Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cây Cải trời: Loại dược liệu có nhiều tác dụng chữa bệnh

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cải trời hay còn gọi là Cải ma, Kim đầu tuyến, Cỏ hôi. Tên khoa học là Blumea lacera (Burm.f.) DC., thuộc họ Asteraceae (Cúc). Cải trời dùng để chữa mụn nhọt, hạ sốt, cầm máu vết thương, băng huyết (cả cây).

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng Việt:  Cải trời.

Tên khác:  Cải ma; Cỏ hôi; Hạ khô thảo nam và Kim đầu tuyến.

Tên khoa học: Blumea lacera (Burm.f.) DC. Họ: Asteraceae (Cúc).

Tên đồng nghĩa: B. subcapitata DC.; Conyza lacera Burm.f.

cây cải trời
Hình ảnh cây Cải trời

Đặc điểm tự nhiên

Cây thảo, cao 30 – 50 cm, phân cành nhiều hay ít. Thân có rãnh khía, có lông dày, màu lục hoặc tím đỏ. Lá mọc so le, hình trái xoan; lá phía gốc hình bầu dục, phiến men theo cuống, ở gốc chia thùy không đều, hơi có tai ở cuống, dài 9 cm, rộng 4 cm; lá ở giữa thân hình bầu dục, gốc thuôn, đầu tù, có răng không đều; lá phía trên tiêu giảm, dài khoảng 2 cm, không cuống; các lá đều có lông mềm màu trắng.

Cụm hoa tận cùng thành đầu màu trắng hay vàng, rộng 5mm; lá bắc xếp thành 3-4 hàng, có lông ở lưng; hoa phía ngoài là hoa cái, ở giữa là hoa lưỡng tính, tràng hoa cái mảnh, hình chỉ, có 3 răng nhỏ; tràng hoa lưỡng tính loe ra ở đầu, có 5 răng, nhị 5, bầu hình trụ, hơi có lông. Quả bế hình trụ, có 10 sống dọc, có lông thưa.

Mùa hoa quả: Tháng 3-6.

Loài Blumea subcapitata DC. cũng được gọi là cải trời và được dùng với công dụng tương tự.

Một số người dùng cải trời làm thuốc thay hạ khô thảo. Tránh nhầm lẫn.

Phân bố, thu hái, chế biến

Chi Blumea DC. có khoảng 80 loài, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á, châu Phi và châu Đại Dương. Nhiều loài được dùng làm thuốc hoặc lấy tinh dầu. Ở Ấn Độ có hơn 30 loài, Philippin: 19 loài (4 loài làm thuốc); Inđônêxia: 18 loài (2 loài làm thuốc), New Guinia: 13 loài (2 loài làm thuốc) và Việt Nam: 25 – 30 loài, trong đó có 7 – 8 loài dùng làm thuốc.

Cải trời là một loài cỏ dại có nguồn gốc ở vùng Ấn Độ – Malaysia, sau lan ra khắp các nước lân cận ở khu vực Nam Á, Đông Nam Á, Đông Dương, đến tận Trung Quốc và Autralia. Ở Việt Nam, cây phân bố khắp các tỉnh vùng núi thấp (dưới 1000m), trung du và đồng bằng. Ở Ấn Độ, cây có thể có ở độ cao 2500m và có chiều cao trên 2m.

Cải trời là cây ưa sáng mọc nhanh. Cây con mọc từ hạt thường thấy vào giữa mùa xuân; sinh trưởng mạnh trong mùa hè, ra hoa quả vào giữa mùa thu, sau đó tàn lụi. Cây có thể chịu được khô hạn vào thời kỳ có hoa quả. Hạt có túm lông, dễ dàng phát tán nhờ gió. Trước khi có hoa, nếu bị cắt, phần còn lại có khả năng tiếp tục tái sinh.

dược liệu cải trời
Cây Cải trời là cây ưa sáng mọc nhanh

Bộ phận sử dụng

Toàn cây cải trời thu hái vào mùa xuân, hè, chặt nhỏ phơi khô.

Thành phần hoá học

Theo Wehmer, toàn cây cải trời chứa 0,085% tinh dầu với thành phần chủ yếu là mai hoa băng phiến (The Wealth of India I, 1948).

Tinh dầu từ cải trời ở Nigeria chứa thymoquinol – dimethyl – ether (Prosea 12 (1), 1999).

Theo tài liệu khác, tinh dầu cải trời chứa 60% cineol, 10% fenchon, khoảng 6% citral.

Lá cải trời chứa flavonoid: 5 – hydroxy – 3, 6, 7, 3′, 4′ – pentamethoxyflavon, 5, 3′, 4′ – trihydroxy – 3, 6, 7 – trimethoxy fia von và một ít hợp chất flavon khác. Phần trên mặt đất còn có campestrol. Hai glycosid cũng có trong toàn cây: 19α – hydroxy – urs – 12 – en – 24, 28 – dioat – 3- 0- β- D- xylopyranosid và 2 – isopropyl – 5 – isoprenyl phenol – 4- 0- β- D- xylopyranosid (Prosea 12 (1), 1999).

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Cải trời có vị đắng, mùi thơm, tính bình, có tác dụng thanh can hoả, giải độc, tiêu viêm, tán uất, tiêu hòn cục, cầm máu, sát trùng.

Theo y học hiện đại

Thử trên catalase huyết thanh người: Nước sắc cải trời 0,1g/1ml ức chế 23,1%, còn flavonoid chiết từ cải trời nồng độ 1mg/1ml ức chế 9,5%.

Thử trên polyphenoloxydase: Flavonoid của cải trời, nồng độ 1mg/1ml không có tác dụng ức chế.

Thử dược lý lâm sàng bằng một bài thuốc trên 55 bệnh nhân lao hạch với hạch rắn, hạch bã đậu, hạch rò mủ, lao loét da rộng. Bài thuốc gồm cải trời và xạ can. Nếu có rò mủ thì đắp cao lá mỏ quạ tại chỗ, ngày thay một lần. Kết quả khỏi 30/55 đạt 54,5%. Thời gian điều trị từ 2 đến 17 tháng, hạch tiêu dần dần. Với lao hạch rò mủ và nhũn bã đậu khỏi 100%.

Riêng tinh dầu của cải trời không có tác dụng diệt côn trùng, nhưng lại có tác dụng hiệp đồng, làm tăng tác dụng diệt côn trùng của cúc trừ sâu.

Liều dùng & cách dùng

Toàn cây cải trời trị tràng nhạc, mụn nhọt, lở ngứa, vết thương, băng huyết, chảy máu cam, tức ngực, yếu phổi, sổ mũi xuất tiết, ho có đờm, viêm phế quản, táo bón, mất ngủ, đái vàng và sốt. Ngày 10 – 30g dưới dạng thuốc sắc hoặc nấu thành cao đặc sền sệt để uống dần. Có thể phối hợp với các vị thuốc khác. Ở Ấn Độ, người ta dùng lá cải trời trị đau bụng, toàn cây để tẩy giun.

Ở Malaysia, tinh dầu của cải trời được dùng để xua đuổi sâu bọ hoặc làm thuốc duốc cá.

Trong sinh hoạt, lá có mùi thơm, thường được thu hái làm rau luộc ăn hoặc nấu với tép, với cá. Ở Java, người ta cũng dùng chồi non nấu canh ăn.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa mụn nhọt, lở ngứa, vết thương chảy máu

Dùng cải trời thay hạ khô thảo, ngày 20 – 30g sắc uống và giã tươi đắp ngoài.

Chữa bạch đới, viêm âm đạo, thấp nhiệt, chân lở sưng đau

Cải trời 30g, dây kim ngân hoa, hy thiêm, mộc thông, huyết dụ, mỗi vị 15g sắc uống.

Chữa lao hạch, loại hạch rắn, hạch bã đậu, hạch rò mủ

Cải trời 20g, xạ can 10g sắc uống trong ngày uống liền nhiều tháng. Nếu có rò mủ đắp cao lá mỏ quạ tại chỗ,ngày một lần.

cay cai troi 8
Cây Cải trời chữa viêm âm đạo ở nữ giới

Lưu ý

Vài điều bạn cần chú ý khi sử dụng cải trời:

  • Một số người dùng cải trời làm thuốc thay hạ khô thảo. Tránh nhầm lẫn.
  • Cải trời là loài cây dược liệu đang phổ biến ở nhiều nơi. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng cải trời có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ.
  • Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.
Nguồn tham khảo

Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/cai-troi.html

Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (tập 1) (trang 305-306)