Tắm ở hồ Hoàn Kiếm bị cấm từ khi nào?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến Thứ bảy, ngày 20/05/2023 07:29 AM (GMT+7)
Từ xa xưa, dù không có lệnh cấm người dân cũng không dám tắm, bơi lội ở hồ Hoàn Kiếm vì coi đây là nơi linh thiêng. Đầu thế kỷ 20, Viện Viễn Đông Bác Cổ mới chính thức đưa ra quy định cấm câu cá, tắm, bơi lội ở hồ.
Bình luận 0

Thời Lê, nơi vui chơi giải trí của vua chúa là Hồ Tây. Vào rằm Tháng Tám, chúa Trịnh Tùng cho các cung nữ mặc yếm thắt dây hờ hững chèo thuyền từ trong bụi sen ra. Lại cho tấu nhạc ở chùa Trấn Quốc, cho thắp đèn trên những cây phù dung tạo ra không khí huyền ảo. Vì không muốn gần vua Lê, Trịnh Tùng đã cho xây lầu Ngũ Long ở phía đông nam Hồ Gươm. 

Đời chúa Trịnh Giang, ông cho xây cung Khánh Thụy trên đảo Ngọc thì các trò tiêu khiển của nhà chúa chuyển từ Hồ Tây về Hồ Gươm. Vào ngày đẹp trời, chúa và đoàn tùy tùng đi thuyền ra đảo Ngọc mở yến tiệc tùng. Lại chèo thuyền ra Gò Rùa câu cá. 

Sau khi Nguyễn Ánh đánh bại quân Tây Sơn, chuyển kinh đô vào Huế năm 1802 thì Hồ Gươm không còn là điểm ăn chơi nữa. Dù vẫn là hồ thiêng bởi truyền thuyết Lê Lợi trả kiếm cho thần Kim Qui nhưng hầu như không có hoạt động gì trên hồ.

Tắm ở hồ Hoàn Kiếm bị cấm từ khi nào?  - Ảnh 1.

Biểu diễn lướt ván ở hồ Hoàn Kiếm năm 1954. Ảnh: Nguyễn Duy Kiên.

Đời vua Tự Đức, quan huyện Thọ Xương lơ là quản lý nên dân các làng Yên Trung, Vũ Thạch, Tự Tháp, Phúc Tô lấn chiếm làm nhà sát mép Hồ Gươm. Họ bắc cầu ao để hàng ngày họ xuống rửa rau vo gạo. 

Năm 1877, một cái tháp được xây trên Gò Rùa, người đứng ra xây tháp được cho là ông Nguyễn Hữu Kim (1832-1901) còn gọi là Bá Kim người làng Vũ Thạch (tương ứng với phố Hàng Khay, đầu Bà Triệu và một đoạn phố Hai Bà Trưng ngày nay). 

Việc ông Bá Kim xây Tháp Rùa đến nay vẫn còn 2 luồng ý kiến khác nhau, có ý kiến cho rằng ông là người xây tháp nhưng lại có ý kiến phủ nhận. 

Từ khi có tháp trên Gò Rùa, mùa hè nóng bức, đàn ông đàn bà nếu có tắm thì ngồi ở cầu ao múc nước dội. Dù không có lệnh cấm nhưng không ai dám tắm dưới hồ hay bơi vi thần Kim Qui bắt. 

Năm 1882, Pháp đánh thành Hà Nội và chiếm thành. Năm 1883, Pháp bổ sung binh lính đến Hà Nội, một số đóng quân ở chùa Báo Ân, đền Ngọc Sơn. Mùa hè, lính Pháp tắm ở hồ cạnh chùa Báo Ân và Hồ Gươm, cho rằng việc đó là xúc phạm vào nơi linh thiêng nên dân chúng phản đối dữ dội. Báo Tương lai Bắc Kỳ cũng lên tiếng phản đổi vì thế bọn họ không dám tắm ở hai hồ này nữa.

Năm 1885, chính quyền Pháp xua dân sống mép hồ làm đường bao quanh. Cuối năm 1892 đường hoàn thành. Tết năm 1893 họ làm lễ khánh thành, trong lễ này họ tổ chức các trò chơi dân gian như: leo cột mỡ, bịt mắt đập niêu, đấu vật, bắn pháo bông… Ở dưới hồ họ tổ chức đua thuyền thúng. 

Xung quanh hồ cho đặt những ghế cho người đi chơi nghỉ chân (ban đầu là ghế gỗ, sau đổi thành ghế xi măng). Năm 1893, chính quyền cho xây nhà lục giác ở Vườn hoa Tứ Tòa (nay là Vườn hoa Lý Thái Tổ) cho đội nhạc binh của quân đội Pháp thổi kèn (dân chúng gọi nôm là Vườn hoa Nhà Kèn) vào tối thứ bẩy. 

Từ đây Hồ Gươm thành nơi vui chơi giải trí công cộng của Hà Nội. Trong nửa đầu thế kỷ 20, Toàn quyền Đông Dương đã xếp Hồ Gươm và các di tích quanh hồ là di tích văn hóa, giao cho Viện Viễn Đông bác cổ quản lý. Viện này đã ban hành các qui định bảo vệ, cấm câu cá, cấm tắm và bơi lội ở Hồ Gươm. Giả sử họ có cho phép thì cũng chẳng ai dám tắm, dám bơi vì nước hồ ô nhiễm vì nước thải từ các phố phía Bắc thành phố chảy vào cống đổ ra hồ.

Sau năm 1954, đáp ứng đời sống tinh thần cho người dân thủ đô, Ủy ban hành chính Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa xung quanh hồ vào ngày nghỉ, ngày lễ như: đánh cờ tướng ở đình Trấn Ba trong đền Ngọc Sơn, thả chim trước cổng đền, đua xe đạp quanh hồ, biểu diễn ca múa nhạc ở trước Ngân hàng Nhà nước. Ở dưới hồ, thành phố cho lập bến thuyền ở sát nhà Thủy Tạ. 

Vào ngày hè, thiếu niên được phép chèo thuyền dạo quanh trên hồ. Vào các dịp lễ như: Quốc tế lao động 1-5, Quốc tế Thiếu nhi 1-6, Quốc khánh 2-9 hay tết Nguyên Đán, Sở Thể dục Thể thao Hà Nội tổ chức lướt ván trên hồ cho dân chúng thưởng ngoạn. Vận động viên đứng trên tấm ván, tay nắm dây, dây này buộc vào ca nô chạy với tốc độ cao. Khó nhất là khi ca nô cua quanh Tháp Rùa, nếu không khéo thì cả ván và vận động viên sẽ chìm hoặc có khi đập vào tháp.

Nhiều năm liền, vào ngày Quốc khánh, thành phố tổ chức bắn pháo hoa ở Hồ Gươm thu hút rất đông người thủ đô và các tỉnh đổ về xem. Ngày 5/8/1964, máy bay Mỹ đánh bom miền Bắc, các hoạt động vui chơi giải trí phải tạm ngừng cho đến đầu năm 1973 mới hoạt động trở lại. Tuy nhiên được vài năm thì có ý kiến việc lướt ván và bơi thuyền trên Hồ Gươm ảnh hưởng đến rùa. Thiếu ô xy rùa không dám ngoi lên thở, có thể bị chết vì thế các hoạt động này bị dừng lại.

Năm 1996, nước thải ở phía Bắc thành phố đã không còn đổ vào hồ, nước không còn ô nhiễm nhưng hầu như không ai tắm hay bơi. Ngoài qui định cấm tắm vì không văn minh còn một lý do khác là yếu tố tâm linh. 

Theo quy chế quản lý phố đi bộ Hồ Gươm và phụ cận ban hành giữa năm 2022, các hành vi như bơi lội, câu, đánh bắt cá và sinh vật khác dưới lòng hồ bị cấm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem