Đặc sắc nghệ thuật thư pháp

08:04, 06/04/2018

Thư pháp là nghệ thuật thể hiện chữ viết đảm bảo các yếu tố như điểm hoạch (đường nét), kết thể (bố cục), thần vận (cái hồn của tác phẩm)... Nội dung của chữ thư pháp thường mang tính chúc tụng và giáo dục con người hướng đến chân - thiện - mỹ trong cuộc sống. Bằng tài năng và sự đam mê, những người yêu nghệ thuật thư pháp trong tỉnh luôn tìm tòi, sáng tạo trong việc thể hiện các tác phẩm thư pháp, góp phần khơi dậy nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc.

Ông Trần Quốc Hạnh (bên trái), đường Minh Khai (TP Nam Định) viết thư pháp tại Bảo tàng tỉnh.  Bài và ảnh: Viết Dư
Ông Trần Quốc Hạnh (bên trái), đường Minh Khai (TP Nam Định) viết thư pháp tại Bảo tàng tỉnh. 

Ông Đặng Kim Ba là một trong những tên tuổi ở Thành Nam về nghệ thuật thư pháp Hán Nôm. Trò chuyện cùng ông Ba trong ngôi nhà khang trang ở đường Minh Khai (TP Nam Định), chúng tôi cảm phục sức sáng tạo của ông. Các tác phẩm thư pháp mà ông Ba tâm đắc được đóng khung kính, treo trang trọng trên tường. Trên mặt bàn, nghiên bút, giấy mực luôn sẵn sàng để mỗi khi ông có cảm hứng là kịp thời thi triển thư pháp... Sinh năm 1953, từng là lính binh chủng ra-đa phòng không không quân (từ 1972-1977) niềm đam mê thư pháp đến thật tình cờ khi năm 1995 ông tham quan một số di tích trên địa bàn tỉnh. Ông tò mò tìm hiểu ý nghĩa các câu đối, đại tự, hoành phi trong các di tích. Khi đã hiểu nội dung từng chữ, ông lại muốn biết sâu hơn về cách thể hiện chữ và đã đến thỉnh giáo các nhà nho giỏi chữ Hán để học cách viết. Với kinh nghiệm về thư pháp, ông từng làm chủ nhiệm CLB Trí Đức thư pháp 10 năm liền (từ 2007-2017). Nhiều tác phẩm thư pháp làm nên tên tuổi của ông như: “Chiếu Dời Đô” của Lý Công Uẩn, một số bài thơ của Bác Hồ và thơ của một số vị vua Trần. Trong đó, đặc sắc là bài thơ “Chiếu Dời Đô” được ông Ba viết lại theo lối Lệ thư với độ dài 240 chữ. Với lối viết Lệ thư, các nét bút đòi hỏi người viết phải thi triển các động tác liên tục, không dừng bút, không được sai một từ vì nếu sai phải viết lại cả bài thơ. Ông Ba cho biết: Dù đã gần 20 năm tìm hiểu, viết chữ Hán, thư pháp nhưng mỗi ngày ông đều dành vài giờ để luyện chữ. Khi viết phải đứng, cánh tay không được chạm bàn nên đòi hỏi phải có sự khổ luyện và liên tục. Cùng với chữ, việc chọn bút viết cũng phải đầy đủ “tiêm, tề, viên, kiện” (nhọn, xòe bằng nhau, tròn và cứng cáp) nhưng khó nhất vẫn là viết các thể chữ. Chữ viết gồm 5 thể: Triện, Lệ, Hành, Khải, Thảo, mỗi thể viết lại đòi hỏi độ khó riêng... Với mong muốn quảng bá nghệ thuật thư pháp, nhiều năm qua, ông Đặng Kim Ba được Bảo tàng tỉnh mời giới thiệu nét đẹp của nghệ thuật thư pháp cho các em học sinh dịp đầu xuân. Theo ông Ba, cho chữ cũng chính là để tự tu thân, bởi mỗi người xin chữ ngoài cầu may mắn còn muốn xin đức độ, tài năng của người cho chữ để răn mình.

Nghệ thuật thư pháp đến với ông Trần Quốc Hạnh (69 tuổi), đường Minh Khai (TP Nam Định) như một cái duyên. Thời điểm từ năm 1963 đến 1966 ông Hạnh khi đó còn là học sinh trường cấp III Lê Hồng Phong (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP Nam Định). Say mê bộ môn Trung văn, hằng ngày sau khi kết thúc buổi học, Hạnh lại ra hiệu sách Ngoại văn ở đường Hoàng Văn Thụ mua sách báo Trung Quốc về tự học. Hồi ấy, ông và các bạn cùng trang lứa háo hức ra khu vực chợ Rồng (TP Nam Định) xem các ông đồ ngồi dài thành dãy say mê viết câu đối, cho chữ. Với chút lưng vốn về chữ Trung Quốc giản thể, ông đến các cổng đình, chùa, đại tự, câu đối, nhập tâm để lưu lại trong trí nhớ từng nét chữ Hán. Năm 1990, phong trào thư pháp phát triển mạnh, tạo điều kiện cho những người đam mê nghệ thuật như ông Hạnh tiếp cận gần hơn với những kỹ thuật bài bản khi tham gia CLB thư pháp Trí Đức (TP Nam Định). Điểm đặc trưng trong phong cách viết thư pháp của ông Hạnh là vận thể hành thảo trong các tác phẩm, các nét chữ thể hiện bút lực nhanh, có độ bay. Ông Hạnh cũng là một trong số ít người hiện nay có kiến thức khá sâu rộng về chữ Nôm thư pháp. Theo ông Hạnh, muốn hiểu, muốn đọc chữ Nôm thì phải biết chữ Hán, phải nắm vững phương pháp cấu tạo của chữ Nôm, diễn biến của chữ Nôm và hiểu được một số quy luật ngữ âm học lịch sử về tiếng Việt Nam và tiếng Hán Việt. Để có vốn chữ Nôm, ông đã tự học qua từ điển, qua các bài thơ của Tú Xương, Truyện Kiều... Từ năm 2013, ông Hạnh tiếp tục sáng tạo cách viết thư pháp cho chữ quốc ngữ theo các nét của chữ Hán. Ông cho biết: Mỗi người khi lựa chọn viết thư pháp bằng chữ quốc ngữ cần nghiên cứu kỹ cả về bố cục thư pháp, hình khối và nét chữ. Nếu không hiểu kỹ chữ viết khi sáng tác thư pháp chữ quốc ngữ dễ rơi vào cách thể hiện rườm rà, làm biến dạng chữ Việt.

Ở phường Lộc Vượng (TP Nam Định), ông Dương Văn Tất (74 tuổi) là người có thâm niên về tìm hiểu chữ Hán Nôm. Xuất thân trong một gia đình nhà nho truyền thống, từ nhỏ ông Tất đã được tiếp xúc với chữ Hán Nôm qua ông nội. Sau khi trưởng thành, nhập ngũ đơn vị phòng không không quân Sư đoàn 367 rồi học cơ yếu, binh chủng ra-đa Bộ Tư lệnh B5 Quảng Trị rồi xuất ngũ làm ở Bộ Nội Thương nhưng niềm đam mê nghề đông y vẫn cháy trong ông. Cũng từ công việc dịch các sách đông y cổ truyền, ông đã có vốn chữ Hán Nôm kha khá. Sau khi tiếp cận với nhiều cổ thư viết theo lối thư pháp, ông đã say mê luyện tập hằng ngày. Ông Tất cho biết: Thư pháp cũng giống như trong tập luyện khí công bởi chú trọng điều tâm, điều tức và điều hình. Thư pháp trong tĩnh có động, động quy về tĩnh, tĩnh quy về động, rất có ích đối với tâm hồn và thể xác con người. Cũng bởi vậy, hiện nay nhiều bệnh nhân đến phòng khám của ông Tất đều mê mẩn những tác phẩm thư pháp, mỗi người được ông tặng chữ đều trân trọng và được tiếp thêm niềm tin trong cuộc sống.

Trong tâm thức mỗi người, khi nhắc đến người viết thư pháp thường liên tưởng đến hình ảnh ông đồ, nhưng cô Hoàng Thanh (56 tuổi) là một trong số những phụ nữ có niềm đam mê đặc biệt với thư pháp. Là giảng viên Khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nam Định nên khi làm quen với nghệ thuật thư pháp cô Thanh không quá bỡ ngỡ. Theo cô Thanh, tranh vẽ kết hợp với thư pháp mang lại cho người xem một cảm giác hài hòa tinh tế, bức tranh tựa như một bài thơ, còn bài thơ lại gợi lên nhiều khung cảnh. Người cầm bút viết thư pháp cũng giống như họa sĩ thường gửi gắm tâm hồn mình vào núi cao sông dài, hoa thơm cỏ lạ, chim bay thú chạy… Linh khí của đất trời sông núi, hồn sống của muôn loài sẽ dung dưỡng cho thể xác và tâm hồn, nhờ đó giúp cho cơ thể luôn khỏe mạnh. Với nét bút bay bướm, giàu hình tượng, có tính thẩm mỹ, nghệ thuật cao, các tác phẩm thư pháp của cô Thanh được giới thư pháp đánh giá cao về thần và khí khi thể hiện. 

Trải qua dòng chảy của thời gian, những người đam mê thư pháp ở tỉnh ta vẫn hăng say sáng tác để loại hình nghệ thuật ngày càng phát triển, đa dạng cả về phong cách thể hiện và ý nghĩa nhân sinh. Như vậy, việc chơi, thưởng ngoạn thư pháp của những người đam mê không chỉ dừng lại ở tính phong trào mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa Việt./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com