Sơ lược lịch sử Phật giáo Việt Nam - Chương 6: Lịch sử Phật giáo vào thời nhà Ngô, nhà Đinh và nhà Tiền Lê (939 - 1009)

Đã đọc: 6093           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image Chùa Dư Hàng (tên chữ là Phúc Lâm tự) có nguồn gốc từ thời Tiền Lê (980 - 1009)

Vào cuối thời Nhà Đường đô hộ Giao Châu (618 – 907), Trung quốc rối loạn, có năm Vương quốc ở phía nam Trung Hoa tranh nhau làm vua, đưa đến thời  Ngũ Đại, kéo dài 52 năm, nhờ đó Giao Châu không còn lệ thuộc vào Trung Hoa chặt chẻ như trước, Phật giáo cũng tiếp tục phát triển ….

Phái thiền Tỳ-Ni-đa-lưu-chi phát triển mạnh với các Cao tăng nổi tiếng : Định Không, Thông Thiện, La Quý (chùa Lục Tổ và chùa Quỳnh Lâm), Pháp Thuận, Thiền Ông … tại Trung tâm Phật giáo Liên Lâu.

Thiền sư Định Không (730 – 808) là bậc giác ngộ nên đã biết hương Cổ Pháp nói riêng, Trung tâm Phật giáo Liên Lâu (Luy Lâu) nói chung, là linh địa của nước Việt Nam nên có những dự báo cũng như những hành động chuẩn bị cho việc phò giúp các bậc Minh Vương hộ trì và xiển dương Phật pháp (triều đại Nhà Lý lên ngôi đưa đến sự hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam …). Thiền sư Định Không đã biết trước là sau khi Ngài mất thì có “Dị nhân” đến trấn ếm nước Ta, đồng thời cũng biết trước rằng : pháp tôn của ông có họ Đinh chẳng những hóa giải những trấn ếm đó mà còn khai mở các long mạch của linh địa trong nước giúp cho bậc Minh Vương lên ngôi đem đến thời tự chủ, thái bình thịnh trị cho đất nước , cùng sự hưng thịnh và phát triển rực rỡ của Phật giáo Việt Nam trong nhiều thế kỷ …  

Năm 820, Thiền sư Vô Ngôn Thông (? – 826) đến chùa Kiến Sơ thành lập thêm phái thiền Vô Ngôn Thông với các Thiền sư Cảm Thành (? – 860), Thiện Hội (? – 900), Vân Phong (? – 956), Khuông Việt (930 – 1011), Đa Bảo … .

Đúng theo “sấm ký” của Thiền sư Định Không : Năm 864, Nhà Đường cử Tiết độ sứ Cao Biền cai trị Giao Châu (864 – 875). Cao Biền đã trấn ếm rất nhiều linh địa của nước Việt. Nhưng ngay sau đó, Trưởng lão La Quý (họ Đinh) đã hóa giải trấn ếm, đồng thời đúc tượng Lục Tổ bằng vàng chôn giấu ở chùa Lục Tổ, tìm linh địa để xây dựng chùa tháp, và trồng cây bông gạo ở chùa Châu Minh  tại Trung tâm Phật giáo Liên Lâu để trấn giữ linh địa …

Nhờ đó, họ Khúc đã giành lại chủ quyền cho đất nước : Năm 906, Khúc Thừa Dụ được Trung quốc cử làm Tiết độ sứ cai trị Giao Châu. Không được một năm thì mất, Khúc Thừa Hạo được Nhà Hậu Lương cử lên thay Tiết độ sứ Giao Châu (907 -  917). Khúc Thừa Hạo mất giao quyền cho Khúc Thừa Mỹ (917 – 923). Năm 923, Nhà Nam Hán sai tướng Lý Khắc Chính đem quân sang đánh Giao Châu bắt Khúc Thừa Mỹ đưa về Trung quốc; cử Lý Tiến làm Thứ sử cùng Lý Khắc Chính cai trị Giao Châu.

Năm 931, tướng của Khúc Thừa Mỹ là Dương Đình Nghệ mộ quân đánh đuổi Lý Khắc Chính và Lý Tiến, rồi tự xưng làm Tiết độ sứ.

