Gương mặt phúc hậu, nụ cười ấm áp, ăn vận giản dị, bác sĩ Đào Cảnh Tuất khiến cho ai gặp lần đầu cũng thấy thật gần gũi. Ít ai biết rằng, vị bác sĩ này lại là một trong những người tiên phong sáng lập hệ thống y tế tư nhân đầu tiên trong cả nước. Cũng chính ông là người đầu tiên xin thực thực hiện thí điểm cho y tế tư nhân được tham gia khám BHYT vào  những năm 2000.

Điều ít biết về một trong những người tiên phong với y tế tư nhân- Ảnh 1.

Trò chuyện với phóng viên Sức khỏe và Đời sống, bác sĩ Đào Cảnh Tuất cho biết, ông quê ở huyện Đô Lương, Nghệ An. Năm 1977, khi ông vừa tốt nghiệp cấp 3 thì chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Chàng trai 18 tuổi xứ Nghệ đã cùng các đồng đội vác ba lô lên đường tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia.

Kể lại những ngày tháng ấy, tôi thấy giọng ông trùng xuống và mắt ánh lên sự xúc động: "Chiến trường ác liệt nên nhiều đồng chí, đồng đội của tôi đã bị thương và hy sinh. Đứng trước tình thế thiếu đội ngũ nhân viên y tế nên tôi được đơn vị cho đi học một khóa cứu thương 3 tháng để về phục vụ đơn vị. Không có thuốc kháng sinh, bông gạc để cấp cứu đồng đội, tôi đã phải xé từng mảnh áo, chiếc mùng để băng bó và phải dùng nước dừa để truyền dịch cho thương binh… Tất cả những ký ức đó không bao giờ mất đi trong tôi".

Với trình độ của một người chiến sĩ cứu thương chỉ được đào tạo trong 3 tháng, trong quá trình điều trị, xử lý các vết thương cho các đồng đội, ông nhận ra mình không giúp được gì nhiều cho thương, bệnh binh.

"Khi một người lính quân y trình độ không đủ, mình đã không cứu chữa được những người chiến sĩ bị thương như mình mong muốn. Ngày đó, nhiều chiến sĩ phải hy sinh với những vết thương không lớn lắm. Trong lòng tôi thôi thúc làm sao khi giải ngũ phải tìm cách thi được vào một trong các trường y khoa, làm sao để trở thành một bác sĩ giỏi và phục vụ cộng đồng tốt hơn", ông Tuất nhớ lại.

Trong trận đánh để giải phóng Phnompenh, ông đã bị thương do vướng mìn và được đưa về điều trị tại Bệnh viện Quân y 175. Những ngày trên giường bệnh, ông thấy mình thật may mắn vì còn sống trong khi nhiều đồng đội đã mãi mãi ra đi và nảy ra ý nghĩ tận dụng thời gian này để ôn thi. Ông đã dành hết tâm trí, học ngày học đêm để bổ sung kiến thức. Và ông đã đã đậu vào trường Đại học Y Dược TPHCM như mong ước.

Vậy là cuộc đời của chàng trai xứ Nghệ Đào Cảnh Tuất đã chuyển sang một bước ngoặt mới, từ một người lính thương binh trở thành một sinh viên y khoa. Trong 6 năm học ở giảng đường, để có tiền ăn học, ông Tuất vừa phải đi học vừa phải làm thêm, lúc làm gia sư, lúc đi bốc xếp..., nhưng chưa bao giờ ông cảm thấy nhụt chí.

Tôi chưa bao giờ nản lòng bởi luôn tin tưởng vào chính bản thân và tương lai phía trước
Bác sĩ Đào Cảnh Tuất
Điều ít biết về một trong những người tiên phong với y tế tư nhân- Ảnh 2.

Năm 1988, sau khi tốt nghiệp đại học, bác sĩ Đào Cảnh Tuất vào làm việc tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Tiếp đó, ông chuyển công tác về Bệnh viện Nhân dân 115. Tuy nhiên, với bản chất và ý chí của một người lính, mong muốn và khát khao cứu giúp được nhiều người bệnh hơn, từ bỏ cơ hội phát triển, bác sĩ Tuất quyết định nghỉ việc ở bệnh viện công hàng đầu để ra làm bệnh viện tư, mặc dù ở thời điểm đó ( 1997) được làm tại các bệnh viện lớn của TP HCM là niềm mơ ước của nhiều bác sĩ trẻ.

"Với một người đã trải qua thời gian công tác ở trong quân trường và từng làm một người lính, tôi nghĩ rằng nếu tôi ra ngoài làm việc bằng trí tuệ, chất xám của mình và mở hệ thống bệnh viện tư nhân thì chắc chắn sẽ giúp được nhiều người bệnh hơn và cũng giải quyết được việc làm cho nhiều cho người lao động hơn", ông Tuất chia sẻ.

Điều ít biết về một trong những người tiên phong với y tế tư nhân- Ảnh 3.

Nghĩ là làm, năm 1997 ông Đào Cảnh Tuất quyết định chọn Bình Dương là thị trường khai phá đầu tiên để xây dựng cơ nghiệp. Theo ông Tuất, sở dĩ ông chọn Bình Dương là bởi sát TPHCM, lúc đó y tế ở đây còn yếu. Ông mong muốn sẽ giúp cho người dân có được sự chăm sóc y tế tốt hơn bởi vì khi chuyển từ Bình Dương lên TPHCM thì thường tình trạng sức khỏe bệnh nhân đã khá trễ. 

Đồng thời, việc người bệnh dồn lên TPHCM vừa tạo áp lực cho TPHCM, vừa để trống thị phần to lớn không ai khai phá. Bên cạnh đó, Bình Dương vừa tách ra từ tỉnh Sông Bé, có chính sách cởi mở để thu hút vốn FDI, thu hút nhân tài và người lao động.

Ông chọn địa điểm đầu tiên mở phòng khám đa khoa tại huyện Dĩ An với tên gọi Phòng khám đa khoa An Bình. Và rất may mắn khi ý tưởng, sự tâm huyết phát triển hệ thống y tế tư nhân tại Bình Dương của ông được các lãnh đạo tỉnh Bình Dương thời đó "xé rào" và cấp cho phòng khám của ông giấy phép hành nghề "phòng khám đa khoa". Đây cũng là một trong những phòng khám tư nhân đầu tiên trên cả nước được cấp phép.

Cứ thế với phân khúc bình dân, hướng đến người lao động, bác sĩ Đào Cảnh Tuất lần lượt mở ra các bệnh viện. Năm 2006, xây Bệnh viện đa khoa Mỹ Phước tại Bến Cát, năm 2011 xây Bệnh viện Vạn Phúc 1 tại TP Thủ Dầu Một và năm 2013 xây Bệnh viện Vạn Phúc 2 tại Thị xã Thuận An. Với chuỗi các phòng khám và bệnh viện liên tiếp được ông xây dựng, người dân ở Bình Dương không cần phải về TPHCM chữa trị mà vẫn có các bác sĩ giỏi ở các bệnh viện lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện ĐH Y Dược… về thăm khám, điều trị.

Nhắc lại những ngày "ra riêng" đầu tiên đó, bác sĩ Đào Cảnh Tuất chia sẻ đấy là quyết định táo bạo nhưng vô cùng khó khăn. Nếu ông đi làm ở bệnh viện công thì đến giờ là ngồi vào bàn khám bệnh, đến tháng là nhận lương nhưng khi ra ngoài là phải tính toán mọi thứ. Chưa kể thời điểm vào năm 1996, 1997, hành lang pháp lý của ngành y tế chỉ có công lập, còn hệ thống ngoài công lập thì gần như không có. Khó khăn nữa là khi ông từ giã bệnh viện công ra làm tư, hai vợ chồng chỉ có hai bàn tay trắng, không có tài sản để thế chấp ngân hàng để cho vay. Bên cạnh đó là khó khăn về nguồn nhân lực bởi nhiều y bác sĩ ngại ra làm tư, họ sợ đời sống không được bảo đảm.

Trước thực tại khó khăn chồng chất khó khăn, người bác sĩ - cựu chiến binh không tránh khỏi những trăn trở, lo lắng. Nhiều đêm ông mất ngủ, lo lắng liệu mình cùng với các phòng khám, bệnh viện có tồn tại được hay không?

Việc trả lương cho cán bộ, nhân viên ở thời điểm đó là một cái áp lực vô cùng lớn với tôi. Bởi vì mình có trả lương cao thì họ mới dám bỏ nhà nước để ra ngoài tư nhân với mình. Mà trả lương cao thì bắt buộc hoạt động phải có hiệu quả. Nếu hoạt động không có hiệu quả thì chắc chắn là mình sẽ gặp khó khăn vô cùng.
Bác sĩ Đào Cảnh Tuất

Theo bác sĩ Tuất, điều ông tâm huyết nhất khi bước chân ra để làm hệ thống y tế tư nhân ở Bình Dương thời điểm đó chính là những người công nhân. Khi tiếp xúc với họ, ông mới hiểu được rằng đời sống của họ hết sức khó khăn.

Thực tế ông nhận thấy, những người công nhân trước đây thường là những người nông dân, khi vào làm việc trong nhà máy, xí nghiệp, do môi trường hoàn toàn thay đổi, áp lực công việc rất lớn nên nhiều người đang làm việc thì bị ngất xỉu, khi được các đơn vị gửi đến phòng khám, là họ bất tỉnh.

"Sau khi được các y bác sĩ điều trị, họ bắt đầu hồi phục, tỉnh và mở mắt ra, vui mừng vì còn sống. Chứng kiến những người bệnh từ chỗ "thập tử nhất sinh" thoát được cơn tử thần, đấy là niềm vui và hạnh phúc nhất của một thầy thuốc như tôi", bác sĩ Tuất xúc động kể lại.

Điều ít biết về một trong những người tiên phong với y tế tư nhân- Ảnh 4.

Bác sĩ Đào Cảnh Tuất nhớ lại, những năm 2000, việc khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT) chỉ có các đơn vị nhà nước mới nhận chi trả BHYT. Trong khi đó, số lượng bệnh viện công ở Bình Dương ít mà lực lượng công nhân lao động lại đông. Công nhân phải làm việc theo ca, nếu họ có bệnh họ cũng khó theo khám được bảo hiểm vì vướng thời gian làm việc. Chính vì vậy họ không tận dụng được các chính sách hỗ trợ của nhà nước khi tham gia bảo hiểm.

Nhìn ra thiếu sót và hạn chế đó, bác sĩ Đào Cảnh Tuất đã tìm cách gặp gỡ thuyết phục lãnh đạo Sở Y tế, BHXH và UBND tỉnh Bình Dương xin được khám BHYT cho người dân, đặc biệt là đội ngũ công nhân trong các khu công công nghiệp trong và ngoài giờ làm việc. Nhờ vậy, những người công nhân lao động tham gia BHYT tiết kiệm được chi phí, linh động thời gian thăm khám, tự chăm lo được sức khỏe của mình.

Nhờ lãnh đạo Bình Dương thời bấy giờ năng động và chịu lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp cũng như có tinh thần cởi mở nên chúng tôi đã may mắn có được thành công.
Bác sĩ Đào Cảnh Tuất

Năm 2006, Bệnh viện Mỹ Phước đi vào hoạt động, việc thanh quyết toán phí BHYT có nhiều bất cập, gây tranh cãi giữa đội ngũ chuyên môn của bệnh viện và đoàn thẩm định của BHXH tỉnh. Sau nhiều lần mâu thuẫn giữa các bác sĩ với đoàn thẩm định, bác sĩ Tuất đã trăn trở để tìm ra một cách thức mới trong thanh quyết toán chi phí quỹ BHYT. Ông mạnh dạn đề xuất với BHYT tỉnh Bình Dương xin được khoán quỹ BHYT theo đầu thẻ BHYT đăng ký tại bệnh viện dưới hình thức khoán "lời ăn lỗ chịu".

Một lần nữa, ý tưởng táo bạo của ông được lãnh đạo BHYT Bình Dương chấp thuận. Ông và BHXH tỉnh cùng phối hợp làm đề án khoán quỹ để gửi ra BHXH VN xin ý kiến. Rất may ý tưởng này phù hợp ý tưởng của lãnh đạo BHXH VN (mặc dù những điều khoản này chưa có trong Luật BHYT) nhưng phù hợp với chính sách thanh toán chi phí BHYT nên đã được BHXH chấp thuận giao cho Bệnh viện Mỹ Phước làm thí điểm khoán quĩ đầu tiên trong cả nước vào năm 2009. 

Sau một năm triển khai thí điểm khoán quĩ BHYT đã được BHXH VN nam đánh giá thành công, đến năm 2010 BHXH VN đã triển khai khoán quĩ BHYT trên toàn quốc.

Điều ít biết về một trong những người tiên phong với y tế tư nhân- Ảnh 5.


Tuy nhiên, với khát vọng phục vụ cộng đồng lớn, bác sĩ Đào Cảnh Tuất vẫn không dừng lại. Ông nhận thấy rằng, hiện nay nhu cầu của người dân về y tế đã cao hơn so với trước đây, người dân không chỉ đòi hỏi được bác sĩ giỏi khám chữa bệnh, chi phí tốt mà chất lượng dịch vụ cũng cần cao hơn trước.

Trong suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Đào Cảnh Tuất không giấu khỏi niềm tự hào khi nói về gia đình mình. Ngoài người vợ đồng hành là bác sĩ, hai con trai của ông cũng theo nghề y và được đào tạo chuyên sâu ở Australia về quản trị để nối nghiệp cha mẹ.

Điều ít biết về một trong những người tiên phong với y tế tư nhân- Ảnh 6.

BS Đào Cảnh Tuất cùng vợ và hai con trai - người kế tục sự nghiệp của gia đình.

"Hai vợ chồng tôi đều là bác sĩ nên tôi cũng luôn hướng cho con cái sẽ đi theo ngành y. Bởi vì nghề y là một ngành rất nhân văn để phục vụ người bệnh. Không chỉ định hướng cho con, tôi còn khuyên các cháu của tôi phải nỗ lực học tập để thi vào ngành y. Đến thời điểm này trong gia đình tôi có 9 bác sĩ và một dược sĩ. Đấy là một điều tôi thấy là mình thành công trong việc trồng người, định hướng cho các cháu một cái ngành để theo", bác sĩ Đào Cảnh Tuất tâm sự.

Trong hành trình y nghiệp của mình, bác sĩ Đào Cảnh Tuất luôn hướng về những bệnh nhân khó khăn. Ông không nhớ hết đã thăm khám, cứu giúp bao bệnh nhân, hỗ trợ bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn và tạo công ăn việc làm, nuôi ăn học cho biết bao người, đặc biệt là những có hoàn cảnh khó khăn. Chỉ biết rằng với lối đi riêng tiên phong, tầm nhìn xa và quyết tâm phục vụ nhân dân của người lính - bác sĩ, ông đã giúp rất nhiều người bệnh được hưởng lợi từ khám chữa bệnh và các chính sách của ngành y tế.

Ý kiến của bạn