Nông nghiệp kỹ thuật cao và giấc mơ thương hiệu

Cập nhật: 26-05-2012 | 00:00:00

Nói đến Bình Dương, nhiều người đều nghĩ rằng, đây là địa phương gắn liền với phát triển công nghiệp, còn nông nghiệp thì không đáng kể bởi diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp trong những năm qua. Tuy nhiên, nơi đây đang có một chương trình chuyển dịch cơ cấu theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, kỹ thuật cao gắn với chế biến đầy triển vọng. Rồi đây, sẽ có nhiều sản phẩm nông nghiệp gắn liền với mác “made in Bình Dương” trên thị trường chứ không hẳn chỉ là những sản phẩm công nghiệp về may mặc, đồ gỗ hay là dày gia... 

Sản phẩm ớt chuông của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái (Phú Giáo) hiện đã có mặt trong chuỗi các siêu thị nổi tiếng (Đoàn giám sát của Ban Kinh tế Ngân sách - HĐND tỉnh tham quan Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái)

Từ đậu, cà và dưa, ớt

Theo ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp U & I, để dự án xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái được triển khai có hiệu quả, các cấp, ngành cần xem xét, hướng dẫn và phê duyệt cho công ty được hưởng những ưu đãi theo Nghị định 61/2010/NĐ-CP và Luật Công nghệ cao. Đồng thời có hướng hỗ trợ để chủ đầu tư tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi có lãi suất thấp dưới hình thức cho vay tín chấp. Còn đại diện Công ty Cổ phần Đường Bình Dương thì cho rằng cần có quy định ưu đãi đặc biệt cho dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có chính sách hỗ trợ về vốn, thuế, chi phí điện sản xuất và ngân sách phát triển ngành bò sữa phục vụ chuyển giao công nghệ cho nông dân...

 

Theo ông Lê Văn Rum, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì, tình hình phát triển nông nghiệp đô thị và nông nghiệp kỹ thuật cao trên địa bàn tỉnh hiện đã đạt được một số kết quả khả quan. Trong đó, tổng diện tích rau màu, cây cảnh đạt hơn 192 ha, đạt 64,23% so với mục tiêu của chương trình chuyển đổi trong giai đoạn 2011-2015. Riêng diện tích ứng dụng quy trình kỹ thuật cao là hơn 22 ha. Còn tổng diện tích cây ăn quả đặc sản là 1.139,6 ha, trong đó ứng dụng quy trình sản xuất kỹ thuật cao là 245,8 ha với các loại như: bưởi da xanh, cam, quýt, năng suất bình quân đạt 33 tấn/ha/năm. Bên cạnh đó, còn hình thành vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm ứng dụng kỹ thuật cao tại các huyện phía bắc của tỉnh.

Điểm nhấn của nông nghiệp kỹ thuật cao đặc biệt thể hiện ở việc quy hoạch và xây dựng 3 khu nông nghiệp với tổng diện tích 972,2 ha tại các xã An Thái, Hiếu Liêm, Tân Hiệp và Phước Sang. Trong đó, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái hiện đã có những thành công bước đầu đáng nể. Đó là một số sản phẩm nơi đây đã có mặt tại các chuỗi siêu thị lớn như Big C, Metro, Saigon Coop... và ký được những hợp đồng trồng trọt, liên kết chế biến xuất khẩu sang Nhật Bản với những sản phẩm như cà tím, đậu bắp, diện tích năm 2012 là 50 ha và đến năm 2015 là 200 ha, năng suất trung bình dự kiến khoảng 1.200 tấn/năm. Còn tính đến cuối năm 2011 vừa qua, chủ đầu tư của khu nông nghiệp này đã phát triển được hơn 80 ha trồng rau quả, cây cảnh và dược liệu ứng dụng kỹ thuật cao. Trong đó, nhiều mô hình cho thu nhập vượt trội so với các loại cây trồng khác tại địa phương như cao su, mía... Điển hình như mô hình trồng dưa và ớt chuông bên trong nhà kính, nhà lưới cho doanh thu 600 triệu đồng/ha/vụ, lãi 350 triệu đồng/vụ; cà tím cho doanh thu 400 triệu đồng/ha/vụ, lãi 250 triệu đồng/vụ...

... Đến bò sữa

Bên cạnh các sản phẩm nông nghiệp kỹ thuật cao, một dự án quy mô lớn về đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng kỹ thuật cao cũng đã được ra đời tại xã Phước Sang và Tân Hiệp (Phú Giáo). Theo ông Nguyễn Thanh Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Bình Dương (đơn vị chủ đầu tư) thì, dự án được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương từ tháng 6-2011. Hiện nay, công ty đang phối hợp với các đơn vị chức năng lập đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000 với quy mô 471,86 ha. Dự kiến vào tháng 6-2012 sẽ xây dựng vận hành trại mô hình kiểu mẫu (demo) nhằm mục đích đào tạo và chuyển giao công nghệ cho mô hình hộ gia đình nông dân với quy mô từ 10 - 30 con. Trong giai đoạn đầu của dự án khi chưa có trại chính, trại demo này sẽ đóng vai trò đào tạo và thực hành kỹ thuật cho công nhân trại bò tương lai. Về bò giống, công ty đã làm việc với các đơn vị nhập khẩu giống từ Canada, NewZealand, Australia và Thái Lan...

Sau khi làm việc và nghiên cứu kỹ, dự kiến vào đầu quý 3-2012, công ty sẽ ký hợp đồng nhập bò giống với một trong các đơn vị có nhập bò giống nói trên. Cụ thể, hết giai đoạn 1 (sau năm thứ 7 của dự án) tổng đàn bò sẽ là 1.500 con tại trại chính và hơn 1.000 con tại các trại vệ tinh do chính công ty cung cấp giống. Cũng theo ông Trung, dự án này còn tạo ra các cơ hội việc làm cho lao động địa phương như trồng cỏ, bón phân, gieo hạt, thu hoạch... Bình quân 1 ha trồng cỏ cần 130 công, chi phí 100.000 đồng/công và như vậy tổng chi phí phải trả cho trồng cỏ là13 triệu đồng/ha. Với hơn300 ha đất trồng cỏ dự ánsẽ có khoảng 234.000 ngày công/năm sẽ phải trả tổng chi phí tiền công là hơn 23,4 tỷ đồng/năm... Một khu nông nghiệp kỹ thuật cao nữa là Tiến Hùng với quy mô 89,95 ha tại xã Hiếu Liêm (Tân Uyên) cũng đang được chủ đầu tư triển khai xây dựng và thực hiện dự án nuôi gà dự kiến vào quý 3-2012.

Và giấc mơ thương hiệu

Để tiếp tục thực hiện tốt các dự án của chương trình chuyển đổi nói trên, trong giai đoạn 2012-2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đề ra nhiều giải pháp liên quan như: tiến hành quy hoạch các vùng chuyên canh nông nghiệp và nông nghiệp đô thị; hoàn thiện và đổi mới các cơ chế, thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản đặc trưng của Bình Dương...

Với những bước đi có sự phối kết hợp đồng bộ của nhiều ngành, cấp và chủ đầu tư mặc dù trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn nhưng kỳ vọng trong tương lai không xa, bên cạnh những sản phẩm công nghiệp “made in Bình Dương” thì sẽ có những thương hiệu nổi tiếng về nông sản trên thị trường trong và ngoài nước. Việc sản phẩm của Unifarm (Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái) đạt tiêu chuẩn Global Gap có chỗ đứng vững trên thị trường nội địa và từng bước vươn ra thị trường quốc tế được xem như “lá cờ đầu” cho nông sản ứng dụng công nghệ cao mang thương hiệu Bình Dương. Tuy nhiên, thương hiệu nói chung cho các sản phẩm của nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao Bình Dương có phát triển được hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của các ngành chức năng lẫn chủ đầu tư cùng với những bước đi cũng phải mang tính chiến lược

 KỲ TÂN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên