Nhà văn Lan Khai

Không nhớ lúc nào nhưng từ khi có dịp tiếp xúc và quen thuộc với Internet thì tôi đi ” giang hồ chữ nghĩa ” thường xuyên hơn. Khi nào chán viết hoặc cần tìm tài liệu để viết tôi lại bò lên mạng, lang thang vào các trang web, blog của bất cứ ai quen lạ, thân sơ, không phân biệt sự bất đồng chính kiến và khuynh hướng chính trị… Cũng nhờ vậy mà tôi thu thập được khá nhiều mẫu chuyện lý thú và hay ho của các nhạc sĩ tiền chiến hoặc đương thời cùng với những mối tình lãng mạn của nhiều thi sĩ còn sống hoặc đã qua đời. Sau khi đọc qua để chọn lọc, nay tôi xin đăng lên đây cho mọi người được biết về các nghệ sĩ đã không ngại tốn hao tâm huyết để cống hiến đời mình cho nghệ thuật, cho dân tộc và cho đất nước Việt Nam thân yêu.

Khi nói tới nghệ thuật thì không nên đề cập tới chính trị. Vì vậy mà bài viết này sẽ tách biệt hẵn nghệ thuật ra khỏi chính trị cũng như sẽ không phân biệt người ở trong nước hay hải ngoại, cộng sản hoặc quốc gia mà chỉ đơn thuần xem như là một nghệ sĩ.

Một điều đáng nói và xin đươc nêu lên đây là, do ở chuyện sao chép lại và lưu trữ lâu quá trong máy điện toán riêng thành ra tam sao thất bổn và không còn nhớ rõ nguồn gốc của những mẫu chuyện rời này. Xin cáo lỗi cùng các trang mạng cũng như bất cứ tác giả của bài viết. Xin cám ơn quí vị.

 

Lan Khai một đời mệnh bạc

 Chân dung ông Lan Khai thời trẻ.

Lan Khai sinh năm Bính Ngọ 1906, vào buổi trưa hè ngày 24/6, trong một căn nhà lá 3 gian vách gỗ tại xã Vĩnh Lộc (nay là thị trấn Vĩnh Lộc) huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Chỉ trong vòng 17 năm của đời cầm bút ngắn ngủi, 39 năm hưởng dương, ông đã để lại một khối lượng sáng tác đồ sộ gồm 50 cuốn sách của các thể loại.

Giờ, theo hành trình gió sương mưu sinh của những người con, di ảnh ông lại được đưa về hưởng nhang tại một góc phố chợ nơi thị xã miền biên viễn Hà Giang. Đây là câu chuyện tôi ghi lại về ông từ trí hồi tưởng của người con trai còn lại duy nhất, gắn bó với ông nhất và có lẽ là đứa con ông yêu nhất: Ông Lan Phương.

Thanh bần mà đồ sộ

Những người cùng thời và hậu thế sau này yêu thích văn chương của Lan Khai đều nghĩ rằng ông là người miền núi, cho ông là nhà văn “đường rừng”. Thế nhưng thực tế nguồn gốc xuất thân của ông không hẳn như vậy. Huyết thống để tạo dựng nên con người ông lại thuộc hàng trâm anh thế phiệt, họ Nguyễn, gốc Đàng trong, thuộc phủ Thừa Thiên – Huế.

Ông Lan Khai tên thật là Nguyễn Đình Khải, cha ông là Nguyễn Đình Chức – người vì hưởng ứng phong trào Cần Vương đã chạy từ Huế ra Hương Sơn (Hà Tĩnh) tham gia cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng. Khi căn cứ Ngàn Trươi tan rã, tướng quân Phan Đình Phùng ra đi, ông Chức do dấn thân và đóng góp nhiều quá cho cuộc khởi nghĩa này nên đã phải chạy lên tận miền sơn cước Vĩnh Lộc, Chiêm Hóa để náu thân. Tại nơi sơn lam chướng khí này, ông đã chọn nghề dạy học, bốc thuốc để mưu sinh và để đức cho đời.

Do đức tín của nghề thuốc và nghề thầy, lại thêm tinh thần nghĩa sỹ vốn cuộn chảy nên ông Nguyễn Đình Chức nhanh chóng trở thành người có uy tín trong vùng và được một gia tộc bề thế trên đây gả cho cô con gái yêu của mình là Lê Thị Thục. Sự giao duyên giữa 2 con người thuộc loại “trai anh hùng, gái thuyền quyên” đã cho ra đời ông Nguyễn Đình Khải, nhà văn nổi tiếng Lan Khai sau này.

Ông Lan Khai là người thông tuệ. Người ta đồn rằng cha mẹ ông cho ông cắp sách đến đâu học ông cũng nhanh chóng “lấy được hết chữ”, “lấy được hết kiến thức” của người dạy mình, đó là còn chưa kể đến tài vẽ vời, làm thơ, viết văn của ông. Ấp ủ những điều chưa làm được cho đời của mình, coi chữ nghĩa và kiến thức là trên hết nên cha ông đã bạo gan đưa ông xuống Trường Bưởi để học. Đây là một việc làm táo bạo, hết lòng vì con của cha mẹ ông. Vì ngày ấy, ở nơi heo hút, nghèo khó như Tuyên Quang, một gia đình giáo viên kiêm nghề bốc thuốc như ông Chức mà dám đem tiền đưa con xuống Hà Nội học là chuyện “lạnh người”.

Học xong Trường Bưởi, năm 18 tuổi ông thi đỗ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, một trường có tiếng của chế độ bảo hộ Pháp quốc lúc bấy giờ, đây cũng là ngôi trường đào tạo ra nhiều người nổi tiếng sau này. Năm 21 tuổi, trong dặm đường đi về giữa Hà thành và xứ Tuyên ông đã gặp và kết duyên với bà Hà Thị Minh Kim, một người con gái có nhan sắc, nết na và nhân hậu có một không hai của xứ Tuyên Quang.

Bà Hà Thị Minh Kim, người vợ, người trợ bút đắc lực cho nhà văn Lan Khai.

Lấy vợ xong, để vợ lại xứ Tuyên với bời bời mây trắng và sự cuộn chảy dữ dội của hai dòng Lô, Gâm nơi thượng nguồn, ông lại về Hà Nội tiếp tục công việc học hành. Nhưng học dưới mái trường của chế độ bảo hộ, một phần bị bức ép, thêm phần nữa với sự khinh miệt dân An Nam của một số người lúc bấy giờ nên ông đã quyết định bỏ học, về xứ Tuyên êm đềm và thơ mộng để dạy học, dịch sách và viết văn.

Với tài năng của mình cùng với duyên bút mực, tuy ở chốn thâm u thượng ngàn nhưng chỉ 5 năm sau ông đã thành danh với các thể loại, tiếng tăm “động” cả đến giới văn chương Hà Nội lúc bấy giờ. Trên đà này, để có môi trường và những giao lưu trong sáng tác, ông đã quyết định đưa cả 8 người trong gia đình mình về Hà Nội thuê nhà viết văn kiếm sống. Các tờ báo có tên tuổi lúc bấy giờ như: Loa, Ngọ Báo, Đông Tây, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Phổ thông Bán nguyệt san… liên tục đăng bài của ông. Sau khi lựa chọn, năm 1938 ông quyết định về với Tiểu Thuyết Thứ Bảy.

Một năm sau, năm 1939, Vũ Đình Long, “trùm xuất bản” gạo cội của ngành báo và tạp chí ở Hà Nội lúc bấy giờ đang làm chủ Nhà xuất bản Tân Dân có sáng kiến xin giấy phép ấn hành Tạp chí Tao Đàn. Đây là tạp chí đầu tiên chuyên ngành về văn học của làng báo nước ta lúc bấy giờ. Để có tờ tạp chí ghi dấu ấn trong lịch sử làng báo, ông Long đã đi tìm người tài. Và cái tâm, cái tầm của Lan Khai đã được ông chú ý. Lan Khai được ông Vũ Đình Long rủ về và đặt ngay cương vị Tổng thư ký Bộ biên tập mà ngày nay gọi là Tổng biên tập lúc ông mới bước sang tuổi 33.

Được ông Vũ Đình Long ưu ái nhưng với cách quản lý tiền của ông Long nên tuy nổi tiếng nhưng ông Lan Khai ngày ấy vẫn đói lắm. Và để kiếm đủ tiền thuê nhà, nuôi 8 miệng ăn, mỗi tháng ngoài cộng tác với báo và các tạp chí khác thì ngay ở Nhà xuất bản Tân Dân thôi ông Lan Khai cũng phải viết được một cuốn sách dày 100 trang với tư cách làm thuê cho ông Long. Mỗi trang lúc đó ông Long trả ông Lan Khai 8 hào.

Con trai ông kể rằng ngày ấy nhà văn Lan Khai viết “như thụi” nhưng gia đình cũng chẳng dư dật được tẹo nào cả. Là nhà văn nổi tiếng nhưng ông vẫn phải hút thuốc lào, uống rượu với lạc rang, thức ăn thường xuyên là rau muống và cà pháo. Trong hồi tưởng về những ngày cơ cực này của nhà văn nổi tiếng Lan Khai, nhà văn Nguyễn Vỹ có đoạn: Bữa ấy nghe tin người nhà trên Tuyên Quang ốm nặng, ông Lan Khai đã phải mò đến các nhà xuất bản vay tiền. Vay đến mức nài nỉ nhưng ai cũng cấn cá. Cuối cùng ông phải rút tập bản thảo ra mà hứa là sẽ sớm hoàn thành họ mới cho ông vay 20 đồng. Ông về nhà vứt nó xuống giường mà nước mắt tràn trề trên má. Cơ cực thật!

Nhưng kỳ lạ thay, chính trong thời kỳ khốn khó này lại là lúc ông Lan Khai tỏa sáng và viết được nhiều nhất trên văn đàn. 17 năm cầm bút, ông đã để lại cho đời tới 50 cuốn sách thuộc các thể loại như: Tiểu thuyết, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết tâm lý xã hội, nghiên cứu lý luận và phê bình văn học, dịch sách, làm thơ (thơ ông lấy bút danh là Lâm Tuyền Khách). Riêng tập “Truyện đường rừng” của ông đã hút hồn nhiều người, làm mê mẩn bao thiếu nữ Hà Nội lúc bấy giờ.

Chạnh lòng phố núi

Đối diện với cái ồn ào của phiên chợ trung tâm phố núi miền biên ải Hà Giang là khung cảnh êm đềm, cảm giác ẩm lạnh của ngôi nhà số 142, đường Nguyễn Thái Học, nơi thờ tự vong hồn của cố nhà văn “đường rừng” nổi tiếng Lan Khai và sự cung phụng vong linh của người con còn lại duy nhất Nguyễn Lan Phương. Ngôi nhà hẹp, hai tầng, xây cất theo kiểu đơn giản này chỉ nhộn nhịp vào mỗi buổi sáng khi có người ăn phở tìm đến. Ông Lan Phương và hậu duệ tiếp theo của nhà văn nổi tiếng Lan Khai đã chọn nghề bán phở để mưu sinh trong nhiều năm.

Ông Lan Phương kể: Chúng tôi ở cùng cha dưới Hà Nội phồn hoa chỉ trong vòng 9 năm ngắn ngủi. Kỷ niệm về bố với ông không phải là một nhà văn nổi tiếng mà là những đức tính mẫu mực. Ông Phương bảo, làm lụng vất vả người ta thường xuyên cáu gắt nhưng với ông Lan Khai lại không hề như vậy. Sau mỗi ngày lang thang phố xá, lao khổ với bút nghiên để kiếm cái ăn nhưng về khu trọ lúc nào ông cũng dành cho vợ và con một không gian đầy ắp tiếng cười. Không bao giờ ông to tiếng, cả cuộc đời ông chưa bao giờ chửi vợ mắng con. Có gì không đồng ý thì ông lên tiếng dạy bảo, chỉ với tư cách là người lớn tuổi, người đi trước trong gia đình mà thôi. Ra phố về lúc nào ông cũng cắp nách một món quà nhỏ cho lũ con và vợ ở nhà cùng tập bản thảo. Rỗi, ông thường dành thời gian chơi với các con và dạy các con học.

Sau, đến năm 1943, do lao khổ bút nghiên nặng nhọc nên ông đổ bệnh hen suyễn. Sức khỏe suy giảm, gia đình lâm cảnh khốn khó, túng bấn nên Lan Khai lại đưa cả gia đình ngược Tuyên Quang. Về trên này ông vẫn dành thời gian viết và duy trì cộng tác cũng như các mối quan hệ với bạn văn gạo cội ở Hà Nội dưới sự trợ bút đắc lực của người vợ Hà Thị Minh Kim. Thế rồi một buổi trưa ngày cuối tháng 8 năm 1945, Lan Khai từ phố về, gọi ông Phương pha cho ấm trà. Vừa uống xong hớp nước, chưa kịp ăn cơm thì có một người lạ đến, mời ông đi với một công việc khẩn kíp gì đó. Ông đi rồi không về nữa. Vậy nên vợ và các con ông đã chọn ngày cuối tháng 8 hằng năm tổ chức làm giỗ.

Ông Nguyễn Đình Khải lấy bút danh là Lan Khai vì ông thích loài hoa này. Mỏng manh với núi đồi, sống phù phiếm nhưng để lại làn hương dễ chịu cho đời. Bút danh này cũng đã “ám” vào thân phận ông. Ngắn ngủi, ẩn dật, không xô bồ nhưng tinh khiết và đẹp đẽ đến vô ngần.

Ông Lan Khai kết duyên với bà Hà Thị Minh Kim sinh hạ được 4 con đều giai. Con ông ai cũng được ông đệm cho cái tên Lan cả, với các tên: Nguyễn Lan Hương, Nguyễn Lan Phương, Nguyễn Lan Hoa, Nguyễn Lan Diệp. Người con Nguyễn Lan Hương thì hy sinh từ thời chống Pháp, không xác định được mộ chí như bố. Lan Hoa, Lan Diệp đều đã mất cả rồi. Giờ chỉ còn ông Lan Phương, người trụ lại với ngổn ngang chuyện đời, chuyện gia đình để hương khói cho nhà văn Lan Khai. Trong các con, ông Lan Phương được ông Lan Khai quý nhất và ông cũng là người gần gũi với ông Lan Khai nhiều nhất. Thế nhưng cũng như bố, ông Lan Phương cũng lận đận lắm. Ông Lan Phương sinh năm 1928. Năm 1950, trong thế trận tiễu phỉ ông đã lên Hà Giang. Tham gia kháng chiến ở Sở Tuyên truyền Liên khu 10, vào mặt trận khốc liệt của phỉ tại huyện Hoàng Su Phì, rồi sang cán bộ thuế, lại về ngành giao thông. Cuộc đời bị bắn bẩy nhiều nơi, nhiều ngành, chịu khó, chịu khổ. Ông có 5 người con nhưng học hành đều dang dở, không ai tham gia công việc hay có chức trách gì. Ông đang ở với con thứ 4, người con này cũng đang kế tục nghiệp bán phở của bố và cùng ông Lan Phương thờ tự ông nội là nhà văn nổi tiếng Lan Khai.

Qua khu vực tầng 1 ngổn ngang bàn ghế để bán phở cho khách tôi tìm lên tầng 2, phía gian trong để thăm nơi thờ tự của nhà văn nổi tiếng Lan Khai. Chỗ thờ tự ông giản đơn như cuộc sống những tháng ngày mà ông còn sống. Một bức chân dung treo chênh vênh nơi góc tường, đối diện là chiếc tủ sách nhỏ lưu giữ một số đầu sách được in mới về các tác phẩm của ông do các nhà xuất bản gửi tặng. Lan Khai để lại cho đời 50 đầu sách. Ngoài con người và văn chương thì những bài viết thuộc thể lý luận và phê bình văn học của ông đã đăng trên Tạp chí Tao Đàn như: Tính cách Việt Nam trong văn chương (Tao đàn số 4), Thiên chức của văn sĩ Việt Nam (Tao đàn số 5), Cái nguy mất gốc (Tao đàn số 6), Một lòng tin cần phải có (Tao đàn số 7), Bàn qua về nghệ thuật (Tao đàn số 7), Phác họa hình dung tâm tính Tản Đà (Tao đàn số 9-10), Con người Vũ Trọng Phụng (Tao đàn số đặc biệt)… thì đến nay đọc vẫn còn “kinh” lắm và chưa dễ mấy ai qua được cách nhìn nhận của ông.

*********************************************

Bộ sách quý của nhà văn Lan Khai

Tôi muốn nhắc tới bộ Lan Khai Tuyển tập, gồm hai cuốn, chừng 1500 trang khổ lớn (16 x 24) do Nxb Văn học ấn hành vào năm 2010. Ngoài Lời giới thiệu công phu và tâm huyết, Tập 1 của bộ sách quy tụ những tiểu thuyết tâm lý – xã hội và tiểu thuyết đường rừng tiêu biểu nhất của Lan Khai. Tập 2 tiếp tục tập hợp những tiểu thuyết lịch sử, truyện ngắn, ký, thơ, một số bài lý luận, phê bình nổi bật cùng mảng văn chương dân gian do chính Lan Khai sưu tầm và biên soạn. Thật là bất ngờ! Bởi với nhiều người, Lan Khai hầu như chỉ biết đến như là tác giả của tiểu thuyết Lầm than nổi danh một thời. Đã đành đây là một cuốn sách có giá trị, “đã phất lá cờ tiên phong trên mảnh đất này” (Hải Triều), do “biết ghi lại những cái đáng ghi” trong đời sống (Vũ Ngọc Phan), được một nhà văn “to gan lớn mật nhất văn giới Bắc Hà” (Nguyễn Tuân) viết ra. Nhưng, xin ngàn lần được lưu ý, Lan Khai không chỉ có Lầm than. Đọc lần lượt từng trang, từng phần bộ sách này, bạn đọc yêu quý văn chương dân tộc có thể đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Rồi đến khi nhận được những cảm nhận chân quý ở những dòng cuối cùng của hai tập sách thì tôi dám tin chắc rằng, những ai còn ít nhiều lương tri văn học sẽ bỗng thấy dậy lên từ đáy sâu tâm thức mình một nỗi thắc thỏm không dễ nguôi ngoai. Ấy là vì, rất, rất nhiều điều văn chương – văn học khác nhau có thể cần phải nghĩ thêm, nghĩ lại. Kể cả những đánh giá bao quát về tầm vóc một nhà văn, hơn thế, về tầm vóc của một giai đoạn thịnh vượng và giàu có vào bậc nhất trong lịch sử văn chương dân tộc – giai đoạn 1932-1945. Xin từ chỗ đứng và chức phận của bản thân để đến với di sản lý luận, phê bình của Lan KhaiLà những người làm lý luận văn chương, không ai không thường xuyên đối mặt với một câu hỏi vừa căn bản vừa then chốt là: “Rốt cục văn chương là gì vậy?”. Chẳng thể đưa ra ngay một lời giải đáp ngắn gọn cho được. Phải bằng nhiều cách trả lời, trong nhiều lần, và vào nhiều thời điểm khác nhau nữa. Được vậy rồi, với những đầu óc khôn ngoan và tỉnh táo, vẫn chẳng thể tìm được sự hài lòng đâu. Ấy là bởi, trong con mắt của những người thông thái, văn chương là một sản phẩm tinh thần của lịch sử và xã hôi vô cùng linh diệu. Cứ như sự sống ấy, muôn hình vạn trạng, lại luôn vận động, biến đổi đến không ngờ. Do đó, tôi không xem định nghĩa sau của Lan Khai là duy nhất đúng: “ (Văn chương) là sự phô diễn tâm tình và tư tưởng của loài người bằng văn tự” (T2, tr.685). Có điều, rõ ràng nó mang sức bao quát thật lớn. Lại nói được những gì cần nói nhất về bản chất của “văn chương thiên cổ sự” (Đỗ Phủ). Thật đáng thán phục! Cũng như vậy, ta không thể không nhắc tới với lòng kính trọng không kém khi đọc những lời bàn của Lan Khai về cái mà các nhà lý luận định danh là “đối tượng của văn chương”. Vấn đề này hẳn nhiên rất thiết yếu đối với nghiệp văn cũng như đối với nghề tìm hiểu văn. Nó mang tính định hướng, hiển nhiên là như thế. Thì đây, hãy nghe Lan Khai giải đáp: “…[v]ăn chương phải lấy người làm nền tảng” (T2, tr.685). Hầu như ai quan tâm tới văn học đều biết ý tưởng đó từng được văn hào Nga M. Gorky diễn đạt trong một mệnh đề ngắn gọn, chắc chắn và rắn đanh: “Văn học là nhân học”. Nhưng, nếu tôi có nảy ra ý định viết cuốn sách lý luận văn chương dành cho người Việt, tôi sẽ không ngần ngại dùng câu nói của Lan Khai thay (hoặc quá lắm là đồng thời với) câu nói của M. Gorky. Cũng nên biết, Lan Khai bộc lộ niềm tin văn học của mình trong một hoàn cảnh văn hóa – xã hội phức tạp đến nhường nào! Ông vừa nói rõ ý mình lại vừa như chống đỡ với những xu hướng khác đến từ nhiều hướng. Nên, Lan Khai phải thật kín kẽ, hết sức đề phòng những sự xuyên tạc cố ý, hơn thế ác ý, có thể có trong thực tế. Ông viết: ‘Theo ý tôi, nhà văn có thể dùng văn chương để làm thắng lợi một tư tưởng về chính trị hay xã hội. Nhưng, có nhiều lúc, nhà văn phải để mình lên cao hơn những eo sèo của thế sự, cũng như con hải âu kia bay liệng trên một cảnh phong ba. Đó là lúc nhà văn chỉ cần cho văn chương của mình một đối tượng duy nhất: Người, con người trước thời gian và vũ trụ – PQT nhấn mạnh” (T2, tr.692). Thêm một lần khẳng định. Lại được mở rộng hơn ra. Với một niềm tin luôn đặt trong thử thách. Và vì thế xứng đáng nhận được sự kính phục của đương thời và hậu thế.

Có dịp đi sâu vào quan niệm văn chương của Lan Khai, tôi thêm một lần xác minh cho sự đúng đắn dài lâu của quan niệm về tính dân tộc trong văn nghệ. Xin đừng ai cho đó là câu chuyện đã lui xa vào quá vãng. Hơn thế nữa kia, tôi vẫn nghĩ nó còn rừng rực tính thời sự của ngày hôm nay. Chẳng thế mà đọc đoạn văn được Lan Khai viết cách đây 72 năm lại cứ thấy như ông đang nói với chúng ta, thẳng thắn và tận tâm làm sao: “Bằng vào những điều vừa đọc ở trong các sách Âu châu, người ta xô nhau ca tụng những cái do Âu châu sản xuất mà chính Âu châu vị tất đã lấy làm vẻ vang. Người ta làm rầm lên những cái chưa từng có trên đất nước này” (T2, tr.688). Để thuyết phục người khác, Lan Khai đã biện minh cho tính dân tộc trên tinh thần khách quan khoa học: “Ai muốn nói gì thì nói, tâm hồn của mỗi dân tộc bao giờ cũng có những giới mốc khó lòng vượt qua” (T2, tr.688). Trong lời biện luận này, người viết xem ra còn có phần e dè, thận trọng. Câu nói sau thì khác hẳn, như đi thẳng ra từ quy luật của những điều tất yếu, không cần phải bàn cãi gì thêm nữa: “Phải, chúng ta chỉ là cái mắt của dây xích chủng tộc” (T2, tr.689). Vậy là tính khoa học của bản sắc dân tộc trong lý luận đã trở nên thật hiển nhiên. Nhưng đấy mới là phần lý. Lan Khai còn đứng ở góc độ cái tình để mà phân giải. Ông viết: “Mỗi dân tộc có một tinh thần riêng. Sự thật này là một cái gì rất đáng tôn trọng” (T2, tr.685). Ngày nay, nhiều người cứ bàn đi bàn lại về tính dân chủ trong sinh hoạt học thuật. Nên học sự uyển chuyển trong lối thuyết phục không hề áp đặt của Lan Khai. Chẳng thế mà ông còn lấy ý nghĩa văn hóa bền lâu để biện minh cho niềm tin khoa học của mình nữa. Ông lập luận thế này: “Nó (tức tính cách Việt Nam trong văn chương) làm cho nhân loại có vẻ đẹp như bức thảm muôn màu. Không ai nhẫn tâm phá bức thảm ấy hoặc làm nó trở nên lèm nhèm, đen không hẳn đen, vàng không hẳn vàng, mà đỏ cũng không thành đỏ. Trong địa hạt văn chương, mỗi người chúng ta cần phải giữ gìn và làm cho mỗi ngày một rạng rỡ cái tính riêng của mình. Làm như thế tức là làm giàu cho cái tính chung của cả giống người vậy” (T2, tr.685). Bàn luận triệt để, rốt ráo đến vậy thì ai có thể bắt bẻ cho nổi. Nên, rất tự nhiên, việc giữ gìn và gia tăng bản sắc dân tộc trong sáng tạo phải tự giác trở thành chức phận xã hội thiêng liêng của từng văn sỹ. Lan Khai thẳng thừng đòi hỏi: “Ta phải biết làm rực rỡ cái tinh thần của chủng tộc trong mọi sáng tác văn chương của ta” (T2, tr.687). Từ đó, ông kịp thời phát hiện, động viên và chia sẻ với các nhà văn khác. Chẳng hạn, Lan Khai trực tiếp nhắc tới câu nói của Lưu Trọng Lư “thiết tha cầu nguyện cho sự xuất hiện một cuốn thơ hay một cuốn tiểu thuyết”, để có thể khoe với thiên hạ rằng: “Đây là một tác phẩm của người Việt Nam, một giống người đã nghĩ và cảm” (T2, tr.686). Với nhận thức và bản lĩnh như thế, Lan Khai từng có nhiều ý kiến hoàn toàn khác với những nhà văn đương thời, kể cả những tên tuổi lừng danh của văn chương Pháp – cái nguồn chính và lớn ảnh hưởng sâu đậm tới văn chương Việt Nam đương thời. Nhiều người còn nhớ lời kêu gọi của A. Gide: “Ngày nay, vấn đề cốt yếu là tạo ra một nhân loại mới”. Lan Khai lại nghĩ hoàn toàn khác: “Ngày nay, vấn đề cốt yếu của chúng ta là tạo ra cho cuộc đời tương lai một lớp người Việt Nam mới, bằng những khả năng của dân tộc” (T2, tr.689). Tôi đọc những lời này mà không thể kìm giữ nổi lòng tự hào về chí lớn giàu sức sáng tạo của lớp lớp các thế hệ nhà văn đi trước…

Một vấn đề lý luận văn chương cơ bản và quan trọng khác là việc xác định tư chất nghệ sỹ ở nhà văn. Tôi nhận được những luận giải khái quát và phù hợp sau của Lan Khai: “Văn sỹ là cái hạng, do tài năng, do từng trải và do học thức, đã được nhận là những tay thông ngôn cho sự cảm, nghĩ của con người, lẩn sau cái tính riêng của từng dân tộc” (T2, tr.688). Đi cùng với tư chất là chức phận xã hội của nhà văn. Lan Khai viết một cách đĩnh đạc: “Cái thiên chức của chúng ta (nhà văn) là truyền giáo dĩ vãng cho tương lai”(T2, tr.689). Chỉ những ai nắm chắc chân lý trong tay mới có được một tâm thế phát ngôn như vậy. Hãy nhớ lại Lan Khai sống trong một thời đại như thế nào! Nước nhà chưa được độc lập. Kinh tế bị bóc lột. Chính trị bị tước đoạt. Văn hóa bị lệ thuộc. Càng thêm khâm phục cái bản lĩnh mang tinh thần tự chủ, tự tôn hơn người của ông! Nhưng không chỉ có vậy. Ai cũng biết câu hỏi “Nhà văn, anh là ai?” chủ yếu là câu hỏi mang tính nghề nghiệp. Không tìm hiểu tới mức thông hiểu, thấu hiểu về nghề viết, người viết thì không thể đưa ra câu trả lời thấu đáo được đâu. Trước nay, người ta thường sa vào hai xu hướng cực đoan: hoặc là thần thánh hóa, hoặc là tầm thường hóa tư chất nghệ sỹ ở nhà văn. Lan Khai tránh được cả hai. Một mặt, ông xem nhà văn “chỉ là một người, với tất cả cái hay cái dở của thằng người” (T2, tr.723). Không một chút vướng bận trong tư duy, ông hạ bút viết rằng: “Người ta ở đời, ai không có ít nhất một tật xấu khó chịu? Người ta chẳng phải là thần thánh cũng không đến nỗi là quỷ sứ; người ta chỉ là người. Và, chính vì người ta chỉ là người nên người ta mới có thể đáng yêu” (T2, tr.695). Mặt khác, Lan Khai nhất mực đề cao cái riêng biệt làm nên vẻ đặc sắc của một nhà văn tài năng. Dựa vào đó, lời ca tụng Vũ Trọng Phụng của ông không biến thành sự bốc đồng rẻ tiền: “Quả vậy, trong làng văn Việt Nam hiện đại, ít kẻ đã dám là mình như Vũ Trọng Phụng! Nếu họ không đua đòi, không phỏng chép thì họ cũng đã chỉ tỏ ra rằng họ là những cái máy lặp lại những ý tưởng, những cảm tình xáo đến chết người” (T2, tr.724). Câu nói nổi tiếng của S. Zweig được Lan Khai đưa ra trong trường hợp này thật là đúng lúc: “Cái lúc huyền bí nhất trong một đời người chính là cái lúc người nhận được cá tính của mình” (T2, tr.705). Vậy là, từ tinh hoa của sách vở bốn phương, nhất là từ sự chiêm nghiệm sâu xa về đời sống của chính mình, Lan Khai đã tìm đến những hiểu biết cần có về nghề viết, từ đó tạo điều kiện sản sinh ra những trang văn thẳm sâu ưu tư và ngồn ngộn chất sống sẽ còn được nhiều thế hệ bạn đọc nâng niu thưởng ngoạn.

Đọc Tuyển tập Lan Khai, tôi đồng thời rút ra nhiều bài học bổ ích về phê bình văn chương cho bản thân. Xin thú thật, tôi không thể quên nổi cái ấn tượng sâu đậm do đoạn văn sau của Lan Khai gieo vào tâm trí trong lần đọc đầu tiên: “Điều cần, ấy là một câu hỏi mà tôi vẫn thường đặt ra cho tôi, mỗi khi tôi thấy mình bị bao phủ bởi những tiếng khen chê cũng hết sức sôi nổi: ‘Ta có nên khen hoặc chê bừa đi không? Ta có nên khen hoặc chê trước khi ta đã thực hiểu, nhất là trước khi ta đã chắc chắn ở sự sáng suốt và sự công bình của ta?’” (T2, tr.699). Tại sao vậy? Ai từng cầm bút viết phê bình đều thấm thía cái khó đến nghê người khi “thấy mình bị bao phủ bởi những tiếng khen chê cũng hết sức sôi nổi” đối với một hiện tượng văn chương đang có những đánh giá trái ngược nhau trên diễn đàn. Khen lên tận mây cao mà chê cũng xuống tận đáy sâu. Rất ư là quyết liệt. Là một nhà phê bình thì trước sau gì cũng phải có tiếng nói của mình thôi. Dứt khoát thế, vì đó là chức phận nghề nghiệp, hơn thế, là chức phận xã hội mà một cây bút phê bình đích thực không thể thoái thác. Có điều, cần phải lên tiếng ra sao đây? Hết sức tránh ba phải. Nếu thế thì công chúng nghệ thuật cần gì tới anh. Cũng không nên quanh co. Cách nói có thể uyển chuyển đối với từng đối tượng trong từng hoàn cảnh, nhưng thái độ khen chê phải cho rõ ràng. Rất cần học Lan Khai, khen hay chê cũng không được phép “bừa đi” được. Muốn thế, phải “thực hiểu” đối tượng bàn luận. Vẫn chưa đủ, còn phải “chắc chắn ở sự sáng suốt và sự công bình của ta” nữa. Cái sau mới quyết định. Lại chính là cái quý nhất đối với một nhà phê bình. Như Lan Khai thừa nhận: “Ở đời cái đáng sợ mất đi nhất, ấy là sự bình chính” (T2, tr.699).

“Đáng sợ mất đi nhất” nhưng sự công tâm “bình chính” không khó đến mức không thể giữ gìn nổi. Chỉ cần luôn trung trinh với đạo lý của nghề cầm bút thôi mà! Nhưng còn có yêu cầu chính yếu khác thuộc về hiểu biết, buộc nhà phê bình phải thường xuyên trau dồi nếu không sẽ dễ rơi vào dung tục tầm thường. Tôi muốn nói tới tính khách quan tạo cơ sở chắc chắn cho mọi lời khen, chê. Lan Khai nhắc nhở ta điều đó bằng tấm gương của chính ông. Trước những trang văn của một nhà văn cùng thời không dễ đánh giá, ông chân tình thổ lộ: “Tôi chỉ cố gắng trình bày ông đúng với ông được chừng nào hay chừng nấy mà thôi” (T2, tr.700). Đấy là trường hợp nhà văn Lê Văn Trương. Ông viết nhiều, đến độ đáng ngạc nhiên, nhưng chất lượng không phải lúc nào cũng đảm bảo. Lan Khai “quyết định” “sẽ bình tĩnh mà nhận xét, phân tích, ghi chép cái sở trường và cái sở đoản của ông” vì “những cái đó đã làm nền móng cho tác phẩm của nhà văn ấy” (T2, tr.699). Thế rồi, như đã kịp chín muồi, Lan Khai đưa ra nhận xét có thể thuyết phục cả những người khó tính nhất: “Ông (Lê Văn Trương) đã vượt lên trên hết thảy các văn sỹ đồng thời bằng cái khối sách cao ngất, bằng sự nổi danh chớp nhoáng và bằng cái số lớn độc giả của ông. Tất cả các cái trên đây, đã đành, chưa hẳn là cái chứng cớ của một tài năng thực sự và cao sâu; tôi cũng chỉ ghi lấy, như các điều nhận xét nhân dịp tôi nói về văn sỹ” (T2, tr.699). Trường hợp Vũ Trọng Phụng cũng vậy. Nhiều người biết giữa ông và nhà văn tài năng này có mối quan hệ thâm sâu trong đời thực như thế nào rồi. Gần gũi nhau có cái hay là hiểu nhau đến từng chân tơ kẽ tóc. Nhưng cũng có cái dở là dễ bị cái yêu ghét thường ngày sai khiến, ngòi bút khó giữ được sự cân phân. Có thể nói Lan Khai đã biết cách vượt qua những hệ lụy rất đời ấy, để giữ cho được lẽ công minh cần có trong nhìn nhận và xét đoán. Hãy nghe ông đánh giá văn nghiệp của bạn mình: “Trong khi ấy, Vũ Trọng Phụng đã chỉ là Vũ Trọng Phụng… Anh chưa sáng suốt đến bậc có thể trở nên một tay cải tạo xã hội, nhưng anh đã làm đầy đủ cái chức vụ một nghệ sỹ. Vì sao? Vì nghệ thuật chính là cái biểu thị tối cao của sự bất bình. Mà văn chương của anh đã ngụ một bất bình sôi nổi, một bất bình nhiều khi chua cay, sỗ sàng và độc ác nữa” (T2, tr.725). Nghệ thuật phê bình tinh diệu là thế! Mọi mọi lời khen, tiếng chê bao giờ cũng mang đậm tính chủ quan nhưng nhận xét muốn thuyết phục lại cần xuất phát từ những tiêu chí chung được nhiều người thừa nhận và tuân thủ. Có nhiều bài học thật chua xót. Chính Lan Khai đã nhận thấy qua văn nghiệp không ít trầm luân của Vũ Trọng Phụng: “Và, nếu hồi anh gần mất, anh đã thiết tha đến chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ, ấy cũng vì một vài nhà phê bình đã gán cho anh những dụng ý mà anh không có” (T2, tr.722).

Cố nhiên, thâm nhập vào thế giới nghệ thuật rộng lớn, tầng tầng lớp lớp ý nghĩa như của nhà văn lớn Vũ Trọng Phụng không bao giờ là một công việc dễ dàng. Ngoài sự am tường đời sống và văn chương đủ đầy ra, còn cần thêm một lối tiếp cận. Đúng hơn là rất cần một thái độ ứng xử phù hợp. Phải thật cận nhân tình. Để khi dụng bút có được cái tâm thế không dễ có là cận văn tình. Ở đây, Lan Khai vẫn lộ ra như một tấm gương sáng. Ông nhắc nhở: “Chúng ta hãy nên chỉ nhận lấy cái gì mà Vũ Trọng Phụng có thể cho được chúng ta. Như thế đã chẳng đủ lắm sao? Lẽ thứ nhất bởi con người không thể là một cái gì khác hơn nó được… Lẽ thứ hai bởi các văn phẩm do Vũ Trọng Phụng viết ra dù chẳng cho ta chút hy vọng hoặc chút ít phương pháp kiến thức nào, song tất cả đã khiến ta thấy rõ cái hiện trạng xã hội và đã khiến ta suy nghĩ về các hiện trạng ấy” (T2, tr.724). Được thế, rất cần tới sự am tường đặc thù của văn chương, đặc điểm của nhà văn. Đòi hỏi này không biết bao nhiêu là đủ cả. Chỉ xin nêu một dẫn dụ: sự tươi mới trong cảm nhận của người nghệ sỹ. Một lần, Lan Khai đưa ra ý kiến của nhà phê bình Pháp A. Thibaudet: “Tuổi thơ ngây là một thi sỹ mà thiên tài thi sỹ tức là sự kéo dài tuổi thơ ngây”. Liền sau đó, ông vận rất hay vào trường hợp Tản Đà nhằm “phác họa hình dung và tâm tình” của một trong những nhà thơ tài hoa vào bậc nhất trong lịch sử thi ca dân tộc: “Thi sỹ vì thơ ngây nên đã tạo ra trong trí bao nhiêu là mộng lớn mộng con. Thi sỹ vì thơ ngây nên đã thất bại nhiều phen trong sự thực hiện những mộng lớn mộng con hết sức thơ ngây của mình. Thi sỹ lại đã vì thơ ngây, mà dù bao phen thất bại vẫn không chán nản, cứ mơ mộng hoài, mơ mộng cho tận đến trước khi nhắm mắt” (T2, tr.695). Những lời bình càng đọc càng ngẫm lại càng thấy thấm thía!

Ta có thể dẫn ra nhiều, nhiều nữa những lời bàn luận, những lối ứng xử mẫu mực của Lan Khai trong các trường hợp và hoàn cảnh khác nhau. Không thể quên vai trò của người kết nối giữa ta với nhà văn bậc thầy này. Người đó là PGS-TS Trần Mạnh Tiến. Tôi không lấy làm ngạc nhiên khi biết anh chính là người chịu trách nhiệm trong việc sưu tầm, biên soạn, giới thiệu bộ sách Tuyển tập Lan Khai. Bởi, với tôi, anh là một chuyên gia hiếm hoi về nhà văn Lan Khai theo ý nghĩa trọn vẹn nhất của từ này. Anh từng đi đầu trong việc giải tỏa nhiều uẩn khúc bất công vốn tồn tại nặng nề trong nhiều năm nay khi nghĩ về cuộc đời sôi động, giàu ý nghĩa mà không ít bi kịch của một nhà văn hiện thực hàng đầu. Anh lại dành không ít thời giờ và công sức để sưu tầm, chỉnh lý khối tư liệu phải nói là ngổn ngang lại bị phủ lớp bụi dầy của thời gian và sự ngang trái, rồi lần lượt công bố nhiều tác phẩm tiêu biểu thuộc nhiều thể loại khác nhau của một nhà văn đa tài không hề tỏ ra thua kém với bất cứ ai cùng thời. Đặc biệt, với tư cách là một nhà nghiên cứu công tâm, anh còn trực tiếp viết nhiều công trình khảo cứu, thể hiện nỗi đam mê hầu như vô tận trong việc tìm hiểu và khám phá mang tính chuyên nghiệp, chuyên sâu về một nhà văn hiện thực đặc sắc của nước ta. Lao động miệt mài đó của PGS-TS Trần Mạnh Tiến kết tinh trong những chuyên luận xuất hiện lần đầu dung chứa nhiều điều mới mẻ trong suy xét, đánh giá như Lan Khai – Tác phẩm Nghiên cứu, Lý luận và Phê bình văn học (2002); Lan Khai – Truyện đường rừng (Chủ biên, 2004); Lan Khai – Lầm than (2004); Lan Khai – Nhà văn hiện thực xuất sắc (2006). Đấy là chưa nói tới Tuyển Truyện ngắn Lan Khai do anh sưu tầm và giới thiệu vừa mới ra mắt vào cuối năm 2011 này.

Tin rằng, bạn đọc sẽ từ những nhu cầu tinh thần khác nhau để đi vào thế giới nghệ thuật thăm thẳm của Lan Khai. Chỉ có thế, di sản quý giá của những nhà văn tầm cỡ như ông mới thật sự sống cùng thời gian, cùng lịch sử. Và, để những công sức cùng trí tuệ của những nhà văn học giàu tâm huyết như Trần Mạnh Tiến mới không trở nên vô nghĩa. Với tôi, khi viết những dòng cuối cùng này, tự nhiên thấy vang lên trong tâm trí mình câu nói của văn hào Pháp R. Rolland được Lan Khai trân trọng lấy làm đề từ cho công trình Lê Văn Trương – mớ tài liệu cho văn học Việt Nam: “Sống được tích sự gì cho ta, nếu sống chẳng là để sửa chữa những lầm lạc của ta, thắng đoạt những thành kiến của ta và càng ngày càng mở rộng thêm tư tưởng và tâm hồn ta? Hãy yên tâm… mỗi ngày ta lại cố gắng để đến gần sự thật thêm một ít”. Xin hãy dùng chính tinh thần ấy để đến với cuộc đời và văn nghiệp của Lan Khai.

Phạm Quang Trung

CHUYỆN TÌNH NHÀ VĂN (sưu tầm).

Nhà văn Lan Khai (Nguyễn Đình Khải, 1906 – 1945) chuyên viết tiểu thuyết lịch sử và truyện đường rừng. Những cuốn tiểu thuyết của ông đã từng làm say mê bao nhiêu lớp bạn đọc: Ai lên phố Cát, Truyện đường rừng, Tiếng gọi của rừng thẳm, Gái thời loạn, Đỉnh non thần, Suối đàn, Bóng cờ trắng trong sương mù… Tiểu thuyết Cái hột mận của ông vừa ra đời đã được độc giả rất hoan nghênh. Một hôm ông vui vẻ đưa cho nhà thơ Nguyễn Vỹ (bạn ông) một phong thư. Cái phong bì thơm, màu xanh, có đóng dấu nhà dây thép Hà Nội, với nét chữ “con gái” trên phong bì.

Nguyễn Vỹ liền mở thư đọc:

Thưa ông Lan Khai, tác giả quyển “Cái hột mận”. Em xin gửi lời thành thật hoan nghênh tất cả các quyển truyện đường rừng của ông. Riêng quyển “Cái hột mận” mà ông vừa xuất bản thật là một kiệt tác. Em ao ước được hân hạnh gặp ông để tỏ lòng ái mộ của em. Vậy nếu ông không bận gì thì 8 giờ tối thứ Bảy tuần này, xin ông vui lòng quá bộ đến hồ Trúc Bạch, khỏi chùa Trấn Quốc một tí. Em sẽ đợi ông tại đây. Thưa ông, ông sẽ trông thấy một thiếu nữ 18 tuổi đang đứng chờ ông bên gốc cây, mặc áo màu bordeaux, tay cầm quyển “Cái hột mận”. Em đấy ông ạ! Em sẽ đến đấy đúng 8 giờ, là lúc vắng người. Nếu quá 8 giờ 30 mà ông không lại thì chắc là ông bận việc, em sẽ về. Trời! Em ước mong sao được gặp nhà văn tài hoa mà em thường mơ tưởng. Em xin dừng bút nơi đây với tất cả hy vọng tốt đẹp ngập tràn lòng em. Bella Nhung.

Lan Khai chải tóc láng mượt, thắt cà-vạt màu đỏ mới mua, xức nước hoa, diện quần tây mới may, xỏ giày tây bóng lộn. 8 giờ 5 phút ông ra gọi xe kéo, lòng khấp khởi mừng vì bà Lan Khai đi vắng, đỡ cho ông khỏi phải nói dối vợ. Đến trước cổng chùa Trấn Quốc, Lan Khai xuống đi bộ một quãng trên đê hồ Trúc Bạch. Nhờ ánh đèn đường, từ xa ông đã thấy nàng. Nàng chưa thấy ông vì còn đang mơ màng ngắm mặt nước hồ ban đêm.
Chắc chắn là nàng vì ông đã thấy rõ nàng mặc áo màu bordeaux, tay cầm quyển sách. Ông nhẹ nhàng đến gần, tuy chưa rõ mặt nhưng quả thật nàng có dáng người rất đẹp. Ông đến bên, đặt tay lên vai nàng, giọng cảm động:

– Em Bella Nhung…

Nàng quay lại. Lan Khai giật mình, mặt biến sắc quát lên:

– Mợ đứng chờ ai đây?

 Bà Lan Khai mỉm cười đáp

 – Em chờ ông Lan Khai, tác giả quyển “Cái hột mận” ạ.

Lan Khai giận run người, không nói nên lời, bỏ đi gọi xe về.

– Ai viết thư hộ cho mợ?

Ở nhà, Lan Khai cật vấn vợ.

– Con Mão, con gái của chị Phán, cháu cậu đấy. Tôi phải nỉ non mãi nó mới chịu giúp.

– Còn cái áo màu bordeaux?

– Cũng của nó chứ của ai nữa.

– Mợ chơi xỏ tôi làm gì thế?

– Để cho cậu một bài học về cái hột mận đấy. Mận chua lắm phải không?

Lan Khai nén giận lặng im, đến cả ba tháng trời vẫn không nói với vợ câu nào.

(Tư liệu của nhà thơ Nguyễn Vỹ)

**********************************************************************************

Tiểu Sử

Nhà văn Lan Khai, tên thật là Nguyễn Đình Khải, còn có tên khác là Nguyễn Lan Khai, sinh ngày 24-6-1906 tại xã Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang (nay thuộc thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang). Cha ông là Nguyễn Đình Chức – từng hưởng ứng dụ Cần vương và tham gia cuộc khởi nghĩa do Phan Đình Phùng lãnh đạo ở Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Ông bắt đầu làm thơ, viết văn từ năm 12 tuổi và sớm có năng khiếu về hội hoạ. Thuở nhỏ ông học ở Hà Nội. Sau khi học xong bậc thành chung ông vừa dạy học vừa viết báo ở miền Bắc. Sau đó, ông thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1927, ông lấy vợ và tiếp tục học nhưng chưa xong thì quay về Tuyên Quang vừa dạy học, dịch sách, viết văn. Ông tham gia vào tổ chức bí mật kháng Pháp do Nguyễn Thái Học lãnh đạo, bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Hoả Lò (Hà Nội). Cha mẹ ông đã phải bán hết gia sản mới cứu ông thoát chết. Năm 1938, ông bắt đầu viết cho Tiểu thuyết thứ Bảy và sau đó ông cùng với Lê Văn Trương, trở thành hai cây bút cột trụ của nhà xuất bản Tân Dân. Năm 1939, ông làm Tổng thư ký tạp chí Tao đàn của nhà xuất bản Tân Dân, đồng thời, còn cộng tác với các báo: Loa, Ngọ báo, Đông Tây, Tiểu thuyết thứ Bảy, Phổ thông bán nguyệt san…

Lan Khai mất trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp ở Hà Nội. Ông từng bị vào tù vì viết cuốn tiểu thuyết Lầm than.

Tác phẩm

• Cưỡi đầu voi dữ
• Suối đàn (1938)
• Tiếng gọi của rừng thẳm
• Truyện đường rừng (1940)

Tiểu thuyết lịch sử:
• Chiếc ngai vàng (1935)
• Bóng cờ trắng trong sương mù (1936)
• Cái hột mận (1937)
• Gái thời loạn (1938)
• Ai lên phố Cát (1938)
• Đỉnh non thần (1940)
• Rỡn sóng Bạch Đằng (1941)
• Cánh buồm thoát tục (1942)
• Treo bức chiến bào (1942)
• Trong cơn binh lửa (1942)
• Tình ngoài muôn dặm (1942)
• Tội nhân hay nạn nhân (1942)
• Tội và thương (1942)

Tiểu thuyết tâm lý xã hội:
• Cô Dung (1938)
• Mực mài nước mắt (1941)
• Lầm than… (1938)

Sách dịch:
• Bức thư của người không quen (1940)
• Cái đẹp với nghệ thuật (1940)
• Tuổi thơ (1944)

Sách phê bình văn học:
• Lê Văn Trương (Minh Phương, 1930)
• Vũ Trọng Phụng (Minh Phương, 1941)
• Hồ Xuân Hương (1941)

Và các bài viết trên tạp chí Tao đàn:
• Tính cách Việt Nam trong văn chương (Tao đàn số 4)
• Thiên chức của văn sĩ Việt Nam (Tao đàn số 5)
• Cái nguy mất gốc (Tao đàn số 6)
• Một lòng tin cần phải có (Tao đàn số 7)
• Bàn qua về nghệ thuật (Tao đàn số 7)
• Phát họa hình dung tâm tính Tản Đà (Tao đàn số 9-10)
• Con người Vũ Trọng Phụng (Tao đàn số đặc biệt)…

Lan Khai là một cây bút sung mãn trước năm 1945 về nhiều thể loại: phê bình, sáng tác văn học, (truyện ngắn, tiểu thuyết). Dù ở thể loại nào ngòi bút ông vẫn thuyết phục được cả cảm tính và lí tính của độc giả. Đặc sắc nhất vẫn là ở lĩnh vực sáng tác hiện thực về đời sống miền núi mà trong lịch sử văn học hiện đại Việt Nam ông được xem là nhà văn “Đường rừng” sáng giá.

Lầm Than là một quyển truyện gây ấn tượng sâu sắc trong tâm thức độc giả Việt Nam vào các thập niên 40.

 

Nguyễn Vỹ

Văn thi sĩ tiền chiến : Lan Khai

“Nhà văn đường rừng” là biệt hiệu của anh em làng văn Bắc Hà đã tặng cho Lan Khai, vì anh chuyên viết các truyện về Mạn Ngược, nghĩa là về các vùng Thượng Du Bắc Việt.

Sinh trưởng ở Tuyên Quang, là một tỉnh ở miền ấy, học ở Tuyên Quang, sau khi đỗ bằng Cao Đẳng Tiểu học cũng về dạy học ở đấy, Lan Khai đã là một người con yêu dấu của lâm tuyền. Anh bỏ nghề giáo viên, cũng chỉ vì anh mải nghe tiếng gọi của Rừng thẳm, tiếng gọi mà anh ghi chép say sưa thành bóng vang huyền bí trong các tác phẩm văn chương và trong các nét họa của anh. Vì Lan Khai vừa là văn sĩ, thi sĩ, và họa sĩ. Văn sĩ hay họa sĩ anh cũng đều là cái “tài tử” theo nghĩa của anh em nhà văn chúng tôi đã cho nó hồi tiền chiến, là “không cầu lợi”. Anh làm thơ, viết truyện dài, truyện ngắn, tùy bút, hồi kí, và vẽ những phong cảnh rừng núi thâm u, huyền ảo của các vùng Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, những cô Thái Trắng, Thái Đen, cô Mường, cô Thổ, với nét đẹp diễm lệ mơ hồ, như hình bóng một thế giới mộng huyền trong tưởng tượng, trong tranh, trong thơ… Nhưng Lan Khai vẽ, hay viết, chính là để thỏa mãn một say mê gần như là một ám ảnh huyền diệu, hơn là nghĩa đến việc đem bày bán những nét vẽ và câu văn của anh. Nói đúng ra, thì một số văn sĩ, thi sĩ thời bấy giờ cũng đều bị lôi cuốn ít nhiều trong không khí say sưa Văn nghệ đang bồng bột, thịnh hành, nhưng tôi nhận thấy Lan Khai là một trong số văn nhận chịu hi sinh cho lí tưởng nhiều hơn, và thích sống đời thanh cao nho nhã hơn.

Tại vậy mà anh thay đổi chỗ luôn. Thuê một căn nhà nào để ở, chừng năm ba tháng không vừa ý là dọn đi chỗ khác. Ở đường Đỗ Hữu vị, rồi dọn đến chợ hàng Da, rồi dọn xuống ngọai ô Chợ Hôm, dọn về Bờ Hồ, ở trên một căn lầu rộng lớn, rồi dọn lên Hồ Trúc Bạch, làng Ngũ Xã… Tiền không có mà cứ dọn nhà hoài, và mỗi lần đổi chỗ là chở hằng năm sáu rương sách và một rương quần áo. Ngoài ra, không có gì nữa cả. Tôi đi tìm địa chỉ mới của anh có khi mất cả buổi. Và nhất là tốn tiền xe.

Có điều buồn cười nhất, và bí mật nhất mà lúc bấy giờ chỉ một số bạn rất thân với Lan Khai biết được mà thôi, là tác giả những truyện đường rừng lại thích đánh phấn thoa son như đàn bà. Vì Lan Khai hút thuốc phiện nặng, nên anh đánh phấn và bôi son để cho nét mặt có đôi chút hồng hào, che lấp những tàn phá của Phù dung tiên nữ. Nhưng anh điểm trang khéo tuyệt, còn khéo hơn chị Lan Khai nữa. Người ngoài nhìn vào mặt anh, không hề thấy có vét phấn son. Vì vậy nên nhiều bạn làng văn cứ bảo nhau: “Quái thật nhỉ! Lan Khai hút thuốc phiện thế mà guong mặt của nó không mốc meo chút nào!”. Anh rất diện, lúc nào cũng đẹp đẽ bảnh bao, ai mới trông thấy anh cũng tưởng đâu là một chàng nho sĩ phong lưu, một loại Kim Trọng tân thời nhưng không có Thúy Kiều, và trong túi thường không có một xu nhỏ. Lan Khai có một người bạn tâm phúc cũng lạ thường, là Đỗ Thúc Trâm. Đỗ Thúc Trâm người thấp nhưng mập, đỗ Tú Tài rồi ở nhà đọc sách, viết văn, chứ không thèm tiếp tục học trường Cao Đẳng. Trâm viết Pháp văn thật hay. Có tư tưởng chống Pháp và kiêu căng, tự phụ, anh thường viết bài cho báo [“L’annam Nouveau”] của Nguyễn Văn Vĩnh. Cụ Vĩnh quí mến Trâm lắm. Lan Khai đi đâu là Đỗ Thúc Trâm đi theo, như hình với bóng. Mỗi lần dọn nhà, là cả hai đều đồng ý dọn, và cả hai cùng lặng lẽ đi theo sau cỗ xe chở mấy hòm sách, nặng nề, chậm rãi, y như đi đưa một đám ma. Tôi có theo một lần đám dọn nhà kì quặc ấy, ôm giùm cho Lan Khai cái bình tích đựng nước trà. Lan Khai và Đỗ Thúc Trâm đều diện, và thích ở riêng biệt, không muốn có đàn bà bên cạnh. Đỗ Thúc Trâm không có vợ và rất đố kị phụ nữ. Anh không có một người tình nhân nào cả. Còn Lan Khai có hai vợ, nhưng anh cũng không thích ở với gia đình. Thỉnh thoảng chị Lan Khai ở Tuyên Quang xuống, với anh một vài tháng rồi lại về Tuyên Quang. Chị này là vợ hai, hiền lành lắm, và đẹp, rất yêu mến Lan Khai và cũng bằng lòng để anh ở riêng tùy ý theo ý thích. Chị chiều anh lắm. Tôi sẽ kể các bạn nghe câu chuyện [Hột mận của Lan Khai.] Chuyện này đã xảy ra lúc Lan Khai ở căn nhà Ngũ Xã, với chị Lan Khai số 2. Anh là người rất đa tình, lại được rất đông độc giả bạn gái mến phục. Nhưng có lẽ anh không có duyên với phụ nữ nên đời anh không có cuộc tình duyên nào lâu dài và tha thiết, nên thơ, nên mộng. Cũng có lẽ tại anh thích sống cuộc đời lí tưởng quá, nên đa số bạn gái không ưa. (tôi nói: thiếu nữ lãng mạn hồi đó). Một đêm, tôi đang ngủ, Lan Khai đến đập cửa. Tôi chưa kịp mở, chỉ nghe tiếng anh:

– Vỹ ơi, Đỗ Thúc Trâm chết rồi nhé!

Tôi mở cửa ra, thì Lan Khai đã đi rồi. Tôi vội vàng mặc đồ đi đến nhà anh, người ta cho biết là Đỗ Thúc Trâm chết trong nhà thương, vì bệnh thương hàn. Đám ma của Đỗ Thúc Trâm đi trong một buổi chiều rét buốt của mùa Đông, rất đìu hiu thê thảm. Hân hạnh cho Trâm, là có ông Nguyễn Văn Vĩnh đi theo sau quan tài. Ông Vĩnh bảo tôi: “Trâm, nó có tài lắm, nhưng đáng tiếc, nó không để lại được một tác phẩm nào cả vì chính nó lại coi rẻ cái tài của nó”. Ông Vĩnh nói rất đúng. Đỗ Thúc Trâm có thể là một nhà triết học, hay là một nhà phê bình rất có giá trị. Học thức uyên thâm, văn bài rất điêu luyện, Trâm bị cái chứng bịnh lười biếng, chán nản, khinh đời, khinh cả mình. Hồi đó anh 25 tuổi, lớn hơn tôi vài tuổi.

Hôm nay, tôi nhắc đến Đỗ Thúc Trâm mà lòng tôi rất bùi ngùi nhớ tiếc. Từ ngày anh chết, không có một bài báo nào, hay một chương sách nào, nhắc đến tên người tài hoa bạc phận ấy. Kể ra, những bài Pháp văn anh đã viết trong [L’annam Nouveau] của Nguyễn Văn Vĩnh, và bằng Việt văn trong tuần báo [Đông Phương] của Lan Khai, có thể gom góp in lại thành một quyển sách rất có giá trị về tư tưởng. Nhưng tiếc thay, không ai làm việc đó. Lan Khai và tôi muốn làm, lại không có tiền.

Đỗ Thúc Trâm đã thành một kẻ lạc loài trong truyền tích, như Chatterton, một thi sĩ Anh xấu số. Lan Khai rất buồn chán sau khi Đỗ Thúc Trâm chết. Tác giả những truyện đường rừng cũng là bạn thân của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Triệu Luật, Lưu Trọng Lư. Anh không chơi với Thế Lữ, Nhất Linh, Đoán Phú Tứ, nhưng thỉnh thoảng đến với Khái Hưng. Anh thích Nguyễn Công Hoan, Vũ Bằng, Tchya, Nguyễn Tuân.

Một hôm được tin bằng dây thép cho hay bà vợ cả ở Tuyên Quang đau nặng gần chết, (chị này bị tật què chân). Anh đến nhà xuất bản hỏi mượn trước một món tiền để về tỉnh nhà lo thuốc men cho vợ. Anh trao điện tín cho nhà xuất bản thấy sự thật đau đớn như thế. Nhưng nhà xuất bản, chủ một nhà in lớn ở Hà Nội, trả lời không có sẵn tiền. Anh hết sức năn nỉ nhưng ông chủ nhà in, đã xuất bản ba bốn bộ sách của anh, quyển nào bán cũng rất chạy, vẫn một mực than thở: “không có sẵn tiền”.

Lan Khai rưng rưng nước mắt, ngó nhà xuất bản:

– Ông tàn nhẫn đến thế ư?

– Không phải tôi tàn nhẫn với ông, nhưng thật là vì tôi không có sẵn tiền.

Lan Khai rút trong túi ra một xấp bản thảo viết chưa xong, đưa cho nhà xuất bản:

– Tôi đang viết quyển này cho ông, ông không thể cho tôi mượn tạm trước vài ba chục đồng ư? Vợ tôi đang hấp hối chờ tôi ở Tuyên Quang, sao ông nhẫn tâm đến thế được?

– Tôi chia buồn với ông, nhưng còn việc mượn tiền thì…

– Tôi chỉ mượn vài chục đồng đủ tiền xe thôi, ông ạ.

Do dự một lúc, nhà xuất bản vào nhà lấy ra đưa cho Lan Khai hai chục đồng:

– Ông viết quyển sách ấy nhanh nhanh lên nhé. Và xin chúc ông về Tuyên Quang lo lắng cho bà nhà ta chóng bình phục.

Lan Khai về nhà, gặp tôi vừa đến hỏi thăm tin tức của chị, anh đưa dây thép cho tôi xem và vứt xuống giường mấy tờ giấy bạc, nước mắt anh chảy tràn trề trên đôi má:

– “Toa” thấy không, Vỹ? Mẹ cha cái kiếp chúng mình…!

*

Hôm tôi bị người Pháp bắt và bị còng tay đưa lên ga xe lửa Hà Nội, trong đám bạn bè quen thuộc hình như biết tin trước nên có lên chực sẵn ở cửa ga để tiễn tôi, tôi thấy có mặt anh Lan Khai. Hôm ấy anh ốm quá, mặt xanh xao gầy còm, không có đánh phấn như mọi khi. Tôi mỉm cười ngó anh. Anh đáp lại bằng một cái nhìn đăm chiêu tịch mịch.

Sau này, trong thời kì đồng bào Bắc di cư, tôi có tìm kiếm các bạn cũ Hà Thành. Một đôi bạn cho tôi biết là Lan Khai đã bị Việt Minh thủ tiêu ở Tuyên Quang. Tôi nghẹn ngào, không nói được. Tôi biết anh là người của Việt Nam Quốc Dân Đảng, bạn đồng chí rất thân của Nhượng Tống. Đó là nguyên do Việt Minh thù ghét anh. Tôi không muốn tìm biết anh bị giết chết cách nào.

Tiểu thuyết Lan Khai

Lan Khai có giọng nói khàn khàn hấp dẫn đáo để. Một hôm anh hỏi tôi:

– Vỹ, hôm nọ [toi](1) (1) Lan Khai chuyên môn nói [toi, moi] trong câu chuyện thân mật với anh em.] nói [toi] chưa đọc quyển “Ai lên phố cát” của [moi, toi] nói thật hay nói bỡn đấy?

– Nói thật. Nhưng “chưa đọc” không có nghĩa là “không đọc”.

– Thôi, cậu lười đọc bỏ mẹ! Để mình kể chuyện “Ai lên phố cát” cho cậu nghe đêm nay. Như thế cậu khỏi làm cái corvée đó nữa nhé!

– Cậu kể cho tớ nghe, thì có phải cái corvée cho cậu không?

– Ô, trái lại. Chỉ sợ cậu không khoái nghe thôi.

– Khoái hay không, là do cái lối kể chuyện của cậu chứ.

– Cố nhiên là chuyện kể lại đâu bằng chuyện đã viết.

– Cậu cứ kể đi.

Thế là suốt đêm hôm đó, tôi nằm bàn đèn thuốc phiện với Lan Khai, nghe tác giả “Ai lên phố cát” kể chuyện “Ai lên phố cát”. Lan Khai vừa tự tiêm thuốc hút vừa kể chuyện. Tôi, không biết hút thuốc phiện, không hút được một điếu, nhưng nằm được bên cạnh bàn đèn, cũng như Vũ Trọng Phụng, để trò chuyện vui chơi với anh em, có khi suốt đến sáng.

Đêm ấy, có cả Đội Tứ, một cựu Đội Nhất Linh Khố Đỏ của Tây, bạn thân của Lan Khai và chuyên viết chuyện nhà binh cho các báo hằng ngày, để kiếm tiền nuôi vợ. Đội Tứ cũng không hút nha phiến, nhưng đã đọc truyện Ai lên phố cát rồi.

Lan Khai bắt đầu kể, tôi bắt đầu nghe, nhưng dần dần tôi bị anh ta thu hút với giọng kể chuyện hăng say, bay bướm, lúc thì trầm trầm, lúc lại sôi nổi, làm tôi rạo rực như chính mình đang say thuốc phiện vậy. Anh kể đến 5 giờ sáng thì hết chuyện, nhưng cuộc thưởng thức nhận xét của tôi và Đội Tứ, trao đổi với tác giả, kéo dài mãi đến 7 giờ sáng. Chúng tôi kéo nhau ra phố Hàng Buồm, ăn điểm tâm, uống một li cà phê đậm rồi mới bắt tay từ giã.

Về nhà, một tuần lễ sau, tôi đọc Ai lên phố cát. Cảm tưởng của tôi là Lan Khai kể chuyện còn hay hơn là anh viết – hay hơn nhiều. Trái lại với lời anh đã nói là viết thành văn hay hơn là kể bằng miệng. Tôi có nói lại cuộc thí nghiệm đó cho Lan Khai nghe, anh cười bảo:

– Tại anh đã nghe tôi kể hết rồi, anh đọc lại còn gì là thích thú nữa?

– Không phải. Văn anh viết không tự nhiên bằng lời anh kể. Đọc văn, tôi không còn thấy cái nhiệt hứng dào dạt, làm tôi hồi hộp, xúc động, kích thích, như lúc tôi nghe anh nói. Anh sửa câu văn, anh gò ép, anh chải chuốt, mất cả tính chất man rợ, rừng rú trong tiếng nói trực nhiên, từ trong tim, trong máu, trong óc anh phát động ra.

– Anh nói cũng có lí. Có lẽ tại tôi viết Ai lên phố cát không hăng say bằng mấy quyển sau này…

*

Nhưng đó chỉ là nhận xét chủ quan của tôi, có lẽ hoàn cảnh nghe chuyện ban đêm, trong không khí khói thuốc phiện mờ ảo lẫn lộn với sương khói ảo huyền của truyện Ai lên phố cát của Lan Khai.

Thực ra, Lan Khai kể chuyện rất hấp dẫn, nhất là truyện đường rừng, nơi cương thổ riêng biệt của Lan Khai. Không nhà văn nào viết truyện đường rừng kích thích bằng Lan Khai, kể cả TchyA. Điều đó không có gì lạ, vì Lan Khai sinh trưởng ở Mạn Ngược, quê hương của các giống dân Thổ, Mường, Mán, Thái, đầy dẫy huyền bí, li kì, rùng rợn…

Nhỏ, Lan Khai là con đẻ của Rừng Rú Linh Thiêng. Trai tráng, Lan Khai là bạn của nguồn xanh hoa dại, của gió núi mây ngàn. Lớn lên, Lan Khai là văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ của lâm tuyền thơ mộng, đầy huyền ảo, thâm u, phảng phất truyền tích xa mờ như những kho tàng bí ẩn. Lan Khai có làm khá nhiều thơ, hầu hết là Thơ Rừng Núi, vang bóng của đồi sim quạnh quẽ, của dòng suối réo rắt bên nhóm nhà sàn, của tiếng cười trong veo trên đôi môi cô gái Mán… Thơ Lan Khai nhẹ nhàng, êm ái, huyền mơ như mây gió biên thùy. Nhưng rất tiếc, anh chúi trọng về tiểu thuyết nhiều hơn, làm thơ chỉ để bạn làng thơ ngâm chơi, kí tên là “Lâm Tuyền Khách” và không bao giờ in trên sách báo. Anh vẽ đẹp, nét bút tế nhị tinh vi, cũng toàn những cảnh núi rừng thơ mộng, nhưng không bao giờ triển lãm. Tôi thành thật vô tư nhận xét rằng những tranh thủy mạc ngày nay thua những bức họa của Lan Khai nhiều lắm.

Phong trào cách mạng ngấm ngầm ở Bắc Kì từ khởi điểm chiến tranh Nhật Hoa, rồi Tây Âu, làm nổi dậy dòng máu cách mạng của Lan Khai, một đồng chí của V.N. Quốc Dân Đảng. Lan Khai viết tiểu thuyết cách mạng, rồi nhè nhẹ bước sang tình cảm, một địa hạt mà anh không bỏ rơi được. Lan Khai là một tâm hồn thuần túy thơ mộng, rất đa cảm, đa tình, nhưng luôn luôn có ý thức về số kiếp văn chương. Trên báo Đông Phương của anh, anh viết bài đăng đầy cả 8 cột trang đầu: “Tài hoa cái lụy nghìn đời”.

Tôi nhớ mãi hôm tôi và Trương Tửu đến khen anh về bài ấy, tôi không ngờ gặp Vũ Trọng Phụng cũng đến bắt tay anh: “Lan Khai, mày viết bài ấy, tao phục mày. Tao đọc thích thú lắm”. Lan Khai rất cảm động. Anh gọi người ở pha trà tàu, mời chúng tôi. Trong lúc uống trà, Lan Khai chỉ vào tôi, và nói với Vũ Trọng Phụng:

– Cu Vỹ vừa bảo tao: đọc bài đó, nó khóc!

Nói xong Lan Khai cười ồ ồ lên, Phụng không cười, khẽ giọng:

– Tao cũng muốn ứa nước mắt. Chú mày viết bài đó, cảm động lắm.

Văn của Lan Khai hấp dẫn như thế đó. Trương Tửu viết trong báo LOA một bài khen Lan Khai thật là xứng đáng. Đọc bài phê bình của Trương Tửu, Thế Lữ nói với Vũ Đình Liên:

– Văn Lan Khai có ra cái đếch gì mà Trương Tửu tâng bốc.

Chỉ có Thế Lữ mạt sát Lan Khai như thế thôi. Có điều lạ, là Lan Khai rất thích độc các tiểu thuyết của Paul Bourget. Anh ta ca ngợi quyển Le Disciple lắm. Nhưng P. Bourget khô khan, quá nặng về tâm lí, không hiểu sao lại thích hợp với tâm hồn của Lan Khai được?
Lan Khai có một quyển Album mà anh để trang đầu là “Sổ Vàng”, trong đó anh lấy chữ kí của nhiều nhà văn mà anh mến, và yêu cầu mỗi người viết vài dòng thủ bút trên trang chữ kí. Tôi thấy trong đó có: Vũ Trọng Phụng, TchyA, Nguyễn Triệu Luật, Khái Hưng, Nguyễn Công Hoan, Lưu Trọng Lư, Anh Thơ và vài người nữa. Tôi không nhớ mấy anh kia viết gì, vì chỉ xem sơ qua. Lan Khai đưa bút máy cho tôi. Tôi viết: Người ta ghét mình là ganh mình, Chửi mình là đề cao mình, Nói xấu mình là sợ mình, Nhưng phớt tỉnh, là trả lời tất cả…

Anh Thơ sửa lại câu thơ trong “Bức tranh quê” của nàng, viết vào “Sổ Vàng” của Lan Khai:

Và đây đã có một đôi bươm bướm
Bay dập dìu như muốn phải lòng nhau

Dưới kí: Tuyết Anh Anh Thơ.

Lan Khai khoái hai câu đó, vì Anh Thơ là người yêu cũ của anh, thường đăng thơ trong báo Đông Phương kí bút hiệu là Tuyết Anh…

Hột mận của Lan Khai

Chị Lan Khai (thứ hai) bảo tôi:

– Cái ông Lan Khai nhà tôi, anh phải biết!

– Biết thế nào? Lan Khai cười hỏi lại vợ.

– Thế nào, thì cậu biết chứ!(1), (2) Vợ chồng Lan Khai gọi nhau bằng cậu mợ.

Chị Lan Khai cầm quyển sách lên xem lại. Rồi chị lại bỏ sách xuống, ngó tôi và tủm tỉm cười:

– Nhà tôi thì khoái các cô ấy lắm, anh à.

Lan Khai cười rú lên. Tiếng anh ấy cười khàn khàn mà rất lẳng. Đôi mắt anh lại còn cười nhiều hơn cái miệng nữa. Cười ra tận hai đuôi mắt, cười dài đến hai mang tai. Anh bảo tôi:

– Này, anh Vỳ à, tôi hỏi anh nhá: Mình viết truyện đường rừng cho Nữ độc giả xem. Họ xem rồi họ viết thư về khen mình, thì mình làm thế nào?

Tôi cười:

– Thì mình khen lại họ.

– Còn như họ yêu mình?

– Thì mình yêu lại họ.

Lan Khai cười ha hả, đứng dậy nghiêng mình chồm qua bàn, chìa bàn tay xương đến tôi:

– Tôi bắt tay anh một cái. Bravo!

Quay sang chị Lan Khai ngồi trên bục gỗ, nhà văn đường rừng đắc chí, bảo vợ:

– Đấy mợ nghe không? Anh Vỹ bảo thế đấy(2).

Tôi phải đính chánh ngay:

– Tôi bảo cho anh, chứ không phải cho tôi. Tôi thì chẳng yêu ai cả.

Chị Lan Khai cãi lại rất duyên dáng:

– Anh Vỹ thì chắc có nhiều người yêu, chứ cậu thì có ma nó yêu cậu!

Lan Khan cười rũ rượi:

– Phải đấy, trước nhất đã có [ma… femme] yêu tớ, rồi đến [ma chère X… ma chère Y…] một tá [“ma”], chỉ vì họ mê tiểu thuyết đường rừng của tớ, nhất là quyển “Hột mận”.

Quay lại tôi, Lan Khai ngó tôi với đôi mắt cười ranh mãnh dưới cặp kiếng cận thị:

– Vỹ, [toa] đọc quyển [“Hột mận”] của [moa] chưa?

– Chưa!

– Sao [toa] không đọc?

– [Moa] đợi cho tất cả các cô nữ độc giả thân yêu của [toa] đọc hết, xong rồi [moa] mới đọc.

– Gớm! Anh nịnh đầm vừa vừa chứ! Anh lười đọc rồi anh khéo bào chữa lắm. Tôi bảo anh hôm nay hãy đọc quyển ấy nhé. Đọc xong chính anh cũng sẽ mê tôi, chứ đừng nói là các cô ấy.

– Sao anh đặt tên sách là “Hột mận?”

– Ấy thế mới hay! Thế mới có khối các cô mê Hột mận của tớ đấy, cậu à. Hôm nay về cậu phải xem nhé?

Tôi cười, không hứa. Mãi đến nay, nằm trên giường viết bài hồi kí này, tôi vẫn chưa đọc quyển [“Hột mận”] của anh bạn “Đường rừng…”

hvln