Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông nghiệp công nghệ cao: Mở ra vận hội mới

Bạch Thanh| 06/02/2022 13:50

(HNM) - Trên địa bàn thành phố xuất hiện ngày một nhiều những vườn rau, vườn hoa trong nhà kính, nhà lưới, những vùng lúa hữu cơ, vùng chăn nuôi khép kín quy mô lớn… Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh đang mở ra những kỳ vọng mới cho Nông nghiệp Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới.

Đa dạng mô hình công nghệ cao

Những ngày áp Tết, trong khu sản xuất rau thủy canh của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì), một trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai mô hình trồng rau thủy canh tại Hà Nội, người nông dân hăng say lao động và niềm vui như được nhân đôi bởi hiệu quả kinh tế lên tới tiền tỷ mà mô hình mang lại. Giám đốc hợp tác xã Nguyễn Mạnh Hồng cho biết: "So với rau truyền thống, rau thủy canh rút ngắn ngày hơn và được trồng trong nhà lưới là môi trường hoàn toàn sạch không nhiễm khuẩn cũng như không có thuốc bảo vệ thực vật. Rau có thể trồng được quanh năm vì không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, gió, bão, nắng nôi, canh tác cho năng suất cao hơn rau truyền thống, đặc biệt là an toàn hơn".

Ở nơi khác, tại khu đồng thôn Thượng (xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh) trước kia là vùng đất trũng thấp, mưa lớn là ngập úng, canh tác lúa màu hiệu quả kinh tế thấp nên nhiều diện tích bị bỏ không. Manh nha ý tưởng về một mô hình nông trại công nghệ cao, giữa năm 2020, ông Nguyễn Tiến Dũng ở xã Đại Thịnh nhận thuê khoán đất canh tác của người dân và đã huy động toàn bộ số tiền tích góp được trong nhiều năm cộng với số vốn vay mượn tập trung phát triển nông trại đa canh với tổng diện tích gần 129.000m2. Trong đó có 4.000m2 thực hiện mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao. Mô hình này mang lại doanh thu khoảng 18 tỷ đồng mỗi năm, riêng giá trị từ hoa lan hồ điệp đạt khoảng 12 tỷ đồng và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 120.000 cây lan các loại. "Dù mới triển khai, nhưng nhờ doanh thu tương đối tốt nên chúng tôi có điều kiện quay đầu vốn để tiếp tục đầu tư sang các hạng mục công nghệ cao khác..." - ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý cũng là một mô hình tiêu biểu của huyện Đan Phượng trong nông nghiệp công nghệ cao. Bà Đặng Thị Cuối - Giám đốc Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý chia sẻ: "Với vốn đầu tư gần 7 tỷ đồng, trên diện tích hơn 5ha, hợp tác xã đã đầu tư 7.000m2 nhà màng, áp dụng sản xuất công nghệ cao và không ngừng đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất nông nghiệp, đến nay quy mô đã tăng gấp 3 lần, với nhiều loại cây trồng khác nhau. Năm 2021, hợp tác xã đã thành công lớn với mô hình trồng nho hạ đen mở ra hướng mới trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái".

Còn huyện Thạch Thất, không chỉ có thương hiệu rau hữu cơ công nghệ cao Đại Ngàn nổi tiếng, mà được sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT Hà Nội và các công ty của Nhật Bản, khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao Thung lũng Ngọc Linh Hòa Lạc đã ra đời với nhiều loại sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao như: Rau siêu sạch (xà lách, rau cải, rau muống, rau chân vịt, cải sâm, rau mát gan...); trứng gà có khả năng ngăn ngừa tế bào ung thư.

Những năm gần đây, Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ và thiết bị thông minh, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin: Trên địa bàn thành phố đã có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đã chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho Nông nghiệp Thủ đô.

Vận hội mới, kỳ vọng mới

Thành tựu đạt được rất đáng ghi nhận nhưng thẳng thắn nhìn nhận nông nghiệp công nghệ cao của thành phố phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế. Một phần nguyên nhân đến từ năng lực của hộ nông dân còn nhiều hạn chế, việc tiếp thu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao gặp nhiều khó khăn về vốn. Mặt khác, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được coi là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất nhỏ trên địa bàn Hà Nội hiện còn quá ít.

Theo Tiến sĩ khoa học Trần Duy Quý, Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sẽ giúp nông nghiệp Hà Nội chuyển mình từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp thông minh, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất, cải tạo cảnh quan, giảm thiểu ô nhiễm môi trường... Thực tế cho thấy, lao động trong ngành Nông nghiệp Thủ đô thiếu khá nhiều kỹ năng về quản lý, quản trị, kết nối trong sản xuất và tiêu thụ cũng như tính nguyên tắc trong tuân thủ quy trình sản xuất nông sản sạch, đặc biệt là việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Do vậy, một trong những vấn đề Hà Nội cần quan tâm hiện nay chính là đầu tư về chất lượng nguồn nhân lực.

Cũng về vấn đề này, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Đào Thế Anh cho rằng: Công tác khuyến nông cũng nên tập trung vào đào tạo kỹ năng, thay đổi mô hình kinh doanh số cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, trước mắt là xây dựng các mô hình chuyển đổi số thử nghiệm ở cấp cơ sở dựa trên kiến trúc nền tảng thống nhất chung.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhận định: Năm 2021, đối mặt với nhiều khó khăn như giá vật tư tăng cao, nhiều chuỗi cung ứng thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ nông nghiệp bị "đứt gãy" do dịch bệnh… nhưng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao vẫn được triển khai ở các địa phương với mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng, hứa hẹn những “mùa vàng” vào năm 2022. Cuối năm 2021, UBND thành phố Hà Nội đã bổ sung gần 49 tỷ đồng cho 7 huyện để thực hiện các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, đây là đòn bẩy quan trọng để năm 2022 tiếp tục là năm thành công.

Một mùa xuân mới lại về, mùa xuân của hy vọng. Tín hiệu vui từ các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang mở ra vận hội mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Dù trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng với tiền đề này, Hà Nội sẽ hình thành các trung tâm nông nghiệp công nghiệp cao hiện đại và quy mô, trở thành một trung tâm nghiên cứu, ứng dụng, trình diễn, chuyển giao, kỹ thuật, sản xuất, cung cấp các dòng sản phẩm nông sản cao cấp. Điều quan trọng hơn, các mô hình này sẽ làm thay đổi tập quán sản xuất cũ và những người nông dân sẽ trở thành những công nhân nông nghiệp, trực tiếp sản xuất, làm chủ công nghệ trên cánh đồng của mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp công nghệ cao: Mở ra vận hội mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.