Thứ Bảy, 27/09/2014 11:37

Blaise Pascal là nhà toán học tài năng của nước Pháp. Tài năng của ông nảy nở rất sớm và ông đã tự mày mò nghiên cứu ngay cả khi chưa thực sự được đi học. Song, thật đáng tiếc, ông đã sớm từ giã cõi đời ở tuổi 39, để lại rất nhiều  tiếc nuối cho giới khoa học nói chung và giới toán học nói riêng. Những gì mà ông để lại cũng đủ làm danh tiếng của ông vang dội đến tận ngày nay.

 

Blaise Pascal (1623 – 1662)

 

Xứ Auvergne nước Pháp đã được đón nhận một sinh linh bé bỏng vào ngày 19 tháng 6 năm 1623. Chắc chẳng ai ngờ được sinh linh bé bỏng ấy sẽ làm rạng danh cho quê hương khi trở thành một nhà toán học nổi tiếng thế giới. Đó chính là Blaise Pascal. Ông may mắn sinh ra trong một gia đình gia giáo. Cha của ông - Etienne là một người say mê toán học và thường xuyên có những liên hệ với các nhà bác học ở Pháp thời bấy giờ. Đối với Blaise Paseal, người cha là chỗ dựa tinh thần lớn nhất của ông bởi người mẹ của ông đã qua đời năm ông mới tròn 3 tuổi.

 

Có lẽ thừa hưởng đức tính của cha nên từ bé, Blaise Pascal cũng đã rất có hứng thú với môn toán học. Năm lên 8 tuổi, Pascal cùng cha chuyển đến sống ở Paris, nơi tụ hội của những nhà bác học lớn ở Pháp. Blaise Pascal đã sớm được tiếp xúc với giới trí thức cao cấp của Paris nhờ những cuộc hội họp của họ ở nhà ông. Lúc bấy giờ, Blaise Pascal chỉ là một cậu bé nhưng đã nghe mê say những cuộc tranh luận về nhiều vấn đề khoa học khác nhau giữa bố và những người bạn thông thái của ông. Trong trí óc trẻ thơ của Pascal, một ước mơ bừng dậy. Lĩnh vực toán học lúc đó dường như là cả một thế giới bí ẩn và tràn đầy hứng thú đối với Pascal. Pascal muốn được học ngay thật nhiều kiến thức toán học.

 

Song cha của Pascal lại không muốn Pascal học toán sớm như vậy. Ông lo cho sức khỏe của đứa con trai vốn yếu ớt của mình. Ông sợ toán học với những phép tính rắc rối và những câu hỏi hóc búa sẽ ảnh hưởng không tốt tới Pascal. Ông giấu hết tất cả các sách vở và vật dụng liên quan đến toán học để loại trừ khả năng cậu bé có thể tìm tòi tự học. Người cha ấy không hiểu rằng, đó lại chính là nguồn sinh lực mạnh mẽ nhất mà con trai ông muốn được tiếp nhận. Quả thật, niềm say mê toán học khiến Blaise Paseal tự tìm cách tiếp cận nó theo  cách của một cậu bé có thừa trí thông minh. Pascal không có tài liệu, sách vở để đọc và học, vậy là cậu tự nghĩ ra các hình khác nhau theo tưởng tượng. Blaise Pascal say sưa vẽ lại các hình mà mình tự tưởng tượng ra, sau đó đặt cho chúng những cái tên vô cùng ngộ nghĩnh theo cách tư duy thơ trẻ lúc đó. Blaise Pascal  đã nghỉ ra được rất nhiều hình như: hình tam giác, hình bình hành, hình chóp ... Và Pascal gọi hình tròn là bánh xe, vòng tròn là cái vòng, hình bình hành là hình  vuông dài, v.v. Thế là khắp nơi trong nhà biến thành nơi thể hiện các ý tưởng về hình học bằng các hình vẽ. Trên sàn nhà, trên các bức tường dày đặc các hình vẽ  non nớt của Blaise Pascal. Paseal không chỉ vẽ ra mà còn nghiên cứu các tính chất của nó, dĩ nhiên là theo cách của một cậu bé thông minh.

 

Lúc này, người cha đã cảm thấy một năng lực đặc biệt về toán học của con trai. Cho đến một lần, khi Blalse Pascal đang hí hoáy vẽ một hình mới mà ông tự nghỉ ra và đang cố gắng tìm cách chứng minh một số tính chất của nó thì cha của ông bước vào phòng. Pascal buộc phải kể cho cha nghe thật tỉ mỉ những gì mà ông đã tự khám phá trong thế giới hình học đầy mê hoặc. Vậy là không cần đến sách vở, Blaise Pascal đã tự tìm đến với môn hình học bằng Cây gậy và bánh xe. Người cha xúc động nghẹn ngào khi nhận ra con trai mình là một tài năng toán học thực thụ.

 

Năm Blaise Pascal mới 12 tuổi, cha của ông đã trao cho ông tất cả các tài  liệu về toán học mà ông có để con trai ông có thể tự nghiên cứu. Bên cạnh đó, ông cũng luôn quan tâm hướng dẫn Pascal tiếp cận những kiến thức khó hơn. Chẳng bao lâu sau, Blaise Pascal đã là một nhà toán học trẻ có mặt trong nhóm nghiên cứu toán học, đã tìm được cho mình một người thầy lý tưởng, đó là  Descarte (1593 - 1662). Chính Desearte là người sáng lập ra môn hình học chiếu. Được dìu dắt bởi một nhà bác học lớn, Blaise Pascal đã nhanh chóng trưởng thành về mặt tri thức. Năm 1640, khi vừa tròn 17 tuổi, Pascal đã công bố luận văn mang tên Về tiết diện hình nón, trong đó có định lý Pascal - một định lý nổi tiếng. Từ định lý này, Blaise Pascal đã rút ra được gần 400 hệ quả khác nhau. Một trong những hệ quả khá quan trọng là: ''Tiết diện hình nón được xác đinh duy nhất bởi 5 điểm bất kỳ của nó''. Luận văn này là kết quả của việc Pascal ứng dụng lí thuyết hình chiếu từ một tâm của thầy - bác học Descarte vào việc nghiên cứu hình nón. Thầy giáo của Blaise Pascal vốn là một nhà bác học  uyên thâm và rất khắt khe trong khoa học nhưng cũng tỏ ra vô cùng hài lòng với  kết quả làm việc của Pascal. Descarte đã đánh giá cao định lý trong bản luận văn nêu trên và gọi nó là Định lý lớn Pascal. Hơn thế, ông còn coi tác phẩm ấy của người học trò thông minh Blaise Pascal đã bao hàm được nội dung của cả bốn cuốn sách đầu của Apolonius.

 

Có thể nói thời thanh niên là thời kỳ tài năng của Blaise Pascal nở rộ. Cũng năm 17 tuổi, Pascal đã nảy ra một ý tưởng táo bạo là làm máy tính. Ý tưởng này xuất phát từ sự chia sẻ công việc của ông với người cha của mình. Ông không muốn người cha phải mất quá nhiều thời gian và công sức vào việc tính toán phức tạp trong công tác tài chính. Một chiếc máy tính tự động sẽ giúp ích rất nhiều cho cha của mình. Năm năm sau, ý tưởng đó đã trở thành sự thật. Blaise Pascal đã chế tạo thành công chiếc máy tính làm được bốn phép tính số học rất tin cậy. Dĩ nhiên, nó chưa được nhanh nhạy lắm.

 

Pascal còn là người xác lập lý thuyết xác suất, một ngành toán học hiện đại có nhiều ứng dụng thực tế. Ông cũng là một trong những người sáng lập nên môn thủy tĩnh học. Điều đáng nói là những cống hiến của Blaise Pascal cho khoa học hầu hết đều ở thời kỳ tuổi ông còn rất trẻ. Ông quả là người tuổi trẻ tài cao. Song thật đáng tiếc, ông đã không được tiếp tục cống hiến cho khoa học ở quãng thời gian cuối đời, mặc dù, lúc đó ông vẫn đang ở tuổi thanh xuân. Năm ông 31 tuổi, một tai nạn xe ngựa đã bất ngờ xảy ra, khiến sức khỏe của ông bị giảm sút nghiêm trọng. Tình trạng sức khỏe như vậy khiến cho Blaise Pascal không thể dành hết sức lực và tâm huyết cho khoa học như trước. Ông buộc phải  nghỉ ngơi để giữ an toàn cho tính mạng. Hơn nữa, từ giữa năm 1659, do ảnh hưởng của nhà thờ, Pascal chấm dứt hẳn mọi nghiên cứu.

 

Năm 1662, lúc vừa  tròn 39 tuổi, Blaise Pascal – nhà toán học đầy tài năng của nước Pháp đã qua đời trong sự tiếc thương của nhiều nhà khoa học cùng thời với ông. Paris là nơi Blaise Pascal yên nghỉ giấc vĩnh hằng. Những kết quả nghiên cứu của Pascal vẫn luôn được ứng dụng và phát triển. Chúng ta nhìn thấy bóng dáng ông trong mỗi kiến thức chuẩn xác ấy.

 

 (Sưu tầm)