05 Tháng 5 2024

Nguyễn Thị Định - Nữ tướng anh hùng và nhân hậu

Đánh giá mục này
(0 bỏ phiếu)

 

           Hơn 96 năm trước đây, xã Lương Hòa huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre đã ra đời cho non sông đất nước ta một nữ tướng tạo dựng nên truyền thống "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam trong thế kỷ XX.       

          Nhân dân Nam – Bắc truyền tụng tên bà là "chị Ba Định", rồi "bà Ba Định", biểu thị một lòng kính mến yêu thương vô hạn đối với người con gái quang vinh của dân tộc đã làm nổi lên, rạng rỡ, hai tiếng Việt Nam trước nhân dân thế giới.

Chân dung Bà Nguyễn Thị Định

          Năm 1936 khi mới tròn 16 tuổi, Nguyễn Thị Định đã tham gia cách mạng. Năm 1940 sinh con trai được 3 ngày thì người chồng thương yêu bị bắt, bản thân cũng bị địch bắt giam, phải gửi con thơ nhỏ dại cho nhà nội nuôi nấng. Ba năm ròng sống trong tra tấn, tù ngục vẫn giữ vững lòng trung kiên bất khuất, vì lâm bệnh nặng, kẻ thù phải thả cho ra ngoài để chờ chết. Sức khỏe chưa hồi phục, lại nhận được tin chồng hy sinh ngoài Côn Đảo. Nén đau thương, chị Ba tự nhủ: "Phải ráng sống để nuôi con và trả thù cho chồng, cho các đồng chí".

          Trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945, chị tham gia cướp chính quyền ở Bến Tre, nơi quê hương nhà.

          Một sự kiện có ý nghĩa lịch sử là chị đã sớm được ủy nhiệm vượt biển ra Bắc (tháng 3.1946), để báo cáo với Bác Hồ và Trung ương về tình hình cách mạng miền Nam và Khu 8, rồi được trực tiếp nhận chuyển 12 tấn vũ khí, súng đạn từ miền Bắc vào chi viện cho Tây Nam Bộ kháng chiến chống Pháp.

          Tên tuổi chị Ba Định gắn với phong trào Đồng Khởi từ Mỏ Cày phát triển ra khắp Bến Tre năm 1960. “Đội quân tóc dài” của chị đã trở thành một lực lượng cách mạng quan trọng, đi “hai chân” (chính trị, quân sự), đánh "3 mũi" (võ trang, tuyên truyền, binh vận) trói chặt quân thù trên địa bàn sông Cửu Long.

          Dấu ấn của người nữ chỉ huy tài ba đầy sáng tạo trong phương thức đánh giặc, ứng phó với mọi tình huống thay đổi, đã đưa chị Ba lên cương vị là Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam từ năm 1965 đến năm 1975.

          Chân dung Thiếu tướng Nguyễn Thị Định còn được khắc ghi trong những hình ảnh của người chỉ huy chiến trường đồng cam cộng khổ với chiến sĩ, thương yêu chiến sĩ như con, giữa các trận đánh thường ngồi vá áo cho chiến sĩ.

          Sau ngày đại thắng giải phóng miền Nam, bà Nguyễn Thị Định đã được Đảng và nhà nước giao nhiều trọng trách: Thứ trưởng Bộ Thương binh – Xã hội, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba.

          Ở cương vị nào bà cũng xử lý công việc đầy trách nhiệm và tình người. Trong lòng bạn bè thế giới, bà là biểu tượng của cuộc đấu tranh vì Độc lập, Tự do, là trung tâm đoàn kết các lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới trong công cuộc đấu tranh vì Hòa bình, Bình đẳng, Tiến bộ và Hạnh phúc cho con người. Bà từng được Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ thế giới bầu vào cương vị Phó Chủ tịch Liên đoàn.

          Sau 56 năm hoạt động và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Nguyễn Thị Định – chị Ba Định kính mến, thân thương của chúng ta – đã đột ngột từ trần sau một cơn nhồi máu cơ tim, vĩnh viễn ra đi lúc 22 giờ 50 phút ngày 26.8.1992.

          Vị nữ tướng anh hùng trong thời chiến còn để lại những chiến công không thể xóa nhòa ở cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước.

          Người phụ nữ với chiếc khăn rằn giản dị khoác trên vai đã gánh vác những trọng trách lớn, được Bác Hồ và Bộ Chính trị rút lên làm Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam, được Bộ Tư lệnh phân công theo dõi chỉ đạo phong trào chiến tranh du kích, đấu tranh chính trị.

          Đồng chí Nguyễn Thị Bích Thủy ở khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực IV đã rất có lý khi khẳng định:

          “Sự có mặt của Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định trong Bộ Tư lệnh Miền đã góp phần làm cho cái nhìn của lãnh đạo chỉ huy toàn diện, thấu đáo hơn,từ cuộc chiến tranh nhân dân”.

          Tài năng cầm quân của nữ tướng Nguyễn Thị Định thể hiện rõ trong trận chống càn đại quy mô Gianxơn Xity, trận càn lớn nhất của Mỹ ngụy tháng 2.1967 với 7 lữ đoàn quân Mỹ, 2 chiến đoàn quân ngụy gồm 5 vạn tên, 1.100 xe tăng, với nhiều máy bay xung kích, nhằm xóa sạch căn cứ Trung ương Cục Miền Nam.

          Bộ Tư lệnh họp, quy định bằng mọi giá phải bảo vệ căn cứ địa, chuyển thế bị động sang chủ động tấn công, bẻ gẫy các mũi tiến công của địch, không rơi vào cạm bẫy giăng sẵn của chúng mà luồn đánh vu hồi, chủ động chuyển từ phòng ngự sang phản công. Được Bộ Tư lệnh phân công, chị Ba Định đã chỉ đạo các đơn vị dùng du kích vận động chiến đánh cho địch mệt mỏi rã rời, phải co cụm lại, tạo cơ hội cho các đơn vị chủ lực của ta đánh thẳng vào những cụm đóng quân của địch, phá tan cuộc hành quân đầy tham vọng của chúng, bảo vệ được vẹn toàn căn cứ địa của ta.

          Vị nữ tướng anh hùng  trong thời chiến còn nổi tiếng nhân hậu trong thời bình, xứng đáng là người đại biểu trung thành của nhân dân.

          Sau khi đã hòa bình, thống nhất, bà Ba Định được bầu làm đại biểu Quốc hội nhiều khóa. Năm 1981 được bầu làm Ủy viên Hội đồng Nhà nước. Năm 1987 làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Ở cương vị này bà đã đích thân dẫn đầu đoàn kiểm tra về việc thực hiện pháp luật ở các cơ quan chức năng như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án từ trung ương đến các địa phương ở cả hai miền Nam – Bắc như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và các tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, Gialai, Kontum, Bắc Thái, Quảng Ninh, Minh Hải, Hậu Giang, Đồng Nai, Bến Tre.

          Đồng chí Mai Thị Bích Ngọc, thư ký riêng của bà, đã có bài ghi trong tập hồi ký về Nguyễn Thị Định, nữ tướng anh hùng (NXB Chính trị Quốc gia, Sự thật) kể lại rằng:

          “Đi đến đâu, đồng chí không chỉ làm việc với cán bộ Đảng, chính quyền địa phương, mà còn tiếp xúc trực tiếp với các đại diện đoàn thể nhân dân (Mặt trận, Phụ nữ, Thanh niên, Công đoàn) và các tổ chức xã hội (các đại biểu phụ nữ của nhà thờ, nhà chùa). Đồng chí cũng đã đến nhiều nhà tạm giam, trại giam, trại cải tạo để gặp gỡ những con người bất hạnh (kể cả những người mang án chung thân hay tử hình). Đồng chí rất quan tâm đến các phạm nhân nữ, những thanh thiếu niên, những người già yếu, để tìm hiểu rõ nguyên nhân và hoàn cảnh của họ, khuyên nhủ, an ủi, ghi nhận những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của họ, rồi trao đổi, bàn bạc với các cơ quan có trách nhiệm ở địa phương để giải quyết. Trong thực tế, một số phạm nhân đã được giảm án, một số con nhỏ, hoàn cảnh khó khăn được tại ngoại, một số người bị oan ức đã được đồng chí góp phần làm sáng tỏ vấn đề để giải oan cho họ.

          Ngoài giờ làm việc (buổi trưa, buổi tối), đồng chí thường tiếp dân trực tiếp, hỏi han cặn kẽ, chứ không chỉ nhận đơn thư rồi bảo họ về chờ đợi kết quả. Có những trường hợp, đồng chí đích thân đi điều tra, khảo sát tận nơi để hiểu rõ đúng thực, hư. Với cách làm việc như vậy, mỗi năm đồng chí giải quyết hàng trăm đơn thư khiếu nại, khiếu tố. Ở tỉnh Hậu Giang, đồng chí đã chỉ đạo xử lại một số vụ án bất công mà nạn nhân lại bị biến thành kẻ có tội. Ở tỉnh Đồng Nai, đồng chí đã ra lệnh cách chức cả trại trưởng lẫn trại phó ở một trại giam đã từng một thời được đề cao, khen thưởng mà nay lại diễn ra cảnh đánh đập, nhục hình tù nhân, ngăn cản họ tiếp xúc với đoàn kiểm tra nhà nước. Nhiều người đã ví đồng chí Nguyễn Thị Định với Bao Công thời xưa. Hơn nữa, bà con ở tỉnh xa về thủ đô để phản ánh, kêu oan, nhưng vì nghèo túng, hết sạch tiền, nhiều lần đồng chí đã tự bỏ tiền túi ra giúp họ tiền tàu xe, tiền ăn đường để trở về quê quán, chờ kết quả giải quyết".

          Với những người đồng chí, đồng đội, như với Thượng tướng Trần Văn Trà, những năm cuối đời, bà Ba Định đã có lúc nói:

          “Thời chiến tranh đẹp quá anh hả? Cuộc sống lúc ấy tuy gian khổ, thiếu thốn về vật chất, nhưng đầy ắp nghĩa tình. Con người lúc ấy coi nhẹ phần lợi ích riêng tư, không hề so đo, tính toán đến danh lợi, chức quyền, sẵn sàng hy sinh vì đồng đội, vì nhân dân, vì Tổ Quốc”.

          Về phần mình, Bà đã trải qua một đời người phụ nữ mất chồng, còn một đứa con duy nhất cũng mất nốt từ khi tuổi còn thơ, xa mẹ. Nhưng Bà đã vượt lên nỗi cô đơn, luôn sống với đồng đội, với nhân dân, dành mọi nỗi ưu tư lo toan cho hạnh phúc của mọi người, nhất là những người bất hạnh. Bà từng tâm sự với đồng chí Lê Long:

          “Tôi thấy đau xót vì nạn tiêu cực và tham nhũng còn quá nhiều. Tôi đã cố gắng đấu tranh nhiều trong Trung ương, trong Quốc hội, nhưng rất tiếc kết quả chưa nhiều”.

          Bà bận rộn suốt tháng năm, lúc ra Bắc đến Lạng Sơn, lúc về Nam lại ra tận chót mũi Cà Mau. Ngay đêm trước ngày mất, đài còn đưa tin Bà đi làm việc ở Vũng Tàu, mà đêm sau, lúc 22 giờ 50 phút trái tim Bà đã đột ngột ngừng đập, kết quả của chuyến đi, Bà còn chưa được biết.

          Cuộc đời trong sáng, oanh liệt và nhân cách cao cả của vị nữ tướng anh hùng đã làm xúc động nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý để ông viết nên bài hát Dáng đứng Bến Tre nổi tiếng:

                             Ai đứng như bóng dừa

                             Tóc dài bay trong gió

                             Có phải người còn đó là con gái của Bến Tre

                             Con gái của Bến Tre, năm xưa đi trong đạn lửa

                             Đi như nước lũ tràn về

                             Ơi những con người làm nên Đồng Khởi...

          Đồng chí Trần Văn Giàu, nhà cách mạng - sử gia ngay từ lúc sinh thời của Bà đã từng thân mật nói:

          “Những người như chị, sống làm Tướng, chết thành Thần”.

          Và sự thực đã diễn ra đúng như thế.

          Tại quê hương Bà, một đền thờ đã được nhân dân xây dựng nên, khánh thành vào ngày 20.12.2003, để nhân dân các nơi đến viếng và thắp hương tưởng niệm.

          Ngày 8.4.2007, một tượng đồng chân dung nữ tướng cao 1,75m, nặng 1020 kg trong trang phục áo bà ba, khăn rằn quấn cổ, đúng như hình ảnh Bà lúc còn sống.

          Và lại nữa, ở Hà Tây, làng Hát Môn huyện Phúc Thọ (nay thuộc Hà Nội) nhân dân xã vẫn nhớ ngày Bà đến thăm hồi năm 1991, đã lập bát hương thờ Bà tại đền thờ Hai Bà Trưng để “những người anh hùng lại gặp anh hùng”.

 

Phạm Thị Xuân Châu - Giáo viên Ngữ văn

 

 

Đọc 12580 thời gian Sửa lần cuối vào Chủ nhật, 22 Tháng 10 2017 15:05
1st