Không chủ quan, lơ là với dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Thời gian qua, dịch bệnh động vật cơ bản được kiểm soát, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển. Tuy nhiên, gần đây bệnh dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xuất hiện trở lại ở một số địa phương, nguy cơ dịch lây lan trong các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 là rất cao.
0:00 / 0:00
0:00
Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc tại hộ chăn nuôi ở xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. (Ảnh HỒNG DUYÊN)
Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc tại hộ chăn nuôi ở xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. (Ảnh HỒNG DUYÊN)

Theo Phó Cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh, tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2023, cả nước xuất hiện 481 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 42 tỉnh, thành phố (Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Đắk Lắk, Vĩnh Long...), buộc phải tiêu hủy hơn 18 nghìn con lợn. Dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò xuất hiện 100 ổ dịch ở 15 địa phương...

Nguyên nhân là do: Tổng đàn vật nuôi lớn, nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ khá cao, nhận thức của nông hộ về chủ động phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm còn hạn chế. Một số địa phương, người chăn nuôi còn chủ quan lơ là trong tiêm phòng vắc-xin tập trung.

Đáng chú ý, ở những tỉnh miền núi, điều kiện chăn nuôi của các nông hộ còn gặp nhiều khó khăn, trong khi giá trị kinh tế của con trâu, bò là khá cao, do vậy đã có tình trạng người chăn nuôi bán chạy, giết mổ gia súc bệnh. Thời tiết diễn biến bất thường cũng là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát sinh. Tình trạng buôn bán, vận chuyển, nhập lậu gia súc, gia cầm vẫn còn phức tạp, khó kiểm soát, giết mổ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Cao Bằng Nguyễn Ngọc Truân thừa nhận, một số nơi còn phó mặc cho lực lượng thú y cơ sở tự triển khai thực hiện; thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh. Hoạt động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm còn hạn chế, số mẫu thực hiện còn ít, ảnh hưởng đến khả năng và thời gian phát hiện bệnh.

Thông tin thêm về vấn đề này, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, hiện nay các loại vắc-xin được phép lưu hành tại Việt Nam đều đủ số lượng, bảo đảm chất lượng và được giám sát chặt chẽ. Riêng về vắc-xin phòng dịch tả lợn châu Phi, vừa qua Bộ NN và PTNT đã cho phép tiêm trên diện rộng, nhưng triển khai chưa được như mong muốn. Lý giải về việc này, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco) Trần Xuân Hạnh cho biết, việc tiêm vắc-xin dịch tả lợn châu Phi trong thời gian qua cũng như hiện tại đang khó khăn vì đây là vắc-xin mới, người chăn nuôi còn e dè và thường có tâm lý khi có dịch bệnh mới tiêm phòng, chứ không tiêm phòng chủ động.

Các chuyên gia cho rằng: Để phòng chống hiệu quả các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, giảm thiệt hại về kinh tế, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, các địa phương cần chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định. Bố trí nguồn lực thực hiện ngay việc rà soát, tổ chức tiêm vắc-xinphòng các bệnh cho vật nuôi ở những địa phương đã, đang có dịch, có nguy cơ cao, bảo đảm tỷ lệ đạt hơn 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm.

Chấn chỉnh công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã; đặc biệt chú trọng khắc phục những bất cập trong công tác phòng chống dịch bệnh, báo cáo số liệu dịch bệnh theo đúng quy định; tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cung ứng, buôn bán các loại vắc-xin không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật hiện hành. Hướng dẫn chủ vật nuôi áp dụng nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, có cách thức ngăn chặn các loài véc-tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc-tơ truyền bệnh.

Chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh động vật nguy hiểm để kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm ổ dịch mới phát sinh. Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới. Chủ động phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh để phục vụ xuất khẩu. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp từng đối tượng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.

Để ngành chăn nuôi phát triển, bảo đảm nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, nhất là nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Thứ trưởng NN và PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, các địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, phải chủ động ngăn chặn từ sớm, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển.