Cách nuôi tằm khá lạ ở thôn nhỏ Yên Thành

DIỆP QUỲNH 03:21, 25/04/2023

Một thôn nhỏ với kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm khá đặc biệt, với năng suất rất cao. Cây dâu con tằm đã mang lại cho người nông dân no ấm, trù phú. Ấy là thôn Yên Thành, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, nơi người nông dân tìm ra một kỹ thuật trồng dâu tằm khá lạ.

Chị Trần Thị Lý cho tằm ăn dâu nguyên cành
Chị Trần Thị Lý cho tằm ăn dâu nguyên cành

“Người thôn Yên Thành trồng dâu nuôi tằm hoàn toàn khác, không giống với những nơi cùng trồng dâu nuôi tằm khác. Bản thân tôi đi thăm nhiều vùng tằm nhưng thấy người Yên Thành nuôi một cách riêng, khác hẳn bà con nơi khác. Cách nuôi này phù hợp với người Yên Thành” - ông Trần Khắc Thiện - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Yên Thành, xã Đạ Đờn tự nhận xét. Quả thật, nhìn trực tiếp cách trồng dâu nuôi tằm của người Yên Thành mới thấy sự khác biệt trong kỹ thuật chăn nuôi với vật nuôi vốn được mệnh danh “nuôi tằm ăn cơm đứng”.

Trong gia đình chị Trần Thị Lý, thôn Yên Thành đang có hai lứa tằm nuôi theo kiểu gối đầu. Một lứa tằm ăn sáu, chuẩn bị lên né và lứa còn lại tằm mới bắt về đang tuổi 4, tằm còn rất nhỏ. Chị Lý cho biết, giống như các hộ trong thôn, chị nuôi trực tiếp tằm trên nền xi măng. Thay vì đổ tằm thành lớp mỏng trên sàn nhà thì chị Lý vun tằm thành đống lớn trên tấm bạt, tựa như đống than, đống đất. Trên đống tằm, chị rải hàng lớp dâu cắt nguyên cành, nguyên gốc, không nhặt lá. Chị cho biết: “Tằm vun đánh đống nhưng không hề bị ảnh hưởng, chỉ cần phủ cành dâu lên trên đống tằm, tằm ăn no sẽ chìm xuống dưới, tằm chưa ăn trèo lên ăn dâu. Nhà tôi để tằm dưới sàn từ khi bắt về cho tới khi lên né. Lên né cũng chỉ cần để né gỗ xuống, con tằm cũng tự động chui vào ô, chỉ cần nhấc lên”. Vì dâu không hái lá, không quét nhà tằm, không hốt phân nên người Yên Thành nuôi tằm khá nhàn. Như nhà chị Trần Thị Lý, dù nuôi 1-2 hộp tằm/tháng nhưng chỉ cần một mình chị là đủ sức hái dâu chăn tằm, không cần người giúp đỡ. 

Ông Trần Khắc Thiện cho biết, theo kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm phổ biến hiện nay, khi cây dâu được 3 tháng là có thể thu hoạch lá. Bà con thường hái lá từ gốc dần lên ngọn. Nhưng người Yên Thành không hái lá dâu mà thực hiện đốn gốc. Cây dâu tầm 2 tháng, khi cao khoảng 90 - 120 cm, bà con sẽ dùng liềm cắt tận gốc, bỏ nguyên cả cây vào cho tằm ăn. Dâu cắt xong thì tưới nước, bỏ phân, sau 2 tháng sẽ ra lứa mới, đạt chiều cao và lượng lá để cắt tiếp. Ông Thiện đánh giá: “Trồng dâu và thu hoạch theo kiểu cắt gốc có nhược điểm là sản lượng không cao bằng hái lá. Cắt gốc xong phải 2 tháng mới có dâu thu nên phải có 2 sào dâu mới đủ nuôi 1 hộp tằm/tháng, trong khi hái lá thì chỉ cần 1 sào là đủ nuôi. Bù lại, hái dâu bằng cắt gốc thì rất nhàn, không cần nhiều công lao động. Gia đình chỉ cần 1 người là đủ hái dâu, chăn tằm”. Sau khi tằm lên né, bà con quét cả phân tằm, gốc dâu, cành dâu còn sót lại, bỏ vào máy xay kỹ, làm thành một loại phân hữu cơ và mang bỏ lại vào vườn dâu. Bởi vậy, dâu Yên Thành thường xuyên được chăm bón bằng thứ phân hữu cơ sạch, tốt cho dâu và tăng độ phì nhiêu cho đất. 

Hiện, toàn thôn Yên Thành có 190 nông hộ, trong đó, có trên 60% số hộ nuôi tằm. Điều đặc biệt là áp dụng kỹ thuật nuôi tằm chất đống, hái dâu tận gốc thì năng suất tằm của người Yên Thành khá cao, trung bình 60 kg kén/hộp, cao hơn từ 5-10 kg/hộp so với nhiều vùng tằm khác. Chị Trần Thị Lý cho biết, người Yên Thành thực thi 3 tiêu chuẩn để đảm bảo tằm đạt năng suất tốt, đó là cho tằm ăn no, trồng dâu an toàn, cách li thuốc đúng kỹ thuật và làm vệ sinh nhà tằm thật tốt. 

Anh Ha My, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Đờn cho biết, toàn xã có 120 ha dâu thì thôn Yên Thành chiếm hơn 50% diện tích toàn xã. Bà con làm việc rất chăm chỉ, đoàn kết, tập hợp thành chi hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm để hỗ trợ kỹ thuật, giống dâu cũng như chia sẻ nguồn tằm con, nguồn tiêu thụ. Hội Nông dân triển khai cho bà con vay vốn để mua sắm thêm công cụ, hiện đại hóa nghề tằm. Nhà nước cũng đã xây hệ thống mương thủy lợi, cung cấp lượng nước dồi dào cho bà con, giúp cây dâu đủ nước ngay giữa mùa hạn khốc liệt nhất. Cũng vì vậy, người Yên Thành no ấm từ cây dâu con tằm, gắn bó với nghề xưa, phát triển thêm nhiều kỹ thuật canh tác phù hợp với vùng đất quê mới.