Thứ 7, 04/05/2024 08:44:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 10:34, 23/03/2023 GMT+7

Nông nghiệp tuần hoàn - hướng đi bền vững

Phạm Huy Hân
Thứ 5, 23/03/2023 | 10:34:37 2,338 lượt xem
BPO - Nông dân tỉnh Bình Phước nói chung và nông dân huyện Lộc Ninh nói riêng thời gian qua gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế nông nghiệp hộ gia đình do chi phí đầu vào chăn nuôi cũng như trồng trọt tăng cao, giá nông sản thường ở mức thấp nên yếu thế trong cạnh tranh. Trước tình hình đó, nhiều nông dân đã ứng dụng mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, tận dụng phế, phụ phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi; chất thải chăn nuôi được ủ với men vi sinh trở thành phân bón hữu cơ cho cây trồng, góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng cao giá trị sản xuất.

Giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường

Nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn không chất thải là quá trình sản xuất nông nghiệp kết hợp giữa truyền thống và các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cùng những phương pháp quản lý theo chu trình khép kín. Chất thải, phế, phụ phẩm của quá trình sản xuất này lại làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất khác để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao; giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, tăng thu nhập cho người sản xuất. Hiểu đơn giản hơn, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn là sản xuất nông nghiệp không rác thải, giúp nông dân giảm chi phí và đặc biệt là cải tạo đất.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh tham quan mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn của nông dân trong huyện

Huyện Lộc Ninh có thế mạnh vùng là cây hồ tiêu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hồ tiêu rớt giá kéo dài cộng thêm chi phí phân bón liên tục tăng cao khiến những hộ chuyên canh tiêu thua lỗ. Trong tình hình đó, nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã tìm cho mình hướng đi mới, đó là trồng tiêu kết hợp chăn nuôi dê. Vì phần lớn thức ăn cho dê sẵn có trong vườn như lá cây keo trồng làm trụ tiêu, cỏ trồng quanh vườn tiêu và nhiều loại cây khác có sẵn nên chi phí thức ăn chăn nuôi không quá tốn. Bên cạnh đó, lượng phân từ chăn nuôi dê qua xử lý được bón cho vườn tiêu, giúp tiêu phát triển tốt và giảm chi phí đầu tư.

Việc tự ủ phân hữu cơ giúp các nông hộ giảm chi phí mua phân bón hóa học xuống còn 10-40%. Nhờ giảm thiểu lượng lớn phân bón hóa học đưa vào trong đất giúp cải tạo, làm đất tơi xốp hơn và giảm các tác hại từ sử dụng phân hóa học, qua đó hạn chế sâu bệnh gia tăng, cây trồng phát triển tốt hơn. Bên cạnh những lợi ích thu được từ nguồn phân hữu cơ thì giá bán dê thương phẩm khá ổn định nên nông dân không lo thua lỗ.

Theo anh Đào Xuân Phong, nông hộ trồng tiêu ở ấp Cần Lê, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, với nguồn thức ăn sẵn có từ nọc tiêu và cỏ trồng xen trong vườn, không mất nhiều công chăm sóc, ít dịch bệnh nên nuôi dê rất phù hợp. Không những thế, dê sinh sản nhanh, sau 10 tháng là bắt đầu sinh sản. Mỗi năm dê sinh sản 2 lứa, mỗi lứa 2-3 con, nuôi 7-8 tháng có thể đạt 30-35kg nên thu hồi vốn nhanh.

Hiện nay, gia đình anh Phong có đàn dê 50 con, trong đó 20 con dê sinh sản. Bình quân mỗi năm gia đình bán 15 con dê giống với giá 5 triệu đồng/con, cùng với xuất chuồng hơn 1.200kg dê thịt. Thu nhập từ đàn dê mỗi năm hơn 200 triệu đồng. Với diện tích 1 ha trồng tiêu đang trong thời kỳ thu hoạch, 1 năm thu 2 tấn và giá bán bình quân 70 triệu đồng/tấn thì thu nhập 140 triệu đồng/năm. Ngoài ra, từ nguồn phân dê, anh còn bón cho hơn 1 ha nhãn. Trừ chi phí gia đình anh thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Không chỉ riêng gia đình anh Phong, trên địa bàn huyện Lộc Ninh có rất nhiều hộ nuôi dê kết hợp trồng tiêu thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm.

Xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - trồng trọt

Nhằm phát huy hiệu quả mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, tại nhiều địa phương, nông dân bắt tay xây dựng chuỗi liên kết để có thể thu hút doanh nghiệp đầu tư theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững.

Để mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phát huy hiệu quả, nông dân đã được hướng dẫn và tập huấn kiến thức chăn nuôi, trồng trọt... Ưu điểm nổi bật của mô hình này là nông dân tận dụng nguồn rau cỏ, thảo dược tự trồng trong vườn làm thức ăn chăn nuôi, đồng thời tăng sức đề kháng cho vật nuôi; nguồn phân, nước thải và các phế, phụ phẩm trong chăn nuôi được ủ với men vi sinh tạo ra sản phẩm phân hữu cơ giá trị cao bón cây trồng.

Các phòng, đơn vị chuyên môn cùng các đoàn thể trong toàn huyện cũng đã vận động, hướng dẫn nông hộ tham gia và thành lập các hợp tác xã chăn nuôi dê. Từ đó, nông dân yên tâm hơn trong đầu tư chăn nuôi, tạo được nguồn thu nhập cao, ổn định nhờ có hợp tác xã làm đầu mối kết nối đầu ra. Đồng thời cũng thu hút được nguồn lực lao động sẵn có ở địa phương.

Mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn khẳng định: Việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững đã và đang mở ra cơ hội để nhiều hộ nông dân tại địa phương từng bước phát triển và có định hướng lâu dài cho nền nông nghiệp. Đây cũng là chủ trương và hướng đi đang được đẩy mạnh để tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững và hiệu quả.

  • Từ khóa
163857

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu