Ngày thơ Việt Nam 2024: Tôn vinh di sản thi ca dân tộc

  • Cập nhật: Thứ bảy, 24/2/2024 | 9:06:54 AM

Ngày thơ Việt Nam năm 2024 mang đến cho công chúng những di sản thi ca quý báu trong kho tàng thi ca của dân tộc cùng những tác phẩm tiêu biểu về thiên nhiên, vùng đất, con người các dân tộc Việt Nam

“Nhà Ký ức” tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 ở Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội .
“Nhà Ký ức” tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 ở Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội .

Với chủ đề "Bản hòa âm đất nước", Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội ngày 23 và 24-2 (14-15 tháng giêng).

Bản hòa âm đất nước

Chiều 14 tháng giêng (23-2) những người yêu thơ đã có thể bắt đầu tham quan "Nhà ký ức" và tìm hiểu về các nhà thơ dân tộc do Ban Tổ chức lựa chọn, giới thiệu. Dù thời tiết không thuận lợi, trời mưa và lạnh nhưng những người yêu thơ vẫn đến Hoàng thành Thăng Long, đi trên con đường thơ để đọc và chiêm nghiệm những vần thơ hay về dân tộc.

Ngày thơ đã trở thành một lễ hội đặc biệt giữa các lễ hội văn hóa trong những ngày đầu xuân. Và điểm nhấn quan trọng của tất cả ngày thơ vẫn là đêm thơ trong ngày rằm Nguyên tiêu. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, bày tỏ niềm hứng khởi khi thơ ca của các dân tộc với những vẻ đẹp riêng biệt cùng vang lên tại một không gian văn hóa và lịch sử là Hoàng thành Thăng Long.

"Trong không gian linh thiêng ấy, giọng nói của các nhà thơ đại diện cho các dân tộc Việt Nam vang lên. Đó thực sự là một điều kỳ diệu. Khách đến tham quan sẽ có cơ hội tìm hiểu những vẻ đẹp của thơ ca và của nhiều vùng văn hóa khác nhau thông qua thơ ca của các dân tộc Kinh, Tày, Mường, Pa Dí, Dáy, Khmer, Chăm, Hoa..." - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.

Đêm thơ "Bản hòa âm đất nước" được mở đầu với màn biểu diễn cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường, tỉnh Hòa Bình. Đêm thơ gồm 4 phần. Phần một là trình diễn và đọc thơ của các tác giả khu vực phía Bắc; tiếp đó là sự tham gia của nhà thơ quốc tế giao lưu và đọc thơ; phần ba là trình diễn, đọc thơ của các tác giả khu vực miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam; phần cuối mang tên "Những dư âm còn mãi".

Các tác phẩm được trình diễn trong đêm thơ gồm các truyện thơ, sử thi như "Bách điểu bách hoa" của dân tộc Tày; "Đẻ đất đẻ nước" của dân tộc Mường và "Xống chụ xon xao" ("Tiễn dặn người yêu") của dân tộc Thái. Đây là những kiệt tác trong kho tàng văn học dân gian của đồng bào các dân tộc Việt Nam.

Thơ của 16 tác giả trong nước và quốc tế sẽ do tác giả trực tiếp đọc hoặc được các nhà thơ, nghệ sĩ ngâm thơ trình bày. Có thể kể tên một số nhà thơ có tác phẩm tại đêm thơ như: Nông Quốc Chấn, Dương Khâu Luông (dân tộc Tày); Lò Ngân Sủn (dân tộc Giáy); Pờ Sảo Mìn (dân tộc Pa Dí); Lý Hữu Lương (dân tộc Dao); Kiều Mai Ly (dân tộc Chăm); Thạch Đờ Ni (dân tộc Khmer); Thái Hồng (dân tộc Hoa); Bùi Tuyết Mai (dân tộc Mường); Đỗ Thị Tấc, Nguyễn Phúc Lộc Thành (dân tộc Kinh)…

Nhà thơ Hữu Việt, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, nói thêm đêm thơ năm nay là sự kết hợp hài hòa, cân đối các yếu tố sân khấu hóa trong trình diễn thơ, sử dụng các hiệu ứng âm nhạc, diễn xướng, âm thanh, ánh sáng, trang phục... Chương trình cũng duy trì lối đọc thơ truyền thống của các nhà thơ, nghệ sĩ với mong muốn khán giả được thưởng thức trọn vẹn những tác phẩm thơ xuất sắc nhất.

Tôn vinh thơ ca và lan tỏa vẻ đẹp

Ngoài sân khấu thơ như một điểm nhấn quan trọng, Ngày thơ 2024 còn có những hoạt động khác như "Nhà ký ức", hội thảo thơ "Từ bản lĩnh đến bản sắc của nhà thơ", do nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chủ trì cùng những cuộc giao lưu giữa nhà thơ và bạn đọc để ký tặng sách và trò chuyện.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng Ngày thơ thực sự là một hoạt động đặc biệt để tôn vinh thơ ca và lan tỏa vẻ đẹp và sự cần thiết của thơ ca rộng sâu hơn nữa trong đời sống. Tại đây, các nhà thơ thấu hiểu hơn vẻ đẹp và sứ mệnh trong sự sáng tạo thơ ca của mình. Họ nhận thấy cả cộng đồng đang đợi chờ vào những sáng tạo thơ ca của họ, họ tìm thấy sự gắn kết kỳ lạ giữa con người với con người, giữa cá nhân họ và cộng đồng rộng lớn. Đó là nguồn cảm hứng lớn lao cho sự sáng tạo lặng lẽ.

Ngày thơ năm nay sẽ diễn ra tại toàn bộ khuôn viên bãi cỏ trước cửa Đoan Môn ở Hoàng thành Thăng Long. Các sự kiện chính diễn ra trên trục thần đạo của Hoàng thành Thăng Long, từ cửa Đoan Môn đến Cột cờ Hà Nội. Các hoạt động của Ngày thơ bố trí cấu trúc trên toàn bộ trục thần đạo, khán giả và người tham dự đi từ cổng thơ, đến đường thơ, qua "Nhà ký ức", đến cây thơ và cuối cùng là sân khấu chính diễn ra đêm thơ.

Trên chính giữa trục thần đạo, năm nay Ban Tổ chức tiếp tục xây dựng không gian "Nhà ký ức" theo hình dáng kiến trúc một ngôi nhà dài của đồng bào Tây Nguyên. Nơi đây sẽ trưng bày kỷ vật, hiện vật, tác phẩm của 12 nhà thơ tiêu biểu, đứng đầu là nhà thơ - Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng 11 nhà thơ người dân tộc đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật. 

Theo đạo diễn Lê Quý Dương, Tổng đạo diễn Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, toàn bộ không gian Ngày thơ là hoa văn thổ cẩm trên mái nhà, thân cây, lá cây... kết hợp với 22 đài đuốc, tượng trưng cho Ngày thơ lần thứ 22 của Hội Nhà văn Việt Nam. Ban Tổ chức đã chọn 22 ca khúc do các nhạc sĩ sáng tác hoặc phổ thơ về miền núi, dân tộc như "Bóng cây kơ nia", "Giấc mơ Chapi"… để tạo nên không gian đậm chất thi ca, một "Bản hòa âm đất nước" đa màu, đa sắc...
(Theo NLĐO)

Các tin khác
Các nhiếp ảnh gia chụp ảnh mùa lúa chín tại đồi Móng Ngựa, Mù Cang Chải

UBND huyện Mù Cang Chải sẽ phối hợp với Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) huyện Mù Cang Chải.

Ảnh minh hoạ

Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng” sẽ diễn ra từ ngày 25-29/6 tại Trung tâm Thông tin, Triển lãm và Điện ảnh Hải Phòng (thành phố Hải Phòng) với sự tham gia của các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Các em học sinh trải nghiệm đọc sách tại Thư viện tỉnh.

Trong bối cảnh hiện nay, công nghệ thông tin phát triển, tài nguyên thông tin gia tăng nhanh chóng, đa dạng và yêu cầu của người sử dụng có nhiều thay đổi đã tác động đến cách thức triển khai hoạt động của các thư viện. Vậy làm thế nào để thu hút độc giả, thúc đẩy phong trào đọc sách trên địa bàn tỉnh? Vấn đề này sẽ được làm rõ trong cuộc trao đổi của phóng viên (P.V) Báo Yên Bái với bà Đồng Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Thư viện tỉnh Yên Bái dưới đây!

Cho phép khai quật khảo cổ tại Đại nội Huế

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) vừa ban hành Quyết định số 1266/QĐ-BVHTTDL cho phép Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai quật khảo cổ tại di tích Đại Cung Môn (cửa chính vào Tử Cấm Thành) - Đại nội Huế, phường Đông Ba, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục