Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2019

Trăn trở về Thư pháp Việt Nam quốc ngữ- Xuân Thành viết

   Ngẫm, tự thấy chữ Việt thật đáng thương...
Hồng nhan bạc phận là nó rồi. 




Ai cũng biết Việt Nam trải qua hai thời kì chữ viết: Tiền Hán Nôm và Hậu Quốc Ngữ. 
Hán Tự không phải tự nhiên khi không là cái nôi của Thư pháp. Không thể phủ nhận vẻ đẹp thần kỳ của Thư pháp Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Khi mà suốt hàng ngàn năm qua, đã chinh phục không biết bao nhiêu sự mộ điệu của bao tầng lớp yêu chữ say chữ. Từ thời Ân Thương ( TK XVII-TK XI TCN) Trung Quốc, đến thời Hán, Đường, Tống, Nguyên, ... Từ Trung Hoa dân quốc đến Triều Tiên, Nhật Bản. Xuất hiện những thư gia nổi tiếng xuất chúng như Trương Chi, Vệ Quán, Vệ Hằng, Vệ Thước, Vương Hi Chi, Âu Dương Tuân... Lý Nham, Kim Sinh,... Kukai, Thiên Hoàng Saga,...
Ở Việt Nam, cũng đã từng có một nền thư pháp Hán Nôm vàng son, khởi đầu có thể nói đến là thư pháp từ thời Lý-Trần (có Chu Nguyên Hạo, Lý Bảo Cung,...) thời Lê Trung Hưng nổi tiếng với Triện thư, thời Nguyễn (có Bùi Tự, hay các vị Vua lúc bấy giờ như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, ...cũng là những tay bút nổi tiếng. Và nổi tiếng vượt bậc có thể nhắc đến Thánh thư Cao Bá Quát...) lịch sử ngàn đời là thế, nhưng thời kì lụi tàn của Hán Nôm cũng chóng tới, làm cho biết bao sư tiếc nuối về một nền nghệ thuật đang còn dang dở... 




Buồn của Hán Nôm là thế, còn Quốc Ngữ hiện hành... Cũng có lời tâm sự.
Đầu thế kỷ thứ XVII, nhà truyền giáo là cha Alexandre Rhodes đã sang truyền đạo ở Việt Nam và đã xây dựng nên hệ thống chữ quốc ngữ đến ngày nay. Thay thế cho sự khó khăn trong quá trình học viết, học nói bằng tiếng Hán Nôm, nay chữ quốc ngữ gói gọn trong bảng chữ cái la tinh, dễ học và dễ viết, đây là một trong những sự khai sáng mới mẻ cho một dân tộc đã từng bị chiếm đóng nô lệ thời kì Phong kiến phương Bắc. 

Ấy vậy mà, nền thư pháp Quốc ngữ sinh sau đẻ muộn vốn dĩ có rất nhiều cơ hội và khả năng có thể phát triển nhưng do nhiều yếu tố thời cuộc, văn hóa, quan điểm mà nó bị kiềm hãm và phải đi lệch ra thành quá nhiều con đường, trong đó không tránh khỏi những con đường tối tăm, sai lệch cho sự phát triển của thư pháp chữ Việt. Vậy, ta phải nhìn nhận lại rằng, phải chăng nên để thư pháp Việt Nam quốc ngữ bắt đầu phát triển theo hướng đi của sự thống nhất, đúc kết, lắng nghe, loại bỏ, từ đó, có một hướng đi chung rõ ràng, ắt hẳn là chuyện khó, nhưng không phải không thể.
Thiết nghĩ, một nền thư pháp Hán Nôm tồn tại ở giá trị nghệ thuật, văn hóa, lịch sử và một nền thư pháp Quốc ngữ song song tồn tại ở giá trị nghệ thuật, văn hóa và giáo dục sẽ làm cho thư pháp Việt Nam khởi sắc và mạnh mẽ hơn trong ngôi nhà lớn của các nước Đông Á.

                                                                                                        Xuân Thành
                                                                                                   Sài Gòn 2.4.2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét