Thứ 7, 11/05/2024 19:34:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 14:01, 29/12/2017 GMT+7

Nét kiến trúc độc đáo ở làng cổ Đường Lâm

Thứ 6, 29/12/2017 | 14:01:00 1,507 lượt xem
BP - Đã biết nhiều về làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội) qua sách báo, phim ảnh, nhưng được tận mắt chứng kiến, đắm mình trong quần thể di sản tôi mới thấy hết những giá trị đặc sắc của một làng quê thuần Việt gắn với cuộc sống nông thôn của người dân vùng đồng bằng Bắc bộ. Đây còn là vùng đất sinh hai vua, hai vị anh hùng dân tộc Phùng Hưng và Ngô Quyền nên vừa là minh chứng lịch sử hào hùng của dân tộc vừa là nơi lưu giữ, bảo tồn kho tàng văn hóa lịch sử quý báu của mảnh đất “địa linh nhân kiệt”.

Hiện làng cổ vẫn lưu giữ những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng Việt với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, giếng nước, ruộng, gò đồi... Từ cổng làng đi vào trên những con đường lát gạch, giữa những bức tường đá ong có màu vàng sậm khiến tôi cảm nhận được sự ấm áp, bình yên. Đặc biệt là nét kiến trúc độc đáo hệ thống đền, lăng của hai vua và các nhà thờ họ, miếu, đình, chùa, giếng cổ... trong một môi trường cảnh quan sinh động, tạo điểm nhấn thú vị cho vùng đất cổ.

Đình Mông Phụ có quy mô lớn nhất Đường Lâm, tọa lạc ngay trung tâm làng Mông Phụ, xã Đường Lâm. Ngôi đình được xây dựng mang đậm dấu ấn của lối kiến trúc Việt - Mường, mô phỏng kiến trúc nhà sàn. Sàn nhà còn có lan can tiện gỗ bao quanh. Đình có hai tòa tiền đường và hậu cung với một gian, hai chái lớn và cả hai tòa nhà đều được làm theo kiểu bốn lá mái với họa tiết trang trí hình mây cuộn, rồng bay. Đình được lợp bằng ngói di xếp vảy cá. Trên thân các cột xà, thanh xà đều được trạm khắc hết sức tinh xảo với họa tiết đầu rồng, tứ linh, tứ quý, chim phượng...

 

Cổng vào làng cổ Đường LâmCổng vào làng cổ Đường Lâm

 

Rời đình, tôi đến đền thờ Phùng Hưng (Bố Cái đại vương). Tuy được lập ở nhiều nơi nhưng tại Đường Lâm, đền có quy mô lớn và kiến trúc độc đáo nhất. Đền cũng có phần tiền đường và hậu cung, trong đó hậu cung có tạc tượng ngài uy nghiêm. Nét kiến trúc ở đền theo thời gian vẫn vẹn nguyên giá trị với những hoa văn tinh xảo được trang trí ở bờ nóc, đầu xà, điểm nối giữa các bộ vì, kèo, cột. Toàn bộ phần tiền đường, kiến trúc gỗ không được sơn son như nhiều ngôi đình, chùa thường thấy, nhưng vẫn giữ được màu sắc tự nhiên.

Đối diện đình tổng thờ Bố Cái đại vương uy nghiêm là chùa Mía. Tuy đã qua nhiều lần tôn tạo nhưng chùa vẫn giữ được nét cổ kính. Đây là ngôi chùa lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất Việt Nam với 287 tượng, gồm: 6 tượng đồng, 107 tượng gỗ và 174 tượng đất. Lối đi hai bên giữa chùa trung và chùa thượng nổi bật với các pho tượng La Hán đường nét sống động, chân thật. Trong khuôn viên làng cổ, chùa Mía vẫn giữ được vẻ thâm trầm, cổ kính với mái ngói rêu phong, lối vào lúc nào cũng tĩnh mịch, càng làm cho du khách thêm quyến luyến với những gốc cây cổ thụ rợp bóng mát, tháp cửu phẩm Liên Hoa sừng sững bên phải lối vào.

Cách đền thờ Phùng Hưng chừng 200m, đền và lăng Ngô Quyền được xây dựng trên một đồi đất cao, mặt hướng về phía đông. Phần tiền đường là nếp nhà 5 gian, bộ khung bằng gỗ, được thể hiện chủ yếu thiên về sự bền chắc, tôn nghiêm, dùng làm phòng trưng bày về trận chiến thắng trên sông Bạch Đằng và thân thế, sự nghiệp của Ngô Quyền. Hậu cung là một ngôi nhà dọc 3 gian, bộ khung nhà bằng gỗ được trang trí hình rồng, hoa, lá... và đặt tượng thờ Ngô Quyền. Lăng xây cách đền khoảng 100m và phía trước lăng là một cánh đồng rộng, được xây kiểu nhà bia có mái che, cao khoảng 1,5m. Giữa lăng là ngai, trong có bia đá ghi 4 chữ Hán “Tiền Ngô Vương Lăng” (lăng mộ vua Ngô Quyền).

Đến với quần thể di tích làng cổ Đường Lâm, ngoài các đình chùa, đền đài, chúng ta không thể bỏ qua những ngôi nhà cổ ẩn mình, phủ màu ngói vẩy cá rêu phong với tuổi đời hàng trăm năm.Hội tụ trong ngôi nhà ấy là những phong tục, tập quán, tín ngưỡng... của làng quê Việt cổ truyền thống. Nhà cổ và những nét sinh hoạt đã, đang trở thành đề tài hấp dẫn, thu hút sự chú ý của các nhà khoa học và là nguồn cảm hứng sáng tạo những tác phẩm lớn về nghệ thuật hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh... Bởi những ngôi nhà ấy xây dựng bằng các vật liệu đặc trưng của vùng đất Sơn Tây. Đáng chú ý là các nhà cổ thường quay về hướng nam, xây bằng gạch đá ong - loại vật liệu sẵn có, bền chắc ở ngay trong lòng đất cổ, được khai thác đơn giản, dễ kiếm và chịu được mọi sự thay đổi của thời tiết. Giờ đây, đến với làng cổ, mỗi người không chỉ được tham quan các di tích, nhà cổ tiêu biểu mà còn được trải nghiệm, hòa mình vào thiên nhiên và tìm lại những nét đẹp trong phong tục truyền thống quý báu của dân tộc.

 L.P

  • Từ khóa
93433

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu