Nghệ thuật thư pháp Việt

phuonglk , 03/01/2013 (716 lượt xem)

Đơn sơ trong từng nét chữ, mộc mạc trong từng ý niệm, thâm thuý trong ý nghĩa nên thư pháp đã đi sâu vào tâm tư tình cảm của người Việt Nam từ bao đời nay như món ăn tinh thần vô giá không thể thiếu trong mỗi độ Tết đến, xuân về.

Nghệ thuật thư pháp Việt

Nét chữ nét người

Chuyện chơi thư pháp thời xưa khá kén chọn, nếu không nói người muốn chơi được thư pháp phải có tầm văn hóa nhất định, hay nói đúng hơn phải đạt chuẩn trên mức của “ông đồ”.

Tự cổ chí kim, người Việt ta coi trọng “cái chữ”, coi “hiền tài là nguyên khí quồc gia”, trọng người có chữ để dựng nước và giữ nước.

Thư pháp là một loài hình nghệ thuật độc đáo, hình tượng, bởi mỗi chữ viết ra đều toát lên cốt cách của nghệ nhân. Nghệ nhân truyền tâm hồn mình vào chữ viết. Cha mẹ răn con cái qua chữ “Hiếu”, chữ “Tâm”… chỉ một chữ thôi mà thay ngàn lời giáo huấn sâu xa. Vì vậy, mỗi ký tự viết ra là một nét bút mang đặc trưng khác nhau tuỳ theo vị trí và dụng ý của người viết.

Chữ Hán du nhập vào Việt Nam cách đây hơn 1.700 năm, chữ quốc ngữ 100 năm. Nhiều nhà nghiên cứu chuyên về thư pháp cho rằng: thư pháp là bộ môn nghệ thuật có nguồn gốc từ Trung Quốc, dựa trên các chữ tượng hình dùng lối vẽ cách điệu tạo nên phong cách đẹp thể hiện ý tưởng con người và được các nước Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam kế thừa và duy trì cho tới ngày nay.

Ở Việt Nam, Nhật Bản và nhiều nước khác, thư pháp ngày càng được người dân coi trọng sau một thời gian bị mai một bởi nền kinh tế thị trường. Ngày nay, thư pháp đang tồn tại phổ biến ở 2 dạng là cách viết chữ thư pháp bằng chữ quốc ngữ và chữ Hán, nôm.

Thư pháp chữ Việt vẫn được con người cảm nhận và không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền. Những câu thư pháp mừng xuân “như phượng múa rồng bay”, không chỉ xuất hiện trên mành, trên giấy mà còn được chuyển trên mọi vật liệu như gỗ, khung, giấy mành dệt… Rạo rực trong những câu chúc xuân: mai vàng nở rộ mừng tri kỷ – Đào hồng khoe sắc đón tri ân….

Thư pháp Đất cảng

Mỗi vùng, mỗi miền, mỗi cá nhân có những cách cảm nhận khác nhau về cái đẹp của thư pháp.

Ở đất cảng Hải Phòng, trong 4 năm trở lại đây, người dân thành phố có dịp chiêm ngưỡng bộ môn nghệ thuật này tại Cung văn hóa hữu nghị Việt – Tiệp khi câu lạc bộ Thư pháp ra đời. Mọi người tới câu lạc bộ không chỉ được chiêm ngưỡng nét tài hoa của người nghệ nhân mà còn được thưởng thức nghệ thuật độc đáo chưa từng có trên thế giới, thư pháp nhân diện và thư pháp hoa điểu, do người nghệ sỹ tài hoa có “bàn tay vàng” Lê Thiên Lý sáng tạo ra.

Lê Thiên Lý được đánh giá là nhà thư pháp hàng đầu của TP. Hải Phòng. Nói tới ông, những người am hiểu thư pháp ai cũng biết. Không phải vì ông là Chủ nhiệm CLB Thư pháp Cung văn hóa hữu nghị Việt – Tiệp, không phải vì ông là người được giải tại Liên hoan “câu đối, hoa và rượu Tết” thủ đô Hà Nội với câu đối viết theo lối hoa điểu:

Kinh tế chấn hưng dân phú

Bang giao phát triển quốc cường

Mà còn bởi lẽ 2 thể thư pháp “nhân diện” và “hoa điểu” của ông đang gây xôn xao trong giới thư pháp trong và ngoài nước.

Thư pháp nhân diện là mỗi chữ đều thành mặt người, hoa điểu là mỗi chữ thành con chim hoặc bông hoa… Hai thể thư pháp này uốn lượn uyển chuyển, tạo nên nét riêng độc đáo cho nghệ thuật thư pháp đương đại, hạn chế được khuôn mẫu trong nghệ thuật chữ viết, tạo nguồn cảm hứng mới lạ trong nét chữ khi có sự kết hợp hài hòa giữa hội họa và thư pháp. Đây chính là sự khác biệt tạo nên những bức chân dung sống động, những linh vật đầy hồn sắc.

Chữ Đức, dưới ngòi bút tài hoa của ông hiện lên gương mặt phúc thiện của đức phật Quan Âm Bồ Tát, chữ Tài giống như gương mặt thần Tài. Đặc biệt hóm hỉnh, ý vị là hai bức chân dung nhân vật “Chí Phèo” và “Thị Nở” trong tác phẩm”Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao.

Câu đối chơi chữ thủ vĩ liên hoàn thuận nghịch độc, tức là một câu đọc thành hàng trăm câu đối:

Xuân rượu đậm nồng men rượu hoa hoa rượu tết

Tết hoa tươi thắm sắc hoa rượu rượu hoa xuân

Từ hai câu đối trên được sắp xếp trên hình bông hoa, từ số 1 tới số 10 và từ số 11 đến số 20 rồi tiếp từ số 2 đến số 11 và từ số 12 đến số 01 và tiếp tục như vậy đến số 20, ta có được 20 câu đối, đọc ngược lại từ số 20 đến số 11 và từ số 10 đến số 01 tương ứng như trên ta lại được 20 câu.

Đọc từ trên vế đối lại được tác giả khai thác, lấy một chữ của vế hai nối vào vế một và chữ đầu của vế một nối vào vế hai thành một vế 11 chữ rất tương thích và giàu ý nghĩa. Và cứ như vậy, lấy xuôi trên xuống, lấy ngược dưới lên ta có 40 câu đối nữa. Và lấy chùm chữ (từ 2 đến 3 chữ) của vế hai nối vào vế một và tương thích như vậy ta được vài chục câu nữa. Từ câu đối trên ta có thể phát triển thành trên một trăm câu đối khác nhau, đây quả là điều kỳ diệu. Bởi theo tôi được biết, trong lịch sử mới có được 2 bài thơ có khả năng phát triển như thế. Thứ nhất, đó là bài thơ thời Tống của Trung Quốc có thể phát triển thành 40 cách đọc. Thứ hai là bài thơ cuả vua Thiệu Trị có 60 cách đọc.

Thú chơi thư pháp ngày càng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Chúng ta không chỉ gìn giữ mà không ngừng phát triển để lớp trẻ hôm nay nhận thức sâu sắc ý nghĩa của nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bình luận đánh giá: Nghệ thuật thư pháp Việt
Bình luận đánh giá sản phẩm
THÔNG TIN NGƯỜI GỬI
bình luận
Xem bình luận có đánh giá
THÔNG TIN NGƯỜI GỬI
Về Shop Trẻ Thơ
ShopTreTho.com.vn kinh doanh theo mô hình website trực tuyến kết hợp với hệ thống chuỗi cửa hàng bán lẻ tại các thành phố lớn trên toàn quốc. Với phương châm "phục phụ khách hàng bằng cả trái tim" Shop Trẻ Thơ luôn lấy khách hàng làm trung tâm cho mọi hoạt động để tạo ra nhiều giá trị cộng đồng
Hơn 15.000 sản phẩm
500 thương hiệu nổi tiếng
Hỗ trợ 24/7 miễn phí cuộc gọi
Miễn phí vận chuyển
Giao hàng tận nhà