Hiệu quả từ mô hình nuôi gà theo hướng tuần hoàn

Cập nhật, 15:08, Thứ Ba, 07/11/2023 (GMT+7)

 

Mô hình nuôi gà theo hướng tuần hoàn giúp nâng cao về giá trị, tận dụng tối đa các phế phẩm và góp phần bảo vệ môi trường.
Mô hình nuôi gà theo hướng tuần hoàn giúp nâng cao về giá trị, tận dụng tối đa các phế phẩm và góp phần bảo vệ môi trường.

Theo ngành nông nghiệp, chăn nuôi theo hướng khép kín, hữu cơ, tuần hoàn là một xu hướng tất yếu. Do đó, nhiều cơ sở, hộ chăn nuôi đã chuyển hướng sản xuất, chăn nuôi theo hướng tuần hoàn để nâng cao về giá trị, tận dụng tối đa các phế phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Với mục tiêu hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, thân thiện môi trường, sử dụng chất thải, phế phẩm, phụ phẩm… làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác thông qua việc áp dụng công nghệ sinh học, biện pháp kỹ thuật, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên môn, các địa phương khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi nói riêng.

Theo đó, ý thức và tư duy chăn nuôi của người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang đầu tư chăn nuôi khép kín, quan tâm xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh…

Theo nhiều chủ cơ sở, hộ chăn nuôi, chăn nuôi theo mô hình tuần hoàn, khép kín không chỉ nâng cao về giá trị, chất lượng sản phẩm, tận dụng tối đa các phế phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Do đó, nhiều cơ sở chăn nuôi mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật mới nhằm đảm bảo chế độ dinh dưỡng và quản lý dịch bệnh, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.

Điển hình như trang trại chăn nuôi gà của Công ty TNHH Tường An (xã Thuận An, TX Bình Minh) có diện tích 6ha. Những dãy chuồng nuôi được đầu tư xây dựng kiên cố, sạch sẽ, chuồng nuôi rộng rãi, thoáng mát, hệ thống máng ăn, máng uống đảm bảo vệ sinh.

Anh Phạm Thế Tường- Giám đốc công ty, cho biết: Mô hình được triển khai được khoảng 3 năm nay, nuôi gà nòi Bến Tre, gà 4 tháng sẽ thu hoạch, đầu ra tiêu thụ ổn định ở Sóc Trăng, Cà Mau, Cần Thơ.

Gà được nuôi trong khuôn viên rộng, quy trình trang trại. “Mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn sẽ tận dụng chất thải phân gà, ủ phân để bón cho nhiều cây trồng như mít, ổi... và một số cây có thể làm thức ăn cho gà như chuối, đồng thời, có sử dụng hệ thống tuần hoàn lấy từ phế phẩm của gà để trồng khổ qua rừng, cung cấp nguyên liệu sản xuất trà khổ qua rừng”- anh Tường chia sẻ.

Theo nhiều hộ chăn nuôi, chăn nuôi gà theo hướng tuần hoàn, khép kín tuy có vốn đầu tư ban đầu cao song đây sẽ là mô hình tất yếu của tương lai, đáp ứng được sự phát triển của ngành chăn nuôi trước áp lực cao từ mầm bệnh và có khả năng cạnh tranh ra thị trường. “Do mô hình khép kín, việc vệ sinh chuồng trại tốt, nguồn thức ăn đầu vào đảm bảo… nên rất ít xuất hiện dịch bệnh trên gà”- anh Tường cho biết thêm.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Anh- công chức nông nghiệp xã Thuận An (TX Bình Minh): Trang trại chăn nuôi gà Tường An có khuôn viên rộng được nuôi theo hướng chăn nuôi tuần hoàn, trồng những loại cây làm thức ăn cho gà và dùng phân gà bón cho cây.

Với 4 chuồng nuôi, số lượng từ 10.000-15.000 con, sau 4 tháng nuôi mỗi con có trọng lượng trung bình khoảng 1,2kg, sau khi trừ chi phí, còn lợi nhuận khoảng 740 triệu đồng/năm. Mô hình chăn nuôi này còn giải quyết cho 15 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

Mô hình áp dụng sản xuất theo hướng tuần hoàn, đàn gà trong mô hình phát triển khỏe mạnh, môi trường sản xuất được bảo đảm an toàn, sản phẩm chăn nuôi an toàn sinh học, giảm chi phí trong quá trình sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Thời gian tới, địa phương sẽ có hướng nhân rộng phát triển mô hình nhằm nâng cao thu nhập và phát triển chăn nuôi bền vững.

Qua đợt khảo sát mô hình thực tế tại TX Bình Minh trong chương trình giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2023 của Tỉnh ủy tại các địa phương, Bí thư TX Bình Minh Trương Đặng Vĩnh Phúc cho biết đây là một trong những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, có tác động lan tỏa, nhân rộng trong cộng đồng.

Bài, ảnh: YẾN- LY