Vẻ đẹp đầy chất thơ của làng cổ Đường Lâm qua triển lãm ảnh

Ngày 26/11, tại cổng làng Mông Phụ (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội), Ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm tổ chức khai mạc triển lãm ảnh Làng cổ Đường Lâm - xứ Đoài mây trắng của tác giả Nina May (Phạm Ngọc Diệp).
Kiến trúc sư Thái Lan "phải lòng" làng cổ Đường Lâm Xây dựng các cơ chế đảm bảo 3 mục tiêu trong phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm Về làng cổ Đường Lâm trải nghiệm làm tranh in khắc gỗ miễn phí

Dù xã hội có nhiều đổi thay, xứ Đoài mây trắng vẫn giữ cho mình những nét hồn hậu, mộc mạc của vùng đất đồng bằng, trung du Bắc Bộ. Nơi ấy, mỗi ngọn núi, ngôi làng đều thấm đấm những huyền thoại. Nơi ấy, có những mái đình uốn cong cả góc trời, có những cổng làng mộc mạc đưa người ta trở về với những miền ký ức thân thương.

Vẻ đẹp đầy chất thơ của làng cổ Đường Lâm qua triển lãm ảnh
Bức tranh yên bình của làng cổ đường Lâm (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội)

Đặc biệt, nằm ở trung tâm của xứ Đoài, làng cổ Đường Lâm như một “hoá thạch” từ quá khứ. Bất cứ ai đến đây, cũng cảm thấy như bị mê hoặc khi đi trên những con đường lát gạch đỏ, đi trong những con ngõ màu vàng nâu của đá ong, hay ngắm những nếp nhà rêu phong trăm năm mưa nắng, những chiếc giếng cổ mà chung quanh đầy những câu chuyện kỳ bí...

Đường Lâm là phim trường yêu thích của những nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp lẫn không chuyên. Tuy nhiên, những tác phẩm của Nina May có nhiều nét riêng biệt.

Vẻ đẹp đầy chất thơ của làng cổ Đường Lâm qua triển lãm ảnh
Đường Lâm là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ

Triển lãm giới thiệu 26 tác phẩm nhiếp ảnh của tác giả Nina May về làng cổ Đường Lâm. Các tác phẩm được cô sáng tác từ năm 2019 đến nay.

Lần đầu đến Đường Lâm, tác giả đã có những bức hình đầu tiên về “làng đá ong”, “làng di sản” này. Nhưng rồi, Nina May đã không giữ lại những bức ảnh ấy. Bởi với cô, những tấm ảnh ấy chưa đủ “sâu”. “Nếu chỉ tham quan Đường Lâm trong tích tắc rồi rời đi thì không thể hiểu để yêu Đường Lâm được”, Nina May chia sẻ.

Cơ duyên đã đưa cô gái miền Nam này gắn bó với Sơn Tây. Để rồi, Nina May coi Đường Lâm như một chốn đi về. Những con người, cảnh vật nơi đây khiến cô sống lại ký ức quê nhà. Những cụ già Đường Lâm làm cô nhớ bà nội, ngày nào cũng nhuộm để có đôi hàm răng đen ánh. Sự mộc mạc, giản dị của Đường Lâm khiến Nina May coi mảnh đất hai Vua này là quê mình.

Vẻ đẹp đầy chất thơ của làng cổ Đường Lâm qua triển lãm ảnh
Những hình ảnh bình dị của cuộc sống làng quê qua góc nhìn rất nữ tính, đầy chất thơ của nữ Nina May
Vẻ đẹp đầy chất thơ của làng cổ Đường Lâm qua triển lãm ảnh

Và từ đó, Nina May bắt tay vào công việc thực sự, lưu giữ những giá trị văn hóa và đời sống con người nơi đây, trong bối cảnh đang ngày một thay đổi. Với Nina May, như có một nhân duyên kỳ lạ. Bây giờ, Nina May đã chuyển hẳn về sống trong làng, coi mình như một người làng.

Vẻ đẹp đầy chất thơ của làng cổ Đường Lâm qua triển lãm ảnh
Đến Đường Lâm, ta có thể gặp những cụ già nhuộm răng đen

Mỗi bức ảnh của cô là một câu chuyện về cuộc sống Đường Lâm. Vừa có cái nhìn nghệ thuật, vừa có cái nhìn của “người trong cuộc”, khi cô có đủ thời gian để thẩm thấu những giá trị của văn hoá làng cổ.

26 bức ảnh là 26 câu chuyện về tình yêu và cảm xúc. Có những khung hình mà cô ngắm qua những mùa khác nhau, để rồi cảm nhận cái đẹp của mỗi mùa, nắm bắt lấy những khoảnh khắc đẹp nhất.

Vẻ đẹp đầy chất thơ của làng cổ Đường Lâm qua triển lãm ảnh

“Có những ngày nắng tôi lang thang qua từng con ngõ nghe tiếng lá mùa thu xào xạc, tiếng chim hót trên cành… Xung quanh thì vắng lặng như trong một giấc mơ, giấc mơ trưa nơi làng quê thật bình yên và tĩnh lặng. Điều đó thể hiện qua những tác phẩm không có bóng dáng con người. Ngoài việc lang thang cóp nhặt khoảnh khắc đời thường ấy, tôi luôn thích tái hiện lại những khung cảnh và hình ảnh đã bị phôi phai theo thời gian. Đôi khi cũng có sự sắp đặt, nhưng tôi luôn mong muốn sự sắp đặt đó là tối thiểu, để phản ánh thực chất cuộc sống, con người Đường Lâm” - nữ tác giả nói.

Bảo Phương
Phiên bản di động