Phân biệt rõ loại hình nhà ở xã hội và nhà ở công nhân

Thái Nguyễn Chủ nhật, ngày 25/06/2023 15:50 PM (GMT+7)
Nhà ở xã hội và nhà ở công nhân đều có điểm chung là loại hình nhà ở được xây dựng dành cho những đối tượng có thu nhập thấp. Tuy nhiên, 2 loại hình nhà ở này vẫn có điểm khác biệt về vị trí và tính pháp lý.
Bình luận 0

Theo Luật Nhà ở 2014, khái niệm nhà ở xã hội được quy định là nhà ở có sự hỗ trợ của nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật.

Do đó, nhà ở xã hội là một loại hình nhà ở thuộc sở hữu của cơ quan nhà nước (có thể trung ương hoặc địa phương) hoặc các loại hình nhà được sở hữu và quản lý bởi nhà nước, các tổ chức phi lợi nhuận được xây dựng với mục đích cung cấp nhà ở giá rẻ cho một số đối tượng được ưu tiên trong xã hội như: công chức của nhà nước chưa có nhà ở ổn định, người có thu nhập thấp… và được bán, cho thuê hoặc cho ở với giá rẻ so với giá thị trường.

Người mua nhà ở xã hội sẽ nhận được sổ đỏ lâu dài hoặc 50 năm, và chỉ được chuyển nhượng cho đối tượng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội sau ít nhất 5 năm kể từ khi thanh lý hợp đồng mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội.

Phân biệt rõ loại hình nhà ở xã hội và nhà ở công nhân - Ảnh 1.

Nhà ở công nhân và nhà ở xã hội có sự khác nhau về mặt vị trí và pháp lý

Đối với nhà ở công nhân, là loại hình được xây dựng cho công nhân, phần lớn dành cho công nhân làm việc tại các nhà máy lân cận hoặc trong các khu công nghiệp. Nhà ở công nhân có vai trò giải quyết vấn đề nhu cầu nhà ở tại một số khu vực, đồng thời cung cấp điều kiện sống an toàn và tiện lợi cho các công nhân.

Theo đó, nhà ở công nhân có một số khác biệt với nhà ở xã hội, chủ yếu là về mặt vị trí và pháp lý. Nhà ở xã hội có thể được phát triển ở nhiều nơi, trong khi đó nhà ở công nhân chỉ phục vụ cho đối tượng công nhân nên sẽ tập trung ở trong các khu công nghiệp hoặc khu vực xung quanh khu công nghiệp.

Nhà ở công nhân phần lớn được thiết kế dưới dạng căn hộ cho thuê, và được phát triển bởi doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân. Ba đối tượng được phép cung cấp nhà ở công nhân bao gồm: doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp và các doanh nghiệp bất động sản. Tại các tỉnh phía Bắc hiện nay, 70% nhà ở công nhân được phát triển bởi các doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp.

Nhà ở công nhân là dạng các tòa nhà ở thấp tầng có chiều cao tối đa 5 tầng và không có thang máy với khu vực đỗ xe được bố trí ở mặt đất. Một số tiện ích hỗ trợ bao gồm khu sinh hoạt cộng đồng, căng tin, siêu thị mini, không gian xanh và sân chơi.

Phòng ở được bố trí theo 2 dạng là phục vụ người độc thân và hộ gia đình. Diện tích phòng trung bình đối với loại phòng ở độc thân là khoảng 30 - 35 m2 cho tối đa 6 người ở chung. Loại hình phòng ở cho hộ gia đình có diện tích trung bình 25 m2 dành cho 1 hộ 4 người. Theo quy định, tiêu chuẩn diện tích tối thiểu đối với nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp là 5m2/người, được ở tối đa 8 người. Mỗi phòng được trang bị nội thất cơ bản bao gồm 1 phòng ngủ, 1 nhà vệ sinh, có hoặc không có bếp.

Theo ghi nhận của Savill, Việt Nam có khoảng 4,5 triệu lao động trong khu công nghiệp, một nửa trong số đó cần chỗ ở tương đương với nhu cầu nhà ở là 12,5 triệu m2 sàn. Tuy nhiên, nguồn cung hiện hữu mới chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu thực tế của công nhân lao động. Do sự thiếu hụt này, rất nhiều khu nhà trọ gần các khu công nghiệp được người dân xây dựng để cho thuê.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem