quyền, vì chính sách của bà Thái Anh Văn làm mất lòng một số cử tri bảo thủ, vì Quốc Dân Đảng có tiền và media Trung Cộng hỗ trợ, nhất là vì rất khó tái đắc cử tại các quốc gia dân chủ trong một thời đại bất ổn.

Hàn Quốc Du thắng cử dễ dàng, trở thành thị trưởng thành phố quan trọng Kaohsiung (Cao Hùng), là ngôi sao mới nổi, được coi như tổng thống tương lai.

Người dân ủng hộ bà Thái Anh Văn. (Hình: Carl Court/Getty Images)

Dù sao Quốc Dân Đảng cũng có hào quang của quá khứ, đã lãnh đạo Đài Loan 50 năm liên tiếp, từ ngày lập quốc, 1950, cho tới năm 2000, và sau một thời gian gián đoạn, đã trở lại chính quyền từ 2008 tới 2016, trước khi nhường chỗ bà Thái Anh Văn.

Phong trào đòi tự do dân chủ ở Hồng Kông đã lật ngược thế cờ. Dân Hồng Kông chứng kiến sự tàn bạo của công an, binh lính Hoa Lục mỗi ngày, càng ngày càng khiếp sợ cái bánh vẽ “một quốc gia, hai chế độ.”

Bà Thái Anh Văn, dứt khoát chống Tàu từ những ngày bắt đầu làm chính trị, lại trở thành “the right woman in the right place.”

Là một người rất khiêm nhượng, sống đơn giản như một thường dân, bà có thái độ dứt khoát, công khai chống sự bành trướng của Trung Cộng, tuyên bố những câu tố cáo Trung Cộng mà những lãnh tụ các cường quốc, sợ bóng sợ gió, không dám nói ra, mặc dù cùng một ý nghĩ.

Bà quyết định đón tiếp những “dissidents” Hồng Kông bị lùng bắt, ra luật ngăn chặn ảnh hưởng của Tàu trên mọi phương diện tại Đài Loan.

Bài học Đài Loan 

Đài Loan, từ 1990, đã thoát xác từ một chế độ độc tài, trở thành một quốc gia dân chủ kiểu mẫu, nếu không hơn, chắc chắn không thua gì các nước dân chủ Tây phương.

Đài Loan là câu trả lời dứt khoát cho những người rêu rao rằng dân chủ là một mô hình của Tây phương, không thích hợp với các “giá trị tinh thần” của Đông phương, và xây dựng nhanh chóng một mô hình chính trị mà Tây phương đã bỏ ra hàng thế kỷ để thực hiện chỉ đưa tới hỗn loạn.

Đài Loan không những là một chế độ dân chủ kiểu mẫu, còn thực hiện những cải cách xã hội mà nhiều nước Tây phương tân tiến nhất chưa làm nổi, thí dụ công nhận hôn nhân đồng tính, tôn trọng nam nữ bình quyền, tới mức đưa một phụ nữ lên ngồi ghế tổng thống.

Đài Loan, một hòn đảo với 23 triệu dân, cũng phủ nhận lập luận cho rằng muốn thịnh vượng, một quốc gia nhỏ không có mô hình nào khác hơn là Singapore, dân chủ nửa vời, tự do về kinh tế nhưng độc tài chính trị, hy sinh tự do cá nhân cho phát triển kinh tế.

Tóm lại, Đài Loan của bà Thái Anh Văn  cho thế giới nhiều bài học. Đặc biệt là bài học cho tập đoàn cầm quyền Việt Nam, không ngớt bào chữa cho thái độ và tư cách điếu đóm đối với Trung Cộng, với lý luận: một nước nhỏ, có một nước láng giềng mạnh, hung bạo như Tàu phải biết chịu nhục, luồn cúi, triều cống để sống còn.

Đài Loan, trước khi trở thành một trung tâm kinh tế thế giới, chỉ là một hòn đảo cho dân chài lưới tránh bão.

Năm 1949, Tưởng Giới Thạch cầm đầu Quốc Dân Đảng chống Mao Trạch Đông thất trận. Tưởng mang tàn quân chạy qua Đài Loan. Từ 70 năm nay, Đài Loan tồn tại như một quốc gia với quốc kỳ riêng, quân đội riêng, tiền bạc riêng và trở thành một quốc gia hùng mạnh khiến Trung Cộng không xâm chiếm nổi, mặc dù chỉ cách Tàu 180 cây số.

Hai quốc gia đối nghịch, nhưng cả hai đều là những chế độ độc tài, một bên là độc tài khát máu Cộng Sản, một bên là độc tài chống Cộng.

Chỉ từ 1990, trong khi Trung Cộng càng ngày càng độc tài, Đài Loan thoát xác, lựa con đường dân chủ. Và phép lạ, chỉ trong trên hai thập niên, một hòn đảo 23 triệu người đã trở thành một quốc gia dân chủ kiểu mẫu, kiêu hãnh sống bên cạnh một nước độc tài 1 tỷ rưỡi nhân mạng

Nhiều quốc gia, đứng đầu là Hoa Kỳ, đã chính thức chào và mừng bà Thái Anh Văn và chúc bà thành công trong nghĩa vụ đã đặt ra, mặc dù không có liên hệ ngoại giao với Đài Loan. Hiện nay, chỉ có 16 quốc gia nhìn nhận Đài Loan, ở Âu Châu chỉ có Vatican, vì Trung Cộng chỉ tái lập ngoại giao với những nước chấp nhận một Trung Quốc duy nhất.

Những lời chúc mừng ngoài khuôn khổ ngoại giao là dấu hiệu của sự kính trọng đối với thái độ, lập trường can đảm, bất khuất của bà tân tổng thống. Người ta nghĩ tiếng nói của bà Thái Anh Văn sẽ gây thêm trở ngại cho Trung Cộng ở Biển Đông, mặc dù Đài Loan không phải là thành viên của ASEAN.

Một cách trớ trêu, buồn tủi: Người Việt Nam yêu tự do cảm phục bà tổng thống Đài Loan, bởi vì bà là hình ảnh đối nghịch với những nhân vật lãnh đạo đất nước, từ lối sống, tư cách lẫn chính sách đối với ngoại bang. (Từ Thức)

Chặn lây lan virus gây bệnh, Trung Quốc ngưng các chuyến bay, tàu hỏa ra khỏi Vũ Hán

BẮC KINH, Trung Quốc (AP) – Nguồn tin từ giới truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng thành phố Vũ Hán (Wuhan) đã ngưng các chuyến bay và tàu hỏa ra khỏi thành phố này, để ngăn không lan rộng loại virus gây bệnh sưng phổi nguy hiểm, khiến 17 người chết và hàng trăm người bị bệnh cho tới nay.

Bản tin của Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn nhà nước Trung Quốc, hôm Thứ Năm, 22 Tháng Giêng, cũng nói rằng giới chức thành phố cũng kêu gọi người dân không ra khỏi Vũ Hán nếu không có việc gì cần kíp.

Tuy nhiên, tờ báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc, lại cho thấy vấn đề có vẻ trầm trọng hơn khi gởi tweet ra nói rằng không một ai được ra khỏi thành phố bắt đầu từ 10 giờ sáng ngày Thứ Năm, các nhà ga xe lửa, phi trường đều sẽ đóng cửa.

Tờ Nhân Dân nói rằng các xe buýt, xe điện và xe chuyên chở đường dài cũng tạm thời phải ngưng hoạt động, theo giới chức thành phố Vũ Hán.

Nhân viên y tế đo thân nhiệt hành khách tại nhà ga xe lửa ở thành phố Nam Xương thuộc tỉnh Giang Tây. (Hình: Chinatopix via AP)

Tại Geneva, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) nói họ chưa thể quyết định là có nên gọi tình trạng hiện nay là vấn đề y tế khẩn trương toàn cầu hay không và yêu cầu các thành viên trong một ủy ban chuyên môn về vấn đề virus này hãy tiếp tục họp thêm một ngày nữa trong ngày Thứ Năm.

WHO định nghĩa khẩn trương toàn cầu là sự kiện “vô cùng bất thường,” được coi là mối đe dọa cho các quốc  gia khác và đòi hỏi phải có phản ứng được phối hợp của cả thế giới.

Giới chức y tế Trung Quốc kêu gọi người dân ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc (Hubei) hãy tránh các nơi tập trung đông người, nói rằng virus mới, vốn đã làm hơn 400 người mắc bệnh và ít nhất 17 người thiệt mạng, có thể còn lan rộng hơn nữa.

Li Bin, phó giám đốc Ủy Ban Y Tế Quốc Gia Trung Quốc, nói rằng đã xảy ra một số trường hợp lây lan từ người sang người, có thể là qua đường hô hấp.

Giới hữu trách ở Thái Lan hôm Thứ Tư xác nhận có bốn trường hợp bệnh, gồm một công dân Thái và ba du khách người Trung Quốc. Các quốc gia Nhật, Nam Hàn, Mỹ và Đài Loan, mỗi nơi loan báo có một trường hợp bệnh. Tất cả các bệnh nhân đều là người từ Vũ Hán hoặc đến nơi này trong thời gian gần đây.  (V.Giang)

Tin mới cập nhật