Người trẻ tìm về với nghề nông

Trong bức tranh chung sản xuất nông nghiệp hiện nay, điều đáng mừng là ngày càng có nhiều bạn trẻ có trình độ chọn lựa quay về với nghề nông. Quyết tâm tự học để trở thành “nông dân”, họ đã góp sức mình cho phát triển nông nghiệp, nhất là việc ứng dụng nông nghiệp kỹ thuật cao trong thời hội nhập.

Tổng Giám đốc Unifarm Phạm Quốc Liêm (bên phải) trao đổi kinh nghiệm làm nông nghiệp kỹ thuật cao với chuyên gia nông nghiệp I-xra-en.
Tổng Giám đốc Unifarm Phạm Quốc Liêm (bên phải) trao đổi kinh nghiệm làm nông nghiệp kỹ thuật cao với chuyên gia nông nghiệp I-xra-en.

Những nông dân trẻ

Tham quan nhiều mô hình nông nghiệp kỹ thuật cao tại Bình Dương vào dịp cuối năm, chúng tôi rất ấn tượng khi phát hiện điểm giống nhau tại những nơi đây là phần lớn đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành rất trẻ tuổi, có năng lực và tâm huyết với nghề nông. Tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái do Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) làm chủ đầu tư ở huyện Phú Giáo, Tổng Giám đốc Phạm Quốc Liêm, sinh năm 1980, nhưng đã có thời gian làm nông nghiệp kỹ thuật cao hơn tám năm. Tốt nghiệp cử nhân hải quan, Anh ngữ và Quản trị kinh doanh, nhưng để làm nông nghiệp thời hội nhập, Liêm lại theo học về quản trị trang trại tại I-xra-en, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái-lan…, rồi trở thành một trong hai người Việt Nam đầu tiên được chính phủ Niu Di-lân trao học bổng đào tạo về quản trị kinh doanh theo chương trình “Sự khởi đầu của những nhà lãnh đạo trẻ ASEAN”. Liêm là một trong những người Bình Dương đầu tiên gây dựng và phát triển nền nông nghiệp kỹ thuật cao ngay trong những ngày đầu khi khái niệm “nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao” còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Với sự góp sức của Liêm, đến nay Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái rộng 412 ha đã xuất khẩu sản phẩm dưa, chuối sang Nhật Bản, Hàn Quốc… và chuyển giao công nghệ, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Tại huyện Bắc Tân Uyên, Trần Hữu Nhân (sinh năm 1983) và Trần Hữu Đức (sinh năm 1988) là hai anh em, đều tốt nghiệp Trường đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh. Sau thời gian làm việc bên ngoài, Nhân và Đức quyết định về phụ giúp gia đình phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao. Bằng kiến thức đã học, vốn ngoại ngữ tốt, Nhân và Đức đã ứng dụng công nghệ mới triệt để vào sản xuất, đưa năng suất vườn cam của gia đình tăng từ 50 tấn/ha lên 70 đến 80 tấn/ha, giúp vườn cam 15 ha của gia đình thu nhập hơn 10 tỷ đồng/năm. Với kỹ thuật của Nhân và Đức, bà con nông dân ở khu vực và người thân đã tin tưởng góp vốn, góp đất thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Nhân Đức, hiện hợp tác xã có 15 ha cam đang cho thu hoạch cùng 50 ha cam được trồng theo hướng cơ giới hóa và tự động tưới, tiêu sắp cho thu hoạch với mục tiêu cho thu nhập 1 tỷ đồng/ha.

Ngay trung tâm thành phố Thủ Dầu Một, Giang Mạnh Tuấn (sinh năm 1982) tốt nghiệp Trường đại học công nghệ Sài Gòn và làm việc cho một doanh nghiệp Nhật Bản với thu nhập khá cao. Thế nhưng, Tuấn nghỉ việc để trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh do mình nghiên cứu. Bằng cách trồng rau vào các trụ đứng thông qua bỏ hạt nhiều tầng vào quanh ống nhựa cao 2,5 m, Tuấn thành công với phương pháp sáng tạo mới với năng suất gấp bảy lần so với mô hình cũ cùng diện tích. Nhờ đó, hiện nay, Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao do Tuấn làm giám đốc, ngoài việc chuyển giao công nghệ cho nhiều hộ dân trong và ngoài tỉnh, mỗi ngày còn cung cấp ra thị trường hơn một tấn rau sạch...

Để người trẻ mạnh dạn tìm về với nông nghiệp công nghệ cao nhiều hơn

Những bạn trẻ mà chúng tôi đã gặp, tuy xuất thân khác nhau nhưng có cùng một điểm chung, đó là sự say mê và một thái độ tôn trọng đối với ngành nông nghiệp; họ đến với nghề nông bằng những kỹ năng rất tốt về ngoại ngữ, khả năng giao tiếp quốc tế, kiến thức về ma-két-ting, kiến thức về quản lý trang trại; họ chấp nhận học hỏi, vượt khó, chấp nhận thất bại để từng bước vươn lên… Đây là dấu hiệu đáng mừng cho ngành nông nghiệp trong thời hội nhập hiện nay.

Tiến sĩ Mai Hữu Tín, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương cho rằng, không phải chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước phát triển khác, cụ thể là Nhật Bản, khuynh hướng các bạn trẻ có tri thức quay về làm nông nghiệp đang khá phổ biến. Các công nghệ mới có thể áp dụng vào nông nghiệp như cơ khí chính xác, xử lý dữ liệu, điều khiển tự động, phân tích đất, dự đoán thời tiết, giống mới... đang làm giảm đi ngày càng nhiều tính may rủi trong nông nghiệp. Mặt khác, phong trào thực phẩm xanh, sạch mà cả thế giới đang theo đuổi khiến ngành này càng hấp dẫn hơn. Do vậy, việc các bạn trẻ Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến nông nghiệp cũng là điều dễ hiểu.

Nói về xu hướng các bạn trẻ quay về với nghề nông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương Nguyễn Tấn Bình cho biết: Bình Dương đang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng kỹ thuật cao nhằm gia tăng giá trị sản xuất. Sự tham gia của các bạn trẻ gần đây đã góp phần quan trọng thúc đẩy nhanh nông nghiệp kỹ thuật cao phát triển, nhất là phương pháp kỹ thuật mới được áp dụng nhiều vào thực tế như sản xuất rau trong nhà lưới, sử dụng hệ thống tưới tự động theo công nghệ tự động hóa được chuyển giao từ I-xra-en, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý trang trại… Tại Bình Dương đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập cao từ 500 đến 600 triệu đồng/ha/vụ, có mô hình cho lợi nhuận hơn một tỷ đồng/ha…

Là người trong cuộc, Tổng Giám đốc Unifarm Phạm Quốc Liêm cho rằng, những năm gần đây ở nước ta, Đảng và Nhà nước luôn đề cao vai trò của nông nghiệp, từng bước đề ra nhiều chủ trương, chính sách để phát triển nông nghiệp nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng. Nhìn rộng ra trên thế giới, trở về với nông nghiệp đang là một xu thế “thời thượng” mà rất nhiều trí thức trẻ đã và đang tham gia. Trước xu thế này, sẽ ngày càng có nhiều bạn trẻ Việt Nam tìm đến với nông nghiệp như một việc làm đầy thử thách nhưng hấp dẫn và đáng tự hào. Một khi có nhiều người trẻ có năng lực tham gia vào nông nghiệp, bằng kinh nghiệm của một quốc gia nông nghiệp lâu đời, việc xây dựng thành công nền nông nghiệp công nghệ cao có lẽ không xa.

Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam quan tâm đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, để thu hút các tài năng trẻ vào nông nghiệp các doanh nghiệp đã đưa ra chế độ đãi ngộ thỏa đáng và đó là điều đáng mừng. Việt Nam muốn nền nông nghiệp phát triển mạnh, cạnh tranh được với thế giới thì các chính sách về đất đai, về tín dụng và thuế phải tương ứng với các nước có nền nông nghiệp hiện đại đã đi trước chúng ta.