Thursday, May 2, 2024

Kaiser Permanente ở Woodland Hills tạm đóng cửa để sửa ống nước

WOODLAND HILLS, California (NV) – Bệnh viện Kaiser Permanente ở Woodland Hills bị bể ống nước và không có nước để hoạt động đến Thứ Tư, 22 Tháng Giêng, được ba ngày và phải tạm đóng cửa, chuyển bệnh nhân đi nơi khác.

Theo đài KTLA, giới hữu trách của bệnh viện hy vọng sẽ sửa xong hệ thống ống nước vào Thứ Năm, nhưng cho hay phải đến ít nhất Thứ Bảy, 25 Tháng Giêng mới hoạt động lại được.

Trong thông cáo, Kaiser Permanente cho biết họ đã lắp đặt hệ thống ống nước tạm thời, nhưng quyết định để đến Thứ Bảy mới hoạt động lại để giữ an toàn cho nhân viên và bệnh nhân. Trong lúc đó, bệnh viện ở Woodland Hills sẽ tạm đóng cửa.

Phó giám đốc Murtaza Sanwari của bệnh viện cho biết tại cuộc họp báo hôm Thứ Tư, nhân viên phát hiện ống nước bị rò rỉ trong lúc bảo trì hôm Chủ Nhật, 19 Tháng Giêng . Họ tìm cách sửa nhưng không thành công.

Vì vậy, bệnh viện quyết định đóng cửa để thay ống nước và đó là cách tốt nhất để giữ an toàn cho bệnh nhân, nhân viên.

Theo ông Sanwari, trong những trường hợp khẩn cấp như vậy, bệnh viện sẽ hoạt động từ 72 đến 96 giờ và đã làm như vậy sau khi phát hiện ống nước bị rỉ.

Ông cho hay bệnh viện sẽ tạm ngưng hoạt động và chỉ có nhà thuốc 24 giờ còn mở cửa để bệnh nhân hay gia đình đến lấy thuốc. (TL)

Giới thiệu thơ Nguyễn Minh Huấn – Mùa đông Bắc Âu

Mùa đông Bắc Âu

Đông về tuyết phủ tinh cầu,
Tuyết gieo em gái Bắc Âu muộn phiền.
Thú rừng dỗ giấc đông miên,
Quên đi buốt giá triền miên không cùng.
Bên tôi nhiệt đới nghìn trùng,
Bên em hàn đới lạnh lùng một phương.
Ru em ngủ giấc mộng thường,
Nơi đây xứ lạnh vấn vương khối tình.
Sầu đông uống cạn bóng hình,
Quên đời viễn xứ, quên mình tha phương
Nguyễn Minh Huấn

 


LTS: Nhằm mục đích tạo thêm tình thân ái giữa bạn đọc và tòa soạn, nhật báo Người Việt trân trọng kính mời quý bạn đọc, thân hữu tham gia “Vườn Thơ Người Việt,” bằng tất cả mọi thể loại thơ.
Xin gửi về địa chỉ email [email protected] hoặc “Vườn Thơ Người Việt,” 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683.


‘Xuân Đoàn Kết,’ lần đầu tiên Little Saigon có hai cuộc diễn hành Tết

GARDEN GROVE, California (NV) – Cuộc diễn hành Tết lần thứ tám do Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California sẽ mang chủ đề “Xuân Đoàn Kết” sẽ diễn ra vào Chủ Nhật, 26 Tháng Giêng, nhằm ngày Mùng Hai Tết Canh Tý 2020, từ 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa.

Cuộc diễn hành “Xuân Đoàn Kết” (với tên tiếng Anh là Power of Unity) xoay quanh đề tài 45 năm người Việt tị nạn Cộng Sản tại Hoa Kỳ.

Chủ đề “Xuân Đoàn Kết” rất thích hợp, theo ông Phát Bùi, trưởng ban tổ chức. “Nếu đồng hương ủng hộ cả hai cuộc diễn hành đông đủ thì đó là thể hiện tinh thần đoàn kết,” ông khẳng định.

Cuộc diễn hành bắt đầu từ Bank of America trên đường Westminster từ phía Đông đường Brookhurst rồi hướng đến đường Taft.

Chương trình bắt đầu đúng 9 giờ sáng.

Sau lễ an vị quốc tổ và chào cờ Mỹ-VNCH là phần mở màn chưa hề có trong lịch sử diễn hành Tết.

Ông Phát Bùi: “‘Xuân Đoàn Kết’ vì có hai cuộc diễn hành là sự phát triển của cộng đồng.” (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông Phát Bùi cho biết “Xuân Đoàn Kết” sẽ mở màn với màn nhào lộn trên không trung vô cùng đẹp mắt và người tham dự sẽ phải há mồm kinh ngạc. “Ba người ‘Navy SEAL’ sẽ nhảy dù từ độ cao 13,000 ft xuống khu vực diễn hành,” ông Phát Bùi cho biết.

Máy bay chở ba người “Navy SEAL” này cất cánh từ phi trường John Wayne và ba người này phải đáp xuống trong khu dân cư nên sự phối hợp giữa họ và ban tổ chức phải vô cùng chặt chẽ.

Người đầu tiên cầm một cờ nhỏ của cơ sở bảo trợ trong lúc người thứ nhì cầm một đại kỳ VNCH và người thứ ba cầm một đại kỳ Mỹ. “Cả ba người sẽ nhào lộn rất độc đáo nhiều lần rồi mới đáp xuống trước khán đài ở góc đường Bowen và đường Westminster,” ông tiếp. “Lá đại kỳ VNCH rất to, cỡ 15ft x 8ft.”

Để nhắc lại một phần quá khứ không thể nào quên được của những người từng trải qua cuộc chiến tranh chống Cộng Sản, “Xuân Đoàn Kết” còn có một chiếc trực thăng quân đội Huey đời 1973, một hình ảnh quen thuộc của cuộc chiến. “Đây là một ký ức đánh dấu 45 năm sau ngày Sài Gòn sụp đổ và bắt đầu cuộc tị nạn lịch sử của người Việt Quốc Gia,” ông Phát cho hay. “Chiếc Huey sẽ được kéo đi trên một chiếc xe hoa.”

Múa lân trong diễn hành Tết do Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California tổ chức năm 2019 trên đại lộ Bolsa Trần Hưng Đạo, thành phố Westminster. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Theo ông chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California và là nghị viên Garden Grove, phần đốt pháo cũng sẽ vô cùng hấp dẫn với những tràng pháo rực sắc Xuân treo cao đến 10 thước nổ vang trời, trong lúc đoàn lân rộn ràng chào đón ở giữa lòng đường. Ông nói: “Đây là những phong pháo dài nhất từ trước đến giờ.”

Điều cần lưu ý là đại lộ Westminster từ đường Brookhurst đến đường Euclid sẽ bị đóng từ 6 giờ sáng đến khoảng 2 giờ trưa và sẽ ảnh hưởng đến các đường phố trong khu vực lân cận nơi cư trú của quý vị, gồm một phần của đường Taft từ Westminster đến đường Woodbury.

Chặng đường từ Bank of America đến đường Taft dài hơn 3,500 ft trong lúc đoạn đường diễn hành hằng năm bên Westminster chỉ dài 2,500 ft thôi, theo ban tổ chức.

Cuộc diễn hành có 55 đơn vị tham dự, trong đó “Great Wolf” (công viên nước) là đơn vị “nặng ký” nhất.

Rất nhiều xe gắn máy đủ kiểu sẽ xuất hiện trong diễn hành Tết do Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California tổ chức. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Màn kết thúc buổi diễn hành có tên “Sài Gòn Xưa” để gợi lại hình ảnh thân yêu của Sài Gòn dạo nào. “Màn này có hai xe taxi, hai xe xích lô, một xe lam ba bánh và rất nhiều xe gắn máy đủ kiểu cùng đông đảo nam thanh, nữ tú trong những bộ đồng phục sinh viên, học sinh,” ông Phát nói.

Cả bảy lần trước, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California đã rất thành công trong việc tổ chức diễn hành Tết trên đại lộ Bolsa Trần Hưng Đạo, thành phố Westminster, vào ngày Mùng Một Tết.

Đây là lần đầu tiên cuộc diễn hành của cộng đồng được tổ chức vào ngày Mùng Hai kể từ năm 2013 đến 2019.

Tất cả các đường phố sẽ được mở lại cho lưu thông vào lúc 2 giờ trưa. (Đằng-Giao)

—-
Liên lạc tác giả: [email protected]

Churro ở Anaheim, bánh lúc nào cũng nóng hổi, không đến rất phí

ANAHEIM, California (NV) – Orange County có nhiều tiệm ăn do gia đình làm chủ và thành công lâu năm, thu hút được nhiều thực khách. Một trong những tiệm đó là xe bán bánh churro của người Mễ Tây Cơ ở Anaheim, có tên Don Churro Gomez.

Churro là một món ăn vặt thường thấy ở Nam California và đa số người bán là người Mễ Tây Cơ. Tuy vậy, món này không xuất xứ ở Mexico và nguồn gốc vẫn còn là một bí ẩn.

Nhiều sử gia cho rằng người Bồ Đào Nha đến Trung Quốc vào thời nhà Minh (năm 1368 đến năm 1644) và học được món dầu cháo quẩy của người Hoa, sau đó mang về nước rồi biến thành churro. Quẩy và churro đều là bột được chiên trong dầu nóng, nên giả thuyết hai món này là họ hàng có thể đúng.

Churro rất nổi tiếng ở Tây Ban Nha, đến mức dân nước này dùng churro làm món điểm tâm. Vì vậy, các sử gia còn có một giả thuyết là món này do những người chăn cừu ở Tây Ban Nha chế ra. Họ chiên một thanh bột làm từ bột mì, nước và muối để thay cho bánh mì nướng. Họ chế ra món bánh chiên này vì có thể chiên ngoài đồng cỏ trong lúc chăn cừu. Cuối cùng, họ đặt tên là churro vì bánh này nhìn như sừng của giống cừu Churra.

Một phần rõ ràng của nguồn gốc của churro là người Tây Ban Nha đi xâm chiếm nhiều nước, sau đó mang cacao và đường mía về nước nhà, sau đó làm thành món chocolate nóng để chấm bánh churro.

Các nước Mỹ La Tinh chịu nhiều ảnh hương văn hóa từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và món bánh churro cũng là một phần văn hóa đó. Món churro đến Hoa Kỳ và được làm theo kiểu của người Mễ Tây Cơ, được phủ đường cùng bột quế bên ngoài.

Xe Don Churro Gomez ở Anaheim. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Xe Don Churro Gomez chỉ mới mở ở Orange County gần hai năm, nhưng gia đình Gomez đã thành công ở thị trấn Yahualica thuộc tiểu bang Jalisco ở Mexico hơn 50 năm. Sau đó, họ quyết định mang hương vị của quê nhà đến miền Nam California.

Tuy chỉ mới mở gần hai năm, xe churro này thu hút được rất nhiều thực khách và được lan truyền khắp nơi trên mạng xã hội.

Sau khi đi làm về, tôi thèm ngọt và quyết định rủ bạn bè đi thử churro của xe này. Xe Don Churro Gomez đậu trong bãi đậu xe của một siêu thị và từ xa tôi đã thấy ánh đèn đỏ cùng một dòng người đứng trước.

Nhiều người xếp hàng để mua bánh. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Tôi nhanh chóng tìm chỗ đậu xe và xếp hàng để được thử món bánh truyền thống của gia đình Gomez.

Thực đơn của họ chỉ có bánh churro, nhưng có hai loại. Một loại là churro cọng nhỏ hình xoắn thường thấy và loại churro cọng to mang tên bảng hiệu “Don Churro,” nhìn như dầu cháo quẩy. Khách đến đây có thể gọi một miếng, hoặc cả một dây. Tôi chỉ gọi mỗi loại một miếng và còn gọi thêm một phần churro cọng nhỏ ăn với kem, cùng vài ly chocolate nóng kiểu Mễ. Anh nhân viên nói tôi nên gọi thêm một hộp nước sốt caramel để chấm bánh.

Trong lúc đợi, tôi nhìn vào trong xe thì thấy bánh lúc nào cũng được chiên mới, không bao giờ có bánh cũ. Không gian chật hẹp, nhưng có đến khoảng bảy người bên trong để bảo đảm bánh lúc nào cũng ngon.

Tôi đợi chừng 10 phút thì bánh ra lò. Bánh để trong túi giấy nóng hổi và thơm phức mùi bột quế.

Tôi thử bánh churro cọng nhỏ trước. Bánh để ráo dầu rất kỹ, cầm trên tay không có cảm giác khó chịu. Khi cắn vào, lớp vỏ bên ngoài giòn tan, được tẩm đường vừa phải nên không quá ngọt và hơi cay thơm mùi bột quế. Vỏ bánh còn có độ dai rất vừa phải, ngon hơn rất nhiều so với những chỗ bán churro khác mà tôi từng ăn. Lớp ruột thì thơm béo, được vị ngọt của đường và vị cay thơm của quế tô điểm.

Nước sốt caramel “cajeta” được làm từ sữa đặc nên hơi dính và mùi vị ngọt ngào, thơm béo. Tuy nước sốt này ngon, nhưng bánh churro ngon sẵn rồi, ngon đến mức không cần thêm vị ngọt nữa.

Gia đình Gomez bận rộn làm việc. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Bánh “Don Churro” thì nhìn gần giống như một cọng dầu cháo quẩy, được cắt ở giữa và quết một chút sốt caramel vì bánh to nên đường và quế không thấm hết được. Bánh này cũng giòn tan, nhưng dai hơn bánh nhỏ và độ dai rất giống với quẩy. Đúng là loại bánh to này cần nước sốt caramel hơn để có mùi vị ngọt ngào.

Khi ăn bánh churro thì phải có một chút chocolate nóng pha kiểu Mễ. Chocolate được pha rất vừa miệng, không quá ngọt, cũng không đắng và còn có thêm mùi quế rất lạ miệng. Ban đầu tôi thấy mùi quế hơi kỳ, nhưng càng uống thì thấy rất hợp.

Bánh churro thường. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Cuối cùng món churro với kem vanilla. Bánh churro thường được xắt nhỏ ra và để một viên kem vanilla lên trên, sau đó thêm một chút nước sốt caramel ở trên. Bánh churro vẫn nóng giòn, vẫn ngọt ngào mùi đường và quế. Kem thì mát lạnh, thơm béo, không quá ngọt. Độ lạnh và mùi vị của kem ăn cùng với churro không chê chỗ nào được. Kem chảy ra thấm vào bánh lại càng ngon hơn.

Churro là món bình dân nên giá của một miếng chỉ khoảng $3. Phần churro ăn với kem chỉ có $6, nhưng có thể đủ cho hai người ăn. Thực khách còn có thể mua cả dây bánh với giá $13.

Các loại churro của Don Churro Gomez rất ngon, bánh lúc nào cũng mới, làm tôi phải tự hỏi tại sao mình lại chưa đến đây trong khi họ đã hoạt động gần hai năm và chắc chắn sẽ đến đây nhiều lần nữa.

Bánh churro lớn hay “Don Churro.” (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Xe này chỉ bán từ Thứ Năm đến Chủ Nhật. Vào Thứ Năm và Thứ Sáu, họ bán từ 5 giờ rưỡi chiều cho đến 10 giờ tối. Vào Thứ Bảy, họ bán từ 5 giờ chiều đến 11 giờ tối và bán đến 10 giờ tối vào Chủ Nhật.

Xe Don Churro Gomez bán tại địa chỉ 1440 S. Anaheim Blvd., Anaheim, CA 92805. (Thiện Lê)

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

Nguyện sống sao cho xứng đáng làm người

Tuần lễ này, người giữ mục xin phép được thay đổi hương vị món ăn thường lệ bằng một bài viết đã được đăng trên tờ Thời Báo ở Canada dịp Lễ Giáng Sinh vừa qua. Nội dung bài viết là các thư trao đổi giữa độc giả ký tên là “Một cựu nữ sinh trường Jeanne d’Arc” và phúc đáp của người giữ mục là tôi, Bùi Bích Hà.

Bài viết được đọc và chia sẻ tại quận Cam, được yêu cầu cho đăng vào cột báo do Bùi Bích Hà phụ trách hằng tuần, mỗi Thứ Năm, trên trang Địa Phương của nhật báo Người Việt. Chúng tôi rất cảm kích biết nội dung bài viết đề cập đến một vấn đề hết sức thiết yếu và do đó, nhạy cảm, từ tâm huyết của một cựu nữ sinh trường Jeanne d’Arc Huế, ít nhiều, đã được độc giả xa gần thưởng thức.

Quý vị nào đã đọc qua, xin thứ lỗi. Quý vị nào đang đọc, xin rộng lượng đón nhận.

Bùi Bích Hà chân thành cảm tạ.

Thư của một cựu nữ sinh trường Jeanne d’Arc (Huế):

Trong số báo Giáng Sinh năm nay, 2019, giáo sư bỉnh bút của tờ Người Việt, Đỗ Quý Toàn, có bài viết nói lên một điều tôi tâm đắc. Nhân dịp này, tôi cũng muốn mạn phép nhờ quý đài, quý báo, qua chương trình “Tâm Tình với Thái Hà,” đưa ra lá thư tâm sự của tôi để tìm thêm tri kỷ trong số thính giả/độc giả thường nghe hay đọc mục này.

Tôi xin trích dẫn điều đó như sau: “Trong mùa Lễ Giáng Sinh, những người theo đạo Chúa hay không theo đều có thể nhớ đến Con Người sinh ra khiêm tốn trong máng cỏ ở Galilee, trong cuộc đời ngắn ngủi ở trần gian, đã từng đứng lên nói cho mọi người chung quanh biết rằng thế giới này không phải thuộc về Caesar tất cả, mà còn những quy tắc, luật lệ cao thượng, thiêng liêng hơn. Nghe những lời cầu kinh và những bài hát Giáng Sinh trong những ngày này, chúng ta đều có thể mở trái tim mình, nguyện sống sao cho xứng đáng làm người.” (Đỗ Q. Toàn, GS 2019)

Tôi vốn là người ngoại đạo. Cha mẹ tôi theo đạo Phật. Mẹ tôi ngày Rằm hay Mồng Một Âm Lịch hay đi lễ chùa để cúng dường tịnh tài và hoa quả hái trong vườn nhưng cha tôi thì không. Ông thường nói với chúng tôi: “Tam Bảo ở trong tâm.” Chúng tôi được cha cho theo học các trường Công Giáo vì, theo cha tôi, ở đây, học trò được hưởng một chương trình giáo dục tốt cho tâm linh. Chỉ cần chúng tôi được dạy dỗ kỷ luật và trao truyền các giá trị nhân sinh trên căn bản đạo đức làm người, sau này lớn lên, chúng tôi tự lựa chọn con đường tín ngưỡng và cũng là con đường đời của mỗi đứa.

Cha tôi nói đúng. Riêng với tôi là đứa con út, tôi tin có Chúa Giáng Sinh ra đời trong máng cỏ. Chúa cũng là đấng chịu chết trên thánh giá vì sứ mạng cứu rỗi loài người nhưng tôi không tin nhiều chuyện khác, xin lỗi, thêu dệt xung quanh ngài. Tuy nhiên, tôi có đủ sự tôn trọng dành cho những điều tôi dược nghe và được dạy, vốn phát sinh từ ý thức công bằng mà giáo dục gia đình và nhà trường đã khắc họa sâu trong tôi từ thơ ấu. Tôi có tự do chọn lựa nhưng không có tự do để bài bác, nhất là tự do bày điều để xâm phạm, thậm chí hủy hoại quyền chọn lựa của người khác.

Thời gian gần đây, có nhiều bài viết nghiêm cẩn về Chúa Giêsu theo tinh thần đoạn tôi trích dẫn bên trên từ bài viết của Giáo Sư Đỗ Quý Toàn, cho tôi hình ảnh Chúa “đứng lên, nói cho mọi người chung quanh biết rằng thế giới này không phải thuộc về Caesar tất cả, mà còn những quy tắc, luật lệ cao thượng, thiêng liêng hơn.” Và ngài đã chịu chết rất đớn đau vì lời kêu gọi ấy, dù chưa là tất cả thì cũng để một phần những người dân dũng cảm xung quanh ngài được sống đàng hoàng ở nước Trời ngay trên mặt đất này, không chấp nhận bị chà đạp bởi cường quyền và bạo lực.

Tôi cũng tin là hiện nay, dường như phép lạ Phục Sinh bắt đầu, các Cha Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn đang dấn bước theo ngài trên con đường hành đạo cứu rỗi ngay trong cuộc đời này. Lời nguyện cầu hằng đêm của riêng tôi là xin Chúa soi sáng, thêm sức và gìn giữ mọi người trong giới hạn của sự khôn ngoan và đức độ để không ai quá đà, để nước Trời xích lại gần chúng ta hơn là địa ngục đã ngay dưới chân chúng ta.

Trong dư âm mùa Lễ Giáng Sinh chưa thật hết, tôi ước ao độc giả/thính giả của các kênh truyền thông tiếng Việt, tiếng Anh, có chút thời gian lắng đọng để suy nghiệm về câu viết của Giáo Sư Đỗ Quý Toàn. Cửa nhà Trời khó qua như con lạc đà trước lỗ kim. Chúng ta không là lạc đà, chỉ cần chúng ta nhớ chúng ta là hạt bụi, hãy bé bằng hạt bụi, có khác chăng là hạt bụi vỡ ra từ thiên hà sáng láng hay từ một xó xỉnh tối tăm, tùy chọn lựa của mỗi người trong chúng ta.

Cảm ơn bà đã đọc thư và chia sẻ.

Trả lời:

Lâu lâu nghe được tiếng chuông nhà thờ hay chuông chùa lan tỏa trong bình minh mới rạng hay trong buổi chiều xuống êm đềm, tôi như người được tắm gội trên một khúc sông thanh khiết hay dưới một cơn mưa làm mới lại cả bầu trời.

Tôi thường có cùng cảm nghĩ như bà. Thiên đàng hay niết bàn nếu có, cũng xa xôi quá mà cuộc sống hằng ngày dàn trải trước mỗi chúng ta thì, xa hoa/ lộng lẫy hay thiếu thốn/ nghèo hèn, bày ra cơ man nào là khổ đau và lầm lỗi.

Con người càng ngày càng ít quan tâm đến nhau và đến các giá trị tâm linh vốn là nguồn cội của hạnh phúc nên hạnh phúc trở nên hiếm hoi. Con người thời nay hoặc chịu sự hà khắc của chế độ cai trị họ hoặc của tấm lòng quá nhiều sân si, vọng tưởng sa đà của chính mình trên mặt đất này nên thỉnh thoảng có ai nhắc điều đơn giản như lời nhà báo Giáo Sư Đỗ Quý Toàn được bà chia sẻ: “Nghe những lời cầu kinh và những bài hát Giáng Sinh trong những ngày này, chúng ta đều có thể mở trái tim mình, nguyện sống sao cho xứng đáng làm người,” cảm tưởng của tôi như được an ủi rất nhiều và có thêm hy vọng.

“Mở lòng, mở trái tim…” nghe chừng không khó, tựa như mở một cánh cửa đóng khóa cẩn thận vì cái không gian bên trong cánh cửa ấy chứa nhiều của cải. Thực tế, chúng ta cần cái chìa khóa, có khi cất kỹ quá, quên mất đã để nó ở đâu? Không săn sóc, cũng không cho đi, mọi thứ sẽ han gỉ, mốc meo qua thời gian mà không có chỗ cho những cái mới thay thế theo định luật vơi đầy.

Tám chữ vắn vỏi “nguyện sống sao cho xứng đáng làm người” ai cũng từng đọc qua và có thể đọc nhiều lần ở nhiều thời điểm trong đời nhưng mỗi người trong chúng ta hiểu theo ý riêng nên chúng ta xét nét nhau nhiều hơn là tìm ra vài tiêu chuẩn chung và cùng nhau thực tập.

Cảm ơn bà đã chia sẻ. Xin Chúa xuống ơn dồi dào cho nhân loại khắp nơi trong mùa Thánh thiêng liêng này. (Bùi Bích Hà)

Mỹ sẽ giới hạn visa đối với phụ nữ mang thai để tránh ‘du lịch sinh con’

WASHINGTON, D.C. (AP) – Chính phủ của Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư, 22 Tháng Giêng, dự trù sẽ công bố các giới hạn mới về việc cấp visa, nhằm ngăn chặn tình trạng “du lịch sinh con” (birth tourism) của các bà bầu đến Hoa Kỳ sinh con, để con của họ sau đó đương nhiên có được quốc tịch Mỹ.

Những người nộp đơn xin visa, nếu bị các giới chức tòa đại sứ hay lãnh sự coi là có ý định đến Hoa Kỳ chỉ nhằm mục đích sinh con, nay sẽ bị đưa vào thành phần người ngoại quốc tới Mỹ để trị bệnh, theo các hướng dẫn được Bộ Ngoại Giao Mỹ gửi ra hôm Thứ Tư.

Những người nộp đơn xin visa này sẽ phải chứng minh rằng họ sang Hoa Kỳ để trị bệnh và có đủ khả năng tài chánh để chi trả cho việc này.

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ dự trù sẽ công bố các quy định mới vào ngày Thứ Năm, theo hai giới chức thông thạo vấn đề này. Quy định mới sẽ có hiệu lực vào ngày Thứ Sáu.

Việc đến Hoa Kỳ để sinh con trên căn bản là điều hợp pháp, dù rằng đã có một số vụ giới hữu trách bắt những người điều hành đường dây du lịch sinh con, với lý do là gian lận visa hay trốn thuế.

Việc đưa ra các quy định mới về visa đối với các phụ nữ mang bầu là một cách để ngăn chặn tình trạng du lịch sinh con, tuy nhiên điều này cũng tạo ra các câu hỏi là làm cách nào mà nhân viên tòa đại sứ có thể biết là người nộp đơn có bầu, và liệu rằng tất cả các phụ nữ đều có thể bị giới chức ở biên giới không cho nhập cảnh chỉ vì nghi ngờ có bầu?

Các giới chức tòa đại sứ lúc này không phải hỏi trong cuộc phỏng vấn cấp visa là người phụ nữ có bầu hay không, hoặc có ý định mang bầu không. Tuy nhiên, họ sẽ phải có nhận định là người xin visa này có sẽ đến Hoa Kỳ với mục đích duy nhất là sinh con hay không.

Du lịch sinh con là một dịch vụ béo bở ở Hoa Kỳ cũng như thành phần môi giới ở các quốc gia khác.

Có nhiều công ty đã quảng cáo và ra giá cho dịch vụ của họ, có khi lên tới $80,000, để lo đủ mọi thứ từ nơi ở cho đến việc săn sóc sức khỏe thai phụ.

Hiện chưa có con số rõ rệt là có bao nhiêu phụ nữ ngoại quốc đến Hoa Kỳ chỉ để sinh con. (V.Giang)

Luận tội TT Trump: Hạ Viện kêu gọi Thượng Viện ‘bảo vệ nền dân chủ Mỹ’

WASHINGTON, D.C. (AP) – Các công tố viên phía đảng Dân Chủ tại Hạ Viện hôm Thứ Tư, 22 Tháng Giêng, khởi sự phần trình bày lập luận cáo buộc trong phiên luận tội Tổng Thống Donald Trump trước các thượng nghị sĩ Thượng Viện, kêu gọi phía Cộng Hòa, đang ở thế đa số, hãy bỏ phiếu đưa ông Trump ra khỏi Tòa Bạch Ốc, để “bảo vệ nền dân chủ của chúng ta.”

Dân Biểu Adam Schiff (Dân Chủ, California), chủ tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện, cũng là công tố viên chính, đã có phần phát biểu kéo dài hơn hai giờ đồng hồ, đưa ra các lý luận chính về việc phải bãi nhiệm Tổng Thống Donald Trump.

Ông Schiff nói Tổng Thống Trump đã có “âm mưu xấu xa” để lạm dụng quyền hạn tổng thống và sau đó làm đủ mọi cách để cản trở cuộc điều tra của Quốc Hội.

Ông Schiff kêu gọi các thượng nghị sĩ đừng coi thường cuộc luận tội, nhắc cho họ nhớ về ý định của các Tổ Phụ Lập Quốc (Founding Fathers).

Theo ông Schiff, các Tổ Phụ Lập Quốc “lo ngại rằng một tổng thống có thể phá hoại nền dân chủ của chúng ta qua việc lạm dụng quyền hạn lớn lao của chức vụ, cho quyền lợi cá nhân hay chính trị của ông ta. Do vậy họ bày ra phương cách để đối phó với tình trạng ghê gớm đó là tiến trình luận tội.”

Khó khăn mà ông Schiff cũng như các công tố viên Hạ Viện khác phải vượt qua không chỉ là thuyết phục được các thượng nghị sĩ trong phòng họp mà cũng là quần chúng Mỹ, hiện đang có sự chia rẽ rõ ràng.

Tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ sáng đèn vào buổi chiều tà. Các thượng nghị sĩ sẽ phải họp cho tới khuya trong thời gian có phiên luận tội. (Hình: Win McNamee/Getty Images)

Sau 12 giờ họp ngày hôm trước, kéo dài tới 2 giờ sáng, các thượng nghị sĩ hôm Thứ Tư tỏ ra bồn chồn, đứng ngồi không yên.

Tình trạng này thấy rõ ràng trong phần trình bày của Dân Biểu Jason Crow (Dân Chủ, Colorado), một cựu quân nhân, mới đắc cử vào Hạ Viện năm ngoái, và có nhiệm vụ nói về sự nguy hiểm của việc giữ lại viện trợ quân sự cho Ukraine trong lúc quốc gia này đang phải đối phó với sự đe dọa của Nga và thành phần dân quân ly khai được Nga hỗ trợ.

Có lúc trong khi ông Crow đang nói thì có khoảng hơn 10 thượng nghị sĩ rời khỏi ghế của họ, đứng ngáp dài ở phía sau.

Luật của Thượng Viện trong cuộc luận tội là các thượng nghị sĩ phải ngồi tại chỗ, giữ yên lặng và không được dùng điện thoại hay các phương tiện điện tử nào khác.

Trưởng Khối Đa Số Cộng Hòa tại Thượng Viện, Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell, nói rằng phiên họp sẽ tiếp tục đến 6 giờ 30 phút chiều giờ miền Đông Hoa Kỳ, để ăn tối, rồi sau đó lại họp tiếp.

Các công tố viên của Hạ Viện, nơi đảng Dân Chủ chiếm đa số, sẽ tiếp tục trình bày lập luận kết tội Tổng Thống Donald Trump của họ cho tới ngày Thứ Sáu. Các luật sư của Tổng Thống Donald Trump sau đó sẽ có ba ngày để đáp trả các lập luận cáo buộc này. (V.Giang)

Chánh Lục Sự Quận Cam mong phá kỷ lục làm lễ kết hôn ngày Valentine

WESTMINSTER, California (NV) – Chiều Thứ Tư, 22 Tháng Giêng, Chánh Lục Sự Quận Cam Hugh Nguyễn đến chúc Tết Canh Tý nhật báo Người Việt. Dịp này ông thông báo văn phòng ông sẽ thêm giờ làm việc, mở cửa đến 5 giờ 30 phút chiều trong ngày Lễ Tình Yêu, Thứ Sáu, 14 Tháng Hai (Valentine), thay vì đóng cửa.

Mục đích trong ngày này là mong phá kỷ lục của những năm trước đây về số người ghi danh làm lễ kết hôn.

“Văn phòng chúng tôi đang tìm cách để phá vỡ kỷ lục năm năm và khuyến khích những cặp tình nhân dự định kết hôn vào Tháng Giêng hoặc cuối Tháng Hai hãy xem xét việc làm lễ kết hôn ngay trong ngày Lễ Tình Yêu để giúp làm nên lịch sử cho văn phòng chúng tôi,” ông Hugh Nguyễn nói với nhật báo Người Việt.

“Các cặp tình nhân nên lấy hẹn trước để có thể giành chỗ cho ngày đặc biệt này. Xin vào trang nhà OCRecorder.com và lấy hẹn trên mạng, hoặc tải xuống ứng dụng di động có tên là OC Weddings,” ông hướng dẫn.

“Ngày Lễ Tình Yêu luôn luôn là một trong những ngày bận rộn và hạnh phúc nhất trong năm của văn phòng, vì vậy chúng tôi cố gắng làm cho ngày đó dễ dàng hơn cho những cặp tình nhân,” chánh lục sự gốc Việt nói. “Tôi rất háo hức và mong muốn phá vỡ kỷ lục của những năm trước cho ngày Lễ Tình Yêu và khuyến khích các cặp tình nhân tham gia và giúp chúng tôi làm nên lịch sử.”

Vì Lễ Tình Yêu năm nay rơi vào ngày Thứ Sáu và thêm giờ làm việc, văn phòng sẽ có khả năng phá kỷ lục của ngày Lễ Tình Yêu những năm trước. Kỷ lục năm 2014 là 266 cặp tình nhân kết hôn và 310 giấy phép được cấp trong một ngày. Ngày Lễ Tình Yêu vẫn tiếp tục là một trong những ngày bận rộn nhất trong năm cho văn phòng và năm nay sẽ không ngoại lệ.

“Một lý do khác để tham gia vào ngày đặc biệt này là vì văn phòng chúng tôi có chi phí thấp nhất cho giấy phép kết hôn và lễ kết hôn trong tiểu bang California. Riêng trong quận Cam, cặp tình nhân có thể lấy giấy phép kết hôn công khai với giá là $61, và giấy phép kết hôn kín với giá $66. Muốn thực hiện một lễ kết hôn dân sự, chỉ phải trả thêm $28,” ông giải thích.

Trong ngày Lễ Tình Yêu sắp tới, các văn phòng trong thành phố Anaheim, Laguna Hills và tại Tòa Án Cũ (Old County Courthouse) ở Santa Ana sẽ thêm thời gian làm việc. Thay vì đóng cửa theo thường lệ, văn phòng sẽ mở đến 5 giờ 30 phút chiều trong ngày đó để cấp giấy phép kết hôn và làm lễ cưới.

Lưu ý văn phòng tại địa điểm Westminster chỉ cấp giấy phép kết hôn và sẽ không thực hiện các nghi lễ kết hôn. Địa điểm Westminster sẽ đóng cửa vào lúc 4 giờ 30 phút chiều. Để tiết kiệm thời gian, đơn xin phép kết hôn có thể hoàn thành trên trang nhà OCRecorder.com và trên ứng dụng di động OC Weddings, trước khi đến văn phòng. Để biết thêm chi tiết, xin gọi (714) 834-2500.

Cùng tháp tùng phái đoàn có anh Billy Lê, một khuôn mặt quen thuộc, phụ trách giao tế cộng đồng. (Nguyễn Việt Linh)

Tai nạn xe trượt tuyết ở Quebec: Hướng dẫn viên thiệt mạng, 5 du khách mất tích

TORONTO, Canada (NV) – Một hướng dẫn viên du lịch thiệt mạng và 5 du khách người Pháp mất tích khi một nhóm người đi ngoạn cảnh bằng xe trượt tuyết (snowmobile) đâm xuống hồ nước đóng băng Lac-Saint-Jean ở Québec vào tối ngày Thứ Ba, 21 Tháng Giêng, theo tin cảnh sát.

Hãng thông tấn Reuters trích lời cảnh sát Canada cho biết qua Twitter hôm Thứ Tư, có 8 du khách Pháp, cùng người hướng dẫn viên, đã dùng xe trượt tuyết đi ngoạn cảnh gần St-Henri-de-Taillon thì tai nạn xảy ra.

Cảnh sát nói rằng nhóm người này không đi theo con đường đã được đánh dấu dành cho xe trượt tuyết và chạy vào khu vực băng mỏng gần Lac-Saint-Jean, sau đó xe của họ xuyên thủng băng đá, rơi xuống nước.

Có ba người trong đoàn lái lên bờ được và chạy tìm nơi gọi cấp cứu. Cả 3 người này hiện đang được điều trị tại một bệnh viện ở Alma.

Lời cầu cứu được chuyển đi lúc khoảng 19 giờ 30 phút, giờ địa phương, tại một cửa tiệm ở thành phố Saint-Henri-de-Taillon, nằm cách thành phố Quebec chừng 225 km (khoảng 140 dặm) về phía Bắc, theo lời phát ngôn viên của cảnh sát Sûreté du Québec, ông Hugues Beaulieu.

Cảnh sát và quân đội Canada được huy động để tìm kiếm các nạn nhân. Người hướng dẫn viên du lịch, 42 tuổi, được vớt lên và đưa vào bệnh viện. Các bác sĩ sau đó xác nhận nạn nhân đã tắt thở.

Hôm Thứ Tư, tám thợ lặn từ cảnh sát Sûreté du Québec và hai trực thăng được gởi tới để trợ giúp cuộc tìm kiếm, theo ông Beaulieu.

Ông Beaulieu cũng nói rằng việc 5 du khách mất tích có thể sống sót qua đêm trong nhiệt độ đóng băng là điều “có thể xảy ra nhưng rất khó.” (V.Giang)

Đọc sách ‘Yen Do and the Story of Nguoi Viet Daily News’

LTS: Trong những ngày cuối năm Âm Lịch, nhằm ôn lại một mảng sinh hoạt báo chí của cộng đồng Việt Nam trong quá khứ, mời quý độc giả đọc bài điểm cuốn sách “Yen Do and the Story of Nguoi Viet Daily News” của tác giả Jeffrey Brody, đã đăng trên tạp chí Thế Kỷ 21 số 169, Tháng Năm, 2003.

Tính đến năm 2003 thì chỉ còn hai năm nữa là tròn 30 năm người Việt Nam chính thức di dân đi cư trú ở nước ngoài sau khi miền Nam bị Cộng Sản chiếm đoạt vào Tháng Tư, 1975. Người Việt Nam chạy trốn Cộng Sản cư ngụ khắp nơi trên thế giới, nhưng Hoa Kỳ là nơi tập trung đông nhất và có lẽ thành công nhất về nhiều mặt. Một trong các thành tựu lớn của người Việt tại đây là báo chí Việt Ngữ, trong đó nhật báo Người Việt được xem là tờ báo tiếng Việt lớn nhất tại hải ngoại.

Tìm hiểu một tờ báo như thế từ bước đầu cho đến ngày nay kể ra là một việc thú vị và cần thiết, vì không ít thì nhiều tờ báo sẽ phản ảnh được đời sống vật chất, tinh thần, tình cảm của người Việt Nam trên bước đường tị nạn của mình, đồng thời cũng cho thấy những nỗi khó khăn cùng những kinh nghiệm của việc xây dựng một tờ báo đúng nghĩa bằng tiếng mẹ đẻ của những người bỗng dưng bị đẩy ra khỏi đất nước của mình để sống tại những phần đất xa lạ trên thế giới.

Tháng Tư năm nay đã xuất hiện một cuốn sách tìm hiểu tờ báo Người Việt và người sáng lập ra nó, nhưng lại do một người Mỹ thực hiện. Cuốn sách bằng tiếng Anh, nhan đề: “Yen Do and The Story of Nguoi Viet Daily News with Jeffrey Brody” (Đỗ Ngọc Yến và Câu Chuyện Về Nhật Báo Người Việt, do Jeffrey Brody thực hiện). “Thực hiện” đây có nghĩa là phỏng vấn, cuốn sách này ghi lại những cuộc trò chuyện giữa ký giả kiêm giáo sư về báo chí học (tại Đại Học Fullerton, Nam California) Jeffrey Brody với nhà báo Đỗ Ngọc Yến, người sáng lập ra tờ Người Việt từ năm 1978 và liên tục lèo lái, xây dựng nó từ một tờ tuần báo bốn trang đầu tiên sản xuất trong garage thành một nhật báo xuất bản bảy ngày một tuần, dày từ 30 đến ngoài 60 trang, và trong những ngày cao điểm số in đã lên đến gần 20,000 bản như ngày nay.

Đây là cuộc trò chuyện của hai người làm báo nhà nghề, họ có một mẫu số chung rất rõ rệt, cả hai đều hiểu biết sâu sắc những gì mình đang hỏi và đang trả lời. Đó là một thuận lợi lớn cho đối thoại. Hơn thế nữa, cuộc trao đổi này, ngoài khía cạnh nghề nghiệp còn ẩn chứa một vẻ gì như là “hữu tình ta lại gặp ta,” hay nói cách khác, một cuộc nói chuyện giữa hai người tri kỷ. Jeffrey Brody là người Mỹ, không lạ gì cái tính chất “hợp chủng” của quốc gia ông, và một lần nữa với tư cách nhà báo, ông nhìn vào sự hình thành của một cộng đồng mới trên đất nước của ông, và đặc biệt nhìn vào lịch sử của một tờ báo điển hình của cộng đồng ấy từ ngày phôi thai cho đến lúc trưởng thành.

Ông chia những gì thu thập được từ các cuộc phỏng vấn ra làm 18 chương, sắp xếp theo một trình tự để người đọc hiểu được “câu chuyện” có đầu có đuôi. Chương đầu tiên mang tên “Starting Nguoi Viet” – báo Người Việt lúc khởi nghiệp, dĩ nhiên là như thế, rồi từ đó câu chuyện kéo dài mấy mươi năm, với biết bao nhiêu là biến cố, là quan niệm, là vấn đề…

Người trả lời phỏng vấn đã tỏ ra có một trí nhớ tinh tường và có một lối trình bày thông minh và rất rõ rệt, đã lần lượt kể lại cuộc đời mình từ ngày đến Hoa Kỳ năm 1975, trong hai năm đầu đã làm mười công việc khác nhau ở mười địa điểm khác nhau, và sau cùng ý tưởng làm một tờ báo tiếng Việt đã đến với ông như thế nào. “Tôi nghĩ là phải làm một tờ báo tuần thông tin những gì xảy ra ở Việt Nam và những chuyện dính dáng đến đời sống hằng ngày của người tị nạn, từ việc lái xe trên xa lộ, mua bán tại siêu thị, hoặc là việc bầu cử, nói chung là mọi chuyện của cuộc sống mới.”

Và “mọi chuyện của cuộc sống mới” cũng có nghĩa là lịch sử của dân tị nạn. Qua những trang sách ngắn ngủi, ông Yến đã mô tả những nét đặc thù của tâm lý, tình huống và công cuộc xây dựng đời sống của người dân Việt tị nạn miền Nam California, và những trang sách đó sẽ là những viên gạch vững chắc để góp phần viết lịch sử cho người Việt ở nước ngoài sau này. Và tờ Người Việt, như một phần của lịch sử ấy, như một cái bóng của cuộc sống ấy, đã buồn vui với nó, và lớn mạnh với nó.

Với kiến thức uyên bác trong hầu như mọi lãnh vực, ông Yến đề cập đến quan niệm làm báo của người Việt Nam giữa xã hội Mỹ, sự tiến triển của việc dùng máy móc trong tờ Người Việt, việc phiên dịch từ ngữ trong khi viết bài vở (ví dụ một chi tiết thú vị: “dịch” cho cộng đồng Việt Nam tại Mỹ khác với dịch cho người Việt tại Việt Nam, nghĩa là có nhiều khi cứ… để nguyên con chữ Anh thì lại hóa ra hay hơn, người ta dễ hiểu hơn là dịch sang tiếng thuần Việt hoặc Hán Việt)…

Hay ho nhất là việc kiên trì thực hiện một tờ báo theo đúng nghĩa “tự do ngôn luận” của xứ Mỹ giữa một đối tượng độc giả còn xa lạ với ý niệm ấy, hơn nữa, lại là sản phẩm của cuộc chiến tranh lạnh mấy mươi năm trên xứ sở của mình, chỉ muốn thấy báo chí nói một chiều theo quan niệm chính trị mà mình thích. Ông Yến cũng nói rằng tờ Người Việt tổ chức theo mô thức của tờ Le Monde bên Pháp, nghĩa là không có “chủ nhân,” mà lãnh đạo do một tập thể người đồng chí hướng với nhau về việc làm báo cũng như một số quan niệm khác về đời sống và xã hội.

Cuốn sách này là một trang sử sống động và sâu sắc về sự thành hình một cộng đồng tị nạn và thành hình một tờ báo xứng đáng cho cộng đồng ấy. Từ 1975, lần đầu tiên người Việt Nam thiên di đi sống tại nhiều vùng đất trên thế giới, lần đầu tiên họ tự viết nên những trang sử hoàn toàn mới mà từ ngày lập quốc đến nay chưa từng có.

Nhiều cộng đồng Việt Nam vững chắc đã xuất hiện tại các nước khác nhau trên thế giới. Đối với một dân tộc, những bước chân khai phá đều là những bước chân anh hùng, đều mang hình ảnh “từ thuở mang gươm đi mở nước.” Khi lập nên những cộng đồng trên xứ người, tuy là ăn nhờ ở đậu, nhưng biết gìn giữ những giá trị văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán thì trong một nghĩa nào đó, cũng là “đi mở nước,” và những bước chân khai phá ấy đều đáng được coi là những bước chân anh hùng.

Quan niệm như thế, cuốn sách này là một thiên anh hùng ca, nói lên bằng tình cảm và trí tuệ sự gầy dựng một Việt Nam tại hải ngoại, bởi một người ngay từ giờ phút đầu đã không ngừng góp phần tích cực nhất của mình để một nếp sống Việt Nam ở xa đất nước được thành hình. (Phạm Xuân Đài)


Sách viết bằng Anh Ngữ, do Người Việt xuất bản, giá $14.95 (kể cả cước phí trong nước Mỹ)
Liên lạc, chi phiếu: Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, USA.
Điện thoại: (714) 892-9414


 

Đ/U Từ Đức Tài

Dân Biểu Lou Correa đưa Tết Việt Nam 2020 Canh Tý vào văn khố Hạ Viện Mỹ

WESTMINSTER, California (NV) – “Tết là thời gian rất huyền diệu ở Orange County, nhất là ở Little Saigon. New Year không chỉ riêng của người Trung Hoa mà còn của người Việt Nam nữa. Khi tôi đi chúc Tết, tôi cũng chúc mừng lịch sử và truyền thống của cộng đồng người Việt và những cống hiến của các bạn trong 45 năm qua.”

Dân Biểu Liên Bang Lou Correa, đại diện Địa Hạt 46 của Hạ Viện Hoa Kỳ và là chủ tịch Tiểu Ban Giao Thông và Hàng Hải Nội An Mỹ, nói như vậy khi đến chúc Tết nhật báo Người Việt vào sáng Thứ Tư, 22 Tháng Giêng, tức 28 Tết Canh Tý.

Giống như những quen biết chỉ gặp được nhau vào dịp Tết, bà con thường hay hoài niệm về những cái Tết xưa và nay, những câu chuyện trong nhà ngoài ngõ, ông Lou Correa cũng hoài niệm về lịch sử của người Mỹ gốc Việt khi sống và lớn lên ở vùng Orange County.

“Tôi học ở đại học California State University khoảng năm 1977, 1978 và một trong những người Việt tị nạn đầu tiên là bạn học cùng lớp với tôi,” ông chia sẻ thêm.

Dân Biểu Liên Bang Lou Correa (thứ hai, phải) tặng hoa và chứng từ mừng Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020 được lưu vào văn khố Hạ Viện Mỹ cho nhà báo Đỗ Tài Thắng (phải), tổng thư ký nhật báo Người Việt. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Đặc biệt năm nay, Dân Biểu Lou Correa đề cử Tết Việt Nam 2020 Canh Tý để lưu vào văn khố của Hạ Viện Mỹ. Ông trao tặng chứng từ lưu trữ này cho nhật báo Người Việt, cùng với nhiều cơ quan truyền thông người Việt khác trong cộng đồng.

Trong chứng từ này có ghi: “Năm mươi ngàn người Việt cũng như hơn 60 tổ chức sẽ hội tụ để ăn mừng Tết với thức ăn, ca nhạc, múa, và nhiều nhiều nữa. Họ bày tỏ lòng biết ơn đối với ông bà, những người đã hy sinh để con cháu có tương lai sáng hơn trong dịp mừng này. Và đây cũng là một cách mà cộng đồng bày tỏ lòng cảm ơn đối với nước Mỹ.”

Chứng từ được lưu trữ trong văn khố của Hạ Viện hôm Thứ Năm, 16 Tháng Giêng, 2020. (Titi Mary Trần)

Bà Nguyễn Thị Bảy

Virus Corona và nỗi lo đến từ Trung Quốc

Ít nhất 17 người chết và hơn 500 người đã nhiễm virus Corona gây dịch bệnh lây lan qua “đường hô hấp”. Nguy cơ nhiễm bệnh đang đe dọa hàng triệu người Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Hoa Kỳ và Việt Nam.

EU ‘muốn giúp CSVN điều tra độc lập’ vụ Đồng Tâm

BRUSSELS, Bỉ (NV) – Hôm 21 Tháng Giêng, Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế của Nghị Viện Châu Âu thông qua khuyến nghị phê chuẩn Hiệp Định Tự Do Thương Mại Việt Nam-Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA) và Hiệp Định Bảo Hộ Đầu Tư Việt Nam-Liên Hiệp Châu Âu (EVIPA).

Sau khi khuyến nghị được thông qua, hai hiệp định nêu trên dự trù sẽ được biểu quyết để phê chuẩn trong phiên họp toàn thể của Nghị Viện Châu Âu vào giữa Tháng Hai, 2020.

Hầu hết báo nhà nước Việt Nam đưa tin này theo chiều hướng EVFTA “được kỳ vọng là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam” nhưng không nhắc gì đến thông báo do Phái Đoàn Liên Minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam phát đi hôm 22 Tháng Giêng, trong đó đề cập vụ tấn công Đồng Tâm.

Theo văn bản này, trong cuộc gặp gần nhất với ông Bùi Thanh Sơn, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao CSVN, Đại Sứ EU Giorgio Aliberti “nhắc lại mối quan ngại sâu sắc của EU về sự kiện diễn ra ở xã Đồng Tâm và việc sử dụng bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào.”

“EU lấy làm tiếc về sự thương vong xảy ra trong cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người dân và yêu cầu tính minh bạch đầy đủ trong việc đánh giá nguyên nhân và bối cảnh của sự kiện. EU sẽ tiếp tục theo sát tình hình và sẵn sàng giúp đỡ chính quyền Việt Nam trong quá trình điều tra độc lập và minh bạch,” thông cáo của Phái Đoàn Liên Minh Châu Âu, viết.

Trước đó, tin cho hay, một phái đoàn ngoại giao của  Liên Minh Châu Âu và Canada, Úc, Mỹ… đã có cuộc gặp đại diện Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại chùa Giác Hoa ở Sài Gòn để tìm hiểu về tình hình nhân quyền tại Việt Nam hôm 16 Tháng Giêng.

Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc ghé thăm Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Cơ Động hôm 21 Tháng Giêng, sau khi lực lượng này được điều động tấn công Đồng Tâm. (Hình: Thông Tin Chính Phủ)

Thông cáo do Hội Đồng Liên Tôn phát đi nói vụ xung đột giữa công an và người dân ở xã Đồng Tâm, hôm 9 Tháng Giêng được đề cập trong cuộc gặp.

Trong một diễn biến khác, một nhóm gồm 12 người hoạt động vận động dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam vừa đòi hỏi cơ quan tư pháp khởi tố vụ án hình sự vụ sát hại ông Lê Đình Kình ở Đồng Tâm.

Bản phóng ảnh “Đơn tố giác tội phạm” được chia sẻ nhiều trên Facebook Chú Tễu hôm Thứ Ba, 21 Tháng Giêng, với chữ ký của 12 nhà hoạt động nhân quyền, đấu tranh dân chủ gồm ông Nguyễn Xuân Diện, Vũ Hùng, nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Chi, kiến trúc sư Trần Thanh Vân, bà Nguyễn Thúy Hạnh, ông Huỳnh Ngọc Chênh… gửi “Viện Kiểm Sát Nhân Dân” và “Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra” thành phố Hà Nội “tố giác hành vi vi phạm pháp luật hình sự” khi lực lượng võ trang của nhà cầm quyền bắn chết ông Lê Đình Kình.

Ở chiều ngược lại, đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy nhà cầm quyền CSVN có ý định tiến hành một cuộc điều tra độc lập về vụ Đồng Tâm.

Theo trang Thông Tin Chính Phủ [CSVN], trong lúc ghé thăm Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Cơ Động hôm 21 Tháng Giêng, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc nói “sự việc Đồng Tâm là điều đáng tiếc, nhưng đến nay tình hình đã trở lại ổn định bình thường” và rằng “sẽ sớm đưa các đối tượng vi phạm [ám chỉ 22 người dân Đồng Tâm bị bắt, khởi tố trong vụ này] ra xét xử nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.”

Giới quan sát dự báo vụ tấn công Đồng Tâm sẽ tiếp tục là chủ đề nóng tại sự kiện “Đối thoại nhân quyền Việt Nam-EU” dự định diễn ra vào ngày 17 Tháng Hai. (N.H.K)

Rớt máy bay vừa cất cánh ở Corona, 4 người thiệt mạng

CORONA, California (NV) – Một chiếc máy bay rớt sau khi cất cánh rời phi trường Corona hôm Thứ Tư, 22 Tháng Giêng, làm 4 người thiệt mạng.

Theo đài KTLA, Sở Cứu Hỏa Corona cho biết chiếc máy bay nhỏ chở 4 người vừa cất cánh ở phi trường lúc 12 giờ 10 phút trưa thì rớt xuống ở cuối đường bay.

Máy bay lúc đó có đầy bình xăng 80 gallon và xăng đổ ra ngoài, gây cháy cây cỏ gần phi trường.

Sở Cảnh Sát Corona cho biết, nhân viên công lực có mặt tại hiện trường và phát hiện một máy bay nhỏ bị lửa bao trùm ở mặt phía Đông của phi trường.

Đám cháy do máy bay gây ra lan ra khoảng 1/4 mẫu đất thì bị lính cứu hỏa nhanh chóng dập tắt. Sở cứu hỏa cho hay bốn người trên máy bay đều bị phỏng nặng và đã qua đời.

Cơ quan này chưa cho biết thông tin gì về bốn nạn nhân và chỉ nói nhân viên giảo nghiệm đang làm việc.

Tuy chưa biết lý do máy bay rớt, nhân chứng Dorothe Voll kể bà thấy máy bay bay lên, sau đó bay thấp xuống vài lần và không nghe thấy tiếng động cơ nữa. Lúc đó, bà và một người bạn la lên “máy bay sắp rớt.”

Ông Ian Gregor, phát ngôn viên của Cơ Quan Hàng Không Liên Bang (FAA) xác nhận chiếc máy bay bị hư hoại hoàn toàn sau khi rớt. Ông còn cho hay FAA và Sở An Toàn Giao Thông Hoa Kỳ (NTSB) sẽ điều tra sự việc này.

Phi trường Corona phải đang tạm đóng cửa và chưa thông báo bao giờ hoạt động lại. (TL)

Tin mới cập nhật