Năm 936, Dương Đình Nghệ bị thuộc tướng là Kiều Công Tiện giết chết để cướp quyền. Con rễ và là thuộc tướng của  Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền đóng giữ Ái Châu (Thanh Hóa) đem quân đánh Kiều Công Tiện. Kiều Công Tiện cho người cầu cứu Nam Hán, vua Hán sai Thái tử Hoằng Tháo đem thủy quân đánh Giao Châu. Sau khi giết chết Kiều Công Tiện, Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, giết chết Hoằng Tháo, quân Hán rút về Phiên Ngung.

Năm 939, Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán chấm dứt hơn một ngàn năm đô hộ của Trung quốc, giành lại độc lập cho dân tộc, lập nên triều đại Nhà Ngô (939 – 965) mở đầu thời đại Tự chủ cho Đất nước …

 

I.PHẬT GIÁO VÀO THỜI NHÀ NGÔ (939 – 965).

 

   Ngô Quyền lên ngôi vua, tức Ngô Vương hay Ngô Thuận Đế (939-944) đóng đô ở Cổ Loa, đặt quan chức, chế định triều nghi, chỉnh đốn việc chính trị trong nước. Sau khi giành lại độc lập cho dân tộc, Ngô Vương (939-944) chỉ làm vua có mấy năm thì băng, Nhà Ngô suy yếu vì các cuộc tranh chấp ngôi vua trong triều đình, bên ngoài loạn lạc, giặc giả khắp nơi, dân gian khốn khổ, Phật giáo chỉ sinh hoạt ở các chùa tại địa phương, nhưng vẫn hưng thịnh, hai Phái thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi và Vô Ngôn Thông  có nhiều Thiền sư nổi tiếng : La Quí (852-936), Thiện Hội (?-900), Vân Phong (?-956) ….

 Năm 944, Ngô Vương băng, con là Ngô Xương Ngập chưa lên ngôi đã bị cậu là Dương Tam Kha (em vợ Ngô Quyền) cướp ngôi, tự xưng là Bình Vương (745 – 750). Bình Vương bắt em Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Văn làm con nuôi.

Năm 950, Ngô Xương Văn cùng các tướng Đỗ Cảnh Thạc, Dương Cát Lợi bắt Dương Tam Kha, nhưng nghĩ tình cậu cháu nên không giết, chỉ giáng làm Trương Dương công. Ngô Xương Văn xưng là Nam Tấn vương và sai người đi rước anh là Ngô Xương Ngập về cùng coi việc nước. Ngô Xương Ngập xưng là Thiên Sách vương. Cả hai anh em làm vua, nên Sử gọi là Hậu Ngô vương (950 - 965).

Năm 954, Thiên Sách vương mất. Thế lực triều đình Nhà Ngô suy yếu, giặc giã nổi lên khắp nơi. Nam Tấn vương phải thân chinh đánh dẹp.

Năm 965, Nam Tấn vương đánh giặc ở thôn Thái Bình bị tử trận, con là Ngô Xương Xí lên ngôi. Nhưng thế lực Nhà Ngô quá suy yếu, các Thổ hào ở các địa phương như Trần Lãm, Đỗ Cảnh Thạc, Kiều Công Hãn, Ngô Nhật Khánh … nổi lên chống triều đình, xưng là Sứ quân. Ngô Xương Xí thế yếu  nên phải rút về trấn giữ Bình Kiều. Lúc đó có đến 12 Sứ quân đem quân đánh nhau, làm cho dân  gian khốn khổ.

Sứ quân Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư (Ninh Bình) dẹp được các Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc, Phạm Phòng Át, … đánh đâu thắng đó, nên được tôn là Vạn Thắng vương.

Vạn Thắng vương dẹp tan hết các Sứ quân, lập nên triều đại Nhà Đinh.

 

II.PHẬT GIÁO VÀO THỜI NHÀ ĐINH và NHÀ TIỀN LÊ (968 – 1009).

 

1. TRIỀU ĐẠI NHÀ ĐINH VÀ NHÀ TIỀN LÊ.

 

     a.Triều đại Nhà Đinh (968 – 980).

        * Đinh Tiên Hoàng (968-979) : Năm 968, Vạn Thắng vương Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, tức Tiên Hoàng đế hay Đinh Tiên Hoàng (968 – 979), đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình), phong cho con là Đinh Liễn làm Nam Việt vương.

     Năm 971, vua Đinh Tiên Hoàng qui định lại cấp bậc quan lại văn võ, đồng thời cũng sắc triệu các tăng sĩ và đạo sĩ  về triều, lập cấp bậc cho các Tăng đạo.    

     Năm 972, vua Đinh Tiên Hoàng cử Nam Việt vương đi sứ sang Nhà Tống. Vua Tống phong Đinh Tiên Hoàng làm Giao Chỉ Quận vương, Nam Việt vương Đinh Liễn làm Tiết độ sứ Tĩnh Hải quận.

     Năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng định lập em Đinh Liễn là Đinh Hạng Lang làm Thái tử để thế ngôi vua, nên Nam Việt vương Đinh Liễn giết chết Đinh Hạng Lang. Nhưng ngay sau đó, Nam Việt vương Đinh Liễn tạo một trăm tràng kinh khắc bài chú “Phật đảnh Tôn Thắng gia cú linh nghiệm đà la ni” để cầu giải thoát cho em mình là Tăng Đỉnh Tăng Noa cùng những người khác bị giết vì tội “không trung hiếu với cha và anh, đồng thời cầu nguyện cho cha là Đại Thắng Minh hoàng đế [Đinh Tiên Hoàng đế] được sống lâu và bàn thân mình được tước vị và bỗng lộc bền vững”

     Cũng trong năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn bị Đỗ Thích ám sát. Triều đình bắt giết Đỗ Thích và tôn hoàng tử Đinh Tuệ lên ngôi vua.

         * Phế Đế Đinh Tuệ (979-980) : Vệ vương Đinh Tuệ mới có 6 tuổi nên quyền hành triều chính nằm trong tay Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn. Lê Hoàn lại tư thông với Thái hậu Dương Vân Nga.

 

    b. Triều đại Nhà Tiền Lê (980 – 1009).

     Năm 981, Nhà Tống nhân cơ hội triều đình Nhà Đinh suy yếu, sai Hầu Nhân Bảo đem quân đánh chiếm nước ta. Triều đình Nhà Đinh phải tôn Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn lên ngôi để chống giặc.

      * Lê Đại Hành (980 – 1005) : Vua Lê Đại Hành đánh bại quân Tống, giết chết Hầu Nhân Bảo, nhưng muốn cầu hòa với Tống nên sai Sứ đem trả tướng sĩ Tống bị bắt và xin cầu phong. Lúc ấy, phía bắc Trung quốc, Khiết Đan (Hung Nô) đang gây hấn, nên vua Tống phải chấp thuận, phong vua Lê Đại Hành làm Tiết độ sứ.

Năm 982, vua Lê Đại Hành đem quân đánh Chiêm Thành thu nhiều chiến lợi phẩm và bắt nhiều tù binh;  Chiêm Thành phải triều cống cho Đại Cồ Việt.

Năm 984, vua cho xây dựng các cung điện : điện Bách Bảo Thiên Tuế với cột  dát vàng bạc để làm nơi họp triều đình trên núi Đại Vân tại kinh đô Hoa Lư.

Năm 993, Nhà Tống phong cho vua Lê Đại Hành làm Giao Chỉ Quận vương ; năm 997, lại gia phong là Nam Bình vương.

Năm 1005, vua Lê Đại Hành băng, các Hoàng tử tranh ngôi suốt 7 tháng, Lê Long Việt mới giành được ngôi, tức vua Lê Trung Tông.

     * Lê Trung Tông (1005) : Vua Lê Trung Tông lên ngôi mới 3 ngày thì bị em là Lê Long Đĩnh sai người vào cung giết chết . Lê Long Đĩnh lên ngôi, bị bịnh nên phải nằm khi thị triều, nên Sử gọi là Lê Ngọa Triều (1005 – 1009).

     * Lê Ngọa Triều (1005 – 1009) : Năm 1009, vua Lê Ngọa Triều băng, con còn nhỏ, nên triều thần tôn Điện Tiền Chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên ngôi, lập nên triều đại Nhà Lý (1010 – 1224).

 

2.PHẬT GIÁO THỜI NHÀ ĐINH (968 – 980) và NHÀ TIỀN LÊ (980 – 1009).

 

 Vào thời Nhà Đinh và Nhà Tiền Lê, Phật giáo nước Đại Cồ Việt cũng tiếp tục phát triển, các Thiền sư hai phái thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi và Vô Ngôn Thông hoằng truyền giáo hóa nổi tiếng : Pháp Thuận, Thiền Ông, Vạn Hạnh, Khuông Việt, Đa Bảo …. Triều đình vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành phải mời các Cao tăng về triều đình Hoa Lư để giúp việc cai trị đất nước, nhất là về việc ngoại giao với Trung quốc … Hơn nữa, vua Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn đều là Phật tử mộ đạo.

 Năm 970, vua Đinh Tiên Hoàng, cho qui định lại về tổ chức triều chính, chia cấp bậc các quan lại, mời một số Cao tăng về triều để tham khảo, cố vấn.  Thiền sư Ngô Chân Lưu (?-1011) đối đáp hợp ý, được vua phong chức Tăng thống.

 Năm 971, vua ban cho Tăng thống Ngô Chân Lưu hiệu Khuông Việt Đại sư (có sách ghi là Khuông Việt Thái sư).

Năm 973, Nam Việt vương Đinh Liễn (Đinh Khuông Liễn) cho dựng 100 bảo tràng kinh (100 cột kinh khắc trên đá) tại kinh đô Hoa Lư. Cột kinh bằng đá, hình bát giác, cao từ 50 đến 80 cm, mỗi cạnh bát giác rộng từ 6cm đến 10,5cm.

Trên các Tràng kinh bằng đá đó khắc Bài thần chú “Phật đảnh Tôn thắng đà la ni”.

Năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng định lập em Đinh Liễn là Đinh Hạng Lang làm Thái tử để kế ngôi vua, nên Nam Việt vương Đinh Liễn giết chết Đinh Hạng Lang. Ngay sau đó, Nam Việt vương Đinh Liễn tạo một trăm tràng kinh khắc bài chú “Phật đảnh Tôn Thắng gia cú linh nghiệm đà la ni” để cầu giải thoát cho em mình là Tăng Đỉnh Tăng Noa cùng những người khác bị giết vì tội “không trung hiếu với cha và anh, đồng thời cầu nguyện cho cha là Đại Thắng Minh hoàng đế [Đinh Tiên Hoàng đế] được sống lâu và bàn thân mình được tước vị và bỗng lộc bền vững”

Tháng 10 năm Kỹ Mão (979), vua Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn bị Đỗ Thích ám sát. Triều đình bắt giết Đỗ Thích và tôn hoàng tử Đinh Tuệ mới 6 tuổi lên ngôi vua, Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn nhiếp chính.

Sách Đại Việt Sử kỳ Toàn Thư viết : “Năm Kỹ Mão (979) …..Mùa đông, tháng mười, Chi hậu nội nhân Đỗ Thích giết vua ở sân cung. … Ngày trước, khi vua [Đinh Tiên Hoàng] còn hàn vi, thường đánh cá ở sông Giao Thủy [tỉnh Thái Bình], kéo lưới được viên khuê ngọc to nhưng sa vào mũi thuyền, sứt mất một góc. Đêm ấy vào ngủ nhờ ở chùa Giao Thủy [chùa Keo hay chùa Thần Quang] giấu ngọc dưới đáy giỏ cá, đợi sáng ra chớ bán cá. Bấy giờ vua đang ngủ say, trong giỏ có ánh sáng lạ, nhà sư chùa ấy gọi dậy hỏi duyên cớ, vua nói thực và lấy ngọc khuê cho xem. Sư than rằng: “Anh ngày sau phú quý không thể nói hết, chỉ tiếc phúc không được dài”. Lại vào năm Thái Bình thứ năm [974], có lời sấm ngữ: “Đỗ Thích thích Đinh Đinh, Lê gia xuất thánh minh, Cạnh đầu đa hoành nhi, Đạo lộ tuyệt nhân hành. Thập nhị xưng Đại vương, Thập ác vô nhất thiện, “Thập bát tử” đăng tiên, kế đô nhị thập thiên.” [Đỗ Thích giết hai Đinh, Nhà Lê xuất Thánh minh, Tranh nhau nhiều hoành nhi, Đường sá người vắng tanh. Mười hai xưng Đại vương, Mười ác không một thiện, Nhà Lý lên ngôi Tiên, Kế Đô “nhị thập thiên”](Bản dịch ĐVSKTT, t 209).

 

Năm 980, Nhà Tống sai Hầu Nhân Bảo đem quân sang xâm lược nước ta, triều đình tôn Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua để chống giặc, tức vua Lê Đại Hành.

Vua Lê Đại Hành mời Thiền sư Vạn Hạnh đến hỏi tình thế thắng bại như thế nào. Sư đáp : Chỉ trong ba bảy ngày giặc tất lui. Vua cũng nhờ Đại sư Khuông Việt đến đền Thiên vương Tỳ Sa Môn cầu đảo xin Thần phù hộ.

Năm Tân Tỵ (981), một Đạo quân Tống do Quách Tiến chỉ huy tiến đến sông Ninh Giang [sông Thương]. Đến đây , bọn Tống lại thấy sóng gió nổi lên ùn ùn, giao long nhảy lung tung trên mặt nước, quân giặc sợ hãi tan chạy. [Sách “Lĩnh Nam chích quái” , truyện “Sóc Thiên Vương” (trang 103) kể rõ hơn như sau : Năm Thiên Phúc thứ nhất, binh Tống vào cướp phá, vua đã có nghe việc như thế mới sai quan đến đền thờ thành khẩn cầu đảo.Lúc bấy giờ, binh Tống đóng tại làng Tây Kết, quân đội hai bên chưa đánh nhau, quân Tống bỗng thấy một người trỗi dậy giữa sóng nước, cao hơn mười trượng, tóc đầu dựng đứng, trừng mắt mà nhìn, thần quang rực rỡ. Binh Tống thấy vậy cả kinh, lùi giữ ngã ba sông , lại gặp phải sóng gầm sét nổ, giao xà long miết nổi lên làm dữ, binh Tống thấy như thế lại càng kinh khủng chạy vỡ tán loạn; tướng Nhà Tống là Quách Tiến đem binh trở về Tống. …”]

Trong khi đó, một Đạo quân Tống khác do Hầu Nhân Bảo và Tôn Hoàn Hưng chỉ huy, tiến đến sông Đại Than, vua Lê Đại Hành và tướng Phạm Cự Lượng dàn quân chống giữ. Nhưng vào canh ba ngày 21 tháng 10, mưa to gió lớn, một vị Thần to lớn hiện trên không ngâm thơ … quân Tống nghe sợ, bỏ chạy tán loạn, nên phải rút quân về [Xem sách Lĩnh Nam Chích quái, truyện “Hai vị thần Long Nhãn và Như Nguyệt”, trang 79-80].

Vua Lê Đại Hành sai Từ Mục và Ngô Tử Canh sang sứ Chiêm Thành, bị bắt giữ, nên vua muốn đem quân đánh Chiêm Thành (năm 982), cùng bàn bạc với triều thần, nhưng chưa quyết, Thiền sư Vạn Hạnh tâu vua xin cấp tốc tiến quân, nếu không sẽ lỡ dịp. Vua thân chinh đánh Chiêm Thành,  quả nhiên thu được toàn thắng [Xem sách “Thiền uyển Tập anh Ngữ lục”]: chém Bế Mi Thuế tại trận, bắt sống nhiều tướng sĩ , cung nữ và một Nhà sư Thiên Trúc, thu nhiều của báu, vàng bạc, san phẳng thành trì, vừa một năm mới trở về kinh đô Hoa Lư.

Năm 984, vua cho xây dựng cung điện, triều đình ở kinh đô Hoa Lư, đúc tiền Thiên Phúc.

Năm Thiên Phúc thứ bảy (986), nhà Tống sai Lý Giác sang sứ nước ta. Bấy giờ Pháp sư Đỗ Thuận cũng có tiếng tăm lừng lẫy. Vua Lê Đại Hành sai Pháp sư cải trang làm người lái đò để đón tiếp sứ giả ở  bến sông. Lý Giác thấy Pháp sư giỏi văn chương nên làm thơ tặng, có câu :”Ngoài trời lại có trời soi nữa”.Vua Lê Đại Hành đưa cho Đại sư Khuông Việt xem, Đại sư thưa rằng : “Sứ tôn kính Bệ hạ không kém gì vua Tống”.

Khi sứ Lý Giác trở về nước (987), Đại sư Khuông Việt làm một bài từ nhan đề “Vương lang qui” để tiễn đưa … Về sau, Đại sư Khuông Việt lấy cớ già yếu, xin từ quan trở về quê nhà dựng chùa Phật Đà trên núi Du Hý  ở quê nhà (huyện Sóc Sơn) hoằng truyền chánh pháp ; người các nơi đến theo học rất đông.

Năm 995, vua Lê Đại Hành dựng một cột đá bát giác (8 cạnh) cao 3m, ở trước chùa Nhất Trụ tại kinh đô Hoa Lư, trên đó khắc bài chú trong Kinh Lăng Nghiêm.

Năm 1004, vua lập Lê Long Việt làm Thái tử, phong Lê Long Đĩnh làm Long Tích Đại vương.

Năm 1005, vua Đinh Tiên Hoàng băng ở điện Trường Xuân.

Sau khi vua mất, các Hoàng tử tranh nhau lên ngôi suốt 8 tháng. Thái tử Lê Long Việt lên ngôi 3 ngày [ Lê Trung Tông] thì bị Lê Long Đĩnh giết, các quan bỏ chạy, chỉ có Điện Tiền quân Lý Công Uẩn ôm xác vua mà khóc.

Lê Long Đĩnh (Lê Chí Trung) lên ngôi cho đổi lại quan chế và triều phục các quan văn võ.

Năm 1007, vua Lê Long Đĩnh (Lê Ngọa Triều) sai em là Lê Minh Xưởng và Chưởng Thư ký Hoàng Thành Nhã dâng tê ngưu trắng cho Nhà Tống, xin Đại Tạng kinh. [Đại Tạng kinh đời Tống (Thục Bản) khắc in từ năm 972, hoàn thành năm 983]

Mùa Xuân năm Kỷ Dậu (năm1009), Minh Xưởng thỉnh Đại Tạng kinh (Thục Bản) về kinh đô Hoa Lư . Tháng 10, vua Lê Ngọa Triều băng.

Tháng Tý (tháng 11) năm Kỷ Dậu (1009), triều thần tôn Điện tiền Chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên ngôi vua, tức vua Lý Thái Tổ, lập nên triều đại Nhà Lý (1010 – 1224) giúp cho dất nước và Phật giáo hưng thịnh và phát triển đúng như “Sấm ký” của các Thiền sư Định Không, La Quý, Vạn Hạnh, Đa Bảo … đã báo trước.

 

ẢNH HƯỞNG MẬT TÔNG TRONG PHẬT GIÁO THỜI NHÀ ĐINH và TIỀN LÊ tại KINH ĐÔ HOA LƯ  (968 – 1009).

 

Qua phần trình bày trên, chúng ta thấy rằng : Vua Đinh Tiên Hoàng, Nam Việt vương Đinh Liễn , và vua Đinh Tiên Hoàng đều là những Phật tử tín thành, hết lòng tôn kính các Đại sư Khuông Việt, Vạn Hạnh, Pháp sư Đỗ Thuận … và tin tưởng vào Mật Tông, đặc biệt là kinh Phật đảnh Tôn Thắng đà la ni.

Kinh Phật đảnh Tôn Thắng đà la ni , đức Phật Thích Ca giảng cho thiên tử Thiện Trú, trong bảy ngày nữa sẽ chết và phải đầu thai làm heo, chó, chồn, khỉ, rắn, diều, quạ; rồi sau đó phải chịu đọa vào địa ngục. Nếu có đầu thai làm người thì cũng phải mù hai mắt. Trước viễn cảnh đó, Thiện Trú hoảng sợ, đến cầu cứu Đế Thích (vua trời Kiều Thi Ca). Đế Thích cầu thỉnh Đức Phật. Đức Phật giảng cho bài chú Phật đảnh Tôn Thắng đà la ni. Bài chú nầy có khả năng làm cho tiêu trừ hết các  phiền não, nghiệp chướng, tăng tuổi tho ;ï và được bồ tát, thiên thần phù hộ …

Ngoài cột đá bát giác (8 cạnh) cao 3m, ở trước chùa Nhất Trụ tại kinh đô Hoa Lư, trên đó khắc bài chú trong Kinh Lăng Nghiêm được vua Lê Đại Hành dựng vào năm 995, trong những năm 1963, … 1984, dân ở vùng kinh đô Hoa Lư còn phát hiện nhiều tràng kinh (cột kinh bằng đá) :

Năm 1963, người dân ở xã Gia Trường, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, tìm thấy gần hai chục cột kinh bằng đá bên bờ sông Hoàng Long, cách đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng 2 km (kinh đô Hoa Lư xưa). Cột đá hình bát giác (có tám mặt), cao khoảng từ 50 đến 80 cm, mỗi mặt rộng từ 6 đến 10,5 cm; trên 8 mặt cột đá có khắc chữ Hán, vẫn còn đọc được, chỉ có một số chữ bị mờ. Mặt thứ nhất có khắc tên bài chú : Phật đảnh Tôn Thắng gia cú linh nghiệm đà la ni.  Sáu mặt kế khắc bài chú “Phật đảnh Tôn Thắng đà la ni”. Mặt cuối có 49 chữ, mờ hết 20 chữ : …..nhất thiết ……. Lương Nhân Siêu … hạ thoát. Thời Quí Dậu tuế, đệ tữ Tỉnh Hải quân Tiết [độ] [sứ] Nam Việt vương Đinh [Khuông] Liễn kính tạo bảo tràng nhất bách tòa {…] […] ….

Nhờ đó, chúng ta biết được là : Vào năm Quí Dậu [973], Nam Việt vương Đinh [Khuông] Liễn tạo 100 tràng kinh khắc bài chú Phật đảnh Tôn Thắng gia cú linh nghiệm đà la ni ….

Tháng 6 năm 1964, cũng tại Hoa Lư, người dân phát hiện “tràng kinh” (cột kinh bằng đá) hình bát giác, cao 80 cm, mỗi mặt rộng 10,5 cm, cũng khắc bài chú Phật đảnh Tôn Thắng gia cú linh nghiệm đà la ni. Mỗi mặt có ba hàng chữ Hán, nhưng mặt thứ bảy và thứ tám chữ bị mờ, không đọc được, nên không không biết ai đứng ra khắc, và khắc vào ngày nào? Có thể tràng kinh nầy thuộc 100 tràng kinh mà Nam Việt vương Đinh Liễn đã khắc vào năm 973 như trên.

Trong tràng kinh còn có bài kệ chữ Hán kể lại sự tích : Đếù Thích truyền cho Thiện Trú Thiên bài chú nầy, nhờ đó diệt được các nghiệp chướng bảy lần thác sinh làm cầm thú … Khi nghe bài chú nầy, mọi vật đều rung động mà có thể trở thành Phật ...

Năm 1987, dân Hoa Lư lại phát hiện thêm một tràng kinh khác, cũng hình bát giác, cao 70 cm, mỗi bề rộng 7 cm, cũng khắc bài chú Phật đảnh Tôn Thắng gia cú linh nghiệm đà la ni. Nhưng ở mặt thứ tám có ghi Đinh Khuông Liễn tạo 100 tràng kinh vào năm Kỷ Mão (979) … để cầu cho em là Tăng Đỉnh Tăng Noa cùng những người khác bị giết vì tội “không trung hiếu với cha và anh, đồng thời cầu nguyện cho cha là Đại Thắng Minh Hoàng đế [Đinh Tiên Hoàng] được sống lâu và bản thân mình được lộc vị bền vững”…

Qua các tràng kinh nầy cho chúng ta biết : Nam Việt vương Đinh Liễn là một Phật tử tin tưởng và hành trì Mật Tông ; và năm 979, sau khi sai người giết em là Đinh Hạng Lang cùng một số người, Nam Việt vương Đinh Liễn tạo 100 tràng kinh để sám hối tội, cầu siêu cho các người nầy …, cầu cho cha được được sống lâu và cầu cho bản thân ngôi vị và tước lộc được bền vững.

 THIỀN TÔNG VẪN TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN MẠNH tại TRUNG TÂM PHẬT GIÁO LIÊN LÂU vào THỜI NHÀ NGÔ, NHÀ ĐINH VÀ NHÀ TIỀN LÊ.

 Trong thời Nhà Ngô, Đinh và Tiền Lê (968 – 1009), tại Trung tâm Phật giáo Liên Lâu, Phật giáo vẫn tiếp tục phát triển, nhất là Thiền Tông. Các Thiền sư của phái Thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi (La Quý, Pháp Thuận, Thiền Ông, Vạn Hạnh,  Định Huệ, …) và phái Thiền Vô Ngôn Thông  (Vân Phong, Khuông Việt, Đa Bảo …) đều là các bậc Cao Tăng đắc pháp, giúp đất nước và Phật giáo hưng thịnh …; đưa đến triều đại Nhà Lý (1009 – 1225) hùng cường thịnh trị và Phật giáo phát triển rực rỡ rộng khắp cả nước Đại Việt ...

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập