Những nhạc cụ giữ hồn văn hóa dân tộc Mường

Dân tộc Mường chiếm 8,4% dân số toàn tỉnh, cư trú chủ yếu vùng dọc sông Đà ở các huyện Phù Yên, Bắc Yên, Mộc Châu và Mai Sơn. Văn hóa của đồng bào dân tộc Mường đa dạng, phong phú, nhất là những loại nhạc cụ âm nhạc độc đáo được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Đuống và đâm đuống được coi là biểu tượng của văn hóa dân tộc Mường ở Sơn La.

Nhạc cụ dân tộc Mường có rất nhiều loại, như: Đuống, chiêng, trống gỗ, cò kè, sáo ôi... Trong các nhạc cụ đó, đuống được coi là biểu tượng của văn hóa dân tộc Mường. Đuống thực chất là chiếc cối dùng để giã gạo, đựng nước nhuộm chàm của đồng bào Mường, được làm từ thân cây gỗ trò chỉ, sâng; đuống có hình chiếc thuyền độc mộc, rỗng lòng, rộng từ 0,5m, dài từ 2m trở lên; những chiếc chày giã hình trụ tròn dài khoảng 1,5m, giữa thân thon để vừa tay cầm. Đâm đuống hay chàm đuống được biểu diễn trong các dịp tết cổ truyền, hội mùa, cưới xin hay mừng nhà mới...

Đội hình đâm đuống được chia làm hai thành phần là cái và con. Cái do một người có nhiều kinh nghiệm đảm nhiệm, đứng đầu đuống, con là những người còn lại trong đội hình. Khi diễn tấu, đâm đuống sẽ có ba động tác cơ bản là: Giã, đập và đánh. Giã là đâm thẳng đầu chày vào thành đuống; đập là dùng cạnh đầu chày gõ mạnh vào thành đuống; đánh là gõ hai cạnh đầu chày vào nhau. 

Ông Trần Văn Phấn, bản Kẽm, xã Mường Lang, huyện Phù Yên, một trong những người cao tuổi còn sưu tầm và am hiểu về đuống, chia sẻ: Người Mường ở đây tin rằng tiếng đuống càng vang, càng rộn ràng thì năm đó sẽ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân bản Mường gặp nhiều điều may mắn, an lành.

Chiêng cũng là một loại nhạc cụ nổi tiếng của dân tộc Mường ở Sơn La.

Bên cạnh đó, Chiêng cũng là loại nhạc cụ nổi tiếng của dân tộc Mường. Một bộ chiêng đầy đủ gồm 12 chiếc được chế tác từ đồng thau hoặc đồng vàng, gồm 4 chiếc chiêng dàm kích thước lớn, 4 chiếc chiêng bồng có kích thước trung bình và 4 chiếc chiêng tlé có kích thước nhỏ. Khi biểu diễn, người cầm chiêng dàm thường đánh những tiếng chiêng mở đầu gọi là gióng để hướng dẫn giàn chiêng, cũng như tập trung sự chú ý của người nghe. Sau đó, các chiêng khác sẽ vang lên với âm điệu trầm bổng, hòa cùng cuộc vui của mọi người.

 Ngoài đuống, chiêng, trống gỗ cũng là loại nhạc cụ quan trọng trong bộ nhạc cụ dân tộc Mường. Ông Hà Văn Trung, bản Lằn, xã Mường Do, huyện Phù Yên, chia sẻ: Dân tộc Mường có 2 loại trống, là trống cái và trống con. Để làm một chiếc trống cái dài cần tìm được cây gỗ chắc, thường là gỗ dổi, lát hoa. Da trống chọn loại da bò già, được xử lý bớt lông và ngâm nước khử mùi, đem phơi nắng, treo gác bếp để tăng độ bền, khi bưng trống, tiếng trống mới vang, đanh chắc. Trống con cũng được làm tương tự, nhưng kích thước nhỏ hơn.

Ông Hà Văn Trung, bản Lằn, xã Mường Do, huyện Phù Yên làm trống truyền thống của dân tộc Mường.

Tiếng đuống, chiêng, trống với âm sắc đặc biệt kết hợp với những điệu múa, lời hát đặc trưng, thanh âm lúc thâm trầm, khi réo rắt vang vọng núi rừng, diễn tả trọn vẹn những cung bậc cảm xúc, dễ dàng chạm đến trái tim người thưởng thức và thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng.

Trống cái, trống con, cò kè và một số nhạc cụ dân tộc Mường huyện Phù Yên.

 Đến nay, các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Mường vẫn được các thế hệ truyền nhau gìn giữ và có những nhạc cụ được cải tiến phù hợp với đời sống hiện đại. Điều này cho thấy, giá trị tinh thần bền vững và vị trí quan trọng không thể thay thế của nhạc cụ cổ truyền, cùng âm nhạc dân gian trong văn hóa ngàn đời của dân tộc Mường trước những biến đổi không ngừng của nghệ thuật đương đại.

Bài, ảnh: Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới