Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đường Sơn đại địa chấn chấn động các rạp

Hoàng Vy| 26/10/2010 15:17

Tiếng sụt sịt, tiếng khóc thút thít trong rạp trong suốt cả suất chiếu. Khi ánh đèn bật sáng, mắt ai nấy đều đỏ hoe.


Già khóc, trẻ khóc, nữ khóc, nam khóc

"Aftershock" (tựa tiếng Việt là Đường Sơn đại địa chấn), bộ phim dựa trên trận động đất kinh hoàng năm 1976 ở Đường Sơn (Trung Quốc) đã thực sự làm nên một cơn "đại địa chấn" tại các rạp chiếu phim Việt Nam. Phim mới được công chiếu từ ngày 15/10 nhưng sau 10 ngày ra rạp đã bán được hơn 20.000 vé, một con số rất cao so với các bộ phim không phải là bom tấn của Hollywood.


"Aftershock" đã tạo nên một dư chấn cảm xúc mạnh mẽ trong người xem.


3 ngày cuối tuần đầu tiên (15-17/10), "Aftershock" có gần 10.000 khán giả, tới dịp cuối tuần thứ hai (22-24/10), lượng khán giả thậm chí còn tăng thêm 500 người, là điều hiếm xảy ra. Hiệu ứng truyền miệng về sức lay động của bộ phim đã kéo thêm rất nhiều khán giả đến rạp mặc dù phim đã chiếu được hơn 1 tuần lễ, bản phim đẹp đã xuất hiện tràn lan trên thị trường băng đĩa lậu và cũng có không ít khán giả đã tìm xem được "Aftershock" trên mạng.

Hiếm có bộ phim nào lại có sức lan toả mạnh như "Aftershock". Ngay khi phim được chiếu ra mắt báo giới vào đầu tháng 10, bộ phim đã chiếm trọn cảm tình của báo giới không phải ở quy mô của nó mà bởi "Aftershock" gần như đã chạm đến tận cùng cảm xúc trong mỗi người xem. Có phóng viên mới xem nửa chừng đã phải ra ngoài vào nhà vệ sinh... khóc bởi không thể cầm nổi nước mắt và tiếng nấc khi những thước phim chạy qua màn hình. Số còn lại ngồi nán lại đến phút cuối để khóc cùng số phận của các nhân vật.

Cả bộ phim là chuỗi những hình ảnh và chi tiết xúc động mà khi xem xong không thể gọi tên đâu là chi tiết xúc động nhất. Chỉ biết có quá nhiều chi tiết khiến những khán giả cắng rắn đến mấy cũng phải rơi lệ.

Có không ít người đã đến rạp tới hai lần để xem lại bộ phim hoặc dù đã xem DVD nhưng vẫn quyết định mua vé vào rạp để cảm nhận hiệu ứng của bộ phim trên màn ảnh rộng. "Aftershock" là một trong số không nhiều những bộ phim Trung Quốc không hề được PR rầm rộ, không thuộc dòng phim giải trí tạo hiệu ứng mạnh với khán giả như vậy. Già khóc, trẻ khóc, nữ khóc, nam khóc... hiếm có bộ phim nào khiến khán giả xúc động như vậy. Người ta có thể mất nhiều nước mắt cho một bộ phim nhưng lại nhận ra được những giá trị của tình yêu thương, của tình thân. Có lẽ đó chính là giá trị lớn nhất mà bộ phim mang lại.

Thành công của bộ phim là ở chỗ nó đã khai thác đến tận cùng số phận của nhân vật và hướng đến cảm xúc nhiều hơn là khoa trương về mặt diễn xuất hay công nghệ. Tuy nhiên cũng phải khẳng định rằng bộ phim sở dĩ đạt được hiệu quả như vậy là do hỗ trợ rất lớn từ công ty thiết kế hiệu ứng hình ảnh Weta Workshop từng đoạt giải Oscar của New Zealand. Đây cũng chính là công ty đã làm kỹ xảo cho bộ ba phim "Chúa nhẫn" lừng danh của đạo diễn Peter Jackson.

Chọn yêu thương làm chủ đề của phim

Đường Sơn, năm 1976. Hai đứa trẻ sinh đôi mới được 7 tuổi bị vùi lấp dưới đống đổ nát của trận động đất kinh hoàng. Đội cứu nạn nói với người mẹ, Lí Nguyên Ni, rằng việc cứu một đứa trẻ chắn chắn sẽ khiến đứa còn lại phải bỏ mạng. Buộc phải đưa ra lựa chọn khó khăn nhất cuộc đời mình, người mẹ cuối cùng đã chọn cứu lấy đứa con trai Phương Đạt.

Lí Nguyên Ni không biết rằng quyết định của bà đã bị cô con gái Phương Đăng nghe thấy. Mặc dù bị coi như đã chết và bỏ lại ở đó, cô bé đã sống sót một cách kỳ diệu qua nhiều ngày nữa, trước khi được đưa lên mặt đất bởi một đội cứu nạn khác - những người đinh ninh rằng cô chỉ là một cái xác. Cô tỉnh dậy trong cơn mưa tầm tã, bên cạnh thi thể người cha đã chết của mình.


Sau những cú sốc tinh thần hậu thảm họa và ký ức đau đớn về quyết định của mẹ mình, Phương Đăng từ chối để lộ danh tính. Cô bé được nhận nuôi bởi một cặp vợ chồng trung niên. Nhiều năm trôi qua, dù đang trong quá trình chuyển tới Canada để lập gia đình, bóng ma quá khứ về ký ức trận động đất và quyết định nghiệt ngã của người mẹ vẫn tiếp tục đeo đuổi tâm trí cô, như trong suốt những năm tháng trưởng thành.

Tứ Xuyên, năm 2008. 32 năm sau đó, trận động đất ở Tứ Xuyên tiếp tục cướp đi nhiều sinh mạng. Phương Đăng quay trở về Trung Quốc tình nguyện tham gia đội cứu nạn. Tận mắt chứng kiến nỗi đau của những người khác trong thảm họa tự nhiên đã giúp cô vượt qua chính cú sốc về tinh thần của bản thân và tha thứ cho mẹ mình. Cuối cùng, cô đoàn tụ với gia đình sau 32 năm chia cách.

Năm 2006, đạo diễn Phùng Tiểu Cương lần đầu biết tới cuốn tiểu tuyết của Trương Linh mang tên Đường Sơn Đại Địa Chấn. Câu chuyện sâu sắc và chân thực này đã làm vị đạo diễn vô cùng cảm động. Đến năm 2008, sau trận động đất tàn phá Tứ Xuyên, chính phủ thành phố Đường Sơn đã đề nghị đạo diễn họ Phùng thực hiện một bộ phim về trận động đất đã phá hủy thành phố của họ năm 1976. Nhận thấy cách dẫn truyện và xây dựng nhân vật trong nguyên bản cần được phát triển thêm, ông quyết định lấy sức mạnh của tình yêu làm đề tài chủ đạo, thay vì tập trung vào những người sống sót hay sự thay đổi của xã hội trong vòng hơn ba thập kỷ.

Hoàn thành bản nháp đầu tiên của kịch bản, Phùng Tiểu Cương hiểu rằng câu chuyện có sức mạnh khơi gợi xúc cảm vô cùng lớn, mặc dù bản thân nó không thuộc thể loại phim "bom tấn". Ông nhớ lại, "Dịp năm mới, tôi kể câu chuyện cho vài người bạn nghe trong bữa tối và tất cả đều bật khóc. Sau đó tôi thử tiếp tục kể câu chuyện ấy khoảng 10 lần nữa cho những nhóm bạn khác nhau, và họ cùng chung một phản ứng như vậy".

Tổng sản xuất của bộ phim thì nói: "Tôi thuộc thế hệ những người tận mắt chứng kiến thảm họa ở Đường Sơn. Nhưng năm tháng trôi qua và tôi chợt nhận ra mình đang dần dần trở nên vô cảm và khô cứng hơn. Tình yêu phải vượt qua rào cản của thời gian.

Chúng tôi đã chọn yêu thương làm chủ đề của phim, và truyền đạt nó một cách chân thành nhất bằng chính trái tim mình. Khi xem phim, nếu chỉ tập trung vào những hiệu ứng đặc biệt trên màn ảnh IMAX, thì bạn đang lãng phí trải nghiệm này.

Điều chúng tôi muốn chuyển tải ở đây là những cảm xúc chân thật nhất của tâm hồn. Tình yêu và gia đình là mối dây kết nối con người với con người. Aftershock dành cho bạn cơ hội suy ngẫm lại cách khẳng định tình cảm của bạn đối với những người mình yêu thương".

Những câu chuyện cảm động


Một trong những yếu tố không thể thiếu của việc tái hiện trận động đất tại Đường Sơn là con người. Cảnh quay lớn nhất của phim có đến 2000 diễn viên quần chúng. Họ là những người đang sinh sống tại Đường Sơn, hầu hết đều có người thân gặp nạn trong trận động đất. Lẽ dĩ nhiên, bộ phim gợi lại những ký ức đau đớn trong quá khứ. Nhưng họ vẫn tới trường quay hàng ngày để ủng hộ đoàn làm phim.

Mặc dù đặt mốc thời gian vào tháng 7, những cảnh phim diễn ra ngay sau trận động đất lại được quay vào tháng 10. Với thời tiết mà những diễn viên, và ngay cả diễn viên quần chúng, đều phải mặc quần ngắn để chống lại cái nóng ngột ngạt của mùa hè, thì trong bối cảnh phim, thời tiết đang rất lạnh và mưa. Họ đã liên tục tới trường quay khoảng 30 ngày, không một lời phàn nàn về nước mưa hay bùn đất. Sau cùng, đoàn làm phim đã dựng riêng một nhà tắm cho các diễn viên quần chúng ngay trong trường quay.

Nhà sản xuất Hồ Hiểu Phong nhớ lại: "Tôi đã thực sự cảm động khi quay cảnh những người sống sót đốt vàng mã cho người đã chết. Gia đình nào ở Đường Sơn cũng làm lễ và đốt vàng mã cho người thân của họ vào cùng ngày, cứ mỗi năm một lần kể từ trận động đất.

Hôm đó, khi đạo diễn hô ’cắt’, không ai dừng lại, họ tiếp tục khấn vái. Chúng tôi đứng đó trong im lặng, rồi cùng họ bày tỏ nỗi tiếc thương, hoàn toàn không có khái niệm gì về việc nghỉ giải lao ăn tối. Có một người trong số các diễn viên quần chúng mà tôi nhớ mãi. Hôm đó anh ấy mặc áo phông và quần đùi trắng. Đó là một cảnh quay rộng. Tất cả những gì anh ấy phải làm là ngã, và anh ngã thật. Hết lần này đến lần khác. Cho đến khi thực sự chảy máu. Tôi vô cùng khâm phục anh ấy. Trong môi trường như vậy, bất cứ ai cũng phải nghiêm túc về việc mình đang làm".

"Aftershock" là bộ phim đầu tiên của Trung Quốc được sản xuất dành riêng cho các rạp chiếu phim IMAX và cũng là bộ phim Trung Quốc đầu tiên có doanh thu cao nhất trên thị trường nội địa. Bộ phim này cũng đã vượt qua "Tình yêu cây táo gai" của ĐD Trương Nghệ Mưu để làm đại diện cho cho Trung Quốc dự tranh đề cử Oscar 2011 cho "Phim nước ngoài hay nhất".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường Sơn đại địa chấn chấn động các rạp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.