"Hoàng" của Hoàng Thùy Linh: dân gian đương đại không giáo điều, không dễ dãi!

Minh Khôi, Theo Helino 13:59 21/10/2019

Với "Hoàng", Hoàng Thùy Linh đã mang đến cho khán giả một trong những album ấn tượng nhất Vpop trong vài năm đổ lại đây, và không còn nghi ngờ gì nữa, album nhạc Việt đáng nghe nhất 2019.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Hoàng Thùy Linh đã vừa cho ra mắt album Vpop đáng nghe nhất năm 2019, và cũng là một trong những album nhạc Việt đáng nghe nhất trong vài năm đổ lại đây. Có lẽ, trong thời điểm đại đa số các nghệ sĩ Vpop tập trung phát hành từng single dưới dạng các MV, "đánh nhanh, thắng nhanh" và rồi tiếp tục lao vào dự án mới, ít mặn mà với việc phát hành album vật lý do thị trường vẫn chưa sẵn sàng với việc chi tiền, thì việc làm của Hoàng Thùy Linh như cá lội ngược dòng. 

Cô đã mạnh dạn phát hành đĩa vật lý, lại còn là cả một box set hoàn chỉnh với poster, thư tay, card và một quyển photobook. Phần production tiếp tục là một sự bất ngờ lớn khi được thực hiện bởi team DTAP, gồm 3 chàng trai sinh năm 1996, 1997, 1998, đảm nhận tất cả các khâu từ sáng tác, viết lời, hòa âm phối khí, điều này cũng khiến không ít khán giả tò mò: liệu họ có đủ kinh nghiệm và năng lực để hoàn tất trọn vẹn 1 dự án âm nhạc lớn như vậy?

Hoàng của Hoàng Thùy Linh: dân gian đương đại không giáo điều, không dễ dãi! - Ảnh 1.

Cùng điểm qua 9 track của "Hoàng", như là một hành trình vào miền văn hóa - âm nhạc - nghệ thuật cùng song hành, cũng là lời giải đáp cho những câu hỏi bạn đã thắc mắc từ trước. Cuộc hành trình này sẽ bắt đầu trước khi bạn nhận ra nó vừa bắt đầu và sẽ kết thúc lúc bạn chưa kịp nhận ra cái kết.

Khởi Đầu

Với những album nhạc quốc tế, việc có một phần Intro - mở đầu không hề hiếm. Nhưng ở Việt Nam, không nhiều các nghệ sĩ làm vậy. Ở đây, Hoàng Thùy Linh đã "hi sinh" trọn vẹn 1 track mở đầu cho một đoạn instrumental (nhạc cụ) dài vài giây, với mục đích duy nhất: hướng sự chú ý và tập trung của khán giả vào âm nhạc, như một sự báo hiệu hành trình bắt đầu. "Khởi Đầu" nhẹ nhàng, mông lung, xao xuyến và mang một chút ma mị, như một màn sương kì bí giăng trước mặt, bắt buộc khán giả phải tiến vào trong màn sương, để thực sự lạc vào cõi "Hoàng".

Để Mị Nói Cho Mà Nghe

MV "Để Mị nói cho mà nghe" - Hoàng Thùy Linh.

Dù viết theo ngũ cung tương đối khó nghe so với mặt bằng chung của công chúng, nhưng với chất liệu âm nhạc được tìm tòi sáng tạo, "Để Mị Nói Cho Mà Nghe" tạo cho khán giả cảm giác mới mẻ, đầy tích cực, đặc biệt là thổi thêm sự phóng khoáng, tự do từ những điệu khèn Tây Bắc cùng đàn tính, sáo dọc. Sự kết hợp giữa những nhạc cụ truyền thống miền Tây Bắc với chất EDM đã mang đến một bầu sinh khí hoàn toàn mới, khiến khán giả vừa cảm nhận được nguồn năng lượng nơi đại ngàn, vừa đắm chìm được trong những giai điệu điện tử đương đại. 

Nội dung ca khúc mang đậm tính tuyên ngôn nữ quyền, khi lấy hình tượng Cô Mị trong tác phẩm của nhà văn Tô Hoài, mang đến cho cô một sức sống và cuộc đời hoàn toàn mới. Cô Mị giờ đây chẳng cần phải bắt "quả pao", chẳng cần A Phủ hay A Sử để định đoạt cuộc sống của mình nữa. Giờ đây, chính tay Mị là người làm chủ vận mệnh, Mị đã tự thoát ra khỏi những gông cùm về thể xác lẫn tinh thần.

Hoàng của Hoàng Thùy Linh: dân gian đương đại không giáo điều, không dễ dãi! - Ảnh 3.

MV "Để Mị Nói Cho Mà Nghe" không chỉ đơn thuần là việc cắt ghép các nhân vật nổi tiếng trong các tác phẩm kinh điển đưa vào sản phẩm âm nhạc, thông qua đó, Hoàng Thùy Linh đã thể hiện một góc nhìn khác, đầy nhân văn, đồng thời cũng vạch ra một kịch bản tươi sáng hơn cho cuộc đời của những nhân vật trên. Nàng Mị, Chị Dậu, Anh Tràng, Lão Hạc, Chí Phèo, Thị Nở,... giờ đây đã có một cuộc sống mới, một kết cục mới, viên mãn và ngập tràn hạnh phúc và cũng đậm tính giải trí không giáo điều.

Duyên Âm

"Duyên Âm" theo quan niệm của dân gian là những linh hồn lang thang không siêu thoát, bám theo một người với mục đích để yêu và được yêu. Nhưng rõ ràng, âm dương cách biệt, người âm mãi không thể với đến người dương - và ngược lại người dương lại càng thêm nặng nề, bí bách với cuộc sống, những mối quan hệ tình duyên với người thương chỉ dẫn đến đổ vỡ. Những tưởng ca khúc sẽ mang giai điệu nặng nề, một chút tâm linh, nhưng ngược lại, chúng ta có một bản dance pop đầy năng lượng và trào phúng.

Hoàng của Hoàng Thùy Linh: dân gian đương đại không giáo điều, không dễ dãi! - Ảnh 4.

Phần điệp khúc của "Duyên Âm" mang âm hưởng của những bài đồng dao Bắc Bộ, được phối cùng nhạc điện tử, mang đến màu sắc tươi mới, trẻ trung và lém lỉnh. "Thiên linh linh - địa linh linh" trong văn khấn cúng bái lại trở thành câu cửa miệng để xua đuổi chàng trai phiền phức, xem anh chàng như một dạng "duyên âm" cần phải cắt. Quả thật, đến phải ngả nón thán phục với cách Hoàng Thùy Linh và e-kíp DTAP vận dụng quá sáng tạo những huyền tích dân gian vào những điều rất hiện đại, rất đời thường và rất dễ... post story.

Em Đây Chẳng Phải Thúy Kiều

"Em Đây Chẳng Phải Thúy Kiều" với giai điệu chill-out đầy thư giãn sau "Duyên Âm" đầy năng lượng sôi nổi. Lấy hình tượng Thúy Kiều kinh điển của đại thi hào Nguyễn Du, Hoàng Thùy Linh không đặt hình tượng của mình vào trong Thúy Kiều để "trách phận than thân", mà đặt Thúy Kiều như một hình tượng đối lập - một tấm gương phản chiếu để tự răn mình.

"Em Đây Chẳng Phải Thúy Kiều" tiếp tục mang tinh thần của "Để Mị Nói Cho Mà Nghe", nhưng tiến đến một chiều sâu chiêm nghiệm hơn. Không chỉ đơn thuần là "muốn đi chơi", mà cô gái còn có những khát khao, khát vọng và những bản năng của một người phụ nữ đang mơn mởn thanh xuân. Cô không muốn bị "khóa xuân" trong những định kiến gò bó hay thụ động phó thác hạnh phúc của mình ở người khác. Một lời trách móc nhẹ nhàng, lả lơi đầy đáng yêu bằng âm nhạc. Chất nhạc quyến rũ, lãng đãng càng góp phần tạo nên sự nồng nàn cho "Em Đây Chẳng Phải Thúy Kiều".

Hoàng của Hoàng Thùy Linh: dân gian đương đại không giáo điều, không dễ dãi! - Ảnh 5.

Lắm Mối Tối Ngồi Không

"Lắm Mối Tối Ngồi Không" lấy ý từ câu ca dao than thân trách phận của người con gái đẹp nhưng tình duyên lận đận. Và quả thật, xuyên suốt ca khúc, Hoàng Thùy Linh vẽ nên một cô gái đang... "ế", nhưng kén chọn, bao nhiêu chàng trai vẫn không. Tiếp tục là một thông điệp nữ quyền tinh tế: người con gái nhận thức được chính giá trị bản thân của mình, nhận thức rất rõ vẻ đẹp ngoại hình lẫn tâm hồn, và nhất định không muốn phí hoài tương lai cho một người không xứng đáng. Người hát ca thì cuộc sống không ổn định, người suốt ngày ba hoa thì thực lực không thấy đâu - đấy, thực tế nhưng đầy dí dỏm, không gượng ép và giáo điều chính là "Lắm Mối Tối Ngồi Không".

Mở đầu với tiếng guitar mộc với phần điệp khúc mang âm hưởng future house, ca khúc có phần âm nhạc hiện đại nhất so với tổng thể album, nhưng phần lời không quên sử dụng những hình ảnh dân gian để so sánh: "Ba đồng một mớ câu chuyện tình duyên - Trăm đồng chỉ đổi duyên tình của anh"

Kẽo Cà Kẽo Kẹt

"Kẽo cà kẽo kẹt
Mày tranh chồng chị
Chị khoét mắt ra..."

Ai trong chúng ta ắt hẳn cũng đều biết câu thơ "rợn người" xuất phát từ câu chuyện cổ tích Tấm Cám khi cô Tấm một lần hóa thân chuyển kiếp, ngày đêm đe dọa Cám vì tội ác hai mẹ con đã gây ra. Có thể xem, "Kẽo Cà Kẽo Kẹt" là track "nặng đô" nhất và có mức độ ám ảnh nhất album khi mô phỏng tiếng khung cửi kêu kẽo kẹt giữa đêm khuya từ nàng Tấm, mong chờ ngày báo thù những kẻ thủ ác, vùi dập cuộc đời của mình.

Hoàng của Hoàng Thùy Linh: dân gian đương đại không giáo điều, không dễ dãi! - Ảnh 6.

Thông điệp nữ quyền của "Kẽo Cà Kẽo Kẹt" được thể hiện rất rõ ràng: phụ nữ không cần phải thượng đẳng, mà hãy giành lại chính những thứ mình xứng đáng có được. Lời bài hát đã vượt lên trên nỗi lòng của nàng Tấm, trở thành lời chung của người phụ nữ Việt Nam:

"...Ta gieo từng âm sắc cho đời nghe danh nhớ mặt
Kẽo cà kẽo kẹt
Qua bao lời chua xót ta vẫn cứ đứng dậy
Kẽo cà kẽo kẹt
Ta gieo từng âm sắc cho đời nghe danh nhớ mặt
Kẽo cà kẽo kẹt
Bao nhiêu lần đau nữa ta còn mãi tồn tại..."

Càng về sau, phần giai điệu càng dồn dập, càng được đẩy lên cao trào rồi bùng nổ, phần production cũng được lồng ghép khéo léo tiếng đưa võng kẽo kẹt đầy u ám song hành với giai điệu của phách, trống ta, đàn bầu. Để rồi khi nàng Tấm chết đi, một cõi tâm linh, siêu thực lại được tiếp tục mở ra với track kế tiếp...

Tứ Phủ

MV Tứ Phủ - Hoàng Thùy Linh (ft Hồ Hoài Anh - TripleD)

"Tứ Phủ" có thể xem là một trong những track mạo hiểm và đột phá nhất của toàn bộ album "Hoàng". Đây là ca khúc duy nhất trong album không thực hiện bởi e-kíp DTAP mà được nhào nặn bởi Long Halo và Triple D. Phần lời cũng được phổ từ thơ Ngân Vy cùng sự góp giọng của Hồ Hoài Anh trong đoạn rap mang âm hưởng chầu văn đoạn cuối. Nhìn chung, "Tứ Phủ" là sự kết hợp mang tính bùng nổ, kẻ khen không tiếc lời, nhưng khiến không ít người không hài lòng. Nhưng rõ ràng, Hoàng Thùy Linh vẫn làm, như một thông điệp thể hiện cái tôi nghệ sĩ bất biến suốt 10 năm.

Hoàng của Hoàng Thùy Linh: dân gian đương đại không giáo điều, không dễ dãi! - Ảnh 8.

Chia sẻ trong buổi họp báo ra mắt "Tứ Phủ", Hoàng Thùy Linh gián tiếp chia sẻ cho biết hình tượng trong MV mà cô hóa thân chính là "Cô Bơ", một vị Thánh rất nổi tiếng thuộc hàng Tứ Phủ Thánh Cô, tuy nhiên, nữ ca sĩ khẳng định chỉ mượn một vài nét chấm phá những nét đẹp nhất của hình tượng trên, còn những điểm sai khác sẽ nằm ở sự tưởng tượng và suy nghĩ của chính khán giả. Cô Bơ là bậc tiên thánh ngự ở miền sông nước gắn liền với những sự tích buồn khiến người dân không khỏi thương cảm, được kể lại trong những huyền tích dân gian xung quanh. Đây cũng chính là thông điệp ngấm ngầm mà Hoàng Thùy Linh muốn gửi đến về thân phận khổ đau của người phụ nữ xưa. "Run run ngọc vỡ con tim này - Ai thêu gấm lên đồi hoang vu - Đào phai mấy kiếp thân em đoạ đày - Đời gập ghềnh thuyền tình chòng chành chao nghiêng - Đành vùi mình vào chốn linh thiêng,..."

Nếu như hình tượng xuyên suốt trong MV thuộc về miền Thoải Phủ, thì lời bài hát quả thật đã chạm đến cả những miền, những phủ còn lại. "Em khóc cúi mặt Cửu Trùng Thiên" nhắc đến Mẫu Cửu Trùng Thiên - Thánh Mẫu ngự trên chín tầng trời cao cai quản thiên tiên thượng giới. "Nơi đây đại ngàn em chờ thiên thu" lại hiển hiện nơi Nhạc phủ, chốn rừng núi thiêng liêng. Có lẽ chính vì vậy mà tên bài hát được đặt là "Tứ Phủ". Không chỉ có chiều sâu của không gian miền Thoải phủ, mà đã mở rộng nên mênh mông của đất trời, của Thiên phủ, Nhạc phủ, miên man, khắc khoải.

Kẻ Cắp Gặp Bà Già

Người Việt Nam đã quá quen thuộc với câu thành ngữ "Kẻ Cắp Gặp Bà Già", ý chỉ việc những đối thủ xứng tầm gặp nhau, thường mang hàm nghĩa tiêu cực hơn là tích cực. Ở trong ca khúc, Hoàng Thùy Linh lại hài hước vận dụng câu thành ngữ trên vào câu chuyện của một anh chàng "play boy" chuyên rù quến những cô gái trẻ, đánh cắp trái tim của bao người. Nhưng rồi đến một ngày, chính anh chàng này đã "sa vào lưới tình" với một cô gái trên cơ, khiến chính anh ta phải điên đảo. Cô gái này chính là cô gái đã vượt qua những thăng trầm của những ca khúc trước, để đạt đến "cảnh giới" cao hơn, trải đời, quyến rũ, khiến cả gã trai hư cũng chỉ có thể khuất phục.

Một trong những điểm ấn tượng nhất của ca khúc chính là phần rap của Binz. Quả thật, những tưởng chất giọng của anh chàng "bad boy" chính hiệu chỉ phù hợp với những buổi tiệc xuyên màn đêm, nhưng trong "Kẻ Cắp Gặp Bà Già", chất giọng rap ấy lại trở nên vô cùng sexy và quyến rũ. Hoàng Thùy Linh và Binz, sự kết hợp gần như không ai ngờ đến, nhưng lại vô cùng hiệu quả trong "Kẻ Cắp Gặp Bà Già".

Giải Kết

Teaser "Giải Kết" (Album Vol.3) - Hoàng Thuỳ Linh

"...Ví dù giải kết đến điều
Thì mang vàng đá mà liều với thân..." (Truyện Kiều)

Với phần Intro - "Khởi Đầu" mang màu sắc nhẹ nhàng, tươi sáng và tràn đầy hứng khởi thì phần Outro - "Giải Kết" có thể xem như là lời đúc kết trọn vẹn của tất cả thông điệp. "Giải Kết" cũng gợi đến những nghi thức mang màu sắc tâm linh của vòng đời. Với cái tên tương đối ám ảnh, giải kết có nghĩa là cắt đứt hết mọi nghiệp chướng, oán hận kết tụ từ lâu, có thể xem như một sự giải thoát.

Không phải là một ca khúc hoàn chỉnh, nhưng "Giải Kết" mang trong mình 7 câu hát từ "Để Mị Nói Cho Mà Nghe" xuyên suốt đến "Kẻ Cắp Gặp Bà Già", được mix lại với giai điệu hoàn toàn mới, như một lần điểm lại toàn bộ cảm xúc từ đầu đến cuối cho khán giả, để người nghe đã một lần nghe chỉ muốn ấn nút replay, nghe thêm một lần nữa để cảm nhận sâu hơn những thông điệp được cài cắm xuyên suốt "Hoàng".

Hoàng của Hoàng Thùy Linh: dân gian đương đại không giáo điều, không dễ dãi! - Ảnh 11.

Một hành trình âm nhạc trọn vẹn và xứng đáng

Toàn thể album trải dài trong 9 ca khúc, bao gồm cả 2 track Intro và Outro ("Khởi Đầu" và "Giải Kết"), vỏn vẹn 27 phút, đủ cho một cuộc dạo chơi qua tầng tầng lớp lớp những thể nghiệm âm nhạc và chiêm nghiệm về văn hóa của Hoàng Thùy Linh. Chất nhạc dân gian đương đại kết hợp với yếu tố "futuristic" được triển khai đồng nhất xuyên suốt "Hoàng" không làm cho khán giả bị "ngấy", nội dung truyền tải không giáo điều, thần bí, mà ngược lại, rất "đời" và cuộn tràn hơi thở cuộc sống hiện đại. Rõ ràng, không phải cứ đệm bầu, tranh, sáo vào thì có thể biến một ca khúc thành "âm nhạc dân gian" - và không phải một ca khúc mang phong cách dân gian đương đại lại không thể mang trên người future house, tropical house hay chill-out, trap.

Một số khán giả cho rằng album chất lượng nhưng thời lượng vẫn quá ngắn, chưa "thỏa" đam mê, nhưng với nhiều người, 27 phút là vừa vặn để thấm và để trong lòng có một chút nuối tiếc. Đặc biệt, một số ý kiến cho rằng nếu thêm cả "Bánh Trôi Nước" vào tracklist sẽ làm mọi thứ thêm hoàn hảo, thông điệp về phụ nữ lại càng thêm rõ ràng. Thế nhưng, chính việc điều chỉnh thời lượng album xuống dưới nửa giờ đồng hồ cũng là một cách hay để khán giả có thời gian cho những suy niệm của chính bản thân sau khi thưởng thức "Hoàng", đủ cho một chút nuối tiếc để trông ngóng nhiều hơn - cũng là một chút gì đó nghe rất đàn bà!

Hoàng của Hoàng Thùy Linh: dân gian đương đại không giáo điều, không dễ dãi! - Ảnh 12.

Về mặt thông điệp, Hoàng Thùy Linh đã mang 3 nhân vật tiêu biểu của văn học dân gian Việt Nam, cũng chính là hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc: Cô Tấm của văn học dân gian, Thúy Kiều của văn học trung đại và Cô Mị của văn học hiện thực, ba hình tượng mang tính biểu tượng rất cao. Dù khác thời đại, khác về số phận, nhưng nhìn chung cả ba đều là những phụ nữ có phận đời long đong, "ba chìm bảy nổi", nhưng, bằng cách này hay cách khác, đã dần tìm cách làm chủ vận mệnh, tìm được hạnh phúc trong thời đại của mình. Và rõ ràng, hình tượng của cả ba xuất hiện một cách tự nhiên như vốn sẵn là vậy, không gượng ép.

Nhìn cách Hoàng Thùy Linh và e-kíp vận dụng nhuần nhuyễn chất liệu văn học dân gian - âm nhạc dân tộc, khán giả nhận ra sự thật: văn hóa là luôn biến đổi, luôn chuyển động, không thể dừng lại và trì trệ. Văn hóa cổ truyền cũng thế, ta không thể mãi đem những giá trị văn hóa cổ truyền ấy đặt lên cao, cất giữ kín kẽ, ngày ngày sùng bái đến mức sợ sệt và cứ chôn giấu mãi những giá trị ấy trên một chiếc hộp đẹp đẽ, không để hậu thế tiếp xúc. Văn hóa cổ truyền có được kế thừa và gìn giữ hay không nằm ở cách thức chúng ta quảng bá với thế hệ sau, chứ không phải nhắc về những giá trị ấy như một vị thánh thần "bất khả xâm phạm". 

Ở điểm này, Hoàng Thùy Linh thực sự đã thành công trong việc truyền tải văn hóa dân gian qua ngôn ngữ âm nhạc hiện đại. Sau này, Hoàng Thùy Linh có thể sẽ tiến đến cột mốc 20 năm, 30 năm, nhưng khi nhìn lại mốc son 10 năm với "Hoàng", nữ ca sĩ hoàn toàn có thể mỉm cười tự hào. Khán giả đang thực sự phát cuồng vì "Hoàng" - Hoàng Thùy Linh!

Hoàng của Hoàng Thùy Linh: dân gian đương đại không giáo điều, không dễ dãi! - Ảnh 13.


ALBUM HOÀNG - HOÀNG THÙY LINH vol 3

Thể loại: Electropop/ EDM

Nhạc sĩ: Hồ Hoài Anh, Thịnh Kainz (DTAP), Kata Trần (DTAP)

Hòa âm: Tùng Cedrus (DTAP), Đoàn Minh Vũ, TripleD

Review: 4,5/5.

Thăm dò ý kiến

Bài hát bạn thích nhất trong album "Hoàng" - Hoàng Thùy Linh vol 3

Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày