Hai trường mới thành lập của Đại học Bách khoa Hà Nội là gì?

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại học Bách khoa Hà Nội thành lập thêm hai trường mới là Trường Hoá và Khoa học sự sống, Trường Vật liệu.

Quyết định thành lập hai trường mới (Trường Hoá và Khoa học sự sống, Trường Vật liệu) được Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội thông qua cuối tháng 3/2023.

Đại học Bách khoa Hà Nội mới thành lập thêm 2 trường (Ảnh: HUST)
Đại học Bách khoa Hà Nội mới thành lập thêm 2 trường (Ảnh: HUST)

Cụ thể, Trường Hoá và Khoa học sự sống được thành lập trên cơ sở Viện Kỹ thuật Hóa học, Viện Khoa học & Công nghệ Môi trường, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm cùng một trung tâm nghiên cứu về hợp chất thiên nhiên. Hiệu trưởng của nhà trường là PGS.TS Chu Kỳ Sơn.

Trường Vật liệu gồm Viện Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Viện Dệt may, Da giầy và Thời trang, Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS) và Trung tâm nghiên cứu vật liệu polyme. Hiệu trưởng nhà trường là PGS.TS Huỳnh Trung Hải.

Với việc thành lập hai trường trực thuộc mới, ĐH Bách khoa Hà Nội có 5 trường trực thuộc gồm: Trường Cơ khí, Trường Điện– Điện tử và Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Hoá và Khoa học sự sống, Trường Vật liệu.

Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá đây là 5 lĩnh vực mũi nhọn, góp phần tăng năng lực nghiên cứu, giảng dạy, học tập của giảng viên và sinh viên.

Tháng 12/2022, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trở thành ĐH Bách khoa Hà Nội theo quyết định của Chính phủ. Với quyết định này, Việt Nam có 6 đại học, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tại buổi công bố quyết định chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội và trao các quyết định công nhận Hội đồng đại học, Chủ tịch hội đồng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Sự chuyển đổi mô hình từ trường đại học thành đại học không phải và tránh là một xu hướng mà phải xem đây là công cụ để giải phóng cho sức sáng tạo từ bên trong, giải pháp cho các năng lực sáng tạo bằng một cơ chế mới.

Đại học Bách khoa cần phải đi đầu trong việc thực hiện tự chủ. Đại học tự chủ đầy đủ, tự chủ có chiều sâu, tự chủ trong một giai đoạn mới, vừa theo thông lệ của thế giới, vừa phù hợp với đặc điểm chính trị, xã hội, kinh tế, con người, văn hóa của Việt Nam.