07/09/2005 19:15 GMT+7

Con gái trên võ đường

Theo Thanh Niên 
Theo Thanh Niên 

Trên các võ đường không hiếm vóc dáng mảnh dẻ của các cô gái. Không phải để trở thành những vận động viên chuyên nghiệp, họ đến với sân võ chỉ đơn giản đó là một hoạt động xã hội, giúp rèn luyện sức khỏe và hoàn thiện tính cách...

DAesUUBb.jpgPhóng to
Trên các võ đường không hiếm vóc dáng mảnh dẻ của các cô gái. Không phải để trở thành những vận động viên chuyên nghiệp, họ đến với sân võ chỉ đơn giản đó là một hoạt động xã hội, giúp rèn luyện sức khỏe và hoàn thiện tính cách...

“Em chưa bao giờ nghĩ học võ là để đánh nhau. Học võ giúp em tự tin và điềm tĩnh hơn" - Phạm Thanh Bình (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bộc bạch. Bằng lối tiếp chuyện thật gần gũi kèm nụ cười hồn hậu luôn nở trên môi, Bình làm người đối diện cảm thấy thật thoải mái mà quên mất rằng cô gái trẻ tuổi tròn đôi mươi này đã là một "sư tỉ" nhị đẳng huyền đai trên võ đường Taekwondo Việt - Hàn.

Bình vốn là cô gái năng động, yêu thích nhiều môn thể thao như bơi lội, cầu lông... Cách nay gần 3 năm, sau một thời gian "ngoan ngoãn" ở nhà theo ý mẹ, Bình cảm thấy mình bị ỳ ra, người cũng "phì" hơn và không còn mạnh mẽ trong các trò chơi vận động cùng bạn bè nữa.

Thế là cô hạ quyết tâm phải tham gia một môn thể thao nào đấy và cô đã chọn taekwondo. Đừng nghĩ con gái học võ thì sẽ mất đi vẻ nữ tính, nhu mì; ngược lại, càng học lên cao thì sẽ càng... đằm tính hơn. Bình kể: "Lúc mới tập võ Bình còn hiếu động. Đang chơi cùng các bạn nữ mà bị các bạn nam "phá phách", Bình chỉ nói đến tiếng thứ 3 là... nắm cổ áo kéo lại "xử" liền!

Giờ thì càng tập, Bình lại càng... hiền và bình tĩnh hơn vì võ thuật có thể rèn cho mình bản lĩnh để tự vệ và đối phó với những tình huống khó khăn chứ không phải để đánh nhau. Hơn nữa, học võ cũng tạo cho mình một phản xạ tự nhiên giúp mình tự tin hơn".

Uyên Thi (25 tuổi) không còn là một võ sinh đai nâu nữa mà đã là một nhân viên văn phòng bận rộn và là "nội tướng" của anh Trần Văn Mười - Phó trưởng môn Karate của Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM. Vẫn mảnh mai và thật xinh như ngày nào, cô cho biết: "Việc giữ cân để không bị phát phì là điều quan trọng đối với các võ sinh, vì bị mập có nghĩa là cơ thể không khỏe mạnh, việc thực hiện các đòn thế cũng trở nên nặng nề và kém nhanh nhạy".

Vấn đề đạo đức rất quan trọng đối với người tập võ. Thi nói: "Điều quan trọng không chỉ là kỹ thuật mà còn là đạo đức và lối ứng xử với các thành viên khác. Ở sân karate Nhà Văn hóa Thanh niên này, nếu bạn có tập lâu cách mấy, kỹ thuật tốt đến mấy mà bạn không có đạo đức và mối quan hệ tốt đẹp với các võ sinh khác, bạn sẽ không được lên đai đen.

Tập võ không phải để ra oai hoặc để đánh nhau mà giống như tham gia một hoạt động tập thể, đội nhóm... Càng tập, tôi thấy mình càng "đằm" hơn và không có hứng thú với việc gây gổ, ẩu đả. Khi gặp chuyện, tôi giải quyết theo kiểu biến chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành không...".

Cũng tại sân karate này, tôi gặp Thu Hoàng (16 tuổi), đai nâu, từng lén nhà đi tập karate. Hoàng có ba người anh trai, trong đó người anh lớn làm công an nên từ nhỏ Hoàng đã rất thích tập võ giống anh mình, nhưng ba mẹ không cho phép vì Hoàng là con gái.

Thời gian đầu Hoàng đem võ phục ra ngoài giặt, nhưng sau cũng phải giặt ở nhà và "bị" mẹ phát hiện, nhưng rồi gia đình cũng chấp nhận. Hoàng tâm sự: "Càng tập càng khó, nhưng... lỡ tập rồi nên theo luôn! Hơn nữa, mấy anh đai đen bảo em rằng trong lớp cũng cần có nữ đai lớn như em để có gì... thoa thuốc cho các bạn nữ bị thương khi đấu".

Tập võ vẫn giữ được nữ tính

“Có nhiều động lực để bạn tập võ. Khi bắt đầu tập luyện, bạn nên xác định mục đích là để trở thành một vận động viên chuyên nghiệp hay nghiệp dư. Với các bạn nữ, nên học hỏi kinh nghiệm từ các huấn luyện viên nữ, vì là chị em phụ nữ với nhau nên tinh tế, thấu hiểu nhau hơn; nhất là trong việc ngăn ngừa và xử lý các trường hợp chấn thương.

Bạn nữ khi tập võ, phải mạnh bạo, phải "hét" mới có khí thế trên sân tập. Tuy nhiên, trong cuộc sống thường ngày, các bạn nữ nên có lối nói chuyện nhu mì, nhỏ nhẹ. Tùy theo hoàn cảnh mà bạn nữ cư xử phù hợp, tránh để người ta nói mình là dân "võ biền thô thiển".

Nữ võ sinh cũng nên ý tứ với những cử chỉ tưởng như nhỏ nhặt. Chẳng hạn, dù bên trong võ phục có mặc áo thun, quần cộc, nhưng bạn cũng không nên tùy tiện cởi đồ võ ngay trên sân tập hoặc chỗ không kín đáo. Bạn nữ cũng nên chú ý đến vấn đề nội y, nên sử dụng loại dùng cho thể thao để tránh những "sự cố" và tổn thương không nên có.

Với những nữ võ sinh tóc dài, dù hăng say tập luyện, nhưng cũng nên chú ý quấn tóc tai cho gọn gàng" - chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp, nữ trọng tài judo quốc tế (đẳng cấp châu lục) đầu tiên của Việt Nam

Theo Thanh Niên 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên