Lợi ích khi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và những thách thức

          Nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế có vị trí quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp phát triển đất nước ta với hơn 75% dân số sống bằng nông nghiệp và 70% lãnh thổ là nông nghiệp. Trong những năm gần đây nên nông nghiệp Việt Nam đang có bước chuyển mình tích cực theo xu hướng sản xuất hàng hóa lớn khi ứng dụng công nghệ cao.

          Vậy nông nghiệp công nghệ cao là gì? Và những lợi ích, thách thức của nông nghiệp công nghệ cao trong bối cảnh hiện nay như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua nội dung bên dưới đây.

Nông nghiệp công nghệ cao là gì?

          Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững.

          Công nghệ cao được tích hợp ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao bao gồm: 

  • Công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến…), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học; 
  • Các giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao…; 
  • Các quy trình canh tác tiên tiến, canh tác hữu cơ… cho hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị sản xuất.

Lợi ích khi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

          Ở nước ta, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại nhiều lợi ích to lớn như:

  • Làm tăng sản lượng sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng được nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng của xã hội, trong đó có cả những người thu nhập thấp, nhờ tạo ra được khối lượng sản phẩm lớn với giá bán rẻ hơn.
  • Tạo số lượng hàng hóa lớn với chất lượng cao, đồng đều. Từ đó, có thể tham gia chuỗi giá trị và thương mại toàn cầu nhờ đáp ứng được yêu cầu về nguồn cung ứng cũng như chất lượng sản phẩm theo tiêu chí của thị trường và có thể truy xuất được nguồn gốc.
  • Mang lại thu nhập lớn cho doanh nghiệp nhờ tạo ra được năng suất sản phẩm lớn nhất trên mỗi đơn vị tài nguyên sử dụng với giá thành thấp nhất nhờ quy mô sản xuất lớn và áp dụng các công nghệ sản xuất có hiệu quả cao.
  • Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho địa phương và quốc gia khi doanh thu từ sản xuất tăng lên, đóng thuế từ doanh nghiệp tăng và đồng thời hình thành mới các dịch vụ hỗ trợ.
  • Tạo thêm công ăn việc làm cho một số bộ phận dân cư và cơ hội khởi nghiệp cho doanh nghiệp địa phương trên cơ sở hình thành các thị trường sản phẩm có giá trị gia tăng mới.
  • Tạo giá trị gia tăng cho một số sản phẩm địa phương (kể cả phụ phẩm nông nghiệp), hình thành các sản phẩm hàng hóa đặc sản chủ lực của quốc gia, vùng và địa phương (mỗi làng một sản phẩm).

Những thách thức khi ứng dụng công nghệ cao hiện nay

          Bên cạnh những lợi ích trên thì việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều thách thức. Cụ thể:

Khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư

          Khó khăn lớn nhất là thu hút được vốn đầu tư cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo công nhân, tiêu thụ sản phẩm. Để khuyến khích thu hút các tổ chức, cá nhân, các loại hình doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới cần phải có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất tiếp cận các nguồn vốn; mở rộng và nới các tiêu chuẩn để các cơ sở sản xuất lĩnh vực này tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng.

Đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao

          Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực cao, có hiểu biết về khoa học kĩ thuật trong nông nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế, nguồn nhân lực có chuyên môn, đào tạo ở nước ta hiện nay trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất hạn chế so với những yêu cầu hội nhập và phát triển. Đặc biệt, ở những vùng miền có nền kinh tế kém phát triển, còn nhiều khó khăn thì đây là rào cản lớn trong việc xây dựng quy mô của một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

          Vì vậy cần đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân thông qua các khóa đào tạo kiến thức, kỹ năng để thực hành sản xuất nông nghiệp hiện đại giúp họ thay đổi kỹ năng sản xuất, hình thành tư duy thị trường, năng lực tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Cùng với đó, chú trọng đổi mới nội dung và chương trình đào tạo đội ngũ chuyên gia, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ chuyên sâu về nông nghiệp công nghệ cao, gắn lý thuyết với thực hành.

Thách thức trong việc quy hoạch đất đai

          Đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn nhỏ lẻ, chưa có chính sách quy tụ để mở rộng sản xuất, việc quy tụ đất đai và tập trung ruộng đất còn chậm. 

Thị trường tiêu thụ còn hạn chế

          Một trong những khó khăn lớn của sản xuất nông nghiệp cao ở nước ta đó là thị trường tiêu thụ chưa có sự kết nối giữa đầu vào và đầu ra. Nhiều sản phẩm nông sản theo mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiêu thụ trên thị trường còn hạn hẹp, khả năng cạnh tranh kém cả trong và ngoài nước. 

          Để ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao cần xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản, liên kết thực hiện đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, nhất là kiểm soát chất lượng sản phẩm. Đồng thời, các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao cần phải đầu tư chuyển dần sang chế biến. Cần coi trọng thị trường trong nước bằng cách giảm giá bán sao cho đại đa số người tiêu dùng đều có thể mua được.

Các ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

Công nghệ sinh học

          Công nghệ sinh học đóng vai trò rất quan trọng, đã được ứng dụng trong chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, có sức chống chịu cao. Công nghệ nhân giống in vitro được ứng dụng rộng rãi trong nhân giống cây lâm nghiệp, cây hoa, cây chuối… giúp giảm giá thành cây giống, tạo ra lô cây giống có độ đồng đều cao, sạch bệnh. Nhiều chế phẩm sinh học đã được nghiên cứu tạo ra và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, vật nuôi, hạn chế dịch bệnh và thay thế dần thuốc hóa học.

Robot

          Robot là một trong những công nghệ mới vẫn đang được thử nghiệm và nghiên cứu. Tuy nhiên, ngày nay robot đang dần thay thế con người trong lao động sản xuất, thậm chí ngay cả những công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác như là thu hoạch dâu, nho. Robot cũng có thể giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực trong các trang trại ở Mỹ và tăng năng suất lao động một cách đáng kể.

GPS

          Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) được tạo thành từ mạng lưới gồm 32 vệ tinh quay quanh Trái Đất. Công nghệ này có thể xác định vị trí chính xác bạn, điều hướng máy bay và vô số nhiệm vụ khác. GPS đã mở đầu cho cách mạng nông nghiệp khi cài đặt GPS trên máy móc để tự động điều khiển và điều hướng. Công nghệ này giúp quá trình chăm sóc khoa học hơn, tránh việc gieo hạt, tưới nước, phân bón một khu vực hai lần gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường.

Máy bay không người lái

          Máy bay không người lái cung cấp cho nông dân một cái nhìn chi tiết về cánh đồng của họ. Chúng có thể tự vận hành theo kế hoạch lập trình của nông dân và có thể trang bị những bộ cảm biến, máy ảnh và phần cứng cung cấp đầy đủ thông tin cho người nông dân.

          Những cảm biến đo diệp lục đánh giá sức sống tổng thể của cây. Máy ảnh chứa bộ lọc màu sắc giúp xác định nhiệt độ mặt đất, hàm lượng nước, kiểm đếm số lượng, xác nhận hạt giống đang nảy mầm, ước tính năng suất cây trồng và phát hiện sâu bệnh, cỏ dại.

Hình ảnh vệ tinh

          Hình ảnh vệ tinh cung cấp cái nhìn toàn cảnh đến chi tiết, những thứ mà từ mặt đất, nông dân khó nhận thấy cho đến khi hàng cây trồng bị hư hại hoặc bị phá hủy. Phương pháp quản lý thông minh giúp theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, phát hiện sâu bệnh để có những biện pháp phòng ngừa kịp thời, hạn chế rủi ro cho người nông dân.

          Hiện nay, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang là xu thế tất yếu phát triển nông nghiệp. Để xây dựng một hệ thống sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu thì người nông dân, nhà sản xuất nông sản cần đầu tư tìm hiểu, mạnh dạn ứng dụng những công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của mình. Chúc bà con thành công!

Trung tâm Phân tích và Chứng nhận CLSP NN Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *