Saturday, May 18, 2024

Cựu học sinh kỹ thuật Cao Thắng mở tiệc Tất Niên

Nguyên Huy/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Trong không khí rộn rã sắm Tết tại khu Little Saigon, với hàng ngàn người đổ quanh khu chợ hoa trước thương xá Phước Lộc Thọ và nơi chợ “xép” dọc theo hành lang các cửa tiệm bên cạnh chợ ABC, cựu học sinh trung học kỹ thuật Cao Thắng lại kéo nhau đến nhà hàng Seafood World, Westminster, hôm Thứ Bảy, 21 Tháng Giêng, để gặp lại các thầy cô của mình trong một buổi Tất Niên thật cảm động.

Giáo Sư Phan Thanh Nhuận, con chim đầu đàn của Ái Hữu Kỹ Thuật Cao Thắng, nói: “Chủ tịch gì đâu, tôi chỉ là người được nhóm anh em chúng tôi ủy nhiệm hàng năm tập hợp lại các thầy cô và các cựu học sinh trung học kỹ thuật Cao Thắng để cùng nhau nhớ gốc, nhớ nguồn. Nhóm người đứng tổ chức hội ngộ Tất Niên hàng năm cho Cao Thắng gồm cả thầy cô và nam nữ giáo sư cùng chung sức tổ chức.”

“Chúng tôi còn đại hội toàn thế giới cứ hai năm một lần là lại tổ chức luân phiên khi thì Bắc khi thì Nam California. Trong những lần đại hội toàn thế giới này, cựu học sinh Cao Thắng về tham dự rất đông, đủ các châu lục và cả từ Việt Nam qua nữa. Ðiểm danh lại thì thấy có cả các anh theo học Cao Thắng từ những niên khóa đầu, những thầy cô tốt nghiệp từ Pháp, Mỹ về nữa. Vui lắm anh ạ,” ông nói tiếp.

Ông Nhuận cũng cho biết hội được hình thành vào năm 2012 tại San Jose. Qua năm sau thì thành lập ở Nam California. Hội viên cho đến nay đã được gần 200 người kể cả thầy cô. Ðiều đặc biệt là thầy cô có mặt trong hội cũng là những hội viên tích cực trong mọi công tác tổ chức, phát triển chứ không chỉ là khách mời của cựu học sinh Cao Thắng mỗi khi có hội ngộ. Vì thế mà tình nghĩa thầy trò trong hội lúc nào cũng chan hòa thương yêu gắn bó.

Anh Ðào Công Minh, đại diện các cựu học sinh Cao Thắng, bày tỏ lòng tri ân đến các thầy cô có mặt cũng như không có mặt trong buổi Tất Niên.

Anh nói: “Những ngày tháng qua các niên khóa ngày nào thầy cô không chỉ cho chúng con kiến thức mà còn cho chúng con hiểu biết về tình nghĩa thầy trò, về tình người trong xã hội. Chính vì thế mà khi chúng con vào đời đã luôn gặp được nhiều cơ hội thuận lợi để thăng tiến.”

Trường kỹ thuật Cao Thắng trên đường Huỳnh Thúc Kháng, Sài Gòn. (Hình: chskythuatcaothang.us)
Trường kỹ thuật Cao Thắng trên đường Huỳnh Thúc Kháng, Sài Gòn. (Hình: chskythuatcaothang.us)

Ông Nhuận cũng vui vẻ kể thêm: “Tôi cũng là một học sinh của Cao Thắng khi còn học trung học. Tốt nghiệp kỹ sư Phú Thọ, tôi được bổ về dạy tại trường cũ. Theo tôi, thời gian còn là học sinh tôi thấy thú vị hơn là khi làm thầy giáo. Có lẽ vì thế mà tôi rất sốt sắng công việc xây đắp cho hội mỗi ngày một thành công hơn trong việc kết nối tình Cao Thắng với nhau, thầy cũng như trò.

Giáo Sư Vũ Như Hoàng, năm nay đã 85 tuổi, nhưng còn tráng kiện và minh mẫn, cho biết: “Tôi dạy học ở Cao Thắng 25 năm. Ai nói học trò Cao Thắng ngỗ nghịch, tay búa tay kềm, nhưng với tôi, họ cũng như học sinh của tất cả các trường của VNCH, rất ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành và rất là lễ phép. Trung học Cao Thắng có hai ban, Ban Chuyên Nghiệp, học hết bậc phổ thông thì ra trường làm những công nhân có tay nghề rất chuyên môn. Một ban khác là Ban Kỹ Thuật, học hết trung học đệ nhị cấp, thi đậu Tú Tài II sẽ vào học đại học Phú Thọ, tốt nghiệp ra kỹ sư. Dù là Ban Chuyên Nghiệp hay Ban Kỹ Thuật thì bên cạnh chương trình học nghề, là cũng học theo chương trình học chung của Bộ Quốc Gia Giáo Dục, cũng đủ các môn văn học, lịch sử, địa dư, Anh, Pháp… dù có rút ngắn và cô đọng hơn chương trình thường lệ.

Theo các cựu học sinh Cao Thắng nghiên cứu về trường cũ của mình như anh Huỳnh Ái Tông, niên khóa 1956-1964, cho biết trung học Cao Thắng là hậu thân của trường Thực Nghiệp (École d’aprentisage) do Pháp thành lập để đào tạo thợ sửa chữa cho tàu thuyền của họ khi họ đánh chiếm xong sáu tỉnh Nam Phần. Mãi đầu thế kỷ 20, trường Cao Thắng mới được xây cất thêm như một chi nhánh của trường Thực Nghiệp. Vào lúc này, học sinh ra trường, không chỉ là thợ thuyền nữa mà họ có nhiều hướng đi như theo ngành Hàng Hải hay Hải Quân như Ðô Ðốc Trần Văn Chơn, Ðề Ðốc Chung Tấn Cang.

Sau này, học sinh Cao Thắng khi ra trường đã vào đủ ngành nghề kể cả nghề văn chương chữ nghĩa như ông Nguyễn Hùng Trương, giám đốc nhà sách Khai Trí. Và ngay cả trong lãnh vực chính trị, các nhà lãnh đạo cao cấp ở cả hai miền Nam Bắc Việt Nam cũng có mặt.

Ái Hữu Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng cũng ra một đặc san mỗi khi có đại hội toàn thế giới. Ðọc những cuốn đặc san này sẽ thấy tình nghĩa thầy trò ở Cao Thắng thật đậm đà biết bao khi cả thầy lẫn trò đều cùng viết về những kỷ niệm xưa, những ngày xưa thân ái.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Sáu, ngày 27 tháng 1 năm 2017

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT