Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh của người Việt Nam tại Pháp:

Thứ sáu, 04/02/2011 10:05

(ĐCSVN) - Nhân dịp về Việt Nam đón Xuân Tân Mão và tham gia Chương trình Xuân Quê Hương 2011, ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh của người Việt Nam tại Pháp (ABVietFrance) đã dành cho phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam một cuộc trò chuyện cởi mở, đầy thú vị.

 

Ông Nguyễn Hải Nam trong Chương trình Xuân Quê hương 2011

Phóng viên (PV): Mỗi dịp Tết đến Xuân về, dù bận nhiều công việc trong cuộc sống mưu sinh xứ người nhưng nhiều người Việt Nam ở nước ngoài vẫn cố gắng thu xếp về đón Tết cổ truyền dân tộc với gia đình, bạn bè và người thân ở trong nước.  Đối với ông  việc này có thuận lợi không? Đã bao lần ông đón Xuân tại quê nhà? Cảm xúc của ông trong mỗi chuyến về lại quê hương?

Ông Nguyễn Hải Nam: Tôi không thể đếm nổi số lần trở về Việt Nam, chỉ nhớ lần đầu tiên tôi trở lại là vào dịp Tết năm 1991, cách đây đúng 20 năm; từ đó đến nay, tôi về thường xuyên, tối thiểu 1 năm 1 lần. Đặc biệt kể từ năm 2004, tôi phụ trách dự án đầu tư của một ngân hàng Pháp lớn vào thị trường Việt Nam, vì vậy, cơ hội về nước càng nhiều hơn, có năm tôi về Việt Nam tới 4 lần... Có lẽ cũng bởi vậy mà cảm xúc của tôi trong mỗi chuyến về quê có nhiều nét khác biệt so với các kiều bào ít có cơ hội về nước.

Tuy nhiên, mặc dù liên tục đi về Việt Nam song tôi vẫn luôn nhận ra sự thay đổi đáng kinh ngạc của đất nước chúng ta. Trong đó, thành tựu nổi bật mà nước ta giành được sau hơn 20 năm đổi mới chính là tăng trưởng kinh tế (GDP) trung bình 7% mỗi năm từ nhiều năm nay, mức tiêu dùng và tiện nghi cuộc sống của người dân được cải thiện đáng kể, ví dụ khi đến những Trung Tâm Thương Mại của Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ không thấy khác gì đối với những nước tân tiến trên thế giới. Tôi nghĩ rằng thật tiếc cho những kiều bào không có cơ hội hoặc điều kiện về Việt Nam thường xuyên bởi họ sẽ không được chứng kiến hay khó có thể đo lường sự thay đổi và phát triển hàng ngày của đất nước. Song, cũng không thể phủ nhận rằng có một số thay đổi ở nước ta mà theo tôi là không mấy tích cực, đó là nạn tắc đường, ngập lụt, ô nhiễm, … xảy ra ngày càng nhiều. Vì vậy, theo tôi, vấn đề hoàn thiện cơ sở hạ tầng và quy hoạch đô thị sẽ là thử thách lớn đối với chúng ta trong tương lai.

Tôi về Việt Nam hàng năm, tuy nhiên, rất ít có cơ hội trở về vào đúng dịp Tết, lần gần đây nhất tôi đón Tết tại quê hương là vào năm 2002, đã gần 10 năm trước. Mỗi năm đón giao thừa và năm mới tại Paris, trong thâm tâm của những kiều bào như tôi đều không khỏi có chút bùi ngùi, nhớ về không khí đầm ấm, náo nức đón Xuân cùng người thân, bạn bè và đồng bào trong nước.

PV: Với cương vị là Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh của người Việt Nam tại Pháp (ABVietFrance) ông vui lòng cho biết những thành tựu mà cộng đồng người Việt tại Pháp đã đạt được trong năm vừa qua? Bên cạnh đó, kiều bào ta hiện đang sinh sống ở Pháp có gặp nhiều khó khăn không, thưa ông?

Ông Nguyễn Hải Nam: Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, thông qua nhiều hội đoàn được tổ chức quy mô và có kinh nghiệm như Hội Người Việt Nam tại Pháp (UGVF), Hội Văn Hóa Pháp Việt ở Perpignan, Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF), Hội Thanh Niên tại Pháp (UJVF),… đã tổ chức nhiều sự kiện quy mô trong các lĩnh vực như văn hoá, thông tin và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam và tiến hành nhiều hoạt động từ thiện.

Đặc biệt, sự ra đời của Hiệp hội kinh doanh của người Việt Nam tại Pháp, đúng vào ngày Quốc Khánh Việt Nam 02/09/2010, là một minh chứng cụ thể của sự năng động và nhiệt huyết trong sự nghiệp xây dựng đất nước của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp nói chung và giới doanh nhân Việt Nam tại Pháp nói riêng. Mặc dù còn đang trong giai đoạn xây dựng song nhờ được sự ủng hộ của Thương vụ và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cũng như sự tham gia đóng góp tích cực nhiều thành viên trong nhóm sáng lập, Hội đã bắt đầu đi vào hoạt động ngay từ khi thành lập. Cụ thể, trong hơn 10 dự án mà Hội đã nhận được, có 3 dự án đáng quan tâm, đó là: 1-Chương trình giáo dục đào tạo kinh tế thương mại cho các trường Đại học của Việt Nam với sự tài trợ của chính phủ và doanh nghiệp lớn của Pháp, trong khuôn khổ này, sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội thực tập ở Pháp, để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trở về nước làm việc có hiệu quả hơn; 2-Tham gia với Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp tổ chức bán hàng và quảng bá hình ảnh Chè và Ca phê Việt Nam tại Hội Chợ Paris 2011; 3-Xây dựng Làng Việt Nam ở ngoại ô Paris nhằm mục đích quảng bá sản phẩm và hình ảnh đất nước Việt Nam.

Từ nhiều năm nay, bà con người Việt Nam sinh sống tại Pháp đã hội nhập rất tốt vào xã hội Pháp. Năm 2010 vừa qua, nền kinh tế nước Pháp trong giai đoạn phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2007/2008, vì vậy kiều bào ta sinh sống tại đây cũng không gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

PV: Ông có quan tâm tới sự kiện trọng đại vừa diễn ra của Đảng Cộng sản Việt Nam hay không? Xin ông chia sẻ một vài suy nghĩ về sự kiện này?

Ông Nguyễn Hải Nam: Tôi về đến Việt Nam trong thời gian Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI đang diễn ra và kết thúc thành công với nhân sự mới của Bộ Chính Trị và Ban Chấp hành Trung ương. Tôi chăm chú theo dõi sự kiện trọng đại này bởi nó quyết định con đường phát triển của đất nước mình trong những năm tới. Tôi hiểu được là Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung vào vấn đề tăng trưởng và phát triển bền vững, và điều tôi đặc biệt hoan nghênh là sự tăng trưởng kinh tế này sẽ được kết hợp với tiến bộ và công bằng xã hội.

Ngoài ra, cá nhân tôi cũng ghi nhận hai điểm quan trọng: Cương lĩnh về đặc trưng cơ bản của xã hội chủ nghĩa là “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp” và “Đại hội nhiệt thành kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, đồng bào ta ở trong nước cũng như ở ngoài nước, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội ”.

PV: Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm tới công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Là một Việt kiều hiện đang sinh sống ở Pháp, ông đánh giá thế nào về các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với kiều bào?

Ông Nguyễn Hải Nam: Tôi trở về Việt Nam thường xuyên từ 20 năm trở lại đây, cho nên có thể đủ kinh nghiệm để thấy sự khác biệt trong chính sách đãi ngộ và tiếp đón Việt kiều của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt, từ năm 2004 đến nay, với Nghị Quyết 36 NQ-TW của Bộ Chính trị, Đảng và Nhà Nước ta đã thể hiện rõ và cụ thễ các chính sách để khuyết khích người Việt Nam ở nước ngoài trở về quê hương để du lịch, định cư, kinh doanh hay tìm công ăn việc làm. Những quyết định được đưa ra như miễn thị thực 5 năm, luật quốc tịch, đầu tư dành cho Việt Kiểu…đã đáp ứng nhu cầu của đông đảo bà con kiều bào, qua đó thực hiện chính sách hòa hợp, đoàn kết dân tộc.

Cá nhân tôi, nhờ chính sách trên, tôi rất hãnh diện được Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cấp phát lại quốc tịch Việt Nam năm vừa rồi, và hiện nay có hai quốc tịch Việt Nam và Pháp. Từ đáy lòng mình, tôi chân thành cảm ơn Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) nói riêng và Đảng, Nhà nước Việt Nam nói chung, đã tổ chức nhiều hoạt động lớn và có ý nghĩa như Hội Nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất, Đại lễ Thăng Long, chương trình Xuân Quê Hương… Cũng nhờ được tham dự vào những sự kiện này mà tôi đã quyết định đóng góp tích cực hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng đất nước bằng cách thành lập Hội Doanh Nhân Việt Nam tại Pháp, nhằm mục đích liên kết các nguồn lực, các tài năng của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, người Pháp gốc Việt, và tất cả những người có quan hệ chặt chẽ với Việt Nam để phát triển lĩnh vực trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Pháp cũng như giữa Việt Nam với các nước châu Âu.

PV: Trong tương lai, ông có dự định về Việt Nam sinh sống hay không?

Ông Nguyễn Hải Nam: Mặc dù còn ở Pháp, nhưng ngay trong giai đoạn đầu khi trở lại Việt Nam, tôi vẫn luôn tâm niệm rằng, nếu làm một việc quan trọng và ý nghĩa nhất trong cuộc đời thì chắc chắn đó là dành cho đất nước Việt Nam chúng ta! Còn có thể sinh sống lâu dài ở Việt Nam được hay không, thì sẽ còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt là cơ hội nghề nghiệp lâu dài… song tôi luôn hy vọng là sẽ có thể!

PV: Xin cảm ơn ông!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực