CỨ MỖI ĐỘ HÈ VỀ

1Cứ độ hè về, nghe tiếng ve “quạnh quạnh quạnh… re re re…” trên cây là lòng tôi bắt đầu nghe man mác… Bà ngoại tôi thường kể chuyện cổ tích cho lũ tôi nghe trong đó có truyện lý giải “vì sao con ve bụng rỗng?”…Tôi mê truyện ngụ ngôn của nhà văn nổi tiếng của Pháp La Fontaine hơn. Tôi đọc ngấu nghiến chúng bằng tất cả sự thích thú, đam mê và tò mò của tuổi mười mấy. Những con cáo, chùm nho, gà kiến, voi, thỏ, rùa… với những đặc điểm riêng của từng con vật sao mà giống hệt con người: Cũng tham sống, sợ chết; cũng thích ăn, biếng làm; cũng vô ơn, bạc nghĩa; cũng độc ác và tinh ranh…

Riêng loài ve mặc dù cho ai chê trách chúng lười biếng “vác miệng đi xin ăn, sang chị kiến hàng xóm” nhưng tôi đâm ra thương cái giống “nhỏ người bự họng” này. Càng thương hơn khi tiếng kêu của chúng khuấy động trong mỗi con người ai chẳng có một thời ê a đến trường, một thời được tha hồ hái bông dại, bắt bướm vườn, câu cá sông, chơi bong bóng, ngóng diều bay giữa “ba tháng hè trôi qua nhanh như mng mơ! Mây lưt đng quê đưa em vào vưn thơ…”:

Ve sầu kêu ve ve,
Suốt mùa hè
Đến kỳ gió bấc thổi,
Nguồ
n cơn thật bối rối
Một miếng cũng chẳng còn,
Ruồi bọ không một con
Vác miệng sang hàng xóm…

Đó là bài học thuộc lòng thời tôi còn học tiểu học Phước Thạnh. Tôi to họng đọc ra rả như cuốc kêu giữa đêm hè. Mấy chị em tôi cũng kiếm mỗi người mỗi chỗ mà tụng bài như tụng kinh. Điếc đầu chịu hết xiết. Đang khi học bài, bỗng “re re… xẹt… bộp!” trước mặt. Đó là một chú ve lầm đường lạc lối, bay hối hả vào tay. Nó cũng muốn học bài? Tôi ngắm nó trên hai ngón tay. Nó nằm yên, thỉnh thoảng rè rè trong đôi cánh. Hai mắt nó bự, con ngươi thẳng đứng. Cái bụng õng nước. Loài ve sạch nhất vì nó ăn toàn sương. Ban đêm, ai bước ra khỏi nhà, đi dưới vòm cây là thế nào cũng bị những tia nước hoa sen bé xíu tưới lên đầu. Khi nghe tôi kể như vậy. Chị tôi nghiêm mặt, trịnh trọng nói:

– Đó là Phật bà Quan Âm lấy nhành dương liễu tưới nước cam lồ cho mày đó! Hên lắm. Vậy là mày thuộc bài nhanh cho coi. Học thử đi! Tao không nói xạo đâu.

– Thiệt hả?

Thế là tôi lại lật sách, gào lên. Tôi quăng hết mấy chiếc lá thuộc bài đang ép trong sách để coi lời chị tôi nói có đúng không. Quả thiệt linh! Tôi học

thuộc hết mấy bài một lúc. Từ đó, ăn quen, đêm nào tôi cũng ra vườn cây chờ Phật bà cho nước phép và nghe ve quạnh… quạnh… re… trong vườn. Một hôm, Má tôi bắt gặp tôi đang đứng ngoài hiên, má quát:

– Tối rồi! Đi ngủ đi con, làm cái giống gì ngoài vườn cây, hả?

– Con chờ Phật tưới nước phép! Nhưng bữa nay sao lâu quá!

– !!?

– Ha… ha… ha… hắc… hắc… ặc…

Các chị tôi cười phá lên, sặc sụa. Khi hiểu chuyện, má quay lại “quạt” mấy bả:

– Lũ mày gạt em nó. Cho nó đứng ngoài sương nhiễm bịnh?

Quay sang tôi, má bật cười: “Không phải đâu con! Ve… đái đó. Hết hè rồi, ve cũng chết hết, làm gì còn…”. Nghe chữ… “đái” chưa dứt, tôi hoảng kinh, sờ đầu. Giống nào đái không khai. Trời ơi! Nhưng, tôi đâu có nghe mùi amôniắc nào đâu, thấy mát lạnh nữa là đằng khác. Dù sao tôi cũng bị gạt một cách dễ thương bởi mấy bà chị qủy quái.

*

Năm nay cũng đến mùa của lũ ve họp chợ trên cây. Các chị tôi mỗi người một nơi, không còn gào kiểu cuốc kêu như ngày xưa. Tôi không còn nghe những bài thơ mà chị tôi đã đọc đi, đọc lại khiến tôi cũng thuộc lòng và rồi cũng quên dần đi khi trường học của chế độ mới không dạy. Bài “Ve và kiến” mà tôi thích lẫn “Con cáo và chùm nho”, “Gà đẻ trứng vàng…” của La Fontaine trong sách cũ cũng không còn được học nữa. Tôi tiếc ngẩn, tiếc ngơ! Những bài học thiệt hay về những buổi tựu trường mà ai cũng thuộc một vài câu của Thanh Tịnh:“Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc. Lòng tôi lại man mác nhớ những kỷ niệm hôm nao của buổi tựu trường…” . Tất cả đã thành thời quá khứ và tôi cũng cất hết những bài học hay của thời học sinh dưới thời cờ ba sắc làm kỷ niệm để khi buồn buồn nhớ lại đọc lên cho ấm lòng. Tiếng ve mùa hè năm nào, thời nào có khác gì nhau! Chỉ có khác chăng là do mỗi lứa tuổi nghĩ về chúng khác nhau. Người lớn cho là chúng quá ồn ào, điếc tai, điếc óc. Người trẻ hơn thì nói cũng vui vui. Người có tâm sự thì nghĩ là buồn buồn. Còn lũ trẻ con thì cứ rình chụp bắt cho chim ăn mặc cho ai nghĩ vui hay buồn! Thằng em tôi cũng vậy. Nó đi lùng bắt dế về đá nhau cho sứt hết que hết càng rồi quăng cho gà ăn. Nó làm bẫy bắt chim về nhốt chật lồng nếu không muốn bán bớt. Nếu có con nào chết là nó làm “đám ma” cho. Nó nắn đất trộ nước nhão nhão thành cái gọi là “hòm”, bỏ xác con gì đó vào rồi bỏ “hòm” trên hai cái que khiêng đi trên bàn tay miệng “bùm…bùm… bùm…, beng… beng… beng…”… chôn! Mỗi lần như vậy là tôi điên tiết lên. Vừa tiếc con vật, vừa sợ nó trù ẻo xui xẻo. Mùa hè lắm chuyện để nói mà.

Tôi còn nhớ tám năm về trước khi con chim heo cứ đậu trước cây dâu cùng con cú mèo kêu “heo… heo… heo… cú… cú…cú… u…” đuổi mãi, chọi đất muốn rụng hết lá dâu mà nó có đi đâu! Cuối cùng, bà ngoại tôi chết. Những điềm xui cứ ứng theo con người như vậy ai mà không sợ. Cho nên, một mặt tôi tin, một mặt chống. Có sợ ma thiệt nhưng tôi cứ thích đi đêm một mình. Sợ chim cú, chim heo nhưng cũng thích nghe nó kêu trên cây. Không tin trời đất nhưng mỗi kỳ thi, tôi đều “vái ông Địa”. Một điều tôi chắc mẩm có là “sự may mắn” và “sự xui xẻo”. Tôi học từ lớp vỡ lòng lên lớp năm, năm nào cũng ôm phần thưởng về nhà, cũng được thi học sinh giỏi đàng hoàng vậy mà đến ngày thi kiểm tra lại ở lớp 6. Hồi cách mạng mới về, không có thi chuyển cấp (thi lên trung học lớp 6). Chúng tôi lên hết lớp 6. Sau đó vài ngày, trường nổi chứng gì bắt chúng tôi thi lại. Tôi rớt như ôm cột mỡ! Chị tôi lại phải đi xin. Mấy ông thầy lại lật ra học bạ cũ. Thế là tôi được vào học lại với danh nghĩa “đậu vớt!”. Thi cử lận đận làm tôi càng thương Nguyễn Công Trứ, Tú Xương… lắm lắm! “Xẹt… bộp… re…”Một con ve ốm nhom lại không mời mà đến. “Chắc mày không mang xui xẻo cho tao phải không?”

Năm nay, là năm cuối cùng của tôi ở cấp ba. Không biết kỳ thi tốt nghiệp sắp đến số tôi có phải lận đận, “học tài thi phận” không nữa! Mùa hè này, tụi bạn rủ nhau đi học “cua” ở thấu Nha Trang. Còn tôi vẫn chưa có được chiếc xe đạp thì tiền đâu mà cua với tôm! Có ba tháng hè ở nhà làm cỏ ruộng thí bà nội, cuốc đất phồng tay còn hơi đâu mà đi với đứng! Vả lại, cả năm trời, học cũng hết chín tháng tròn phải để cho cái đầu nó thở, nó giải lao đã chứ! Sự an ủi, tự vỗ về chớ thiệt ra bụng tôi cũng ưng được đi học thêm lắm lắm. Chúng tôi thường ngâm nhi”Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn… Màu hoa phượng thắm như máu con tim. Mỗi lần hè sang kỷ niệm. Ngưi xưa biết đâu mà tìm…!”. Bài hát ai viết hình như là của Thanh Sơn hay đến não ruột. Tôi cho rằng đó là bài hát về mùa hè hay nhất trong những bài mà tôi biết. Tại sao, bây giờ người ta cấm hát nó? Tại sao, người ta không có quyền nói lên những tình cảm của mình qua những bài thơ, bài văn, lời nhạc? Tại sao cứ phải ép mình nói láo. Cứ phải là “vui mãi không biết buồn!”. “Em còn bé quá”. Nhưng tôi cũng đang ở vào tuổi mười bảy, lớn tồng ngồng so với tuổi mười lăm cách hai năm về trước.

“Quạnh… quạnh… quạnh… quẽ… quẽ… quẽ…”. Tiếng ve thê thiết hơn bao giờ hết! Tôi thả chú ve ốm nhách ra. Trước khi vụt lên cây, nó đảo như bị chóng mặt mấy vòng tà tà dưới đất rồi mới bay thẳng.

*

Nồi bắp chín, tôi vớt ra để dành cho má đang đi dạo xóm dưới cho đỡ buồn mấy trái ngon nhứt. Tôi cũng để cho mấy em tôi đang kéo nhau thả diều dưới bãi cát vài trái loại nhì. Sau đó, tôi chắt nước bắp để dành uống cho mát và nhấm nháp một mình mớ bắp còn lại toàn răng cưa, răng bừa. Ngọt đáo để. Tôi nhai luôn cả cùi sau khi “cạp” muốn tơi tớt chúng. Bắp vườn có khác, không đổ nhớt, không bị lạt vì qua sông (ông bà nói vậy). Kịp khi nhỏ Phượng đến, chưa chi nó mở hai mắt bự, la bai bải:

– Trúng mánh, trúng mánh!

Thế thì lũ em tôi chỉ còn mỗi đứa một trái. Phượng mang cho tôi một mớ rau nhớt. Vậy là chiều nay, tôi có một nồi canh bắp rau ngon lành. Từ lúc chị tôi bên kia có quà mỗi năm cho gia đình, nhà tôi trở nên khá hơn trước. Cơm ít trộn hơn, còn tôi thì không phải may đồ. Nhưng anh em thì thiệt đông, cháu chít góp phần làm thùng quà chia mười mấy, xẻ hai mươi hết ráo như muối bỏ biển! Có còn hơn không! Tôi viết vào đời tôi hai chữ “may mắn” đi sau hai từ “xui xẻo”. “Quạnh… quạnh… quạnh… quẽ… quẽ… quẽ…” Lũ ve lại hòa âm sau bản nhạc độc tấu của một con ve nào đó mở đầu.

– Nhà mày ve nhiều dữ vậy. Chỗ tao ít lắm. Chu cha, điếc tai quá!

– Nhà mày có mấy cây le que mà biểu cho nhiều ve. Ạ! Chê điếc! Nó mà hết kêu là mắc công làm bài, học bài đó em!

Quạnh quạnh quạnh… quẽ quẽ quẽ…!” Mỗi con kêu mỗi tiếng khác nhau nhưng chung quy chúng mang đến cho tôi một nỗi buồn man mác – “Nỗi buồn hoa phượng”./.

Hè 1981
Ngọc Thiên Hoa
(“Mùa phượng cuối cùng”, Nxb Hội nhà văn – 2007)

Quảng cáo/Rao vặt