Lội rừng tìm Pơ Kao Yă Prac

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi những cơn mưa đầu mùa trút nước, những mầm xanh nơi cánh rừng ở xã Tơ Tung (huyện Kbang) bắt đầu chuyển mình sau tháng ngày khô hạn. Đây là thời điểm người dân vào rừng tìm hái loài hoa có tên Pơ Kao Yă Prac (còn gọi là hoa nghệ rừng) về làm món ăn yêu thích. Du khách từng một lần thưởng thức món ăn dân dã này cũng đâm ra “nghiện” nên bắt đầu săn lùng, tìm mua.
Gần đây, khách đến tham quan Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung) được giới thiệu món ăn dân dã từ hoa nghệ rừng, người Bahnar gọi là Pơ Kao Yă Prac. Từ chỗ ít ai biết đến, hoa nghệ rừng trở thành đặc sản khiến du khách mê mẩn bởi sức hấp dẫn khó cưỡng. Tuy nhiên, do hoa nghệ rừng chỉ xuất hiện ngắn ngủi theo mùa nên không phải ai cũng may mắn được thưởng thức.
Món bình dân trở thành đặc sản
Từ những hình ảnh về món ăn đầy hấp dẫn Pơ Kao Yă Prac của đồng bào Bahnar được đăng tải trên trang Facebook của anh Đinh Mỡi-cán bộ Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Kbang, phụ trách Nhà lưu niệm Anh hùng Núp, chúng tôi đã liên hệ để tìm hiểu. Dù đang tất bật chuẩn bị cho việc đón tiếp đoàn khách từ TP. Hồ Chí Minh đến tham quan, song anh vẫn dành thời gian dẫn chúng tôi rong ruổi đi tìm hoa như lời hẹn.
Vừa đi, anh Mỡi vừa hóm hỉnh nói: “Hoa nghệ rừng thời điểm này đã hết mùa, giờ ráng “vạch lá tìm hoa” chắc vẫn còn đấy”. Theo anh Mỡi, vào mùa, hoa của chúng nở thành từng vạt, màu trắng hồng rất đẹp, tha hồ hái.
“Tầm cuối tháng 3 đến tháng 5, người dân ở các làng Stơr, Leng 1, Leng 2, Kuk (xã Tơ Tung) rủ nhau vào rừng tìm hoa nghệ rừng. Loài cây dại này mọc nhiều nơi nhưng chỉ đơm hoa sau những cơn mưa đầu mùa. Người dân mỗi khi đi rẫy hoặc lên rừng lấy củi, tìm nấm đều tranh thủ hái hoa mang về. Bữa ăn nào có món Pơ Kao Yă Prac luộc chấm muối hoặc xào, nấu canh thì ngày đó nồi cơm chắc chắn không còn hạt nào”-anh Mỡi cho hay.
Anh Gach (làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang) cho biết, muốn chế biến hoa nghệ rừng thành món ăn thì phải tước bỏ các cánh hoa bên ngoài, chỉ lấy phần lõi bên trong. Ảnh: Minh Nguyễn
Anh Gach (làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang) cho biết, muốn chế biến hoa nghệ rừng thành món ăn thì phải tước bỏ các cánh hoa bên ngoài, chỉ lấy phần lõi bên trong. Ảnh: Minh Nguyễn
Theo anh Mỡi, việc tìm loại hoa đặc sản này không quá khó, chúng mọc không chỉ trong rừng mà ngay trong rẫy của người dân. Trước kia, chỉ cần đi vào rừng một đoạn thì đã tìm gặp, chừng 1 giờ là hái được cả gùi đầy. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, hoa nghệ rừng ngày càng ít đi do có nhiều người tìm hái bán cho khách du lịch.
Dứt lời, anh Mỡi cúi người nhổ lên một bụi cây đang nở những đóa hoa nhỏ màu trắng hồng xinh xắn. Lấy tay phủi bớt đất bám vào, anh hướng dẫn: Muốn ăn hoa này thì phải tước bỏ các cánh hoa bên ngoài, chỉ lấy phần lõi bên trong. Hoa ngon nhất khi được thu hái vào ngày thứ 2 đến ngày thứ 4 kể từ khi đơm bông, bởi chúng chỉ nở khoảng 5-6 ngày thì tàn, sau thời gian đó, chế biến thức ăn sẽ không còn ngon nữa.
“Mình thường tìm kiếm những nguyên liệu sẵn có, dân dã để chế biến các món ăn giới thiệu đến du khách như: ốc đá, cá suối, rau rừng, đọt mây... Hoa nghệ rừng xào với thịt bò, lòng gà hay nấu canh sườn heo, bí đỏ thì ngon bá cháy. Thành ra món ăn dân dã Pơ Kao Yă Prac này giờ đã trở thành đặc sản”-anh Mỡi cho hay.
Giữ gìn và quảng bá

Ông Đinh Đình Chi-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kbang: “Vùng đất này có nhiều sản vật dưới tán rừng mà người dân chưa khai thác hết, đặc biệt là hoa nghệ rừng. Đa số chúng tự mọc, thích hợp thổ nhưỡng nên không khó để bảo tồn và nhân rộng. Nếu khai thác tốt các giá trị văn hóa ẩm thực từ hoa nghệ rừng sẽ tạo nên sự đa dạng, phong phú và nâng cao sức cạnh tranh đối với các sản phẩm du lịch của huyện”.

Trời đã xế chiều, lùng tìm hơn 1 giờ nhưng chúng tôi chỉ hái ước chừng xào được một đĩa nhỏ nên đành phải quay về làng. Gặp chúng tôi trên đường đi rẫy về, anh Gach (làng Stơr) cho biết: Từ khi còn bé, anh đã thấy ông bà, cha mẹ hái hoa nghệ rừng về chế biến thức ăn. Ngày trước, hoa mọc rất nhiều ở phía sau làng nhưng do quá trình mở rộng đất canh tác nên giờ phải đi xa mới có. Nhiều người cũng đào lấy rễ bán để ngâm rượu thuốc nên chúng mọc thưa dần. Lúc trước, mỗi lần đi rẫy, dân làng hái được cả gùi mang về làm thức ăn chứ không bán. Giờ thì có nhiều khách tìm mua nên người dân cứ đến mùa hoa nở là tìm hái về bán cho tiệm tạp hóa đầu làng kiếm thêm thu nhập. Nếu để nguyên thì bán được 20.000-25.000 đồng/kg, còn làm sạch thì bán được khoảng 60.000-90.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Mỗi vụ hoa, có người kiếm được đến 5-6 triệu đồng.

Món ăn hoa nghệ rừng luộc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Món ăn hoa nghệ rừng luộc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Với chút thành quả có được, vừa về đến nhà, anh Mỡi mau mải vào bếp chế biến. Lục trong tủ lạnh thấy còn chút thịt bò, anh lấy ra xào chung. Khi anh Gach mua rượu đến thì đĩa hoa nghệ rừng xào thơm nức vừa được bưng lên cùng với khoảng chục quả trứng gà luộc. Trải nghiệm bữa cơm đơn giản nhưng đầy thú vị, bao mệt mỏi chợt tan biến. Chúng tôi được nhường phần, ưu tiên thưởng thức. Vừa gắp một đũa đưa lên miệng đã cảm nhận mùi thơm rất riêng, khó lẫn của Pơ Kao Yă Prac song không dễ diễn tả. Vị ngòn ngọt, sần sật ngon miệng quả là vô cùng đáng nhớ.
Hai năm trở lại đây, món ăn đặc trưng mang hương vị của núi rừng đã được giới thiệu, quảng bá đến khách du lịch khi tới tham quan Làng kháng chiến Stơr. Nhiều du khách ở Bình Dương, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh cũng đã đặt hàng nhưng không có để cung cấp do đặc trưng của loài hoa này chỉ nở rộ từ tháng 3 đến tháng 5.
Anh Mỡi cho hay, hoa nghệ rừng không bảo quản được lâu, tuyệt đối phải ráo nước mới đóng thùng gửi đi, nếu còn nước, hoa sẽ bị nhũn, khi chế biến món ăn sẽ không còn ngon nữa. Có đợt, anh gom mua của người dân được 60 kg nhưng nhanh chóng “cháy hàng”. Nhiều người ở tỉnh khác đặt mua 5-10 kg một lúc nhưng không có để bán.
Anh Dương Minh-một du khách đến từ tỉnh Bình Dương không ngớt lời khen khi “trót” thưởng thức món ăn này dù chỉ 1 lần. Anh Minh chia sẻ: “Đến Gia Lai, tôi rất thích các đặc sản như: cơm lam, gà nướng, lá mì, cà đắng, đọt mây nướng, cá suối, ốc đá… Nhưng khi ghé thăm quê hương Anh hùng Núp, tôi mới được may mắn thưởng thức món ăn độc đáo này. Hoa nghệ rừng xào lòng gà có mùi vị rất riêng, rất đặc biệt, nhất là khi ăn kèm với rau rừng. Rất tiếc thời điểm đó tôi không mua mang về được. Hôm trước, tôi có gọi điện đặt mua 6 kg nhưng do hết mùa nên không còn. Chắc phải chờ đến năm sau mới có cơ hội thưởng thức”.
Để ổn định nguồn hàng hoa Pơ Kao Yă Prac cung cấp cho các thương lái cũng như duy trì thường xuyên món ăn này trong thực đơn đãi khách phương xa, ngoài việc liên hệ với bà con để thu gom mỗi khi đến mùa, anh Mỡi cũng triển khai cho 1 hộ dân trồng thử nghiệm 1 sào dưới tán cây keo. Đồng thời, anh còn lội rừng khảo sát một số khu vực có loài hoa này, liên hệ với người dân các xã Sơn Lang, Đak Rong, Kon Pne (những địa phương mưa muộn hơn so với những cánh rừng ở xã Tơ Tung) để tìm mua. Đây là cơ hội để quảng bá món ăn đặc sản của địa phương đến khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, đáng ngại nhất là việc một số bà con trong làng đào lấy rễ bán, nếu tình trạng này kéo dài thì chỉ cần vài năm sau, hoa nghệ rừng sẽ vắng bóng. “Họ đào như cuốc ruộng để tận thu rễ thì nay mai Pơ Kao Yă Prac sẽ không còn, nếu chính quyền không có phương án bảo vệ”-anh Mỡi ưu tư.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.
'Bông hồng thép' Diệu Linh

'Bông hồng thép' Diệu Linh

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, SN 1983, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn.

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Nuôi chim săn mồi, huấn luyện chúng trở thành những “chúa tể” bầu trời là sở thích của nhiều người. Thú chơi này nở rộ từ sau Tết Nguyên đán cho tới tháng 5, được các tay buôn lùng sục khắp nơi tìm nguồn. 
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

Sau 70 năm giải phóng, mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng có rất nhiều thay đổi đáng tự hào trên. Để làm rõ hơn kết quả đạt được của Điện Biên trong 70 năm qua và định hướng sắp tới, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

Có lẽ, ít ở đâu trên nước ta, quyết tâm đưa điện về bản lại cao như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Địa bàn nghèo nên không thể cấp cho dân “cá”, muốn cấp “cần câu” cũng khó nên chính quyền chọn cách đưa cho dân “mồi câu”. “Mồi câu” ở đây chính là điện lưới quốc gia.
Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".