Thứ hai, 6/5/2024
Thứ tư, 8/7/2020, 10:52 (GMT+7)

Ngụp lặn dưới biển thu hoạch rong nho

Khánh HòaĐeo chiếc kính lặn và bám vào phao xốp, nhiều người dân ở phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa) ngụp lặn 10 tiếng mỗi ngày để hái rong biển.

Những ngày này, từ 5h30 đến 15h, người dân phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa) tất bật thu hoạch rong nho.

Rong nho là loại cây trồng ngắn ngày (chỉ từ 25 đến 40 ngày) và mang lại giá trị kinh tế cao. Đìa nuôi rong thường sử dụng lưới tạo mái che nhằm điều tiết ánh sáng và nhiệt độ của nước biển.

Người dân đeo kính lặn và bám vào phao xốp khi thu hoạch rong nho.

Rong chỉ được người thợ hái khi có màu xanh lá và độ dài từ 5 cm trở lên.

Tại phường Ninh Hải, phương pháp trồng rong dưới đáy nước được nhiều người dân áp dụng để cây rong mọc tự nhiên, không gò ép. "Mỗi mẻ rong sau hai tuần trồng có thể cho thu hoạch, nhưng trước đó phải thay nước đầm rong hàng ngày, kiểm soát vi sinh vật, che nắng. Chất lượng rong phụ thuộc hoàn toàn vào nước biển", một người dân cho hay.

Ông Trần Như Hoàn cho hay gia đình trồng rong gần 10 năm nay, có 11 hồ nuôi, mỗi hồ diện tích từ 3.000 m2 đến 5.000 m2. Những năm trước, vùng này rất ít người trồng rong vì không có đầu ra. Nhưng nay rong là mặt hàng bán chạy, thương lái đến tận hồ nuôi thu mua. Mỗi năm gia đình ông Hoàn cung cấp cho thị trường hơn 10 tấn rong.

Do thường xuyên phải ngâm nước mặn nhiều giờ và nằm di chuyển trên phao xốp, người hái rong thường bị lở loét da ngang hông.

Vào mùa thu hoạch, người hái rong thường ăn uống ngay tại bờ hồ để đảm bảo tiến độ thu hái.

Rong sau khi hái được gom vào lưới quây, chờ người đến thu mua. Chủ đầm có thể thu trung bình 20 triệu đồng/vụ cho mỗi ha diện tích mặt nước nuôi rong, sau khi trừ hết các chi phí.

Thương lái đến thu mua rong và chuyển lên xe tải chở đi. Mỗi khu vực nuôi rong gồm nhiều hồ, diện tích hàng nghìn mét vuông nên các chủ hồ phải thuê từ 10 - 20 người hái; mức tiền công là 10.000 đồng/kg. Vào cao điểm vào mùa thu hoạch, mỗi thợ hái có thể kiếm được 500.000 đồng một ngày công.

Người dân làm nghề vớt rong chủ yếu là phụ nữ và đàn ông trung niên, họ sử dụng các dụng cụ thô sơ như kính bơi tự chế, khăn vải, găng tay, tất chân để chống chọi với nước muối và nắng gắt.

"Để làm được nghề vớt rong, chúng tôi phải học thở dưới nước trong thời gian dài. Thời gian đầu học thường xuyên bị sặc và uống nước biển nhiều. Những ngày đầu chỉ vớt được vài cân rong, sau làm nhiều thành quen", bà Lý Thị Như Nguyệt nói.

Sau khi thu hoạch, rong tươi được đưa về xưởng chế biến để làm sạch và khử trùng từ 2 đến 4 ngày. Công đoạn này giúp rong sạch tạp chất và loại bỏ được các sinh vật bám dính, phân loại theo độ dài.

Rong tiếp tục được nuôi trong bể nhựa. Trong giai đoạn này, rong vẫn sống, hấp thụ thêm các dưỡng chất và giải phóng kim loại nặng độc hại nếu có.

Rong dài, quả to, màu xanh óng là những cây có chất lượng cao. Rong nho tại Khánh Hòa đang được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, châu Âu Rong nho có vị mặn kết hợp vị chua thanh nhẹ, giòn mát.

Phường Ninh Hải hiện có 14 hộ trồng rong nho với diện tích khoảng 10,5 ha, chiếm 75% diện tích trồng trong tỉnh Khánh Hòa. Rong nho được mang về trồng thử nghiệm tại tỉnh từ những năm 2004. Cây rong sau đó phát triển mạnh, bởi đây là vùng vịnh kín gió, kim loại nặng trong nước biển ít, độ sâu và độ mặn thích hợp.

Người dân lặn ngụp dưới biển thu hoạch rong nho
 
 

Ngọc Thành