28 Tháng 4 2024

MỘT TẤM GƯƠNG CỐNG HIẾN THẦM LẶNG CHO SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC

Đánh giá mục này
(0 bỏ phiếu)

Trong những ngày nhiều sự kiện quốc gia quan trọng của tháng 11/2017, một cuộc hội thảo khoa học nhiều ý nghĩa đã được Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc, Hội thơ Đường luật Việt Nam phối hợp với Viện Văn hóa và Phát triển Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tại Hội trường của Học viện ngày 10/11/2017. Hơn 200 đại biểu của ba miền Bắc, Trung, Nam từ các tỉnh Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Cạn đến Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Vũng Tàu, Cà Mau… đã có mặt trong Hội thảo.

Đóng góp vào nội dung cuộc hội thảo, đã có 57 bản tham luận gửi đến, trong đó có 25 bản được chọn in vào kỷ yếu khoa học, và 10 bản xuất sắc nhất được chọn trình bày trên diễn đàn, trong đó có bản tham luận của tiến sĩ Phạm Thị Xuân Châu, giáo viên trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ, đại biểu của tỉnh Điện Biên.

ANH 1

          Đồng chí Phạm Thị Xuân Châu trình bày tham luận trong Hội thảo Khoa học ngày    10.11.2017 tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

          Đoàn Chủ tịch (từ trái sang): Giáo sư Nguyễn Đình Chú, Giáo sư Nguyễn Khắc Phi thuộc Hội đồng Cố vấn Hội thơ Đường luật Việt Nam; Giáo sư Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy Văn hóa Dân tộc – Chủ tịch Hội thơ Đường luật Việt Nam; Giáo sư Nguyễn Toàn Thắng, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

  

Nội dung cuộc hội thảo tập trung vào vấn đề vị trí, vai trò của thơ Đường luật dân tộc trong dòng văn học yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX. Bản tham luận của đồng chí Phạm Thị Xuân Châu đã đưa ra những phát hiện khoa học về di sản thơ Đường luật quốc âm của nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, từ đó khẳng định vị trí quan trọng của cụ Huỳnh Thúc Kháng trong lịch sử dân tộc cũng như trong lịch sử văn học Việt Nam.

Trong những ngày đáng nhớ hướng tới kỉ niệm 35 năm ngày nhà giáo Việt Nam và 55 năm ngày thành lập trường (1962-2017), nói về cô giáo Phạm Thị Xuân Châu, trong lòng mỗi giáo viên và học sinh trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ đều như tự hào về một cô giáo có phong cách giản dị, dịu dàng mà chan chứa yêu thương. Một cô giáo với sự cống hiến lặng thầm mà đem đến bao “quả ngọt”.

ANH 2

Cô giáo Phạm Thị Xuân Châu chụp cùng tác giả Nguyễn Thị Tuyết Lan

Vâng! Từ những năm tháng còn nhiều khó khăn gian khổ, nhưng bằng một nghị lực phi thường cô đã vượt lên trên hoàn cảnh để cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Trải qua hơn hai mươi năm công tác, những thành tích mà cô đạt được là những điều đáng trân trọng.

Từ năm học 2000-2001, cô đã  được vinh dự nhận Bằng khen của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lai Châu về thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh. Trong sáu học sinh tham gia đội tuyển năm học đó đã có năm em đạt giải quốc gia và được tuyển thẳng vào các trường đại học như Đại học Sư phạm, Học viện Cảnh sát Nhân dân, Học viện Quan hệ Quốc tế…

Năm học 2001-2002, cô được Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 12.

Cô là một trong những giáo viên đầu tiên được nhận giấy khen và giấy chứng nhận của Sở Giáo dục - Đào tạo Lai Châu về danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, bậc Trung học Phổ thông, từ năm học 1999-2000. Cô đồng thời tham gia vào công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên trong hè với nhiệt tình và tâm huyết của một người đồng nghiệp chân thành và tận tụy.

Với ham muốn học hỏi, nghiên cứu khoa học để nâng cao năng lực chuyên môn, cô đã tham gia các chương trình đào tạo trên đại học, vượt mọi khó khăn, gian khổtrong cuộc sống, trong học tập, để hoàn thành nhiệm vụ của học viên - nghiên cứu sinh, đạt những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, được Hội đồng khoa học của nhà nước đánh giá cao.

Năm 2002, cô Châu đã nghiên cứu và bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, chuyên ngành Ngữ văn với điểm số tuyệt đối: 10/10.

Năm 2011, cô hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Ngữ văn với kết quả đáng ghi nhận: cả bảy thành viên của Hội đồng chấm luận án cấp quốc gia đều bỏ phiếu tán thành xếp loại xuất sắc.

Ngoài giảng dạy, học tập không ngừng, cô còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, tham dự các hội thảo khoa học đóng góp vào việc bảo tồn phát huy giá trị các di sản văn hoá của dân tộc.

Năm 2015, kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, một cuộc Hội thảo toàn quốc với nội dung: Bác Hồ với thơ Đường luật Việt Nam đã được ba cơ quan Hội thơ Đường luật Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy Văn hoá Dân tộc, cùng với Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp đồng tổ chức. Trong hơn năm mươi tham luận gửi tới hội thảo, có mười tham luận xuất sắc được chọn trình bày trên diễn đàn. Bản tham luận của cô Phạm Thị Xuân Châu được chọn trình bày đầu tiên, đã đưa ra những phát hiện mới về đặc điểm thơ Đường luật của Bác Hồ, góp phần gìn giữ phát huy những di sản tinh thần quý báu mà Bác còn để lại cho chúng ta. Ghi nhận những đóng góp của cô, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã tặng giấy khen về thành tích nghiên cứu khoa học và học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, với ý thức đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong lĩnh vực văn hoá, tư tưởng cô còn viết một số chuyên luận đăng trên các báo chí của địa phương và trung ương như:

- Tâm cảm Mường Phăng, đăng trên Người làm báo Điện Biên số 12, năm 2013.

- Bài học sáng ngời của Cách mạng tháng Tám, đăng trên Người làm báo Điện Biên số 12, năm 2014.

- Thơ của người cầm súng đăng trên Người làm báo Điện Biên số 10, năm 2014.

- Những mùa xuân đất nước đăng trên Người làm báo Điện Biên số 13, năm 2014.

- Điện Biên Phủ trong những dòng hồi ức đăng trên Người làm báo Điện Biên số 2, năm 2016.

- Nhà báo Hữu Thọ, một đời mắt sáng, lòng trong, bút sắc đăng trên Người làm báo Điện Biên số 9, năm 2016.

- Phát triển nền văn học đa dân tộc, một định hướng cần có đăng trên Tạp chí Văn nghệ Điện Biên số tháng 6/ 2017.

- Chiến tranh và chủ nghĩa nhân văn trong văn chương hiện nay đăng trên Tuần báo Văn nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh số 398, ra ngày 21, tháng 4, năm 2016.

 - Tháng Bảy nhớ nhà thơ - liệt sĩ Nguyễn Mỹ đăng trên Tuần báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, số 411.

- Võ Nguyên Giáp, nhà văn hoá cổ vũ cho đổi mới đăng trên Tuần báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, số ra ngày 25.8.2016.

ANH 3

- Nguyễn Thị Định, nữ tướng anh hùng và nhân hậu đăng trên Tuần báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, số 421, ra ngày 29, tháng 9 năm 2016.

- Văn Cao với mùa xuân đầu tiên đăng trên Tuần báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh số 447, ra ngày 27, tháng 4, năm 2017.

 - Ngọn bút sắc trong đấu tranh xây dựng Đảng đăng trên Người làm báo Trung ương số 3019, tháng 7, năm 2016.

ANH 4

Những cống hiến thầm lặng của cô càng được khẳng định trong lòng biết bao thế hệ học trò. Hãy nghe chính những học sinh của cô Phạm Thị Xuân Châu nói về cô. Em Trần Thị Thu Hiền, lớp 11C1 năm học 2016-2017 trong bài tri ân của mình đã viết:

Mười bảy năm trôi qua, tôi đã gặp lại mình trong những cung bậc khác nhau của cảm xúc. Có những điều đã qua và vĩnh viễn không trở lại. Có những điều đang tới mà ta không hề biết. Và hôm nay tâm hồn tôi thêm một lần xao động!

Những kỉ niệm đẹp đẽ về thầy cô, bè bạn, về ngôi trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ thân yêu tôi sẽ mãi khắc ghi trong lòng. Nhưng hơn tất cả là tấm lòng của một cô giáo, một người phụ nữ, người mẹ hiền thứ hai của tôi - cô Phạm Thị Xuân Châu.

Đối với tôi, cô Châu không chỉ là một người mẹ hiền vừa có lòng vị tha, bao dung, thương yêu học trò như con đẻ của mình, mà cô còn là người phụ nữ hội tụ những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam xưa và trong cả thời kì hiện đại ngày nay: “Tự tin - Tự trọng-Trung hậu- Đảm đang”.

Cô có một trái tim ấm áp, tỏa ra những tia nắng yêu thương sưởi ấm tâm hồn tôi.

Trong tôi, cô Xuân Châu là một người tôi rất tôn trọng. Tôi biết cô từ khi tôi bước chân vào cổng trường cấp ba – Trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ. Cô là giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn của chúng tôi. Trong mỗi giờ học cô luôn truyền tới cho cả lớp những kiến thức bổ ích, thú vị mà một học sinh thích học các môn khoa học xã hội cần phải biết. Cô luôn nghiêm túc trong mọi công việc giảng dạy cũng như các công việc khác. Lúc nào cô cũng t́m cách truyền tải kiến thức làm sao để giúp chúng tôi có niềm đam mê thực sự với môn chuyên của mình. Thật là vinh dự và tự hào biết bao khi chúng tôi được học cô!

Khi trở thành một trong những học trò môn Ngữ văn của cô Châu, nhờ có cô mà chúng tôi được biết bao điều thú vị, cô đã giúp chúng tôi mở mang tầm kiến thức văn học mà trước đây tôi không hề biết đến.

Cô đã dìu dắt chúng tôi trở thành những học sinh ngoan, những người trò giỏi. Được học cô, tôi thực sự cảm nhận được câu nói: “Cô giáo như mẹ hiền”. Khi chúng tôi vấp ngã, cô đều dịu dàng nâng đỡ. Đôi khi chúng tôi có nghịch ngợm, cô cũng không la mắng hay nặng lời.

Tôi vẫn nhớ như in khi lần đầu gặp cô, tôi có cảm giác thân thiện và dễ mến vô cùng. Cô nhìn tôi mỉm cười và nói:“Chào em !". Tôi rụt rè đáp lại: “Em chào cô ạ!”. Những lần sau gặp cô điều mà tôi ấn tượng nhất chính là nụ cười tỏa nắng của cô. Nụ cười ấy thật đẹp, bẽn lẽn tươi tắn luôn nở trên môi, tạo cho tôi cảm giác thật dễ gần. Với tôi chỉ cần nhìn thấy nụ cười ấy là đủ, là tôi thấy lòng mình ấm áp vô cùng .

Thời hiện đại ngày nay, nhiều người cho rằng, con người ta phải học theo cách ăn mặc thời thượng, chạy theo các mốt thời trang tân tiến của thế giới. Nhưng với cô Châu, khi bước chân vào giảng đường, cô chỉ chọn những trang phục giản dị, tao nhã, hết sức đơn giản. Trong những bộ trang phục tao nhã đó trông cô dịu dàng, thùy mị và thướt tha.

Cô là nguồn động lực giúp tôi vươn cao, vươn xa trong học tập.

Người giúp tôi biết tự tin trong cuộc sống, biết vươn lên khó khăn để chiến thắng chính mình cũng là cô.

Tôi luôn trân trọng khoảng thời gian được cô giảng dạy. Một tiết học chỉ có 45 phút thôi, không thể nào truyền tải tới học sinh tất cả kiến thức. Nhưng tôi cảm nhận được rằng cô luôn cố gắng dạy chúng tôi bằng một tấm lòng nhiệt huyết, yêu nghề, hết mình vì học trò. Giọng cô thật nhẹ nhàng, trầm ấm khiến chúng tôi tiếp thu bài học hiệu quả hơn rất nhiều.

Mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống cũng như trong học tập tôi đều nhớ tới lời động viên của cô: “Em là một cô gái giàu nghị lực. Cô luôn tin em sẽ vững vàng đi tới ngày mai, và hãy luôn kiên định em nhé!”.

Lời nói của cô chúng tôi đều ví như những viên thuốc an thần xoa dịu những tâm hồn mong manh, dễ vỡ, nhất là ở lứa tuổi 17 của chúng tôi.

Sự dịu dàng, ân cần của cô khiến tâm hồn em như được sưởi ấm. Vào những ngày thời tiết oi bức, mồ môi nhễ nhại trên khuôn mặt cô nhưng cô luôn nở nụ cười trên môi. Đó là một hình ảnh thật đẹp, một vẻ đẹp toát ra từ một tâm hồn và nhân cách của một nhà giáo mẫu mực.

Cô giáo Phạm Thị Xuân Châu - người mà tôi luôn yêu quý và kính trọng. Tôi sẽ nhớ mãi hình bóng cô, không một phút giây nào tôi cho phép mình quên điều đó. Cô như người mẹ tuyệt vời.

 Cô ơi! Dù lớn bao nhiêu, em vẫn chỉ là học trò bé bỏng của cô thôi!

“Khi những ngày cuối của thời học sinh sắp qua

 Con mới giật mình nhận ra một điều nho nhỏ

 Một tình thương bao la và vô tận

 Cô dành cho những con cừu nhỏ - chúng con...”

Lời tri ân sâu sắc em xin gửi tới cô Phạm Thị Xuân Châu người phụ nữ tuyệt vời trong cuộc đời em!”

Còn biết bao dòng tâm sự không thể kể hết về sự yêu quý của đồng nghiệp và học trò đối với cô giáo Phạm Thị Xuân Châu.

Những cuộc hội thảo khoa học, những bài giảng học đường khi khép lại lại mở ra một hình ảnh không thể quên về một cô giáo đã có những đóng góp đáng quý cho việc gìn giữ phát huy những giá trị quý báu trong di sản văn hoá của dân tộc, và luôn mong muốn đào tạo nên những học trò không chỉ có tài năng, đạo đức, mà còn có lý tưởng sống cao đẹp.

Trải qua bao năm tháng miệt mài với ngành với nghề, cống hiến cho sự tiến bộ của học sinh thân yêu bằng một tâm huyết từ trong tâm, cô xứng đáng là một nhà giáo ưu tú trong lòng biết bao thế hệ học trò và là một tấm gương sáng cho bao đồng nghiệp noi theo.

Sự cống hiến thầm lặng của cô sẽ mãi in dấu trong trái tim lớp lớp học trò hôm nay và mai sau.

                                                                                 

Tác giả: Nguyễn Thị Tuyết Lan - Trường THPT Thành Phố Điện Biên Phủ

Đọc 15074 thời gian
1st