Chăn nuôi gia súc - hướng phát triển kinh tế ở Điện Biên

Thứ ba, 01/03/2022 10:19
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Từng bước thay đổi tập quán sản xuất cũ, chủ động tận dụng những lợi thế sẵn có của địa phương, thời gian qua, việc chăn nuôi gia súc đã giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Điện Biên có thu nhập ổn định…
 Một mô hình nuôi vỗ béo trâu, bò tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. (Ảnh: Minh Phúc).

Những năm gần đây, người dân trên địa bàn một số xã của huyện Điện Biên (Điện Biên) đã chuyển từ việc chăn thả gia súc sang nuôi nhốt tập trung. Cũng nhờ nuôi nhốt gia súc, người dân có thể chủ động trong việc tiêm phòng; hạn chế đến mức thấp nhất vật nuôi chết do dịch bệnh, giá rét. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Kim Dụng tại thôn 10, xã San Mứn, huyện Điện Biên. Mạnh dạn phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, ông Dụng thuê 2 ha trồng ngô và cỏ, đồng thời mua rơm, thân cây ngô sau mỗi vụ thu hoạch để chủ động nguồn thức ăn. Nhờ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, bình quân mỗi năm gia đình ông Dụng có thu nhập vào khoảng 400 triệu đồng, sau khi đã trừ đi các loại chi phí. Theo ông Dụng, với mô hình này, đàn trâu, bò sinh trưởng khá tốt, ít bị bệnh.

Tương tự như gia đình ông Dụng, mô hình chăn nuôi bò theo hướng gia trại của gia đình chị Lường Thị Hiền tại xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) cũng đang được nhiều người tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Nhờ được nuôi nhốt, chăm sóc tập trung nên đàn bò lớn nhanh, ít ốm, bệnh. Hiện nay, mỗi năm chị Hiền xuất bán từ 17- 20 con bò. Nhờ chủ động phòng, chống dịch bệnh và chuẩn bị đầy đủ thức ăn khô dự trữ nên đàn gia súc của gia đình đều khỏe mạnh, sinh sản nhanh. Lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí từ mô hình nuôi bò này đã đem lại cho gia đình chị Hiền khoảng 150 triệu đồng/năm.

Được biết, gia đình ông Dụng và gia đình chị Hiền chỉ là hai trong số rất nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên thành công khi phát triển chăn nuôi gia súc. Trước đây, đa số người dân tỉnh Điện Biên đều có thói quen nuôi gia súc theo phương thức thả rông, để gia súc tự kiếm thức ăn. Do tập quán này, nên chất lượng đàn gia súc không cao, tốc độ sinh trưởng và sức đề kháng cả gia súc thấp; trâu, bò thường bị chết do dịch bệnh hoặc do giá rét về mùa đông… Với sự hướng dẫn, hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, trực tiếp là ngành Nông nghiệp, các mô hình chăn nuôi tập trung, nuôi nhốt trâu, bò đã được xây dựng và nhân rộng. Giá trị kinh tế từ các mô hình này đã thu hút người dân quan tâm, phát triển tại nhiều địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo thống kê, đến nay, tổng đàn trâu của tỉnh Điện Biên là hơn 131.000 con, tổng đàn bò hơn 87.000 con. Các huyện có số lượng trâu, bò lớn như: Điện Biên, Nậm Pồ, Tuần Giáo, Điện Biên Đông… Toàn tỉnh hiện có trên 300 trang trại chăn nuôi hỗn hợp trâu, bò, dê; trong đó có gần 290 trang trại quy mô nhỏ, 18 trang trại quy mô vừa và hàng nghìn mô hình chăn nuôi gia trại hiệu quả. Cùng với đó, tổng sản lượng thịt hơi trâu, bò năm 2021 toàn tỉnh ước đạt trên 4.600 tấn. Điều này cho thấy việc chăn nuôi gia súc trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa và ngày càng được người nông dân chú trọng về chất lượng sản phẩm.

Đàn trâu cái tại Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng vật nuôi Điện Biên. (Ảnh: Minh Phúc).

Được biết, tỉnh Điện Biên cũng đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững chăn nuôi gia súc ăn cỏ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó, có nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ bà con đầu tư mở rộng quy mô đàn. Đồng thời, hướng đến mục tiêu đảm bảo đàn gia súc phát triển ổn định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn bảo tồn nguồn gen trâu, bò để có điều kiện lựa chọn con giống tốt; tăng cường hướng dẫn nông dân tham gia các mô hình phát triển chăn nuôi hiệu quả; chú trọng tiêm vaccine phòng bệnh, đầu tư chăn nuôi trang trại, gia trại với nhiều quy mô theo hướng bền vững…

Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi gia súc ở tỉnh Điện Biên nhìn chung vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương. Chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa mới chỉ phát triển ở một số địa bàn nhất định. Chưa có nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, hầu hết chăn nuôi gia súc còn ở quy mô nông hộ nhỏ lẻ. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật, phòng, chống dịch bệnh, cũng như tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn; việc tổ chức liên kết sản xuất gắn với chế biến còn hạn chế, chưa có các cơ sở giết mổ tập trung và các chuỗi liên kết sản xuất…

Với mục tiêu phát triển chăn nuôi gia súc bền vững, thời gian tới tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tập trung phát triển chăn nuôi trâu, bò theo các mô hình nuôi nhốt, nuôi vỗ béo... Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi; khuyến khích nông dân chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi gia súc; lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ cải tạo con giống; tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi gia súc… Từ đó, thúc đẩy chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; đưa chăn nuôi gia súc trở thành một trong những hướng phát triển kinh tế hiệu quả của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh./.

Nguyễn Thị Phượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực