Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Điện tâm đồ là gì? Chỉ số điện tâm đồ bình thường

Ngày 27/09/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Điện tâm đồ là phương pháp thăm dò thường quy, dùng để đo dòng điện chạy trong quả tim theo đơn vị thời gian. Nhiều cơ sở y tế sử dụng điện tâm đồ để thăm khám, chẩn đoán bệnh, đặc biệt là bệnh lý về tim mạch và bệnh lý mạch vành. Vậy điện tâm đồ là gì? Chỉ số điện tâm đồ bình thường như thế nào? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về chủ đề này trong bài viết dưới đây nhé!

Điện tâm đồ là phương pháp phổ biến giúp theo dõi hoạt động xung điện của tim. Điện tâm đồ không chỉ hữu ích trong việc chẩn đoán bệnh hiện tại mà còn giúp người bác sĩ nằm bắt được tiền sử bệnh cũng như nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch của người bệnh nếu có. Vậy chỉ số điện tâm đồ bình thường là như thế nào?

Điện tâm đồ là gì?

Điện tâm đồ hay còn gọi là ECG (Electrocardiogram) là đồ thị dùng để đo lại dòng điện trong quả tim người theo đơn vị thời gian. Nhờ hệ thống dẫn truyền điện cực của cơ tim mà tim có thể co bóp nhịp nhàng không ngừng nghỉ. Đầu tiên, nút xoang tại thành tâm nhĩ phải phát xung điện, truyền qua nút nhĩ thất, tới bó His chạy trong vách liên thất và cuối cùng là mạng Purkinje truyền đi khắp cơ tim. 

Điện tâm đồ là gì? Chỉ số điện tâm đồ bình thường 1 Điện tâm đồ ghi lại sự dẫn truyền cơ tim

Nhờ các điện cực được gắn trên 4 chi và 6 điện cực gắn ở ngực, điện tâm đồ sẽ ghi được sự dẫn truyền của dòng điện trong tim. Sau đó, dòng điện sẽ được khuếch đại, tính toán và ghi ra kết quả trên giấy đồ thị.

Khi nào cần làm điện tâm đồ?

Điện tâm đồ được coi là một trong những xét nghiệm thường quy khi thực hiện khám và điều trị bệnh. Đối tượng cần chỉ định đo điện tâm đồ bao gồm:

  • Người mới nhập viện hoặc đã có tiền sử nhập viện.
  • Người trên 40 tuổi.
  • Người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao, đặc biệt là bệnh lý mạch vành.
  • Người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.
  • Người có triệu chứng loạn nhịp tim, trống ngực, đau thắt ngực.
  • Bệnh nhân chuẩn bị trước phẫu thuật.
  • Bệnh nhân trong quá trình theo dõi điều trị.
Điện tâm đồ là gì? Chỉ số điện tâm đồ bình thường 2 Người lớn tuổi cần được theo dõi điện tâm đồ

Chuẩn bị trước khi đo điện tâm đồ

Bạn không cần chuẩn bị gì khi đo điện tâm đồ. Lưu ý trước khi đo điện tâm đồ, để đảm bảo kết quả ghi ra chính xác, bạn cần bỏ hết đồ kim loại, vật dụng phát sóng như điện thoại di động ra khỏi vùng thực hiện. Nếu bạn có vật dụng tại vị trí gắn điện cực như 6 điểm trước ngực tại xương sườn 3, 4, 5, 6 và hai cổ tay, hai cổ chân thì cần tháo ra trước khi đo nếu có thể.

Khi nhân viên y tế tiến hành đo điện tâm đồ, bạn chỉ cần phối hợp và nằm thư giãn yên lặng trên giường. Tránh để tay hoặc chân chạm vào thành inox của giường bệnh sẽ gây sai sót trong quá trình ghi kết quả điện tâm đồ. Bạn có thể quay lại hoạt động bình thường sau khi nhân viên y tế đo xong và tháo điện cực khỏi người bạn.

Điện tâm đồ là gì? Chỉ số điện tâm đồ bình thường 3 Cố gắng thư giãn trong quá trình ghi điện tâm đồ

Chỉ số trong điện tâm đồ bình thường

Điện tâm đồ thường quy sẽ hiện 12 góc nhìn khác nhau quanh quả tim, thu qua các điện cực gắn trên người bệnh nhân. 12 điện cực tạo ra 12 vector khác nhau. Các vector phản ánh sự chênh lệch về điện thế giữa điện cực âm và điện cực dương gắn tại bốn chi và 6 điểm trên ngực. 6 chuyển đạo được thu theo mặt phẳng cắt dọc là aVR, aVL, aVF, DI, DII, DIII. 6 chuyển đạo được nhìn theo mặt phẳng cắt ngang cũng chính là các chuyển đạo trước tim, bao gồm V1 đến V6.

Điện tâm đồ là gì? Chỉ số điện tâm đồ bình thường 4 Cấu trúc điện tâm đồ bình thường

Sóng P

Sóng P thể hiện quá trình khử cực ở tâm nhĩ. Sóng P có giá trị dương ở hầu hết các chuyển đạo, trừ chuyển đạo aVR. Sóng P có thể xuất hiện hai pha ở chuyển đạo DII và V1. Với pha đầu tiên biểu thị khử cực nhĩ phải, pha thứ 2 biểu thị khử cực của nhĩ trái. Thông số sóng P:

  • Rộng < 3 ô nhỏ (tức là < 12 ms).
  • Cao < 2,5 ô nhỏ (tức là < 2,5 mV).
  • Dương ở D1, D2, V3, V4, V5, V6, aVL, aVF.
  • Âm ở aVR.
  • Thay đổi ở V1, V2, D3, aVL.

Khoảng PR

PR là khoảng thời gian từ khi bắt đầu khử cực nhĩ tới khi bắt đầu khử cực tâm thất. Thông thường, thời gian này kéo dài 0,10 đến 0,20 giây. Đoạn PR (hoặc PQ) được đo bắt đầu chân sóng P cho đến bắt đầu chân trước sóng Q (hoặc chân lên sóng R ở chuyển đạo không có sóng Q).

Phức bộ QRS

Phức bộ QRS biểu thị sự khử cực tâm thất. Sóng Q bình thường kéo dài dưới 0,05 giây ở tất cả chuyển đạo, trừ V1 – V3. Nếu sóng Q xuất hiện ở chuyển đạo V1, V2, V3 là bất thường, cho thấy người bệnh từng có tiền sử hoặc đang diễn biến nhồi máu cơ tim.

Không có tiêu chuẩn chính xác về độ cao và độ rộng cho sóng R nhưng khi gặp sóng R cao, có thể là biểu hiện của phì đại thất trái. 

Sóng S là sóng mang giá trị âm thứ 2 của phức bộ QRS nếu trước đó có sóng Q hoặc là sóng âm thứ 1 nếu trước đó không có sóng Q nào. Ngoài ra, R/S <1 ở chuyển đạo V1, V2 và R/s < 1 ở chuyển đạo V5, V6.

Bình thường, thời gian QRS kéo dài từ 0,07 đến 0,10 giây và trục QRS trong khoảng 90° đến -30°. Trục QRS từ -30° đến -90°. Các hình dạng khác của phức bộ QRS: 

  • Sóng R đơn dạng. 
  • Sóng dạng QS: Nếu không có sóng R.
  • Dạng QR: Nếu không có sóng S.
  • Dạng RS (nếu không có Q), hoặc dạng RSR′. 

Các dạng sóng này thay đổi tùy thuộc vào bệnh lý rối loạn nhịp tim và chuyển đạo điện tim.

Khoảng QT

Khoảng QT là thời gian từ khi bắt đầu khử cực thất cho đến khi kết thúc tái cực thất. Khoảng QT được tính từ bắt đầu sóng Q cho hết sóng T. Đoạn QT phải được hiệu chỉnh theo tần số tim, giới hạn bình thường là 0,35 tới 0,45 ms.

Đoạn ST

Đoạn ST thể hiện quá trình khử cực cơ tim ở tâm thất đã hoàn thành. Đoạn ST thường nằm ngang đồng mức với đường đẳng điện như khoảng TP (hoặc PR). Đôi khi nó hơi cao hơn đường đẳng điện một chút, không đáng kể.

Sóng T

Sóng T biểu hiện sự tái cực thất. Sóng T thường mang giá trị âm hoặc dương cùng chiều với QRS trong cùng một chuyển đạo. Nếu sóng T đảo chiều so với QRS, nó có thể gợi ý thiếu máu cơ tim cũ hoặc ngay hiện tại. Thông số sóng T:

  • Dương ở D1, D2, V2, V3, V4, V5, V6, aVL.
  • Âm ở aVR.
  • Thay đổi ở D3, V1, aVF.
  • Thường cùng chiều với phức bộ QRS.
  • Cao nhất ở chuyển đạo V3 - V4.

Tổng hợp, các giá trị quan trọng giúp phân tích kết quả điện tâm đồ bình thường bao gồm: Nhịp tim và tần số, đoạn PR (Q), phức bộ QRS, sóng P, đoạn ST và sóng T. Từ đó, bác sĩ có thể nắm được và mô tả bất thường rối loạn nhịp tim nếu có.

Trên đây là bài viết của nhà thuốc Long Châu về kết quả điện tâm đồ bình thường cũng như cách phân tích điện tâm đồ cơ bản. Hy vọng với bài viết, bạn có thể biết được những thông tin cơ bản về chủ đề này. Điện tâm đồ là phương pháp thăm dò thường quy, được sử dụng phổ biến từ những bệnh viện lớn cho tới cơ sở y tế. Kết quả điện tâm đồ không chỉ giúp bác sĩ đánh giá và chẩn đoán bệnh mà còn giúp họ nắm bắt được tiền sử bệnh tim mạch cũ của người bệnh, cũng như nguy cơ người bệnh có thể gặp phải.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm