Tâm điểm
Bùi Mẫn

Bãi xe vi phạm chồng chất: Những biện pháp thay thế tạm giữ phương tiện

Năm 2022, tại một ngã tư đèn xanh đèn đỏ ở gần Deira (Dubai, UAE), tôi chuẩn bị quay đầu xe thì kịp nhìn thấy bảng hiệu cấm nên quyết định cho xe đi thẳng, nhưng rồi lại phát hiện ra mình đi vào làn đường ngược chiều. Tôi vội lùi lại nhưng đã muộn. Đèn flash camera như một tia chớp đánh vào mắt. Sau đó tôi kiểm tra ứng dụng Cảnh Sát Dubai thì biết mình đã bị phạt nguội.

Với lỗi đi vào đường ngược chiều, xe sẽ bị tạm giữ 7 ngày. Theo luật, chủ xe phải tự mang xe đến phòng quản lý giao thông gần nhất để thực hiện việc "treo bánh xe". Tuy nhiên thực tế tôi không bị tạm giữ xe mà chỉ phải đóng đủ tiền phạt theo đúng số ngày tạm giữ, chi phí giải phóng xe hay còn gọi là phí trả xe (car release fee) và tiền phạt lỗi đi ngược chiều.

Trước đây, bãi tạm giữ xe ở Dubai từng bị quá tải, các phương tiện phủ dày bụi sa mạc, rất nhiều xe bị "bỏ rơi" vì chi phí phạt nguội cao và người dân ngại đến làm thủ tục phiền phức. Tình trạng này có lẽ phần nào giống Việt Nam hiện nay. Đơn cử theo đại diện Công an TPHCM thì các bãi xe tang vật trên địa bàn đang quá tải, thiếu hơn 10.000 m² kho bãi để tạm giữ xe vi phạm hành chính. Nhiều bãi giữ xe chồng chất, có những bãi không mái che. Trong những năm qua từng xảy ra một số vụ cháy bãi xe tạm giữ.

Bãi xe vi phạm chồng chất: Những biện pháp thay thế tạm giữ phương tiện - 1

Hàng chục nghìn phương tiện vi phạm chất đống trong các bãi xe tang vật ở TPHCM (Ảnh minh họa: Hải Long)

Từ năm 2021, để giải quyết tình trạng bãi tạm giữ xe quá tải, UAE cho phép chủ xe được "tự treo xe" ở nhà, tiếng Anh gọi là "smart impound". Người dân được cung cấp một thiết bị định vị thông minh cài đặt vào xe của mình. Xe sẽ không thể sử dụng cho đến khi chủ xe đóng đủ toàn bộ tiền phạt.

Những thay đổi trên đã giảm đáng kể phiền toái cho người dân bị phạt vì vi phạm giao thông, cũng như giảm áp lực giữ xe đối với nhà chức trách. Đây là một giải pháp đồng lợi. Chế tài nghiêm khắc với các hành vi vi phạm giao thông là cần thiết để giữ gìn kỷ cương trong xã hội, nhưng biện pháp linh hoạt, sáng tạo, phù hợp thực tế và áp dụng tiến bộ công nghệ để tiết kiệm nguồn lực xã hội (công sức, thời gian của người dân và của cơ quan chức năng).

Tại Dubai, hiện nay xe chỉ bị tạm giữ trong các trường hợp vi phạm lỗi nặng như đua xe trái phép, lái xe một cách bất cẩn và nguy hiểm, sửa đổi xe để tăng tiếng ồn và tăng tốc độ (độ xe), vượt đèn đỏ, phạm lỗi nhiều lần với tổng tiền phạt lên đến 6.000 Dirhams (khoảng 40 triệu đồng) v.v. Thời gian tạm giữ xe sẽ tăng lên tùy theo mức độ nghiêm trọng của lỗi vi phạm. Ví dụ, với lỗi vượt đèn đỏ thì chủ xe có thể bị phạt lên đến 50.000 Dirhams (khoảng 330 triệu đồng), xe bị tạm giữ 30 ngày, và thậm chí chủ xe có thể bị trục xuất nếu là người nước ngoài.

Tương tự, ở Anh xe có thể bị tạm giữ nếu xe không có bảo hiểm hoặc không có bằng lái, xe là tang vật hình sự, xe bị trộm cắp, lái xe với hành vi quấy rối xã hội, lái xe nguy hiểm, đậu xe trái phép (xe bị kéo đi để không gây cản trở giao thông), lái xe không được phép vào đất của người khác, hoặc xe liên quan đến một tai nạn nghiêm trọng.

Ở Dubai khác ở Anh là một số trường hợp cho nộp phí để "tự treo xe" ở nhà như tôi đã nêu ở trên. Nhìn chung các nước đều có quy định về tạm giữ phương tiện trong trường hợp chủ xe vi phạm, tuy nhiên họ không lạm dụng biện pháp này mà chỉ áp dụng khi chủ xe phạm lỗi nặng.

Ở Việt Nam trước đây xe máy là tài sản có giá trị lớn của một gia đình, việc tạm giữ xe vì thế có tác dụng răn đe lớn. Nhưng theo thời gian, kinh tế phát triển, đối với nhiều người thì chiếc xe máy chỉ là một tài sản tương đối nhỏ, thậm chí nếu xe đã cũ nát thì đó là tài sản không còn giá trị gì đáng kể. Vì vậy khi bị tạm giữ phương tiện, nhiều người vi phạm thà bỏ xe hơn là đến nộp phạt, nhận lại xe. Thực tế này góp phần dẫn đến tình trạng các bãi giữ xe ngày càng chồng chất. Nhìn từ góc độ này thì biện pháp tạm giữ xe ít nhiều mất tác dụng.

Trong khi đó xe bị tạm giữ phơi mưa nắng ở các bãi là sự lãng phí lớn. Nếu mỗi xe có giá trung bình 15 triệu đồng, thì 100.000 xe bị lưu giữ có giá trị 150 tỷ đồng. Việc tạm giữ xe gây khó khăn cho người dân vì họ mất phương tiện di chuyển, tăng áp lực cho cơ quan chức năng trong việc tổ chức thu giữ và bảo quản phương tiện, hơn nữa còn chiếm quỹ đất lớn làm bãi tạm giữ. Các phương tiện giao thông chất đống tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ.

Thiết nghĩ chúng ta nên nhìn nhận lại cách thức thực hiện luật pháp về xử phạt vi phạm giao thông sao cho vừa đảm bảo kỷ cương, nghiêm minh, vừa thấu tình đạt lý và mang lại lợi ích hài hòa cho tất cả các bên.

Với hoàn cảnh kinh tế xã hội và giao thông đặc thù ở Việt Nam hiện nay, theo tôi nên hạn chế tạm giữ phương tiện khi xử lý vi phạm, chỉ khi nào thật cần thiết thì mới áp dụng biện pháp này.

Với cách tiếp cận trên, câu hỏi đặt ra đâu là biện pháp thay thế? Trước hết, tôi đồng tình với hướng xử lý được đại diện Công an TPHCM nêu trong cuộc họp báo chiều 11/1, đó là tạm giữ các giấy tờ, chứng chỉ thay cho phương tiện để giảm số tang vật cần tạm giữ.

Theo tôi, đối với người có nồng độ cồn khi tham gia giao thông, chúng ta có thể bố trí dịch vụ đưa cả xe và người về nhà an toàn như thuê tài xế Grab, hoặc sử dụng xe tải nhỏ, xe bán tải đưa người dân về nhà. Tất cả chi phí phát sinh sẽ gộp chung vào tiền phạt.

Ở Anh, người vi phạm giao thông có thể nộp phạt sớm trong vòng 14 ngày và tiền phạt được giảm một nửa. Đây là cách làm nhân văn. Người vi phạm, vì vậy, vừa rút ra bài học, vừa cảm thấy sự "khoan hồng". Nếu người vi phạm không nộp phạt sau 28 ngày nhận được giấy phạt thì sự việc sẽ được đưa sang tòa án; tiền phạt tăng lên 50%. Thêm vào đó, người vi phạm phải đóng chi phí tòa án, và có thể bị bắt giữ. Ngoài ra, cơ quan quản lý bằng lái xe ở Anh có thể xem xét tước bằng lái xe đối với chủ phương tiện.

Ở Anh và UAE cũng như ở nhiều nước khác trên thế giới, trường hợp xe bị tạm giữ mà chủ xe không đến nhận lại thì sở cảnh sát địa phương (có thể kết hợp với các công ty tư nhân) tiến hành đấu giá với thủ tục đơn giản. Ở Việt Nam hiện nay xe tang vật khó thanh lý vì thủ tục rườm rà, phức tạp, đây là vấn đề chúng ta cần sớm điều chỉnh.

Ngoài ra, hiện nay công nghệ phát triển nên việc áp dụng biện pháp định vị xe khá đơn giản và chi phí vừa phải, cho phép chủ phương tiện "treo xe" ở nhà trong thời gian theo yêu cầu của cảnh sát, không cần phải đưa xe đến bãi giữ tang vật.

Một vấn đề nữa là ở Việt Nam hiện không chỉ cảnh sát mà chủ tịch phường, xã cũng có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ phương tiện giao thông. Trong khi đó, ở nước ngoài, các quyết định tạm giữ xe thường chỉ thuộc thẩm quyền của cảnh sát; các lý do tạm giữ được liệt kê cụ thể.

Thiết kế luật theo hướng một việc chỉ giao cho một lực lượng đảm nhiệm sẽ tránh chồng chéo và lạm dụng. Bao giờ cũng vậy, văn bản luật có văn phong đơn giản, dễ hiểu sẽ giúp người dân tuân thủ luật pháp tốt hơn, đồng thời việc áp dụng luật pháp khách quan và minh bạch hơn.

Tác giả: TS Bùi Mẫn là kỹ Sư cao cấp, Giám đốc Phòng thí nghiệm GTC Soil Analysis Services, Dubai UAE; ông cũng là chuyên gia về nghiên cứu đặc tính đất với hơn 20 năm kinh nghiệm, chú trọng đến quản lý và kiểm soát chất lượng, chuyên sâu về thí nghiệm địa kỹ thuật tiên tiến và đặc tính động học của đất.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!