| Hotline: 0983.970.780

Công nghệ nuôi cá mật độ gấp 10 lần ao thường, cá săn chắc, thơm ngon

Thứ Sáu 24/03/2023 , 14:47 (GMT+7)

HÀ NỘI Công nghệ 'sông trong ao' cho phép nuôi cá với mật độ gấp 10 lần, sản lượng gấp 2 - 3 lần so với ao thường, cho chất lượng sản phẩm cá dai, thơm ngon...

Năm 2018, ông Đặng Văn Duân ở thôn Lưu Khê, xã Liên Bạt (Ứng Hòa, Hà Nội) được Trạm Khuyến nông huyện mời tham quan các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Hưng Yên, Hải Dương. Sau khi được nghe các cán bộ thủy sản chia sẻ kỹ thuật nuôi cá sông trong ao, ông thấy mô hình này có rất nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp nuôi cá truyền thống.

Sau khi nắm vững được kỹ thuật quản lý và nguyên lý hoạt động của mô hình nuôi cá sông trong ao, ông Duân đã xin triển khai nuôi theo quy trình này với quy mô diện tích 2ha và được Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông, UBND xã Liên Bạt rất quan tâm, đồng tình ủng hộ.

Công nghệ sông trong ao cho phép nuôi với mật độ cao gấp 10 lần ao thường.

Công nghệ sông trong ao cho phép nuôi với mật độ cao gấp 10 lần ao thường.

Mật độ gấp 10 lần ao thường, thu hoạch lúc nào cũng được

Nguyên lý “sông trong ao” nghĩa là tạo dòng sông chảy liên tục trong ao tĩnh bằng máy móc và thiết bị. Điều này khiến cá được bơi ngược dòng như ở sông, vì vậy cá luôn được vận động, săn chắc. Ưu điểm của mô hình này là giúp người nuôi dễ quản lý môi trường, dịch bệnh, sản lượng cá cao, hệ thống camera giúp người nuôi không mất nhiều công sức trông nom. Hệ thống cho ăn, xử lý chất thải, thu hoạch... hoàn toàn tuần hoàn khép kín, không mất nhiều thời gian xử lý.

“Nhờ tạo sông trong ao, cá được sống trong môi trường như nuôi lồng bè trên sông, nhưng không phải tiếp xúc với bùn và các tác nhân gây bệnh. Mật độ cá nuôi trong bể gấp 10 lần so với ao thông thường, nuôi được nhiều loại cá khác nhau, cá phát triển nhanh”, ông Duân chia sẻ.

Nếu như trước đây, nuôi theo phương pháp truyền thống khi có khách hàng đặt mua cá, phải thuê người kéo lưới, dù đánh ít hay nhiều thì 1 mẻ lưới cũng cần phải thuê 4 – 6 người với giá tiền công 250.000 đồng/người/ngày. Nay, nuôi trong bể theo công nghệ sông trong ao, dù khách đặt hàng vài chục kg/lần hay vài tạ/lần cũng thu hoạch dễ dàng. Mặt khác, cá nuôi trong bể sạch được sục khí, hút phân thường xuyên nên không có mùi tanh.

“Cách nuôi này hiệu quả gấp nhiều lần so với cách nuôi truyền thống. Lợi thế lớn nhất chính là nguồn nước luôn được lưu thông, ít bị ô nhiễm, ít dịch bệnh nên tỉ lệ cá chết chỉ còn khoảng 5%. Cá luôn vận động nên thịt cá dai, thơm ngon hơn, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy”, ông Duân bật mí.

Hình ảnh 7

Nuôi cá bằng công nghệ sông trong ao có thể chủ động kiểm soát chất thải, giúp môi trường ao rất sạch, cá rất ích bị dịch bệnh.

Ông Duân chia sẻ, để thực hiện mô hình này, người nuôi phải đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện khắt khe về diện tích mặt nước, am hiểu quy trình vận hành máy móc, kỹ thuật chăm sóc... Trên diện tích 2ha, ông đã xây 2 bể có đáy thảm bê tông cứng với kích thước mỗi bể chiều rộng 5m, chiều dài 25m, sâu 2m, bể dốc về phía đuôi và có hệ thống xử lý phân ở cuối bể.

Chi phí đầu tư ban đầu mỗi bể khoảng 150 triệu đồng. Theo đó, mỗi bể nuôi cá được lắp đặt hệ thống thiết bị kỹ thuật khép kín như máy tạo sóng, máy nén khí, máy sủi cung cấp oxy, máy quạt nước, hệ thống máy hút chất thải đáy... tạo nên dòng chảy liên tục trong ao.

Cũng theo ông Duân, đối với mô hình nuôi cá sông trong ao, người nuôi cần lưu ý về môi trường nuôi, không được chăn thả vịt trong ao, định kỳ 6 tháng/lần sử dụng chế phẩm vi sinh làm sạch đáy. Thiết kế xây dựng sông đúng tiêu chuẩn về độ sâu để đảm bảo thể tích nước, cuối sông cần bố trí máy hút phân, chất thải thừa ra ngoài giúp môi trường nước luôn được đảm bảo, nguồn điện cung cấp phải ổn định.

Với công nghệ này, điểm quan trọng nhất là người nuôi phải duy trì máy thổi khí cung cấp đủ oxy cho cá 24/24 giờ. Nếu mất điện, phải có máy phát dự phòng, đảm bảo hệ thống thổi khí luôn hoạt động. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra và vệ sinh lưới lọc, các màng chắn và các đầu thổi khí để đảm bảo lưu lượng nước luôn tuần hoàn trong hệ thống sông.

Hình ảnh 6

Hệ thống sục khí cần phải luôn chủ động để duy trì oxy cho ao. 

Với hệ thống máy nén khí, có công dụng giúp giải phóng khí độc, đồng thời khí nén xuống đáy bể cũng tạo ra dòng chảy đẩy các chất thải về một phía và đọng lại ở bể tĩnh phía sau, tăng cường hàm lượng oxy hòa tan trong nước giúp người nuôi có thể nuôi cá với mật độ cao, nuôi được nhiều vụ trong năm nên năng suất, sản lượng cũng cao gấp 2 - 3 lần nuôi trong ao thường.

Cá sạch, thịt săn chắc, thơm ngon

Chia sẻ về những lưu ý khi nuôi cá theo công nghệ sông trong ao, ông Duân cho hay: “Trong quá trình nuôi cá, tôi tuyệt đối không sử dụng các chất cấm được Nhà nước quy định và kỹ lưỡng ngay từ khâu chọn giống ở những địa chỉ uy tín. Con giống phải khỏe mạnh, bơi lội linh hoạt, không bị dị tật, không mang mầm bệnh.

Thức ăn cho cá phải đảm bảo về chất lượng, bảo quản tại nơi cao, khô ráo, thoáng mát để tránh bị ẩm mốc. Các bể cá được sử dụng các chế phẩm vi sinh định kỳ 6 tháng/lần để làm sạch đáy nuôi. Đối với nước, định kỳ 1 tháng/lần đem mẫu đi nhờ các cán bộ chuyên gia kiểm tra độ pH. Như vậy, đảm bảo môi trường sống và chế độ dinh dưỡng cho cá phát triển tốt, hạn chế được rủi ro”.

chất thải, phân của cá được thu gom hàng ngày, ông Duân tận dụng ủ men vi sinh sau đó được làm phân bón cho cây trong vườn.

Chất thải, phân của cá được thu gom hàng ngày, ông Duân tận dụng ủ men vi sinh, làm phân bón cho cây trồng.

Diện tích bể tạo sông so với ao nuôi theo tỷ lệ 1/20, số lượng cá nuôi được thả tối đa với mật độ 7.000 con/bể/ha; phần ao còn lại sẽ được thả các loại cá có đặc tính ăn tạp để tận dụng các thức ăn dư thừa. Với mô hình công nghệ sông trong ao, nhiệt độ trong bể luôn được duy trì ổn định ở 28 - 30°C, độ pH trong nước thích hợp cho cá phát triển từ 5 - 6, hàm lượng oxy hòa tan 4mg/l. Nước thường xuyên được luân chuyển nên mát vào mùa hè và không bị lạnh vào mùa đông. Riêng lượng chất thải, phân của cá được thu gom hàng ngày, ông Duân tận dụng ủ men vi sinh sau đó đem làm phân bón cho cây trong vườn.

Tại trang trại nuôi cá của gia đình, ông Duân còn đăng ký áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, được ông áp dụng tuân thủ "4 định”: Vị trí ăn cố định, đúng định lượng thức ăn, giờ ăn cố định, chất lượng cám cố định (ổn định).

Để chủ động nguồn thức ăn cho cá, ông Duân trồng cỏ voi, cây chuối, sắn ở vườn bao quanh trang trại. Cỏ voi, lá chuối cho cá trắm, còn sắn và thân cây chuối đem băm thái nhỏ cho các loại cá khác như chép, rô phi đơn tính, mè, trôi. Ngoài ra, để nắm được quá trình phát triển của đàn cá, ông Duân thường xuyên dùng sổ ghi chép tỉ mỉ về liều lượng thức ăn, thời gian sinh trưởng, dịch bệnh thường gặp...

Hình ảnh 5

Môi trường ao nuôi luôn được vệ sinh rất sạch sẽ. 

Về chế độ cho ăn, một ngày cho cá ăn 3 bữa vào các khung giờ cố định: Buổi sáng 8 - 9 giờ; buổi trưa 12 - 13 giờ; buổi chiều 16 - 17 giờ. Tùy theo thời tiết và sức ăn của con cá, ông sẽ điều chỉnh chế độ ăn phù hợp. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào kích cỡ cá, giai đoạn sinh trưởng mà số lần, lượng thức ăn, bổ sung chất đạm, vitamin C, men tiêu hóa sao cho phù hợp nhằm tăng khả năng tiêu hóa, tăng sức đề kháng, chống chịu tốt với các điều kiện bất lợi của môi trường.

“Nuôi cá theo công nghệ sông trong ao có nhiều thuận lợi như điều chỉnh được điều kiện thời tiết, khí hậu, nhất là nguồn nước trong, sạch, hàm lượng oxy, PH trong nước đạt tiêu chuẩn. Nguồn nước không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài tác động nên cá sạch, thịt cá thơm ngon, đặc biệt là không bị tồn dư kim loại, hóa chất trong cá. Đây chính là điểm mấu chốt tạo nên thương hiệu nuôi cá sông trong ao”, ông Duân chia sẻ.

Mỗi năm nuôi 2 lứa trên diện tích 2ha, gia đình ông Duân cung cấp cho thị trường 60 tấn cá, bao gồm cá trắm cỡ 4 - 5kg/con được bán với giá 55.000đ/kg; cá chép, mè, trôi loại 3 - 4kg/con được bán với giá 44.000đ/kg. Sau khi trừ hết các chi phí, gia đình ông thu lãi khoảng 280 triệu đồng/năm.

Từ hiệu quả của mô hình nuôi cá theo công nghệ sông trong ao, ông Duân dự định sắp tới sẽ mở rộng quy mô diện tích nuôi và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những hộ gia đình trong vùng có nhu cầu nuôi cá theo phương pháp này.

Xem thêm
Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm