Tuesday, April 30, 2024

Virus gây bệnh viêm phổi, giống SARS, lan rộng ở Trung Quốc, với gần 140 ca bệnh mới

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Một loại virus bí ẩn, gây bệnh viêm phổi cũng giống như virus SARS trước đây, đã làm thiệt mạng người thứ ba và lan rộng khắp Trung Quốc, kể cả ở Bắc Kinh, theo giới hữu trách hôm Thứ Hai, 20 Tháng Giêng, tạo thêm lo ngại là sẽ có đại dịch vì hàng trăm triệu người Trung Quốc khởi sự di chuyển để về quê nhà trước Tết Âm Lịch.

Loại virus mới này, được thấy đầu tiên ở thành phố Vũ Hán (Wuhan), hiện gây lo ngại vì có liên hệ đến vius SARS trước đây, từng khiến gần 650 người ở lục địa Trung Quốc và Hồng Kông thiệt mạng trong thời gian 2002-2003, theo bản tin hãng thông tấn AFP.

Thành phố Vũ Hán có 11 triệu dân và cũng là một trung tâm vận chuyển chính, nhất là trong thời gian hàng trăm triệu người dân Trung Quốc khởi sự chuyến đi về quê nhà trước cuối năm âm lịch.

Cho tới nay, chưa có ca bệnh nào được xác nhận là do người truyền qua người, nhưng giới hữu trách y tế Trung Quốc đã nói rằng nguy cơ này “không thể loại bỏ.”

Một bệnh nhân thứ ba đã được xác nhận là thiệt mạng vì virus lạ này, trong khi có thêm 136 ca bệnh mới được phát giác trong cuối tuần qua tại Vũ Hán, theo giới chức y tế địa phương, nâng tổng số những người được chẩn đoán nhiễm virus ở Trung Quốc lên tới con số 201.

Có ba trường hợp bệnh được báo cáo ở ngoại  quốc, gồm hai trường hợp ở Thái Lan và một ở Nhật, tất cả ba người này đều đã đến Vũ Hán.

Giới chức y tế ở Bắc Kinh nói có hai người từng đến Vũ Hán đã được điều trị các chứng bệnh sưng phổi liên quan đến virus mới và đang trong tình trạng ổn định.

Ở tỉnh Quảng Đông, một người đàn ông 66 tuổi ở Thẩm Quyến đã bị đưa vào nơi biệt lập hôm 11 Tháng Giêng sau khi bị sốt nóng và các triệu chứng khác sau khi đến Vũ Hán.

Giới chức thành phố Thẩm Quyến nói có tám người khác cũng đang được điều trị vì tình nghi nhiễm virus.

Có năm người khác bị biệt lập và thử nghiệm ở tỉnh Chiết Giang (Zhejiang), nằm ở phía Đông Trung Quốc.

Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) trong bản thông cáo đưa ra hôm Thứ Hai nói rằng súc vật là nguồn lây bệnh chính yếu nhưng cũng có thể có trường hợp lây từ người sang người.

Hôm Thứ Sáu, các khoa học gia thuộc Centre for Global Infectious Disease Analysis tại đại học Imperial College ở London, nói rằng số ca bệnh trong thành phố Vũ Hán nhiều phần vào khoảng 1,700, cao hơn nhiều so với con số được chính thức công bố. (V.Giang)

Có hay không ‘ngôi chùa có 2,000 đệ tử’ của tân trụ trì chùa Bảo Quang?

Bài Liên Quan
– Người đồng cam cộng khổ xây chùa Bảo Quang từng kiện cố Hòa Thượng Quảng Thanh?
– Sao thành viên đầu tiên trong Ban Quản Trị chùa Bảo Quang không lên tiếng?
– Tân trụ trì chùa Bảo Quang: ‘Oan ức mà bày tỏ là hèn nhát, nhưng im lặng thì họ làm tới’
– Chùa Bảo Quang náo động: Trụ trì Thích Phước Hậu lần đầu lên tiếng vì ‘tức nước vỡ bờ’
– Luật Sư Trương Phú Hòa: HĐQT chùa Bảo Quang vi phạm ‘By Law’ nhưng vẫn hợp pháp
– HĐQT Chùa Bảo Quang muốn kiểm kê tài sản, một số Phật tử ngăn cản
– Kỳ 1: Ai thực sự là chủ chùa Bảo Quang?
– Kỳ 2: Thượng Tọa Thích Phước Hậu là ai?
– Kỳ cuối: ‘Chùa có yên thì Phật tử mới tới’

WESTMINSTER, California (NV) – “Trận chiến” vô tiền khoáng hậu xảy ra tại chùa Bảo Quang ở Santa Ana giữa các thành viên Hội Đồng Quản Trị cùng vị tân trụ trì và những người ủng hộ ông bắt đầu manh nha từ Tháng Chín, 2019, bùng nổ mạnh mẽ vào Tháng Mười Hai, 2019 và vẫn chưa ngã ngũ cho đến hôm nay, khi Tết Nguyên Đán 2020 đã cận kề.

Trong quá trình đi tìm hiểu các vấn đề của chùa Bảo Quang, một trong những ngôi chùa lớn nhất của người Việt tại miền Nam California do cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh gầy dựng và phát triển với sự giúp đỡ của rất nhiều Phật tử, nhóm phóng viên Người Việt đặc biệt chú ý đến chi tiết Thượng Tọa Thích Phước Hậu, người “thừa kế” chức trụ trì chùa Bảo Quang, cho rằng ông có một ngôi chùa ở Việt Nam với 2,000 đệ tử, được xây năm 2013.

Lần theo những gì do chính Thượng Tọa Thích Phước Hậu bày tỏ trên các mạng xã hội, nhóm phóng viên Người Việt đã có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về vị tân trụ trì của chùa Bảo Quang, ngôi chùa đang có “sóng gió” này.

“Ngôi tam bảo ở Đồng Nai, Long Khánh hiện có 2,000 đệ tử?”

Trong loạt bài “Little Saigon: Thực hư chuyện ‘tranh chấp’ chùa Bảo Quang,” ở kỳ 2 “Thượng Tọa Thích Phước Hậu là ai?”, bà Hoàng Thị Thương, người có nhiều ơn nghĩa với cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh từ hơn 20 năm trước, cũng là người phụ trách nhà bếp của chùa Bảo Quang trước đây, đã từng nhắc đến chi tiết liên quan đến “ngôi chùa có 2,000 đệ tử của thầy Thích Phước Hậu.”

Theo đó, khi kể lại việc con rể bà từng đến gặp luật sư di trú để hỏi cách thức làm thủ tục giúp thầy Thích Phước Hậu được ở lại Mỹ một cách hợp pháp, bà Thương cho biết, “Luật sư di trú cũng yêu cầu Thượng Tọa Thích Phước Hậu nếu là trụ trì của một ngôi chùa tại Việt Nam có đến 2,000 đệ tử như thầy nói thì phải bổ túc hình ảnh và giấy chứng nhận là trụ trì của chính quyền sở tại.”

Ông Luyện, lái xe ôm ở Long Khánh, Đồng Nai, “Ở đây không có ngôi chùa nào tên Thiên Phước cả.” (Hình: Người Việt)

Tuy nhiên, theo lời bà Thương, “thầy Phước Hậu không có giấy chứng nhận trụ trì,” vì “thầy giải thích rằng luật ở Việt Nam là làm trụ trì 10 năm thì mới được cấp giấy phép trụ trì, còn chùa thầy mới lập năm 2013, nên không có giấy chứng nhận.”

Ông Thích Phước Hậu cũng nói về điều này trong video clip có tên “Tân Trụ Trì chùa Bảo Quang là ai?” dài hơn 8 phút do TD Media thực hiện được đưa lên mạng YouTube ngày 17 Tháng Chín, 2019. “Tôi có đi qua chùa Bảo Quang năm 2013. Qua mấy tháng thì về lại. Khi về lại tôi có mua miếng đất làm ngôi tam bảo ở tại Đồng Nai, Long Khánh, hiện đệ tử tại đó là 2,000 đệ tử,” ông nói.

Cũng trong clip này, thầy Phước Hậu nói thêm, “Tôi qua đây mục đích là để thăm hòa thượng chứ không phải nghĩ là qua đây trụ trì… Rồi sau đó ngài nói vấn đề tôi thừa kế ngôi tam bảo này. Khi đó tôi cũng rất là bỡ ngỡ, vì tôi cũng có một ngôi chùa, gọi là chùa Thiên Phước ở tại Việt Nam, hiện nay ở tại nơi đó cũng có 2,000 đệ tử. Khi đi đây tôi cũng phân vân là không biết mình đi rồi có về lại Việt Nam hay không hay chú mình như thế nào. Rốt cuộc chùa Việt Nam khi tôi ra đi tôi cũng không sắp xếp cho ai hết.”

Đi tìm ngôi chùa Thiên Phước

Dựa theo lời Thượng Tọa Thích Phước Hậu trong video clip trên, phóng viên Người Việt đến bến xe ở Long Khánh, Đồng Nai và thuê xe ôm chở đến chùa Thiên Phước.

Tuy nhiên, ông xe ôm tên Luyện, chừng 60 tuổi, tỏ ra ngạc nhiên, “Ở đây không có ngôi chùa nào tên Thiên Phước cả.”

Khi phóng viên mô tả đó là ngôi chùa được xây khoảng năm 2013, có đến 2,000 Phật tử thì ông Luyện lắc đầu cho rằng, “Tôi ở đây 40 năm, từ năm 1980, chạy xe ôm, cũng chở rất nhiều người đi hành hương mà chưa bao giờ nghe ngôi chùa nào có tên đó.”

Nhà sư tại chùa Xuân Hòa, Long Khánh, “Trong danh sách này, các chùa chính thức và không chính thức đều được liệt kê ra hết nhưng không có chùa nào là chùa Thiên Phước.” (Hình: Người Việt)

Dù vậy, ông Luyện đề nghị chở chúng tôi đến chùa Long Thọ, một ngôi chùa được xem là lớn ở khu vực Long Khánh để hỏi thăm thêm.

Tại chùa Long Thọ, khi được hỏi về chùa Thiên Phước và thầy Thích Phước Hậu thì một nhà sư lớn tuổi trả lời rằng, “Quanh đây không có chùa nào tên Thiên Phước, cũng không nghe tên thầy Thích Phước Hậu.”

Khi phóng viên đưa video có hình thầy Phước Hậu để hỏi, thì vị sư này lắc đầu, nói, “Không nhận ra người này là ai, nhìn rất lạ, chưa thấy bao giờ.”

Tuy nhiên, vị sư này giới thiệu chúng tôi sang chùa Xuân Hòa “vì nơi đó nắm danh sách các chùa ở Long Khánh.”

Tại chùa Xuân Hòa, khi nghe câu hỏi của chúng tôi, một nhà sư nói, “Ở đây làm gì có chùa nào mà đến 2,000 Phật tử. Nếu có thì có lẽ là chùa Hưng Pháp, chi nhánh của chùa Hoằng Pháp thôi. Mà tên chùa Thiên Phước cũng nghe rất lạ.”

Sau khi tra trong danh sách các chùa ở Long Khánh, nhà sư cho biết, “Trong danh sách này, các chùa chính thức và không chính thức đều được liệt kê ra hết nhưng không có chùa nào là chùa Thiên Phước.”

Khi nhìn hình thầy Thích Phước Hậu trong Youtube mà phóng viên Người Việt đưa ra, vị sư này nói, “Chưa thấy bao giờ.”

Như vậy, ngôi chùa Thiên Phước của thầy Thích Phước Hậu ở khu vực Long Khánh, Đồng Nai với 2,000 đệ tử không hề có trên thực tế.

“Cái am” của thầy Thích Phước Hậu

Khi biết chắc khu vực Long Khánh, Đồng Nai không có ngôi chùa mang tên Thiên Phước như lời ông Thích Phước Hậu loan báo trên YouTube, chúng tôi chuyển hướng đi tìm ngôi chùa được cho là của thầy Thích Phước Hậu theo chỉ dẫn của một độc giả tên Sơn Nguyễn ở Virginia.

Ông Sơn Nguyễn ở Roanoke, Virginia, sau khi xem một số video clip liên quan đến các sự kiện xảy ra tại chùa Bảo Quang được đưa lên Người Việt Online và YouTube đã gọi điện thoại cho phóng viên Người Việt để cung cấp một số thông tin liên quan đến Thượng Tọa Thích Phước Hậu.

Khung cảnh phía trước chùa Thiên Phước tại ấp Tân Bảo, xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai. (Hình: Người Việt)

“Ông Phước Hậu có một cái chùa, nhưng thực ra là một cái am nhỏ ở xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Con trai tôi từng từ Mỹ về, tìm đến đó để đòi tiền ông ta. Ông ta ở đó cùng một phụ nữ tên P.T.T.H và một đứa bé gái,” ông Sơn cho biết.

Ông nói thêm, “Tôi rành về ông Phước Hậu này lắm, vì cô P.T.T.H đó chính là em ruột của vợ cũ tôi.”

Rời chùa Xuân Hòa, phóng viên Người Việt tiếp tục “bắt xe ôm” đến một địa chỉ khá mơ hồ là xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ, cách trung tâm Long Khánh đến hơn 30 cây số, để tìm chùa Thiên Phước.

Khi đến khu vực xã Bảo Bình, hỏi thăm vài người dân nơi đây về chùa Thiên Phước thì mọi người cũng lắc đầu không biết. Một người dân nói, “Xã Bảo Bình có đến 4 ấp, mà mỗi ấp có nhiều cái ‘cốc’ nhỏ (người dân nơi đây không gọi chùa nhỏ là ‘am’ mà gọi là “cốc”), còn chùa Thiên Phước thì tôi không biết.”

Chúng tôi tiếp tục đi sâu vào trung tâm xã, rồi dừng lại nơi một ngã tư lớn (sau này mới biết đó là ngã tư Bảo Bình, dân địa phương gọi là ngã tư Lò Than) để lân la hỏi thăm.

Thật may mắn khi chúng tôi hỏi bà Tâm, người buôn bán trái cây tại ngã tư này, có biết chùa Thiên Phước không, thì bà nói biết và chỉ đường.

Mừng như bắt được vàng, chúng tôi hỏi thêm, “Phải chùa Thiên Phước của thầy Thích Phước Hậu không?”

Bà Tâm mau mắn, “Đúng rồi, thầy Phước Hậu. Nhưng ổng qua Mỹ rồi.”

“Sao cô biết thầy Thích Phước Hậu vậy?” Tôi hỏi lại.

Bà Tâm nói chắc nịch, “Sao không biết! Ổng đi qua Mỹ rồi, nhưng giờ có cô Hiền ở trong đó, đang coi chùa đó.”

Khi nghe bà Tâm nói các chi tiết trùng khớp với những gì chúng tôi biết về thầy Phước Hậu, về tên chùa Thiên Phước, cả tên của người phụ nữ giống như ông Sơn Nguyễn cung cấp, chúng tôi tin rằng mình đã đến đúng nơi.

“Thầy Thích Phước Hậu ở đây nổi tiếng lắm hả cô?” Tôi hỏi. “Nổi tiếng gì? Ổng chỉ là thầy đi coi phong thủy vậy thôi, mà ổng đi qua Mỹ rồi,” bà Tâm trả lời.

Thấy ý chừng chúng tôi muốn biết thêm, bà lại nói tiếp, “Để tôi nói cho nghe, trước đây ổng tới đây tu tại gia, mua đất đai ở đó luôn. Lúc đầu, nghe mọi người đồn ổng hay hay nên tôi cũng có lui tới chùa phụ quét dọn, đọc kinh. Nhưng rồi thấy ổng tu không ra tu nên tôi không lên xuống đó nữa.”

“Hồi Tháng Ba, Tháng Tư, nghe nói ông chú của ổng bên Mỹ là trụ trì gì đó, sắp chết, nên kêu ông Phước Hậu này qua bển giữ cái chùa. Rồi ông chú chết thì ông Phước Hậu ở lại bển luôn. Tôi cũng nghe người ta lên mạng coi, rồi kể thôi, chứ tôi không có lên xuống chùa đó nữa. Còn cái chùa này thì ổng để lại cho cô Hiền.”

Thượng Tọa Thích Phước Hậu trong video clip “Tân Trụ Trì chùa Bảo Quang là ai?” do TD Media thực hiện được đưa lên mạng YouTube ngày 17 Tháng Chín, 2019. (Hình chụp lại từ màn hình: Người Việt)

Chúng tôi hỏi tiếp, “Cô Hiền đó có quan hệ như thế nào với thầy Phước Hậu vậy?”

“Ai mà biết,” bà Tâm trả lời. “Ổng nói là em nuôi của ổng thì tôi biết vậy thôi, mà lại thấy có nuôi một đứa con nữa.”

Khi chúng tôi đưa video có thầy Phước Hậu thì bà Tâm nói ngay, “Đúng, đúng chính xác là ông Phước Hậu nè.”

Nghe chúng tôi hỏi thêm, “Chùa Thiên Phước của thầy Phước Hậu có đến 2,000 Phật tử phải không?” thì bà Tâm lập tức giơ 2 bàn tay lên với 10 ngón tay co lại được hiểu là “Nếu chuyện đó có thì tôi cùi liền.”

“Cách đây 3-4 năm tôi có vô chùa đó đọc kinh, mỗi buổi đọc chỉ tầm 8 đến 10 người thôi. Cái cốc nhỏ xíu vậy đào đâu ra 2,000 người. Chỗ đó chừng 5, 6 sào đất, rồi cất cái chùa nhỏ nhỏ thôi, là cái cốc thôi,” bà bán trái cây nói.

Chùa Thiên Phước “Không tiếp khách bất kỳ ai!”

Theo lời hướng dẫn của bà Tâm, từ ngã tư Bảo Bình, chúng tôi đi vào hướng ấp Tân Bảo. Chạy khoảng 800 mét rẽ trái thêm khoảng 400 mét thì có một hẻm nhỏ dẫn vào chùa.

Ngôi chùa nằm lọt thỏm giữa vùng đất rộng, cỏ mọc um tùm cao hơn đầu người. Cửa chùa đóng kín mít, phía trên cùng có dòng chữ “Mừng Xuân Di Lặc,” phía dưới có tấm bảng nhựa cứng in dòng chữ “Thông báo: Không tiếp khách bất kỳ ai!” Không có bảng hiệu tên “Chùa Thiên Phước.”

Bên trái cổng có gắn camera. Phía trong có tiếng chó sửa nhưng không thấy bóng người nào.

Bà Tâm, bán trái cây tại ngã tư Bảo Bình, “Chùa Thiên Phước là của thầy Phước Hậu. Ổng đi Mỹ rồi.” (Hình: Người Việt)

Để xác định chắc chắn đó là chùa Thiên Phước của thầy Phước Hậu, chúng tôi ghé nhà một ngôi nhà đối diện xéo với cổng vào chùa để hỏi. Một người trong nhà cho biết, “Đó là chùa Thiên Phước, trước đây của ông thầy, giờ để lại cho bà cô gì đó trông coi.”

Khi quay trở ra ngã tư Bảo Bình, chúng tôi lại đưa tấm hình mới chụp chùa Thiên Phước cho bà Tâm xem. Bà nói, “Đúng là chùa Thiên Phước đó. Lúc trước có cái bảng băng-rôn ghi tên Thiên Phước, không biết sao giờ tháo luôn rồi.”

Thượng tọa Thích Phước Hậu nói gì?

Chiều Thứ Năm, 16 Tháng Giêng, 2020, phóng viên Người Việt gọi điện thoại cho thầy Phước Hậu để hỏi thêm về ngôi chùa mà chúng tôi đã đến tận nơi tìm hiểu.

Ngay sau khi giới thiệu danh tánh, phóng viên hỏi: “Thưa thầy, con muốn hỏi về chùa Thiên Phước của thầy ở Việt Nam?”

“Chùa Thiên Phước nào cô?” Thầy Phước Hậu hỏi lại.

“Dạ, ngôi chùa thầy nói trên mạng xã hội là có 2,000 đệ tử ở Việt Nam đó,” phóng viên nhắc.

Thầy Phước Hậu giải thích, “Chùa đó chưa được công nhận, chưa phải tên chính thức. Vì theo pháp luật của Việt Nam, muốn xây chùa phải có 10 sào đất, rồi sau 10 năm phải xin giấy phép, phải chờ giáo hội xác nhận có phải là tăng sĩ hay không mới được xây. Mà phải hiến đất đó cho giáo hội trước rồi họ mới cho lại mình cất chùa.”

“Còn về chuyện 2,000 đệ tử nghĩa là tính cả ở Sài Gòn, Long Khánh, khắp nơi trên đất nước, thầy y quy được cho 2,000 đệ tử, chứ không phải là ở một chùa có 2,000 đệ tử,” ông giải thích luôn.

“Vậy nghĩa là ngôi chùa ở Long Khánh mà thầy nói có 2,000 đệ tử là không có?”, phóng viên hỏi lại.

“Chưa xây, phải chờ, mà thầy đã hiến hết cho giáo hội một năm trước đây rồi, hiến hết rồi, không còn dính líu gì nữa hết,” tân trụ trì chùa Bảo Quang nói xong và cúp máy. (Nhóm phóng viên Người Việt)

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

Hà Nội nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết Canh Tý

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết, vì vậy người Việt Nam ở Hà Nội đang rất bận rộn để chuẩn bị đón Tết Canh Tý 2020. Hai thứ không thể thiếu cho ngày Tết là cây đào và cây tắc. Nhiều người đến chợ hoa Quảng Bá hay đến đường Lạc Long Quân ở Hà Nội để mua hai loại cây này. Nhiều người thì đến phố Hàng Lược để mua lồng đèn đỏ, bao lì xì và nhiều đồ trang trí Tết khác.

Không khí chợ hoa trên đường Lạc Long Quân. (Hình: Linh Pham/Getty Images)
Hai mẹ con chụp hình tại vườn hoa đào Nhật Tân. (Hình: Linh Pham/Getty Images)
Hoa đào trong chậu hình chuột. (Hình: Linh Pham/Getty Images)
Nhiều người đến chợ hoa trên đường Lạc Long Quân. (Hình: Linh Pham/Getty Images)
Một tiệm đồ cổ ở phố Hàng Lược lau dọn để đón Tết. (Hình: Linh Pham/Getty Images)
Phố Hàng Lược đầy lồng đèn và bao lì xì Tết. (Hình: Linh Pham/Getty Images)
Một phụ nữ chọn lồng đèn. (Hình: Linh Pham/Getty Images)

Tìm hiểu Luật Hoãn Thuế Lời Tài Sản

Luật Sư tại California và Washington. Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080, website: www.lylylaw.com.

Sau hơn 30 năm sinh sống trên đất Mỹ phần lớn đồng hương Việt Nam ít nhiều cũng đều tạo được một số tài sản đáng kể nhất là bất động sản. Bài này có mục đích giúp quí độc giả hiểu biết về luật “1031 Exchange” là một điều luật thuế có tác dụng giúp hoãn không phải trả thuế trên số tiền lời kiếm được khi bán tài sản cá nhân hay bất động sản.

Thông thường một tài sản – ví dụ như một ngôi nhà ở hay một cơ sở kinh doanh – lúc đầu được mua với giá tiền tiên khởi. Thời gian trôi qua càng ngày tài sản này càng tăng giá trị gấp bội, nếu bán đi được lời đương nhiên người chủ phải đóng thuế tính trên số tiền sai biệt thâu được giữa giá mua và giá bán. Số thuế đánh trên món lời này được sở thuế IRS mệnh danh là “thuế vốn tăng” (capital gain tax). Theo luật lệ hiện hành nếu số tiền lời “vốn tăng” ít hơn $250,000 đối với người khai thuế độc thân hay ít hơn $500,000 đối với cặp vợ chồng khai thuế chung thì được miễn thuế. Ngược lại nếu số lời “vốn tăng” lớn hơn trị giá kể trên thì phải đóng 15% thuế liên bang cộng thêm thuế tiểu bang. Do đó một khi bán nhà được lời vượt trên mức miễn thuế thì hẳn nhiên tiền thuế phải đóng sẽ là một món tiền lớn ít nhất từ vài chục ngàn đô la trở lên.

Tuy nhiên trong bộ Luật Thuế Vụ Hoa Kỳ (U.S. Internal Revenue Code viết tắt là IRC) có điều khoản số 1031 quy định cho hoãn khoản thuế trên lời “vốn tăng” với điều kiện “trao đổi” số tiền bán đi lấy một tài sản khác thuộc “loại giống nhau” (like-kind) và có mục đích kinh doanh hay đầu tư. Vì vậy điều luật này còn có tên thông dụng là luật “trao đổi 1031” (“1031 Exchange”).

Luật “trao đổi 1031” được ban hành vào năm 1990 và cũng còn được gọi là luật “trao đổi loại giống nhau” (”Like-Kind Exchange”). Đây là một điều luật liên bang ấn định rằng tiền vốn tăng của một tài sản – thông thường dưới dạng bất động sản như nhà đất – là tiền lời do sai biệt giá trị vốn liếng của tài sản đó khi bán đi tăng lên so với giá mua lúc đầu. Nếu đem số tiền lời vốn tăng ấy “trao đổi” bằng cách mua một tài sản khác thuộc“loại giống nhau” thì được hoãn khỏi phải đóng “thuế vốn tăng.” Từ ngữ “trao đổi” ở đây không có nghĩa là đổi chác gì với người nào khác mà chỉ có nghĩa là chính chủ nhân tài sản tự “trao đổi” bằng cách bán tài sản đi và dùng số tiền bán được mua một tài sản khác cùng loại với mục đích kinh doanh hay đầu tư.

Lấy thí dụ điển hình nếu một thương gia bán cơ sở thương mại của mình với giá $1.5 triệu so với vốn mua trước đó chỉ có $800,000 thì thương gia ấy phải đóng thuế liên bang và thuế tiểu bang trên số tiền lời $700,000. Tuy nhiên nếu áp dụng luật “trao đổi 1031” thì người này được hoãn không phải đóng “thuế vốn tăng” cho tới tương lai về sau khi nào muốn thôi không kinh doanh nữa thì cuối cùng mới phải đóng thuế cho IRS và tiểu bang khi bán cơ sở đó đi.

Không phải bất cứ tài sản nào cũng áp dụng được luật “trao đổi 1031” vì luật này ấn định một giới hạn quan trọng là chỉ áp dụng cho tài sản có mục đích kinh doanh hay đầu tư mà thôi. Vì vậy “trao đổi” một gia cư thuần túy dùng để ở thì không được, nhưng ngược lại nếu “trao đổi” bất động sản sử dụng làm “văn phòng thương nghiệp” hoặc giản dị hơn là dùng bất động sản đó dưới hình thức đầu tư thì mới được hợp lệ.

Theo chỉ dẫn của sở thuế vụ IRS nói chung nếu “trao đổi” một tài sản thương mại hay đầu tư lấy một tài sản kinh doanh hay đầu tư khác thuộc “loại giống nhau” thì dù vốn được lời hay bị lỗ cũng không có ảnh hưởng gì tới điều luật 1031. Ngược lại nếu “trao đổi” một tài sản kinh doanh hay đầu tư lấy một tài sản khác không cùng “loại giống nhau” thì phần tiền lời phải chịu thuế “vốn tăng” nhưng nếu bị lỗ thì không phải trả thuế. Ngoài ra điều luật 1031 không áp dụng cho việc “trao đổi” các loại tài sản khác như cổ phiếu (stocks), trái phiếu (bonds), hay tín phiếu (notes) hoặc chứng khoán cũng như các chứng từ nợ nần cùng vài loại tài sản khác.

Cũng theo định nghĩa của IRS, từ ngữ “loại giống nhau” ám chỉ tài sản có cùng bản chất và đặc điểm tương tự cho dù có khác biệt về cấp độ hay phẩm chất. Tài sản cá nhân thuộc cùng một hạng được kể là “loại giống nhau”, nhưng gia súc giống đực không kể là “loại giống nhau” với gia súc giống cái hay ngược lại. Ngoài ra tài sản giống nhau nhưng chủ chốt dùng ở Mỹ không kể là “loại giống nhau” với tài sản tương tự nhưng phần lớn dùng ngoài nước Mỹ. Bất động sản đều được kể là “loại giống nhau” bất kể đã khai thác hay chưa khai thác. Tuy nhiên bất động sản tọa lạc trong nội địa Hoa Kỳ không kể là “loại giống nhau” so với bất động sản tương tự ở ngoài Hoa Kỳ.

Theo luật “trao đổi 1031” nếu chỉ đơn độc bán một cơ sở thương mại đi thì cũng chưa đủ điều kiện hợp lệ để được hoãn thuế. Thêm vào đó luật 1031 quy định sau khi bán tài sản đó xong phải mua ngay một tài sản khác thuộc “loại giống nhau” thì mới kể là hợp lệ. Nhưng không phải vì thế khi bán một cơ sở thương mại có diện tích 2,000 foot vuông thì bắt buộc phải mua thế vào đó một văn phòng khác cũng có diện tích 2,000 foot vuông. Thay vào đó từ ngữ “loại giống nhau” được diễn giải một cách rất rộng rãi có ý nghĩa gần như bao gồm tất cả mọi loại bất động sản dùng cho mục đích tăng gia sản xuất thương mại hoặc đầu tư, thí dụ như một lô đất cho dù đã xây cất hay không cũng có thể “trao đổi” lấy bất cứ một tài sản nào khác dùng cho mục đích kinh doanh hay đầu tư.

Diễn giải như vậy nếu ai bán đi một lô đất trống chưa khai thác để mua một lô đất khác đã xây cất rồi hay ngược lại thì vẫn được kể là “trao đổi” hợp lệ giống như bán một bất động sản kỹ nghệ rồi mua một khu nhà nghỉ mát cho thuê. Điểm cần nhấn mạnh ở đây, mặc dầu điều kiện tài sản cùng “loại giống nhau” là điểm hạn chế quan trọng nhưng ngược lại đó cũng chính là điều lợi chung cho mọi cá nhân vì ý nghĩa của “loại giống nhau” được đã được diễn giải và áp dụng một cách rất rộng rãi.

Luật thuế vụ kiểm soát thời gian giữa lúc bán tài sản đầu tiên tới lúc “trao đổi” mua tài sản mới để hoãn thuế. Trên thị trường giá bất động sản thường tăng mau lẹ, ai cũng có thể lợi dụng thời cơ bán đi ngôi nhà mình đang cư ngụ – vốn được miễn “thuế vốn tăng” ($250,000 cho người khai độc thân hay $500,000 cho cặp vợ chồng khai thuế chung) rồi dọn về ở tạm trong ngôi nhà định mua một thời gian định trước dưới hình thức “đi thuê” rồi sau đó mới chuyển thành nhà mua, như vậy tránh được “thuế vốn tăng.”

Tiền bán tài sản phải đầu tư ngay vào một tài sản “loại giống nhau” trong vòng 180 ngày từ ngày bán tài sản đầu tiên. Tuy nhiên tài sản “thứ nhì” dù chưa mua nhưng vẫn phải công bố lai lịch trong vòng 45 ngày và có thể công bố tới ba tài sản định mua. Thường lệ yếu tố khó khăn nhất trong luật “trao đổi 1031” là phải công bố rõ ràng gốc gác tài sản nào sẽ mua thay thế trong vòng 45 ngày kể từ lúc bán tài sản thứ nhất. Sở thuế vụ IRS rất khắt khe không cho gia hạn lâu hơn 45 ngày.

Luật “trao đổi 1031” cũng tương tự như các chương trình tiết kiệm hưu trí IRA hoặc 401K. Khi một cá nhân để dành tiền vào chương trình hưu trí hoãn thuế, phần tiền lời “vốn tăng” đáng lẽ bị đánh thuế nhưng được hoãn cho tới khi đương sự thực sự rút tiền ra. Nguyên tắc này cũng tương tự như việc hoãn thuế – xin nhấn mạnh “hoãn” chứ không phải “miễn” – trên các tài sản theo luật “trao đổi 1031.” Nếu cứ tiếp tục tái đầu tư tiền bán tài sản này bằng cách mua tài sản đầu tư khác thay thế thì mãi mãi bao giờ cũng được hoãn thuế. Có một điều không giống trương mục tiết kiệm hưu trí đề cập ở trên là lợi tức sinh ra do việc cho thuê các bất động sản đầu tư vẫn phải chịu thuế giống như các tài sản sinh lợi thông thường khác.

Phần lớn các chủ nhân tài sản thường nghĩ rằng “trao đổi” có nghĩa là phải bán và mua tài sản “loại giống nhau” trong một thời gian thật sát như cùng ngày hay cùng tuần để hội đủ điều kiện miễn thuế. Nhưng thực ra luật “trao đổi 1031” cho phép kéo dài trong vòng 180 ngày kể từ ngày bán tài sản đầu tiên cho tới ngày mua tài sản thứ hai. Thời gian giữa ngày bán và ngày mua không thành vấn đề nhưng điều quan trọng nhất theo luật là bắt buộc phải ủy nhiệm cho một “trung gian hợp pháp” (qualified intermediary) thi hành cuộc trao đổi.

Điều kiện bắt buộc “trung gian hợp pháp” có dụng ý chính yếu là phòng ngừa cá nhân lợi dụng đem tiền làm ăn lấy lời trong thời gian từ khi bán tài sản thứ nhất cho đến lúc mua tài sản thứ nhì. Tuy người bán có được 45 ngày để dàn xếp trung gian, nhưng cuộc “trao đổi” được xếp đặt bằng cách sao cho người ấy không dùng được số tiền vừa bán để gây lãi thủ lợi trước khi mua tài sản thứ nhì. Người trung gian phục vụ với trách nhiệm bảo đảm cho điều kiện này. Tuy nhiên điều quan trọng nên nhớ rằng người trung gian tính tiền công phục vụ dịch vụ này. Giá cả thù lao thay đổi tùy theo có cung cấp thêm dịch vụ cố vấn hay không, nhưng thông thường tốn vào khoảng từ $500 cho tới $700 cho lần “trao đổi” thứ nhất và từ $200 cho tới $400 cho mỗi tài sản thêm vào sau đó.

Kỳ tới chúng tôi sẽ giải thích thêm chi tiết về luật “trao đổi 1031.” Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quý vị. (Luật Sư LyLy Nguyễn)

Dân Biểu Schiff cáo buộc NSA, CIA che giấu tin tức về Ukraine

WASHINGTON, D.C. (AP) – Chủ tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện hôm Chủ Nhật, 19 Tháng Giêng, cáo buộc các cơ quan an ninh tình báo Mỹ là không cung cấp cho Quốc Hội các hồ sơ có được về vấn đề Ukraine, có thể quan trọng đối với cuộc luận tội Tổng Thống Donald Trump.

Dân Biểu Adam Schiff hôm Chủ Nhật tuyên bố trong chương trình “This Week” của hệ thống truyền hình ABC rằng các cơ quan tình báo Mỹ có vẻ đã bị áp lực của Tòa Bạch Ốc khi không chịu cung cấp các tin tức mà Quốc Hội đòi hỏi.

Ông Schiff được Chủ Tịch Hạ Viện, Dân Biểu Nancy Pelosi, chọn để cùng đứng đầu nhóm công tố viên trong cuộc luận tội Tổng Thống Trump tại Thượng Viện.

Dân Biểu Schiff (Dân Chủ, California) cho rằng cơ quan tình báo điện tử National Security Agency (NSA) “đã giữ không cung cấp những tài liệu có thể có giá trị giúp cho nhiệm vụ thanh tra của chúng tôi về vấn đề Ukraine, và cũng giữ lại các tài liệu khác mà các thượng nghị sĩ có thể muốn có trong cuộc luận tội. Đây là điều rất đáng lo ngại.”

Ông Schiff cũng nói rằng: “Có các chỉ dấu khác cho thấy cơ quan CIA cũng có thái độ đáng buồn này.”

Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Tòa Bạch Ốc đề nghị giới truyền thông liên lạc với các cơ quan tình báo nêu trên. CIA và NSA hiện chưa có lời bình luận gì.

Cuộc luận tội Tổng Thống Donald Trump tại Thượng Viện sẽ chính thức khởi sự vào ngày Thứ Ba.

Phía đảng Dân Chủ trước đây đã chỉ trích Bộ Ngoại Giao là không cung cấp các tài liệu liên quan đến vấn đề Tổng Thống Trump hay những người có liên hệ với ông áp lực chính phủ Ukraine phải điều tra các đối thủ chính trị của ông. (V.Giang)

Chiến hạm Mỹ vào eo biển Đài Loan, Bắc Kinh đòi ‘tôn trọng chủ quyền lãnh hải’

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Bắc Kinh hôm Thứ Sáu, 17 Tháng Giêng, nói rằng họ theo sát một chiến hạm Mỹ, chiếc tuần dương hạm USS Shiloh, đang tiến vào eo biển Đài Loan, đồng thời cũng đòi hỏi là Mỹ phải tôn trọng chủ quyền lãnh hải Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng (Geng Shuang) đưa ra lời phát biểu nói trên sau khi chiếc tuần dương hạm loại Ticonderoga này có “chuyến hải hành thường lệ” qua eo biển Đài Loan, tiếp theo cuộc bầu cử tổng thống ở Đài Loan, theo bản tin của tờ South China Morning Post.

Phát ngôn viên Hạm Đội Thứ Bảy của Mỹ, ông Joe Keiley, hôm Thứ Sáu nói rằng cuộc hải hành của chiếc USS Shiloh chỉ là thường lệ, nhằm xác định quyền tự do hải hành ở vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Theo ông Keiley, các chiến hạm Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động “ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép.”

Bộ Quốc Phòng Đài Loan nói chiếc USS Shiloh di chuyển về phía Bắc, từ hướng Tây Nam của Đài Loan, để vào hải lộ chiến lược giữa Đài Loan và lục địa Trung Quốc.

Nguồn tin này nói rằng quân đội Đài Loan “nắm vững hoàn toàn tình thế trong khu vực, cả ở trên không lẫn dưới biển, trong suốt thời gian có chuyến hải hành nên dân chúng có thể yên tâm.”

Chuyến đi của chiếc USS Shiloh diễn ra sau khi Tổng Thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn, tái đắc cử với số phiếu áp đảo các đối thủ.

Bắc Kinh luôn nói rằng Đài Loan là một tỉnh nổi loạn và chờ ngày được thống nhất với Trung Quốc, bằng võ lực nếu cần. (V.Giang)

Bắt nghi can giả làm cảnh sát chặn xe trên đường ở Rancho Cucamonga

RANCHO CUCAMONGA, California (NV) – Cảnh sát bắt một nghi can giả làm nhân viên công lực, có súng điện và súng lục trên xe hôm Thứ Sáu, 17 Tháng Giêng.

Theo đài KTLA, nghi can Avelardo Estavillo, 35 tuổi, cư dân Rancho Cucamonga bị bắt vì tội giả làm cảnh sát và bắt người vô cớ.

Sở Cảnh Sát San Bernardino cho biết, nghi can dùng xe bảo vệ để giả thành xe cảnh sát và ra lệnh cho một người lái xe trên đường tấp vào lề lúc 1 giờ sáng.

Trong thông cáo, sở cảnh sát cho biết nghi can gắn đèn xe cảnh sát lên xe Ford Crown Victoria của mình và bắt người như nhân viên công lực.

Estavillo lấy bằng lái của nạn nhân và kêu ông ở yên trong xe. Sau đó, nghi can gọi cho sở cảnh sát và báo bắt được một người khả nghi. Trước khi cảnh sát đến, nghi can đã tắt đèn xe cảnh sát giả.

Các cảnh sát viên hỏi chuyện nạn nhân và ông cho hay tưởng Astavillo là cảnh sát thật vì trên xe có đèn xanh đỏ, lại còn hụ còi.

Nghi can tự gọi cảnh sát đến và ở yên tại nơi bắt người vô cớ. Các cảnh sát viên lục soát xe của nghi can, phát hiện thẻ bảo vệ, nhưng thẻ này đang bị tiểu bang treo.

Trên xe nghi can còn có hai khẩu súng, một dùi cui rút ngắn được, một dùi cui gỗ, một khẩu súng điện, một áo giáp chống đạn và nhiều viên đạn, cùng một con chó. Con chó được cảnh sát giao cho cơ quan kiểm soát thú vật.

Estavillo bị bắt, nhưng đã được thả vì đóng tiền tại ngoại $50,000 và đang đợi ra tòa.

Sở Cảnh Sát San Bernardino County kêu gọi công chúng cung cấp thông tin qua số điện thoại (909) 477-2800. (TL)

Little Saigon: Khánh thành Đài Tưởng Niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa

Tưởng Niệm 46 năm Ngày Hoàng Sa

WESTMINSTER, California (NV) – Lễ Tưởng Niệm 46 năm Ngày Hoàng Sa và Khánh Thành Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ Hoàng Sa diễn ra trọng thể vào lúc 11 giờ sáng Chủ Nhật, 19 Tháng Giêng, 2020, do Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long và Thành Phố Westminster tổ chức tại khuôn viên Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ.

Tiếng nhạc đấu tranh của Ban Tù Ca Xuân Điềm chợt ngưng để hai hàng quân thuộc mọi quân binh chủng dàn chào, nghiêm chỉnh tiếp đón cựu Hải Quân Đại Tá Phạm Mạnh Khuê, vị chủ tọa buổi lễ.

Sau phần nghi lễ, ban tổ chức chào mừng quan khách và đồng hương tham dự và cho biết buổi lễ gồm hai phần. Phần đầu là lễ tưởng niệm Ngày Hoàng Sa năm thứ 46 và phần hai là lễ khánh thành Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ Hoàng Sa mà mọi người trông đợi.

Tưởng niệm 46 năm Ngày Hoàng Sa

“Bốn mươi sáu năm trước đây, những chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) thuộc bốn chiến hạm HQ4, HQ5, HQ10 và HQ 16, và Liên Đoàn Người Nhái đã noi gương anh dũng của Đức Thánh Tổ Trần Hưng Đạo, quyết một phen sống chết với kẻ thù phương Bắc khi chúng xâm lăng Quần Đảo Hoàng Sa. Trận hải chiến đẫm máu đã xảy ra giữa Hải Quân VNCH và Hải Quân Trung Cộng,” ông Phạm Lăng, hội trưởng Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long, mở đầu phần phát biểu.

Theo ông, trận chiến nay đã đi vào lịch sử, nhưng nỗi uất hận bị quân thù cướp đất, cướp biển do tổ tiên để lại, sẽ mãi mãi là một vết thương không thể lành của cả dân tộc Việt Nam.

Đài Tưởng Niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa sau khi kéo màn, ra mắt lần đầu tiên tại Westminster, California. (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt)

“Hôm nay, chúng ta cùng có mặt tại đây để tưởng nhớ sâu xa và ghi ơn 74 Tử Sĩ Anh Hùng mà thân xác và con tàu của họ đã nằm sâu trong lòng biển Hoàng Sa, và cũng là cột mốc chủ quyền quốc gia tại quần đảo Hoàng Sa,” ông nói.

“Trong niềm thương tiếc và tri ân đó, Đài Tưởng Niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa đã được Hội Cửu Long với sự hỗ trợ của Hội Đồng Thành Phố Westminster xây dựng, sẽ được khánh thành hôm nay,” ông nói thêm.

Ông khẳng định: “Vì danh dự và trách nhiệm đối với tổ tiên và những người đã chết để bảo vệ quê hương, bổn phận của chúng ta, những người còn sống là phải biết hun đúc, nuôi dưỡng và duy trì ngọn lửa đấu tranh cho mình và cho các thế hệ tương lai. Dù thịt nát xương tan, với lời thề Sát Thát, chúng ta nhất quyết giành lại Hoàng Sa đã bị kẻ thù Trung Cộng xâm chiếm.”

Nói riêng với anh linh của 74 chiến sĩ hải quân, ông xót xa bày tỏ: “Các anh đã vĩnh viễn ra đi vì nợ nước, vì lý tưởng Tự Do. Nhân ngày giỗ thứ 46 hôm nay, xin các anh nhận nơi đây nén hương lòng tưởng nhớ sâu xa nhất của tất cả chúng tôi. Các anh sống mãi trong tâm tưởng mọi người, trong lòng Dân Tộc và Đại Dương Việt Nam yêu quý.”

Ban tổ chức và người tham dự muốn chụp chung tấm hình lịch sử, kỷ niệm ngày khánh thành Đài Tưởng Niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa. (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt)

“Nguyện cầu Hồn Thiêng Sông Núi, với uy linh dũng liệt của 74 Tử Sĩ Hoàng Sa, hộ trì cho con dân Việt Nam biết thương yêu nhau, cùng một lòng đoàn kết để cương quyết đấu tranh, lấy lại quyền làm chủ đất nước từ tay bạo quyền CSVN,” ông nói.

Sau đó ông đọc tiểu sử và giới thiệu Hải Quân Đại Tá Phạm Mạnh Khuê, vị sĩ quan chủ tọa, năm nay 87 tuổi hiện sống ở Irvine.

Ông Lăng cho biết: “Trước năm 1975, Đại Tá Khuê đã từng giữ các chức vụ quan trọng của Hải Quân VNCH, như Tư Lệnh Hải Quân Vùng 2 và Vùng 5 Duyên Hải; Tư Lệnh Lực Lượng Duyên Phòng; Tham Mưu Trưởng Bộ Tư Lệnh Hải Quân – Hành Quân Biển. Trong chức vụ này, ông trách nhiệm soạn thảo kế hoạch Hành Quân Trần Hưng Đạo 47 để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Chức vụ cuối cùng của ông là Tư Lệnh Hạm Đội Hải Quân VNCH. Ông từng là phụ tá cho Đô Đốc Tư Lệnh Hải Quân trong cuộc di tản lịch sử đêm 29 rạng 30 Tháng Tư, 1975.”

Qua phần diễn văn, Đại Tá Khuê nhấn mạnh: “Sự hiện diện đông đảo của quý vị nói lên sự quan tâm và lòng tôn kính tử sĩ anh hùng. Họ là ngọn đuốc sáng soi đường và gợi cảm hứng cho thế hệ hậu duệ VNCH trong tương lai. Chúng ta hy vọng tinh thần yêu nước sẽ được thấm nhuần trong lòng người dân Việt, trong tư tưởng các bạn trẻ. Chúng ta tuy đã không thành công trong việc bảo vệ lãnh hải, nhưng đã nói lên được tinh thần bất khuất và dũng cảm, dù phải liều chết.”

Toán Quốc Quân Kỳ. (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt)

“Trong lịch sử thế giới, tính đến nay, trận hải chiến Hoàng Sa của Hải Quân VNCH là trận chiến duy nhất chống quân xâm lăng Trung Cộng. Chưa có hải quân nước nào dám tấn công Hải Quân Trung Cộng ngoài Hải Quân VNCH!”

Ông nói trong niềm thông cảm với những mất mát lớn lao của gia đình các tử sĩ đã anh dũng hy sinh. Ông cám ơn Thị Trưởng Tạ Đức Trí, Phó Thị Trưởng Kimberly Hồ và Hội Đồng Thành Phố Westminster đã thông qua dự án xây dựng Đài Tưởng Niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa sẽ khánh thành hôm nay.

Kế đến, vị chủ tọa cùng các dân cử hiện diện và Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu, đại diện Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam, đặt vòng hoa trong tiếng kèn truy điệu tử sĩ. Xung quanh là hình ảnh các chiến hạm tham chiến trân hải chiến 19 Tháng Giêng, 1974 của Hải Quân Việt Nam.

Lễ Khánh Thành Đài Tưởng Niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa

Đài Tưởng Niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa, nằm bên phía trái của khuôn viên Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, sâu vào phía trong, không xa bia tưởng niệm năm vị tướng lãnh VNCH tuẫn tiết ngày 30 Tháng Tư 75.

Hai chiến sĩ hải quân giăng sẵn băng chắn ngang lối vào đài tưởng niệm. Ban tổ chức mời Hải Quân Đại Tá Phạm Mạnh Khuê, Thị trưởng Tạ Đức Trí, Phó Thị Trưởng Kimberly Hồ; ông Phạm Lăng, hội trưởng Hội Ái Hữu Cửu Long; và ông Trương Văn Song, chủ tịch Ủy Ban Xây Dựng Đài Tưởng Niệm cắt băng khánh thành, trước khi hai quân nhân Quân Cảnh kéo dây mở tấm màn xanh đợi giây phút ra mắt lần đầu.

Sau khi linh vị của 74 tử sĩ được đặt vào vị trí, bên trái của đài tưởng niệm. Một số mặc quân phục hải quân và đại diện đặt bình hoa.

Ông Trương Văn Song phát biểu: “Một lần nữa, chúng tôi cám ơn ý kiến xây dựng tượng đài và ủy thác cho Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long thực hiện, của Thị Trưởng Tạ Đức Trí và Phó Thị Trưởng Kimberly Hồ và toàn thể hội đồng thành phố thông qua. Vượt qua bao khó khăn và lắng nghe mọi phía để thực hiện việc tri ân 74 tử sĩ Hoàng Sa. Đến nay thì sự thành tâm đã chiến thắng để các anh linh tử sĩ có một nơi an nghỉ, để mọi người và nhất là hậu duệ được kính cẩn tri ân hành động hy sinh vì nước, chống ngoại xâm.”

Thị Trưởng Tạ Đức Trí và vị phó thị trưởng cũng đồng tình rằng đài tưởng niệm là cần thiết và người Việt tị nạn có bổn phận thực hiện và gìn giữ để nêu cao chính nghĩa, chống ngoại xâm cho thế hệ mai sau.

Cựu HQ Đại Tá Phạm Mạnh Khuê (trái), phát biểu. Bên cạnh là ông Phạm Lăng, hội trưởng Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long. (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt)

Lễ truy điệu, dâng hương và xướng danh 74 tử sĩ tiếp theo sau phần nghi thức với văn tế cổ truyền và chiêng trống trang trọng của Hội Đền Hùng Hải Ngoại.

Ông Nguyễn Phước Ái Đỉnh, cựu sĩ quan xuất thân Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, chỉ huy phần lễ nghi quân cách, cho biết: “Là một quân nhân, trước những hy sinh cao cả của các chiến sĩ Hải Quân VNCH, trong đó có một niên trưởng của tôi, tôi luôn tưởng nhớ và trân trọng.”

Ông cũng cho biết ông là tác giả bài văn tế do ông viết trong một thời gian dài, để diễn tả trận hải chiến, cũng như chủ quyền Việt Nam. Ông nhấn mạnh: “Đây là một chiến tích chống giặc Tàu, để lại cho đời sau.”

Kiến Trúc Sư Nguyễn Cửu Lâm, người trách nhiệm thiết kế, bày tỏ: “Tôi vui mừng khi công trình hoàn tất. Có những tranh cãi tưởng như phải đình lại nhiều lần. May thay, chính nghĩa đã thắng.”

Cựu hạm trưởng HQ 11, Thiếu Tá Phạm Đình San cho biết: “Khi có những tranh cãi, tôi đồng ý với ý kiến của bốn vị đại tá niên trưởng Khóa 4. Những gì thành tựu hôm nay nói lên tất cả.”

Bà Lê Kim Chiêu, một phụ nữ tham dự, bất ngờ nói với nhật báo Người Việt: “Chồng tôi là cố Đại Úy Hàng Hải Thương Thuyền, Huỳnh Duy Thạch, hy sinh trong trận Hoàng Sa. Năm 74, cháu Huỳnh Duy Thuận, con trai chúng tôi khi ấy tôi mang thai mới hai tháng.”

“Hôm nay tôi rất xúc động và vinh dự có mặt. Đây là lần thứ ba tôi đến Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ. Từ nay tôi có chỗ để thắp nhang tưởng nhớ anh ấy,” bà xúc động nói giọng run run.

Vòng hoa của Liên Đoàn Người Nhái Hải Quân và vòng hoa “Tổ Quốc Tri Ân” của ban tổ chức. (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt)

Một cặp vợ chồng cư dân Anaheim, ông Kiệt Hứa, 55 tuổi, cho biết: “Tôi thật sự cảm động, vì hải ngoại cần có đài tưởng niệm để các người trẻ sau này biết đến những hy sinh cho đất nước của thế hệ cha ông.”

Cô Nancy Nguyễn cho biết rằng cô đọc được tên người anh là Bùi Quốc Danh trên danh sách tử sĩ khắc trên bia tưởng niệm mới.

“Tôi cảm động và muốn là một phần của lịch sử. Thật sự là đau lòng. Còn là người Việt, phải biết điều đó, dù tôi đã ở đây 30 năm rồi,” cô nói.

Hai vợ chồng trẻ khác dến với ba đứa con nhỏ cho biết anh tên là Nguyễn Vũ, 39 tuổi, ở Tustin.

“Bác tôi là Nguyễn Tấn Sĩ, có tên trên bia đó. Tôi rất xúc động. Mà ở Mỹ thì có người nhớ, còn ở Việt Nam, có ai nhớ không?”

Ông Hanh Trịnh, 88 tuổi ở Santa Ana và ông Nguyễn Minh Quân, 81 tuổi ở Garden Grove đồng tình rằng hai ông rất xúc động trước sự kiện các quân nhân Hải Quân VNCH nói lên được cho những anh hùng dân tộc.

Cựu Hải Quân Trung Tá Vũ Hữu San, hạm trưởng khu trục hạm HQ 4, tuy 81 tuổi, cũng đến tham dự. Tuy nhiên, ông chỉ ngồi trong xe đậu bên ngoài.

Sau buổi lễ, ông gặp lại được hai sĩ quan dưới quyền ông khi xưa. Họ quây quần bên chiếc xe của ông và hàn huyên.

“Tôi tham dự trận đánh này và rất hãnh diện về HQ 4 và các anh em thủy thủ đoàn trên tàu. Gần đây tôi có liên lạc được khoảng 40 anh em HQ 4. Họ tập họp tại Nha Trang và giữ liên lạc từ Quảng Trị đến Cà Mau,” ông vui cười, nói.

Cùng ngày, lúc 6 giờ chiều, ban tổ chức và các chiến hữu và thành viên Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long tổ chức tiệc mừng ngày khánh thành Khánh Thành Đài Tưởng Niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa tại nhà hàng Paracel Seafood ở Westminster. (Nguyễn Việt Linh)

—–

Liên lạc tác giả: [email protected]

Giới chức đặc trách Nga tại Tòa Bạch Ốc bị tạm ngưng việc để điều tra

WASHINGTON, D.C. (NV) – Giới chức cao cấp nhất tại Tòa Bạch Ốc, đặc trách về Nga và Âu Châu, đã bị tạm ngưng việc vô thời hạn trong lúc có cuộc điều tra về vấn đề an ninh, theo nguồn tin thông thạo cho NBC News hay.

Nguồn tin này nói rằng ông Andrew Peek thuộc Hội Đồng An Ninh Quốc Gia đã bị hộ tống ra khỏi bàn giấy, rời Tòa Bạch Ốc, hôm Thứ Sáu, 17 Tháng Giêng.

Ông Peek được đưa lên giữ nhiệm vụ đặc trách về Nga hồi Tháng Mười Một năm ngoái, đã dự trù sẽ tháp tùng Tổng Thống Donald Trump đi dự diễn đàn Davos Forum tuần này, trước khi bất ngờ bị cho nghỉ tạm thời, theo nguồn tin từ Tòa Bạch Ốc.

Ông Peek hôm Chủ Nhật không trả lời yêu cầu bình luận về việc này của NBC News. Một phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia từ chối không bình luận về tình trạng của ông Peek.

Việc ông Peek không hiện diện tại Davos tạo ra khoảng trống trong phần vụ của người trách nhiệm việc đối phó với các nỗ lực tấn công từ phía Nga, cũng như điều hợp chính sách của Mỹ đối với Moscow.

Ông Peek, trước đây chuyên về Trung Đông, lãnh nhiệm vụ về Nga và Âu Châu từ ông Tim Morrison, người là một nhân chứng quan trọng trong cuộc điều tra của Hạ Viện nhằm luận tội Tổng Thống Donald Trump.

Vai trò đặc trách về Nga và Âu Châu này cũng là vị trí trước đó do bà Fiona Hill, một phụ tá cho cựu Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Tòa Bạch Ốc, ông John Bolton, nắm giữ.

Ông Peek là một cựu sĩ quan tình báo Lục Quân Mỹ và từng làm việc về chính sách ngoại giao tại Thượng Viện trước khi là phó phụ tá Bộ Trưởng Ngoại Giao Mỹ đặc trách Iran và Iraq trong văn phòng Cận Đông của Bộ Ngoại Giao. (V.Giang)

Ông Nguyễn Toson (Tri)

Nổ súng ở Hawaii: Hai cảnh sát viên thiệt mạng, nghi can bị truy lùng

HONOLULU, Hawaii (AP) – Hai cảnh sát viên thiệt mạng trong một vụ nổ súng hôm Chủ Nhật, 19 Tháng Giêng, tại thành phố Honolulu, nơi vẫn thường được coi là yên bình, theo thống đốc tiểu bang Hawaii trong bản thông cáo gửi tới báo chí.

Theo tờ báo địa phương Honolulu Star-Advertiser thì hai cảnh sát viên này đến điều tra một báo cáo có người bị tấn công thì gặp nghi can có võ trang. Người này sau đó nổ súng, trúng cả hai cảnh sát viên.

Thống Đốc David Ige nói rằng “Cả tiểu bang chúng ta thương tiếc hai cảnh sát viên ở Honolulu vừa bị thiệt mạng khi làm phận sự hồi sáng nay.”

Vụ nổ súng xảy ra ở khu xóm nằm phía cuối bãi biển Waikiki Beach, giữa sở thú Honolulu Zoo và Diamond Head State Monument. Nơi này thường có đông đảo du khách cũng như cư dân địa phương, nhất là vào cuối tuần.

Cảnh sát bao vây căn nhà, nơi tình nghi có nghi can ở bên trong. (Hình: Jamm Aquino/Honolulu Star Advertiser/AP)

Căn nhà nơi nghi can nổ súng nghi là ở bên trong đã phát hỏa và ngọn lửa nhanh chóng lan sang ít nhất là năm căn nhà khác cạnh đó và thiêu rụi luôn một xe cảnh sát đậu nơi này.

Theo hồ sơ tại tòa thì chủ căn nhà phát hỏa, Lois Cain, tuần qua đã nộp đơn yêu cầu trục xuất người ở trong nhà là Jaroslav Hanel, còn được biết dưới tên Jarda Hanel và Jerry Hanel.

Nguồn tin từ giới truyền thông địa phương nói rằng bà Cain là người bị Hanel dùng dao đâm, khiến hàng xóm gọi báo cảnh sát.

Đơn này nói rằng Hanel không có giao kèo thuê nhà và không chịu rời khỏi căn nhà. Một phiên tòa về vụ này được dự trù sẽ diễn ra hôm Thứ Sáu.

Theo luật sư Jonathan Burge, người đại diện cho Hanel từ năm 2015, thì thân chủ của ông có bệnh tâm thần, gồm cả việc nghĩ rằng bị chính phủ theo dõi, nghe lén điện thoại.

Luật sư Burge đã đại diện cho nghi can Hanel trong mấy vụ tranh chấp với hàng xóm, kể cả các lệnh cấm lại gần mà hàng xóm đã xin tòa ban hành, nhắm vào ông Hanel.

Ông Burge nói nghi can Hanel gốc Cộng Hòa Tiệp và thường dùng thông dịch viên Tiệp khi ra tòa.

Theo luật sư Burge thì có thể nghi can Hanel nổi giận vì bị chủ nhà tìm cách đuổi khỏi nơi này. (V.Giang)

Giáo viên bị tâm thần phân liệt mất tích ở Culver City

CULVER CITY, California (NV) – Giới hữu trách giáo dục của Culver City đang kêu gọi nhân viên công lực tìm một giáo viên bị tâm thần phân liên đang mất tích.

Theo đài KTLA, giáo viên mất tích là bà Brainna Kaye Capillo, 33 tuổi. Lần cuối cùng có người thấy bà là tại nhà ở khu số 50 trên đường Cayuse ở Rancho Palos Verdes lúc 1 giờ sáng ngày 12 Tháng Giêng.

Nhân viên công lực cho biết bà bị tâm thần phân liệt và không chịu uống thuốc, nhưng chưa biết được liệu bệnh của bà có liên quan đến vụ mất tích này không.

Theo mô tả, bà là người da trắng, cao khoảng 4 foot 9 inch và nặng 130 pound. Bà để tóc vàng và có mắt nâu.

Học Khu Culver City đã báo tin cho trường trung học đệ nhất cấp nơi bà Capillo làm việc và còn báo cho phụ huynh, học sinh của trường này. Họ kêu gọi bà trở về nhanh chóng và an toàn với gia đình.

Giám Đốc Leslie Lockhart của học khu cho biết giới hữu trách không thể cung cấp thêm thông tin vì đang điều tra. Bà còn cho hay học khu sẽ có nhiều nhà tư vấn cho học sinh đang gặp khó khăn về tâm lý.

Theo trang web của trường, nhưng đài KTLA không nói rõ trường nào, nạn nhân có bằng dạy Anh ngữ của Cal State Long Beach và có bằng cao học văn học của đại học Loyola Marymount University.

Sở Cảnh Sát Los Angeles County kêu gọi công chung cung cấp thông tin qua số điện thoại (323) 890-5500. (TL)

Thiếu nữ 14 tuổi bị bắt cóc ở San Jose, dùng Snapchat để cầu cứu

SAN JOSE, California (NV) – Một thiếu nữ 14 tuổi ở San Jose bị bắt cóc và dùng Snapchat để cho bạn bè biết cô đang ở đâu.

Theo đài KTLA, Sở Cảnh Sát San Jose cho biết nạn nhân gặp nghi can Albert Thomas Vasquez, 55 tuổi, hôm Thứ Ba, 14 Tháng Giêng ở Capitola.

Vasquez tống thuốc nạn nhân, làm cô ngất xỉu và gọi đồng bọn là Antonio Quirino Salvador, 34 tuổi, và Hediberto Gonzalez Avarenga, 31 tuổi, đến để mang nạn nhân vào xe.

Vasquez hãm hiếp cô trong xe, sau đó đưa nạn nhân đến một nhà trọ ở San Jose. Cả nhóm mang cô lên phòng ở tầng hai và Vasquez lại tiếp tục hãm hiếp cô.

Khi đang bị nhốt trong nhà trọ, cô dùng “app” mạng xã hội Snapchat để báo tin cho bạn bè và cho họ biết mình đang ở đâu. Các bạn của cô thấy vậy liền gọi 911.

Cảnh sát nhanh chóng có mặt tại nhà trọ và phát hiện nghi can Vasquez đang rời khỏi nơi này, để lại nạn nhân trong phòng. Nghi can bị bắt vì tội hiếp dâm người vị thành niên, bắt cóc và đánh thuốc trẻ em.

Hai nghi can Salvador và Avarenga bị bắt sau đó một ngày vì tội bắt cóc.

Đài KTLA chưa biết được ba nghi can có luật sư hay không. (TL)

Gian lận bảo hiểm, chủ bệnh viện ở Long Beach lãnh 15 tháng tù

LONG BEACH, California (NV) – Chủ một bệnh viện ở Long Beach bị kết án 15 tháng tù vì gian lận bảo hiểm y tế nhiều nhất trong lịch sử của California.

Theo nhật báo The Orange County Register, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ cho biết bị cáo Faustino Bernadett, 65 tuổi, ký hợp đồng giả giấu hơn $30 triệu tiền hối lộ các bác sĩ giải phẫu xương sống tại bệnh viện Long Beach Pacific Hospital. Bị cáo lường gạt hệ thống tiền dành cho nhân viên của tiểu bang và nộp $900 triệu tiền giả.

Hồi năm 2005, Bernadett mua lại bệnh viện Long Beach Pacific Hospital của ông Michael Drobot, một người cũng từng ăn hối lộ.

Khi biết được ông Drobot ăn hối lộ, bị cáo Bernadett không khai báo hay ngăn cản hay khai báo, mà còn cho phép ông tiếp tục làm vậy.

Từ Tháng Giêng, 2008 đến Tháng Mười, 2010, Bernadett bán lại cổ phần của bệnh viện cho ông Drobot và những người có liên quan nhận hối lộ đến tổng cộng $30 triệu.

Ông Drobot, 75 tuổi, cư dân Corona Del Mar, bị kết án 5 năm tù hồi năm 2014.

Tháng Tám năm ngoái, Bernadett nhận tội che giấu cho người phạm tội và tòa án cho biết có 15 người khác bị kết tội.

Không chỉ bị 15 tháng tù, một chánh án liên bang ở Santa Ana ra lệnh cho bị cáo đóng tiền phạt $60,000 và ông còn phải trả $1 triệu cho chính phủ Hoa Kỳ. (TL)

Cảnh sát Hồng Kông bắn lựu đạn cay giải tán hàng ngàn người đòi ‘tẩy chay cộng sản’

HỒNG KÔNG (NV) – Cảnh sát Hồng Kông hôm Chủ Nhật, 19 Tháng Giêng, bắn ào ạt các đợt lựu đạn cay để giải tán hàng ngàn người kéo đến tụ tập tại một công viên ngay trung tâm thành phố để bày tỏ sự phản kháng chính quyền nơi này và cũng để kêu gọi tẩy chay chủ nghĩa cộng sản.

Cảnh sát kéo đến bao vây khu công viên từ sớm, trước khi cuộc tập họp bắt đầu. Họ ngay lập tức bắn lựu đạn cay ngăn chặn khi có cuộc tuần hành xuống đường tự phát sau đó.

Lực lượng cảnh sát cũng dùng dùi cui tấn công, rượt đuổi và bắt giữ một số người  trong thành phần tranh đấu, theo bản tin của hãng thông tấn Reuters.

Giới chức an ninh cũng huy động xe vòi rồng đến đợi sẵn, cùng xe bọc thép, nhưng không dùng tới.

Ban tổ chức lúc đầu xin giấy phép cho có cuộc tuần hành, nhưng cảnh sát chỉ cho phép họ được tập trung bên trong công viên, lấy lý do rằng các cuộc tuần hành trước đây đã trở thành bạo động.

Người biểu tình Hồng Kông bị cảnh sát đàn áp. (Hình: AP Photo/Ng Han Guan)

Khi người tranh đấu bắt đầu tiến ra đường, một số người trong số này đã dùng dù và các thứ lấy được ở hai bên đường để chặn giao thông, cậy gạch lót vỉa hè và đập phá đèn giao thông.

Trong thông cáo gửi đến báo chí, cảnh sát Hồng Kông nói rằng có hai nhân viên liên lạc cộng đồng của họ bị thương vì bị tấn công bằng gậy. Bản thông cáo cũng cho hay một số nhân viên cảnh sát làm nhiệm vụ chặn bắt và xét hỏi người khả nghi ở khu vực ngoài nơi tập trung của giới tranh đấu đã bị ném các chai nước vào người.

Cuộc biểu tình có chủ trương chống chủ nghĩa cộng sản này, mang tên “Universal Siege Against Communism” là hành động mới nhất của người dân Hồng Kông trong hàng loạt các cuộc biểu tình xuống đường kể từ hồi Tháng Sáu năm ngoái tới nay. (V.Giang)

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông vẫn chưa biết khi nào ‘vận hành thương mại’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đầy tai tiếng, cứ lùi mãi thời gian bắt đầu khai thác vận hành thương mại mà đến ông Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc cũng không biết còn lùi đến bao giờ.

Hôm Chủ Nhật, tờ Tiền Phong thuật lại văn bản mà ông Phúc trả lời chất vấn của một đại biểu quốc hội sốt ruột vì dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông hứa hẹn rồi liên tục lỡ hẹn từ năm này sang năm khác, nay đã sang năm 2020.

“Bao giờ tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh-Hà Đông) được đưa vào vận hành thương mại? Trách nhiệm để chậm này thuộc về tổ chức, cá nhân nào?”, Bà Bùi Huyền Mai thuộc đoàn “đại biểu quốc hội” thành phố Hà Nội đặt câu hỏi với ông Phúc.

Văn bản trả lời được báo Tiền Phong thuật lại là “dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2A, Cát Linh-Hà Đông bị chậm tiến độ, phải điều chỉnh nhiều lần, đến nay chưa xác định chính thức thời gian hoàn thành dự án.” Tức là chính ông Nguyễn Xuân Phúc cũng chẳng biết gì hơn.

Nhà cầm quyền Việt Nam ký thỏa hiệp vay tiền của Trung Quốc để làm dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông bên cạnh một số dự án đường sắt khác nhằm giải tỏa nạn kẹt xe kinh niên trên các đường phố. Tuy nhiên hợp đồng ký kết lại có các điều khoản mù mờ, bất lợi cho chủ đầu tư từng bị chỉ trích rất nhiều trước đây.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông dài 13.5 km, vốn đầu tư khởi đầu hơn $552 triệu. Làm dở dang, nhà thầu Trung Quốc ì ra, nói hết tiền đòi phải thêm tiền mới làm tiếp. Nhà cầm quyền Việt Nam phải chấp nhận vay thêm, tăng đầu tư vào dự án lên thành $891.9 triệu.

Dự án sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc và đối ứng của Việt Nam, bằng hợp đồng vay ký lần đầu năm 2008, sau đó ký vay thêm vào năm 2017. Dự án khởi công Tháng Mười, 2011, nhưng tới nay chỉ còn 1% chưa hoàn tất dù qua 5 đời bộ trưởng Giao Thông Vận Tải, lần lượt gồm các ông Đào Đình Bình, Hồ Nghĩa Dũng, Đinh La Thăng, Trương Quang Nghĩa và hiện là ông Nguyễn Văn Thể.

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông trong một lần chạy thử hồi Tháng Chín, 2018. (Hình: Getty Images)

Năm ngoái, người ta thấy Việt Nam thuê tư vấn độc lập ACT của Pháp đến để làm báo cáo đánh giá an toàn. Nhưng họ gặp khó khăn vì tổng thầu Trung Quốc không chịu cung cấp các tài liệu, chứng từ cần thiết. Nhì nhằng mãi, Cục Đăng Kiểm của Bộ Giao Thông Vận Tải “cũng đã hoàn thành việc cấp chứng nhận đăng kiểm tạm thời cho 13 đoàn tàu của dự án để có thể vận hành toàn hệ thống.” Dù vậy dự án “vẫn chưa thể đi vào hoạt động chính thức do còn một số hạng mục vẫn chưa thể hoàn thành,” theo tờ Dân Việt ngày 3 Tháng Giêng, 2020.

Như báo Dân Việt nêu ra và từng được nhiều báo tại Việt Nam nói đến hồi năm ngoái, “Theo Ban Quản Lý Dự Án Đường Sắt (Bộ Giao Thông Vận Tải), hiện các hạng mục xây dựng trong dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng; các hạng mục thiết bị đã lắp đặt khoảng 90%, vật tư thiết bị đã nhập khẩu, chuyển đến công trường đạt khoảng 99% (chưa bao gồm thiết bị dự phòng), đã căn chỉnh đồng bộ và chạy thử được 5 chuyên ngành liên quan đến chạy tàu.”

Những thứ còn lại trong 1% khối lượng xây dựng và các thủ tục nghiệm thu hoàn chỉnh để kết thúc dự án nhưng đều ảnh hưởng đến công tác nghiệm thu tổng thể từng hạng mục và toàn dự án, gồm: “lắp đặt mái che thang cuốn tại nhà ga, thoát nước ga vành đai 3, hệ thống phòng cháy chữa cháy, lắp đặt hoàn thiện liên hoàn nhiều hệ thống thiết bị, vận hành thử toàn bộ hệ thống… Do đó, dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ tiếp tục lùi hạn khánh thành dù đã sang năm 2020.”

Vì kẹt không thể bắt đầu chạy khai thác thương mại, hôm 15 Tháng Giêng, 2020, tờ tiền Phong nói Bộ Giao Thông Vận Tải đã “yêu cầu tổng giám đốc Cục 6 Đường Sắt Trung Quốc (Tổng Thầu EPC) sang Việt Nam làm việc” để “thúc đẩy tiến độ, tháo gỡ vướng mắc để đưa dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội) vào khai thác thương mại.”

Không thấy có tin gì cho biết ông nay có sang Việt Nam không mà chỉ thấy ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, không biết đến bao giờ đường sắt Cát Linh-Hà Đông bắt đầu khai thác thương mại. (TN)

Liệu quan hệ Việt Nam, Trung Quốc có khá hơn trong năm 2020?

Tin Tổng Hợp 19/12/2019:
-Cảnh sát Hồng Kông bắn lựu đạn cay giải tán hàng ngàn người tranh đấu đòi dân chủ
-Vladimir Putin: “Không có ý duy trì truyền thống lãnh tụ trọn đời ở Nga”
-Texas: Cãi cọ trong nhà, cha dượng bắn vào bụng con riêng của vợ
-Liệu quan hệ Việt Nam, Trung Quốc có khá hơn trong năm 2020?

Bắc Kinh và Hà Nội tiếp tục khẳng định ‘4 tốt’ và ‘16 chữ vàng’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Lãnh tụ hai nước cộng sản anh em Việt Nam và Trung Quốc gọi điện thoại chúc tết, kỷ niệm bang giao, đưa những lời lẽ nồng ấm bề ngoài có vẻ muốn kêu gọi cải thiện mối quan hệ song phương.

Hôm Thứ Bảy, Tân Hoa Xã đưa tin chủ tịch Tập Cận Bình gọi điện thoại chúc mừng Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước CSVN Nguyễn Phú Trọng nhân dịp kỷ niệm 70 năm hai nước Cộng Sản anh em thiết lập bang giao.

Ông Tập Cận Bình thấy lập lại mấy khẩu hiệu tuyên truyền quen thuộc “4 tốt” và “16 chữ vàng” mà ông ta cũng đã nhắc đến ba ngày trước đó trong cuộc điện đàm chúc tết.

Lãnh đạo Trung Quốc đưa ra 16 chữ khẩu hiệu xác định đường hướng phát triển quan hệ hai nước Việt-Trung trong thế kỷ mới là “Sơn thủy tương liên, lý tưởng tương thông, văn hóa tương đồng, vận mệnh tương quan” (nghĩa là sông núi gắn liền, cùng chung lý tưởng, hòa nhập văn hóa, có chung định mệnh), được diễn dịch là “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai.” Bên cạnh đó là khẩu hiệu “4 tốt” gồm “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”

Những khẩu hiệu này thường được nhắc đi nhắc lại mỗi khi các lãnh đạo cấp cao hai nước gặp nhau. Tuy nhiên, người ta chỉ thấy Tân Hoa Xã đưa tin ông Tập Cận Bình gọi điện thoại cho ông Nguyễn Phú Trọng hôm Thứ Bảy, 18 Tháng Giêng, 2020 trong khi không thấy Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin gì. Đây là lần thứ hai trong ba ngày có cuộc điện thoại giữa hai ông lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc.

Trước đó, ngày Thứ Năm, 16 Tháng Giêng, 2020, Thông Tấn Xã Việt Nam  đưa tin, nhân dịp tết Canh Tý sắp đến, ông Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nói chuyện, chúc tết qua điện thoại với Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đương nhiên, cả Thông Tấn Xã Việt Nam và Tân Hoa Xã đều đưa tin như những tin chính, nổi bật trong ngày đó, nhưng cách đưa tin khác nhau theo chủ đích tuyên truyền khác nhau.

Người dân Hà Nội trong một cuộc biểu tình tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh bảo vệ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. (Hình: AFP/Getty Images)

Cuộc điện đàm diễn ra sau một loạt những biến có liên tiếp từ nửa năm nay, từ trên Biển Đông đến các diễn đàn chính trị quốc tế, cho người ta thấy mối quan hệ “đồng chí anh em” giữa hai nước Cộng Sản Việt Nam và Trung Quốc “núi liền núi, sông liền sông” có các khẩu hiệu “4 tốt” và “16 chữ vàng” không lấy gì làm tốt đẹp.

Thông Tấn Xã Việt Nam nói rằng trong cuộc điện đàm, ông Trọng, ngoài những lời chúc tụng thường lệ, đã kêu gọi “hai bên cần gìn giữ tốt truyền thống hữu nghị tốt đẹp; đẩy mạnh hợp tác thực chất, cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực; tăng cường giao lưu nhân dân, tạo nền tảng xã hội vững chắc cho quan hệ song phương.”

Dịp này, ông còn kêu gọi “kiên trì thông qua các biện pháp hòa bình để xử lý thỏa đáng những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ hai nước trên cơ sở nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, phù hợp với luật pháp quốc tế, qua đó thúc đẩy quan hệ Việt-Trung phát triển ổn định, lành mạnh, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.”

Đáp lại, Thông Tấn Xã Việt Nam nói, ông Tập Cận Bình sau những lời chúc tụng đã “sẵn sàng cùng với đảng, chính phủ và nhân dân Việt Nam tăng cường sự tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác thực chất và hiệu quả trên các lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước.”

Trong khi đó, Tân Hoa Xã nói ông Tập Cận Bình nhắc lại khẩu hiệu “4 tốt” rồi cho rằng “Chúng ta cần tiếp tuc củng cố lòng tin cậy chính trị, tiến hành tình hữu nghị truyền thống và tăng cường nền tảng cho mối quan hệ.” Đồng thời ông ta kêu gọi “hai nước láng giềng nên xử lý đúng cách và giải quyết những bất đồng (ám chỉ Biển Đông) dựa trên viễn ảnh lớn hơn về lâu về dài để đạt được hoàn cảnh ngoại tại thuận lợi cho hai nước phát triển.”

Dịp này, Tân Hoa Xã cho thấy ông Tập Cận Bình không quên hô hào ông Trọng hợp tác, cổ võ cho cái tham vọng kinh tế chính trị “Vành đai và con đường” để mối quan hệ giữa hai nước ngày một phát triển hơn.

Bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam không thấy đề cập gì nhưng Tân Hoa Xã lại viết rằng ông Nguyễn Phú Trọng cảm ơn Trung Quốc đã hậu thuẫn và viện trợ quý giá cho Cộng Sản Việt Nam “nhuộm đỏ được cả nước.” Ông Trọng được thuật lời “hy vọng hợp tác với Trung Quốc thúc đẩy phát triển hơn nữa mối quan hệ của hai nước.”

Đồng thời ông Trọng, theo Tân Hoa Xã, kêu gọi “nỗ lực chung để tăng cường lòng tin cậy chính trị” bên cạnh các mặt hợp tác khác.

Những lời chúc tết nồng ấm và kêu gọi cải thiện quan hệ của hai lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam và Trung Quốc liệu có dẫn đến “lòng tin cậy chính trị” được cải thiện hay không? Những gì diễn ra qua các biến cố vừa qua cho thấy những lời hô hào cải thiện quan hệ có vẻ trống rỗng, không thật lòng, chỉ nhằm tuyên truyền.

Dù vậy, bề ngoài, hôm Thứ Sáu, 17 Tháng Giêng, 2020, khi đưa tin tất cả ba lãnh tụ đảng, nhà nước và Quốc Hội CSVN gửi điện văn kỷ niệm 70 năm thiết lập bang giao với Trung Cộng, thấy Thông Tấn Xã Việt Nam thuật lại là “Chủ trương nhất quán, lâu dài của đảng, nhà nước Việt Nam là hết sức coi trọng, sẵn sàng làm hết sức mình và ưu tiên hàng đầu phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với đảng, nhà nước và nhân dân Trung Quốc.” (TN)

ASEAN kêu gọi kiềm chế trên Biển Đông

NHA TRANG, Việt Nam (NV) – Các nước thành viên ASEAN kêu gọi các bên liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông “kiềm chế các hoạt động” và “tránh làm phức tạp thêm tình hình.”

Trong một bản thông cáo báo chí gồm 19 điểm, hội nghị cấp ngoại trưởng của 10 nước ASEAN họp tại Nha Trang vào hai ngày 16 và 17 Tháng Giêng, 2020, tổ chức ASEAN nói.

“Chúng tôi trao đổi về tình hình Biển Đông, trong đó quan ngại đã được bày tỏ về hoạt động tôn tạo bồi đắp, những diễn biến gần đây và các sự cố nghiêm trọng, đã làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy, làm gia tăng căng thẳng và có thể đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.”

Năm nay, Việt Nam là chủ tịch luân phiên Hiệp Hội 10 nước Đông Nam Á. Một số nhà phân tích thời sự chính trị khu vực cho rằng Hà Nội sẽ tận dụng cơ hội này để vận động các nước khác liên kết với nhau hầu chống lại tham vọng bá quyền bành trướng của Bắc Kinh.

Người ta thấy nổi bật trong bản thông cáo báo chí 19 điểm nói trên là vấn đề Biển Đông được chú trọng đặc biệt. Dù không nêu đích danh, nhưng lời lẽ của hai điểm 14 và 15 của bản thông cáo báo chí cho người ta hiểu là nhắm vào Bắc Kinh, tuy lên án nhưng bằng những lời lẽ nhẹ nhàng kiểu “nói dỗi.”

Bản thông cáo báo chí viết: “Chúng tôi tái khẳng định sự cần thiết thúc đẩy lòng tin và sự tin cậy, tự kiềm chế trong tiến hành các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, và giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.”

Các nước ASEAN qua bản thông cáo báo chí “tái khẳng định rằng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, là cơ sở để xác định chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích chính đáng đối với các vùng biển. Chúng tôi tái khẳng định rằng UNCLOS 1982 là khung pháp lý cơ bản cho các vùng biển và phải được tất cả các quốc gia tôn trọng.”

Từ đó ASEAN “nhấn mạnh tầm quan trọng của phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động bởi các bên có tuyên bố chủ quyền và tất cả các quốc gia khác, bao gồm các hoạt động được đề cập đến trong DOC có thể làm phức tạp thêm tình hình và leo thang căng thẳng ở Biển Đông.”

Hiện các nước ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (Code of Conducts) vốn được kêu gọi tiến hành đàm phán gần hai chục năm qua, đến nay mới chỉ thỏa thuận được cái khung đàm phán. Các chi tiết điều khoản thỏa thuận thì vẫn còn đang cù cưa mà mấu chốt vẫn là có hay không có sự ràng buộc pháp lý.

Hà Nội muốn cột sự ràng buộc pháp lý vào thỏa hiệp trong khi Bắc Kinh chống lại với sự toa rập của một số nước mà họ đã mua chuộc được bằng viện trợ kinh tế, quân sự.

Những ngày cuối năm 2019, người ta thấy Indonesia đưa cả chiến hạm và chiến đấu cơ tới áp lực đuổi nhóm tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của họ quanh quần đảo Natuna. Trước đó, nhóm tàu khảo sát địa chất Trung Quốc cũng xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của Malaysia đồng thời với các hoạt động xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Một số nhà phân tích đặt nghi vấn không rõ các nước đó có liên kết với Hà Nội chống lại Bắc Kinh hay không.

Mấy năm gần đây, Bắc Kinh áp lực Hà Nội phải từ bỏ các cuộc khảo sát, dò tìm dầu khí trong vùng biển đặc quyền kinh tế của mình, lấy cớ có cái chủ quyền “Lưỡi bò” ngang ngược.

Các ngoại trưởng ASEAN họp tại Nha Trang ngày 17 Tháng Giêng, 2020. (Hình: NHAC NGUYEN/AFP/Getty Images)

Tướng Phạm Trường Long, phó quân ủy trung ương Trung Quốc hồi năm 2017 từng đến Hà Nội đe dọa nếu Việt Nam không hủy bỏ dò tìm dầu khí tại lô 118 (ngoài khơi Quảng Nam-Quảng Ngãi) và lô 136-3 (Đông Nam Vũng Tàu 200 hải lý) thì sẽ xua quân đánh chiếm các đảo Trường Sa của Việt Nam.

Sau vụ đối đầu căng thẳng với đám tàu Trung Quốc kéo dài từ đầu Tháng Bảy đến Tháng Mười, 2019 ở khu vực bãi Tư Chính, Hà Nội đã nhiều lần lên án Bắc Kinh ngang ngược trên Biển Đông. Tuy vậy, cũng chỉ dám ám chỉ chứ không nêu đích danh Trung Quốc.

Hồi Tháng Mười Một, 2019, Thứ Trưởng Ngoại Giao CSVN Lê Hoài Trung bắn tiếng không chính thức trong một cuộc hội thảo tại Hà Nội rằng Việt Nam có thể tính tới chuyện kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng Hà Nội chỉ coi đó là giải pháp cuối cùng.

Đồng thời, hành động của Trung Quốc cũng thúc đẩy Indonesia nghiêng về phía lập trường của Việt Nam, kêu gọi phải có một bộ COC ràng buộc pháp lý để tránh sự ngang ngược cậy sức mạnh quân sự của Bắc Kinh.

Nếu cả Hà Nội, Jakarta và Kuala Lumpur cùng một lập trường và cương quyết chống hành vi Trung Quốc trên Biển Đông, Bắc Kinh không muốn bị cộng đồng ASEAN liên kết chống lại mình nên đã nhiều lần mua chuộc một số nước để chia rẽ khối này.

Cambodia là thành viên ASEAN được Bắc Kinh tận dụng cho mưu đồ vừa kể.

Philippines từng quyết liệt chống Bắc Kinh thời tổng thống trước, nhưng khi ông Duterte lên cầm quyền từ 2016 thì đổi chiều ve vãn Bắc Kinh lấy viện trợ và đầu tư kinh tế. Không những vậy, còn bắn tiếng muốn xé Hiệp Ước Phòng Thủ Hỗ Tương (Mỹ-Philippines) ký từ năm 1951. (TN)

Tin mới cập nhật